Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

Entry for 05 September, 2011- Cho mùa khai giảng thứ 28 của Tôi...

 

Có một chiều tháng năm

Đỗ Trung Quân

“Thầy còn nhớ con không?”

Tôi giật mình nhận ra người đàn ông

áo quần nhếch nhác                                    

Người đàn ông gầy guộc ngồi sau tủ thuốc ven đường

“Thầy còn nhớ con không…?”

Câu lập lại rụt rè rơi vào im lặng

Hoa phượng tháng 5 rơi đầy vỉa hè

Rụng xuống trên vai thầy học cũ.

“Không… xin lỗi… ông lầm

Tôi chưa từng dạy học

Xin thối lại ông tiền thuốc…

…cám ơn…”

Cuộc sống cho ta nhiều quên, nhớ, vui, buồn

Thầy học cũ 10 năm không lầm được

Thầy học cũ ngồi kia giấu mình sau tủ thuốc

Giấu mình trong hoa phượng rụng buồn tênh.

Còn biết nói gì hơn

Đứa học trò tôn sư

Người thầy cũ lại chối từ kỷ niệm

Chối từ những bài giảng dạy con người đứng thẳng

Biết yêu anh em – đất nước – xóm giềng…

Đứa học trò vào đời với trăm nghìn giông bão

Bài học xưa vẫn nhớ mãi không quên

Và chiều nay…

Bên hè phố im lìm

Vành nón sụp che mắt nhìn mỏi mệt

Câu phủ nhận phải vì manh áo rách?

Giữa phố đông người quần áo bảnh bao

Tôi ngẩn ngơ giữa phố xá ồn ào

Những đứa trẻ con tan trường đuổi nhau trên phố

Mười năm nữa đứa nào trong số đó

Sẽ gặp Thầy mình như tôi gặp hôm nay?

Thôi,

Cầu mong cho các em ngày mai

Không có kẻ nào nhận Thầy được trả lời bằng

“…ông lầm…xin lỗi…”

          Mùa Thu- mùa không thể có ở thành phố của tôi vốn chỉ mưa nắng hai mùa. Cho nên, không năm nào khai giảng với tôi được hoan hỉ trong cụm từ “Mùa Thu khai giảng”. Cái nắng cuối hè gay gắt vẫn còn. Sân trường chật hẹp với mảng cây xanh hiếm hoi thường bị che đi dưới những mái lều xanh đỏ trong ngày đầu năm học mới trông chẳng ra sao. Đã vậy, những quệt mưa nhiệt đới, những vệt bão áp thấp khởi đầu liên tục đe dọa cho ngày khai giảng- Ngày mà dẫu đã 28 năm quen thuộc, thậm chí nhàm chán bởi những thủ tục “như nhau từ trên chỉ xuống”, tôi vẫn cứ dành lòng cho những bồi hồi. Và bởi cái bồi hồi đó, tôi chọn một bài thơ rất cũ của Anh Đỗ Trung Quân- bài thơ không hiểu sao cứ lởn vởn trong đầu tôi mấy hôm nay- để làm bài viết cho năm học mới trên blog của mình.

            Càng ở lâu năm trong ngành giáo dục, càng tiếp xúc không chỉ với đội ngũ nhà giáo mà còn  có cơ hội tiếp xúc với học sinh và phụ huynh học sinh, tôi càng nghiệm ra nhiều điều rất đáng tiếc. Đó là ngày nay, công bằng mà nói, cái đạo Thầy – Trò vẫn còn rất đẹp. Tinh thần Tôn Sư Trọng Đạo trong phụ huynh học sinh vẫn còn rất nhiều. Nhưng “đáng tiếc” ở chỗ khi thì đâu đó Thầy không trọn đạo làm Thầy. Khi thì, trò không viết nổi hai chữ Tôn sư. Đã vậy, cái mặt bằng nhiều cồn, nhiều sóng của nên giáo dục xã hội nói chung, những “khi thì” đó lại càng được “cộng thêm” nhiều nhiễu loạn. Người Thầy giáo trong bài thơ buồn của Đỗ, theo tôi, đã viết hoa trọn một chữ Thầy. Người Thầy đâu chỉ cần chỉn chu khi đứng trước bảng đen, phấn trắng, đứng trước học trò. Người Thầy còn phải chỉn chu khi bước ra ngoài cuộc sống đời thường hơn ai hết. Bởi, những điều thầy dạy cho học trò đâu chỉ gói gọn trong một giờ lên lớp. Nó đeo đuổi, tồn tại cả đời đứa học trò đó, nhưng có nhập được vào trong máu thịt của học sinh hay không, lại còn tùy thuộc vào điều mà người Thầy hành xử sau bảng đen, phấn trắng, sau những phông màn cơm áo đa đoan. Người học trò Đỗ hỏi: “…câu phủ nhận phải vì manh áo rách?” nghe như có hơi hướm của sự trách phiền. Học trò có biết đâu, chối từ một thời bảng đen phấn trắng, chối từ một nghề nghiệp mà mình mang trong lòng bằng hai từ “nghiệp dĩ”, với những người Thầy như chúng tôi là một chối từ bằng cắt máu từ chính tim mình. Bởi, chẳng thà gieo trong lòng học trò chút hoài nghi “Ông ấy có phải thầy mình không nhỉ?” nhưng nó sẽ giúp giữ mãi trong lòng đứa học trò đó một hình ảnh đẹp của Người Thầy năm xưa. Người Thầy đã dạy được cho học trò bài học “làm người đứng thẳng. Biết yêu anh em – đất nước – xóm giềng…”. Người Thầy đó từ chối nhận học trò, bởi Ông cho rằng, bộ dạng hôm nay của mình – dẫu là kiếm ăn lương thiện, dẫu là “gặp thời thế, thế thời phải thế”- thì vẫn cứ là “không nên” cho đứa học trò đang muốn Tôn Sư…

            Tôi rất muốn viết một entry rộn rã cho nghiệp dĩ của mình trong ngày khai giảng. Nhưng chọn bài thơ này – dù là một bài thơ không vui- vì nhận ra trong cái không vui đó có rất nhiều an ủi. Trong xã hội hiện nay, nhiều đạo lý cang thường đã dần dần điên đảo. Việc Thầy nhận trò bị từ chối, xa lạ, ngoảnh mặt là nhiều; chứ hiếm khi có điều ngược lại. Ở bài thơ này, ta cứ “vơ vào” cho một nguyên do ít nhiều còn vui: Người Thầy khi không nhận học trò là do không nhớ hết được trò mà thôi. Nhưng từ chối nghiệp dĩ, thì theo tôi, phải là những người Thầy đã viết trọn được chữ Đạo trong suốt cuộc đời làm Thầy, đến khi nhận ra mình “không thể” nữa- không thể chứ không phải không muốn- mới phải phủ nhận nó. Tôi hay gọi những người Thầy không đi được trọn “con đường phấn trắng” là “những viên phấn gẫy”. Nhưng đó là những người chấp nhận “đốn gục” giấc mơ” của mình để gìn giữ cho trọn giấc mơ của học trò, chứ nhất định không cam tâm làm một “viên phấn ướt”- hình dạng thì nguyên vẹn nhưng “giá trị sử dụng” thì bằng không. Và tôi cho đó là điều đáng mừng, đáng mừng khi ta không phải ngân nga “ đạo học ngày nay chán lắm rồi”. Tôi chọn bài thơ này như một nhắc nhở với chính mình mà cũng là một nhắn gởi tới hết thảy những ai đang còn ngày ngày đi về trên “con đường phấn trắng”, rằng: Cơm áo gạo tiền là cái ta không thể coi nhẹ. Là cái giúp ta tồn tại để sống cho có ích. Nhưng xin đừng vì ba chữ “nợ áo cơm” mà ta có thể chấp nhận đánh đổi với bất cứ giá nào cái Đạo Người Thầy mà ta chọn để  làm công việc “khai tâm” cho con trẻ…

            Và mong mỏi đó là điều giúp tôi 28 năm nay, cứ mỗi khi Ngày khai giảng đến, có thể đường hoàng ngồi lại với mình cho những vui buồn nghiệp dĩ hôm qua- hôm nay và tương lai…

 

 


Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

Entry for 27 August, 2011 - Điện thoại với tôi...

ĐIỆN THOẠI…( KHÔNG) LONG DISTANCE!

Điện thoại đóng vai trò gì trong cuộc sống chúng ta?

          Có thể nó mang đến những giao dịch buôn bán hợp pháp- hoặc không hợp pháp; những trao đổi thông tin- chánh hoặc trái chiều và cũng có thể đa chiều; những mối giao hảo- đã có, đang có hoặc sẽ không có nữa… Và còn nhiều lắm, những tiện ích mà cái máy khi nghe phải áp vào tai, khi nói phải kê sát miệng mang lại… nhiều lắm, những tiếp nhận, những cảm nhận ta có thể có khi điện thoại bắt đầu có mặt trong đời sống chúng ta… và ngày nay, khi điện thoại ngày càng nhỏ gọn, càng có thể di chuyển xa hoặc gần, càng có thể mang theo bên mình- khi muốn, hoặc không mang bên mình – khi không muốn và ngược lại; thì nói như ngôn ngữ của tụi nhóc @: Con người đang coi điện thoại là một phần tất yếu của cuộc sống… nghĩa là nếu không có nó một ngày, dám có người…tắt thở…

Điện thoại còn làm gì được hơn thế không?

          Hơn nhiều, bởi có những việc khi ta viết ra trên giấy, nó sẽ chỉ là những con chữ khô khan, nhưng khi nó được biểu cảm qua giọng nói “xuyên” trong dây điện thoại, thì tình cảm chất chứa qua ngữ điệu làm cho những điều đã viết trở nên … lóng lánh hơn. Chẳng hạn như cuộc nói chuyện xảy ra sau đây vào lúc nửa khuya:

Đầu dây 1: M. tui nè… khỏe hông?

Đầu dây 2: Khỏe, rất khỏe… nếu không bị dựng dậy lúc nửa đêm thế này!

Đầu dây 1: Hihi… tui hông ngủ được…tại mai đi rước dâu xa, hồi hộp!

Đầu dây 2: À, coi chừng tim có vấn đề…già rồi mới lấy vợ nó như thế đó…

Đầu dây 1: M. …thôi đừng móc mỏ… tội nghiệp… tui muốn hỏi 1 câu…

Đầu dây 2: câu gì? Người thông thái như Bạn mà cũng phải đi hỏi ư? Đừng nói là tui muốn hỏi tui có nên lấy vợ không nghen Cha... đừng chơi trò chú rể đào tẩu   thay vì để cô dâu chạy trốn nghen…

Đầu dây 1: Không có… tui đang ngồi đọc lại entry của M. Cái entry mới nhứt…tui muốn hỏi…M. viết entry đó là…thiệt hả?

Đầu dây 2: Trời, sao hông thiệt Cha? Tui ba lơn chớ đâu có ba xạo… Mà sao Bạn hỏi vậy?

Đầu dây 1: Vì tui đâu có định …bồn chồn…bỏ đi… mà sao M. viết giống như là tui…bỏ đi vậy… mình vẫn cà phê với nhau được chứ! Đâu có gì phải thay đổi…

Đầu dây 2: (im lặng rất lâu… nghĩ vậy, vi đầu dây bên kia bắt đầu sốt ruột!)

Đầu dây 1: M. …ngủ gục rồi hả?

Đầu dây 2: Không, chưa ngủ!

Đầu dây 1: Vậy sao hông trả lời tui? Mình vẫn cà phê chứ há?

Đầu dây 2: Tui ngưng không trả lời vì khó nghĩ quá…

Đầu dây 1: Gì đâu mà khó nghĩ, mình là bạn bè tốt của nhau mà…

Đầu dây 2: Ừ, nhưng Bạn bè tốt hồi nào giờ dắt tui đi uống cà phê… free… bi giờ, tui đang tự hỏi, có một con sư tử wản lý bóp tốt như dị thì Bạn Bè tốt lấy đâu ra tiền dắt tui đi cà phê… hihi!

          Câu trả lời dẫn đến sự cố nghẽn mạch và rồi tắc mạch luôn…Nằm rất lâu mới ngủ lại được( chuyện lạ cho một đứa ngủ dễ như gà là tôi!) bởi vì tôi nuôi hy vọng điện thoại  không chuyển kịp câu nói cuối cùng của đầu dây 2  … nếu không, có lẽ từ mai, tôi sẽ trả điện thoại về công ty Vì Nó Phải Tội ( VNPT)… có nó, đời tôi bắt đầu thê thảm lúc 1-2 giờ khuya nghe một người dựng dậy để "phe phang" ngày mai rước dâu xa...hông ngủ được…Hic!

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

Entry for 23 August, 2011 - Entry thay lời cảm ơn...

Nhảm, một ngày …không vui…

Bạn…

Tôi hay tự nhận mình viết blog-và không chỉ viết blog, trong đời sống thường nhật-là một kẻ ba lơn. Nhưng khác với nhiều Bạn mà tôi quý mến, tôi chưa bao giờ nhận những entry của mình là nhảm… Bởi dù tôi ba lơn, nhưng là một thứ ba lơn rất thành thật ( thành thật vì ba lơn không dành chỗ cho …ba trợn)… cũng như tôi biết các Bạn mình khi “nhận dạng” trang viết là “nhảm”, thì đó là khi các Bạn nghiêm túc nhất…

          Nhưng hôm nay, khi đưa tang một người đồng nghiệp cũ, trong cái đám tang ồn ào âm thanh nhạc tây ta lẫn lộn và lặng lẽ những đau xót tình thân, trong cái mất mát nhắc nhở cuộc sống này bao giờ cũng tồn tại những “phải chi, giá mà” tiếc nuối,  tôi nhận ra mình còn nợ riêng một người lời cảm ơn chân thành chưa bao giờ được nói ra. Bạn hay nói tôi nhảm nhí khi nhìn cái lúng túng, khổ sở của tôi mỗi khi hàm ơn Bạn một điều gì đó mà không nói nổi lời cảm ơn. Bạn cũng hay biến đi rất vội, rồi lặn tăm rất lâu, trước khi tôi kịp làm “điều nhảm nhí” đó. Trong một ngày như ngày hôm nay, ngày nhắc cho tôi nhớ: Tháng Ngâu sắp qua rồi, những đợi chờ thương nhớ của những người dành cho nhau mà

không thể là của nhau sắp qua. Rằng tôi nên nhân danh cái “sắp qua” đó mà làm cho vội một điều, đó là “nhảm” một entry cho Bạn… vội như những cơn mưa bắt đầu nặng hạt hơn, vội như công việc bắt đầu quây lấy tôi ngày một nhiều hơn, để, tôi sẽ vin vào nó như một cái cớ mà “xù” bao dịp “nói với nhau” như mọi lần…

 

Bạn…

          Tôi hay được bạn bè gọi ra cà phê và cũng rất thích mời bạn bè cà phê với mình. Nhưng nhớ ra, Bạn là người chưa bao giờ tôi mời cà phê, mà Bạn cũng chưa bao giờ gọi tôi đi cà phê. Bạn không “chơi blog”, nhưng vẫn đọc mọi entry của tôi đều đặn… và trong những dòng viết “ba lơn tơn” đó của tôi, bằng sự thấu cảm nào đó, thật tôi không hiểu, những lúc tôi chênh vênh nhất thì Bạn hiện ra… Cái xe vespa cũ nổ máy pành pạch, phun khói ào ào, quần áo lúc nào cũng như cái “bùi nhùi” và tóc tai “bù xù”, Bạn í ới nhờ bảo vệ gọi tôi ra… Và bao giờ Bạn “hiện ra”cũng là giữa trưa đứng bóng- y như “phim kinh dị”. Trước đây, quán cà phê yêu thích của tôi và Bạn là một ngôi nhà cổ, yên tĩnh, không máy lạnh… sau này, khi nhà cổ “sang tay” cho trọc phú, chỗ ngồi yêu thích của tôi và Bạn là một quán cà phê được trang trí với nhiều tảng đá hình thù lổn nhổn, sắc cạnh nhưng yên tĩnh tuyệt vời. Yên tĩnh tới mức, với một đứa hay nói, ham nói và nói to như tôi vẫn có thể khép mình lại, nhẩn nha uống cà phê cùng Bạn, nhìn Bạn suốt mấy tiếng đồng hồ không nói một câu… không kể lể, không tuôn xả những phiền toái đang mang… vậy mà, khi Bạn thả tôi về trường, xoa đầu  và quay xe đi, tôi nhận ra mình vừa được chia sẻ tuyệt vời…rằng phiền toái vẫn còn đó chứ chưa mất đi, nhưng thay vì mang nó như một cái gông của nghiệp dĩ, tôi tập xách nó theo mình như một gói hành lý bắt buộc không thể thiếu và thấy bước đi mình sao nhẹ  đi…rất nhiều…

Bạn…

          Trưa hôm qua Bạn đến đưa tôi đi cà phê. Lần đầu tiên, tôi nhận ra vẻ bình yên nơi Bạn không còn nữa mà chỉ có sự bồn chồn rất lạ. Bạn cũng không im lặng nữa mà nói, mà hỏi han, mà đòi đối thoại về nhiều vấn đề bấy lâu tôi tưởng Bạn dửng dưng. Tôi trao đổi, đầy ngập ngừng và thận trọng. Bởi tôi sợ mình sẽ nói hay sẽ làm điều gì đó có thể làm tổn thương đến sự bồn chồn mong manh kia… Bữa cà phê rồi cũng phải chấm dứt, khi tôi rụt rè đòi về vì đã đến giờ phải làm việc ( một núi công việc cho cái gọi là kiểm định giáo dục ngớ ngẩn gì đó mà Trường tôi được chọn “thí điểm” đầu tiên đang chờ tôi về “vẽ”). Bạn thả tôi xuống Trường, không xoa đầu như mọi khi, cũng không quay xe lại như mọi lần mà lại chìa tay bắt rất lạ…

Khi tôi buông tay Bạn mình ra, trên tay tôi là một cái thiệp cưới ( Lát sau đọc mới biết chỉ có báo hỉ mà không mời dự …Không mời, vì nó sẽ ở rất xa…). Tôi lập tức hiểu ngay, từ nay những buổi trưa đứng bóng “cà phê im” sẽ không còn nữa… cái tiếng vespa pành pạch cũng sẽ thi thoảng đến …qua tiếng xe người khác… và tiếc nhất là cái xoa đầu “đặc sản” không dễ nhận ngoan ngoãn với một đứa như tôi và càng không dễ cho với một người “ngang ngạnh” như Bạn…

Tôi hiểu luôn cái bồn chồn chia sẻ của Người vẫn luôn muốn chia sẻ mà nay không còn chia sẻ nữa… cái bồn chồn “nhảm nhí” đó lây sang tôi một cách rất “nhảm” để có entry này…

Tôi muốn nói, để kết entry này cho “gọn”: Bạn à, cảm ơn nghe! (Cứ an lòng bồn chồn nơi chốn khác…thật bình yên!)

Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011

Entry For 22 August, 2011- Đầu tuần nói chuyện "ấm đầu"... mong tim đừng lạnh...

Chúng tôi có ý kiến

 

Nhân đọc bài: DẠY LÀM NGƯỜI HAY DẠY CHỮ TRƯỚC

 

NGƯỜI CÓ HỌC

 

Hồi còn nhỏ, tôi nhớ mẹ tôi hay dùng cụm từ "người có học" dạy bảo con cái, người có học nên làm thế này, người có học không nên làm thế kia, v.v... Đối với mẹ tôi, "người có học" không phải là người có bằng cấp học vị gì cao siêu, vì con mới học lớp một lớp hai bà đã luôn nhắc nhở "con là người có học". Với bà, "có học" đơn giản là được cắp sách đến trường, được thầy cô dạy điều hay lẽ phải thì hiển nhiên phải cư xử theo những điều hay lẽ phải ấy, cư xử theo kiểu "có học". Với bà, "có học" không phải là có nhiều chữ, có bằng cấp nọ kia, mà là có tư cách xứng đáng, "có học" là nói về nhân cách con người chứ không phải nói về tri thức.

 

Hồi tôi học tiểu học, cách nay khoảng bốn chục năm, có môn học "Đức Dục" dạy những điều đơn giản mà thiết thực. Tôi nhớ là sách Đức Dục in hình màu rất đẹp, lớp nhỏ thì được dạy: trong gia đình kính trên nhường dưới, đi thưa về trình, ngoài xã hội thì yêu trẻ kính già , nơi công cộng thì không khạc nhổ, không xả rác bừa bãi... , lớn hơn chút thì được dạy phải ngay thẳng, không nói dối, khiêm hòa, nhân ái, sống có qui củ v.v... Ngoài ra chương trình Đức Dục còn dạy học sinh kính trọng quốc kỳ và quốc ca: ngả mũ nghiêm trang khi gặp lễ chào cờ; kính trọng người quá cố: ngả mũ nhường đường khi gặp xe tang, v.v... Mỗi bài là một câu chuyện có hình minh họa rất ấn tượng, chứ không phải là những lời giáo huấn khô khô cứng.

 

Tôi còn nhớ một bài về cách cư xử nơi công cộng như thế này : Hai chị em Hồng và Lạc đi xem phim (Hồng cỡ 10 tuổi, Lạc cỡ 7 tuồi), khi ngồi vào ghế xong thì có một cậu lớn hơn Lạc, ỷ lớn tới xô Lạc ra để giành chỗ ngồi tốt, Hồng ngăn lại và nói: anh không nên bắt nạt người nhỏ hơn mình, nếu anh muốn ngồi, tôi nhường chỗ cho anh, và anh chàng ấy xấu hổ bỏ đi không tranh giành nữa. Hồng nhìn em cười sung sướng. Cái hình chiếm hết một trang, vẽ cảnh Hồng đang đối đáp với anh chàng kia với dáng điệu thật chững chạc, chàng kia điệu bộ lúng túng còn Lạc nhìn chị ngưỡng mộ. Bài học đó ấn tượng với tôi đến nỗi sau đó, mỗi lần dẫn em đi chơi tôi đều mong có tình huống như vậy xảy ra để áp dụng bài học này. Và sau bốn chục năm tôi vẫn như còn thấy trang sách vẽ hình Hồng và Lạc trước mắt.


Suốt bảy năm trung học tôi học ở một trường lớn nhất nhì ở Sài Gòn, trường có một cái sân rộng mênh mông, nhiều bãi cỏ, cây kiểng và cây cổ thụ. Đây đó trong sân trường là những cái ghế đá dưới bóng cây. Thời tôi học ở đó (cuối thập niên 70) trường không có lao công quét dọn nhưng sân trường lúc nào cũng rất sạch. Tôi nhớ hồi đó sáng đi học hay mua gói xôi đem vô trường ăn, xôi gói bằng lá chuối mà học sinh nào ăn xong cũng đi kiếm giỏ rác bỏ chứ không “tiện tay” bỏ xuống tại chỗ. Nếu có ai liệng rác bừa bãi bị bạn nhìn thấy là tự thấy xấu hổ liền. Tôi nghĩ những bài học Đức Dục thời tiểu học cũng đủ làm cho lứa học sinh ấy biết cư xử kiểu "có học".

 

Lứa tuổi chúng tôi giờ đã trở thành phụ huynh. Tôi cũng như mẹ tôi ngày xưa, cũng mong muốn con mình trở thành “người có học”. Chúng tôi muốn con mình đi học là học chữ đồng thời cũng học làm người chứ không thể đặt vấn đề rằng học chữ trước hay học làm người trước. Chẳng lẽ có thể tách bạch rạch ròi giữa việc dạy chữ và dạy làm người? Nếu chỉ dạy chữ mà không dạy trẻ nên người “có học”  thì sự nghiệp giáo dục đã thất bại. Bác Hồ cũng từng nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng”.

 

Mấy chục năm nay chúng ta luôn đặt “Mục tiêu của chúng ta là đào tạo những con người phát triển toàn diện, năng động, sáng tạo, đậm đà bản sắc dân tộc, vừa hồng vừa chuyên” (TT 20-8-2011). Thực tế cho thấy là nền giáo dục của chúng ta qua bao nhiêu năm vẫn chưa đạt được mục tiêu ấy, để đến bây giờ các nhà quản lý giáo dục vẫn loay hoay đi tim một “triết lý giáo dục” cho Việt Nam!

 

Chúng tôi , ở góc độ là phụ huynh học sinh, mong các cấp lãnh đạo trong ngành giáo dục sớm xác định được “triết lý giáo dục” để có sự chẩn chỉnh từ gốc, đưa ngành giáo dục thoát khỏi những vấn nạn đang hoành hành. Và như thế, một ngày không xa chúng tôi có thể tự hào khi nhìn thấy con em của chúng ta đều là “người có học”. PHƯƠNG NGUYÊN

 

LÀM THẾ NÀO “DẠY HỌC SINH NÊN NGƯỜI”?

Thứ Bảy, 20/08/2011, 08:15 (GMT+7)

Dạy làm người hay dạy chữ trước?

TT - Tại hội thảo “Triết lý giáo dục VN” do Viện Khoa học giáo dục VN và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức ngày 19-8, nhiều đại biểu cho rằng cần chú trọng giáo dục “làm người” trước cho học sinh và xem đó như là định hướng, triết lý giáo dục đúng đắn...

 

          Trước thềm năm học mới, hội thảo “triết lý giáo dục Việt Nam” do Viện Khoa học giáo dục VN và trường Đại học Sư phạm TP. HCM tổ chức ngày 19/08/2011 là một việc làm rất có ý nghĩa và thiết thực. Bởi vì, sau hơn nửa thế kỷ kể từ năm 1954 đến nay, lần đầu tiên quan điểm về triết lý giáo dục Việt Nam được xem xét lại. Xem xét lại dưới cái nhìn mổ xẻ, khách quan của người làm khoa học giáo dục nhưng lại được xem xét qua thực tế bề mặt giáo dục của con người trong xã hội ta hiện nay.

            Đầu năm học mới nào, trong tuần lễ nhà giáo được tập trung trước để tiến hành các công việc chuẩn bị cho ngày tựu trường của thầy và trò, chúng tôi cũng được Phòng Giáo dục tổ chức cho đi học chính trị, gọi là khóa bồi dưỡng chính trị Hè. Trước đây công việc này thường diễn ra dài ngày, nay, đã gọn lại chỉ trong ba buổi. Thực ra, công bằng mà nói, việc học chính trị này có cần thiết cho giáo viên hay không? Bản thân tôi cho là : Rất cần, rất bổ ích khi ta nghĩ cho đúng về hai tiếng “chính trị”. Người ta hay đánh đồng “chính trị” là những lý thuyết giáo điều đảng phái khô khan, là việc mà nhà nước áp chế trong khi điều hành đất nước, mà quên mất phạm trù chính trị là một phạm trù rất rộng. Nó có mặt trong mỗi con người, mỗi gia đình từ khi ta mở mắt chào đời cho tới lúc ta nhắm mắt xuôi tay. Chính trị là bắt đầu từ việc đón em bé hoài thai đến khi trả con người đó về đất. Cho nên, việc bồi dưỡng chính trị là phải bắt đầu cho mỗi người từ rất sớm. Chính trị đầu tiên đó là việc “tu thân”. Đứa bé phải được “chính trị” từ cách thưa gởi, chào hỏi, lời ăn tiếng nói, biết tự chăm sóc bản thân đến việc cư xử với bạn bè, với cha mẹ, anh chị em, xóm giềng… nghĩa là phải dạy cho trẻ “nên thân” từ rất sớm. Ta máy móc đánh đồng chính trị với hoạt động chính trị của tổ chức chính trị, nên ngay từ mầm non đã bắt các cháu phải “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mà không dạy cho cháu những cái  cơ bản “biết ăn, ngủ, biết học hành là …ngoan” mới chính là đạo đức mà Bác mong có nơi các cháu. Mỗi đứa trẻ được giáo dục “nên thân”, cái nên thân từ nhìn người lớn trong gia đình đến ra ngoài xã hội nhìn người lớn chung quanh đó là thầy cô, là  người đi đường, thì “chính trị” tiếp theo sẽ là “tề gia” tức là khu xử việc gia đình theo văn hóa được giáo dục. Cháu học trong trường là học từ sách vở điều hay, nhưng nhìn thầy cô giáo bệ rạc, tác phong luộm thuộm, lời ăn tiếng nói cẩu thả, ý thức công cộng kém. Về đến nhà gặp cha mẹ chỉ lo chạy theo vật chất, lơi lỏng quan tâm, thậm chí vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật… giềng mối tình làng nghĩa xóm lỏng lẻo, tranh cướp nhau từ cái hàng rào đến rẻo đất hông nhà…ra đến xã hội thì tiêu cực đầy rẫy, tha hóa cả bầy… thì thử hỏi, bao điều hay lẽ phải trong sách vở có đọng lại gì nơi các em? Chúng ta hay nói con người là tổng hoà các mối quan hệ, là cái nhân đầu tiên cho tế bào gia đình… khi mối tổng hòa này đã không ổn, thì tế bào gia đình có ổn không?

Trở lại việc học chính trị của Thầy cô giáo. Hãy xem cách các phòng giáo dục tổ chức khóa bồi dưỡng mà theo chúng tôi là rất quan trọng này như thế nào? Có năm thì học nghị quyết đại hội Đảng ( nếu đất nước vừa có đại hội các cấp), có năm thì học pháp luật ( nếu năm học trước có nhiều vụ thưa kiện, khiếu tố nhà giáo)… nhưng chưa có năm nào, bồi dưỡng chính trị cho thầy cô mà bắt đầu từ hai tiếng “đạo đức” hay “giáo dục” cả. Ta muốn dạy các em nên người, thì trước hết Thầy cô phải nên người hơn hẳn. Cũng như muốn các em yêu thích lịch sử, thì trước hết, thầy cô giáo dạy sử phải là những người say mê thực sự môn học này, mang nó ở trong máu và trân trọng nghề nghiệp nhất định. Hãy thử cho xã hội một thống kê, xem có bao nhiêu sinh viên chọn ngành địa, ngành sử là vì say mê, là vì muốn làm cho học sinh yêu thích bộ môn này và trân trọng những gì cha ông để lại? Hay chỉ là khả năng có hạn mà lại muốn có một tấm bằng cho danh giá như người khác? Chưa kể, có những thầy cô giáo ra trường, đứng lớp không xong chán nản quay về học tiếp liên thông thành thạc sĩ, tiến sĩ và sau đó ra trường …dạy đại học, thì cái sự học đó thử hỏi đã có gốc gác vì giáo dục, cho giáo dục ở chỗ nào? Trong trường học, vì sao có những lớp rất ngoan, tự quản tốt, lễ phép mà lại có những lớp học mà học sinh thường xuyên vi phạm nội quy, thường xuyên nhà trường phải mời phụ huynh vào giải quyết, thậm chí, phải lập hội đồng kỷ luật? Tất cả là từ người thầy mà ra hết. Nếu từng nhà giáo đủ nghiêm khắc với bản thân về mọi mặt, ta sẽ rèn được học sinh biết tự nghiêm khắc với chính bản thân. Quá trình giáo dục là cần nhưng quá trình tự giáo dục theo tôi mới là cái cốt yếu, vì không có cha mẹ, thầy cô nào đủ sức, đủ điều kiện theo con mình, học trò mình suốt đời để giúp các em …điều chỉnh cả, nếu như bản thân các em không coi trọng điều đó.

Vì thế, góp vào một tiếng nói về vấn đề “ triết lý giáo dục Việt Nam”, chúng tôi không lên tiếng trên tư cách người làm nghiên cứu mà lên tiếng trên tư cách người đang được xã hội giao trọng trách giáo dục, đào tạo học sinh thành công dân tốt. Và rất mong, tiếng nói của người “thực tế” sẽ được các nhà khoa học, các giới chức năng quan tâm để hoàn thiện cho phần triết lý giáo dục Việt Nam với soi rọi từ thực tế. Để năm mươi năm sau, con cháu ta không phải loay hoay mở hội thảo để đặt lại vấn đề “dạy người trước hay dạy chữ trước”. Lâm Minh Trang ( Gò Vấp)

 

 

 

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

Entry for 14 August- Mùa Vu Lan , giật mình nhận ra mình vẫn đang được là con cái...

RỒI ĐỜI CUỐN ĐI XA…

Tôi không rõ…

Trong bao nhiêu hoa hồng đỏ Thầy cài lên ngực áo cho bá tánh sáng nay, những cành hoa nào thực đỏ- tròn đủ hiếu đạo với Mẹ Cha, những cành hoa nào là đỏ “giả”- và tới thiền môn như một cách để xoa dịu lương tâm mình?

Thầy cười rất nhẹ…

Không cần thiết phải trăn trở như vậy cho cái thực-giả trên đời. Ngay Thầy đây, khi đã phát nguyện vì chúng sinh thì đã có hơn một nửa hiếu đạo làm con trong mình đã mất. Ngay với Mập, khi hằng ngày bươn chải áo cơm, đi sớm về trễ, mải vui chúng bạn, thì dẫu hạnh nuôi dưỡng song đường đầy đủ, nhưng liệu hạnh chăm sóc song thân cũng đã vẹn tròn chưa? Bá tánh còn có người biết ngày này mon men đến Thiền môn như một cách sám hối, thì cũng đã là “buông đao thành Phật”…

 

Tôi không rõ…

Liệu đời sống sắp  tới của mình có đủ “hạnh bao dung” để thực thi hạnh ái ngữ, hạnh lạc hành, hạnh đồng sự… nhưng từ những lời đơn giản của Thầy về cái nhìn bản ngã với cái nhìn tâm duyên, đã giúp tôi ngộ ra một điều: Phàm trên đời này, chuyện đúng sai chưa bao giờ có ranh giới rõ ràng như ta hay nói “hai với hai là bốn”. Có thể trong cái đúng của ta cũng đã mang nhiều vị tình, thể tất cho cái sai và ngược lại…

Thầy cười rất nhẹ…

Vậy nên, khi còn đi trong thế giới hôm nay, còn là con cái của cha mẹ hôm nay, hãy mở lòng cho những nhân duyên ta có- và cả khi ta mất. Mở lòng để thấy ta vui sống, nghĩa là song thân cũng vui sống. Vui vì họ đã cho được con cái mình một cuộc sống khả vui… niềm vui của người già là soi mình vào con trẻ…

Thầy cười rất nhẹ…

Và niềm vui của con cái là hạnh phúc thấy mình vẫn được là con cái hôm nay…và hãy là con cái đúng nghĩa... để rồi về sau, khi mọi điều theo gió cuốn, ta không phải bận tâm ngồi với những phải chi, giá mà...

(Cho mùa Vu Lan- Phật lịch 2555- Mừng Cha Mẹ an vui!)

 

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Entry for 9 August, 2011 - Entry cho sông Hậu, Bạn tôi...

 

                   (Bình minh trên sông Hậu- nguồn ảnh Google)

       Phù sa neo giữ nào đâu…

          Tôi là một đứa không biết lội, theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen, không biết lội trong nước và cả trong đời, nên thường chới với mỗi khi gặp ao sâu, sông rộng, biển mênh mông. Vậy mà không hiểu sao, những con sông Nam bộ lại luôn luôn là một mê đắm của tôi. Sông Vàm Cỏ tôi đã hai lần đến, một lần đi Vàm Cỏ Đông- mùa cạn và một lần đi Vàm Cỏ Tây mùa Lũ. Sông Tiền thì qua lại có cả chục lần, sông Hậu thì mới được hai lần… bất cứ khi nào về đến bến sông,  mùa cạn nước trong đến đáng sợ hoặc khi mùa lũ nước đỏ ngầu, mặt sông mênh mông như biển, lúc gặp ngọn gió đầu tiên mang hơi sông phả vào, thì tôi lại thấy mình chếnh choáng như người say rượu…

Tôi gọi đò về bến nhớ

Mà sông đòi chở xuống miền quên

Cứ nghĩ rằng em đứng chờ đâu đó

Nên trong tôi sông Hậu rất hiền…

( Cho Phương và sông Hậu-Thơ Nguyễn Vĩnh Nguyên)

          Sông Tiền là nơi cho tôi có thêm một miền quê thương nhớ. Nơi đó, có nhà của ba má em dâu, có những người hàng xóm Vĩnh Long hào sảng, chân chất và thiệt tình như con sông cái. Sông Tiền còn có cả một miền quê của Chị Ba Bến Tre, của Chị Thủy Cúc, của May N và Phương Nguyên- những người Bạn lớn trên blog mà tôi vô chừng hân hạnh được kết giao. Sông Tiền giữ chặt tôi bằng những bữa “mò cua bắt ốc, đuổi chuột đồng, nướng cá tát đìa, ao”, cho tôi cái chơi vơi không chỉ ở thâm tình mà còn ở những cái xây chừng đế nếp đục lờ mà “hỏa hầu tận tì vị”. Sông Hậu chỉ mới đến hai lần, một lần mùa cạn và một lần mới hôm qua… vậy mà tôi gặp lại Nó như gặp một điều gì đó bền chặt lắm trong mình. Có lẽ, nó bền chặt bởi những cuộc gọi, tin nhắn Bạn lo lắng dõi theo từ lúc tôi lên xe, cho đến lúc qua phà… có lẽ nó bền chặt bởi cái ơ cá chạch kho gừng đỏ au, cay nồng, tới om canh chua lươn và chén nước mắm xả xanh nghệu mà phải tới mùa lũ mới có và Bạn tôi phải tất bật từ tờ mờ mới xong… Không chỉ vậy. khi cùng Bạn đi cặp sông Hậu thỉnh thoảng lại gặp trên những bến-sông-nhà những cảnh mà có nằm mơ tôi cũng không nghĩ mình còn có thể gặp giữa thời buổi @...

…Em giũ tóc xuống dòng sông ấy

Mấy mùa sau hương bưởi còn thơm

Tôi mang gió đi ngược triền phố

Chỉ để làm quen với những con đường…

( Cho Phương và sông Hậu-Thơ Nguyễn Vĩnh Nguyên)

          Trưa đứng bóng, Bạn chở tôi lang thang qua những con đường, không xa, không gần của miền quê Châu Phú rất hiền… thấp thoáng những bóng xe lôi, những tà áo dài trắng học sinh bắt đầu tựu trường… và miên man là những câu chuyện dàn trải của tôi, của bạn, của những người chung quanh. Những câu chuyện có nhiều vấn đề mà không mong cầu được giải quyết. Người nói, cứ nói, như một nhu cầu. Và người nghe, rất chú tâm nghe, như một chia sẻ vậy là quá đủ…

…Phố trách em, tại vì em mà tôi yêu phố

Đêm trách em ,tại vì em tôi buộc nhớ vào đêm

Thôi, cứ nghĩ rằng em đứng chờ đâu đó

Để sớm mai kia còn tím những hẹn hò…

( Cho Phương và sông Hậu-Thơ Nguyễn Vĩnh Nguyên)

          Bài thơ Cho Phương và sông Hậu của Nguyễn Vĩnh Nguyên (mà tôi nhắc nhầm sang bài thơ Về Mỹ Tho của anh Cao Vũ Huy Miên với Chị Gió) đến trong tôi rõ ràng khi ngồi trên chuyến phà đêm mệt mỏi rời sông Hậu về lại thành phố của mình. Phố sông Hậu trách người làm thơ, đêm sông Hậu trách người neo buộc, còn tôi, tôi chỉ thấy trong mình một niềm hàm ơn rất lớn về cái đỏ ngầu phù sa của sông Hậu bước vào mùa Lũ, hàm ơn về cái tình rất lớn người sông Hậu dành cho…

Sông Hậu ơi,

Xin đừng trách nếu một ngày yêu quá

Tôi tìm em chỉ dể hỏi… tên mình!

( Cho Phương và sông Hậu-Thơ Nguyễn Vĩnh Nguyên)

          Người làm thơ núng níu sông Hậu về những nỗi nhớ có tên và bị phiền trách. Tôi nhớ về những con-sông-quê-không-phải-quê-mình bằng nỗi-nhớ-không-địa-chỉ-không-tên của một người muốn có một neo đậu của lòng. Đoạn đường tôi muốn tìm về với sông Hậu không ngắn, những chuyến xe dằng dặc làm tôi  ngán ngược ngán xuôi, nhưng tôi biết, khi rời sông Hậu trở về lòng mình đã nhẹ đi rất nhiều về mọi việc, cứ như thể dòng sông Hậu vâm váp phù sa vào mùa lũ đã nhận “trung chuyển” hết 'những chuyện ngược xuôi" về đâu đó cho tôi…Tôi chắc không đến nỗi quên tên mình như người thơ, nhưng tôi biết, khi lòng mình có những mệt mỏi không tên và cả có tên, sông Hậu sẽ là nơi tôi tìm đến…

Sông Hậu giữ dùm tôi một chùm lục bình trôi xuôi con nước

Khi tôi ngược về với bươn chải áo cơm

Có bóng Bạn tôi đứng vẫy theo đâu đó

Không phải người thương mà yêu đến nghẹn lòng…

P/s1: Entry này dành tặng sông Hậu và Bạn Phương Nguyên, cảm ơn quá những tri tình dành cho tôi…

P/s 2: Nguồn ảnh Google

Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011

Entry for 7 August, 2011- Tôi lãng đãng bước vào nghệ thuật, định ...xôn xao...

 

Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…(*)

          Tôi sớm sớm chiều chiều trên con đường mưu sinh của mình bằng một lối đi quen thuộc đến nhàm. Nhiều hôm, đến nơi cần đến, chợt ngẩn ngơ tự hỏi: Bằng cách nào mình đi qua những ngã ba, ngã tư, những khúc cua, lối rẽ như thế? Nghĩa là đi như vô thức, đi như đồng thuộc, theo quán tính, không buồn nhận ra chung quanh lối đi quen thuộc đó còn-mất-thêm-bớt những gì… Mộc hiện ra trong lối đi đó của tôi cũng vậy. Ngày nó khai trương tôi không có ở thành phố, khi về, một hôm dừng lại cột dây mũ bảo hiểm bị bung, mới nhận ra : À, bạn mới! rồi thôi… Thỉnh thỏang, tôi ôm đàn lên sân thượng nghêu ngao, nửa chừng phải dừng lại vì nhận ra từ phía không xa vọng ra những tiếng hát “chuẩn không cần chỉnh” mà chỉ tòan nhạc Trịnh hoặc nhạc tiền chiến…Mộc  đấy, những ngày lẻ trong tuần, trở thành một phòng trà ca nhạc mini- và tôi nghĩ- cũng là “thời thượng” hiện nay…nghĩ cho có chuyện để nghĩ…rồi thôi…

          Sáng nay đi đám tang người bạn thân của mẹ về… chợt nhận ra hôm nay Mộc  xôn xao hơn mọi ngày… ghé mắt nhìn thử và khẽ ồ lên: Có triển lãm thư pháp! Tôi là người ngọai đạo nghệ thuật, nhưng lại ngưỡng mộ và từng hâm mộ việc viết thư pháp của các “nhà nghề”. Tết năm nào, dù bận đến đâu tôi cũng cố lang thang đến Trương Định xem phố ông đồ @...Và thế là chỉ kịp rửa mặt cho tỉnh táo, tôi chạy sang “nhà hàng xóm” để mong được … xôn xao… Mộc mở ra cho tôi một không gian gỗ ấm áp… cái khuôn viên chật hẹp thường ngày, khéo kê dọn và “sắp đặt” lại bỗng dưng rộng ra đến không ngờ… Những chật hẹp chen với thóang đãng như cố ý, lại thật tự nhiên mở ra quá nhiều góc dành cho việc thư giãn… thấy tôi vừa lơ ngơ, vừa chăm chú, một anh chàng rất trẻ tiến ra hỏi: Chị đến đây có cảm giác thế nào về không gian tranh? Máu ba lơn nổi lên, tôi hỏi lại: em định hỏi với người uống cà phê hay với người xem …triển lãm? Cậu chàng láu lỉnh không ngờ:Cả hai Chị ạ, biết đâu trong cà phê có tranh và xem tranh xong chị muốn…bỏ cà phê…Tôi nói:  Chị không phải là người biết xem tranh, Em nhìn chị cũng thấy, nghệ thuật không dành cho chị… nhưng bằng vào chất “người thường” với chủ đề triển lãm hôm nay là Đạo Hiếu, với những bức tranh thư pháp chị xem, nếu lòng ai đó còn “sân si” thì bước vào đây đã giảm được ½… Em cười thân ái : Vậy còn nửa nữa thì sao ạ?  Tôi : Thì còn tùy vào cái thứ nước các em cho người ta uống là cà phê mộc  hay cà phê… giả... Em cười lớn, tặng tôi tài liệu giới thiệu triển lãm, tặng cả tôi một bức thư pháp có chữ Hiếu rất đẹp rồi đi ra với những bận rộn khác của mình… tôi ngồi lại, nhâm nhi ly nước, nhâm nhi bức thư pháp quà tặng, nhâm nhi cả cái không gian mà mình vừa nói nó giúp mình giảm nửa sân si mà vẫn buồn cười… tôi cứ đi lùng sục tận đâu đâu những quán cà phê “hay ho” cho bè bạn, đâu biết “hàng xóm láng giềng” của mình hay ho đến thế này… tôi biết từ nay, Mộc sẽ là một địa chỉ đi vào “bộ nhớ cà phê” của tôi… tôi quay lại để thấy, hạnh phúc của sự nghỉ ngơi, đôi khi không ở trong …sân thượng nhà mình, mà nó ở nơi nhà hàng xóm…

          Cảm ơn Em- Minh Hòang… cảm ơn “bữa tiệc” thư pháp nhẹ nhàng ấm cúng mà em vừa thân ái cho chị tham dự… em còn trẻ quá, nhưng nghe em bàn với bạn bè về những dự định sắp tới, mới thấy “kinh hòang”… chỉ mong, khi nào em mỏi mệt, em sẽ- như đã nói cùng chị- lại trở về bên  Mộc để nhận ra mình thực sự muốn gì, là gì trong cõi thế này…Nghệ thuật, cũng như chị nói, nó không dành cho chị. Nhưng nhìn những bức đại tự, những bức tranh nhỏ nằm rải rác khắp nơi trên tường gỗ… “mộc sinh nghệ”, chị  nghĩ và như có nói, và bây giờ xin được nhắc lại: Nếu song thân em tham dự triển lãm hôm nay, chắc là sẽ thẩm thấu hết nỗi vui mừng cho đứa con trên con đường ( Đạo) của nó, đã biết dành một góc cho đấng sinh thành (Hiếu )…và dành theo cách của nó: Tài năng.  Mừng em!

P/s: (*) Trích lời nhạc phẩm “Một cõi đi về” của Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn…

P/s: tiện thể PR cho mình luôn, mời các bạn sang xem album hình cà phê Cõi Mộc mà MẬp chụp sáng nay...

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2011

Entry for 04 August, 2011- Những điều tưởng chẳng ăn nhập lại gặp nhau...

 

Tôi thỉnh thỏang rảnh rỗi, cứ phải ngồi sọan lại mấy cái folder lưu trữ, xóa bớt cho cái máy “cùi bắp” nó hông thể “cùi” hơn. Tự dưng tìm được 2 bài này… thọat đầu đọc riêng, không thấy nó ăn nhập… nhưng vì đọc chung trong một buổi tối tự dưng thấy nó gần gần…

Sang- có một chữ “sang” muốn “quàng” vào họ…

Đầu dây 1: Alo! Xin chào cô giáo, tôi là người nhà của người nhà là người bảo trợ cho cháu A. học trường cô …

Đầu dây 2: Vâng! Vậy anh gọi đến có chuyện gì không ạ?

Đầu dây 1: ( giọng bắt đầu hung hăng) tôi xin báo với cô giáo tôi là bạn của anh Nguyễn Thiện Nhân ( gằn giọng) bạn rất thân …và không biết cô giáo có nhớ vụ trường Q. cách đây mấy năm mà BGH bị …mất chức không ạ?

Đầu dây 2 (tiếp tục nhẫn nại) : Vâng, thế chúng tôi có chuyện gì liên quan đến việc của Trường đó ạ?

Đầu dây 1: Ừ , là tôi nói thế này , lúc ấy chính gia đình tôi, cụ thể là chính tôi đấy đã bỏ tiền ra chạy trường cho cháu vào học, sau rồi từ một chuyện rất nhỏ các bà ở đấy đuổi học cháu tôi , đuổi vào đúng ngày 1/9, thế là , chúng tôi …lật kèo…chúng tôi cho cả mấy người ban giám hiệu trường ấy …bay chức …Sau đấy thì tôi cho cháu tôi sang trường Me Di, trường Me Di cũng là bạn tôi làm hiệu trưởng …nhưng anh đấy bây giờ chết rồi…

Đầu dây 2 : Vâng , chúng tôi biết , nhưng anh cảm phiền cho biết hôm nay anh gọi đến trường tôi, là một trường ở quận V. đề cập đến trường Q. cách đây mấy năm , rồi cả chuyện trường Me Di là do có liên quan gì không ạ?

Đầu dây 1: À,tôi nói để cô giáo biết , là chúng tôi không muốn chuyện bé xé ra to . Tôi là người Hà Nội gốc đấy cô giáo ạ (!!!)…chả là cháu tôi , là học sinh A. trường cô giáo, nó có cho bạn nó mượn cái máy điện thoại. Con bé này rất hoàn cảnh, nó sinh ở nước ngoài, bây giờ bố mẹ bỏ nhau,hiện nó đang sống với bên nhà nội.Cái điện thoại này là tôi mua cho cháu, sim số đẹp hết triệu rưỡi (!) . Nó cho bạn mượn ,rồi nói làm mất. Gia đình trong ấy của chúng tôi có liên hệ tới nhà con bé mượn điện thoại của cháu tôi , thì bị một ông xưng là ông ngoại dung lời lẽ rất thô tục chửi bới …chúng tôi sẽ đưa việc này ra công an xử và chờ xem nhà trường giải quyết thế nào (?) …chứ chúng tôi bức xúc lắm …

Đầu dây 2: Vâng , bây giờ thì chúng tôi rõ chuyện. Trước hết,như vậy anh không phải là phụ huynh cháu A. mà chỉ là người quen, lẽ ra chúng tôi không trao đổi qua điện thoại , nhưng cũng xin nói để anh rõ : việc cháu A. cho bạn mượn điện thoại và bạn làm mất chúng tôi chưa nghe cháu trình báo, cả gia đình cũng vậy. Thứ hai, nếu gia đình đã đưa lên công an xử thì chúng tôi sẽ liên hệ với công an để nắm chi tiết. Thứ ba,tôi rất không hiểu, sự việc này có liên quan gì đến việc anh quen với anh  Nguyễn Thiện Nhân, hay anh là nhà báo hay việc gia đình anh cách đây mấy năm làm cho ban giám hiệu trường Q. mất chức? tôi chưa rõ mục đích của việc “xưng danh” này…

Đầu dây 1: ( rối rít ) không không ,chắc cô giáo hiểu lầm gì ở đây, ý tôi là chỉ muốn nhà trường không phải chuyện bé xé ra to (?) …chứ chúng tôi bức xúc …thôi xin chào cô giáo, tôi sẽ còn gọi lại để xem xử lý của nhà trường …

Ý kiến người trong và chứng cuộc tám hi hữu này  : Nô tế bồ ( miễn bàn !)

 

Đọan sau này là một comment cho bài viết bên nhà Bạn May N hồi chưa sang Mul. Được mẹ hai em heo cho xài ké cái nick của hai ẻm…

 

He he, Dì May, hai đứa con nghe đồn bác Mập cũng thuộc diện"tâm...tẩm" của mí ông mà Dì May nóai, cho nên in là bác MẬp con nín khe ...Tụi con bức xúc, nên tuy tâm chưa thấy, tầm bất có, cũng dắt nhau wa đây tham gia một vài ý kiến, ý sâu, gọi là "đông vui rậm đám". Níu tụi con cóa nóai cái chi "thất tâm", " chệch tầm" thì Dì May chỉu theo lực phốp Phú Lãng Sa dành cho người chưa có đủ trách nhịm về hành vi dân sự mờ xí xó hén Dì May. Tụi con hun Dì May hai cái gọai là "tình trước, lý sau"...

Phàm ra đời mần việc, chọn việc gì ( kể cả phái hay không phái) đều phải trả lời được một điều: có bít gì về việc đó không? Như tụi con, mẹ con dắt ra trường giao cho cô giữ dùm đặng mẹ con đi học, cô giáo cũng hỏi một câu: hai thằng heo này bít đi chưa? (đi ở đây bao hàm nghĩa đi tới đi lui và đi...bô-xin lỗi dì May và các bác!), bít tự chăm sóc chưa? Người mần việc là phải bít việc, cũng như tụi con mún được vào trường thì phải bít đi, bít tự chăm sóc ...mẹ con không thể trả lời cho cô giáo: hai thằng heo này ngoan lắm ...sáng láng lắm. Ngoan đến đâu, sáng láng đến đâu đi nữa mà chưa bít đi thì cũng miễn vào trường ...

Bác Mập con mần cô giáo, mà theo bác hay tâm sự với mẹ con và với dì May ( mà tụi con nghe lén được) thì bác Mập chỉ là anh đơ dèm cùi bắp, nhưng bác Mập cũng bít chắc khừ một điều: anh mần giáo viên thì trước hết phải đủ chữ để dạy cho học trò, phải đủ một số iu cầu mà cái nghề giáo dziên nóa iu cầu. Anh mần cán sự thì phải đủ sách để đọc, hiểu chánh sách, từ đó chiền cái đọc, hiểu đó cho dân. Anh phủ phải ra anh phủ, anh xã phải ra anh xã theo đúng cái phốp lực nó wuy định như dị. Đằng này, mỗi lừng có chiện xấu xảy ra với anh giáo, thì anh phủ gào lên đằng anh phủ, anh xã la lên đằng anh xã một cái vứn đề chả ăn nhập gì đóa là "chấn hưng giáo dục, không vi phạm đạo đức nhà giáo" .Hay mỗi lần có cán bộ cán cuốc ăn sai, nói bậy thì lập tức xã hội đồng lọat ráp nhau la ầm lên việc "tâm và tầm" mà theo Bác Mập con thì lúc đó chỉ có lấy phốp lực ra xử thôi chớ tâm và tầm gì ở đây. Tội đáng tù thì tù, tội đáng chém thì chém. Xử xong, chém xong thì tìm cán bộ khác thế dô. Cán bộ nào biết việc, chứng tỏ được mình mần được việc thì lụm. Bác Mập con nóai rằng chính cái việc loay hoay giữa tâm và tầm nó đã để lộ ra một cái khe hở chà bá là có những ngừ "tâm tẩm" và " tầm bậy" đã len lỏi vào được những nơi mà bình thường là "không có vé", cũng như có những người, bác MẬp con cho rằng nên đi bán cao đơn wàn tán hay bán cá, bán thịt thì phù hạp hơn là bán ...cháo phổi ...Bác Mập con nói, oong đơ xét tình hình rất chi là tình hình hiện nay đó là ngừ bít việc bi chừ không có chỗ ngồi cho xứng, không có cái ghía mần việc cho đáng, cứ phải đi tha phương cầu thực, mong chờ một ngày mai sáng láng, nên xứ ta cứ nghèo wài, khổ wài, và lâu lâu lại lòi ra nhìu cái xấu wài để "diễn biến wà bình" nóa chửi cho nát mặt mà hem "tâm tầm" lại được câu nào ...hoặc là để đối phó thì lại mần mí cái dở hơi là "vận động không không thí gì đóa" ...chết ngừ được ...Bác MẬp con tánh hơi ba lơn, bác Mập nóai vận động mần wái gì, anh là nhà giáo mà anh không có đạo đức nhà giáo, anh là cán bộ mà anh hem tưng thủ theo phốp lực, không hành xử theo phốp lực-thì nói chắng chẻo ra là anh hem có đạo đức nghề nghiệp.Và như vậy thì anh phải đi chỗ khác chơi. Chớ phải "vận động anh có"  nghĩa là anh chưa có thì ...con bòa nóa, chít cha con nít dí ngừ ta hít òy ! ( Bác MẬp nói bậy ghia hén dì May ?). Ngay bác Mập con cũng tự nhựng : Cỡ bác Mập con mà còn leo lên được tới cái ghía "Tâm tẩm tầm tâm" này thì ...thương thay, khổ thay, bùn thay ...cho "vận nước nổi trôi" ...Còm bất tận dừng mà còn lai láng ý, nhưng mẹ con kiu réo wá, thui hai tụi con dìa, hai tụi con lại hun dì May cái ...Dì May có thể "vựng động" Mẹ con "nóai không với cái vụ hút mũi" tụi con được hem dì May chớ cái vụ hút mũi tụi con, mẹ con đã tỏ ga có đầy đủ "thực lực" và mần tụi con một cách gứt "bạo lực" Dì May à...Hic hic !