Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

Entry cho nghiệp dĩ...

Câu chuyện giáo dục
Để bục giảng đừng chênh vênh…
            

Khi tháng 11 tìm về, tôi tin là các nhà giáo, không chỉ những nhà giáo còn gắn bó với bục giảng, với bảng đen, phấn trắng, mà cả những nhà giáo đã thôi không còn giảng dạy, cũng sẽ để ra những giờ khắc lắng đọng nhất trong cuộc sống nhiều lo toan của mình, để chiêm nghiệm về con đường Nghề mà mình đã hoặc đang đi cùng. Năm học này, tôi bước vào năm thứ 29 trong đời dạy học của mình với 20 năm trọn đứng lớp và 9 năm làm quản lý. Làm quản lý, nhưng chưa bao giờ tôi thấy cái hấp lực từ bục giảng giảm đi. Bố mẹ tôi vẫn luôn nói “quan nhất thời, dân vạn đại”. Tôi hiểu, khi cái “thời quan” qua đi, nếu chuyên môn tôi đã lụt, thì có nghĩa là việc “làm dân” cũng …nghìn trùng. Vì thế, trong suốt những năm làm quản lý, cứ có dịp, là tôi nôn nả lên lớp, trở về bục giảng với học trò. Năm học 2012-2013, theo quy định mới của liên ngành, nhà giáo làm quản lý, muốn được hưởng phụ cấp ưu đãi, từ phụ cấp ưu đãi mới được tính phụ cấp thâm niên, thì phải trở về …đứng lớp, nên người làm quản lý như tôi đã được “phân công chuyên môn” trở lại. Cái bục giảng bắt đầu không còn là nơi “tạm trú” mà lại bắt đầu những gắn kết “thường trú” nơi tôi. Mặc dù, việc trở lại “đứng lớp” có nguyên nhân sao mà chua xót, nó không bắt đầu từ “chức nghiệp” mà bắt đầu từ một lý do hết sức “dung tục”: vì tiền.

Nhưng bỏ qua một bên những bức xúc đời thường đó, khi trở về đứng lớp, chia sẻ cái cảm giác thực thụ của “nhà giáo trong cuộc” mà lúc làm quản lý đơn thuần, chúng tôi ít nhiều có chỗ xa lạ, tôi hiểu ra: Cái bục giảng- giờ chắc ít nơi còn giữ là bục gỗ, mà tuyền xi măng cả rồi – nhìn thì ngắn và chắc chắn như thế, nhưng quả là rất chông chênh và đi được hết “chiều dài” của nó không phải là chuyện dễ dàng. Tôi vẫn hay nói với đồng nghiệp: Không ai sanh ra đã làm ngay quản lý. Nhà quản lý giáo dục cũng là từ nhà giáo mà ra, nên chắc chắn sẽ có những cảm thông nhất định. Và bây giờ, tôi nhận ra luôn, những chia sẻ đó là hoàn toàn lý thuyết. Tôi nhận ra, từ chính công việc đứng lớp của mình, chứ không phải từ vai trò quản lý rằng đồng nghiệp của tôi, những nhà giáo, mỗi khi bước lên bục giảng hiện nay, phải đối phó với những vấn đề gì. Không chỉ đối phó, bản thân họ còn mong muốn điều gì cũng từ chính bục giảng, nơi thực tế sinh động của từng tiết học, từng bài giảng, đã giúp họ không chỉ giáo dục mà còn “tự giáo dục” chính mình.

Ai cũng nói: chức năng chính của nhà giáo là truyền thụ kiến thức. Và ai cũng biết: Bể học là mênh mông. Việc truyền thụ kiến thức của người Thầy, suy cho cùng, cũng giống như người dạy bơi. Cho nên, dù mênh mông đến nhường nào thì bể kiến thức cũng phải có bến bờ để người bơi biết đường mà cập. Bến bờ đó theo nhà giáo chúng tôi là cái chuẩn kỹ năng kiến thức quy định mà ở mỗi khối lớp, mỗi cấp lớp, người học phải đạt được. Việc đưa được kiến thức đó đến học trò, muôn đời nay, chưa bao giờ thoát ly được một công cụ chính đó là “cái miệng của người Thầy” nói nôm na, bình dân là thế. Nhắc đến “cái miệng nhà giáo” là nhắc một cách “ẩn dụ” đến “cái đầu của người Thầy”. Nhưng ta thử bình tĩnh ngồi điểm danh các chương trình thí điểm, cải cách, đổi mới giáo dục qua các lần áp dụng trong bao năm qua, sẽ nhận ra, chưa có một lần nào trong các lần “chuyển biến” đó mà đối tượng nhắm đến là Người Thầy cả. Người ta cứ loay hoay làm sao dạy cho nhanh, rồi làm sao dạy cho mới, rồi làm sao dạy cho hiện đại. Nghĩa là, chỉ nhắm đến “cách thức” chuyển tải kiến thức từ Thầy đến Trò. Còn người chịu trách nhiệm chính trong việc tạo ra “cách thức” ấy thì …không được tính đến. Hoặc nếu có tính thì lại tính theo kiểu: từ quan điểm Thầy chủ đạo- trò chủ động chuyển sang kiểu tư duy Thầy làm trung tâm hay trò làm trung tâm? Rồi sau lại nghe nói chả ai làm trung tâm chỉ còn…cái máy. Đối tượng chính trong quá trình dạy đã vậy, chương trình và sách giáo khoa thì cũng lủng củng không kém. Trên thực tế, sách giáo khoa, sách giáo viên, sách tham khảo, công nghệ trình chiếu, bản đồ tư duy… gì gi nữa, với nhà giáo đều chỉ là phương tiện hỗ trợ, làm phong phú, màu sắc thêm cái tiết dạy, tạo sự mới lạ để kích thích ham muốn học tập nơi học trò. Nhưng không hiểu sao, đây đó, vẫn cứ có những nơi, người ta căn cứ vào các hiệu ứng chớp tắt, căn cứ vào “cái sân khấu lớp học” được “tung hứng” ra sao để lấy đó mà đánh giá năng lực “Làm thầy”, chứ không đếm xỉa đến một cái chuẩn khác, đó là: Học trò học tiết đó có hiểu bài không? Có áp dụng được lý thuyết vào việc xử lý bài tập, xử lý tình huống, áp dụng vào chính đời sống của các em hay không? Và quan trọng thông qua “kênh chữ” ta đã chuyển tải gì được “kênh làm người” cho học sinh? Mỗi năm học, cứ tới cuối Hè, người Thầy hiện nay lại nhấp nhổm không biết năm nay ngành lại “đẻ” ra những “cải tiến” nào? Năm thì trình chiếu, thế là rộ lên trình trình chiếu chiếu. Năm thì bản đồ tư duy, thế là ào ạt sắm sanh chương trình phần mềm vẽ bản đồ tư duy. Mà thật ra việc tóm tắt bài học bằng sơ đồ, việc tổng hợp chương bài bằng hệ thống bảng là chuyện đã “cũ rồi, khổ lắm, ai cũng biết” với nhà giáo, nay chỉ chuyển đổi từ các sơ đồ tay sang việc vẽ chúng dưới dạng các nhánh cây bằng phần mềm máy tính, mà học trò nghịch ngợm còn gọi đùa là “những con rít”, thì có người đã “đao to búa lớn” lên thành cụm từ “bản đồ tư duy”, và trường trường lớp lớp cứ thế đổ xô thực hiện một cách hồ hởi như vừa có một “phát kiến khoa học”. Lợi cho học sinh đâu không thấy, vì nhìn cho kỹ những bản đồ tư duy vẽ bằng phần mềm này, hình thức thì không chắc đã đảm bảo thẩm mỹ, nhưng về mặt khoa học thì còn lắm điều phải tranh cãi, nhưng chắc chắn là các nhà sản xuất phần mềm đã “trúng quả”. Rồi lại đến “dự ớn” Bảng tương thích mà giá thành nó đã lên tới trăm triệu một cái. Nhưng khi được giới thiệu chào hàng, nhà giáo hỏi nhà cung ứng rằng: Lớp học dành cho loại bảng này sĩ số bao nhiêu? Và với quy cách phòng ốc hiện nay, một cái bảng phải đi kèm với bộ phụ tùng rất chiếm không gian, thì dù có muốn năng động đến đâu, học sinh lấy “chỗ đâu mà cựa”? thì nhà cung ứng… lảng.

Không chỉ ngừng lại ở hình thức “dạy bơi” có vấn đề. Đến ngay cái việc “bơi” trong bể kiến thức sao mà cũng lắm “biển dâu”. Môn học nào hình như cũng nhắm đến cái đích “đào tạo chuyên gia” nên môn nào cũng đặt ra những yêu cầu không chỉ quá tầm với của học sinh mà nhiều khi còn quá tầm với của người Thầy. Ví dụ, ở bộ môn Địa lý của chúng tôi, sau mỗi giờ dạy ở khối 6-7, giáo viên và học sinh đều có cảm tưởng mình trở thành những nhà quan trắc học, địa trắc học và những Christophe Colomb. Sang lớp 8,9 thì lại có cơ may trở thành những chuyên gia dự báo kinh tế từ những căn cứ tự nhiên- xã hội chỉ dừng ở mức…cơ bản (!). đâu chỉ một môn, mỗi học sinh phải “cõng” trên lưng mình 11 môn học. Mà môn nào cũng thế, thì cái sự “giảm tải” e là “chỉ có trong mơ”. Học lý thuyết đã vậy, hình thức kiểm tra bài của học sinh thì lại càng nhộn nhịp. Có năm thì rộ lên cách thi trắc nghiệm, cho đó là cơ sở đánh giá kiến thức học sinh một cách “toàn diện”, tránh cho các em học tủ, học vẹt, học theo đề cương. Nhưng sau đó, khi phong trào “nói không với tiêu cực thi cử” nở rộ, ta lại phát hiện ra khi cho làm bài thi dạng trắc nghiệm, học sinh với bản tính nghịch ngợm và “thông minh vốn sẵn tính trời” sẽ rất dễ “thông bài, mớm nghiệm” cho nhau, và thế là “trắc nghiệm ơi! chào mi”. Một nền học vấn chung cho toàn xã hội, mà chỉ cách nhau vài năm, quay lại, thế hệ anh, chị đi trước đã không thể kềm cặp cho em út của mình, thì nói gì đến cha mẹ. Và khi cái sự “không thể” đó tạo ra lo lắng. Tất yếu, giải quyết lo lắng đó sẽ trở về hiện trạng “trăm sự nhờ Thầy Cô”…

Cái bục giảng không chỉ gắn bó với nhà giáo đơn thuần trong công việc, trong nghề nghiệp. Nó còn là nơi bốn chữ “tôn sư trọng đạo” tốt đẹp diễn ra hằng ngày, hằng giờ qua các tiết học, các bài giảng. Bục giảng đó phải quang đãng thì hình ảnh bực Tôn Sư mới rờ rỡ và từ đó Cái đạo Thầy Trò nó mới oai nghiêm. Còn nếu ta chất lên quanh cái bục quá nhiều điều phải “nói không” thì chắc chắn “bức phướng: Tôn Sư trọng Đạo” bị che mờ và dễ hiểu là phòng học sẽ u tối thế nào. Những suy nghĩ trình bày nơi này chỉ là một chút ưu tư chắc là không mới của một nhà giáo đã chớm bước vào những năm cuối của đời Nghề, về những chênh vênh từ bục giảng. Không mới nhưng tôi vẫn hy vọng nó đủ sức kéo sự chú ý của xã hội, của ngành chức năng vào nơi mà tôi cho rằng cần phải thay đổi rốt ráo nhất cho sự nghiệp giáo dục, đó là: Nhà giáo! Cái bục giảng sẽ không thể làm nên lớp học, mà trên đó, không có những người Thầy xứng là Thầy…

Lâm Minh Trang

( Gò Vấp)





Có một nhà thơ đã viết: ...những ngày tôi đang sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả. Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn... Tôi không quan niệm đây là một câu "ca ngợi" đơn thuần, tôi nhận ra sự trân trọng nơi hai câu thơ này ở người viết đó là "sự trân trọng cái mình đang có". Tôi viết những bài cho nghiệp dĩ chính từ những trân trọng điều mình có được từ Nghề ...

Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

Entry for 20-11-2012...Tháng Nghiệp dĩ đến gần...

Thư gởi đồng nghiệp  “cấp trên” nhân “Tháng Vía”

 

Chúng ta cùng chia vị đắng này…

            Sau phiên họp hội đồng sư phạm chiều qua, những họat động rộn rã cho một tháng mà chúng tôi hay nói đùa cùng nhau là “Tháng vía”  hay “Tháng êm dịu” bắt đầu. Nhưng trong không khí rộn rã ấy, một liên tưởng của tôi đã làm hội đồng lặng đi khi nói: Một trong những họat động mà qúy Thầy cô cần làm “ rộn rã” nhưng phải hết sức “thầm lặng”, đó là “dạy thêm”…

            Sáng nay, mở tờ báo Tuổi Trẻ Chủ nhật ra xem, tôi vui mừng “gặp” Sếp của mình hiện diện trên tờ báo với những phân tích về việc “dạy thêm, học thêm” hết sức lý thú và khoa học. Ông nói: Việc dạy thêm – học thêm vừa có tính tích cực, vừa mang mầm mống tiêu cực. Khoa học, vì Ông đang nói về “tính hai mặt” của một vấn đề. Lý thú, vì phát biểu của Ông mang cả tính nghệ thuật “không đúng mà cũng chẳng sai”, cái tính nghệ thuật đã ăn sâu vào máu của một xã hội mà cái gì bây giờ “là đúng” thì đều phải bắt đầu bằng hai chữ “nói không”.

            Tôi không rõ, khi ban hành thông tư 17 để nhằm chấn chỉnh lại một vấn đề nóng của giáo dục Việt Nam đó là “nạn” dạy thêm – học thêm tràn lan, các bộ óc tham mưu siêu việt của Bộ giáo dục có tính đến “một bộ phận không nhỏ” số giáo viên không thể dạy thêm để mà “tràn lan” và có tính luôn đến một “bộ phận không nhỏ” khác ở số giáo viên  các ngành có thể “sinh ra nạn” tràn lan, nhưng vì ở mãi trong những xứ khỉ ho cò gáy, nên không có điều kiện “phát tác” chăng? Bởi vì, thông tư cho giáo dục là để anh điều chỉnh hành vi văn hóa của một tập thể người có cùng mục đích, hành vi như nhau. Đã là thông tư “kiểm tra” thì trong đó, nên có những chương mục, hướng dẫn luôn việc làm thế nào để cho cái số không dạy thêm- học thêm” tràn lan kia có thể sống được bằng đồng lương? Và trong thông tư cũng nên có phần quy định sẽ kiểm tra luôn, vì sao ai cũng kêu là ngành giáo dục lương không đủ sống, nhưng cán bộ -công chức của ngành này lại đông nhất trong xã hội? Số sinh viên ra trường của ngành bây giờ đã…thừa so với nhu cầu tuyển dụng đến mức báo động? Phải chăng vì mảnh đất giáo dục cho đến ngày giờ này vẫn là một “địa bàn màu mỡ” cho cái gọi là “những dự án bạc tỷ”? Và trong thông tư, cũng nên nêu rõ hình thức kiểm tra để nhà nhà cùng tỏ, mọi người cùng thông, để tránh việc nhằm “hưởng ứng” thông tư nói trên, một số địa phương đã “Mác hơn cả Mác” khi tiến hành những họat động kiểm tra của mình bằng những cách mà tôi cho rằng, tác động “phản giáo dục”của nó cũng sẽ tiếp tay tạo nên những dấu ấn khá là bi đát cho nền văn hóa chung của xã hội không khác nào những hiện tượng bẻ cây, chặt cành trong lễ hội Hoa Anh Đào; hiện tượng cướp hoa trong các lễ hội đường phố; hiện tượng đứng lên mai rùa và gần đây nhất là hiện tượng “cướp ấn” và đạp sập cổng trường trong ngày xin học cho con…

 

               Trong đầu óc non trẻ của những đứa con nít được cha mẹ gởi gắm đến trường học, đến thầy cô nhằm mục đích giúp các cháu hòan thiện nhân cách, chứng kiến những cảnh trạng đó, chắc sẽ có một dấu ấn khá đậm hình dấu hỏi cho việc: Vì sao Thầy Cô của chúng tiến hành việc dạy học ( cho dù là dạy học có thu tiền) lại “bị bắt tại trận” và “được đối xử” như những kẻ gian thương lưu manh? Và vì sao, việc kiểm tra ngặt nghèo tiến hành rầm rộ như thế cho giáo dục, cái máy cái “quyết định” sự phát triển văn minh của một đất nước, mà ngòai kia xã hội vẫn phải lên tiếng về nạn tham nhũng cũng như các vấn nạn khác rầm rộ không kém nhưng vẫn...thầm lặng sinh sôi?

Chúng ta nhất định phải lọai trừ các kiểu Thầy Cô giáo mà mới tháng 9 đã cho học sinh giải những bài tập ở …học kỳ 2, để mở một “con đường mới” cho học sinh rẽ ngang từ cổng trường đến nhà thầy cô để “đi tắt, đón đầu” . Hoặc những thầy cô giáo giải một bài tóan tiểu học với đề tài cho 2,8 mét vải, may 2 bộ quần áo ngắn cho một em bé theo tỷ lệ phân số Thầy cho, hỏi còn dư bao nhiêu vải? Mà những em giải ra đáp số còn dư 1,1m buộc phải bôi đi, sửa thành …11 mét, vì những bạn ra đáp số 11 mét đã được Thầy Cô cho…10 điểm. Chúng ta phải nhất định lọai trừ những thầy cô giảng bài trên lớp với cái hơi của một ông bà già 80 tuổi, nhưng lại mở đến 5 “cua” môt ngày ở nhà mà chưa từng có...dấu hiệu mệt mỏi. Chúng ta càng nhất định phải lọai trừ những “cấp trên nhà giáo” mà bao giờ cũng khuyến khích lối tư duy “ trọng số hơn trọng chất”, những cấp trên mà trong lúc nhà giáo lương “thoi thóp” thì lại sẵn sàng đổ ra hơn 70 ngàn tỷ đồng chỉ để ...đổi bộ sách giáo khoa vốn chỉ là “tài liệu tham khảo” hoặc hơn thế nữa tận dụng những khỏan ngân sách với “dãy chín số nhảy nhót” để xây các “văn miếu mới” nhằm ghi tạc tên những tiến sĩ mà công trình khoa học thì không ai biết là đâu, những đóng góp cho ngành giáo dục thì “đốt đuốc giữa ban ngày”…Chúng ta nhất định thế, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ “ập” vào các nơi Thầy Cô giáo đang “bán cháo phổi” để hành xử với họ như những kẻ… xâm phạm an ninh quốc gia…

“Bài giảng giáo dục” năm nào ở các Trường vào tháng 11 hình như cũng nhẹ đi vì các thông tin tiêu cực về ngành, vì những hình ảnh “méo mó” về Thầy  “bỗng dưng nở rộ”. Là một nhà giáo, bao nhiêu cay đắng chắc có lẽ cũng đã nếm trải đủ cho 29 năm học trong ngành, nhưng tôi e bằng vào bức thư này, vị đắng mà tôi có hân hạnh cùng chia sẻ với các đồng nghiệp của mình trong hơn 29 niên học qua sẽ không giảm đi. Càng không giảm đi, khi bức thư này tôi chỉ muốn …trèo đèo gởi cho …cấp trên của mình…những tác giả của thông tư 17, mà tôi – bằng trí lự thấp kém của mình tuyệt không thể hiểu cái …đích đến của nó.  Lâm Minh Trang ( Gò Vấp)