Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Entry for 01 August, 2011- Lại một bài viết "đi về nơi xa"... hihi!

Tôi tự cảnh báo…một cách…khập khiễng…

Hàng ngàn bài thi Sử vào Đại học điểm 0, người đứng đầu- phát ngôn viên chính thức của Bộ giáo dục và đào tạo- nói với báo giới ( bằng ngữ điệu như quát vào mặt phụ huynh và học sinh): Kết quả đó là …bình thường! Chỉ trên diễn đàn mạng và diễn đàn giáo dục các báo mới thấy sự lo ngại của người dạy Sử, người học Sử và dư luận là …không bình thường. Tôi là một nhà giáo chuyên môn lại không có chút liên quan nào tới Sử, nhưng cũng thật sự lo ngại, khi liên tục nhiều năm nay, không chỉ môn Sử mà các môn khoa học xã hội nói chung, khó tìm thấy kết quả học tập khả quan nơi các em học sinh. Vì sao?

Vì là nhà giáo, xin được “tiên trách kỷ”, tôi bắt đầu đi từ cái “máy cái”, tên gọi nôm na cho cái nôi “sáng tạo ra những con người sáng tạo”: Các trường đại học đào tạo người thầy môn Sử. Thử hỏi, bao nhiêu em sinh viên đi vào khoa Sử, khoa Văn, khoa Địa lý là bắt nguồn từ… yêu thích, từ say mê, từ giỏi giang? Và khi đi vào các khoa này, các em có nhận được sự ủng hộ từ gia đình? Khi tiếp nhận sinh viên mới ra trường ở các bộ môn trên về đơn vị mình, tôi đi dự giờ và thực sự bàng hòang trước – khoan nói đến chuyên môn- mà là phong cách sư phạm nơi các em. Tôi không nhìn thấy chút nào sự gắn kết trong những bước chân các em đặt trên bục giảng, sang đến chuyên môn, thì càng hỡi ơi. Các em biến giờ Sử của mình không chỉ thành giờ …nói giỡn ( khi kể những chuyện tiếu lâm về Sử mà các em nhặt ra từ… các trang mạng xã hội), hoặc thành giờ tra tấn khi liên tục gọi học sinh lên bảng trả bài theo kiểu viết-dò ( vì sắp đến thi, hoặc đến lúc BGH dự giờ), hoặc thành giờ ..xỉ vả khi học sinh nghịch ý. Người ta nói “không có bột sao gột nên hồ”, từ “chỗ bột” là thầy cô giáo các bộ môn xã hội đã “lỏng” và nhiều lúc đã “hỏng”, cơ sở nào cho ta truyền tải các dữ liệu Sử vốn khô khan, nhiều năm tháng, nhiều tồn đọng chứ chưa nói đến truyền những điều thú vị từ Sử đến các em học sinh…?

Sau là “hậu trách nhân” mà thực ra không phải là “trách”, suy cho cùng, học sinh từ chối đưa Sử vào “máu thịt” của mình, vì các em được tiêm nhiễm cái suy nghĩ rất “lạc quan” từ nhỏ rằng: Sử chỉ là môn phụ. Là môn không giúp gì được cho “đời cơm áo” sau này. Sử chỉ trở thành vấn đề với các em ở những năm nó được Bộ giáo dục chọn làm môn thi tốt nghiệp THPT. Khi “được chọn” như thế, các em sẽ có 3 tháng “trối chết” với phần Sử lớp 12: những ngày dò bài mệt mỏi, căng thẳng, kinh hòang… để “đối phó”  cho thi, để lấy được tấm bằng với điểm Sử… không liệt…Sự “trối chết” này, ngay khi chấm hết dòng cuối ở bài thi, tòan bộ kiến thức “ được dò” đó sẽ “trôi theo dòng đời”…4000 năm dựng nước và giữ nước sẽ còn trong các em bằng hai từ “hãi hùng”. Chưa kể, kiến thức Sử, phương pháp học Sử, từ bé, các em đã không được thầy cô ( những người “trót” chọn “nhầm” nghề, “nhầm” ngành, “nhầm” chuyên môn) truyền thụ một cách tâm huyết, lấy cơ sở nào để nó “còn  chút gì để nhớ” trong các em? “Chữ thầy trả lại cho Thầy” lẽ ra là chuyện “ắt có và đủ”, lại thành chuyện khó, bởi không thể bắt các em trả cái mà các em không nhận.

Dạy như thế, học như thế, cách môn Sử  được coi là cách để “chấn chỉnh lòng yêu…Sử” khi cho nó thành môn thi, thành chuyện “đe dọa” học sinh “dân ta phải học Sử ta để…thi” như Bộ GD&ĐT tiến hành các năm qua, mà bài thi Sử của các em có kết quả cao mới là bất bình thường, còn điểm thấp, thậm chí điểm 0 đến hàng ngàn bài, thì như Bộ trưởng Luận trả lời báo giới là “bình thường”, theo tôi là một câu trả lời “đầy trách nhiệm” vì ông đã nói đúng thực trạng chất lượng dạy và học mà ngành mình đang quản lý.

Ra xã hội, thời gian gần đây, việc người dân tham gia giao thông vi phạm ( có hay không có những vi phạm này là việc không bàn đến ở bài viết này) khi được cảnh sát giao thông mời vào làm việc, đã ngang nhiên hành hung người thi hành công vụ. Hành hung đủ kiểu từ chửi mắng té tát, đến đánh và sau này là tấn công thản nhiên ( như trong một clip mới nhất vừa tung lên mạng Youtube). Nhưng là người quan sát có  chút “tư cách giáo dục”, tôi nhìn sự việc này theo góc cạnh khác. Đó là, khi người bảo vệ dân đơn độc chống đỡ với những người hành hung, thái độ người chung quanh thờ ơ đứng xem ( như xem một trận ẩu đả bình thường của hai tên du côn), thờ ơ rút máy ra quay để tung lên mạng kiếm comment mới thật là đáng ngại. Tôi biết so sánh theo kiểu của mình trong bài viết này là hết sức khập khiễng, nhưng khi coi những clip “dân đánh công an” rồi “công an đánh dân” cứ nhan nhản trên mạng hiện nay, tôi chợt liên tưởng đến những sự kiện nhiễu nhương báo động về tình trạng xuống cấp trong quản lý xã hội ở các triều đại trong lịch sử nước nhà. Khi người dân hao hụt niềm tin vào chính quyền, khi họ nhìn chức sắc nhà nước đâu đâu cũng thấy tiêu cực ( ngay cả khi không hẳn như vậy), cũng thấy chỉ rặt “sự kiếm cơm” và không còn lòng tôn trọng, thì chúng ta phải xem lại thể chế của mình. Việc các em học sinh thờ ơ thậm chí xem nhẹ cái giá máu xương cha ông đổ ra để viết lên lịch sử với việc hôm nay người dân thờ ơ đứng nhìn công chức của mình bị hành hung nó dường như có một mối liên hệ nào đó, mà thú thật tôi không gọi được thành tên. Tôi lo, cái lo của người bây giờ biết mình ra đường là phải “tự xử”, là phải biết cẩn thận hơn vì không còn trông mong được bảo vệ gì, khi ngay cả người có chức trách bảo vệ, được trang bị công cụ hành sự cũng bị cái manh động tấn công mà không phương chống đỡ như thế…

Và cũng biết, không phương chống đỡ, bởi lẽ,  trước đó, mười phương hành sự đã bị anh lợi dụng để “hành… tiền” mất rồi…

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Entry for 30 July, 2011- Ta nghiêm túc chơi đùa... để được...

                    Từ trái sang: May N, Suối, Phương Nguyên, Chị Gió, Chị Thủy Cúc

Tôi vào blog thực tình không có chủ đích... chỉ mượn căn nhà "ảo" này để tìm kiếm thông tin "thực" về một đận sóng gió của tờ báo tôi yêu và những người tôi qúy mến mà chỉ “văn kỳ thanh” chứ chưa bao giờ có hân hạnh “kiến kỳ hình”…

Rồi từ cái mông lung ban đầu, tôi nhận được biết bao là cái cụ thể. Cụ thể nhất là tôi có được một nhóm Bạn từ Blog bước ra “ốp”, “tay bắt” mà thật “mặt mừng” với nhau… từ đó, tôi có thêm một chốn tử tế để gìn giữ mình không được phép hư hỏng đi…tôi gọi đó là “hạnh duyên”…

Hạnh duyên cho chúng tôi có một tối “trời bão ngang tầm gây mưa tê tái” mà mọi người vẫn không quản ngại “ đường xa vạn dặm” đến đông đủ cho “đội hình đẹp” trọn vẹn ( vì tòan là  người không những đẹp lại có nết... trừ tôi)…

Những nụ cười đã nở ra, bên những ưu tư không tránh khỏi… chúng tôi chia sẻ chuyện áo cơm, chuyện gia đình, chia sẻ cả những mối “quan ngại sâu sắc” về tình hình xã hội, tình hình đất nước, tình hình “biển đảo”… chia sẻ nỗi lo về cái “lưỡi bò” bằng những món bò trong thực đơn ngày một teo tóp lại của nhà hàng…chia sẻ luôn nỗi lo khủng hỏang lương thực, khi ai đó cứ luôn miệng nói “no” mà đồ ăn “cờn tí nìu” nào mang ra cũng…láng…

Đêm thì mưa và đã rất muộn… mà tôi vẫn ngồi đây với những nụ cười cố nén, để làm cho xong bổn phận “thư ký” của một hội đồng… đa tám la…vì biết đâu đó ở cuối nguồn Tiền Giang, có một "chủ tịt" cũng nóng lòng đón nghe tin tám của bọn tôi... hehe!

 

 

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Entry for 26 July, 2011- Tôi thích thấy mình ... bẹp...Hihi!

Cái nết… có một cái nết… đánh mãi không chết…

Chỉ còn vài ngày nữa là Tháng 7 Vu Lan đến. Tháng báo hiếu nhắc nhở các đứa con trên đời này phải dành thời gian nghĩ về cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Tôi thì có cách nhớ của riêng mình, tôi …sám hối cái tội là con cái mà lại dám…ganh tị với cha mẹ. Số là, Mẹ tôi là con gái Tuyên Quang- nhà số 90 Phố Bờ Sông. “Chè Thái, Gái Tuyên” câu thành ngữ này nhằm ca ngợi chè Thái Nguyên ngon tuyệt (dù tôi uống chỉ thấy nó chát lè) và con gái Tuyên Quang thì …rất đẹp ( dù khi phong trào hoa hậu xuất hiện đến giờ, chưa thấy Gái Tuyên …đạt giải!!!!). Thời Mẹ tôi còn trẻ, tôi không rõ bà đẹp như thế nào ( Lúc đó chưa có anh chị em tôi và thời ấy các cụ cũng ít chụp hình, càng không có chuyện…ra eo bum…). Nhưng khi có tôi và khi tôi bắt đầu ý thức về chuyện …nhan sắc, thì đi đến đâu tôi cũng nghe người ta khen Mẹ …đẹp lão. Như hôm nọ, bà nằm phòng cấp cứu vì …té lăn cù, bầm tím mặt, mà cô y tá vừa vào nước biển vừa súyt xoa: Trời ơi, bà cụ đẹp quá, da trắng quá, giọng hay quá… và trăm lần như một, sau khi “khen bà cụ”, thì những người khen bao giờ cũng chiếu cặp mắt mang hình … lựu đạn về phía chúng tôi ( lũ con gái của Gái Tuyên…hồi xưa)- đặc biệt là chiếu về tôi rồi hỏi bằng một cái giọng khác hẳn với cái giọng “khen tặng” Mẹ: Chị là người nhà của bà cụ hả? Là cháu hay người làm??? Và khi biết tôi có 50% máu Gái Tuyên trong người, thì trăm người như một đều “khen”: chắc chị …giống bố… Bởi vậy, tôi rất …ganh tị với sắc đẹp…lão bà bà của Mẹ mình. Bình thường thì độ ganh tị này cũng… chỉ ngang với …tỷ lệ lạm phát hồi…bao cấp, nhưng cứ mỗi khi tôi bị anh chàng nào …ra đi đầu không ngỏanh lại là tôi lại “than phiền” Mẹ: trời ơi, sao Bà hông lấy một ông Tuyên Quang cho con có thim chút máu Tuyên… chớ … Những khi ấy, tôi biết Mẹ áy náy lắm, Bà luôn an ủi tôi bằng nhiều lý lẽ rất hay. Ví dụ: con gái giống cha giàu ba họ ( nghĩa là Bà muốn tôi biết tôi có thể có tiền ăn quà và bia bọt tới ba đời cũng vẫn …bia bọt và muốn ăn) . Hoặc công bằng với cuộc đời hơn Bà nói: Mập giống bố là tốt, bố của Mập hồi trẻ xấu, chứ về già ông ấy đẹp như ông tiên…( Tôi hy vọng đến nỗi “nổ” với Bạn: Tới hồi vợ mấy ông già đi, xấu hoắc, còn tui thì đẹp, lúc đó mấy ông …sẽ tiếc ngẩn ngơ… Bạn mếu máo: Thôi đi bà, già rồi mới đẹp, thì làm ăn gì… huhu, thiệt là 2 ngàn gáo nước lạnh cũng hông lạnh bằng…). Bởi ý thức được sắc đẹp là vũ khí …giết người hàng lọat, nên tôi vô cùng căm ghét câu thành ngữ “cái nết đánh chết cái đẹp”. Trời ơi, đó là một lối an ủi phi lô gíc, phi sự thật, vì …nết mà sao mà đánh chết đẹp nổi. Ai cũng thấy, trên đời này, người ta đua nhau sửa sắc đẹp ( tức là có cung) chớ đâu có ai đi sửa cái nết, trừ khi …phạm lỗi do “không biết” mà phải vào …trong trỏng để …tự chữa.  Ghét câu thành ngữ trên bao nhiêu, tôi càng cảm phục người nghĩ ra câu “cái đẹp đè bẹp cái nết”. Phải thế mới là chân lý… và chân lý càng được củng cố hơn, khi tôi ngồi coi tivi mục tin thời sự hôm qua ( Thật là một sự thật đáng ngờ không kém …thành ngữ), nghe một chức sắc đại diện cao nhất cho quyền và nghĩa vụ của tôi “ca ngợi” thành phần …lãnh đạo quốc hội mới được bầu là “đội hình đẹp”. Mà thật, khi “đội hình đẹp” đó đã cho ra đời một “thành ngữ” mới: sang trọng hùng dũng…Từ “đội hình chính” đến “đội hình đá bù giờ” cũng vẫn “đẹp” : hải quân đua tài… thậm chí, người đại diện “tư tưởng” còn nói thêm: có cả một đội hình theo đúng chiều dài đất nước Bắc- Trung-Nam. Hai chị “đẹp và bề thế” Bắc Nam, đã “kẹp” một anh Trung nhỏ và dàn đồng hơi bị láng vào giữa, thật quá đẹp… chao ơi, ở đâu người ta cũng nói tới cái “đẹp”, có ai nhắc gì đến cái nết đâu, không một lời… Tôi coi tin tức, vừa không tin vừa tức, lại quay sang …càm ràm Mẹ tiếp tục : Mẹ thấy không, thiếu bề…nhan sắc như con thật khổ… ngay Đảng và nhà nước cũng đòi “đội hình đẹp” chứ có ai nói gì đến “đội hình nết na” đâu… chẳng ai vui mừng nói  là …chúng ta đã bầu được một đội hình tòan người có nết… cả…

Và Mẹ, như mọi lần, uống nhỏ nhẹ ngụm chè Thái ( cho đúng thành ngữ) an ủi tôi đúng như cách mấy chục năm nay Gái Tuyên an ủi lũ con gái có 50% máu Tuyên của Bà rằng:

Con ham chi cái “đội hình đẹp”…cứ làm con gái mẹ nghe người ta khen mẹ…cho nó lành… chứ mẹ thấy… hai kèm một không ….ch… cũng…q…

( Lưu ý: Phần … không đủ từ là do lỗi…thư ký mo rát, tác giả không chịu trách nhiệm cho bất cứ lỗi điền từ hay suy diễn từ nào…Màn từ từ hạ và …Hết!)

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

Entry For 15 July, 2011- Đà Lạt và Tôi...

Nẻo nhớ…có tên…

Nẻo nhớ…

          Thành phố này đã cũ đi trong tôi hơn 25 năm. Cũ đến nỗi, chỉ cần có ai đó nhắc về một tên đường, một góc phố, tôi lập tức nhớ ra, mình có nơi góc phố đó, con đường đó, một hình ảnh nào đó thật quen. Tôi gắn bó với thành phố này bằng thứ tình cảm lạ lùng. Nó không phải quê hương mà vẫn cố cựu. Nó không chút ràng buộc nào mà vẫn thân tình. Mỗi năm, cách này hay cách khác, một hay nhiều lần, tôi tìm cách “cắt xén” cuộc sống thị thành bận rộn của mình lại để tìm về với nó. Hành trình đó với tôi, như một cuộc “hành hương” mà nơi đến, tôi gọi là …

Nẻo nhớ…

          Khi cái lạnh của thành phố ập qua cửa kính xe, len lỏi vào cái áo len giở vội của mọi người, tôi biết mình đã chạm tay vào “thánh địa”. Tôi đi qua cửa ngõ, vào sâu trong thành phố với những hình ảnh quay chậm như một khúc phim: Nơi này tôi nhận được một nhành hồng( và sau đó biết luôn nó rất nhiều gai)… nơi này, tôi chảy nước mắt khi uống rượu cùng đứa bạn nhỏ chung xóm tình cờ gặp lại. Nghe chuyện đời chìm nổi của nó, mà ngỡ như đang nghe chuyện “những người khốn khổ”… Nơi này, tôi có lần hoảng hốt xuýt trượt chân té nhào xuống thác nếu không được mọi người giữ lại kịp, khi bắt gặp thoáng một khuôn mặt …rất quen … Nơi này, tôi nhớ tiếng vó ngựa lóc cóc cuối dốc vào tinh mơ dầy sương, nhớ cả tiếng rao bánh mì khàn đục… Tôi nhớ và nhớ khi tìm về thành phố này, dù chẳng thể trả lời mình nhớ để làm gì… vả lại, tôi cứ nghĩ, đâu có ai lẩn thẩn đòi tôi phải giải thích khi gọi tên thành phố này là …

Nẻo nhớ…

          Cho tôi về, để tự tay- mỗi năm, như một nghi lễ tự thân ràng buộc- mở một gói buồn mình chôn sâu lắm đâu đó trong ký ức. Mở ra để đối diện nó, để những gì mình cố quên nay được tự do lan tỏa. Mở ra để biết, tôi núng níu với những gì, tôi mắc nợ những ai và đã cho ai mắc nợ… Mở ra để hiểu, cái vòng tròn tình thân là một vòng tròn không có điểm khởi đầu cũng như kết thúc. Rằng ta vẽ nên nó một lần, thì cũng như “một lần trăng” không bao giờ mất… nó sẽ tuần tự quay về trong ta với những chu kỳ, có thể dài, có thể ngắn, nhưng không thể mất đi. Ta đi cùng nó, đi như số phận, như con đường…

          Con đường mà tôi đang đi cùng thành phố này, với những đêm dầy sương, ngày nhạt nắng và rét lạnh sau mưa mỗi năm… được gọi tên thành…

 

Nẻo nhớ…

         

Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2011

Entry for 4 July, 2011 - Những ngày tôi đang sống đây...

Có thể…

10 phút trong một cuộc đời ba vạn sáu ngàn ngày của chúng ta nó chỉ là một cái chấm. Nhưng có thể là …chấm hết…

          +10 phút khi ta bị kẹt trong một dòng xe cộ cứng ngắc mà cứ ngỡ nó không thể kẹt như vậy khi bất thình lình ta có chuyện cần đi mau. Công việc đó không thể đợi thêm 10 phút lạnh lùng. Bởi vì nó còn dành lại thời gian cho những việc khác…”ấm” hơn…

          +10 phút khi ta lưỡng lự trước một quyết định Nên- không nên cho một ý định nào đó, một hành động nào đó mà biết chắc nó sẽ có nhiều dâu biển. Nên- nhiều khi là sóng yên bể lặng. Không nên – nhiều khi lại làm cho cuộc đời ta từ nay không một khắc bình yên…

          +10 phút khi ta không đến kịp với một đợi chờ đã qua quá nhiều năm tháng, và người đứng lên quyết định chỉ kéo dài những trông mong thêm 10 phút nữa rồi …thôi

          +10 phút- như sáng nay tại hội đồng thi đại học, một em học sinh mặt thất thần và hoảng loạn đứng ở ngoài cổng trường thi không được phép vào vì tiếng trống báo giờ làm bài đã vang lên 25 phút trước …có thể em còn nhiều đợt thi sau, nhưng chắc là bài học này sẽ theo em không chỉ 10 năm…

         

Không thể…

1 lời - trong hàng triệu lời ta  đã nói suốt cuộc rong chơi- nó sẽ không làm nhiều thêm những thông tin ta có… nhưng có khi nó sẽ làm nhiều cái tai khác trở nên…trơ

          +1 lời – khi ta không thể cất lên để sẻ chia trước mất mát của ai đó, chỉ vì nghĩ nó không đủ để cất đi cái đau đớn nơi người nghe. Ta đã quên mất, không có một bàn tay nào- dẫu yếu ớt nhất- chìa ra khi người khác đau khổ lại không đủ để thành một đỡ nâng.

          +1 lời- khi ta không thể nói bằng chính suy nghĩ thật của mình, vì còn e ngại biết bao ràng buộc phía sau. Nhiều khi là những ràng buộc vì quyền lợi ( buộc cái lưỡi không xương), nhiều khi là những ràng buộc chung thân ( khi con tim không đủ mạnh để át lời lý trí), nhiều khi là do ta thấy đúng lúc này “im lặng sẽ là vàng”

          +1 lời- khi ta không thể cất lên giữa những bất bằng đang ngày một nhiều lên ngoài xã hội. Sự bất bằng không đến nỗi muốn ta thành một Lục Vân Tiên, nhưng ít nhất, nó cũng đòi ở ta hai từ “bổn phận”. Ta im lặng, nhiều khi không phải để dồn nén cho một bùng nổ, mà là để được…yên thân…

          +1 lời – như sáng nay tinh mơ  ta quẩy gói cho hành trình “cơm –áo- gạo –tiền” thường nhật của mình- quên thưa với mẹ cha con rời nhà đi sớm… 1 lời lẽ ra phải nói, để thấy mình còn được chở che… so với ngoài kia và ngay trong họ tộc, mới hôm qua thôi, có người đã mất vĩnh viễn diễm phúc này…

Phút này ngồi cho những suy gẫm về những điều có thể và không thể…

Để thấy mình “đi loanh quanh mà sao chưa thấy mệt”… một đời rồi…

 

P/s: Nguồn ảnh Google

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

Entry for 01 July, 2011- Thêm một ngày không ở...

Mãn nguyện rồi, Bác xuôi tay về Biển…

Chỉ trong vòng chưa đến 100 ngày, gia đình con đau đớn tiễn biệt hai Bác sui gia về cõi thật. 100 ngày trước, Bà ngọai Su Bờm ra đi sau hơn 4 năm chống chọi với bệnh nan y. Giờ đến Bà nội Tý Lu buông rời tay núng níu của con cháu để về với ông bà sau hơn 10 năm bệnh tật. Biết là cánh cổng này ai cũng phải bước qua, là sớm hay muộn, mà sao vẫn không tránh khỏi buồn đau… Chúng con ngồi quây quần bên Anh Chị Hiếu Yến và Tý Lu, chia sẻ mất mát lớn này mà không khỏi nhắc về quá khứ. Ngày gia đình con gặp Bác, ai cũng chột dạ lo thầm cho Yến: Ở nhà bắt nạt các em và Mi, giờ gặp bà má chồng này chắc… khó sống. Bác là hình ảnh điển hình của một bà mẹ quê Bắc bộ: Tóc vấn khăn nhung trần, răng đen hạt mít, nhai trầu bỏm bẻm và nói chuyện môi không hở răng. Nhà người ta có con gái là muốn gả chồng cho sớm, vậy mà mẹ con chỉ muốn giữ rịt con gái ở nhà. Lúc đó Chị Yến đang học nội trú, mẹ con sợ đi làm dâu, chị sẽ không được đi trọn con đường học hành. Hai Bác tất tả lên nhà, nhỏ nhẻ thưa: Ông bà nuôi cháu Yến ăn học ra sao, chúng tôi xin được tiếp nối y vậy… nhà tôi là nhà yêu chữ…chỉ một lời đơn giản thế, mà không hiểu sao gánh nặng trong lòng mẹ con bỗng dưng nhẹ hẳn… và từ đó, hai gia đình ta kết thông gia…

          Chớp mắt mà con đường thân tộc của hai nhà đã đi hơn ¼ thế kỷ. Giao hảo ngày đầu như thế nào thì đến phút cuối cùng này vẫn còn đẹp nguyên, không một tì vết. Mẹ con mừng lắm vì Anh Hiếu vào gia đình con như một người con trai, anh trai, em trai. Chị Yến con cũng được hai Bác xem như con gái. Không chỉ vậy, cả chúng con, cả những đứa con nuôi không dây mơ rễ má, cứ nghe nói xuống nhà bà nội Tý chơi là đứa nào đứa nấy mừng reo. Vì xuống với Bác là được yêu chiều đủ thứ. Bác đông con nhưng ít cháu, nên đứa trẻ con nào cũng được Bác yêu. Ngay tụi lớn chúng con không còn trẻ nữa, mỗi năm xuống Bác vào Nguyên đán vẫn được nhận lì xì… Bác thương tội thương tình trông xuống con cháu. Anh Chị Hiếu Yến, chúng con và các cháu cảm kích mà thương lên… vì thế trong cuộc biệt ly hôm nay, chúng con đau xót mà nói rằng mất mát này là quá lớn… là trong cuộc đời lại có những đứa-trẻ-già-50-tuổi bắt đầu hiểu ra mồ côi cha mẹ là thế nào, bắt đầu nhận ra trống vắng một khỏang che đỡ sẽ chống chếnh ra sao…

          Nhưng nhìn khuôn mặt Bác hiền từ nằm kia thanh thản, nhìn lên di ảnh Bác móm mém một nụ cười, tụi con tin Bác đã trăm phần mãn nguyện: Con gái, con trai, con dâu, các cháu nội ngọai tề tựu đông đủ quanh Mẹ, quanh Bà. Những người em gái ở xa của Bác cũng một lần gặp lại mới đây… những gì cần dặn đã dặn, những gì không nói thêm nhất định không nói nửa lời… lượng gạo trời ban khẩu phần tới ngày giờ này cũng cạn…

Bác mãn nguyện  xuôi tay về với Biển…chúng con thương tiếc tiễn chân…