Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

entry For 30 May, 2012 - Vòng sóng đến vô cùng...

 

Một lời  cảm ơn là chắc không đủ, cho hơn 5 tiếng ta ngồi bên nhau. Nói đủ mọi chuyện trên trời dưới đất. Và khi ra về, nhớ ra là ...vẫn nói chưa hết chuyện dưới đất cũng như trên trời, vẫn còn có những sắp-dzách nói chưa đủ.

Một lời hẹn hò nữa, vẫn chắc là không đủ. Khi chủ đề lần hẹn hò sau sẽ mới, sẽ có những gương mặt mới nữa với những câu chuyện mới... dù có thể ...trớt wớt!

Một lời chúc để lại cho mọi gương mặt tình thân... một duyên phận để ta thấy đời giang hồ...lướt blog của mình quả là không uổng...Chúc cho ai đi du lịch xa, gần là đều đi đến nơi về đến chốn. Là để có cớ rôm rả bàn chuyện đi và để tám khi về. Đi là để thư giãn. Về là để thư giãn gấp đôi...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Một entry cực ngắn cho một buổi họp mặt ngắn mà tràn trề... Ta đã thu dọn giúp cho nhau nhiều bức xúc, nhiều nỗi buồn nhân thế, giúp nhau khựi cái mày của "vết thương lòng" lâu năm hoặc mới... với tinh thần AQ: Anh khựi “mày” tui thì tui khựi “mày” anh, cả hai cùng ...đau hoặc... hết đau... hehe!

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Một cú điện thoại, tiếng nhỏ xíu mà nghe như trời gầm… đâu đó ở xa xa, Bạn đâm bổ về và … gọi… ta lại lang thang tiếp phố đêm Sài Gòn cho bay bớt mùi… bệnh viện. Chia sẻ với nhau một nỗi lo không nhỏ về người thân và cả những gì đang nặng nề trong lòng quá đỗi…

Một lô hình cực ít... mà ta vẫn thấy đâu đó những gìn giữ cực lâu...Hén!

P/s: ( đề nghị những chỗ có từ đủ, không nói giọng Huệ)


Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

Entry For 26 May, 2012 - Năm học... ừ, năm học đã qua...

 

Xong rồi, năm học…

          Sáng nay Trường tôi làm lễ bế giảng năm học. Người ta hay gọi là Lễ tổng kết năm học, chắc có lẽ, càng ngày càng “né” mấy cái tiếng “cổ” có …huông. Cho nên năm nào, Tôi viết lời dẫn chương trình Lễ cho Trường, cũng bị sửa tan nát cái chữ “bế giảng” thành “tổng kết”. Năm nào cũng bị cằn nhằn là: Sao năm ngóai, tôi nhớ đã nói cô đừng dùng từ này, năm nay cô vẫn cứ dùng? Và…hùng hổ sửa. Tôi nhận lại bản sửa đó để làm cho nó tròn trịa mà …buồn cười. Bởi thấy có những chỗ sửa không hề gì, nhưng có những chỗ, sửa rồi đọc lên thấy… chỉ muốn cắn lưỡi. Ví dụ: Thay mặt Thầy Cô và các cô chú nhân viên, Thầy bịn rịn chia tay các em học sinh trong ngày bế giảng mà đọc thành tổng kết thì không còn thấy gì là bịn rịn, chỉ còn thấy…rặt nước mắt cá sấu hehe!

Xong rồi, năm học…

          Sáng nay, khi trống ếch khua vang, âm thanh ầm ĩ, nhạc nhẽo đùng đùng, thì tôi - như mọi năm, để lại cái sân trường náo nhiệt đó cho người và tha thẩn đi lên các hành lang của Trường. Đi, để nhìn ngắm những lớp học giờ khép kín, không có học sinh, bàn ghế đã trống hẳn. Đi, còn để dõi mắt suốt dọc hành lang hun hút, thỉnh thỏang nhú ra một mảng xanh. Và đẹp nhất là ngắm cây phượng già ở một góc sân giờ đã đỏ ối hoa. An bình nhất là nhìn xuống cây khế cổ giữa sân trường. Màu vàng của khế, màu xanh của lá, màu đỏ của phượng…những thứ màu sắc đã 20 năm tôi quen thuộc khi gắn bó  cùng ngôi trường này, và hôm nay, một lần nữa, vịn tay vào nó như một dựa đỡ cho lòng nhẹ lại những sân si trong mấy tuần cuối năm. Công việc thì vẫn là những tất bật như lệ thường, nhưng hành xử của con người thì mỗi năm dường như mỗi lạ lùng hơn. Ai cũng thấy mình phải – tôi cũng vậy – và nhiều cái “phải” đã đụng nhau chan chát… nhiều hôm, có cảm tưởng, cái nắng vàng chóe ngòai kia, dường như còn mát hơn đôi phần so với cái nảy lửa trong này… nhưng rồi thì cái Lễ cũng tới, những con số cũng đã được “thu dọn” cho tròn, những thủ tục cũng vẫn phải diễn ra như nó được quy định… chỉ có tôi, cứ sau một năm học, thấy đuối như người vừa “vượt bãi mìn”… chỉ muốn lăn ra đâu đó vài ngày, ngủ thật mê mệt và thôi không vướng bận chức quyền…

 

Xong rồi, năm học…

          Tối nay, người ta đi nhậu.  Và chắc ai cũng stress rõ đến nỗi phải chọn một nơi sơn thủy hữu tình để bình ổn tâm hồn lại. Tôi không ra… cái điện thọai réo liên tục muốn cháy cả đèn… tôi không ra, vì biết mình khó thể cười nói bình thường như người ta muốn đựơc. Tôi không ra, còn vì biết chắc, tối nay mình mà uống, thì không đủ “nước cay” để tự dìm nỗi buồn, mà ngày mai thì còn biết bao việc đang chờ…

Thôi năm học đã xong, tôi cũng phải thu dọn lại cái mệt mỏi của mình… đi nghỉ tạm thôi!

         

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Entry For 16 May, 2011 - Tôi "té nước theo...thời sự"

Câu chữ mực đỏ - phải từ cái Tâm của người làm Thầy

(http://tuoitre.vn/Giao-duc/491996/Bai-van-diem-0-va-loi-phe-cua-giao-vien.html)

            Ta vẫn nói “ văn học là nhân học”, người dạy Văn là dạy không chỉ Chữ mà còn phải dạy Nghĩa. Không chỉ riêng môn Văn mà chức năng này thuộc phần trách nhiệm của tất cả các bộ môn. Song, trong nếp suy nghĩ của xã hội ta, từ bao đời nay các bộ môn xã hội, đặc biệt là bộ môn Văn, gần như có trách nhiệm nặng nề hơn. Và Thầy Cô giáo dạy Văn, thường sử dụng các bài luận văn, nơi mà học sinh thể hiện suy nghĩ, tính cách, nhận thức của mình về các vấn đề văn học, xã hội, chính trị một cách rõ nét nhất, để qua đó tìm hiểu học sinh, rèn giũa cho các em, giúp các em điều chỉnh một cách phù hợp. Tôi còn nhớ thời đi học của mình, gần như Giáo sư dạy Văn năm nào, vào đầu năm học khi làm quen với học sinh lớp dạy mới cũng cho các em làm một bài văn ngắn trình bày về một đề tài cũng cô đọng, để qua đó, nắm học sinh của mình. Động thái tốt đẹp đó, giờ gần như biến mất với cái gọi là “phân phối chương trình”, và càng đáng tiếc hơn, khi chấm bài văn của học sinh, ngoài việc rập khuôn máy móc theo cái gọi là “đáp án” ( dù có nhiều đáp án hiện nay có cả một phần “mở” để các Thầy cô rộng tay hơn với những bài “khác thường” nơi học sinh), thì việc phê vào bài văn đó một vài nhận xét thấu đáo, lại cũng rất hiếm.

            Học sinh làm luận văn có khi nào lạc đề không? Có. Học sinh làm luận văn có khi nào muốn “mượn diễn đàn” để thể hiện “cái tôi nổi loạn” không? Có. Học sinh làm luận văn có khi nào muốn dùng câu chữ để “thay lời muốn nói” về những chuyện mà các em bế tắc, muốn cầu cứu một cách kín đáo và muốn bày tỏ tình cảm của mình không chỉ với bộ môn mà với cả giáo viên không? Có. Vậy người làm Thầy, qua những bài văn “nghịch thường” này, ngoài ba từ “ý thức kém” và con điểm 0 lạnh lùng, liệu sẽ giúp cho người học sinh đang hoang mang, đang nổi loạn, đang có nguy cơ chệch hướng vì chưa đủ ý thức đó đi về đâu khi quá đơn giản phán xét mà thiếu sự đỡ nâng?

 Tôi không phải là một giáo viên dạy văn. Nhưng tôi đã cố ngồi đọc bài văn đó, và tôi cho rằng nếu mình là người giáo viên của em ấy, tôi sẽ làm một số công việc:

-Gọi riêng em học sinh ấy ra sau giờ học. Nêu lại đề tài, cho em ấy tự nói lại rằng với một đề tài như thế bài làm văn cần một dàn bài thế nào?

-Từ dàn bài đó, tôi sẽ cùng em mổ xẻ từng đoạn em viết. Phân tích cho em thấy chỗ nào đúng – cho điểm ngay. Chỗ nào chưa đúng – điều chỉnh. Và chỗ nào sai, phải gạch bỏ.

-Từ điểm số cuối cùng đó, coi như xong phần lý. Mới nói cùng em cái tình của một người mẹ, người cha, lo lắng cho nhận thức của em. Vì còn quá trẻ mà đã nhìn cuộc sống này, xã hội này, vấn đề này theo kiểu ý thức như thế thì trước hết không giúp gì được cho bản thân tiến bộ, hơn người. Mà còn không giúp gì được cho gia đình, cho xã hội. Và nếu nhiều người như em, thì ta lấy gì trông chờ ở tương lai? Câu hỏi nên dừng ở đó, cho em tự suy nghĩ…

Ít nhất qua cách trao đổi thẳng thắng Một-đối-một này, em học sinh sẽ thấy mình được tôn trọng. Em được thỏa mãn việc thể hiện cái tôi và sau đó, sẽ tự nhìn nhận những gì chưa đúng. Có như vậy, em mới có thể “tự điều chỉnh”. Và cũng chính từ em, “bia miệng sống” đó sẽ góp phần giúp “giáo hóa” những “manh nha” còn lại… một cách hữu hiệu hơn so với việc các thầy cô rao giảng.

Cả một bài làm văn chỉ có một câu phê “ý thức kém” thì quả là đã quá kiệm lời.Không vô lẽ, người ta quy định điểm số chấm bài của người Thầy phải được viết bằng mực đỏ. Bởi vì theo tôi, việc đánh giá của người Thầy với các em học sinh phải trào ra từ chính máu đỏ tim mình. Nó phải là cái để truyền thụ ( hình thức khác) về nhân cách, chứ không thuần chỉ mang tính “đe nẹt”.

Có thể những ý kiến của tôi nơi này chỉ là lý thuyết nếu-thì… của một người ngoài cuộc. Vì thầy cô, đặc biệt là thầy cô giảng dạy những bộ môn thi cuối cấp, hiện nay vô cùng bận rộn. Dành thời gian cho 1 trường hợp cá biệt như thế, là không thể. Nhưng ta nghĩ sao, khi do bận rộn,  ta “bỏ sót” một trường hợp không “tâm phục khẩu phục”,  các em tung bài này lên mạng (như đã làm) theo cái cách để phê phán thầy cô và lôi kéo người ủng hộ những quan điểm của mình trong bài văn một cách nguy hiểm như thế, thì liệu sự bận rộn “nhào nặn” học sinh của chúng ta có còn ý nghĩa?

Lâm Minh Trang

( Gò Vấp)

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

Entry For 14 May, 2012 - Ảnh nổi

Tương lai mong chờ gì?

(http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Thoi-su-suy-nghi/491700/Khi-canh-cong-truong-do-sap.html)

Đầu tuần làm việc, vào trường học, người làm công tác giáo dục chúng tôi  không khỏi xót xa khi trang Thời Sự Suy nghĩ "trình làng" với một bài viết có tựa đề rất "nhức nhối" : Khi cánh cổng trường đổ sập. Mà người đạp đổ lên cánh cổng trường ấy, không ai khác hơn, lại chính là quý phụ huynh đang mong mỏi cho con em mình được vào học trong ngôi trường ấy. Hình ảnh đó, bài viết này nói lên điều gì?

Bao lâu nay, người ta vẫn hình dung cánh cổng trường học như một lằn ranh thiện - ác, như cái giới hạn của một bên là môi trường xanh và bên còn lại là biển đời ngầu đục, cánh cổng trường còn là bức chắn cuối cùng, giữ cho các em ở lại bên này lằn ranh trong sáng. Người ta nói hành vi đạp sập cổng trường vì chen lấn mua đơn của những người phụ huynh đó là không đáng trách, có chăng, phần trách nhiệm thuộc về những nơi gây ra "biển dâu" này, có chăng, là những người đã "vàng hóa" danh hiệu ngôi trường để tạo ra sự tranh đuổi nơi phụ huynh để con em mình được vào học.

Chúng tôi cũng là một phụ huynh. Và vì là phụ huynh, chúng tôi tự hỏi:  Những phụ huynh kia nghĩ gì, khi bắt đầu một hành trình tìm kiếm sự tử tế cho con mình là "việc học" bằng một hành vi không mang dáng dấp tử tế đó là đạp sập cổng trường?

Các cháu, nhìn thấy hình ảnh cha mẹ mình như thế, khắc sâu hình ảnh đó vào trí não non nớt của mình, thì liệu có tạo nên một suy nghĩ "xấu" đó là: Ở đời, cứ phải đạp đổ, chen lấn, giành giựt thì mới "được việc"?

Ngoài trách nhiệm trong hành vi của phụ huynh,  đối với ngành giáo dục,  trong việc nhìn lại trách nhiệm của mình ở cách xây dựng nên những mô hình giáo dục như thế nào mà chỉ rặt đẩy con người ta đến chỗ hành xử không đẹp để thu được kết quả, nên có luôn suy nghĩ về một trách nhiệm liên đới đó là những phụ huynh đó, trước đây khi còn đi học, đã hấp thụ được một nền giáo dục như thế nào mà bây giờ hành xử một cách thiếu văn hóa như thế ngay tại môi trường văn hóa?

Người ta nói xin đừng bắn súng lục vào quá khứ, tương lai sẽ bắn vào ta bằng đại bác. Thế nhưng, trong những hệ quả hôm nay nơi mặt bằng văn hóa chung của một bộ phận không nhỏ những người đang làm chủ, chẳng phải ta không nên quy trách nhiệm cho hôm qua? Và nếu không làm kịp công việc sửa sai ở thời điểm này, thì liệu tương lai của các em học sinh "được" vào học bên trong "cánh cổng trường đổ sập" đó sẽ ra sao? Và hàng chục năm nữa, liệu ta có trở lại bài học như hôm nay? Lâm Minh Trang ( Gò Vấp)

 

http://tuoitre.vn/Ban-doc/491764/Sao-khong-cho-dang-ky-qua-mang.html

P/s: Nguồn ảnh Báo TT