Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2011

Entry For 28 February, 2011- Một chút thành tâm...

Xin gởi lời đến muôn trùng…

Cho “Hòang tử bé” của Âm nhạc Việt Nam- nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 70 của Ông

          Tôi không phải là một fan “trung thành” của âm nhạc Trịnh Công Sơn- trung thành theo cái nghĩa: Chỉ thích nhạc Trịnh và chỉ nhạc Trịnh là …nhất. Ngòai âm nhạc của Ông, tôi còn mê đắm dòng nhạc Văn Cao, Phạm Đình Chương, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Phạm Duy… sau này còn rất thích nhạc của Phú Quang, Ngọc Lễ và đôi bài của Quốc Bảo…Tôi cũng không phải là người có hân hạnh quen biết nhạc sỹ, tuy đã hai lần được Ông tiếp ở nhà riêng khi Tôi đến mời Ông về nói chuyện với Trường, để tự cho mình cái quyền “vơ vào” trong việc chúc mừng một ngày theo tôi là rất riêng của nhạc sỹ. Nhưng hôm qua, một đứa cháu nhỏ của tôi có chuyện buồn với bạn, nó lên nhà chơi, tâm sự và khi chờ dọn cơm, tôi nghe nó lẩm nhẩm hát: Không có em còn tôi với ai… Tôi kéo nó lại hỏi: Con biết bài con vừa hát của ai không? Dạ biết… của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn… Sao hồi đó Mập cứ nghe tụi con “chê” nhạc của Ổng là …khó hiểu… Nó cười: Con không biết nữa… nhưng hễ khi nào “ có chuyện” con lập bập mấy câu này là thấy… yên liền à Mập… Cháu tôi đã vậy, đám bạn nhậu giang hồ bến xe và xe ôm của tôi còn lạ hơn. Mỗi khi bắt đầu nhậu là tụi nó tòan hát bolero, nhưng khi đã “tới” thì chỉ có một dòng nhạc được cất lên đó là nhạc Trịnh… Cháu tôi không hiểu ca từ nhạc của Ông, đám bạn bỏ học sớm của tôi chắc càng không hiểu, mà ngay tôi, bảo rằng hãy giải thích một số ca từ nào đó trong âm nhạc của Ông, cũng sẽ chịu chết… Vậy mà… chính vì lẽ đó, nhân những “ồn ào” người ta đang “làm ầm” lên nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhạc sỹ và cũng là sinh nhật lần thứ 70 của Ông, nếu Ông còn tại thế, tôi ngồi lại với đam mê của riêng mình, để nghiệm, như một nén nhang thành tâm viếng về một hạnh ngộ đã từng…

Và tôi nghiệm ra rằng… Trịnh Công Sơn dùng âm nhạc của mình như một cách người ta viết …nhật ký vào thời kỳ của Ông, hay như ngày nay, chúng tôi viết …blog… Nhật ký âm nhạc là nơi Ông ghi lại chính cuộc đời mình khi cuộn chảy, hòa tan và bị cuộc đời lớn ngòai kia kéo đi. Một cuộc đời riêng lẻ không đơn giản trong một cuộc đời lớn có những biến động kinh người. Không chỉ cuộc đời Ông mà còn có nhiều cuộc đời bạn bè quanh mình được Ông đưa vào “nhật ký âm nhạc”.

Không chỉ ghi âm lại những âm thanh từ chính nội tâm mình, Ông đã ghi nhận lại âm thanh của cuộc sống, của xã hội, của quê hương. Người ta – vì những lý do riêng chung gì đó- chia dòng nhạc của Trịnh Công Sơn ra làm nhiều lọai nào là “ca khúc da vàng”, nào là “thân phận và quê hương”, nào là “tự tình ca”… chia ra như vậy là để tìm cách giải mã âm nhạc của Ông, giải mã theo kiểu “ép” nó đi về những suy nghĩ chủ quan của mình. Mà quên mất, nhật ký là một điều rất riêng, không thể giải thích, càng không thể mổ sẻ. Trịnh Công Sơn ký âm đời sống bằng một lọai ngôn ngữ riêng. Nó đi vào tận đáy sâu tâm cảm của Ông- nơi mà ngôn ngữ bình thường của nhân lọai bất lực- giúp Ông bình thản sống trước mọi biến động, cho Ông sự bình an sau bao biến cố và đưa Ông đến trạng thái bao dung với mọi toan tính, cơ hội của đám đông vây bọc quanh Ông. Nhạc sỹ có biết về tất cả những điều ấy hay không? Tôi cho rằng với một người minh triết như thế, không điều gì có thể “qua mắt” của Ông mà không đọng lại. Song, “Hòang tử bé” không chọn cách ngăn lại, không chọn cách phản bác, càng không chọn cách “nói lại cho rõ”… Ông tung cuốn nhật ký của mình ra đám đông và Ông chấp nhận mọi cảm nhận mà đám đông đó có. Ông chấp nhận họ chia sẻ những suy nghĩ của riêng họ đối với suy nghĩ “của riêng Ông”. Với Trịnh Công Sơn, dường như đám đông được Ông xem là một phần của cuộc đời mình, nó cũng giống như lục phủ ngũ tạng mà mình không có cách chi từ bỏ hay tách bóc khỏi con người. Ông chấp nhận sống chung với đám đông ấy, chấp nhận cách mà họ chấp nhận Ông… người ta và cả tôi nữa, gọi sự chấp nhận ấy là lòng bao dung của bậc hiền nhân…Và chính vì thế, âm nhạc của Ông- nhật ký của Ông- đã được đám đông tiếp nhận nồng nhiệt, lâu dần, dường như họ quên mất đó là nhật ký của Ông, họ xem nó như nhật ký của mình, để nâng niu, để gìn giữ và để thỉnh thỏang tìm gặp những an ủi nơi đó như chính mình tạo ra… điều này lý giải sức hút và sức sống lâu dài của âm nhạc Trịnh Công Sơn…

Nhạc sỹ đã rời xa thế giới nhộn nhịp và bất an này của chúng ta 10 năm. Trong 10 năm đó, “cuốn nhật ký âm nhạc” của Ông vẫn ở lại với cuộc đời, với công chúng yêu âm nhạc và dường như thế giới ngày càng biến động hơn thì, cuốn nhật ký đó lại càng được nhiều người tìm tới. Đám cháu nhỏ của tôi lớn lên, bên cạnh những bài hát tuổi Teen của chúng mà …tôi nuốt không trôi, chúng đã biết tìm đến với nhật ký… Âm nhạc Trịnh Công Sơn cho chúng- mà không chỉ cho riêng chúng- tôi nghĩ là cho tất cả chúng ta một cõi bình lặng đáng quý trong cuộc đời này… Bình lặng để bao dung như nụ cười hiền hòa, như cái phẩy tay thân mật mà vẫn đầy lịch sự khi tiếp những người khách-không-mời-mà-đến, như cái cách mà Ông tiễn mọi tìm đến ra cổng… mà tôi từng biết…

Vì vậy thương tiếc mừng Ông an nhiên ở cõi vô thường…cảm ơn Ông và nhật ký của Ông…

P/s: Nguồn ảnh Google ( trừ tấm cuối, chụp trong Hội Hoa Xuân) 

Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

Entry For 23 February, 2011- "...Mai xa chắc hẳn trời không nắng..."

Lời cầu nguyện

Cho bàn tay nhỏ

Tôi đã thấy Bạn ngẩn ngơ trên những bậc cầu thang đếm một, hai, ba

Một mình

Tôi đã thấy Bạn lưng nặng trĩu ba lô trên những đồi dốc, xuyên qua gió…

Một mình. Nhỏ bé. Mong manh.

Tôi đã thấy bạn giẫm chân trên cát, xoay tròn… vạt váy áo phất phơ.

Tôi đã thấy Bạn đẫm rượu, vùi trong chăn. Sợi tóc rơi qua kẽ tay.

Tôi đã thấy Bạn loay hoay trước cánh cổng sắt màu nâu, rồi giật mình hốt hoảng vì tiếng cửa mở…Bạn loay hoay với những chiếc chìa khóa rơi vãi trên nền gạch lạnh. Một mình.

Đêm nay

Tiếng chuông nhà thờ rơi xuống từng giọt…

Tôi trở về căn phòng không có lối đi. Nhắm mắt. Mở cửa sổ.

Tiếng ai đó rì rầm, dường như lời nguyện cầu, cũng rơi xuống từng giọt.

“Em đừng một mình đêm nay. Bình yên”

Bạn có nghe?

Ô cửa nhỏ nhà Bạn xin hãy mở.

Cho giao thừa.

Cho đêm nay. ( ENAL- HN)

          Tôi bắt gặp bài thơ này trong một tờ báo cũ đã lâu lắm rồi, chép vào cuốn sổ lưu giữ của mình như một điềm báo. Nhiều năm qua, cứ mỗi khi thắt lòng về một gương mặt Tình Thân, lại lấy ra đọc lại. Đọc lại và không lần nào khi gấp lại, không nghe lòng mình muốn nổi bão dông.

          Bài thơ chia thành hai nửa. Rạch ròi như thể chia đôi thế giới này. Một nửa là của những thân phận người thấp bé, cùng quẫn, đơn lẻ và cô độc đến tận cùng. Một nửa là nhân loại loay hoay không biết mình nên quên hay nhớ. Nên âm thầm chịu đựng hay nên gào la lên cho những tìm kiếm vô vọng về những cảm thông giữa người và người.

Bài thơ có cái tựa Lời Cầu Nguyện. Cầu nguyện cho một bàn tay nhỏ. Nhỏ bé thế nên lọt thỏm đi trong biển đời rộng lớn. Nhỏ bé và đơn độc đến nỗi, muốn nắm lấy để lôi đi cùng mà rồi để lỡ. Nhỏ bé và dường như cũng tự mình muốn biến đi trong thăm thẳm cuộc đời… Biến đi để những quay về không còn thảng thốt. Biến đi để vĩnh viễn “Một mình” trong cuộc hành trình trên cát, nắng, gió bỏng rát của lòng người, của tình đời. Biến đi, để trong một chùm chìa khóa những căn phòng trói buộc, những dây nhợ tình cảm giằng chéo, không tìm ra chiếc chìa khóa nào đúng cho nơi chốn mình muốn mở ra…

Tôi nhớ Tình Thân của mình, nhớ đến cái cười nhếch mép, lạnh. Nhớ đến đôi mắt mệt mỏi khi im lặng cà phê cùng tôi. Nhớ đến cái tỉnh táo mạnh mẽ để đưa tôi “đi đến nơi, về đến chốn” sau những buổi nhậu ngất ngư. Nhớ, để mở ra một lời cầu nguyện mới:

Ô cửa nhỏ “lòng” Bạn xin hãy mở.

Cho mai sau.

Cho tìm về.

Để nương náu

Một Tôi...

         

 


Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011

Entry For 19 February, 2011- Những bài báo không giấu sau "cái ghế"...

Đầu năm khai bút gởi báo, lẽ ra nên viết một điều gì "an dân"- tôi nghĩ vậy- song không hiểu sao tôi lại "trình làng" những bài báo "nặng lòng" thế này...(nguồn ảnh minh họa: Tuổi TRẻ online)

 

 

Nhân thân của những người cầu danh, mua ấn?

Họ có phải là những người dân thường, những người lao động thông thường? Xin thưa, không phải, hoặc nếu có, cũng là những người đang có ý định sẽ tiến thân - bằng mọi cách, đang nhắm đến một cái danh-quyền-lợi nào đó mà họ không có thực lực để cạnh tranh. Hoặc họ là người thân, họ hàng của những người đang có vị trí xã hội, nay "xung phong" làm việc "Lê Lai cứu chúa" này để mong giữ nguyên vị trí cho "một người làm quan, cả họ được nhờ" kia bằng vào việc cầu danh, xin ấn.

Chỉ nhìn qua hình, đã thấy cả một rừng người ấy không còn giữ được chút gì là văn hóa tối thiểu, vậy quay về gia đình, họ sẽ dạy dỗ, giáo dục con cái mình thế nào? Vào cơ quan, họ sẽ bảo ban, chỉ dẫn, điều hành đồng sự, đồng nghiệp mình ra sao? Thật đáng giật mình, thật đáng buồn cho hiện tượng này. Cái hiện tượng mà nó bày ra một sự xuống cấp văn hóa ngày càng trầm trọng trong một bộ phận không nhỏ xã hội.

Người có chức, có quyền mất tự tin vào thực lực của mình đến nỗi không còn biết đặt niềm tin vào đâu kể cả vào qui hoạch, vào cơ cấu, mà phải tìm đến thánh thần... Ta chấn chỉnh văn hóa là hãy bắt đầu chấn chỉnh từ cái thấp nhất: nơi niềm tin con người không còn có chỗ bấu víu...

Lâm Minh Trang

(http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/425106/Tham-hai-le-hoi.html)

 

DIỄN ĐÀN "NẾU TÔI LÀ BÍ THƯ THỨ NHẤT TRUNG ƯƠNG ĐOÀN"

GIÚP CHO NGƯỜI TRẺ BIẾT TỰ TRỌNG

            Điều đầu tiên tôi quan tâm  mà cũng là mong muốn cải thiện nhất đó là phải làm sao cho lớp trẻ Việt Nam hiện nay khởi đi từ những hành vi, thái độ thể hiện một tư cách tự trọng nhất khi tham gia vào nền sinh hoạt chung của xã hội. Bởi, sự thể hiện tư cách của con người trong xã hội nói lên được rất nhiều điều: trước hết, tư cách đó cho thấy nền giáo dục của gia đình- tế bào nhỏ nhất nhưng lại quan trọng nhất của xã hội. Sau đó, những hành vi ứng xử thể hiện tư cách đó lại cho thấy về nền giáo dục của đất nước – nơi tạo ra sự hiểu biết. Tư cách biết tự trọng phải khởi đi từ chỗ hiểu biết cá nhân mình đang ở đâu trong xã hội, hiểu biết mình cần phải làm gì khi tham gia vào cộng đồng chung, những hiểu biết về kiến thức văn hóa, kiến thức xã hội, kiến thức đóng góp, xây dựng. Và cuối cùng, tư cách và hành vi nơi công cộng còn thể hiện nền văn hóa của đất nước đang ở đẳng cấp nào? Đã vươn lên đến những thang bậc nào về văn hóa xã hội so với cộng đồng chung quanh và so với thế giới, đã thoát thai khỏi sự tự phát, thiếu căn bản chưa, hay vẫn đang còn ở mức dò dẫm và liên tục cảnh báo về sự mất thăng bằng và xuống cấp?

            Tại sao tôi lại quan tâm đến tư cách của lớp trẻ ngày nay thông qua hành vi ứng xử của họ nơi công cộng? Bởi tôi cho rằng tư cách của con người là cái quyết định đến toàn bộ những suy nghĩ, hành vi của họ. Từ chỗ biết tự trọng chính bản thân mình, họ sẽ biết tôn trọng tư cách, suy nghĩ, hành vi của người khác , tôn trọng những cái chung không thể xâm phạm. Biết tự trọng và tôn trọng bản thân cũng như người xung quanh, họ sẽ biết luôn phải yêu quý và gìn giữ tư cách đó như thế nào. Sẽ biết bảo vệ để làm sao cái riêng và cái chung đó hài hòa để cùng phát triển. Và sẽ biết chống lại những tư cách, những hành vi xấu, đe dọa đến những điều mà họ trân trọng.  Tư cách văn hóa sẽ dẫn đưa con người đến những lý tưởng khác. Họ biết sống đúng cuộc sống của mình và tôn trọng đúng cuộc sống của người chung quanh.  Lý tưởng sống, kỹ năng sống, chẳng phải khởi đi từ những điều rất nhỏ đó là biết trân trọng sự sống mà ta có hay sao?

            Lớp trẻ ngày nay có những thế mạnh rất lớn so với các thế hệ đi trước. Họ có hòa bình, có ổn định, có khoa học hiện đại hỗ trợ rất nhiều trong học tập, trong lao động, trong sinh hoạt. Nhưng thế mạnh đó cũng chính là điểm yếu, vì nó không giúp gì được cho việc hình thành và rèn luyện nhân cách bởi chính sự hỗ trợ quá lớn của những điều kiện này đã tạo ra tâm lý đương nhiên: đương nhiên chúng tôi phải có những cái đó. Đương nhiên chúng tôi phải được hỗ trợ… mà quên mất rằng tư cách văn hóa và sự tự trọng không đương nhiên mà có. Việc bỏ rác đúng nơi quy định, không khạc nhổ bừa bãi, không chen lấn trong đám đông đang trật tự xếp hàng, không vượt nhanh giành đường lấn ẩu, không trút lỗi lên người khác khi xảy ra va chạm, không xé bao hàng lén lút thử trong các siêu thị, không nhận bất cứ cái gì không từ chính công sức mình làm ra… không thể là việc thích là làm, tiện là làm, mà là việc phải làm, đương nhiên làm. Nhưng muốn vậy thì từ ông bà, cha mẹ, anh chị, thầy cô và người chung quanh đều phải làm như thế khi còn bé. Tư cách sẽ bị nhiễu loạn và nhiễu loạn theo nhiều hướng tiêu cực, khi trẻ được học điều hay A, nhưng từ Thầy cô ra đến cửa trường đã thấy điều A’, đi trên đường lại thấy nó thành B và cuối cùng về nhà thì lại thấy là “phủ định của A”. Khi tư cách cá nhân bị nhiễu loạn thì không có điều gì đảm bảo rằng những tư cách đó sẽ sản sinh ra những lý tưởng sống tốt và những công dân tốt. Theo tôi, đó là lý giải cho việc một bộ phận giới trẻ hiện nay quan niệm đi theo con đường hoạt động đoàn thể là một trong những cách tiến thân nhanh nhất, có thể ăn trên ngồi trốc một cách dễ dàng nhất khi bản thân mình có hạn chế trong con đường học vấn. Mà quên rằng, việc tiến thân, việc ăn trên ngồi trốc thiên hạ, phải khởi đi từ chính tư cách và nền văn hóa của bản thân, phải lấy được sự tôn trọng của người khác bằng chính thực lực của mình chứ không phải từ “cơ cấu” hoặc từ chính sự luồn lách và cơ hội. Và từ đó những vấn nạn xã hội khác sẽ nảy sinh ra.

            Là Bí thư thứ nhất Trung Ương Đoàn, có lẽ với vị trí “vĩ mô” này, vấn đề mà tôi quan tâm và tìm cách cải thiện được trình bày ở đây sẽ có thể được coi là quá “vi mô”. Nhưng như ông bà ta đã nói : “ Chớ xem thường chuyện nhỏ, lỗ nhỏ làm đắm thuyền”. Mà con thuyền đạo đức xã hội, con thuyền văn hóa công cộng, con thuyền giáo dục của chúng ta bấy lâu nay đã được cảnh báo là “chao đảo”, phải chăng vì nó tồn tại rất nhiều lỗ nhỏ như thế này?

Lâm Minh Trang

( Gò Vấp)

http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/425050/Lam-cho-nguo%CC%80i-tre%CC%89-bie%CC%81t-tu%CC%A3-tro%CC%A3ng.html

 

Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2011

Entry For Valentine's Day- Góp vui chắc được một vài...

Góp vui Valentine’s Day

Có thể đầu tiên từ một ngày Lễ Thánh, Valentine’s Day biến thành Ngày vinh danh Tình Yêu. Đó là điềm thật lành. Bởi chưng: Tôn giáo nào cũng hướng cho người ta yêu nhau…

Có thể đầu tiên từ một ngày May rủi của Tình Yêu, Valentine’s Day biến thành Ngày vinh danh cho bền chặt. Đó là điềm qúy báu. Bởi chưng: Tình yêu không thể xập xí xập ngầu…

Nhưng có thể… không cần Valentine’s Day, những con người trên thế gian này vẫn khát khao đi tìm một nửa của mình. Cái nửa của thông minh, của mẫn cảm, của khoan hòa và yêu thương nhau trọn vẹn, mà Zeus ích kỷ đã cắt rời và tung về muôn phía, cho nhân gian tán lọan kiếm tìm nhau. Nhiều khi cũng kiếm ra nhưng là kiếm ra nửa khác, còn nửa của mình hình như vẫn "ngòai vùng phủ sóng" mất rồi…

Có thể … không có Valentine's Day, những con người yêu nhau vẫn biết viết hoa hai chữ Tình Yêu và dưỡng nuôi nó bằng ngọt ngào hơn kẹo. Họ biết, thế giới này sẽ là tinh cầu trống rỗng khi Valentine hoặc Valentina của mình ngày kia bỗng dưng …trốn mất. Valentine’s Day trôi qua, còn lại 364 ngày gọi là ngày Valenless’ Day chăng?

Có thể… và vô vàn điều có thể xảy ra cho cái gọi là Tình Yêu nơi trần thế. Những vô vàn này làm nảy sinh vô vọng những bài thơ, những bức họa, những nhạc phẩm nồng nàn… Những bài thơ bắt đầu bằng hai từ có thể, những bức họa bắt đầu từ gam màu chói sáng, đằm lại trong sắc hồng tươi và …tái mét cuối mùa. Những nhạc phẩm giựt soul khúc dạo đầu, slow ray rứt lại và cuối cùng thê thiết blue…

Có thể… và bằng vào vô vàn những điều có thể… tôi mở hộp kẹo ngày Tình Nhân năm cũ, nhặt lấy một viên bỏ sang chiếc

hộp… mong chờ… Nghe lại khúc nhạc Valentine’s Day cũ kỹ…và mỉm cười… ngồi viết vớ vẩn những dòng… rơi…

Thứ Tư, 2 tháng 2, 2011

Entry For 3 February, 2011 Mùng Một Tết Tân Mão

Khai…blog, đầu Xuân…

Như thế là Tết Tân Mão đã đến được hơn 1 tiếng đồng hồ, và tôi bước vào tuổi mới- tuổi bổn mạng của mình- được hơn 4 khắc. Như thông lệ hàng năm, sau khi cúng Giao Thừa, tự xông đất nhà mình và nhà Bạn Thân, ra Chùa nhận lời chúc lành đầu năm của Thầy trụ trì, nhận lộc Phật với những nhắn gởi nhân duyên, tôi trở về nhà trong hương trầm quyện lấy không gian đường trẩy lộc, ngồi vào bàn máy và bắt đầu những lời khai… blog cho riêng mình…

Tôi khi còn bé…

          15 năm đầu tiên có mặt trên thế gian, tôi là một đứa bé còi cọc và khó nuôi với những lần bệnh nặng súyt chết. Có lẽ vì vậy, cả nhà ai cũng nương nhẹ, và nương nhẹ hơi lạ so với thằng em trai cầu tự tiếp sau tôi. Chính vì cái lẽ nương nhẹ này mà tôi kết bạn khó khăn hơn người khác. Những tình thân cứ đến rồi đi chóng vánh, cho đến ngày tôi nhận được một bài học qúy giá từ Quỳnh.  Và từ đó, tôi giữ được cho riêng mình một nhúm bạn rất thân. Nhúm bạn này chỉ tứ tán bằng những đi-ở nhiều day dứt của thuở giao thời ngày ấy. Tứ tán mà không “tứ tan” nên đến giờ già đi, thi thỏang chúng tôi vẫn tụ hội. Những tụ hội có những cười khóc rất bâng khuâng, bên những câu chuyện luôn bắt đầu bằng hai chữ “ngày xưa…”

Khi tôi lớn hơn…

          15 năm tiếp theo tôi trải qua một thời gian đặc biệt. Tôi lớn hơn hay nhỏ đi không rõ, khi bước chân vào trường Sư Phạm “học để làm Thầy”. Chỉ biết hình như 3 năm đó tôi học cho việc dạy sau này rất ít mà chủ yếu là vui đùa, là học thêm những điều thú vị trong thế giới người lớn hoặc chuẩn bị lớn. Rồi tôi ra đời, sờ tận mặt, day tận tay những bài học thực tế mà trong trường Sư phạm không dạy. Lạ lùng nhất, những bài học đó tôi lại học từ học trò. Những ánh mắt hồn nhiên đó dạy tôi nhiều điều, trong đó có một điều rất lớn mà phát đi từ một việc rất nhỏ: Tôi phải cố gắng sao đó, để nhìn vào mắt các em mà mặt tôi không bị đỏ lên, thế là đủ…tôi cũng nhận ra, khi tôi lớn lên, tôi đã bắt đầu nhìn mọi việc, mọi người đâm…chật nhỏ lại. Thấy lòng mình đôi khi tù túng đến…lạ lùng…

Và tôi bây giờ…

          Bây giờ tôi đã ở cái tuổi gấp 3 lần hơn cái tuổi 15 thuở ấy. Tôi phát hiện ra mình đã rất lớn. Những bộ áo quần của tôi bao giờ cũng là size XXL, giày tôi đi là số lớn nhất của… bàn chân nữ. Và tôi cũng phát hiện ra, tôi càng lớn thì tôi lại càng có một không gian quanh mình nhỏ lại. Đó là cái không gian từ nhà đến trường và ngược lại. Đó là cái không gian có tôi và một mối tình …hồi nhỏ, những đứa bạn hồi nhỏ của tôi và thêm vào đó là một nhóm bạn nhỏ thân với tôi từ lúc chúng…lọt lòng. Nhiều khi nhìn chúng, tôi khâm phục sức chịu đựng ghê hồn mà chúng có khi chơi với tôi. Sau này, kỹ thuật tiến bộ, tôi có một cái máy nho nhỏ, màn hình cũng nho nhỏ và từ đó cho tôi có thêm những người bạn… không nhỏ. Có họ, tôi nghiệm ra một điều sung sướng, họ coi tôi vẫn nhỏ. Ngay những người bạn nhỏ tuổi hơn tôi, chắc thấy tôi ba lơn quá sức, họ vẫn …chịu đựng tôi như chịu đựng…em họ.

          …Giao thừa đã qua lâu rồi và tôi quá mệt cho những “điểm danh” về mình. Tôi chắc phải dừng thôi vì nghĩ các bạn chắc cũng rất mệt khi đọc “bản tự kiểm” chưa đủ thành khẩn này. Tôi phải dừng với lời cảm ơn cha mẹ, anh chị em đã cho tôi có mặt trên đời và cho tôi một tình thân ấm áp. Tôi phải dừng lại cũng với lời cảm ơn tất cả bạn bè đã luôn ở bên tôi, chia sẻ và chịu đựng tôi như chịu đựng năm tháng. Và phải dừng lại với một lời mở ra:

Cung chúc Tân Xuân…