Thứ Hai, 12 tháng 10, 2020

Entry for 20 September, 2011- Tôi đọc sách

Cô con gái ngỗ ngược-Võ Diệu Thanh

( Tập truyện ngắn đạt giải II- Văn học Tuổi 20 năm 2010)

          Tôi tới giờ vẫn là “cô gái” dù đã hơi già, đã vậy, tóc lại muối tiêu mà phần muối e là đã mênh mông hơn phần tiêu. Đến nơi quán xá, nhiều em phục vụ kêu tôi bằng  cô, xưng con gọn hơ. Nhưng cứ như quy luật, dù già hay trẻ, thì cứ con gái là hay buồn …vẩn vơ ( Hỏi Mẹ, Mẹ nói: Phụ nữ bận trăm công nghìn việc cho gia đình, rảnh đâu nữa mà buồn!). Tôi không rảnh, nhưng thỉnh thoảng vẫn buồn. Nên khi ba lơn, tôi hay nói với Mẹ vậy Mập là “con phụ”- nghĩa là có ½ con gái – khi buồn và ½ phụ nữ- khi bận. Tôi không rõ mấy cô con gái kia khi buồn, họ sẽ làm gì để “giải sầu”, chớ “con phụ” là tôi, mỗi khi có cơn cớ buồn là tôi lục tìm sách đọc. Chị biết tật của tôi, nên khi cơ quan có sách, Chị hay mua cho tôi cả lốc. Sách của cơ quan Chị là sách đạt giải, trong những lần “buồn trước” tôi đã đọc được hai cuốn đạt giải tư và giải ba, và giờ, khi “buồn sau” kéo đến, tôi tìm đến một cuốn giải nhì. Tôi giải sầu bằng sách, bởi vì khi đọc, tôi nhận ra đâu phải mình tôi “bị buồn”, thiên hạ buồn nhiều hơn tôi và những người viết sách thì không chỉ buồn nhiều, họ còn buồn rất khác tôi. Cái khác rõ nét nhất là qua văn chương của mình, họ thể hiện nhiều kiểu buồn. Có kiểu buồn từ họ, của họ, nhưng có những kiểu buồn là do họ “buồn dùm” nhân thế. Tôi đọc mà phục lăn, bởi ngay khi tôi viết về chính nỗi buồn của mình, tôi thấy sao nó gọn hơ, trơn bóng, không có hình dáng hay góc cạnh gì cả. Trong khi những nỗi buồn của nhà văn, họ viết sao mà “phong đa” ( phong phú đa dạng) quá. Hôm nay, tôi phải đi dự lớp tập huấn về Luật tố tụng hành chính và Luật thi hành án hình sự ( giáo dục học 2 luật này chi nhỉ- chắc là do vô giáo dục nhiều quá nên…), sợ mình ngủ gục, tôi phải mang theo một cuốn “buồn phong đa” để đọc. Đọc để mong cầu: Khi nhìn theo cái nhìn của người khác về buồn, sẽ thấy, nỗi buồn của mình là …cái đinh gì?

          Tác giả Võ Diệu Thanh sinh năm 1975, kém tôi đúng một giáp, quê ở An Giang. Cô bắt đầu viết văn từ năm 18 tuổi, và hiện nay là giáo viên Mỹ thuật ở một trường Tiểu học. Tôi đồ rằng cái năng khiếu Mỹ thuật và cái năng khiếu Văn chương của Cô chắc rất nhiều lần “xung đột khu vực”. Và tập truyện ngắn Cô con gái ngỗ ngược  đạt giải nhì Văn học Tuổi 20 -2010 này là kết quả của những lần xung đột đó. Đây là một tập truyện chỉ có 8 truyện ngắn thôi, nhưng đọc xong 8 truyện, tôi thấy mắt mình nổ đom đóm bởi hàng chục mảng màu sắc lục lam chàm tím, á lục lam chàm tím với nhiều sắc độ đậm, nhạt, vừa, sáng đan nhau như cái nong mốt. Trong phần giới thiệu, nhà văn Lê Văn Thảo có viết “…An Giang “vùng đất dữ”, bối cảnh truyện, sắc thái con người có nét riêng cũng “dữ” như vậy…”. Tôi hiểu chữ “dữ” Ông dùng không phải là dữ tánh, dữ tình. 8 câu chuyện chỉ quẩn quanh, hơi chật bó những người, những đời ở vùng An Giang. Đó là 8 câu chuyện mà người viết gần như chuyên chở bức tranh toàn cảnh vùng đầu nguồn sông Hậu. Con sông Hậu hiện lên qua 8 câu chuyện không cụ thể, nhưng cứ đi qua hết một chuyện, thì hoặc ta nhìn ra cái vâm váp của con sông mùa lũ, hoặc khi ta nhìn thấy tận đáy con sông Hậu vào mùa cạn. 8 câu chuyện là 8 tuyến nhân vật mang nhiều nét dữ, ví như tên say rượu giết người, ví như bà mẹ chồng cay nghiệt, lão hàng xóm dê cụ, anh tài xế ôm thù với chủ…ví như những bà vợ chửi chồng như hát hay…cái dữ của những con người ôm những mối hận lòng không sao dứt bỏ được. Nhưng dù là nhân vật “dữ” , tôi cho rằng cái dữ của họ thiên về sự “dữ dội” nhiều hơn. Cái dữ dội của những số phận người gắn kết, dính chặt với họ không sao thay đổi được. Nó dữ dội đến nỗi ngay chính họ cũng không mang vác nổi và đành tìm cách trút lên người khác. Từ những cái trút đó, những nhân vật-bắt-buộc-hiền hiện ra như một kéo theo ắt có và đủ. 8 câu chuyện không có gì giống nhau, 8 mảng miếng khác nhau, nhân vật khác nhau, thắt mở càng khác. Nhưng khi gấp cuốn sách lại, ta thấy trong mình cuộn chảy liên tục một dòng sông Hậu cuối trời Nam. Dòng sông từ lúc con nước ròng lộ ra những cặn cố, những tồn đọng, những đáy sông lở lói, nghèo nàn, bức bối đến lúc thành con sông mùa lũ mênh mang một niềm thương cảm. Một sự tha thứ và bao dung cho nhau đúng kiểu “An Giang”.

          Tôi không phải là một người viết văn, cũng không dám nhận bài viết này là một bài bình tác phẩm, mà đơn giản chỉ là những suy nghĩ của một người biết đọc văn. Trong cái trân trọng dành cho tập truyện ngắn này của một cây bút nữ vùng An Giang thân thiết, tôi vẫn tiếc: Phải chi truyện ngắn “tự thú của thiên thần” được xếp ở sau cuối thì Sông Hậu trong tập truyện ngắn này trọn vẹn một dòng lưu giang. Cái tiếc nuối của tôi giống như con sông Hậu mùa lũ mang về cho dân Miền Tây nhiều sản vật, nhưng nếu không thể dọng đầy một lu mắm cá linh thì coi như mùa lũ chưa trọn vẹn. “tự thú của thiên thần” bị xếp sớm lên một nấc, giống như lu mắm chưa ngấu đã bị khui ăn… Nên tiếc, An Giang à…

          “Cuộc sống này thật phi thường. Nó biến đổi không ngừng lại nóng tính như con thác lớn, hung hăng, táo tợn. Nó thích xô ngã, vùi lấp…tôi đã tốn nhiều nước mắt với nó từ thời năm tuổi cho tới khi thành người lớn. hồi mười mấy, hai mươi tôi thù nó dữ tợn. Tôi nhìn lom lom vào ruột gan nó. Đáng lẽ thấy được một góc tối om, tôi lại thấy cái bụng nó quá quảng đại. Giờ thì có bị nó xéo xắt tôi vẫn tin nó không ác ý. Niềm tin này đã giúp tôi thấy mình rộng lượng hơn cuộc sống- Võ Diệu Thanh”

          Còn tôi, đọc những dòng trên để kết entry này, tôi thấy cuộc sống cho tôi có những lúc buồn là do nó quá rộng lượng với tôi…

           

27 nhận xét:

  1. Mùa nước nổi đã đến, mùa cá linh đang về trắng đồng. Đã bao lâu rồi chưa ăn lại món cá linh kho. thèm và nhớ.

    Trả lờiXóa
  2. Chưa xem cuốn này, nhưng chị đã giới thiệu thì em cũng xem thử.

    :)

    Trả lờiXóa
  3. Mềnh dô đây đọc giữa chừng phải ngừng thành ra anh Gà còm trước :D

    Sao cuộc sống rộng lượng với mình mà M còn buồn ? Tại nó cho cơ hội gì đó, từ cơ hội đó ngó thấy nhiều chướng tai gai mắt phải hem ?

    Thôi buồn chi Tám (bắt chướng người ta nói vậy nhen hì hì)

    Trả lờiXóa
  4. Lạy trời, khấn phật Sở giáo dục làm ơn mở thêm nhiều lớp để chị đi học thì cuộc đời này lại càng có thêm nhiều bài về "buồn phong đa", thêm nhiều chiêm nghiệm về cuộc đời "lộn phức" (lộn xộn, phức tạp). Mấy hôm nay tôi cũng mới đi dự một cái hội nghị tào lao về nên bận quá thấy chị có nhiều nỗi buồn phong đa muốn góp mấy lời mà nỗi buồn của chị phát triển lẹ quá theo cấp số nhân nên chẳng kịp trở tay, thôi tôi sẽ từ từ xin thưa chuyện với chị vậy, mặc dù nó sẽ không còn nóng. Chúc chị vui khỏe.

    Trả lờiXóa
  5. Sen nhắc cá linh kho làm Mập nhớ món mắm và rau... Bác sui gia mần ngon lắm, từ giờ chắc hết được ăn vì Bác đã về với Bác trai rồi...

    Trả lờiXóa
  6. Đừng xem thử, hãy xem thiệt... một giọng văn vàng ròng Nam Bộ đó...

    Trả lờiXóa
  7. Vì nó rộng lượng nên Mập thấy mình chật hẹp mà buồn... Chị em tình cảm thân thiết, biết Mập buồn... ăn, nên trưa nay Suối và Chị Thủy Cúc dắt Mập đi ăn "cục gạch" hehe!

    Trả lờiXóa
  8. Đọc câu này cười sặc Anh ạ... Tôi học mấy lớp Pháp Luật là của Quận mở... còn Sở thì chỉ mở mấy lớp "uống trà" thôi, hehe!

    Trả lờiXóa
  9. Đọc sách cũng là đi lượm lặt thêm nỗi buồn của người để thấy nỗi buồn của mình nhỏ đi M nhỉ ? ...
    Chị cũng chưa đọc cuốn này , có dịp sẽ đọc ... !

    Trả lờiXóa
  10. Ủa chị nhớ SGD ...không có nước uống mà M !!!

    Trả lờiXóa
  11. Em thấy Tuổi Trẻ vẫn là Tuổi Trẻ, giải thưởng họ trao là xứng đáng Gió à... chuyện nào cũng đáng đồng tiền bát gạo...

    Trả lờiXóa
  12. Gió hỏi ... khó Sở òi...hehe!

    Trả lờiXóa
  13. "Mỗi khi có cơn cớ buồn là tôi lục tìm sách đọc".Rứa đó, có người khôn thiệt!Sách là bạn, là người giúp ta vơi bớt nỗi buồn.

    Trả lờiXóa
  14. Các cụ nói : "dại chốn văn chương ấy dại khôn" Hén Thian! hehe!

    Trả lờiXóa
  15. Hôm trước bình thơ rất hay, hôm nay bình văn cũng rất hay. Đọc bài bình của M xg là muốn đi kiếm sách ấy đọc liền. Cám ơn M nhe.

    Trả lờiXóa
  16. Em có "cái giang" tiếp thị hàng hén Chị...
    Vậy mà tiếp thị bán chữ lại rất dở... hehe!
    Cám ơn Chị khen em!

    Trả lờiXóa
  17. Người viết giỏi luôn làm cho người đọc "cảm" được những nhân vật trong câu chuyện của mình. Người bình giỏi nêu lên được vấn đề tác giả gởi gắm mà không cần nhiều câu chữ, như Mập vậy :)

    Trả lờiXóa
  18. Thithao có muốn mấy cuốn này không? hehe, là Mập hỏi thiệt lòng...

    Trả lờiXóa
  19. Dạ muốn (cũng thiệt lòng) heheh. Mà Mập dồn lại, cuối năm em dzìa khuân hết :))

    Trả lờiXóa
  20. Ko biết có cái này ko, nhg bình thơ, văn mà hay vậy thì chị nghĩ rằng người bình cũng là nhà văn rồi đó, bài bình là bài văn đầy xúc cảm. Chị đợi những tác phẩm khác héng.

    Trả lờiXóa
  21. Đọc một đoạn ngắn chị trích dẫn mà em đã thích rồi! Cảm ơn chị đã giới thiệu! Em sẽ tìm đọc!

    Trả lờiXóa
  22. Hehe, đọc đi YX, đáng đồng tiền bát gạo lắm...

    Trả lờiXóa
  23. Lâu rồi, chị ít đọc sách.
    Nhưng nhất định sẽ đọc quyển này.
    Mai đi nhà sách mới được!
    Cám ơn Cưng Ù.

    Trả lờiXóa
  24. Mai mà Chị Ba hông mua ra cuốn này thì nhớ nói em nghen... hihi!

    Trả lờiXóa
  25. Tui đọc rồi, đọc từ hôm mới có mấy cuốn sách là đọc hết trơn từ đầu đến cuối. Bạn bình rất hay, đọc mà cứ cười vụ "buồn phong đa" đó.
    Tuổi trẻ thời nay dường như ít đọc sách văn học, có lẽ chỉ lứa tuổi tụi mình mới còn có nhiều người có thú vui đọc sách, nhưng đọc mà bình và bình hay thế này thì ít thấy nghen. (Bài này gởi báo được đó).

    Trả lờiXóa
  26. Không gởi được đâu Bạn ơi! Vì chen wớ nhiều tự sự cá nhơn vào đây! hic!

    Trả lờiXóa