Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

HAPPY NEW YEAR 2012!

Ừ rồi năm và rồi tháng…

 

Ừ rồi năm, ừ rồi tháng
Cũng qua nhanh như một tiếng vang
Những nôn nả xanh tươi giờ bắt đầu lơ đãng
Quên nhớ bỗng dài ra, nhiều đến ngỡ ngàng.

Những bài thơ giờ bắt đầu không có từ Anh
Chỉ còn lại những xưng hô lành lạnh
Năm tháng lấy đi cái thật của ta, trả về ảo ảnh
Tình yêu chỉ còn là khái niệm rất mong manh.

Ừ đã nhớ, rồi để quên
Tiếng đập gấp nhịp tim, giờ chậm buồn chống chếnh
Ta không theo kịp thời gian,
Hay không theo kịp chính lòng mình…

Tôi sang blog của một bạn nhỏ, nghe Bạn gọi những ngày cấp tập cuối năm này bằng ba từ “Mùa năm cũ”, nghe những điểm danh công việc của 12 tháng trong năm sắp qua mà Bạn làm… lòng chợt dậy lên những bồi hồi… và không dưng, những câu chữ trong bài vè ở trên tràn ra… tôi copy lại, dán vào comment cho Bạn, nghĩ những sẻ chia này có thể giúp Bạn mạnh mẽ hơn…

Tối nay, tháng cuối của năm, ngày cùng của tháng, tôi đến dự đám cưới con của Bạn mình. Trong sự mừng vui không giấu của người mẹ trước sự trưởng thành của con cái, tôi vẫn nhận ra những âu lo nơi Bạn sau một năm phải một mình đương cự, chèo chống với nhiều biến cố gia đình. Cái âu lo còn hiện ra nơi khóe mắt, khi thỉnh thỏang Bạn nhìn về dáng đi … khập khiễng của chồng sau cơn bệnh nặng… Tôi ôm Bạn chúc mừng, nghe Bạn dặn: Ở đến chót tiệc nhé, lúc đó mình mới gặp các bạn được… mà thương buốt đi… đâu đó, năm 2011 trong tôi đâu chỉ có những kết tóan …cho rồi…

Giờ thì cả nhà đã chìm vào giấc ngủ đêm cuối năm. Giờ này năm ngóai, lũ tiểu yêu còn chiếm phòng của Ông bà để gầy sòng đánh bài, còn la hét ý ới nhau vào sáng đầu năm dậy muộn… bây giờ thì chỉ còn những người già… và một đứa chưa chịu già là tôi ngồi với ly cà phê Chivas, ngẫm nghĩ về 365 ngày vừa qua với những được – mất phù du…

Và tôi nâng chén đắng, chia tay năm 2011, chào đón năm 2012 với những tình cảm rất bâng khuâng trong lòng mình… Khi “điểm danh” những tình cảm đó, tôi biết mình nhớ mọi người ra sao…

Tý Lu Su Bờm… Mập nhớ tụi con…

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

Entry for cuối năm 2011 - post lại vì một gợi nhắc

Đi làm sớm...

Chỉ để cảm nhận được đau khổ là một điều có thật ...Nó hiện diện ngay trong tiếng chuông báo thức lúc ta đang sắp bước vào một bữa ...tiệc hòanh tráng (trong mơ), hay khi ta sắp được nghe một lời tỏ tình (cũng trong mơ) hoặc ...ta đang gặp lại một gương mặt dấu yêu của ngày xưa cũ, sắp được nghe một lời hối hận (càng ở trong mơ) của người ...vì ...đã bỏ ta đi ...Tiếng chuông giật thót người để ta thấy rõ, đau khổ bao giờ cũng lôi ta giật ngược chớ chẳng bao giờ đẩy ta đi tới như có người từng “ca ngợi”: Một cái đá đít giúp ta tiến xa hơn một cái bắt tay ...

Đi làm sớm...

Để cảm nhận được hạnh phúc cũng là một điều có thật ...khi ta nhận ra có những người còn phải ...dậy sớm hơn ta : Chị quầy báo trước nhà vừa ngáp vừa xếp báo. Hôm nào trời mưa thì coi như đại nạn bất kỳ. Anh bạn xe ôm lúi húi chùi bougie bị bẩn, anh than phiền –nhà chật, vợ dữ, con đông. Bác bánh bèo quang gánh kẽo kẹt trên vai, lầm lụi đi với cái dáng tất tả của đời cơm áo kéo dài . Nhận ra để thấy hạnh phúc là khi ta biết mình đang có gì trong vô vàn cái mình tưởng mất :Dù con cá chưa ăn bao giờ cũng là con cá rất ngon ...

Đi làm sớm...

Để nhận ra cuộc sống mà ta đang đi cùng có vô vàn cảm xúc rất thật: Ly cà phê tinh mơ, một cái cười rất nhẹ, những tất bật, lo toan, những nhẹ nhàng thanh thản đan nhau trong cùng một con người, trên cùng một tuyến đường mỗi ngày rong ruổi. Đi làm sớm để thấy những đường phố ở thành phố này không hề có sự phân biệt ngày đêm. Cuộc sống không ở nơi ta khi ngủ thì cũng ở nơi ai đó, góc phố nào đó ngòai kia. Những ngọn đèn xanh đỏ vẫn cứ cần mẫn làm nhiệm vụ cảnh báo của mình mà không hoặc rất ít người chấp hành. Và khi ta, đứng lại ở một ngã tư đèn đỏ, nhìn dòng xe cứ bang đi bất chấp mọi lề thói, mọi qui định đã tự nhủ với chính mình rằng: Đi làm sớm, nghĩa là để thấy có nhiều đau khổ, nhiều hạnh phúc được đặt kế bên những khỏang trống trong cuộc đời này...mà không có luật pháp để bảo vệ..Hic !

P/s: Ảnh đầu tiên - nguồn google

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2011

Entry for 30 December, 2011 - Entry cho Lu

Lu đi học xa…

          Nghĩa là: cái vòng tròn bạn thân của Mập lại khuyết thêm một chỗ. Sau Chị Nu, Chị Tý Con, giờ lại thêm một con chim non sẽ rời cái tổ chùm đúm này để bay tới một phương rất xa. Chỉ nghĩ, giờ này tuần sau, nếu Skyper có đứng chựng nửa chừng, thì Mập hay Mi sẽ không còn được nhấc điện thoại lên mà í ới gọi Con. Chỉ nghĩ, giờ này tuần sau, khi nhà mình tụ tập mừng sinh nhật của Mi, sẽ không có Con nhí nhảnh vào ra cười nói, làm điệu, đạo diễn những tấm hình “cả nhà thương nhau”. Chỉ nghĩ, từ giờ hai em Su Bờm, khi cần “tư vấn mùa thi” ở nơi một Sư tỷ láu cá, biết trọng tâm bài nào quan trọng để chỉ cho các em luyện tủ sẽ không có nữa. Chỉ nghĩ Tết này nhà mình không có Con trong những ngày hội họp, đường hoa năm nay chắc sẽ kém tươi khi không có con điệu đà chụp ảnh. Chỉ nghĩ… chừng đó thôi, mặc dù hôm nay vừa được Bác Thủy Cúc đãi một bữa tiệc Noel Hardrock tràn trề, nước mắt Mập giờ này cũng tự dưng ứa ra… Ứa ra như đã từng ứa khi chia tay Chị Nu, Chị Tý Con. Ứa ra như khi đón Tý về năm ngóai rồi lại tiễn Tý đi. Ứa ra, khi cứ mỗi năm tụi con dần khôn lớn, thì cái khỏang không gian rộng lớn đáng ghét ngòai kia, lại lần hồi “nuốt” mất của Mập thêm vài bạn thân wen biết nhau tự thuở lọt lòng…

 

Lu đi học xa…

          Nghĩa là: tự bây giờ, mỗi sáng khi Con tung chăn ngồi dậy, Con sẽ thôi không cằn nhằn Mẹ gọi hòai, thôi không càm ràm Bố để chuông reo sớm. Con sẽ không nhấc điện thọai lên mỗi chiều thứ năm để gọi cho Mi hỏi coi “chủ nhật ăn gì”. Con sẽ không mè nheo Mập "tài trợ" tiền điện thọai, dắt Con đi ăn kem, ăn "tỉm sắm", ăn hủ tíu Nam Vang hay bún bò…Con sẽ biết cắn chặt răng để cất tất cả những khuôn mặt của Ông Bà Nội, Ông Bà Ngọai, Bố Mẹ, hai bác Hiền – Mạnh, Bác Quyên, Mi Mập, Chú Thành – Cô Oanh, Su Bờm, Chị Linh… vào trong ngăn kéo “nhớ”. Con sẽ biết lặng thầm mở ra một ngăn kéo khác đặc biệt hơn, dành cho một người đặc biệt, với những năm tháng bên nhau đã qua và sẽ cố mà giữ về nhau sắp tới. Con sẽ phải tự nấu ăn, giặt giũ, lau nhà, hút bụi, rửa chén. Sẽ biết tự tìm đường metro hay xe bus đi đến nha sỹ khi răng đau. Sẽ biết mím môi không xúyt xoa khi bị trầy sướt mà ngày còn ở nhà Con đã hét váng lên. Sẽ biết, nếu mình học không thua kém ai nơi xứ lạ, thì đó là món quà thành tâm nhất mà mình dành tặng cả nhà và là của để dành cho tương lai…

Lu đi học xa…

          Nghĩa là: Con sẽ biết trân trọng hơn những gì Bố Mẹ phải cày cục cả đời mới tạo dựng được cho Con có cơ hội này. Con sẽ biết, không điều gì người lớn trong gia đình bảo ban Con mà lại làm cho Con dở đi hay thụt lùi. Con sẽ biết, dù nơi phương xa đó, Con phải “tự… tự…” trong hết thảy mọi điều, thì khi Con phải ngóai lui tìm kiếm hay khi Con bơ vơ cất tiếng gọi gia đình dù rất thầm, dù rất nhẹ và nhiều khi câm nín, Con cũng sẽ luôn nhìn thấy chúng ta đứng đó sẵn sàng. Sẽ- dù không thể chạy đến bên Con ngay như ngày Con còn bé- nhưng chắc chắn sẽ ơi đáp trả những lời Con gọi bằng tất cả lòng yêu dấu dành cho. Con sẽ biết, bàn ăn gia đình mình chỉ khuyết thêm một chỗ nhưng không hề vắng đi bất cứ ai trong tụi con…

          Con sẽ biết, dẫu chân có cứng đến đâu, thì đá của cuộc đời cũng có khi làm trầy sướt, nhưng chúng ta sẽ luôn là miếng gạc tẩm một thứ oxy già êm ái nhất mà Con cần đến Con à… Hôn Con “tạm ứng” thật nhiều với lòng yêu tràn đầy của Mập. Con hãy tươi tỉnh mà lên đường… học xa…

 

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

Entry for 16 December, 2011 - Tôi giữ Bạn Bè nơi đây mà nhớ Bạn Bè nơi xa...

Tôi ở đây… mà mơ về đâu…

Những gương mặt theo cùng năm tháng…

Cuộc sống bây giờ thay đổi từng ngày, từng giờ đến …chóng cả mặt. Mỗi người bằng chức phận đa mang hoặc bằng trách nhiệm quen buộc, tự du mình vào trong một guồng quay rối rắm những mối liên hệ chằng chịt, những giằng buộc mình vào lo toan rất đa đoan. Vì thế, việc gặp gỡ những tình thân nơi xa, lâu gặp… việc hội ngộ với những gương mặt vốn nằm đằm sâu trong nỗi nhớ, đôi khi cũng là chuyện …bất khả thi…

Vậy mà gặp… Phương Nguyên nhúc nhắc đi tới nơi hội họp bằng một bên má bị sưng và cái chưn…xà lết sau lần ngã cầu thang mới rồi. May mệt mỏi vì vừa bay rất xa về từ Liban mà vẫn không vào được “Trung Đông” để gặp Anh dầu hỏa. Em Ngọc Hạnh nhỏ nhẹ cười nói, lâu lâu mới chen một câu “cóc mở miệng” mần nghiêng ngả hội đoàn. Chị Thủy Cúc- như mọi khi, vẫn cứ tỉnh và lạnh, vậy mà cuộc họp nào có Chị cũng ấm nồng… Thiếu Gió mong manh, thiếu Chị Cẩm Minh bận rộn và không thiếu …Mập M.

Vậy mà gặp, Em về từ rất xa, xa nhất. Về sau một cơn mổ thập tử nhất sinh, mong manh sinh-tử. Hai thằng Heo thay đổi múi giờ, thói quen ăn uống và thực phẩm, quấy …thầy chạy, vậy mà Em vẫn thu xếp được để ra, với một lý do nghe đã nao lòng: Em phải gặp Mập cho bằng được… Hic, cần chi… Mập vẫn cứ ở đây như …cây cột điện…biết đi để bật-tắt những đợi chờ. Em hay “ai đó” chỉ cần gọi, lòng Mập khi nghe nhất định sẽ có tiếng vang trở lại…

Và những đỡ nâng nhau mơ hồ mà …mạnh mẽ

Tôi ngồi giữa Bạn Bè của mình hai đêm liên tiếp nhau. Ngồi giữa những vui – buồn, những cười nói và những tâm sự. Nhận về từ nơi Bạn những chia sẻ mà có lẽ sẽ không thừa khi nhắc lại về hai chữ HẠNH DUYÊN. Vì chỉ có như thế mới lý giải được sự tương hội lạ kỳ nơi những người mà 10 năm trước còn chưa biết có nhau đâu đó trong đời. 10 năm sau đã trở thành một phần …tất yếu nơi cuộc sống. Nhìn cái dáng Phương Nguyên “ngon lành”, nhìn Chị Thủy Cúc tươi trẻ, May nồng ấm, Ngọc Hạnh tươi tỉnh và nhìn… Em rạng rỡ trở lại, nồng nhiệt bên cạnh Người Bạn Lớn và …bên Mập, tôi chợt dưng… thấy mình tham lam khi vẫn nhớ về những người Bạn còn ở xa, hoặc vì lý do gì đó không có mặt trong cuộc hội họp này…

Tôi đi về, đường khuya vắng, mát, mà vẫn giữ mãi  nụ cười “nội tâm” thường trực trên môi mình. Thậm chí khi dừng đèn đỏ, nhớ chi tiết những “nội tình” vừa rồi nơi bàn nước, còn cười thành tiếng, thậm chí cười như muốn phô bày hết cả “nội tạng” ra… may có cái mask che miệng, chớ không, chắc thiên hạ chở thẳng tôi vào… Khoa “nội thần kinh” của bệnh viện rồi…

Cảm ơn Bạn Bè và riêng cảm ơn Em. Cảm ơn cả Người Bạn Lớn đã luôn chăm sóc Em bằng lòng dung hiếm có. Cảm ơn với tất cả chân thành mà “nội bụng” tôi có thể có để cất lời…Cảm ơn cả những Bạn Bè chưa về được bên tôi...

Cảm ơn hạnh ngộ, trong mùa Bình An sắp đến. Tôi nghe lòng mình cả bước chân mình hôm nay trên đường mưu sinh trầy trật đã nhẹ nhàng hơn… Xin phép được ôm hôn tất cả các Bạn…

         

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

Entry cho những Mùa nhớ, Tháng 12- bài post lại

Cà phê ơi !

Tôi có một thói quen "xấu" : thích lê la lề đường uống cà phê, nhìn ông đi qua bà đi lại. Thói quen này không biết lây nhiễm của ai, vì nhà tôi không ai có cái máu lê la như thế.

Nhưng vấn đề không ở chỗ lê la. Vấn đề là ở ly cà phê tôi uống. Tôi gọi nó là "chén đắng" nhưng đi uống cà phê bao giờ cũng xin thêm đường. Bạn có lần đã "dạy": Thế thì gọi quách nó là "chén ngọt". Nhưng khi tôi bảo bạn nếm thử một muỗng cà phê của tôi, bao giờ Bạn cũng nhăn mặt vì "đắng". Ngộ thế !

Chiều tôi, Bạn cũng tập lê la, nhưng vì là "con nhà lành", nhìn Bạn ngồi quán đầy bứt rứt (Hồi mới biết tôi, bạn hãi hùng khi tới nhà nhằm lúc tôi đang ôm guitar ngồi nhậu với một đám bặm trợn "xe ôm". . Hỏi ra: đó là đám bạn thời đánh bi đánh đáo.Tôi biết Bạn "sợ" tôi từ lúc đó và cho đến giờ cũng vẫn không tin đám bạn của tôi "trên cả tuyệt vời" . Đi uống cà phê với tôi mãi mà Bạn vẫn chỉ uống 2 thứ sữa tươi hoặc cam tươi. Mà mười lần như một, kêu cà phê với cam hay sữa, thì quán bưng ra bao giờ cũng đặt ly cà phê cho Bạn và ly cam cho tôi. Và cũng 10 lần như một, Bạn đều "ngượng ngùng" đính chính : Cà phê của chị này, tui uống ...cam tươi !

Rồi Bạn đi xa, tôi chới với mất một thời gian dài lắm khi "cà phê một mình". Nhưng cũng từ đó tôi nghiệm ra một điều: cái gì cũng do "tập luyện" cả thôi! Nhưng từ một mình thành hai vẫn đông vui hơn khi tập từ hai thành một. Dù chưa bao giờ chúng ta uống cùng một thứ nước.  Rồi đùng một cái Bạn xuất hiện trước tôi. Già hơn, phong trần hơn, duy có nụ cười hiền lành thì vẫn thế: Cà phê nghen ! Tôi quen lệ định gọi cam và ly đá. Bạn ngăn lại, tự kêu: 2 đá ! Rành rẽ như "dân chơi thứ thiệt". Lúc cà phê bưng ra, Bạn hỏi : Thêm đường hok?. Tôi mỉm cười thấy như cả ngày xưa ùa về... Ly cà phê bỗng chốc ngọt lịm ...

Tám ba đồng bảy đỗi, hỏi tới gia đình, Bạn ngập ngừng một lúc rồi mở bóp rút hình cho xem: Cô vợ tóc vàng óng, xinh thật xinh với 2 đứa con như thiên thần... Tôi cười nói chúc mừng mà tự dưng nghe miếng cà phê "đắng trở lại" . rồi cả hai đều im lặng, rất lâu. Tôi nếm thử ly cà phê của bạn nhăn mặt: Trời! tiệm quên bỏ đường rồi, để mình gọi nó đem ra...

Bạn ngăn lại: Vậy ngọt rồi , cà phê bên kia đắng hơn, vẫn uống được...tôi ngạc nhiên: Ủa, biết uống cà phê hồi nào? ...Bạn cười cười, không trả lời ...nói bâng quơ : Bên đó, tìm muốn khùng cũng không có quán xá nào ngòai đường vầy đâu ...Bị vậy nên phải về đây uống ...Tôi cười: đùa hoài, chạy cả nửa vòng trái đất để uống có ly cà phê ...Bạn nói : Ờ để thấy cà phê bên bển đắng lắm ! ...

Trả Bạn về khách sạn , hỏi Bạn chừng nào về lại bển. Bạn nói : Trưa mai, nhưng đừng bày đặt đi tiễn ... tôi về kỳ này lo thủ tục ly dị ...rồi quay lưng đi vào một nước .... Bây giờ tôi mới hiểu chữ "đắng" Bạn dùng ...Cà phê ơi !


P/s: Nguồn ảnh Mập M và google

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Entry for 15 August, 2011- Ngày Tôi làm bổn phận công dân

           

Hôm nay Tuổi Trẻ đăng bài dự thi “Cảm xúc Trường Sa” của tôi. Cũng như mọi lần, bài viết có những điều nhạy cảm của mình, tôi biết sẽ bị cắt gọt cho “tròn trĩnh” lại. Thật thông cảm cho người biên tập, các anh chị đều muốn đăng những bài “gai góc” để “rộng đường dư luận”, nhưng “đi” được qua cây kéo “kiểm và duyệt” thì hình như là một đoạn đường còn gai góc hơn…

Bài trên TT hôm nay 13/12/2011 : http://tuoitre.vn/Ban-doc/469092/De-gin-giu-tinh-yeu-To-quoc.html và bài “nguyên mẫu chưa tu” hehe!

 

Bài dự thi cảm xúc Trường Sa

Để gìn giữ  lương tri Tổ quốc…

            Tôi là một thanh niên thành phố, lớn lên kịp khi hòa bình đã đến. Những năm tháng chiến tranh với tôi chỉ là những gì tôi được học, được đọc, được nghe kể lại qua Thầy cô, sách báo, phim ảnh và những người lính trong họ hàng. Chỉ vậy thôi, nhưng tôi biết rõ một điều không hề « sách vở » đó là những năm tháng đó sẽ mãi mãi nằm trong ký ức và ghi nhận của cả dân tộc. Đó là sự ghi nhận về cái giá máu xương của nhân dân đã đổ ra để đổi về nền hòa bình cho dân tộc, đổi về sự thống nhất đất nước, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Sự toàn vẹn này không chỉ ở việc xóa bỏ lằn ranh vĩ tuyến 17 trên đất liền. Sự toàn vẹn lãnh thổ còn ở việc cờ Tổ quốc giương cao trên các cột mốc biên cương. Sự toàn vẹn còn phải tính đến những hòn đảo, quần đảo trên mặt Biển Đông thuộc về bản đồ nước ta đã cả ngàn năm nay. Trong đó, Hoàng Sa- Trường Sa đối với lớp thanh niên chúng tôi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ « chỉ là ký ức ».

            Thế nhưng, việc chủ quyền biển đảo của đất nước bị xâm phạm, không hiểu vì lý do gì, những thông tin về sự việc này đến với chúng tôi theo con đường chính thống rất muộn. Muộn, nhưng bằng vào sự quan tâm của mình một cách có trách nhiệm, chúng tôi buộc phải mày mò tìm hiểu và các trang mạng xã hội là nơi chúng tôi nhắm đến. Bước vào thế giới mạng, tuy nó được nhận định đa phần là ảo, nhưng thực ra, thanh niên bây giờ không chỉ có những nhóm người chỉ biết xài tiền chơi ngông, vô công rỗi nghề, thích nổi loạn, gây rối hoặc ẽo ợt như những người thuộc « thế hệ gối ôm », mà vẫn còn một bộ phận đông đảo thanh niên hướng đến Hoàng Sa- Trường Sa, những vấn đề lý tưởng tuổi trẻ bằng tất cả nhiệt tâm của mình. Nếu ta biết bỏ qua một bên những ý đồ đen tối manh nha đâu đó cho việc kích động hòng gây rối,  thì sâu xa trong những lời kêu gọi tuần hành, thực sự có những tấm lòng thanh niên hướng về Hoàng Sa- Trường Sa. Với họ, Hoàng Sa – Trường Sa là một bộ phận không thể tách rời với cơ thể đất nước. Với họ, việc để một mảnh đất Tổ quốc mất đi dù nhỏ nhất cũng là điều không thể chấp nhận. Họ, cũng như chúng tôi, tuy chỉ là những người được thừa hưởng sự hy sinh của các thế hệ đi trước,  nhưng điều đó không có nghĩa, chúng tôi cho phép mình thờ ơ với cái giá máu xương mà bao thế hệ cha ông đã phải đổ ra để giành lại Tổ quốc này. Với chúng tôi đó là cái giá của lương tri.        

Bằng suy nghĩ riêng của mình, tôi cũng hiểu vấn đề Biển đảo Biển Đông hiện nay rất phức tạp. Rằng việc chúng ta đấu tranh để đòi lại chủ quyền ở  Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa là vấn đề cần có thời gian, cần có chiến lược không đơn giản và phải bình tĩnh, sáng suốt. Thế nhưng điều đó không có nghĩa là ta phó mặc mặt trận đấu tranh cho thương lượng ngọai giao. Trong quá khứ xa xưa, nhà Lý đánh Tống, Trần Hưng Đạo ba lần chiến thắng giặc Nguyên Mông, Nguyễn Trãi và nhà Lê trong cuộc khởi binh chống quân Minh, rồi gần đây, trong  2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hoặc ở cuộc chiến biên giới phía Bắc, phía Tây Nam năm 1979 chẳng phải, chúng ta – trong thế yếu hơn nhiều lần- đã chiến đấu và chiến thắng những thế lực ngọai xâm hùng mạnh bằng nhiều mũi giáp công? Trước vấn đề tranh chấp Hòang Sa – Trường Sa trên Biển Đông, thanh niên chúng tôi cho rằng, bên cạnh việc thương lượng ngọai giao, bên cạnh việc tranh thủ  lẽ phải của luật pháp quốc tế và sự đồng tình của dư luận thế giới, chúng ta vẫn phải dựa vào chính tiếng nói đanh thép, sức mạnh của tinh thần quật cường dân tộc là chính trong việc bày tỏ thái độ trước những hành vi xâm phạm chủ quyền của đất nước mình một cách ngang ngược của một số nước láng giềng.

Ngày 15/08/2011 vừa qua, ngày tựu trường của học sinh tòan thành phố, được sự cho phép của Thầy Hiệu trưởng, tôi đã lên sinh họat với hơn 1800 học sinh của Trường trong chủ đề Biển Đảo Tổ quốc ta. Tôi nói với học sinh của mình không dài lời, chỉ gói gọn trong những ý «Biển đảo đâu phải chuyện của một nhúm người. Nó là chuyện của “trăm họ”, và chính là chuyện nếu hôm nay thế hệ các Thầy Cô chưa làm được cho sự vẹn nguyên của nó, thì trách nhiệm sẽ là của các con trong tương lai…Cho nên để làm tốt trách nhiệm này, các con phải chuẩn bị tư thế “gánh trách nhiệm” đó ngay  từ bây giờ” . Tôi kết thúc bài sinh họat chưa đến 10 phút của mình bằng bài thơ Những huyết cầu Tổ quốc của Blogger Đinh Vũ Hòang Nguyên. Trong bài thơ có nhiều từ lạ và học sinh của tôi có thể không hiểu hết, nhưng bằng vào việc các em vỗ tay rân trời và hô vang Hòang Sa – Trường Sa sau khi tôi ngừng ở cuối bài thơ, bằng vào việc sau đó chỉ trong vòng 3 ngày bằng tiền tiết kiệm ăn sáng, các em đã đóng góp cho cuộc vận động “Góp đá xây Trường Sa” của Báo Tuổi Trẻ  số tiền 11 triệu đồng, những học trò nhỏ đã gầy dựng trong tôi niềm tin rằng, Hòang Sa – Trường Sa chắc chắn sẽ trở về nguyên vẹn trong lòng Tổ quốc ta. Trở về bằng chính những việc làm nhỏ nhất, nhưng cụ thể nhất của tuổi trẻ hôm nay. Viên đá xây dựng Trường Sa hôm nay không chỉ đơn giản là gìn giữ những gì còn lại, mà nó phải được hiểu như chúng ta đang đắp lũy, xây thành cho một trận chiến “đòi đất” hứa hẹn phải lâu dài. Ngọn đèn thắp sáng trên nhà giàn DK1 không chỉ đơn giản là thắp sáng một vùng biển, mà nó còn là tín hiệu khẳng định vị thế làm chủ của ta nơi biển trời thăm thẳm kia.

Sáng 15/08/2011 hôm ấy là một buổi mai mát lạnh, trong lành sau những cơn mưa đêm trước, sau phần sinh họat của mình, tôi đã chảy nước mắt vì không khí mà học sinh mang đến trong buổi chào cờ.  Tôi chảy nước mắt trong niềm vui về những người trẻ của mình với vận nước tương lai, và tôi tin, các em sẽ lớn lên, sẽ biết gìn giữ cẩn trọng và tự hào về lương tri Tổ quốc mà ông cha để lại bằng máu xương hôm qua ...khởi đi từ những động thái ý nghĩa nhất.

Lâm Minh Trang ( Gò Vấp)

P/s: Cảm ơn blogger Đinh Vũ Hoàng Nguyên và bài thơ của Anh

Những huyết cầu Tổ Quốc


Xin lỗi con!

Khi hôm qua ôm con

Có một phút giây, ba chợt xiết con vào lòng hơi mạnh

Ba làm con đau!

Bởi hôm qua

Ba đọc câu chuyện về đồng bào mình – những huyết cầu* Tổ quốc.

Máu lại tuôn…, xô dập, mảnh ván tàu…

Con ơi

Ba sẽ kể con nghe

Câu chuyện những ngư dân

Đang hóa thân thành hồng cầu*

để Trường Sa, Hoàng Sa  

Vẫn là thịt trong huyết hình Tổ quốc.

Con phải khắc tâm

Câu chuyện những bạch cầu*:

là 58 người lính Việt Nam chết giữa Hoàng Sa.

là 64 người lính Việt Nam chết giữa Trường Sa.

Những con số sẽ không là con số

Khi ngẩng đầu: Tổ quốc 4000 năm.

Mỗi con đường – mạch máu đất nước mình

Vết thương đạn bom vừa yên trong đất

Vọng phu còn trên nét mặt mồ côi.

Nhưng những mũi tàu vẫn xẻ trùng khơi

Nơi sóng rẽ cũng là nơi máu chuyển

Và trong mỗi người Việt mình có mạch máu nối liền với biển

Mạch máu này con phải thấy bằng tim

Nếu một ngày sóng nộ, cường lên

Giữa lòng Việt bốn nghìn năm cũng dậy.

Thứ lỗi cho ba

Khi bài thơ đầu đời cho con, không thể bình yên!

Kẻ thù lăm le cướp biển nước mình

Đất nước bốn nghìn năm trên sóng

Đừng quên: sau lời thề, lông ngỗng…

Giai nhân, huyết ngọc đổ bên trời.

Một ngày

Khi con nếm trên môi,

Con sẽ thấy máu mình vị mặn.

Bởi trong máu luôn có phần nước mắt

Ta hiểu căm thù, ta biết yêu thương.

Con sinh ra rạng rỡ một huyết cầu

Của đất nước bốn nghìn năm không ngủ

Để điều này lớn lên con hiểu

Bây giờ, ba phải kể cùng con.

Đinh Vũ Hoàng Nguyên.


 

 

Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

Entry for 28 December, 2011 -

Bạn luôn ở trong lòng tôi , rất sâu nặng...

Ta biết nhau –biết mà không thân – từ năm 12 tuổi khi cùng vào học Trưng Vương . Năm tháng bên nhau kéo chúng ta mỗi lúc mỗi biết thêm về nhau một chút , một chút thôi , rồi đứa nào chơi với nhóm bạn đứa ấy.Bạn nhu mì và hiền thuận không thể nào chịu nổi những trò nghịch ngợm quá mức hiếu động của tôi . Chỉ  thỉnh thỏang mỉm cười , thỉnh thỏang xót xa khi tôi té ngã .Ta sẽ đi song song mãi như thế nếu không có một ngày …Tôi được tin Mẹ bạn mất ,một cơn đau tim cộng với nỗi lo sợ khôn nguôi vì ba bạn bị đưa ra Bắc học tập cải tạo đã cướp bà đi . Tôi cùng các bạn trong lớp đến chia buồn, và đôi mắt một mí sưng mọng của bạn đọng mãi trong tôi từ ngày ấy .Tôi biết thêm nhiều điều về bạn : biết vết sẹo rất sâu trên tay bạn là do đi tước khoai mì làm bột bán . Tôi biết bạn đã phải đi bật bông gòn từ năm lớp 7 phụ với gia đình …nhưng  ngòai cái nắm tay thật chặt , một cái sờ nhè nhẹ xót xa trên chiếc khăn trắng mà bạn đang đội, tôi không biết làm gì hơn …Một đứa bé 14 tuổi có thể làm gì khi gánh nặng mà bạn nó mang trong lòng quá lớn? Trong một buổi sinh họat lớp, cô giáo dạy Sử mà tôi rất yêu phát hiện lớp có cây guitar. Cô yêu cầu lớp tặng cô một bài. Bên nam , Tr. đàn bài Romance rất “nghệ”, đám con gái tự ái, nhao nhao yêu cầu tôi lên hát. Trong cái không khí phấn khích tôi cả gan hát một bài nhạc bị cấm lúc ấy đó là bài Maman –nhạc Pháp. Tôi không học  tiếng Pháp, chỉ nghe qua máy đĩa rồi thuộc lòng nên chắc tôi hát lời Pháp sai be bét, nhưng khi đến lời Việt, vô tình nhìn xuống, tôi thấy mắt bạn đỏ hoe. Bài nhạc bị ngắt ngang lúc đó, cô không chỉ cảm ơn Tr. nồng nhiệt mà còn ôm chặt lấy tôi. Và từ ngày ấy,bạn cứ lặng lẽ đi bên cạnh tôi, chỉ để thỉnh thỏang yêu cầu Maman đi Út  

Vào Cao Đẳng , ta lại học chung. Cái khối đông xa lạ mỗi chút mỗi đưa đẩy ta thân nhau hơn . Bạn  phát hiện ra ở tôi một mối đồng cảm nào đó , cùng với 11 đứa khác ta gộp lại thành một Chục 13 thân thiết và náo động khắp khoa Hóa – Địa suốt 3 năm “học để làm thầy”. Những ngày cúp điện ở nhà bạn, những đêm lửa trại của Trường và những buổi  picnic cùng với “Chục 13”, tình thân chúng ta theo năm tháng trải dài , nó càng lúc càng gắn bó khi tôi và bạn ra trường lại được phân công  cùng về dạy ở Thủ Đức. Nhẩm tính mà giật mình, ta đã đi cùng nhau cho đến lúc bạn ra nước ngòai thì đã có 16 năm ta quen biết …gia đình bạn từ lâu đã coi tôi như người nhà và gia đình tôi cũng vậy . Bạn bè thì không hiểu vì sao hai cá tính trái ngược nhau như thế lại có thể thân nhau …Chỉ có chúng ta biết điều gì đã kéo ta gần lại , và nay  thì cũng biết luôn điều gì đã đưa chúng ta thành xa lạ với nhau …

Bạn luôn ở trong lòng tôi , rất sâu nặng...

Nhưng cho dù bây giờ ở giữa chúng ta là một đại dương mênh mông, nó tạo ra một khỏang cách không chỉ về địa lý mà còn ở trong chính lòng ta, thì lúc nào, cứ vào tháng 12 mỗi năm, tôi đều luôn để lòng mình hướng về Bạn. Bởi trong lòng tôi, bạn cũng như con Phương và nhiều gương mặt bạn bè khác nữa, đều hiện diện trong tôi với những món nợ ân tình mà tôi biết chắc đời này kiếp này mình không trả nổi . Bạn là người bạn duy nhất , bằng chút kiến thức âm nhạc lõm bõm của mình, tôi đã làm tặng bạn một bài hát riêng cho ngày sinh nhật. Bạn cũng là người duy nhất sau ngày HQ mất, yêu cầu được tôi bỏ đi một số thói quen xấu . Và khi bạn đi xa, bạn đã để lại cho tôi một món quà rất lớn. Nó lớn đến nỗi tôi luôn nhói lòng khi nhìn thấy những gợi nhắc từ nó. Tôi dõi theo cuộc sống của bạn, cho đến hôm nay với rất nhiều lo lắng và tôi hiểu bạn cũng như thế với tôi. Những lo lắng mà ta biết chắc rằng mình không còn san sẻ với nhau được nữa . Nhưng dẫu vậy, tôi vẫn cứ cầu mong Bạn luôn có một cuộc sống an nhiên, bởi Bạn quá xứng đáng được điều đó…

Thêm một tuổi nữa trong đời, mong Bạn có thêm nhiều niềm vui, nhiều sức khỏe, mong Bạn luôn hạnh phúc…

Tôi muốn gọi khẽ tên Bạn một lần nữa, một năm nữa, một lòng tôi: Bê Bo ơi!


Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011

Entry for 26 November, 2011 - Kính mừng Mẹ 85 tuổi hạc...

Anh hùng, có một bà mẹ Việt Nam thiệt anh hùng…

Anh hùng nhứt đó là Bà nhận lời về làm vợ một ông con trai độc đinh. Cả họ nhà ông không còn ai chỉ còn mỗi mình ông và cũng chỉ có ông, “ngôn ngữ quốc tế” gọi là “ón lì wanh”. Chưa hết, chuyện anh hùng của Bà còn “diễm lệ” ở chỗ là nhà ông, ngoài bố mẹ chồng còn có hai bà cô chưa chồng ở chung. Người ta đối phó với “một giặc bên Ngô” đã đủ ngất ngư, đằng này, Bà đơn thương độc mã đối phó với “đốp – bồ giặc”. Thiệt ngưỡng mộ Bà!

Anh hùng lắm, nên chỉ trong vòng 3 năm đầu về mần dâu, Bà đã lần lượt “chiêu hồi” hai “giặc bên Ngô” kia thành “phe mình”. Anh hùng hơn nữa, trong 3 năm đầu mần dâu, 3 cái Tết Bà đều…nằm ổ. Thế là trong ngoài, lớn nhỏ… tự xử, để Bà còn lo xử 3 đứa con gái ăn như hùm, khóc như beo và cấu chí nhau suốt ngày cái chuyện: Ẹ ơi, ó ái ô ười oong! Ẹ ơi! Ó ấy ồ ơi ủa oong!

Anh hùng ở chỗ, Bà đã làm cho hai bố mẹ chồng người dân tộc ít người họ Tào của Bà – vốn trọng nam khinh nữ - thấy Bà sản xuất vịt giời nhiều quá, ngán ngẩm khuyên nhủ Bà: Con nào cũng là con cả, nghỉ ngơi đi con! Bởi vì 3 cái đứa con gái ấy, Bà đã kịp huấn luyện cho chúng thích theo, thích chơi với các ông bà hơn là …bố mẹ. Bởi vì ngày ấy, công chức chỉ được nghỉ có 2 tháng rưỡi, nhà cũng có người làm, nhưng Bà nhận ra  không có cái “kinh đờ gác tân” nào tốt hơn cái “kinh đờ” 26 Huỳnh Quang Tiên với …4 ông bà cả.

Anh hùng ở chỗ, sau 2 năm nghỉ ngơi, Bà lại sản xuất ra đứa con gái thứ tư. Cái đứa nuôi trong mầm bụng niềm chứa chan hy vọng nó là một thằng con trai, vì Bà muốn ông có người …chống gậy. Than ôi! Cái đứa con gái ấy của Bà đúng là “trở đầu con” chứ chưa “lộn đầu con” hết, nó nghịch hơn quỷ sứ ( nếu Bà biết quỷ sứ ra sao!), nó ăn như hùm và nó …bê tha đủ mọi nết khi lớn. 11 năm đầu đời của nó, ngày nào Bà cũng nghe hàng xóm mắng vốn. 22 năm sau, Bà nghe bạn bè nó méc mơi, 33 năm sau, Bà nghe đâu học trò rất khổ với nó. Và cũng chính nó, đã phong cho Bà là Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng…một cách rất trào lộng trên..bờ lốc.

Anh hùng, có một bà mẹ Việt Nam thiệt anh hùng…

Anh hùng nhứt đó là sau nó, Bà nhất định hạ sanh một hoàng nam. Chiều nào nhà Bà cũng như một trại lính. Ông bà nội chạy xà quần quanh cái bàn cơm có 5 đứa lít nhít lau nhau với bát cơm, đĩa đồ ăn, tô canh. Chúng chọc vạch nhau, méc mơi nhau, chí chóe ầm ĩ nhau. Hình ảnh đó mà bây giờ lập lại, thì thiệt không biết bi kịch tới đâu. Không đứa con nào của Bà …dám đẻ nhiều như Bà. Vậy mà Bà luôn nói, đến lúc có việc thấy 5 đứa vẫn còn thiếu. Thiệt ngưỡng mộ Bà!

Bà anh hùng ở chỗ, sau đó, bất chấp mọi lời khuyên, Bà khiêng 4 đứa cháu ngang hông về nhà. Dạy chúng theo “trường phái” nhà Bà. Và đau khổ nhìn chúng lớn lên “thoát ly” khỏi mọi điều tốt đẹp nơi Bà mà chỉ còn rặt những ba lơn theo cái đứa chơi với chúng nhiều nhất. Sau đó, Bà thay đổi chiến thuật cho 4 đứa cháu ruột rà và phát hiện ra, cái ba lơn đó nó nằm trong bản chất, trong máu của dòng giống. Nó không nằm nơi sự tác động của ngoại cảnh. Bà cắn răng chấp nhận một cách biện chứng, chỉ lo coi chừng những “diễn biến hòa bình” xấu hơn. Bà thiệt đáng ngưỡng mộ khi đổi mới tư duy nhanh hơn lãnh đạo, sáng suốt hơn chánh quyền và đặc biệt rất minh bạch trong pháp luật, khi Bà chấp nhận mà không thỏa hiệp. Bà vẫn một mình đàng hoàng, đĩnh đạc như nữ hoàng Elizabeth đệ 0 giữa một bầy “liên hiệp ba lơn”.

Anh hùng, có một bà mẹ Việt Nam thiệt anh hùng…

Chủ nhật vừa rồi Bà tròn 85 tuổi. 5 đứa con của Bà tề tựu đông đủ cùng với một bầy cháu vừa ruột non, vừa ruột già, vừa ngang hông để mừng thọ Bà lên “đại cụ”. Bà trông rất minh mẫn, khỏe mạnh và đẹp gái. E là có bề còn đẹp hơn 4 đứa con của Bà. Khi có đứa nham nhở nói bà trông như 58 tuổi, Bà hứ một cái nghe thật thâm hậu về công lực và nói: 58 mà được như Mẹ, còn may!

Hic, thế mới biết, mần con của một “đại lão anh hùng” không phải dễ.Bởi,  suốt đời sẽ “chạy theo thành tích” của Mẹ mình đến…đuối. Cũng may, Bà khuyến khích chạy theo Bà đủ thứ, trừ khoản…đẻ…

Bà thiệt là một bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cầu trời cho Bà luôn tự hào như thế, chúng con hứa không “rút ruột công trình” Bà thêm nữa, để Bà cứ sừng sững giữa đời mãi mãi, cho gia đình ta có một chở che và dựa đỡ vĩ đại, để chúng con an tâm mà kèn cựa với đời.

Kính mừng Bà 85 tuổi hạc…