Sáng nay, tôi đọc báo TT, mà tức anh ách với nhiều bài về Giáo Dục... Thế là, nhân ra chơi, ngồi viết một mạch hai bài. Một là cãi Bộ hai là cự Sở... hehe, tôi chắc hai bài này của tôi cũng sẽ ...đi về nơi xa. Cho nên post lên đây để...câu comment cho cái blog ế nhệ của mình... Mại dzô!
Chúng tôi có ý kiến
Khai trường… hoa khẩu hiệu nở rộ!
(Thứ Ba, 06/09/2011, 04:51 (GMT+7)
Khai giảng không chỉ có hoa
TT - Khai giảng. Tin tức, hình ảnh đổ về từ cả nước. Những nụ cười náo nức, hồn nhiên của các em học sinh. Những bộ đồng phục mới xúng xính. Những quả bóng bay cao mơ ước. Những ánh mắt chất chứa bao hi vọng của các bậc phụ huynh. Trống khai trường nổi lên để khởi đầu những hi vọng tốt đẹp. )
Phải là người trong ngành giáo dục, đọc trang mục Thời Sự - Suy nghĩ sáng hôm nay 6/9/2011- một ngày sau ngày 5/9 – “Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường” mới hiểu thấu những ngậm ngùi đằng sau con chữ. Ta nói quá nhiều về hy vọng một xã hội nhân văn. Ta đã mở ra không biết bao nhiêu bàn tròn, diễn đàn, hội nghị để nói về Quyền Trẻ em, nói về mơ ước chấn chỉnh lại đạo đức, kỷ cương, giềng mối xã hội …vậy mà ở biết bao nhiêu vùng miền trong cả nước trẻ em chúng ta đã đến trường trong “ngày hội toàn dân” tham gia như thế nào? Và ngay trong buổi lễ khai giảng, đến dự cùng với Trường THPT Amsterdam- Hà Nội, chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã bày tỏ mong mỏi : các nhà trường nói chung và Trường Hà Nội - Amsterdam nói riêng trước hết phải tập trung dạy học sinh cách làm người, học văn hóa, lịch sử và truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam. Trước mong mỏi của chủ tịch quốc hội, chúng tôi tin, không ai là người trong ngành giáo dục, có chút suy nghĩ mà không phải cúi mặt. Bởi trọng trách của các trường học là gì? Chẳng phải là chúng ta phải đào tạo cho những thế hệ học sinh nên người hay sao? Nhưng thử hỏi, cũng từ những thế hệ công dân mà nhà trường đưa ra cho xã hội, ta đã đạt được cái mặt bằng chung cho nền văn hóa xã hội hiện nay như thế nào? Nói đi, thì phải nói lại , nhà giáo hiện nay là người làm nghề mà “thân bất do kỷ”- nói như ông bà ta là lực bất tòng tâm. Bởi họ chỉ là cái đinh ốc nhỏ nhất trong một cỗ máy giáo dục nói chung. Trong ngày đầu năm học, ngay tại thành phố Hồ Chí Minh- trung tâm văn hóa lớn nhất nhì cả nước, sở chủ quản ngành giáo dục đã gởi xuống các trường một văn bản “hướng dẫn trang trí” cho ngày hội khai giảng như thế nào? ( Văn bản số 1977/GDĐT-VP- ngày 16/08/2011) Nội dung văn bản thì “đá” nhau một cách buồn cười khi bên trên vừa yêu cầu buổi lễ khai giảng…phải được chuẩn bị chu đáo trên tinh thần ngắn gọn, súc tích… thì bên dưới lại có “chỉ thị” lồng ghép việc phát động hưởng ứng “tháng an toàn giao thông”và “tháng khuyến học” vào chương trình Lễ. Chắc chắn sẽ có trường “Mác hơn cả Mác” bằng cách “lồng ghép hoành tráng” và buổi lễ khai giảng sẽ biến thành buổi ngoại khóa an toàn giao thông và trình chiếu khuyến học vận động xã hội hóa một cách lê thê dưới trời nắng nóng. Cũng trong báo cáo của ngành về tình trạng thiếu hụt trường lớp, và trường lớp thiếu hụt cơ sở vật chất trầm trọng trước thềm năm học mới. Nhiều nơi phòng học tuềnh toàng, thiếu trước hụt sau. Lấy đâu ra một chỗ để dựng sân khấu để, cũng trong văn bản nói trên, Sở đã chỉ đạo cho các Trường trang trí trên sân khấu với 2 khẩu hiệu hoành tráng :
1-“đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế”
2-“Năm học tiếp tục đổi mới toàn diện nhà trường, hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi”
Đối diện sân khấu thì có câu:
3-“tất cả vì một nền giáo dục tiên tiến mang đậm bản sắc dân tộc”
Trong ba khẩu hiệu trên, thử hỏi, học sinh cấp THCS bao nhiêu em sẽ hiểu? Có nhà trường nào dành thời gian trong buổi lễ đó để “giải thích khẩu hiệu” cho học sinh của mình hay chí ít cho phụ huynh học sinh hay không? Chưa kể, những câu khẩu hiệu đó đều không có… chủ ngữ, không có cả đối tượng nhắm đến. Người ta có thể đặt câu hỏi: “ ai đổi mới?”, “ai là người hòan thành phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi?”, và “tất cả là tất cả nào cho một nền giáo dục tiên tiến….?”. Những câu khẩu hiệu như thế giăng mắc trong sân trường, chắc chắn sẽ che mất cái “bảng vàng: Tiên học lễ, hậu học văn”. Và như thế, trường học sẽ không còn là nơi như Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mong mỏi các trường nói chung tập trung cho việc dạy học sinh cách làm người. Ngay câu khẩu hiệu của Sở- nơi thừa hành quản lý giáo dục trực tiếp mà ra như vậy, mà lạ là cả ba câu khẩu hiệu nói trên đều không có việc “tập trung” này?
Không chỉ ánh mắt các em học sinh rạng ngời hy vọng, không chỉ ánh mắt phụ huynh chứa chan mong ước, mà còn có cả những nỗi niềm nhà giáo gởi vào trong tiếng trống khai giảng năm học mới 2011-2012 những mong mỏi sao cho nhà trường thực sự là nơi dạy người, dạy chữ. Nhưng muốn như vậy, tầm mỗi nhà giáo lại không thể đơn độc hành sự, mà cần lắm sự đồng bộ, sáng suốt của cả một cỗ máy giáo dục, và ta nên bắt đầu sự nhất thống này từ chính các chỉ đạo của ngành. Lâm Minh Trang ( Gò Vấp)
Chúng tôi có ý kiến
Giảm- có. Tải- vẫn nặng?
(Thứ Ba, 06/09/2011, 07:28 (GMT+7)
TT - Ngày 5-9, nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức lễ khai giảng năm học mới và Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. Bắt đầu năm học giảm tải)
Trong tuần lễ từ 22/8 đến 27/08/2011 hầu hết các trường trên địa bàn thành phố đã nhận qua hệ thống mạng Sở GD-ĐT và Phòng GD-ĐT nội dung chương trình giảm tải do Bộ GD-ĐT quy định dành cho năm học 2011-2012 ở các cấp học tiểu học và phổ thông trung học ( bao gồm Trung học cơ sở và trung học phổ thông). Trước hết, việc giảm tải chương trình là một trong hàng loạt những biện pháp mà Bộ GD-ĐT áp dụng cho năm học này như một cách làm đổi mới với mục đích nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho toàn ngành, là một việc đáng hoan nghênh. Chứng tỏ, những bức xúc của xã hội và của phụ huynh trước chất lượng giáo dục của nước ta đã được Bộ chủ quản quan tâm xem xét và cố gắng giải quyết. Thế nhưng, tìm hiểu cụ thể về nội dung chương trình giảm tải, mới thấy có nhiều vấn đề phát sinh. Đặc biệt ở nội dung chương trình giảm tải cho các bộ môn ở cấp Trung học cơ sở ( THCS) và cấp trung học phổ thông ( THPT).
Chúng ta ai cũng biết, bước vào giai đoạn THCS trở đi, kiến thức của các môn học được xây dựng theo lối liên thông. Bài trước có liên quan đến bài sau. Bài học của năm này có liên quan đến cả nhiều năm sau. Như vậy, giảm tải một số đơn vị kiến thức ở năm này theo hướng không dạy hoặc chuyển sang dạng đọc thêm, thậm chí có môn là “sinh họat ngọai khóa”, thì sẽ có tình trạng ở nhiều nơi, thầy cô và học sinh sẽ nhân đó mà bỏ trắng cho “nhẹ tải”. Như vậy đến bài sau, kiến thức này có liên quan, thì thầy cô lại phải gồng mình “tăng tải” để dạy lại và học sinh cũng phải căng mình để học những gì mình “trót bỏ”. Trong các công văn của các Sở hoặc của Phòng GD hướng dẫn việc thực hiện chương trình giảm tải của Bộ, cũng có chua thêm: Kiến thức nào nằm trong phần giảm tải nhưng có liên quan đến bài sau thì GV vẫn dạy, nhưng theo hướng giảm nhẹ … Ở đây, chúng tôi không hiểu, giảm nghĩa là bỏ vì xét thấy nó không cần thiết, nó thừa. Thế nhưng, đâu có điều gì thừa nếu như bài sau vẫn cần có kiến thức đó để vận dụng.? Như vậy giảm ở đây theo như cách ta tiến hành là thực sự gây khó khăn cho giáo viên và cho cả học sinh. Và nó mang đầy tính chắp vá, lộn xộn.
Vấn đề nảy sinh thứ hai đó là: Việc giảm tải gần như khoán hẳn trách nhiệm cho người giáo viên đứng lớp. Họ phải chịu trách nhiệm cân nhắc, xem coi đơn vị kiến thức nào cần để “vẫn giữ” và đơn vị kiến thức nào thực sự “phải giảm”. Mà để tùy giáo viên thì sẽ nảy sinh tranh cãi giữa các nhà giáo: anh bỏ thì bỏ, còn tôi thì không… ( Vụ trưởng của ngành giáo dục trả lời báo chí về việc “giảm tải” cũng khẳng định : Nội dung văn bản về việc giảm tải rất rõ ràng, cụ thể, không cần phải triệu tập giáo viên hội họp, thảo luận hay tập huấn…) văn bản ban hành hướng dẫn là một loại văn bản quy phạm pháp luật, nó không thể để tùy cho ai hiểu sao hiểu, muốn làm sao thì làm. Lại một lần nữa, ngay trên “sân bóng” của mình, Bộ chủ quản đã cho thấy cả một sự rối ren trong chỉ đạo và không thể “chiếm lĩnh” sân chơi như mong muốn.
Nhà giáo hiện nay đã rất khổ bởi nhiều quy định mơ hồ, tréo nghoe và trồng chéo nhau. Muốn giảm tải cho học trò thì phải bắt đầu giảm tải từ người thầy, vì đó là người sẽ chịu trách nhiệm chính cho việc giảng dạy tri thức cho học sinh. Khi người thầy phải loay hoay, gồng gánh, thì mong gì từ những gánh hàng xén lộn xộn đó, ta có một nền giáo dục đổi mới, phát triển toàn diện? Cho nên mới nói Giảm- có, nhưng tải- sẽ tăng là chuyện …nhân quả…
Lâm Minh Trang ( Gò Vấp)
P/s: Nguồn ảnh Google
Bài thứ hai đã được đăng lúc 10h52 phút Ngày 06/09/2011. Hihi! Thực ra mình không biết được đăng, cho tới lúc bị cấp trên "sờ gáy" :
http://tuoitre.vn/Ban-doc/454689/Giam --co tai---van-nang.html