Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

Entry cho nghiệp dĩ...

Câu chuyện giáo dục
Để bục giảng đừng chênh vênh…
            

Khi tháng 11 tìm về, tôi tin là các nhà giáo, không chỉ những nhà giáo còn gắn bó với bục giảng, với bảng đen, phấn trắng, mà cả những nhà giáo đã thôi không còn giảng dạy, cũng sẽ để ra những giờ khắc lắng đọng nhất trong cuộc sống nhiều lo toan của mình, để chiêm nghiệm về con đường Nghề mà mình đã hoặc đang đi cùng. Năm học này, tôi bước vào năm thứ 29 trong đời dạy học của mình với 20 năm trọn đứng lớp và 9 năm làm quản lý. Làm quản lý, nhưng chưa bao giờ tôi thấy cái hấp lực từ bục giảng giảm đi. Bố mẹ tôi vẫn luôn nói “quan nhất thời, dân vạn đại”. Tôi hiểu, khi cái “thời quan” qua đi, nếu chuyên môn tôi đã lụt, thì có nghĩa là việc “làm dân” cũng …nghìn trùng. Vì thế, trong suốt những năm làm quản lý, cứ có dịp, là tôi nôn nả lên lớp, trở về bục giảng với học trò. Năm học 2012-2013, theo quy định mới của liên ngành, nhà giáo làm quản lý, muốn được hưởng phụ cấp ưu đãi, từ phụ cấp ưu đãi mới được tính phụ cấp thâm niên, thì phải trở về …đứng lớp, nên người làm quản lý như tôi đã được “phân công chuyên môn” trở lại. Cái bục giảng bắt đầu không còn là nơi “tạm trú” mà lại bắt đầu những gắn kết “thường trú” nơi tôi. Mặc dù, việc trở lại “đứng lớp” có nguyên nhân sao mà chua xót, nó không bắt đầu từ “chức nghiệp” mà bắt đầu từ một lý do hết sức “dung tục”: vì tiền.

Nhưng bỏ qua một bên những bức xúc đời thường đó, khi trở về đứng lớp, chia sẻ cái cảm giác thực thụ của “nhà giáo trong cuộc” mà lúc làm quản lý đơn thuần, chúng tôi ít nhiều có chỗ xa lạ, tôi hiểu ra: Cái bục giảng- giờ chắc ít nơi còn giữ là bục gỗ, mà tuyền xi măng cả rồi – nhìn thì ngắn và chắc chắn như thế, nhưng quả là rất chông chênh và đi được hết “chiều dài” của nó không phải là chuyện dễ dàng. Tôi vẫn hay nói với đồng nghiệp: Không ai sanh ra đã làm ngay quản lý. Nhà quản lý giáo dục cũng là từ nhà giáo mà ra, nên chắc chắn sẽ có những cảm thông nhất định. Và bây giờ, tôi nhận ra luôn, những chia sẻ đó là hoàn toàn lý thuyết. Tôi nhận ra, từ chính công việc đứng lớp của mình, chứ không phải từ vai trò quản lý rằng đồng nghiệp của tôi, những nhà giáo, mỗi khi bước lên bục giảng hiện nay, phải đối phó với những vấn đề gì. Không chỉ đối phó, bản thân họ còn mong muốn điều gì cũng từ chính bục giảng, nơi thực tế sinh động của từng tiết học, từng bài giảng, đã giúp họ không chỉ giáo dục mà còn “tự giáo dục” chính mình.

Ai cũng nói: chức năng chính của nhà giáo là truyền thụ kiến thức. Và ai cũng biết: Bể học là mênh mông. Việc truyền thụ kiến thức của người Thầy, suy cho cùng, cũng giống như người dạy bơi. Cho nên, dù mênh mông đến nhường nào thì bể kiến thức cũng phải có bến bờ để người bơi biết đường mà cập. Bến bờ đó theo nhà giáo chúng tôi là cái chuẩn kỹ năng kiến thức quy định mà ở mỗi khối lớp, mỗi cấp lớp, người học phải đạt được. Việc đưa được kiến thức đó đến học trò, muôn đời nay, chưa bao giờ thoát ly được một công cụ chính đó là “cái miệng của người Thầy” nói nôm na, bình dân là thế. Nhắc đến “cái miệng nhà giáo” là nhắc một cách “ẩn dụ” đến “cái đầu của người Thầy”. Nhưng ta thử bình tĩnh ngồi điểm danh các chương trình thí điểm, cải cách, đổi mới giáo dục qua các lần áp dụng trong bao năm qua, sẽ nhận ra, chưa có một lần nào trong các lần “chuyển biến” đó mà đối tượng nhắm đến là Người Thầy cả. Người ta cứ loay hoay làm sao dạy cho nhanh, rồi làm sao dạy cho mới, rồi làm sao dạy cho hiện đại. Nghĩa là, chỉ nhắm đến “cách thức” chuyển tải kiến thức từ Thầy đến Trò. Còn người chịu trách nhiệm chính trong việc tạo ra “cách thức” ấy thì …không được tính đến. Hoặc nếu có tính thì lại tính theo kiểu: từ quan điểm Thầy chủ đạo- trò chủ động chuyển sang kiểu tư duy Thầy làm trung tâm hay trò làm trung tâm? Rồi sau lại nghe nói chả ai làm trung tâm chỉ còn…cái máy. Đối tượng chính trong quá trình dạy đã vậy, chương trình và sách giáo khoa thì cũng lủng củng không kém. Trên thực tế, sách giáo khoa, sách giáo viên, sách tham khảo, công nghệ trình chiếu, bản đồ tư duy… gì gi nữa, với nhà giáo đều chỉ là phương tiện hỗ trợ, làm phong phú, màu sắc thêm cái tiết dạy, tạo sự mới lạ để kích thích ham muốn học tập nơi học trò. Nhưng không hiểu sao, đây đó, vẫn cứ có những nơi, người ta căn cứ vào các hiệu ứng chớp tắt, căn cứ vào “cái sân khấu lớp học” được “tung hứng” ra sao để lấy đó mà đánh giá năng lực “Làm thầy”, chứ không đếm xỉa đến một cái chuẩn khác, đó là: Học trò học tiết đó có hiểu bài không? Có áp dụng được lý thuyết vào việc xử lý bài tập, xử lý tình huống, áp dụng vào chính đời sống của các em hay không? Và quan trọng thông qua “kênh chữ” ta đã chuyển tải gì được “kênh làm người” cho học sinh? Mỗi năm học, cứ tới cuối Hè, người Thầy hiện nay lại nhấp nhổm không biết năm nay ngành lại “đẻ” ra những “cải tiến” nào? Năm thì trình chiếu, thế là rộ lên trình trình chiếu chiếu. Năm thì bản đồ tư duy, thế là ào ạt sắm sanh chương trình phần mềm vẽ bản đồ tư duy. Mà thật ra việc tóm tắt bài học bằng sơ đồ, việc tổng hợp chương bài bằng hệ thống bảng là chuyện đã “cũ rồi, khổ lắm, ai cũng biết” với nhà giáo, nay chỉ chuyển đổi từ các sơ đồ tay sang việc vẽ chúng dưới dạng các nhánh cây bằng phần mềm máy tính, mà học trò nghịch ngợm còn gọi đùa là “những con rít”, thì có người đã “đao to búa lớn” lên thành cụm từ “bản đồ tư duy”, và trường trường lớp lớp cứ thế đổ xô thực hiện một cách hồ hởi như vừa có một “phát kiến khoa học”. Lợi cho học sinh đâu không thấy, vì nhìn cho kỹ những bản đồ tư duy vẽ bằng phần mềm này, hình thức thì không chắc đã đảm bảo thẩm mỹ, nhưng về mặt khoa học thì còn lắm điều phải tranh cãi, nhưng chắc chắn là các nhà sản xuất phần mềm đã “trúng quả”. Rồi lại đến “dự ớn” Bảng tương thích mà giá thành nó đã lên tới trăm triệu một cái. Nhưng khi được giới thiệu chào hàng, nhà giáo hỏi nhà cung ứng rằng: Lớp học dành cho loại bảng này sĩ số bao nhiêu? Và với quy cách phòng ốc hiện nay, một cái bảng phải đi kèm với bộ phụ tùng rất chiếm không gian, thì dù có muốn năng động đến đâu, học sinh lấy “chỗ đâu mà cựa”? thì nhà cung ứng… lảng.

Không chỉ ngừng lại ở hình thức “dạy bơi” có vấn đề. Đến ngay cái việc “bơi” trong bể kiến thức sao mà cũng lắm “biển dâu”. Môn học nào hình như cũng nhắm đến cái đích “đào tạo chuyên gia” nên môn nào cũng đặt ra những yêu cầu không chỉ quá tầm với của học sinh mà nhiều khi còn quá tầm với của người Thầy. Ví dụ, ở bộ môn Địa lý của chúng tôi, sau mỗi giờ dạy ở khối 6-7, giáo viên và học sinh đều có cảm tưởng mình trở thành những nhà quan trắc học, địa trắc học và những Christophe Colomb. Sang lớp 8,9 thì lại có cơ may trở thành những chuyên gia dự báo kinh tế từ những căn cứ tự nhiên- xã hội chỉ dừng ở mức…cơ bản (!). đâu chỉ một môn, mỗi học sinh phải “cõng” trên lưng mình 11 môn học. Mà môn nào cũng thế, thì cái sự “giảm tải” e là “chỉ có trong mơ”. Học lý thuyết đã vậy, hình thức kiểm tra bài của học sinh thì lại càng nhộn nhịp. Có năm thì rộ lên cách thi trắc nghiệm, cho đó là cơ sở đánh giá kiến thức học sinh một cách “toàn diện”, tránh cho các em học tủ, học vẹt, học theo đề cương. Nhưng sau đó, khi phong trào “nói không với tiêu cực thi cử” nở rộ, ta lại phát hiện ra khi cho làm bài thi dạng trắc nghiệm, học sinh với bản tính nghịch ngợm và “thông minh vốn sẵn tính trời” sẽ rất dễ “thông bài, mớm nghiệm” cho nhau, và thế là “trắc nghiệm ơi! chào mi”. Một nền học vấn chung cho toàn xã hội, mà chỉ cách nhau vài năm, quay lại, thế hệ anh, chị đi trước đã không thể kềm cặp cho em út của mình, thì nói gì đến cha mẹ. Và khi cái sự “không thể” đó tạo ra lo lắng. Tất yếu, giải quyết lo lắng đó sẽ trở về hiện trạng “trăm sự nhờ Thầy Cô”…

Cái bục giảng không chỉ gắn bó với nhà giáo đơn thuần trong công việc, trong nghề nghiệp. Nó còn là nơi bốn chữ “tôn sư trọng đạo” tốt đẹp diễn ra hằng ngày, hằng giờ qua các tiết học, các bài giảng. Bục giảng đó phải quang đãng thì hình ảnh bực Tôn Sư mới rờ rỡ và từ đó Cái đạo Thầy Trò nó mới oai nghiêm. Còn nếu ta chất lên quanh cái bục quá nhiều điều phải “nói không” thì chắc chắn “bức phướng: Tôn Sư trọng Đạo” bị che mờ và dễ hiểu là phòng học sẽ u tối thế nào. Những suy nghĩ trình bày nơi này chỉ là một chút ưu tư chắc là không mới của một nhà giáo đã chớm bước vào những năm cuối của đời Nghề, về những chênh vênh từ bục giảng. Không mới nhưng tôi vẫn hy vọng nó đủ sức kéo sự chú ý của xã hội, của ngành chức năng vào nơi mà tôi cho rằng cần phải thay đổi rốt ráo nhất cho sự nghiệp giáo dục, đó là: Nhà giáo! Cái bục giảng sẽ không thể làm nên lớp học, mà trên đó, không có những người Thầy xứng là Thầy…

Lâm Minh Trang

( Gò Vấp)





Có một nhà thơ đã viết: ...những ngày tôi đang sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả. Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn... Tôi không quan niệm đây là một câu "ca ngợi" đơn thuần, tôi nhận ra sự trân trọng nơi hai câu thơ này ở người viết đó là "sự trân trọng cái mình đang có". Tôi viết những bài cho nghiệp dĩ chính từ những trân trọng điều mình có được từ Nghề ...

Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

Entry for 20-11-2012...Tháng Nghiệp dĩ đến gần...

Thư gởi đồng nghiệp  “cấp trên” nhân “Tháng Vía”

 

Chúng ta cùng chia vị đắng này…

            Sau phiên họp hội đồng sư phạm chiều qua, những họat động rộn rã cho một tháng mà chúng tôi hay nói đùa cùng nhau là “Tháng vía”  hay “Tháng êm dịu” bắt đầu. Nhưng trong không khí rộn rã ấy, một liên tưởng của tôi đã làm hội đồng lặng đi khi nói: Một trong những họat động mà qúy Thầy cô cần làm “ rộn rã” nhưng phải hết sức “thầm lặng”, đó là “dạy thêm”…

            Sáng nay, mở tờ báo Tuổi Trẻ Chủ nhật ra xem, tôi vui mừng “gặp” Sếp của mình hiện diện trên tờ báo với những phân tích về việc “dạy thêm, học thêm” hết sức lý thú và khoa học. Ông nói: Việc dạy thêm – học thêm vừa có tính tích cực, vừa mang mầm mống tiêu cực. Khoa học, vì Ông đang nói về “tính hai mặt” của một vấn đề. Lý thú, vì phát biểu của Ông mang cả tính nghệ thuật “không đúng mà cũng chẳng sai”, cái tính nghệ thuật đã ăn sâu vào máu của một xã hội mà cái gì bây giờ “là đúng” thì đều phải bắt đầu bằng hai chữ “nói không”.

            Tôi không rõ, khi ban hành thông tư 17 để nhằm chấn chỉnh lại một vấn đề nóng của giáo dục Việt Nam đó là “nạn” dạy thêm – học thêm tràn lan, các bộ óc tham mưu siêu việt của Bộ giáo dục có tính đến “một bộ phận không nhỏ” số giáo viên không thể dạy thêm để mà “tràn lan” và có tính luôn đến một “bộ phận không nhỏ” khác ở số giáo viên  các ngành có thể “sinh ra nạn” tràn lan, nhưng vì ở mãi trong những xứ khỉ ho cò gáy, nên không có điều kiện “phát tác” chăng? Bởi vì, thông tư cho giáo dục là để anh điều chỉnh hành vi văn hóa của một tập thể người có cùng mục đích, hành vi như nhau. Đã là thông tư “kiểm tra” thì trong đó, nên có những chương mục, hướng dẫn luôn việc làm thế nào để cho cái số không dạy thêm- học thêm” tràn lan kia có thể sống được bằng đồng lương? Và trong thông tư cũng nên có phần quy định sẽ kiểm tra luôn, vì sao ai cũng kêu là ngành giáo dục lương không đủ sống, nhưng cán bộ -công chức của ngành này lại đông nhất trong xã hội? Số sinh viên ra trường của ngành bây giờ đã…thừa so với nhu cầu tuyển dụng đến mức báo động? Phải chăng vì mảnh đất giáo dục cho đến ngày giờ này vẫn là một “địa bàn màu mỡ” cho cái gọi là “những dự án bạc tỷ”? Và trong thông tư, cũng nên nêu rõ hình thức kiểm tra để nhà nhà cùng tỏ, mọi người cùng thông, để tránh việc nhằm “hưởng ứng” thông tư nói trên, một số địa phương đã “Mác hơn cả Mác” khi tiến hành những họat động kiểm tra của mình bằng những cách mà tôi cho rằng, tác động “phản giáo dục”của nó cũng sẽ tiếp tay tạo nên những dấu ấn khá là bi đát cho nền văn hóa chung của xã hội không khác nào những hiện tượng bẻ cây, chặt cành trong lễ hội Hoa Anh Đào; hiện tượng cướp hoa trong các lễ hội đường phố; hiện tượng đứng lên mai rùa và gần đây nhất là hiện tượng “cướp ấn” và đạp sập cổng trường trong ngày xin học cho con…

 

               Trong đầu óc non trẻ của những đứa con nít được cha mẹ gởi gắm đến trường học, đến thầy cô nhằm mục đích giúp các cháu hòan thiện nhân cách, chứng kiến những cảnh trạng đó, chắc sẽ có một dấu ấn khá đậm hình dấu hỏi cho việc: Vì sao Thầy Cô của chúng tiến hành việc dạy học ( cho dù là dạy học có thu tiền) lại “bị bắt tại trận” và “được đối xử” như những kẻ gian thương lưu manh? Và vì sao, việc kiểm tra ngặt nghèo tiến hành rầm rộ như thế cho giáo dục, cái máy cái “quyết định” sự phát triển văn minh của một đất nước, mà ngòai kia xã hội vẫn phải lên tiếng về nạn tham nhũng cũng như các vấn nạn khác rầm rộ không kém nhưng vẫn...thầm lặng sinh sôi?

Chúng ta nhất định phải lọai trừ các kiểu Thầy Cô giáo mà mới tháng 9 đã cho học sinh giải những bài tập ở …học kỳ 2, để mở một “con đường mới” cho học sinh rẽ ngang từ cổng trường đến nhà thầy cô để “đi tắt, đón đầu” . Hoặc những thầy cô giáo giải một bài tóan tiểu học với đề tài cho 2,8 mét vải, may 2 bộ quần áo ngắn cho một em bé theo tỷ lệ phân số Thầy cho, hỏi còn dư bao nhiêu vải? Mà những em giải ra đáp số còn dư 1,1m buộc phải bôi đi, sửa thành …11 mét, vì những bạn ra đáp số 11 mét đã được Thầy Cô cho…10 điểm. Chúng ta phải nhất định lọai trừ những thầy cô giảng bài trên lớp với cái hơi của một ông bà già 80 tuổi, nhưng lại mở đến 5 “cua” môt ngày ở nhà mà chưa từng có...dấu hiệu mệt mỏi. Chúng ta càng nhất định phải lọai trừ những “cấp trên nhà giáo” mà bao giờ cũng khuyến khích lối tư duy “ trọng số hơn trọng chất”, những cấp trên mà trong lúc nhà giáo lương “thoi thóp” thì lại sẵn sàng đổ ra hơn 70 ngàn tỷ đồng chỉ để ...đổi bộ sách giáo khoa vốn chỉ là “tài liệu tham khảo” hoặc hơn thế nữa tận dụng những khỏan ngân sách với “dãy chín số nhảy nhót” để xây các “văn miếu mới” nhằm ghi tạc tên những tiến sĩ mà công trình khoa học thì không ai biết là đâu, những đóng góp cho ngành giáo dục thì “đốt đuốc giữa ban ngày”…Chúng ta nhất định thế, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ “ập” vào các nơi Thầy Cô giáo đang “bán cháo phổi” để hành xử với họ như những kẻ… xâm phạm an ninh quốc gia…

“Bài giảng giáo dục” năm nào ở các Trường vào tháng 11 hình như cũng nhẹ đi vì các thông tin tiêu cực về ngành, vì những hình ảnh “méo mó” về Thầy  “bỗng dưng nở rộ”. Là một nhà giáo, bao nhiêu cay đắng chắc có lẽ cũng đã nếm trải đủ cho 29 năm học trong ngành, nhưng tôi e bằng vào bức thư này, vị đắng mà tôi có hân hạnh cùng chia sẻ với các đồng nghiệp của mình trong hơn 29 niên học qua sẽ không giảm đi. Càng không giảm đi, khi bức thư này tôi chỉ muốn …trèo đèo gởi cho …cấp trên của mình…những tác giả của thông tư 17, mà tôi – bằng trí lự thấp kém của mình tuyệt không thể hiểu cái …đích đến của nó.  Lâm Minh Trang ( Gò Vấp)

 

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

Entry For Sinh nhut 2012

Sáng nay con dậy đi làm sớm lắm, Mẹ còn dậy sớm hơn con. Chờ con thay đồ xong chuẩn bị thưa Bố đi làm, Mẹ mới cho con cái lì xì mừng Sinh nhựt. Thế là con phải đi vội ra khỏi nhà, quên cả sang thắp nhang cho Bố, để Mẹ khỏi thấy con...sắp nhè. Con già rồi mà chưa lớn, dù khi còn Bố, chẳng bao giờ nhà mình tổ chức Sinh Nhựt cho ra tấm, ra món, chỉ là làm một bữa cơm, cả nhà tụ tập lại vừa ăn, vừa chòng ghẹo nhau và chòng ghẹo Bố Mẹ...

Mọi năm con vẫn viết cho mình một entry ..mừng tuổi, cách làm của con ...không giống ai, hén Bố. Năm nay con cũng viết một entry cho Sinh Nhựt mình, vì con vẫn muốn gọi...


Bố ơi, Bố ơi!

Bạn bè khi đến ôm con trong ngày Đám của Bố, đều khuyên nhủ con cũng như hết thảy Anh Chị em của con rằng: Bố đã rất thọ, ra đi thong dong, êm ả, có đầy đủ vợ, con, cháu quây quần, chu đáo… nên đừng bi lụy để Người ra đi thanh thản. Thầy trụ trì Hạnh An đã nắm tay Mẹ và anh chị em chúng con mà phủ dụ rằng: Gia đình cũng cứ nên coi Cụ nhà đi du lịch đâu đó một chuyến… Con vẫn biết cuộc nhân sinh này lúc nào đó rồi cũng phải tới, nhưng không hiểu sao, bằng trái tim yếu ớt và cái lòng quá mong manh, con cũng như tất cả các con của Bố đều không muốn chấp nhận điều này. Chiều hôm đó, sắp xếp đồ đạc chuẩn bị cho chuyến đi xa của Bố, con bàng hoàng đếm đi đếm lại số hành trang: Bố chỉ có 6 bộ đồ thay đổi ở nhà. Ba bộ đồ vía, mà trong đó, 1 cái áo chemise là của …con. Con nhớ, ngày con đi may cái áo này về, mặc lần đầu chuẩn bị đi làm, Bố đã lẫn, ngồi nhìn đứa con gái út ít, hơ hỏng nhất của mình cười tủm tỉm và buột miệng: Áo của “ông” đẹp thế! Con ba lơn ngay: Cụ có thích không? con biếu Cụ! Thế rồi con quên mất, đến lúc giặt phơi xong tìm không thấy, lẳng lặng đi sang tủ của Bố thì đã thấy nó nằm trong ấy. Con thích cái áo ấy lắm, nhưng con nhớ đôi mắt Bố sáng lên như trẻ thơ khi nhìn nó, con lại thôi, lẳng lặng để lại trong tủ cho Bố. Từ ngày đó, Tết là một, đám cưới cô Hiền là hai, Bố diện nó, cười xúng xính…Còn toàn bộ của cải, tư trang khác, đã theo sự khôn lớn, học hành của chúng con mà ra đi cả.

 

Bố ơi, Bố ơi!

Trưa hôm Bố sắp đi xa, chúng con xúm xít quanh giường nhìn Bố nằm ngủ, không ai chú ý đến Chị Yến cứ ngồi ru rú ở bên giường, không ai chú ý đến Chị Nga cứ tất bật đun nước, thăm chừng Mẹ, sai phái các em chuyện này, chuyện nọ. Giờ xong việc của Bố rồi, bình tĩnh ngồi nhớ lại, con nhận ra con, Chị Quyên, em Thành chỉ biết chạy quanh và làm nhiều việc quẩn, chứ con không nhớ ra Chị Yến ngồi suốt bên Bố, nói chuyện thật nhiều với Bố. Chị xin lỗi, cảm ơn, kể lể về những chuyến đi ra nước ngoài theo diện trao đổi y học và được người ta tôn trọng như thế nào. Chị kể về trong những chuyến đi ấy, Chị không thu vén, mua bán, chỉ chăm chăm chuyên môn là cái cả đời Bố luôn nhắc. Chị Nga vẫn dõng dạc sai phái các em để Bố an tâm rằng Bố đã có “truyền nhân” xứng đáng trong việc quản lý gia đình. Anh Hiếu, Em Oanh con bình tĩnh tính toán mọi việc trong ngoài… để Bố không khó chịu vì cửa nhà lộn xộn…bình tĩnh đem laptop lên để cháu ngoại Quỳnh Hương ở xa được nói chuyện lần cuối với Ông Ngoại… con giờ nghĩ ra, gương mặt Bố thanh thản, miệng Bố luôn mỉm cười trong tấm hình thờ (mà trước đó 3 tháng, con – hằng đêm – chờ mọi người ngủ hết,  mới dám rị mọ lục tìm, chuẩn bị sẵn. Con đã cho rằng công việc đó con làm là điều khó chịu đựng nổi với một đứa con. Nhưng giờ con biết, các anh chị em mình, thực ra, bằng cách này hay cách khác, cũng đã phải chuẩn bị dữ lắm cho cái ngày giờ mà không đứa con nào mong muốn…) là điều Bố muốn nhắn lại một cách tỉnh táo với các con mình: Bố đã mãn nguyện lắm về cuộc đời này… về gia đình từng có các Ông, các Bà, có Mẹ, có chúng con và các cháu.

 

Bố ơi, Bố ơi!

Chúng con trong từng bữa cơm cúng hằng ngày vẫn gọi như thế. Con không chắc rằng con và các anh chị em, các cháu nhà mình đến bao giờ sẽ quen với việc gọi Bố ơi, Bố ơi! mà nhớ ra là chúng con đã không còn Bố… Nhưng chúng con sẽ cố gắng sống mạnh mẽ hơn bên Mẹ, sống đàng hoàng hơn bên nhau, để Bố dù đi đến miền tiên cảnh nào, cũng luôn giữ được nụ cười an nhiên đó. Mong Bố luôn che chở cho Mẹ và anh chị em, con cháu nhà mình…

Chúng con rất xin lỗi Bố, vì cho đến giờ mới có thể nói một lời rất muộn với Bố, lời không quen nói trong gia đình mình vì luôn cho rằng nó “sáo”: Chúng con rất yêu Bố! Bố ơi!

 

 

Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Entry for 30 September, 2012 - Trung Thu trong Tôi...


Trung thu và đứa con nít…sống lâu năm
Năm 1991…
          Trung thu năm đó – tính đến nay đã hơn 20 năm, nó thực không còn nhớ rõ ngày tháng. Nhưng chỉ biết ngày 18/09 năm ấy Bạn và gia đình đi định cư và Trung thu chưa đến. Trước đó 1 tuần, tuy bận bịu cho việc sắp xếp vật dụng, quần áo đem đi. Sắp xếp cho việc gia đình còn lại. Bạn vẫn không quên nó, không quên còn có một con bạn hình như cả nửa tháng nay không hề xuất hiện ở nhà Bạn, trong khi, trước đó, vẫn xuống chơi hà rầm. Không quên, nên Bạn cũng nhớ ra mùa Trung Thu sắp đến. Nhớ ra, năm nào Bạn cũng làm cho nó một ít bánh dẻo nhân đậu xanh mứt bí mà nó thích, năm nay thì không. Nhớ ra, nên tự dưng Bạn hốt hỏang. Bạn biết, nó đã định chạy trốn trước khi Bạn đi xa. Nó – to như một con gấu mẹ, nhưng lại là đứa mít ướt nhất trong đám bạn ruột rà. Và do không tin được nó có thể kiềm chế, nên nó chọn cái chước “ tẩu vi thượng sách”. Và cái “mưu mô tào lao cò con” đó của nó, làm Bạn thực sự thương.

Năm 1991…
          Thế là Bạn đi tìm nó. Bạn đi tìm với cái lồng đèn ông sao trên tay và một ít bánh dẻo Bảo Vinh. Cái lồng đèn là “nói thác” đi: Cho cháu Tý Con. Ít bánh dẻo là nói để biếu bố mẹ nó cho dịp chia tay. Song cả hai thứ, Bạn biết và nó biết, là đều dành cả cho đứa con nít… mãi không chịu lớn. Nó út ít trong nhà… vì thế, nó chẳng bao giờ chịu để cho mình già đi bằng cách nhìn thứ gì cũng ra chuyện ba lơn. Chỉ có Bạn biết, cùng với Bạn, nó là đứa gánh nhiều chuyện lên bờ, xuống ruộng. Chỉ có Bạn biết, giấu sau vẻ ngòai gai góc, là một khối tâm hồn mỏng hơn cả pha lê, mà mọi tổn thương dù nhỏ nhất cũng có thể gây ra rạn vỡ…một trong những rạn vỡ đó là nó cứ phải đứng một chỗ, nhìn nhiều đứa Bạn mà nó coi như cật ruột lần lượt ra đi…

Năm 2012…
          21 năm… thời gian đã quá dài. Quá dài cho một cái lồng đèn ông sao có thể giữ cho nguyên vẹn. Quá dài cho cái niềm ưa thích trẻ thơ về vị ngọt ngon của bánh dẻo ngày nào. Quá dài, nên cái ánh nến chập chờn mỗi năm cứ mỗi nhòa nhạt đi, và nay thì chỉ còn như một vệt đèn le lói đâu đó trong lòng. Quá dài, nên giờ hình dung lại, không ai còn nhớ cách làm cái bánh dẻo đơn giản ngày khó khăn đó nó như thế nào…Quá dài, nhưng hình như trong long đứa con nít …sống lâu năm, niềm hàm ơn cho những tình yêu mến thơ bé đó chưa bao giờ mất hẳn…
          Quá dài, vậy mà khi Mùa Trung thu ướt đẫm những hạt mưa, vẫn có kẻ còn biết bớt chút thời gian ngồi nhớ lại… và nhẩm hát…
          Nhánh sông thân yêu ngày tôi quá buồn, đã qua đi cùng thời thơ ấu. Chiếc bánh ngon và cây nến hồng. Sao lạ quá, vì hồn vắng tanh… Thật hoang vắng…


Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

Entry For 5 September, 2012 - Chào khai giảng

Ta buông  trôi  những ngày hè xanh ngát                             Kẻ lên bảng đen những dòng phấn trắng

Quay trở về với bận rộn áo cơm                                              Dạy học trò để cây thước cho ngay

Xiêm áo thất thơ                                                                      Đường phấn thẳng, sao đường đời ngang trái

Lơ ngơ giữa phố                                                                      Biết tìm đâu bờ bến để mà sang?

Lơ ngơ như chú ếch nhảy lên bờ

Ta bỏ lại sau lưng thành phố núi                                           Phố đồng bằng không dốc lên dốc xuống

Tìm về nơi xe ngựa ngược xuôi                                                Mà tôi hụt hơi làm kẻ leo trèo

Vấp té mấy lần                                                                            Đi chưa rã cẳng mà đã nghe mỏi mệt

Đứng lên ngã xuống                                                                  Bỗng ước đời mình được hóa như thông…

Vẫn nói không trôi câu “rao bán tình đời”

 

Chào năm học mới…

          Những hạt mưa xanh của mùa Ngâu chưa tan, tầm tã mỗi ngày làm lầy lội con đường đến trường  của bao bước chân Thầy Trò hôm nay, nhắc tôi mình sẽ có trước mắt 300 ngày nữa cho những khó khăn chưa hình dung nổi. Sân trường sau buổi tổng dượt lễ đã vắng hẳn, tôi ngồi lại cho những công việc sự vụ cuối cùng để chuẩn bị cho Lễ ngày mai tươm tất. Trong cái vắng lặng đó, tôi nhẩm nghĩ lại 28 ngày khai giảng đã từng qua kể từ ngày ra trường năm ấy. Nghĩ lại và nhận ra, mình giờ như một “người lính già đầu bạc”, lẩn thẩn với những nhớ về và không quên kể chuyện “Nguyên phong”. Nghĩ lại và nhận ra, hình như chưa có mùa khai giảng nào mà lòng mình lại không có những xôn xao nhất định. Những xôn xao mỗi năm mỗi khác, dù ngày khai giảng mỗi năm vẫn vậy. Những xôn xao cho mình một nỗi vui rằng với nghiệp dĩ này, mình chưa tuyệt tình với nó.

 

 

Chào năm học mới…

          Đêm qua sau buổi cúng Rằm Tháng 7 của Mẹ, gia đình ngồi …tám cho những bước chuẩn bị đến trường của “hai nhi đồng” còn sót lại trong nhà là Su Mô và Bờm. Bà Nội ân cần nhắc hai đứa cố gắng, nhắc luôn mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Nhắc Su phải ráng hơn trước áp lực sách bài mỗi ngày mỗi nặng của năm lớp 11 – năm bản lề. Nhắc Bờm đừng ba lơn như Mập, vì năm nay là năm cuối cấp hai rồi. Từ chỗ có “liên quan” đến chữ Mập, Bà nội nhắc luôn “hai nhi đồng già” cũng phải mỗi ngày đến trường là một ngày An. Chữ An rất cần cho cuộc sống đã quá nhiều sân si. Nhắc Mập, hễ thấy chuyện gì manh nha khiến mình manh động là phải thôi ngay… Nghe Mẹ nhắc, tự dưng mắt cay, tự dưng thấy hình như đây luôn là điều Mẹ nhắc 28 năm qua từ ngày bước chân ra “kèn cựa” với đời, với người, với nghiệp dĩ. Thấy mình hình như … chẳng làm theo bao giờ. Để khi nhận về biển dâu, luôn hiểu đó là điều tự mình mà ra, từ mình mà đến.

 

 

Chào năm học mới…

          Vẫn xin chào năm học thứ 29 trong đời làm Thầy mà vẫn phải luôn “học” của tôi bằng nhiều tâm cảm. Như đêm qua, Bạn đến đưa đi cà phê, hỏi han về những “sẵn sàng” cho năm học mới, nghe tôi …càm ràm về những được-mất, Bạn đã cười khì, xoa xoa cái trán nóng của tôi và nói: Còn “sung” như thế, hèn chi người ta nói “thầy già con hát trẻ”. Thôi nâng ly lên, và có một năm học mới an vui nhé…

          Vâng… Chào năm học mới, chào những bươn chải mới, những lo toan mới, chào con người cũ và những kềm giữ mới. Chào tôi cùng Nghiệp dĩ của mình…và mong cho những An Vui luôn ở bên mình suốt năm…

 

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Entry for Mùa Ngâu - Từ Entry của Bạn, ta ngẫm lòng chính ta...

 

Đó là tình yêu


Nếu có nỗi nhớ nhung

Đó là niềm đơn độc.

Nếu có người mong gặp

Đó chính là tình yêu.

Nếu có người ta ghét

Cũng lại chính là yêu.

 

Nếu một khi nào đó

Ta không còn thấy nhớ

Ta chẳng còn biết mong,

Ta cũng không đơn độc

 

Có nghĩa là

ta không biết tình yêu.


HS, trích dịch bài “Người không biết tình yêu”

trong tập thơ “Hoàng hôn của Diaspora” của Jeon Gi Ye

Sự đơn độc là tình yêu,

Nỗi nhớ nhưng, sự ghét bỏ cũng chính là tình yêu.

Con người sinh ra trên cõi đời, mọi giây phút cho đến khi khuất bóng đều có chứa tình yêu. Ta vô tình sống mà không biết sự thật đó, cho khi trải qua hết mọi phút giây đơn điệu, mới muộn màng nhận biết tình yêu. Hôm nay, vẫn trong niềm đơn độc, vẫn trong nỗi nhớ nhung, tôi vẫn yêu người.

  *******

 

S. em…

Mập viết comment này cho ML nơi đây không chỉ trên tư cách một người Bạn, mà còn trên tư cách của một người hiểu Tình Yêu theo cách của mình. Cách của một người bao giờ cũng “về chót” trong mọi cuộc chơi. Và cho đến bây giờ vẫn “một mình bước tới”. Nó không phải là những ý kiến kinh nghiệm như mọi lần, nó là một tự sự để nói với S. em về vấn đề Em nêu ra nơi entry này mà Mập cảm được ( tất nhiên, có thể cái cảm đó đúng cũng có thể sai, hén!), đó là: Sự ràng buộc nhau trong Tình Yêu, liệu có giữ được Tình Yêu mãi mãi?

S. em…

            Trong đời mình Mập đã hai lần Yêu với tất cả tình cảm trong lòng mình. Những lúc đó, quả tình, từ chính mình mà ra Mập luôn ở trong trạng thái dồn hết tình cảm, suy nghĩ của mình cho “đối phương”. Do đó, cũng muốn “đối phương” hành động như thế với mình.

Trạng thái này ta gọi là “thói sở hữu trong Tình Yêu”.

Tính cách này ta gọi là “sự độc quyền trong Tình Cảm”.

Rồi sao?

 

Rồi thì sau một thời gian đắm đuối, sau những ngày tháng rất ngọt ngào, ta nhận ra một món ăn, cho dù ngon tới đâu đi nữa, thì ăn hoài cũng ngán. Ta nhận ra, tình cảm, dù vây bọc kiểu gì, cũng có lúc, nó trở thành một tấm chắn, ngăn cản ta nhìn rộng hơn, xa hơn, ra ngoài “thế giới của hai người”…

Rồi sao nữa?

Rồi là những mỏi mệt, rồi là bức bối từng chút, từng chút, lúc này, lúc khác kéo đến. Và rồi,  nếu thấy không có sự cần thiết thôi thúc ở bên nhau dài hơn, lâu hơn, chưa “trói” nhau bằng việc kết hôn … thì có nghĩa là ta đã manh nha muốn “cởi trói” cho nhau. Cái “cởi trói” này nó hoàn toàn không nằm ở phạm trù “ví dầu tình bậu muốn thôi”, không ở cái phạm trù “có người thứ ba xen vào”, không ở cái phạm trù “ngó tới ngó lui thấy người mình – chỗ nào cũng…dở”…Cái “cởi trói” này hình như bắt nguồn từ một “nghĩ lại” rằng: hình như cái mà ta gọi là Tình Yêu đó, chưa đủ Lòng Yêu.

Hai lần chia tay Tình…đầu với Mập, đều có những lý do khác nhau. Song khác ở chỗ nào đi nữa, thì nó cũng giống nhau ở một chỗ đó là đều …tan vỡ. Cái tan vỡ …Tình Trường, S. em ơi, nó cũng giống như ngàn vạn những tan vỡ khác, nghĩa là nó sắc cạnh, vỡ vụn, có xây xát và tất nhiên, rướm máu. Người lạc quan thì nghĩ “may mà chưa lấy nhau, không thì chán chết!”. Người bi quan thì nghĩ “sao mình khờ quá, tốn nhiều thời gian cho việc ấy quá”. Riêng kẻ ba lơn thì sau khi “choáng váng” nhìn cái “sự vỡ” nghĩ một cách giản đơn rằng “số mình chưa …tận”. Tất nhiên, cũng chỉ nghĩ được vậy sau rất nhiều đau khổ. “Không có cái sự chia tay nào mà không gây đau khổ, kể cả sự chia tay mà người ta mong muốn”, huống chi chia tay trong Tình Yêu thì thường là một bên chưa muốn và một bên …đã muốn lắm rồi. Và cũng chỉ người trong cuộc là “nắm rõ nội tình” vì sao phải “dứt đứt đường tơ”. Người ngoài cuộc thì bênh – bỏ tùy theo “phía” mà mình quen biết. Quen với người “chưa muốn” thì lập tức trùng trùng … ném đá. Quen với người “muốn lắm rồi” thì hỉ hả… vậy là đáng. Đáng hay không đáng, đá ném trúng đích hay không trúng đích, thì cái sự đến, rồi nó cũng phải đến. Mập nhớ một lần nào đó S. em đã nói như vậy.

 

 

Dông dài một chút, “chuyện tình tự kể” một chút ở đây để nói với S. em về ML này. Mọi trạng thái tình cảm mà ta đa mang với ai đó, với điều gì đó, với nơi chốn nào đó, đều phải xuất phát từ Tình Yêu phải không S. em? Nếu đời sống muôn mặt, thì Tình Yêu cũng muôn vẻ. Và có nhiều cách Yêu khác nhau. Và cũng có nhiều loại Tình Yêu.. Vì thế, nếu S. em nhận ra trong cuộc sống, nhân gian và những nơi chốn khác trong Em chỉ là sự tiếp xúc, rằng em biết, Núi kia mới là nơi Em bình an, Và Người Núi mới là chốn Em thuộc về, thì cũng là chuyện bình thường. Nhưng khi S. em chọn cách Yêu là lùi xa một chút, là để khách quan đẩy đưa mình đi ra dài rộng, tiếp xúc với nhiều người, với nhiều sự kiện, với nhiều nơi chốn để khẳng định chắc chắn lòng mình rằng “ta chỉ”, thì hãy nhớ chưa chắc người khác có thể làm giống Em hoặc nghĩ như Em. Yêu nơi họ có thể là lòng kiên nhẫn dành cho Em tràn đầy. Nhưng trong cái tràn đầy đó, họ cũng biết luôn rằng một mình họ kiên nhẫn là chưa đủ, trong khi, đối phương, vì lý do nào đó, không cho họ thấy được sự kiên nhẫn của họ là xứng đáng. Khi suy nghĩ như thế mà không thể tỏ bày, họ chọn cách dừng lại mọi ràng buộc, để giúp cho người kia có khoảng cách để “nghĩ về”.

Có một cái lạ là khi ta hành xử, ít khi nào ta nghĩ: Vì sao ta làm vậy? Rằng ta làm vậy không sai? Hoặc ta trách sao đối phương không hiểu mình? Vậy khi người khác làm với ta điều gì đó theo cách tương tự như vậy, thì họ lại nhận về từ ta nhiều câu hỏi…

Âu cũng là chuyện thường tình… Âu cũng là một mặt phong phú của cái gọi là Cõi nhân gian rộng lớn. Âu cũng là một khía cạnh mới của Tình Yêu…

Trong khía cạnh đó, hãy luôn nhớ một câu từ Mập – kẻ đã phải ngồi nhiều lần trong ray rứt để “mài” cho mòn đi cái “sắc cạnh” của những lần “tình vỡ” – đó là: Trong Tình Yêu, ta đừng làm cho người khác điều gì mà ta không muốn người khác làm với mình…

Ngay cả khi S. em chọn đơn độc mà vẫn Yêu, thì hãy cố gắng nhớ điều Mập dặn. Bởi Tình Yêu nó không mênh mông như ta tưởng S. em à, nó có cái “lim” của nó. Bước qua “lim” ấy… ta thực sự sẽ không còn rõ tình cảm mà ta đang mang có thực sự là Tình Yêu hay không, hay chỉ là một thói quen mà ta không nỡ bỏ…

Vậy nhé…S. em… cũng chúc Em một cuối tuần an nhiên… với Núi.

 


Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

Entry for 18 August, 2012- Mừng Em thành hôn...

Là một người chưa bước chân vào ngưỡng cửa gia đình, nhưng bằng vào kinh nghiệm "nhìn trẻ" gần 30 năm, tôi muốn gởi đến Hai Bạn Nhỏ của mình "những lời gan ruột"

 

Thành hôn…

          Đó không chỉ đơn giản là việc ta mang “hai nửa” ghép vào nhau và hồ hởi nói “đó là hạnh phúc”. Thành hôn là ta hình thành nơi mình một thói quen mới: Thói quen chấp nhận “một nửa xa lạ” trước đó, nay thành quen thuộc. Chấp nhận những khác biệt và dung hòa mọi “lệch pha”. Bởi ta biết Thành hôn là bắt đầu một cuộc sống gia đình, nơi ta không chỉ có một mà là hai. Rằng ta hy sinh một chút cái Tôi để có một cái Ta hòa hợp. Cái Ta đó là nơi cho ta thêm sức mạnh, nghị lực và đỡ nâng.

 

Thành hôn…

          Đó không chỉ đơn giản là việc ta “góp gạo thổi cơm chung” mà có thể thành một bữa cơm gia đình ấm áp, viên mãn. Thành hôn là nơi bếp ăn đó luôn ấm áp ngọn lửa chân tình, vun xới và gầy dựng. Là nơi bát cơm có thể chưa đầy, thức ăn có thể chưa ngon, nhưng nó tràn trề niềm vui của việc bỏ qua và thể tất. Bỏ qua những thiếu sót và thể tất những vụng về. Bởi ta biết Thành hôn là bắt đầu cho việc từ hai thành một. Rằng nơi đó, không có chỗ để ta cố mà kê cho vừa những lệch lạc, mà là nơi, ta coi những lệch lạc đó là cái đã đưa ta về với nhau…

 

      Được một vị Giáo sư trưởng thượng chúc phúc và sau lưng là Bạn bè chung vui. Em yên tâm được rồi...

          Vì vậy, trong lời chúc tụng hôm nay Bạn Bè dành cho đôi lứa, có luôn sự thành tâm cho việc Hai đã thành Một, và Một này vĩnh viễn yêu quý Hai kia…

 

 


Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

Entry cho ngày sắp ...rã đám...

Anh Mul sắp chia tay các nhà. Thía mà Ảnh ( hoặc mí anh cắt cáp) chơi hông đẹp cho đến ngày cuối. Chập chập cheng cheng như thằng dở hơi... Hôm nay ngồi tìm lại trong máy, có mấy bài viết "đi về nơi xa lắm". Post một hơi lên đây cho Ảnh ...ngộp chơi... hhehe!

Trông người mà thấy thương ta

Có theo dõi bộ phim Fahrenheit 9/11 Năm 2004 của Micheal Moore mới thấy ông là một đạo diễn "dũng cảm" - theo một nghĩa đơn giản nhất của hai từ này - khi qua bộ phim của mình động chạm đến những vấn đề "nhạy cảm" nhất của nước Mỹ sau sự kiện 11-09: Sự yếu kém trong phòng thủ an ninh quốc phòng của quốc gia hùng mạnh nhất  thế giới, phê phán nặng nề chế độ "diều hâu" của Đảng Cộng Hòa và tổng thống Bush khi hừng hực tạo ra áp lực "tòan cầu hóa" họat động chống khủng bố như một phương  cách "lấy thịt đè người" và "cả vú lấp miệng em" để mong che khuất những "bẽ bàng" trước dư luận thế giới về sự kiện bi thảm 11/9 ...Bộ phim còn gởi theo một thông điệp không thể cứ lấy chiến tranh để mong dập tắt chiến tranh, không thể lấy bạo lực và thế lực "nước lớn" để làm vũ khí trong đấu tranh chống khủng bố ...và bộ phim này nếu theo “quan điểm đánh giá” của chúng ta thì: đây là bộ phim có tính bôi nhọ, lăng mạ, thiếu xây dựng đối với "chế độ" của ông Bush. Chưa kể nếu "nâng quan điểm" lên thì người làm phim - tức đạo diễn Micheal Moore và ê kíp của ông - còn bị khép tội : “Làm lộ bí mật …quốc gia”. Thế nhưng , bộ phim Fahrenheit 9/11 Năm 2004 vẫn tới được người xem, Micheal Moore vẫn sống khỏe và ngày càng trở nên nổi tiếng. Uy tín của bộ phim sau đó, đã làm cho các nhà sản xuất tư bản vốn coi trọng tiền bạc hơn mọi thứ chính trị vớ vẩn khác trên đời này quyết định đầu tư để Micheal Moore làm tiếp phần 2 mà theo đánh giá của đạo diễn nó vẫn sẽ mang tính "khiêu khích và bùng nổ"- thậm chí còn hơn cả phần 1. Tư bản là tiền  và để có tiền người ta phải biết qúy mạng sống vì đó là điều làm ra tiền.Thế nhưng người ta đấu tranh chống lại sự trì trệ, cường quyền như thế. Và không chỉ đơn thuần là trì trệ, là cường quyền, đằng sau nó còn là thế lực của những tập đòan tư bản lớn, những kẻ sẵn sàng lấy “máu nhân dân để đúc tiền vàng” ( Tư Bản luận – Marx). Trông người lại ngẫm đến ta, đến cuộc đấu tranh chống tham nhũng đầy vất vả của nhà nước và nhân dân ta mà thương chảy nước mắt! Lâm Minh Trang


TÌNH YÊU VÀ SỰ DỐI TRÁ …

Khi niềm tin bị chấn thương thì không thể phục hồi ?

( Về bộ phim Hàn Quốc đang trình chiếu trên HTV7 – 12h00 từ Thứ hai đến Thứ bảy hàng tuần)

            15 năm trước, phát hiện người yêu của con trai mình chính là con gái của người yêu cũ –người đã phản bội mình để chạy theo một cô gái con nhà giàu và thế lực –bà mẹ đã làm mọi cách để chia rẽ đôi uyên ương và thành công với sự tiếp tay ngấm ngầm của bố cô gái ( người vì gia đình phải chối bỏ tình yêu, giờ mang nặng nỗi hối hận trong lòng nên nguyện sẽ làm theo mọi ý nguyện của người yêu cũ). Hai người trẻ xa nhau trong sự tan nát của trái tim và phải rất lâu sau họ mới “tự hồi phục” lại được và tìm thấy hạnh phúc mới. Chồng và vợ của họ đều là những người tốt  và giúp họ có được những gia đình êm ấm. Song, sự run rủi của số phận cho họ gặp lại nhau. Và trong sâu thẳm lòng mình họ vẫn mang suy nghĩ: Kia mới là người tình lý tưởng của mình ( Một thứ tư tưởng: con cá xảy bao giờ cũng là con cá to). Họ lao vào nhau bằng sự nuối tiếc qúa khứ, bằng đam mê chiếm đọat và khám phá, bằng sự nhàm chán trong đời sống gia đình bắt đầu bị thói quen chi phối đến không còn hấp lực…và họ tưởng đó là tình yêu. Bản thân cả hai dù mệt mỏi và đau khổ bởi sự tan nát những gia đình của họ, phải trả giá bằng danh dự và sự nghiệp song họ vẫn bị cuốn hút vào tội lỗi như những con thiêu thân với niềm tin sắt đá rằng: họ đang đấu tranh để đòi lại công bằng và công lý. Rằng tình yêu mà họ dành cho nhau là đủ, là quý gía hơn mọi thứ khác trên đời này. Chồng của người phụ nữ và vợ của người đàn ông sau một thời gian dài níu kéo rốt cuộc cũng phải mệt mỏi buông tay. Và họ khám phá ra như thế họ được bình yên hơn, thanh thản hơn khi cứ cố gìanh giật những điều không còn thuộc về mình. Thế nhưng, cái vòng luẩn quẩn của thế gian lại thực không đơn giản, khi phải từ bỏ những đứa con để đi theo tiếng gọi của tình yêu – người phụ nữ mới phát hiện chị không hòan tòan thanh thản. Rằng cái gương mặt của tình yêu tìm lại đó hình như nhàu nhĩ hơn khi trái tim chị trống trải hình bóng những đứa con. Chị giúp người yêu giải quyết tai nạn, giúp anh phục hồi sự nghiệp và sau đó trong nhục nhã và tủi hổ, quay trở lại xin chồng tha thứ. Người chồng – tuy đang chuẩn bị đám cưới với cô bạn gái cũ – vẫn giang tay đón nhận sự trở về này. Bởi anh hiểu rõ sâu thẳm trong tâm hồn mình anh còn yêu chị biết bao. Tập phim dừng lại trong tuần chiếu này bằng 2 câu nói mà tôi cho rằng người viết kịch bản phim Việt Nam nhất định phải học tập. Khi đón nhận người vợ cũ trở về, anh đã  chỉ tay vào “vết thương lòng chưa khép miệng của mình” và nói: Anh tin em được bao nhiêu? anh còn có thể tin sao? Nhưng anh vẫn chấp nhận vì anh biết sau tổn thương vừa rồi dẫu có xảy ra chuyện gì đi nữa anh sẽ không còn thấy tổn thương nữa–anh không thể vì đã quen rồi … Với người vợ của tình địch khi chị hỏi anh tại sao lại có thể chấp nhận chuyện trở về dễ dàng như thế của kẻ phản bội, anh đã trả lời điềm tĩnh: vì tôi muốn tha thứ. Tôi thấy dễ chịu khi tha thứ và không còn tuyệt vọng trong tha thứ…Hành xử của anh dưới con mắt “đời thường” là “không thể chấp nhận”. Khi theo dõi bộ phim đến đây, tôi chợt giật mình. Chúng ta vẫn thường nói, nhiều khi như một thói quen, nhiều khi là “nói hùa” cùng số đông trước một sự việc nào đó “bất bằng” rằng: Mất niềm tin là mất tất cả. Và mang luôn suy nghĩ đó để “định hướng” cho những hành xử của mình khi đi vào đời sống cộng đồng. Mà quên mất Niềm tin là suy nghĩ và suy nghĩ thì có thể thay đổi trong khi sự tha thứ lại đi từ trái tim mà trái tim thì dường như lại có những lý lẽ riêng của nó, đôi lúc cực đoan nhưng lại khó thay đổi  Cái suy nghĩ mà chúng ta chắc chắn thì trong từng thời điểm khác nhau lại chứng tỏ rằng không có gì chắc chắn: Ngày hôm qua suy nghĩ đó là đúng, nhưng có thể chỉ đến chiều hôm qua thôi thì đã lại là sai và ngược lại. Cái niềm tin mà chúng ta vẫn cho rằng nó mênh mông thì nhiều khi lại có những giới hạn.Trong khi lòng tha thứ thì lại không có đúng sai và sự khoan dung thì không quan tâm đến giới hạn. Khi ta tự cầm lên và buông xuống, là ta đã – như phật pháp đã dạy – đang rứt bỏ cái giới thừa để tiến dần đến cái vô thừa. Quay lại chuyện phim cho câu hỏi mà chúng tôi đặt ra ở đầu bài viết: Niềm tin khi bị chấn thương có thể phục hồi hay không? Tôi cho rằng  sự phục hồi tổn thương trong niềm tin thì không còn gọi là niềm tin nữa mà phải gọi là tha thứ. Thế nhưng tôi lại muốn hỏi nhưng liệu  “đôi tay nhân gian” đủ bao dung đến đâu để tha thứ cho sự  tước đọat niềm tin mà  phải vất vả lắm ta mới gây dựng được? Câu hỏi này đặt ra không chỉ dành cho bộ phim Hàn quốc còn đang dở dang của HTV7, cho người làm phim Việt Nam- những người đang mong chuyển tải được hơi thở cuộc sống vào phim ảnh mà còn muốn đặt ra cho tất cả chúng ta những người “đang thở cùng cuộc sống đó” … Lâm Minh Trang

 

CHẠY ÁN PHẦN 2 –NHỮNG CÂU HỎI CÒN BỎ NGỎ …

( Phim Việt Nam phát trên VTV3 vào lúc 20h00 Từ Thứ hai đến Thứ Sáu )

            Trong số nhiều bộ phim truyền hình Việt Nam phát hành thời gian gần đây, Chạy án phần 1 là  bộ phim gây được nhiều ấn tượng cho người xem và tạo ra sự thu hút đáng kể. Bỏ qua một bên những hạt sạn thường thấy ở phim Việt Nam như mạch phim nhiều lúc thiếu logic, tốc độ phim qúa chậm đến mức rề rà, cách diễn qúa “kịch” ở một số diễn viên, lời thọai không phù hợp, trang phục …thì Chạy án phần 1 là một bộ phim hay. Tuy phải “mượn hồn” của một vụ án cấp TW ngòai thực tế với một số chi tiết “gần sự thực” đến mức mà người xem đài còn “gán ghép” thế này thế nọ cho “đời” thì thông điệp mà bộ phim gởi đến cho cuộc sống vẫn mang rất nhiều yếu tố tích cực, nhiều hy vọng tốt đẹp trong bối cảnh Đảng và nhà nước cùng tòan xã hội ta đang quyết tâm chống tệ nạn tham nhũng, nạn hối mại quyền thế và tiêu cực trong đội ngũ cán bộ công chức nhà nước – đặc biệt là những cán bộ công chức cấp cao, lâu nay vẫn được dư luận râm ran xem là những “lô cốt bất khả xâm phạm”. Đó là điều dễ hiểu cho việc thừa thắng xông lên của hãng phim truyền hình Việt Nam khi tiếp tục dựng Chạy án phần 2 và sự chờ đón của dư luận về phần tiếp theo này. Nếu ở phần 1 – phần “chạy án” còn mờ nhạt và chỉ dừng lại ở mức “chạy dự án” thì sang phần 2, bằng việc can thiệp để Cao Thanh Lâm được “tại ngọai” tên phim mà mạch phim đeo đuổi đã lộ rõ hơn. Bộ phim dài hơi, diễn xuất của các diễn viên cũng dần nhuần nhuyễn hơn, sâu hơn, hợp lý hơn nhưng kịch bản phim vì vậy lại bộc lộ một số lỗ hổng mà ở  phần 1 chưa thấy. Trước hết nói về tính đúng đắn của Luật Pháp trong Chạy án phần 2. Cao Thanh Lâm phạm tội là quả tang và việc phạm tội của anh ta là phạm tội kinh tế, phạm tội đánh bạc, việc tuyên phạt anh ta và giam chung với những tội phạm thuộc khung hình phạt khác là đúng hay sai? Thứ hai, việc cơ quan công an – cụ thể hơn là chỗ ông Hòa – căn cứ vào đâu mà có thể vào ra trại giam rồi tùy tiện thông báo tình hình phạm nhân một cách trực tiếp cho gia đình? Và thứ ba – điều cuối cùng – Cơ quan nào đã tống đạt lệnh tạm thời cho Cao Thanh Lâm tại ngọai để chữa bệnh “tâm thần” mà ngòai những thông tin cung cấp từ mẹ bị can, từ những mưu chước của tay luật sư ma mãnh thì người xem không còn thấy có thêm một chứng cớ gì để “thả Lâm nhanh thế”? Chạy án phần 1 khép lại trong sự hồ hởi của người xem phim về một niềm tin: Công lý của chúng ta bao giờ cũng thắng. Kẻ phạm tội phải bị diệt trừ dù là ai và trước pháp luật mọi công dân đều bình đẳng. Nhưng với phần mở đầu của Chạy án phần 2, xem ra, người xem lại phải rất kiên nhẫn theo dõi đến cùng để chờ những lời giải đáp “có lý” cho những diễn tiến “vôlý” về mặt luật pháp mà bộ phim đang chuyển tải. Ta bắt Cao Thanh Lâm rất vất vả nhưng lại thả anh ta một cách qúa nhẹ nhàng, thậm chí không có một ràng buộc nào về mặt hành chánh để chế tài trong thời gian Lâm tạm thời “tại ngọai để chữa bệnh”. Phải làm sao để bộ phim không làm “méo đi” niềm tin mà nhân dân đang có. Đó là: Bao nhiêu người vào ra trại giam “nhởn nhơ” được như Cao Thanh Lâm? Hay “đặc quyền đặc lợi” ngay cả trong pháp luật vẫn dành cho những kẻ “thừa tiền lắm thế” như Lâm? Vẫn biết bộ phim mới chỉ bắt đầu, rằng người xem phim Việt Nam vẫn còn cần lắm lòng kiên nhẫn dành cho “phim nhà” thế nhưng việc đặt ra các câu hỏi bỏ ngỏ đó dành cho nhà làm phim thiết tưởng vẫn không thừa. Đặc biệt khi quốc hội ta đang nhóm họp, chính phủ đang thừa nhận những yếu kém trong điều hành và quản lý và nhất là dư luận xã hội vẫn còn bức xúc rất lớn đối với tệ nạn tham nhũng và tiêu cực của các cán bộ, công chức nhà nước ở mọi nơi, mọi cấp …mà hiệu qủa của cuộc đấu tranh chống lại nó vẫn còn chưa đem đến sự thuyết phục cần có  . Lâm Minh Trang