Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Entry for Mùa Ngâu - Từ Entry của Bạn, ta ngẫm lòng chính ta...

 

Đó là tình yêu


Nếu có nỗi nhớ nhung

Đó là niềm đơn độc.

Nếu có người mong gặp

Đó chính là tình yêu.

Nếu có người ta ghét

Cũng lại chính là yêu.

 

Nếu một khi nào đó

Ta không còn thấy nhớ

Ta chẳng còn biết mong,

Ta cũng không đơn độc

 

Có nghĩa là

ta không biết tình yêu.


HS, trích dịch bài “Người không biết tình yêu”

trong tập thơ “Hoàng hôn của Diaspora” của Jeon Gi Ye

Sự đơn độc là tình yêu,

Nỗi nhớ nhưng, sự ghét bỏ cũng chính là tình yêu.

Con người sinh ra trên cõi đời, mọi giây phút cho đến khi khuất bóng đều có chứa tình yêu. Ta vô tình sống mà không biết sự thật đó, cho khi trải qua hết mọi phút giây đơn điệu, mới muộn màng nhận biết tình yêu. Hôm nay, vẫn trong niềm đơn độc, vẫn trong nỗi nhớ nhung, tôi vẫn yêu người.

  *******

 

S. em…

Mập viết comment này cho ML nơi đây không chỉ trên tư cách một người Bạn, mà còn trên tư cách của một người hiểu Tình Yêu theo cách của mình. Cách của một người bao giờ cũng “về chót” trong mọi cuộc chơi. Và cho đến bây giờ vẫn “một mình bước tới”. Nó không phải là những ý kiến kinh nghiệm như mọi lần, nó là một tự sự để nói với S. em về vấn đề Em nêu ra nơi entry này mà Mập cảm được ( tất nhiên, có thể cái cảm đó đúng cũng có thể sai, hén!), đó là: Sự ràng buộc nhau trong Tình Yêu, liệu có giữ được Tình Yêu mãi mãi?

S. em…

            Trong đời mình Mập đã hai lần Yêu với tất cả tình cảm trong lòng mình. Những lúc đó, quả tình, từ chính mình mà ra Mập luôn ở trong trạng thái dồn hết tình cảm, suy nghĩ của mình cho “đối phương”. Do đó, cũng muốn “đối phương” hành động như thế với mình.

Trạng thái này ta gọi là “thói sở hữu trong Tình Yêu”.

Tính cách này ta gọi là “sự độc quyền trong Tình Cảm”.

Rồi sao?

 

Rồi thì sau một thời gian đắm đuối, sau những ngày tháng rất ngọt ngào, ta nhận ra một món ăn, cho dù ngon tới đâu đi nữa, thì ăn hoài cũng ngán. Ta nhận ra, tình cảm, dù vây bọc kiểu gì, cũng có lúc, nó trở thành một tấm chắn, ngăn cản ta nhìn rộng hơn, xa hơn, ra ngoài “thế giới của hai người”…

Rồi sao nữa?

Rồi là những mỏi mệt, rồi là bức bối từng chút, từng chút, lúc này, lúc khác kéo đến. Và rồi,  nếu thấy không có sự cần thiết thôi thúc ở bên nhau dài hơn, lâu hơn, chưa “trói” nhau bằng việc kết hôn … thì có nghĩa là ta đã manh nha muốn “cởi trói” cho nhau. Cái “cởi trói” này nó hoàn toàn không nằm ở phạm trù “ví dầu tình bậu muốn thôi”, không ở cái phạm trù “có người thứ ba xen vào”, không ở cái phạm trù “ngó tới ngó lui thấy người mình – chỗ nào cũng…dở”…Cái “cởi trói” này hình như bắt nguồn từ một “nghĩ lại” rằng: hình như cái mà ta gọi là Tình Yêu đó, chưa đủ Lòng Yêu.

Hai lần chia tay Tình…đầu với Mập, đều có những lý do khác nhau. Song khác ở chỗ nào đi nữa, thì nó cũng giống nhau ở một chỗ đó là đều …tan vỡ. Cái tan vỡ …Tình Trường, S. em ơi, nó cũng giống như ngàn vạn những tan vỡ khác, nghĩa là nó sắc cạnh, vỡ vụn, có xây xát và tất nhiên, rướm máu. Người lạc quan thì nghĩ “may mà chưa lấy nhau, không thì chán chết!”. Người bi quan thì nghĩ “sao mình khờ quá, tốn nhiều thời gian cho việc ấy quá”. Riêng kẻ ba lơn thì sau khi “choáng váng” nhìn cái “sự vỡ” nghĩ một cách giản đơn rằng “số mình chưa …tận”. Tất nhiên, cũng chỉ nghĩ được vậy sau rất nhiều đau khổ. “Không có cái sự chia tay nào mà không gây đau khổ, kể cả sự chia tay mà người ta mong muốn”, huống chi chia tay trong Tình Yêu thì thường là một bên chưa muốn và một bên …đã muốn lắm rồi. Và cũng chỉ người trong cuộc là “nắm rõ nội tình” vì sao phải “dứt đứt đường tơ”. Người ngoài cuộc thì bênh – bỏ tùy theo “phía” mà mình quen biết. Quen với người “chưa muốn” thì lập tức trùng trùng … ném đá. Quen với người “muốn lắm rồi” thì hỉ hả… vậy là đáng. Đáng hay không đáng, đá ném trúng đích hay không trúng đích, thì cái sự đến, rồi nó cũng phải đến. Mập nhớ một lần nào đó S. em đã nói như vậy.

 

 

Dông dài một chút, “chuyện tình tự kể” một chút ở đây để nói với S. em về ML này. Mọi trạng thái tình cảm mà ta đa mang với ai đó, với điều gì đó, với nơi chốn nào đó, đều phải xuất phát từ Tình Yêu phải không S. em? Nếu đời sống muôn mặt, thì Tình Yêu cũng muôn vẻ. Và có nhiều cách Yêu khác nhau. Và cũng có nhiều loại Tình Yêu.. Vì thế, nếu S. em nhận ra trong cuộc sống, nhân gian và những nơi chốn khác trong Em chỉ là sự tiếp xúc, rằng em biết, Núi kia mới là nơi Em bình an, Và Người Núi mới là chốn Em thuộc về, thì cũng là chuyện bình thường. Nhưng khi S. em chọn cách Yêu là lùi xa một chút, là để khách quan đẩy đưa mình đi ra dài rộng, tiếp xúc với nhiều người, với nhiều sự kiện, với nhiều nơi chốn để khẳng định chắc chắn lòng mình rằng “ta chỉ”, thì hãy nhớ chưa chắc người khác có thể làm giống Em hoặc nghĩ như Em. Yêu nơi họ có thể là lòng kiên nhẫn dành cho Em tràn đầy. Nhưng trong cái tràn đầy đó, họ cũng biết luôn rằng một mình họ kiên nhẫn là chưa đủ, trong khi, đối phương, vì lý do nào đó, không cho họ thấy được sự kiên nhẫn của họ là xứng đáng. Khi suy nghĩ như thế mà không thể tỏ bày, họ chọn cách dừng lại mọi ràng buộc, để giúp cho người kia có khoảng cách để “nghĩ về”.

Có một cái lạ là khi ta hành xử, ít khi nào ta nghĩ: Vì sao ta làm vậy? Rằng ta làm vậy không sai? Hoặc ta trách sao đối phương không hiểu mình? Vậy khi người khác làm với ta điều gì đó theo cách tương tự như vậy, thì họ lại nhận về từ ta nhiều câu hỏi…

Âu cũng là chuyện thường tình… Âu cũng là một mặt phong phú của cái gọi là Cõi nhân gian rộng lớn. Âu cũng là một khía cạnh mới của Tình Yêu…

Trong khía cạnh đó, hãy luôn nhớ một câu từ Mập – kẻ đã phải ngồi nhiều lần trong ray rứt để “mài” cho mòn đi cái “sắc cạnh” của những lần “tình vỡ” – đó là: Trong Tình Yêu, ta đừng làm cho người khác điều gì mà ta không muốn người khác làm với mình…

Ngay cả khi S. em chọn đơn độc mà vẫn Yêu, thì hãy cố gắng nhớ điều Mập dặn. Bởi Tình Yêu nó không mênh mông như ta tưởng S. em à, nó có cái “lim” của nó. Bước qua “lim” ấy… ta thực sự sẽ không còn rõ tình cảm mà ta đang mang có thực sự là Tình Yêu hay không, hay chỉ là một thói quen mà ta không nỡ bỏ…

Vậy nhé…S. em… cũng chúc Em một cuối tuần an nhiên… với Núi.

 


Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

Entry for 18 August, 2012- Mừng Em thành hôn...

Là một người chưa bước chân vào ngưỡng cửa gia đình, nhưng bằng vào kinh nghiệm "nhìn trẻ" gần 30 năm, tôi muốn gởi đến Hai Bạn Nhỏ của mình "những lời gan ruột"

 

Thành hôn…

          Đó không chỉ đơn giản là việc ta mang “hai nửa” ghép vào nhau và hồ hởi nói “đó là hạnh phúc”. Thành hôn là ta hình thành nơi mình một thói quen mới: Thói quen chấp nhận “một nửa xa lạ” trước đó, nay thành quen thuộc. Chấp nhận những khác biệt và dung hòa mọi “lệch pha”. Bởi ta biết Thành hôn là bắt đầu một cuộc sống gia đình, nơi ta không chỉ có một mà là hai. Rằng ta hy sinh một chút cái Tôi để có một cái Ta hòa hợp. Cái Ta đó là nơi cho ta thêm sức mạnh, nghị lực và đỡ nâng.

 

Thành hôn…

          Đó không chỉ đơn giản là việc ta “góp gạo thổi cơm chung” mà có thể thành một bữa cơm gia đình ấm áp, viên mãn. Thành hôn là nơi bếp ăn đó luôn ấm áp ngọn lửa chân tình, vun xới và gầy dựng. Là nơi bát cơm có thể chưa đầy, thức ăn có thể chưa ngon, nhưng nó tràn trề niềm vui của việc bỏ qua và thể tất. Bỏ qua những thiếu sót và thể tất những vụng về. Bởi ta biết Thành hôn là bắt đầu cho việc từ hai thành một. Rằng nơi đó, không có chỗ để ta cố mà kê cho vừa những lệch lạc, mà là nơi, ta coi những lệch lạc đó là cái đã đưa ta về với nhau…

 

      Được một vị Giáo sư trưởng thượng chúc phúc và sau lưng là Bạn bè chung vui. Em yên tâm được rồi...

          Vì vậy, trong lời chúc tụng hôm nay Bạn Bè dành cho đôi lứa, có luôn sự thành tâm cho việc Hai đã thành Một, và Một này vĩnh viễn yêu quý Hai kia…

 

 


Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Entry cho ngày sắp ...rã đám...

Anh Mul sắp chia tay các nhà. Thía mà Ảnh ( hoặc mí anh cắt cáp) chơi hông đẹp cho đến ngày cuối. Chập chập cheng cheng như thằng dở hơi... Hôm nay ngồi tìm lại trong máy, có mấy bài viết "đi về nơi xa lắm". Post một hơi lên đây cho Ảnh ...ngộp chơi... hhehe!

Trông người mà thấy thương ta

Có theo dõi bộ phim Fahrenheit 9/11 Năm 2004 của Micheal Moore mới thấy ông là một đạo diễn "dũng cảm" - theo một nghĩa đơn giản nhất của hai từ này - khi qua bộ phim của mình động chạm đến những vấn đề "nhạy cảm" nhất của nước Mỹ sau sự kiện 11-09: Sự yếu kém trong phòng thủ an ninh quốc phòng của quốc gia hùng mạnh nhất  thế giới, phê phán nặng nề chế độ "diều hâu" của Đảng Cộng Hòa và tổng thống Bush khi hừng hực tạo ra áp lực "tòan cầu hóa" họat động chống khủng bố như một phương  cách "lấy thịt đè người" và "cả vú lấp miệng em" để mong che khuất những "bẽ bàng" trước dư luận thế giới về sự kiện bi thảm 11/9 ...Bộ phim còn gởi theo một thông điệp không thể cứ lấy chiến tranh để mong dập tắt chiến tranh, không thể lấy bạo lực và thế lực "nước lớn" để làm vũ khí trong đấu tranh chống khủng bố ...và bộ phim này nếu theo “quan điểm đánh giá” của chúng ta thì: đây là bộ phim có tính bôi nhọ, lăng mạ, thiếu xây dựng đối với "chế độ" của ông Bush. Chưa kể nếu "nâng quan điểm" lên thì người làm phim - tức đạo diễn Micheal Moore và ê kíp của ông - còn bị khép tội : “Làm lộ bí mật …quốc gia”. Thế nhưng , bộ phim Fahrenheit 9/11 Năm 2004 vẫn tới được người xem, Micheal Moore vẫn sống khỏe và ngày càng trở nên nổi tiếng. Uy tín của bộ phim sau đó, đã làm cho các nhà sản xuất tư bản vốn coi trọng tiền bạc hơn mọi thứ chính trị vớ vẩn khác trên đời này quyết định đầu tư để Micheal Moore làm tiếp phần 2 mà theo đánh giá của đạo diễn nó vẫn sẽ mang tính "khiêu khích và bùng nổ"- thậm chí còn hơn cả phần 1. Tư bản là tiền  và để có tiền người ta phải biết qúy mạng sống vì đó là điều làm ra tiền.Thế nhưng người ta đấu tranh chống lại sự trì trệ, cường quyền như thế. Và không chỉ đơn thuần là trì trệ, là cường quyền, đằng sau nó còn là thế lực của những tập đòan tư bản lớn, những kẻ sẵn sàng lấy “máu nhân dân để đúc tiền vàng” ( Tư Bản luận – Marx). Trông người lại ngẫm đến ta, đến cuộc đấu tranh chống tham nhũng đầy vất vả của nhà nước và nhân dân ta mà thương chảy nước mắt! Lâm Minh Trang


TÌNH YÊU VÀ SỰ DỐI TRÁ …

Khi niềm tin bị chấn thương thì không thể phục hồi ?

( Về bộ phim Hàn Quốc đang trình chiếu trên HTV7 – 12h00 từ Thứ hai đến Thứ bảy hàng tuần)

            15 năm trước, phát hiện người yêu của con trai mình chính là con gái của người yêu cũ –người đã phản bội mình để chạy theo một cô gái con nhà giàu và thế lực –bà mẹ đã làm mọi cách để chia rẽ đôi uyên ương và thành công với sự tiếp tay ngấm ngầm của bố cô gái ( người vì gia đình phải chối bỏ tình yêu, giờ mang nặng nỗi hối hận trong lòng nên nguyện sẽ làm theo mọi ý nguyện của người yêu cũ). Hai người trẻ xa nhau trong sự tan nát của trái tim và phải rất lâu sau họ mới “tự hồi phục” lại được và tìm thấy hạnh phúc mới. Chồng và vợ của họ đều là những người tốt  và giúp họ có được những gia đình êm ấm. Song, sự run rủi của số phận cho họ gặp lại nhau. Và trong sâu thẳm lòng mình họ vẫn mang suy nghĩ: Kia mới là người tình lý tưởng của mình ( Một thứ tư tưởng: con cá xảy bao giờ cũng là con cá to). Họ lao vào nhau bằng sự nuối tiếc qúa khứ, bằng đam mê chiếm đọat và khám phá, bằng sự nhàm chán trong đời sống gia đình bắt đầu bị thói quen chi phối đến không còn hấp lực…và họ tưởng đó là tình yêu. Bản thân cả hai dù mệt mỏi và đau khổ bởi sự tan nát những gia đình của họ, phải trả giá bằng danh dự và sự nghiệp song họ vẫn bị cuốn hút vào tội lỗi như những con thiêu thân với niềm tin sắt đá rằng: họ đang đấu tranh để đòi lại công bằng và công lý. Rằng tình yêu mà họ dành cho nhau là đủ, là quý gía hơn mọi thứ khác trên đời này. Chồng của người phụ nữ và vợ của người đàn ông sau một thời gian dài níu kéo rốt cuộc cũng phải mệt mỏi buông tay. Và họ khám phá ra như thế họ được bình yên hơn, thanh thản hơn khi cứ cố gìanh giật những điều không còn thuộc về mình. Thế nhưng, cái vòng luẩn quẩn của thế gian lại thực không đơn giản, khi phải từ bỏ những đứa con để đi theo tiếng gọi của tình yêu – người phụ nữ mới phát hiện chị không hòan tòan thanh thản. Rằng cái gương mặt của tình yêu tìm lại đó hình như nhàu nhĩ hơn khi trái tim chị trống trải hình bóng những đứa con. Chị giúp người yêu giải quyết tai nạn, giúp anh phục hồi sự nghiệp và sau đó trong nhục nhã và tủi hổ, quay trở lại xin chồng tha thứ. Người chồng – tuy đang chuẩn bị đám cưới với cô bạn gái cũ – vẫn giang tay đón nhận sự trở về này. Bởi anh hiểu rõ sâu thẳm trong tâm hồn mình anh còn yêu chị biết bao. Tập phim dừng lại trong tuần chiếu này bằng 2 câu nói mà tôi cho rằng người viết kịch bản phim Việt Nam nhất định phải học tập. Khi đón nhận người vợ cũ trở về, anh đã  chỉ tay vào “vết thương lòng chưa khép miệng của mình” và nói: Anh tin em được bao nhiêu? anh còn có thể tin sao? Nhưng anh vẫn chấp nhận vì anh biết sau tổn thương vừa rồi dẫu có xảy ra chuyện gì đi nữa anh sẽ không còn thấy tổn thương nữa–anh không thể vì đã quen rồi … Với người vợ của tình địch khi chị hỏi anh tại sao lại có thể chấp nhận chuyện trở về dễ dàng như thế của kẻ phản bội, anh đã trả lời điềm tĩnh: vì tôi muốn tha thứ. Tôi thấy dễ chịu khi tha thứ và không còn tuyệt vọng trong tha thứ…Hành xử của anh dưới con mắt “đời thường” là “không thể chấp nhận”. Khi theo dõi bộ phim đến đây, tôi chợt giật mình. Chúng ta vẫn thường nói, nhiều khi như một thói quen, nhiều khi là “nói hùa” cùng số đông trước một sự việc nào đó “bất bằng” rằng: Mất niềm tin là mất tất cả. Và mang luôn suy nghĩ đó để “định hướng” cho những hành xử của mình khi đi vào đời sống cộng đồng. Mà quên mất Niềm tin là suy nghĩ và suy nghĩ thì có thể thay đổi trong khi sự tha thứ lại đi từ trái tim mà trái tim thì dường như lại có những lý lẽ riêng của nó, đôi lúc cực đoan nhưng lại khó thay đổi  Cái suy nghĩ mà chúng ta chắc chắn thì trong từng thời điểm khác nhau lại chứng tỏ rằng không có gì chắc chắn: Ngày hôm qua suy nghĩ đó là đúng, nhưng có thể chỉ đến chiều hôm qua thôi thì đã lại là sai và ngược lại. Cái niềm tin mà chúng ta vẫn cho rằng nó mênh mông thì nhiều khi lại có những giới hạn.Trong khi lòng tha thứ thì lại không có đúng sai và sự khoan dung thì không quan tâm đến giới hạn. Khi ta tự cầm lên và buông xuống, là ta đã – như phật pháp đã dạy – đang rứt bỏ cái giới thừa để tiến dần đến cái vô thừa. Quay lại chuyện phim cho câu hỏi mà chúng tôi đặt ra ở đầu bài viết: Niềm tin khi bị chấn thương có thể phục hồi hay không? Tôi cho rằng  sự phục hồi tổn thương trong niềm tin thì không còn gọi là niềm tin nữa mà phải gọi là tha thứ. Thế nhưng tôi lại muốn hỏi nhưng liệu  “đôi tay nhân gian” đủ bao dung đến đâu để tha thứ cho sự  tước đọat niềm tin mà  phải vất vả lắm ta mới gây dựng được? Câu hỏi này đặt ra không chỉ dành cho bộ phim Hàn quốc còn đang dở dang của HTV7, cho người làm phim Việt Nam- những người đang mong chuyển tải được hơi thở cuộc sống vào phim ảnh mà còn muốn đặt ra cho tất cả chúng ta những người “đang thở cùng cuộc sống đó” … Lâm Minh Trang

 

CHẠY ÁN PHẦN 2 –NHỮNG CÂU HỎI CÒN BỎ NGỎ …

( Phim Việt Nam phát trên VTV3 vào lúc 20h00 Từ Thứ hai đến Thứ Sáu )

            Trong số nhiều bộ phim truyền hình Việt Nam phát hành thời gian gần đây, Chạy án phần 1 là  bộ phim gây được nhiều ấn tượng cho người xem và tạo ra sự thu hút đáng kể. Bỏ qua một bên những hạt sạn thường thấy ở phim Việt Nam như mạch phim nhiều lúc thiếu logic, tốc độ phim qúa chậm đến mức rề rà, cách diễn qúa “kịch” ở một số diễn viên, lời thọai không phù hợp, trang phục …thì Chạy án phần 1 là một bộ phim hay. Tuy phải “mượn hồn” của một vụ án cấp TW ngòai thực tế với một số chi tiết “gần sự thực” đến mức mà người xem đài còn “gán ghép” thế này thế nọ cho “đời” thì thông điệp mà bộ phim gởi đến cho cuộc sống vẫn mang rất nhiều yếu tố tích cực, nhiều hy vọng tốt đẹp trong bối cảnh Đảng và nhà nước cùng tòan xã hội ta đang quyết tâm chống tệ nạn tham nhũng, nạn hối mại quyền thế và tiêu cực trong đội ngũ cán bộ công chức nhà nước – đặc biệt là những cán bộ công chức cấp cao, lâu nay vẫn được dư luận râm ran xem là những “lô cốt bất khả xâm phạm”. Đó là điều dễ hiểu cho việc thừa thắng xông lên của hãng phim truyền hình Việt Nam khi tiếp tục dựng Chạy án phần 2 và sự chờ đón của dư luận về phần tiếp theo này. Nếu ở phần 1 – phần “chạy án” còn mờ nhạt và chỉ dừng lại ở mức “chạy dự án” thì sang phần 2, bằng việc can thiệp để Cao Thanh Lâm được “tại ngọai” tên phim mà mạch phim đeo đuổi đã lộ rõ hơn. Bộ phim dài hơi, diễn xuất của các diễn viên cũng dần nhuần nhuyễn hơn, sâu hơn, hợp lý hơn nhưng kịch bản phim vì vậy lại bộc lộ một số lỗ hổng mà ở  phần 1 chưa thấy. Trước hết nói về tính đúng đắn của Luật Pháp trong Chạy án phần 2. Cao Thanh Lâm phạm tội là quả tang và việc phạm tội của anh ta là phạm tội kinh tế, phạm tội đánh bạc, việc tuyên phạt anh ta và giam chung với những tội phạm thuộc khung hình phạt khác là đúng hay sai? Thứ hai, việc cơ quan công an – cụ thể hơn là chỗ ông Hòa – căn cứ vào đâu mà có thể vào ra trại giam rồi tùy tiện thông báo tình hình phạm nhân một cách trực tiếp cho gia đình? Và thứ ba – điều cuối cùng – Cơ quan nào đã tống đạt lệnh tạm thời cho Cao Thanh Lâm tại ngọai để chữa bệnh “tâm thần” mà ngòai những thông tin cung cấp từ mẹ bị can, từ những mưu chước của tay luật sư ma mãnh thì người xem không còn thấy có thêm một chứng cớ gì để “thả Lâm nhanh thế”? Chạy án phần 1 khép lại trong sự hồ hởi của người xem phim về một niềm tin: Công lý của chúng ta bao giờ cũng thắng. Kẻ phạm tội phải bị diệt trừ dù là ai và trước pháp luật mọi công dân đều bình đẳng. Nhưng với phần mở đầu của Chạy án phần 2, xem ra, người xem lại phải rất kiên nhẫn theo dõi đến cùng để chờ những lời giải đáp “có lý” cho những diễn tiến “vôlý” về mặt luật pháp mà bộ phim đang chuyển tải. Ta bắt Cao Thanh Lâm rất vất vả nhưng lại thả anh ta một cách qúa nhẹ nhàng, thậm chí không có một ràng buộc nào về mặt hành chánh để chế tài trong thời gian Lâm tạm thời “tại ngọai để chữa bệnh”. Phải làm sao để bộ phim không làm “méo đi” niềm tin mà nhân dân đang có. Đó là: Bao nhiêu người vào ra trại giam “nhởn nhơ” được như Cao Thanh Lâm? Hay “đặc quyền đặc lợi” ngay cả trong pháp luật vẫn dành cho những kẻ “thừa tiền lắm thế” như Lâm? Vẫn biết bộ phim mới chỉ bắt đầu, rằng người xem phim Việt Nam vẫn còn cần lắm lòng kiên nhẫn dành cho “phim nhà” thế nhưng việc đặt ra các câu hỏi bỏ ngỏ đó dành cho nhà làm phim thiết tưởng vẫn không thừa. Đặc biệt khi quốc hội ta đang nhóm họp, chính phủ đang thừa nhận những yếu kém trong điều hành và quản lý và nhất là dư luận xã hội vẫn còn bức xúc rất lớn đối với tệ nạn tham nhũng và tiêu cực của các cán bộ, công chức nhà nước ở mọi nơi, mọi cấp …mà hiệu qủa của cuộc đấu tranh chống lại nó vẫn còn chưa đem đến sự thuyết phục cần có  . Lâm Minh Trang

 

 

Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

Entry For 01-08-2012- Mỗi năm hết hè, lòng tan tác buồn...

Tản mạn

Buồn vui hai chữ “tựu trường”

            Gia đình có nhiều người làm giáo viên, hoặc không làm giáo viên nhưng có một lũ trẻ lít nhít, nên bất cứ vấn đề nào của giáo dục hiện nay, đều là “vấn đề nóng” trên bàn…cơm buổi tối. Nhiều năm nay, không chỉ người lớn đã sống qua nhiều “giai đọan lịch sử” như bố mẹ tôi thắc mắc mà ngay đến lũ trẻ “đầu chưa ráo máu” cũng rất hậm hực, khi mùa hè của chúng – mặc dù bây giờ nhiều phần Hè không còn ý nghĩa trọn vẹn nữa- tự dưng bị …cắt đi nửa tháng cho cái gọi là “ngày tựu trường” từ giữa tháng 8. Người già hỏi: Sao tựu trường mà lại không làm lễ. Rồi dạy học con người ta cả nửa tháng rồi mới có cái lễ khai giảng hả con? Thế tựu trường khác khai giảng à? Trẻ con ấm ức: Năm nào cũng bắt tụi con vào học sớm 2 tuần. Hai tuần này gần như ngày nào cũng học.... hát quốc ca với …truyền thống trường. Rồi khám sức khỏe, rồi tập đi đều bước, rồi học nội quy…Thầy cô thì nói hai tuần này là để ..chuẩn bị cho năm học mới. Là để…giảm tải, thầy cô dạy trước các tiết để khi vào năm học mới, có lễ lạc gì thì… khỏi bù…Những băn khoăn của người già, những càm ràm của con trẻ bao giờ cũng kết thúc bằng những “cái nhìn nhiều viên đạn” chiếu thẳng đến …các nhà giáo của nhà. Trong hai nhà giáo, thì có một nhà “cũng là nạn nhân” của “tựu trường khác khai giảng”, cũng là “người bị hành” cho cái gọi là “giảm có tải vẫn vậy” với 2 tuần giãn ra khúc đầu y như những ngày “trông trẻ mướn”, nên tiếp tục “chuyển” những cái nhìn đó sang một nhà giáo vốn được coi là “tay sai” của cái thể chế “tựu trường khác khai giảng”. Không thể đánh bài chuồn vì bữa cơm mới bắt đầu chưa ăn được bao nhiêu, nên không có sức để chuồn. Không thể “tôi chưa nghe chủ trương này”, “tôi không nhận đựơc báo cáo” vì vốn là “tay sai bậc thấp”, không có “tư cách” để nói những câu “hay hơn học thuyết” đó. Nên đành nhằn cơm mà như nhằn xương cá, cúi mặt đếm ớt trong chén nước mắm mà rằng:

1-Tựu trường là để giúp cho trẻ làm quen lại với…Trường sau một mùa Hè vẫn đến trường mà chưa quen. Tựu trường là tề tựu trong trường một cách…tự ác, bởi vì tụ tập đông người mà chưa có lệnh cho khai…mạc. Tựu trường là để đo đồng phục thể dục cho đủ size. Tựu trường là để …giúp cho phụ huynh giảm bớt áp lực… trông trẻ…tựu trường là một ngày bình thường…ở trường.

2-Tựu trường xong khỏang 2 tuần là chính thức khai giảng. Có người nói là “học đã đời rồi mới khai giảng” là …chưa biện chứng. Bởi vì, trường nào học đã đời là …ráng chịu, đó không phải là chủ trương của Bộ. Tựu trường đâu có ai nói là vào trường để học, mà là ta chuẩn bị cho ngày khai giảng sắp đến kia nó thiệt …hòanh thánh bánh tráng…đó là ngày hội tòan dân đưa trẻ đến trường. Còn ngày tựu trường thì có thể không cần tòan dân đầy trẻ đến trường mà chỉ cần ông bà nội ngọai, hay ô-sin đưa đi đón về là đủ.

Tựu trường có chuẩn bị kỹ, đặc biệt là chuẩn bị …thu tiền kỹ bao nhiêu, thì mới có thể có ngày khai giảng óach bấy nhiêu. Đó mới thiệt là biện chứng. Tựu trường là cái nhân, còn khai giảng là cái quả. Cái nhân ta gieo xuống như thế nào, thì cái quả sẽ mọc lên như thế. Nếu trường nào học đã đời mới khai giảng, thì e là sẽ có chuyện thế này: Thầy hiệu trưởng rổn rảng tuyên bố ( dĩ nhiên qua hệ thống khuếch đại âm thanh) Tôi xin long trọng tuyên bố khai giảng năm học mới…thì cái long trọng đó sẽ làm nổ ra một tràng cười …long óc. Hoặc, có trường đã “nhìn xa trông …bậy” thấy trước hậu quả, nên khi khách mời chưa tới, sẽ cho một em ( mặt mũi cô hồn một chút) ra rào đón ( mà thiệt là đòn ráo) với học trò: Khi thầy hiệu trưởng tuyên bố khai giảng, em nào mà “vô ý cười” là sẽ biết thế nào là “lệ đổ”. Khôn khéo hơn, thì câu này được in hẳn trong nội quy để các em cùng thầy cô của mình “tụng” trong hai tuần “tựu trường” cho nó “nhập tâm”…

Phần trả lời y như bài “đít cua, đít cáy” này của “tay sai”, nghe đâu sau đó, đã gây nên một hội chứng… ói tập thể sau bữa cơm. Người già thì bị lùng bùng lỗ tai, còn con trẻ thì  bị hội chứng ...tháo chạy không kịp. Tất cả “luận cứ” dành cho việc giải thích “tựu trường khác khai giảng” đều bị quên hết ráo, chỉ còn nhớ rặt cái gì là ráng chịu đã đời, là cười long óc, là lệ đổ.. và cuối cùng là tụng với …nhập tâm… nên đã cho ra kết luận:

Năm học có 9 tháng 36 tuần,nhưng  chương trình chỉ có 35

Giáo dục giờ cũng như xăng, cắt một mà lại tăng hai, hay nhỉ?

Ngày trước  “học một biết mười”, mãi không tăng, không giảm

Ngày nay “trồng đến trăm năm”, cây có mọc, mà tuyệt không có trái

Nên ngành Giáo ta cứ phải Dục hòai hòai

Hết dục học, lại đến dục thi, chỉ e mãi thế thì cuối cùng là dục vào sọt rác ./.