Thứ Tư, 25 tháng 8, 2010

Entry cho tất cả những ai đang là con cái- nhân mùa Vu Lan...

CỔ TÍCH...

Tôi sắp bắt đầu kể cho các bạn nghe một câu chuyện cổ. Tôi đã nhìn thấy nhiều bạn mỉm cười. Cười, bởi có lẽ, ai lại đi kể cổ tích vào thời đại mà mọi tiện nghi điện tử đã làm cho những điều kỳ diệu tâm linh ở trên đời này như không còn hiện hữu. Cười, bởi ai lại đi kể cổ tích cho những người hoặc giả không còn tin vào cổ tích, hoặc giả mải chạy theo những tân kỳ hiện đại đã không còn thời gian dành cho chút mơ màng nào, phải không Bạn? Nhưng, trong những điều tưởng như viển vông đó, trong không khí đã nhẹ đi vì những quệt mưa nhiệt đới tìm về, một thứ thời tiết nhẹ mênh mang như Mùa Thu, tôi vẫn muốn kể cho các bạn nghe một câu chuyện cổ, và kể với hy vọng rằng: Nếu tôi có niềm tin và thật lòng tin vào điều gì đó, tôi nhất định sẽ truyền được niềm tin đó đến cho mọi người... Các bạn thân mến, chuyện cổ nào cũng bắt đầu bằng hai chữ " Ngày xưa" ( Ngày xưa có mẹ- Thơ Thanh Nguyên)

Khi con biết đòi ăn. Mẹ là người mớm cho con từng muỗng cháo.

Khi con biết đòi ngủ bằng tiết tấu. Mẹ là người thức hát ru con.

Bầu trời trong mắt con ngày một xanh hơn. Là khi tóc Mẹ ngày một thêm sợi bạc.

Mẹ đã thành hiển nhiên như trời đất. Như cuộc đời không thể thiếu trong con.

Nếu có đi một quả đất tròn. Người mong con mỏi mòn vẫn không ai ngòai Mẹ.

Cái vòng tay mở ra từ tấm bé. Cứ rộng dài khi con trẻ lớn thêm.

Mẹ là người đã đặt cho con cái tên riêng. Trước cả khi con biết bật lên tiếng Mẹ.

Mẹ! Cái tiếng gọi mà từ khi bập bẹ

Đến lúc trưởng thành vẫn không hiểu hết chiều sâu...

Bạn bè thân mến! chúng ta đã là những người khôn lớn, trưởng thành. Mải chạy đuổi theo công việc, bạn bè, chắc Bạn cũng như tôi, chẳng có lúc nào kịp ngồi lại với chính mình trong một câu chuyện cổ. Chúng ta không nhận ra mình cũng từng có một tuổi thơ, và cũng chính chúng ta đã tự mình viết lên những dòng cổ tích: Dòng cổ tích bắt nguồn từ bầu sữa mẹ, dòng cổ tích viết từ tao nôi thưở lọt lòng. Nếu có thể, chúng ta hãy ngồi lại bên đường đang rong ruổi để soi mình một lần vào đôi mắt Mẹ, chúng ta sẽ nhận ra sông dài biển rộng là đâu? Chúng ta sẽ nhận ra ta không chỉ lớn lên cùng bát cơm Thánh Gióng, lớn lên từ nồi đất Thạch Sanh mà ta đã lớn lên từ tấm lưng còng của Mẹ, lớn lên trên mái tóc ngày mỗi bạc đi của Người. Cổ tích đi ra từ nhân gian, từ  chính chúng ta, vì vậy xin đừng quên lãng nó:

Mẹ! có nghĩa là bắt đầu, cho sự sống, tình yêu, hạnh phúc.

Mẹ! có nghĩa là duy nhất. Một bầu trời, một mặt đất, một vầng trăng.

Mẹ chưa sống đủ trăm năm. Nhưng đã cho con dư dả nụ cười và tiếng hát...

Cái bóng dáng nhỏ gầy của Mẹ lặng lẽ bên ta trong suốt cuộc sống này, có lẽ là cái bóng vị tha và mênh mông nhất. Vị tha và mênh mông trước những vô tình và hờ hững của người trú ngụ. Vị tha và mênh mông đủ để dung chứa mọi vô thủy, vô chung. Và cổ tích là như vậy, là bắt đầu và có kết thúc, là hạnh ngộ và chia xa. Là những gởi gắm về nhiều thông điệp:

Chỉ có một lần Mẹ không ngăn con khóc.

Là khi Mẹ không thể nào lau nước mắt cho con.

Là khi Mẹ không còn...

Hoa hồng đỏ từ đây hóa trắng...

Chuyện cổ tích nào hình như cũng có hậu, có khép lại và có mở ra. Có những đọan buồn và có những khúc vui. Đan nhau trong cổ tích mà tôi kể cho các bạn nghe hôm nay cũng là những điều mất đi để mở ra những điều sẽ được. Tương lai của cổ tích là hy vọng và đem đến những điều hy vọng:

Rồi những đứa bé lại chào đời và lớn lên theo năm tháng.

Biết bao người được làm Mẹ trong ngày.

Tiếng trẻ thơ ngân nga gọi Mẹ trên quả đất này.

Thành thanh âm không thể nào vắng lặng...

Có thể câu chuyện cổ tích mà tôi mạn phép kể cho các bạn nghe ở đây rất không phù hợp. Song, như đã nói, vì tôi tin vào những điều nó gửi gắm, do vậy, cũng tin rằng các bạn sẽ đón nhận nó như tôi. Đón nhận để thấy luôn một điều rằng: Lưng Mẹ ta sẽ bớt còng đi, mái tóc sẽ chậm bạc hơn không phải vì chúng ta sẽ mang về cho Người tiền bạc hay danh vọng. Càng không phải do chúng ta mang đến những lời ngợi ca, những câu xưng tụng sáo rỗng, hời hợt. Mà chính là hình ảnh chúng ta đang mỗi ngày lớn lên cả về hình vóc, trí tuệ lẫn tâm hồn. Là chính chúng ta trong cách sống lương thiện, thảo ngay với mọi người chung quanh.

Vì lẽ đó, chúng ta hãy cố gắng giữ mãi trong tâm hồn mình một hình ảnh, một dáng vẻ, một biển trời về Mẹ của tất cả chúng ta. Xin hãy cùng tôi, hình dung một ngày nào đó, chẳng may hành tinh xinh đẹp này của chúng ta vắng hẳn đi không còn những tiếng gọi thân thương từ miệng của trẻ em hai tiếng Mẹ ơi!

Mẹ! có nghĩa là ánh sáng. Một ngọn đèn thắp bằng máu con tim.

Cái đốm lửa thiêng liêng. Cháy trong bão bùng, cháy trong đêm tối.

Mẹ! có nghĩa là mãi mãi. Là cho đi không đòi lại bao giờ.

Cổ tích của những ai còn mẹ là : " Ngày xưa có một cô công chúa hay một ông vua..."

Cổ tích của con là : "Ngày xưa có Mẹ!..."

Tôi cho rằng câu chuyện cổ này sẽ không bao giờ kết thúc. Bao giờ cũng là câu chuyện cổ đẹp nhất trong mọi chuyện cổ. Ở đó, nó cho tất cả chúng ta một bóng mát để quay về. Phải thế không các bạn?

 

 

 

 

Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2010

Entry chúc mừng Chị- mừng Hiếu... cho ngày đám hỏi của Hiếu

Sáng mai...Chị sẽ đường bệ đi cùng con trai, cùng bạn lễ, cùng một đòan "đủng đỉnh đùng đinh" với những quả hồng, hộp đỏ, để mần một vai- có thể nói là vai khó nhất, mới nhất và lạ lùng một chút trong đời: Mẹ chồng!
Sáng mai... Chị sẽ rất vui được sửa cà vạt cho Hiếu, vuốt nhẹ lại nếp áo cho con, chú ý đến mái tóc rẽ ngôi của cháu, sẽ tất bật mở ra, đóng vào các quả, hộp chờ đến giờ đại cát để lên đường làm nhiệm vụ lớn trong đời của một người Mẹ: Hỏi vợ cho con trai!
Sáng mai...
chắc chắn trong bao lo toan cho ngày "đại hỉ" của con trai mình, Chị sẽ có những khỏanh khắc rất êm dành cho nỗi nhớ về Anh. Êm vì đó là nỗi nhớ thôi không ray rứt nữa, bởi Chị biết tuy Anh đi xa, nhưng 30 năm qua vẫn chưa từng một ngày không bên Chị trong từng bước chập chững của con trai mình và hôm nay Anh chắc chắn đứng bên Chị, không lẫn vào đâu được, để tiếp thêm nghị lực và sức mạnh vào cái dáng bé nhỏ nhưng can cường biết bao của người vợ Anh yêu...
Sáng mai...Chị sẽ bắt đầu tiếp nhận một cô bé lạ hoắc bước vào nhà mình và gọi mình là Mẹ. Sẽ thay Chị, từ đây, chăm sóc cho con trai của mình ( đứa con trai Chị vẫn xem là bé, nhưng thật ra nó đã là chỗ dựa vững chãi cho "người dưng" từ lâu rồi) và nhận lại sự chăm sóc thương yêu của đứa con trai đó. Cái chăm sóc thương yêu mà trước giờ vẫn chỉ dành cho Chị...

Sáng mai... Chị sẽ nhìn thấy lại chính mình 30 năm trước trong hình ảnh cô bé e ấp đó. Sẽ thấy ánh mắt non trẻ đó nhìn mình đầy lo lắng, như chính Chị cách đây 30 năm... Chị sẽ nhìn thấy mọi điều với mình như mới hôm qua, hôm kia. Em tin, trên con đường thênh thang lộ lớn, êm mát lộ nhỏ sáng mai, Chị sẽ bình an nhớ về 30 năm trước, nhớ Anh- với lời thì thầm: hôm nay con trai chúng ta đã thực sự trưởng thành! Em tin, Chị sẽ có những nụ cười hiền hòa nhất, những dặn dò trìu mến nhất, những tâm sự chân thành nhất dành cho cô bé ấy và cho gia đình cô để từ hai gia tộc lạ xa, bắt đầu từ ngày mai, Chị và họ sẽ có chung một niềm vui, nỗi buồn, sự lo toan về đôi uyên ương trẻ ấy. Em tin- vì đã biết về Chị đủ để rất tin- trong vô số những bà mẹ thương con rất mực- Gió là một. Và trong một ít những bà mẹ chồng thực tâm coi dâu là con gái-Gió cũng sẽ là một...
Và em tin, sáng mai, Chị sẽ hạnh phúc thì thầm với Anh rằng: Em đã đi trọn "con đường" với niềm tin mà Anh để lại, dẫu chưa khi nào dặn dò. Rằng, em đặt tên cho con chúng ta là Hiếu, vì biết chắc, nó sẽ thay Anh, chăm sóc cho ông bà, cho mẹ bằng cả Anh Em cộng lại...
Em tin, nên thành tâm mừng Chị, mừng Hiếu...Ôm hai mẹ con thật chặt, bằng niềm vui chia sẻ thật lòng...


Mập M

P/s: Nguồn Ảnh Google và Mập M

Thứ Năm, 12 tháng 8, 2010

Entry post lại- Những chuyện tình tan vỡ...

For My love

Tình không những chỉ đẹp khi còn dang dở mà còn mắc cười nữa …

Tui đọc trong truyện , trong thơ, rồi coi phim bộ Hồng kông ( hồi thế kỷ  trước, phim Hàn Quốc ( bước sang thế kỷ này) -thường thì tui cũng hok mấy can đảm xem trọn bộ ( tui khóai phim Hành động Mỹ hơn ) nên ví dụ phim có 30 tập thì tui mướn tập 1 ( coi để biết diễn viên – bao giờ cũng “ ra hết” ở tập 1 ), tập 5 ( để bắt đầu quá trình tay ba tay tư , tình –tiền-thù hận), tập 15 để biết thêm diễn tiến, tập 25 để coi các nút thắt…cổ lên cao trào và tập 30 để biết kết quả -thấy sao người ta iu nhau mừ vất vả wá, vật vã wá, iu gì mà tới lúc rã đám lại nhớ nhau khôn nguôi, nhớ đến đời con, đời cháu luôn nữa. Rồi đâm ra “yêu wá hóa hặn” – trút lên đầu con cháu, thiệt là tội nghiệp tụi nhỏ. Trong mấy phim tui coi, tội ơi là tội, nước mắt đâu ra mà họ khóc wá chừng khóc, khóc từ tập 1 khóc dài dài cho đến tập 30, khóc hòai hok lo làm ăn gì hết từ ông Tổng giám đốc đến bà nhân viên PR …Tui ngồi coi phim cứ “bình lọan”: Ở Mĩ mà cứ tới chỗ làm là khóc thì nó “cảm ơn” sớm rồi! Ra lề đường ở hết ráo rồi! Mẹ tui với chị hai tui khóai phim bộ, khóai các bi kịch nên cứ la tui là “kém văn hóa” coi phim mà cứ “dành viết kịch bản”, bị tui cứ nói trước cái gì zí tỉ như: Tập sau nó tát nhau nè nghen – là tát thiệt hay tập tới nó bắt gặp tình địch

đang ở với tình nhơn là y chang. Tui coi phim rồi đối chiếu với “thực tế sinh động” là mấy cái chiện tình iu của chính tui, chính bạn bè tui ,tui thấy sao “đời chẳng như phim” nên cách đây mấy tháng, định viết một cái “lựng án tiến sĩ giấy” đầu tiên về đề tài tình yêu trong đời tui. Chưa kịp viết xong , một “phản biện” đã sơ tuyển và nói: Dẹp! thì tui chẳng mấy chi dè dặt cái “mối tình đầu” đó mà dẹp liền. Nhưng …cũng hơi tiếc, nên hôm nay tui quyết định “chuyển thể” từ “lựng án” sang “hồi ký” để viết lại cho con cháu đời sau biết tui cũng đã bị “tan vỡ” đến mấy chục “mối

tình đầu” mà tình nào cũng đẹp như mơ, song tui đâu thấy tui vật vã , “ thù hặn” gì ai đâu , thậm chí , khi nghĩ lại còn mừng cho “người dưng thóat tội” nữa chớ. Tui thấy tui iu hàng tỉ người một cách rất đơn giản, cứ anh nào chở nổi tui là tui “cảm mến” liền, trong hàng tỉ đó cũng có khỏang vài ba anh “xui”, nên cũng “cảm mến” lại tui. Và tui nhớ nhất có hai mối tình đã “tan vỡ” trong hòa bình mà nay nhớ lại thấy cũng buồn cười, thấy nó dở dang mà dễ thương. Mừng cho người,

mừng cho mình , nên nhỏ “thuốc đau mắt” để kể rằng :

-Chiện 1 : Thời khó khăn, tui hay zô Chợ Lớn mua giấy về cho wán photocopy của trường. Đi mua riết thế là thành “mối wen” của các hàng giấy. Trong số đó có một anh chàng người Hoa, chủ tiệm giấy, rất chất phác và tỏ ra có “cảm tình” zí tui. Người Hoa hay lắm, có cảm tình zới ai là họ dắt đi ăn ( chắc họ biết câu châm ngôn: con đường đi vào trái tim ngắn nhất là đi xuyên qua cái bao tử ). Anh chàng này không những dắt tui đi ăn, còn dắt tui đi uống cà phê ở tiệm một ông Tàu già rất đặc biệt. Cà phê không uống ly mà uống zô một cái tô trẹt . Ăn uống đâu chừng chục lần, chắc ảnh thấy “hao” nên dắt tui về nhà ăn ( mẹ tui “hoan nghênh” dữ lắm, nói tui cứ “công khai” tật xấu cho người ta biết, chớ không thôi sau này người ta nói mình lừa ). Sau khi ăn cơm khỏang vài lần, ảnh dắt tui đi uống cà phê và nói một cách rất khổ sở: Má ngộ nói, nị làm cái chi cũng lẹ làng ( ăn lẹ, uống lẹ, rửa chén cũng lẹ), má ngộ ưng cái pụng lắm. Ngặt “có liều”, má ngộ nói nị nói nhanh wá. Sau này lỡ nị chửi, má ngộ nghe hổng kịp chắc má ngộ tức chết lớ! Trời , lý do gì ngộ vậy, tui mới cười cười nói: Nị zề nói zí “mà má” của nị “lừng” có lo, ngộ nói nhanh chớ lúc ngộ chửi là chửi chậm lắm! Tui tưởng “trấn an” vậy là ảnh sẽ mừng. Nào dè ảnh tức đỏ mặt, ngồi uống ừng ực hết bình trà xong mới nói zí tui: Zị thì nị li mà kiếm cái nhà khác lể chửi li nghen! Và không nói tiếp thì ai cũng biết, thế là “xong phim”, thế là chưa kịp có câu “ngộ ái nị” thì đã “ngộ lường ngộ ,nị lường nị” rồi. Mà sau đó hok hề có óan giận, trách hờn gì , “công tư phân minh” trường tui vẫn mua giấy của tiệm ảnh ( có điều tui không đi mua nữa mà để người khác đi và giá giấy cũng lên xuống thất thường hơn hồi tui đảm trách) .

-Chiện 2 : Cách đây đâu gần chục năm thì tui bị một cơn đau bao tử tưởng chết, số kí lô cơ thể tụt dốc một cách kinh khủng, nhờ vậy được cả dáng lẫn da. Trong thời gian này wen được với một anh chàng ở TT ngọai ngữ, hiền lắm, con nhà gia giáo mà gia đình ảnh lại ở nước ngòai hết, còn ảnh hok biết kẹt sao lại ở lại. Sau này mới biết ảnh là con trai một, nhà đi vượt biên sợ nguy hiểm nên để ảnh lại cho nhà nội. Wen tui rồi, ảnh kể sao đó, má ảnh – một bà mệ Huế - tức tốc bay về VN. Thời đó cũng còn khó khăn, mà mẹ tui cũng ráng làm “mâm cao cỗ đầy” mời “người ta” một bữa cơm thân mật. Tui có dặn mẹ tui: con hok có biết nấu món nào hết đâu nghen, mẹ đừng “làm bộ” nói, người ta tưởng thiệt, tội nghiệp! Bữa cơm trôi wa một cách “nặng nề”, vì nhà tui vốn “bình dân” lại ham nói, ham giỡn , cứ tới giờ cơm là cha con, chồng vợ thi nhau nói, kể, chọc ghẹo nhau, ồn như cái chợ. Nay ăn cơm “cung đình” nhai cũng nhai nhè nhẹ, cười nói cũng phải “gia giảm”,

nhìn gia đình tui ăn uống một cách "bứt rứt" mà tui thương đứt ruột. Riêng phần mình, thiệt tình tui ăn mới có phần ba bụng là đã ngán ngược nên bỏ wa bàn con nít ngồi chung zí mấy đứa cháu. Lúc đó “mình mới thiệt là mình”, vui ơi là vui, tui ăn thêm được hai phần bụng nữa, chỉ có các cháu là rầu. Bà chị tui cứ phải đứng lên ngồi xuống tiếp thêm đồ ăn wa bên này để các cháu khỏi “thiệt thòi”. Mấy bữa sau, má ảnh về lại bên kia, ảnh mời tui ra wán nước, mếu máo nói: Mạ nói là mạ

già rồi, hay chóng   mặt, mà nhìn bồ ngồi với mấy cháu “múa đũa với múa mỏ” mạ sợ wá, mạ nói thương mạ với con ơi! Trong bụng tui đã buồn muốn chết, nhưng ráng vớt vát: Nhưng còn anh, anh sao? Đến lúc này chắc ảnh “kiềm chế” hết nổi, mếu máo to hơn: Anh …anh còn bị chóng mặt nặng hơn mạ …anh nữa! Hic! 

Hai mối tình wá khứ của tui, bắt đầu thì khác nhau nhưng “giữa wãng” thì đều có mấy bữa ăn và kết thúc nào thì cũng diễn ra ở một quán nước. Bi giờ ngẫm nghĩ lại mới thấy, không chỉ nước gắn liền với tình iu (chỉ khác là trong phim thì nước mắt còn ngòai đời thì nước …cà phê , sinh tố …tá lả) mà tình iu còn gắn với thức ăn nữa. Tui nhớ là tui cũng buồn nhưng tui cũng nhớ rất rõ là tui hok khóc lóc gì hết, chỉ thấy mình cười suốt trên đường về nhà. Tui kể cho lũ bạn “trời đánh” của tui nghe. Tụi nó nắm tay tui chặt lắm , an ủi: Thôi , coi như số nhà người ta hên, chưa đỏan. Mày đỡ mang tiếng “sát mẹ chồng”. Cái số mày thiệt lận đận, cái này kiu bằng là cái số “đáng đời” …tui sống trong sự “an ủi chân tình đó” của bạn bè, hok dám kể thêm cái cách an ủi của gia đình tui, sợ “đời sau học tập” rồi “làm tới”, “ở giá” cả đám thì “ăn hặn”. Riêng phần mình, tui “tìm wên trong ăn uống” và ngẫm ra: Con đường ngắn nhất để dẫn tới mà cũng giết chết tình iu là thông wa cái bao tử! Hic !

Tình vẫn đẹp cho dù dang dở và vẫn vui khi ta thấy buồn cười !

Thứ Sáu, 6 tháng 8, 2010

Entry cho N.Nhi và T. Nguyên... Với tất cả sự thương mến của Mập!

 

Thư cho mai sau

Gởi những đứa con gái, con trai giỏi giang yêu quý!

          Từ phi trường Con Gái gọi về từ giã trước giờ lên máy bay. Sư Mập ngỡ ngàng một lúc, rồi mới có thể khỏa lấp sự nghẹn ngào của mình bằng những câu đùa tếu rất ngô nghê. Bởi Sư Mập hình dung, nơi cái sân bay-chợ náo nhiệt những dùng dằng đi-ở đó, bà nội, ba má, em gái cưng và các chú bác của Con ( hy vọng có cả một ông bố nuôi “nho nhỏ cái đuôi gà cao”- nhưng Q. không “đeo cái dải yếm đào”, Hic!) đang đặt ra ngòai mọi quan tâm khác mà chỉ dán mắt vào Con- người chỉ ít phút nữa sẽ “nghìn trùng xa cách” với rất nhiều niềm thương nỗi nhớ. Sư Mập hình dung, để, không làm sao có mặt ngay nơi đó, nên không làm Con Gái nặng gánh thêm bằng những nghẹn ngào riêng của mình. Con Gái rất yêu! Cảm ơn Con, trước giờ lên máy bay, bịn rịn với nhiều thương mến, vẫn kịp dành ra cho Sư Mập tệ hại này một lời chào. Sư Mập hiểu luôn, Con không chỉ muốn từ giã, Con còn muốn gởi gắm luôn “hai thân già” là bạn yêu qúy của Sư Mập, gởi gắm luôn đứa em gái rất cưng mà Con hông muốn chia xa…Sư Mập đọc ra trong lời chào đó của Con một nhắn gởi:  Bà nhớ tới chơi thường, tấu hài cho “mí ngừ” đó bớt…nhớ tui, nghen Bà! Và Sư Mập, trong lời chia tay –cố mà tếu táo với Con- đã thầm Dạ! một tiếng dạ không rân trời, nhưng hiểu hết sức nặng mà từ đây mình phải chia sẻ với Con…Con Gái!

          Và đây Con Trai…cũng chỉ có hơn 10 ngày nữa, Con cũng sẽ

ra đứng nơi cái chợ-sân bay này để làm động tác “chào từ giã” những người thân yêu như “chị Con Gái” kia đã mần để tìm về một xứ sở mà Con biết nó sẽ cho con cơ hội : “Học như con muốn!”. Con cũng sẽ ra đi trong nhiều thương nhớ của hai bên nội, ngọai, ba má và các dì cậu cùng các em của con. Ra đi trong hành- trang- thương- nhớ có thêm mội nỗi nhớ-chưa quen từ Dì Mập, từ ngày Con trót “xui rủi” wen biết Dì. Ra đi và Con biết, từ nay, mọi việc con làm, mọi đường Con đi sẽ do con tự chọn, tự quyết, tự chịu trách nhiệm, và Con cũng biết luôn đó chính là cái mà Con muốn khi Con được cho cơ hội này.

Con Gái, Con Trai thương mến!

          Sư Mập không có bà con cật ruột gì với hai Con, chỉ là “một người wen, vô tình các Con nhận lấy”, nên khó mà có thể “chất” thêm vào hành trang của các con bất cứ gánh nặng nào. Ba má các con đã không, ông bà hai bên cũng không, nên Sư Mập lại càng không. Mọi người chỉ muốn các Con, khi có cơ hội, hãy thỏa sức học, thỏa sức tiếp thu những điều đáng học, vì đó là những tài sản vô giá mà không ai có thể kiếm ra cho các Con ngọai trừ chính tụi con. Mọi

người- cũng như Sư Mập- tuy không nói ra, nhưng cũng thầm mong rằng: Trên con đường “thỏa sức”đó, các Con sẽ là những Con Người xứng với hai chữ của nó khi được viết hoa. Riêng Sư Mập- vẫn muốn “tham lam” thú nhận thêm một điều. Một điều mà nếu Sư Mập nói ra, e là sẽ bị “ném đá” bởi cái viễn vông của nó. Nhưng nếu Sư Mập hông đựơc nói, thì e là Sư Mập sẽ “tự ném đá” vào chính mình. Đó là: Các Con là những đứa trẻ may mắn, trong hàng triệu triệu đứa trẻ bị đưa ra làm “thí nghiệm” rồi “thí điểm” và cuối cùng là “thí luôn” bởi một nền giáo dục không giống ai từ những cái đầu “ không bình thường” của những kẻ “lôm côm” nhưng “cộm cán”. May mắn vì tuy là “nạn nhân” nhưng các Con lại có cơ hội để “tự cứu mình” trước khi “khỏi cứu” so với nhiều đứa trẻ khác. Bằng vào cơ hội đó, Sư Mập- trên tư cách của một kẻ cũng tham gia “nhiệt tình” vào cái nền giáo dục “không không không wài” đó- chỉ xin các con một điều rằng: Ngày nào đó, khi công đã thành, danh đã tọai, khi thời gian xa cách với các Con đã đủ lâu và khi "biển đã giúp nối lại các miền mà nó trót chia ra", các Con muốn làm nhiều hơn một điều gì đó cho cộng đồng, thì xin hãy nhớ đến cộng đồng những đứa trẻ Việt Nam. Hãy quay về, nếu các Con thấy việc “quay về” đó có ích, để góp một tay “sửa sai” cái mà Sư Mập và nhiều người khác đã trót bày hày ra hôm nay. Sư Mập tin, tới thế hệ của tụi con, hấp thu được những tinh hoa xứ người, các Con sẽ công bằng, khách quan và khoa học hơn cho việc phải “dạy con người ra sao” trước khi “đẩy nó” thành Người …không ra sao…Sư Mập cũng tin, tới ngày đó, khi các Con bắt tay làm, thì những cái đầu “lôm côm mà cộm cán” như Sư Mập hôm nay đã “đi chỗ khác chơi” hết rồi… hoặc có còn ngồi đó, thì cũng chỉ ngồi trong các Viện Dưỡng Lão …đếm lá mùa thu rơi mà lảm nhảm : Mỗi năm, khi trên không bàng bạc những đám mây và lá ngòai đường rụng nhiều… thì trẻ em không còn nháo nhác “sợ” tới Trường, người lớn của trẻ em không còn nhác nhác…gấp đôi vì “cái sự sẽ tới…trường” của con em mình…Tất cả sẽ hòa vào niềm vui “được đến trường” gặp Thầy, gặp Bạn, gặp tri thức, gặp nhân văn, nhân ái, nhân quần… Sư Mập tin, ngày đó, nếu còn ngồi đâu đó- lề đường uống cà phê cóc hay Viện Dưỡng Lão nào đó, thì sẽ cười móm mém nhìn tụi Con đứng trên những chỗ xứng đáng, hân hoan tuyên bố : Năm học mới bắt đầu!  bằng một niềm vui thật từ đáy lòng trào ra…

          Và bởi “viễn cảnh huy hòang” đó, cho phép Sư Mập hôm nay, khóc lên một tiếng khóc mừng để tiễn chân tụi Con lên đường du học với rất nhiều thương mến và an tâm…

          Yêu tụi con với tất cả tấm lòng và Sư Mập xin được ôm tụi Con bằng cánh tay bầm dập nhưng trái tim thì vẫn còn khá …ổn của mình…Mong cho  “chân cứng đá mềm”, mong cho “gai đời” đừng quá nhọn…với tất cả những đứa bé giỏi giang, ngoan lành như tụi con…Yêu mến đầy vơi!

 

Thứ Hai, 2 tháng 8, 2010

Entry cảm ơn ...băng đảng của lòng ...Mập...

“Buôn có bạn, bán có phường…giang hồ cần có băng đảng…hehe!”

Chủ nhật 01/08/2010 là một ngày gứt đẹp chời…định chở SuMô đi học, thì trốn luôn …việc nhà mà lang thang chợ sách…Bạn gọi về đòi mua môt số sách từ hồi …tắm mưa. Lâu rồi, “Người” không có “đòi hỏi” gì “đáng kể”, nay có “nguyện vọng” nên phải đáp ứng…Hic, thiên bất dung…làm biếng…vừa ra khỏi nhà được 100m, một chiếc taxi trờ từ trong hẻm ra quá nhanh ( mà chắc Mập cũng đang lơ đãng) thế là…ầm…

Kết quả: Bàn tay trái dập, bị một vết cắt ngay ngón út khỏang 1.5 cm, máu chảy rất tươi tắn ( Bạn nói là nhờ hiến máu nhân đạo 28 lần!). Nghe đau như ai đập khắp nửa vùng bụng trái, cẳng chân trái run bần bật vì đau và nguyên cái mặt thì …lung lay sau khi “đập thử” vào kiếng chiếu hậu xe Taxi. Nhìn sang SuMô mặt xanh lè, Mập vẫn còn tỉnh, nén đau, tắt máy xe quay sang rờ rẫm khắp người cháu coi có bị sao không trước khi không gượng nổi ngồi bệt xuống hành lang nhà người ta và sắp xỉu vì đau…

Hậu Quả: Anh Taxi làm dữ, nói Mập chạy ẩu ( hic! Mập nổi tiếng trong xóm là chạy chậm…phát ghét, điều này có Chị Hà, Chị Cẩm Minh,CNB và PN làm chứng, vì Mập chở nhiều lần òi!), đòi làm…ăng kết. Mập đau quá, mắc lo cầm máu hông thèm trả lời. Má thằng Bờm sau khi cầm máu cho Mập xong chạy về kêu công an Phường…

          Đầu tiên là đám bạn xe ôm nghe tin, chạy tới. Sau tới hai anh Công an Phường, rồi hàng xóm láng giềng…Mưa bắt đầu rơi, ai nấy thấy Mập ngồi ở lề đường là mặt mũi hằm hằm…anh chàng Taxi bây giờ mới biết mình…dại, đụng trúng ổ Chị Hai Phú Nhựng mà hem hay…Mấy anh xe ôm sừng sộ, đòi đập xe, có cả một nhỏ bạn chung xóm giờ là Việt Kiều ( nhưng không yêu nước- Nó nói vậy đó!) mới về, chạy ra ( Ở Mỹ lâu mà nó nói y như giọng Dziệt Lôm: Xe anh là taxi đụng xe honda là anh lỗi!???), anh công an thì hất hàm hỏi: Bi giờ tính sao, câu xe về Phường rồi tính… Anh taxi xanh lè mặt ( độ xanh hông kém Sumo), xin lỗi rối rít, móc bóp tính đưa tiền mua dầu xoa bóp…Lúc đó, Mập mới thều thào lên tiếng ( Vì Mập cũng thấy mình có lỗi, chắc do lơ đãng hông “phát hiện” xe ảnh trờ ra- nhưng Mập chỉ nói trên blog thôi, còn ngòai “hiện trường” lúc đó thì “ngu sao nói”!): Tui hông cần tiền của Anh! Chỉ trách Anh hông có tình người. Suốt từ này đến giờ, Anh chỉ lo giữ xe tui, còn chưa nghe hỏi han tui một tiếng! Đám bạn xe ôm gầm lên tính mần dữ, Mập lại phải can…rốt cuộc đừơng ai nấy đi. Taxi còn phải chở Mập dìa tới tận nhà…( Ghi chú thim một chút: Nhìn cái hông xe Ảnh móp một miếng chà bá mà thương…)

Kết lựng: Về đến nhà mới thấm đau, nằm li bì từ sáng đến lúc Chị Bác sĩ “hồi gia”…à lộn, “tại gia” đến nắn bóp vô mấy chỗ bầm, đau đến điếng người phải mở mắt ra …hét…Nhìn ánh mắt thương hại của Chị mà thấy đời …đỡ khổ. Chị phán một câu mà từ má Nga đến Lu Su Bờm xanh lè mặt: Mập nghỉ mần, dưỡng thương 1 tuần. Nguyên phía trái giữ yên, chườm đá, uống Panadol chống đau…Hết! Nghe xong câu này, Mập lại …ngủ tiếp. Mặc mọi người chườm chiếc, xoa xiếc gì đó…

          Buổi xế chiều, nhờ Bờm chạy vào multi đưa tin cho “người” vì một chuyện gấp khác. Thằng Bờm loay hoay mãi không vào được PM, thế là nó treo note…Treo xong không cần biết có được không, nó thóat ra rồi chạy đi chơi. Đến 22h40 đêm thì CNB gọi lên hỏi thăm. Lúc này đã ăn được 1 chén cháo( không hiểu sao phải ăn cháo?) mới tá hỏa chuyện thằng Bờm treo note, nhưng không sao lết ra máy để coi coi nó nói cái gì…Đến trưa hôm sau nó về thăm, mở máy ra Mập mới thấy cái note đúng xì tai Bờm( Bác Pink mắng nó nghe vừa mắc cười vừa …đáng đời) và đọc cho nó gõ vào mấy hàng thông tin để các Anh Chị, các Bạn không sốt ruột. Và rất cảm động khi nhận được sự thăm hỏi ân cần . Chị Holanhuong chạy vào đầu tiên thất thanh, lo cho cái đầu của Mập “có vấn đề” ( Chị Hương yên tâm, em vẫn nhớ em hứa mua tặng chị một đôi dép râu model mang mùa mưa và xin chị hai cái wần về tháo ra ráp thành ba cái hehe!). Minh Ròm Oslo

còn tống cả một cái PM về “la hét” Mập…Hay nhứt là Chieuchieu tỷ tỷ đã “đóan” ra “bi kịch” của cái taxi bị Mập tông và chị Pink-heart “nâng quan điểm” về vụ “đổ thừa” lún đường thành hố cho Mâp- chắc Pink có em út mấn bên công ty cầu đường? hehe! Mẹ BB mắng cho một hơi! Khánh Lam thì lo ngại Mập “nằm một chỗ” rồi “đòi ăn” nên đã “cảnh báo sớm”! Đến Chị Gió thì động viên bằng cách “đưa mồi ra dụ…mau khẻ cho nhậu”. Gió còn gọi điện thọai từ một “số lạ” để hỏi thăm ( Em nghi số này là điện thọai của Trường- nghĩa là Gió lôi em vào hành vi tham nhũng có yếu tố khách quan, hihi!). Chị Yến thì “ăn bớt” chút đỉnh giờ làm việc gọi tới han hỏi và cũng mắng cho mấy câu…Anh Thedung và chị Banglangtim gọi điện thăm, sợ “tốn tiền” Anh Chị nên Mập em chưa kịp nói hay là mấy tuần nay mình bàn tán wá nhìu về chiện Tình yêu của Độc thủ Tây Cuồng Dương Quá- Tiểu Long Nữ, mà đại hiệp giận, xô nhẹ em một cái cảnh cáo?... HoasiNgodong thì mừng thấy em vẫn…ba lơn, Anh Năm Dũng, Comieng và Thithao ở rất xa vẫn “chạy về” han hỏi…Cả Uyển Văn ở Trà Vinh, Doankimngoc, Cuaso và Hoanglangtu- các em Mập mới vừa làm wen được…cũng hỏi thăm…

Hic, rất cảm động khi được bè bạn chung xóm “hù” giúp anh Taxi và “khiêng” Mập về nhà. Rất cảm ơn các Anh Chị, các bạn đã wan tâm em và wan tâm tới các “đối tượng” bị em liên wan trong cú va đập này. Em phát hiện không gì bằng “chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”, mấy bạn xe ôm thì hông nói, chớ mí anh công an phường đi họp tổ dân phố hay bị Mập ý kiến này nọ, hôm đó cũng dễ thương …hông ngờ luôn…cho nên hỏi sao băng đảng không bành trướng, vì Mập em nghiệm ra rằng …có băng đảng là rất vui, nhất là khi ta nhận được từ băng đảng đó những chân tình mà e trong “cõi đời ô trọc” bây giờ, hiếm khi tìm thấy…

Trân trọng cảm ơn…Cảm ơn cả giang hồ blog cho em có may mắn “va trúng” các bạn một lần… Một lần thôi cũng đủ hắt hiu òi…Hihi!

P/s: Entry này em lại phải nhờ Thằng Bờm gõ hộ, thằng này chơi game bằng hai tay thì giỏi chứ gõ  chữ thì mổ cò, luộc ốc nên rất củ chuối. Nó vừa gõ lại vừa hỏi “ý nghĩa” của đọan gõ và đòi phân tích nên làm Mập rất mệt và cáu. Văn chương không bóng bẩy như mọi lần. Mong cả nhà thông cảm…