Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

Entry for 29 October, 2011- Rồi từ đó, cũng nghe trong em, lòng đổ mưa...

Yêu rồi tình yêu sao chua cay… (*)

          Lấy lời bài hát này để minh họa cho một entry "họp bầy" nhiều niềm vui thì quả là không phù hợp. Nhưng có lẽ, cái gì quá đi là không tốt, nên để cân bằng lại cho cái hội off Đạo Tám ngày hôm qua 29-10-2011, đành phải chọn nó thôi.

          4h30 chiều, mưa Sài gòn ào ạt tuôn xuống…trên diện rộng. Một người ham chơi đã cảm thán trong bụng ( được bình chọn là lời than hay nhứt trong …tháng): Hic, chết cha, chắc …tiêu cái “sô” bánh canh òi! Bạn đó chỉ cảm thán sợ hụt ăn cái người ta mời mình, chớ đâu có nhớ ra mình cũng là “khổ chủ” của the second sô- sô Karaoke tiếp theo mà nghe hăm he là “hoành thánh bánh tráng” lắm. Trời không chiều lòng “người định xù”, đến 5h30 thì trời quang mây tạnh, và các “sô sĩ” cứ thế mà thẳng tiến địa điểm ăn-chơi thôi

          Đầu tiên là sô bánh tráng Trảng Bàng Hoàng Ty để “báo sĩ” Phương Nguyên “rửa sạch sẽ” mấy bài “đâm chọt” nhà nác từ chuyện đạo chích lộng hành đến chuyện đê bao mùa nước nổi. Ta nói, ăn hàng “đâm chọt” nó đã gì đâu, hehe!

Sau đó, thể theo nguyện vọng của Bạn Thủy Cúc - định thông qua những bài hát mang nhiều tâm…chạng vạng và ẩn chứa nhiều “chuyện đời tự kể” của các ca sĩ “tự phong” rằng mình chỉ …hát nổi khi vào …vài chai - sẽ khai thác được nhiều chuyện “thông cung” à lộn “thâm cung” để sắm bút trở lại viết Ký Sự Pháp Đình, nên cả bọn kéo nhau đi Karaoke. Đạo tám này thiệt là tòn người …”chí tệ”, nên điểm danh sơ khởi đã có tới 2 ca sĩ- tiền thân là tiến sĩ, một ..thuộc “tiền sử” và một thuộc “tư bổn dãy chit” đó là Chị Hậu Khảo cổ và May N tiến sĩ Lực phốp. Thành phần còn lại thì nghề nghiệp, cấp chức và bằng cấp vẫn không ( thể ) thay đổi theo thời gian. Chủ đề nhạc mênh mang, từ Cung Tiến, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên cho đến Y Vân, Lê Cát Trọng Lý… đều có đủ. May hát Tình lỡ nghe muốn cắn lưỡi, Chị Thủy Cúc hát bài hát chủ đề của entry này nghe không kém Thiên Trang – Thanh Tuyền …có những bài do tone quá cao, chị phải “trèo cao hơn nữa” để hát, rất ấn tượng… Đặc biệt Bạn Sương và Bạn Trớt Wớt, góp phần đáng kể trong việc tạo ra hai bài 100 điểm, mà sau đó …máy treo luôn, phải khởi động lại… hic! Không chỉ nhạc nội, nhạc ngoại cũng có như một trào lưu “ngoại ngữ là chìa khóa” mở ra cánh cổng thế giới ( mà “có đứa” ngoại ngữ dở ẹc đã “dám nói lén” là mở ra cánh cổng thế giới …bên kia, hehe!). Suối hát nhạc Pháp hay rụng rún, dù chữ chạy trên màn hình là chữ Việt… hehe!

 

 

         

 Karaoke đóng dần các cửa, sắp tắt đèn, hội “các ca sĩ bàn tròn” này mới chịu giải tán… Sáng nay mới 7 giờ kém, Bạn Phương Nguyên đã “hú” một tin nhắn: “toi qua choi vui qua. Ban PN truoc gio chua bao gio choi thoai mai nhu vay, luon lo langphai ve nha som nhu thoi tuoi teen” rồi nhẹ nhõm lên đường quảy gói về vùng lũ, coi lại chuyện đê bao, gởi lại mấy bịch mắm thái mần quà và mỉm cười nhớ về biết bao cái tình “trớt wớt” bạn bè dành cho mình và cho nhau…

 

          Cảm ơn Bạn Phương Nguyên đã đùm đề An Giang lên, cảm ơn Chị Thủy Cúc đã có “sáng kiến ngon hơn miến” cho việc karaoke luôn… Hoan hô bánh canh TRảng Bàng làm trơn giọng, hoan hô mực ngậm ớt cay mún sặc, hoan hô bia bọt, hoan hô…những tấm lòng trào hơn bọt bia… hehe!

 


Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

Entry cho ...đầy tháng Chị ... nhân tìm được sách quý...

Để Công Lý mãi xanh…

          Trước khi quen biết Chị qua blog, và trước cả khi được gặp Chị ngòai đời, tôi và gia đình biết Chị qua những bài viết Ký Sự Pháp Đình ( KSPĐ)  trên Báo Tuổi Trẻ. Năm 1996, Nhà xuất bản Trẻ xuất bản cuốn Ký Sự Pháp đình – tập 1 và phải đến 2 năm sau – năm 1998 -  cuốn Ký sự Pháp đình tập 2 mới được tiếp tục ra mắt độc giả. Cả hai cuốn đều có trong tủ sách gia đình nhà tôi, với lời đề tựa của “thủ thư”: “Tôi mua – đọc – để tự răn mình…”. Sửa nhà, bị thất lạc một lần, tôi đã tìm muốn chết. Bà chị ba, một hôm hộc tốc chạy về nói mượn hai cuốn KSPĐ để đọc vì có chuyện cần. Tôi “cắn răng” cho mượn. Cả 3-4 năm, đòi mãi, một hôm bà ỏn ẻn đem xuống cuốn 2 và nói: Hic, cuốn 1 chị tìm không thấy, xin lỗi Mập! Trời ơi, tôi gầm gừ như một con khùng suốt hôm ấy với chị mình, tiếc đứt ruột. Đến khi quen biết Chị, tôi nhiều lần ướm hỏi, định sẽ lân la xin Chị một cuốn để “bổ sung”, tôi muốn khóc tiếng Mán, khi Chị nói Ở nhà Chị cũng hông còn cuốn nào…

          Chiều hôm nay phải về tìm cuốn Lệ Chi Viên cho em giáo viên dạy Sử ở Trường mượn, tôi lục tung tủ sách và không tin được mắt mình khi tìm thấy đủ hai cuốn KSPĐ… hehe, “châu về hiệp phố” hồi nào mà tôi không hay. Ngồi lật lại hai cuốn sách, đọc lại những chuyện vụ án mà mình từng đọc nhiều lần, mới ngộ thêm nhiều điều mới, mới thấy văn chương quả là lợi hại. Cũng một tình tiết tội ác ấy, ta nhìn nó ở khía cạnh để tha, thì nó thành bớt ác, mà nhìn ở khía cạnh để kết án, thì nó án chồng án…Tôi bây giờ mới đọc trọn những lời giới thiệu ( tôi ít khi đọc lời bạt của sách, vì luôn muốn mình có “chánh kiến” không lệ thuộc cái nhìn của ai khi đọc sách) của Anh Nguyễn Đông Thức ở tập 1 và Anh Lê Văn Nuôi cùng nhà văn lão thành Võ Hồng ở tập 2. Một người là bạn đồng nghiệp, một người là Sếp và một người nữa là Bạn Văn của tác giả. Để thấy, đằng sau những lời bạt trân trọng  dành cho một cái tài, tôi thấy họ còn dành một cái cười rất thân ái cho cái tính cách của người nữ đồng nghiệp rất “không giống ai” của họ. Không chỉ cười, còn là cái kính trọng rất riêng của những người làm báo có nghề dành cho nhau…

          Tôi biết Chị đủ chưa để có thể dài lời hơn? Nên ngừng ở nơi này khi cái vui “thấy sách” còn ở trong lòng. Tôi trích đăng lại lời những người đọc dành cho Chị, theo tôi, đây là một thứ “huân chương ưu tú” mà người dính dấp đến Cõi Văn muốn có được nhất trong đời làm nghề của mình…

Độc giả với

KÝ SỰ PHÁP ĐÌNH

“…Đọc lại các bài, không những vẫn tươi mát mà còn thêm vẻ trang trọng nhờ thành sách. Từ lâu, tôi đã đánh giá cao các bài của Thủy Cúc có một suy nghĩ độc lập, ăn nói bộc trực, không thích hoa hòe, hoa sói của đứa con gái Nam bộ, Sài gòn.

            Nhờ tập trung lại, các bài viết tóat lên một lòng nhân ái, một niềm trắc ẩn đối với cái không may, cái bạc phận, cái hẩm hiu của số kiếp người không được phước phần như người khác. Thủy Cúc là cây viết “nhân ái” thứ hai của Tuổi Trẻ. Rất mong còn có tập II, III, để làm pho ký sự pháp đình, lưu lại cho hậu thế …” ( Ông Lâm Võ Hòang- chuyên viên kinh tế)

“…Thú thật có nhiều chỗ tôi đã khóc khi đọc. Thủy Cúc viết, “vẽ” sao tài tình thế. Cứ như là đi vào trong tim người ta vậy. Tôi đã từng nói với Thủy Cúc rằng tôi mong Cúc trở thành một luật sư, vì tôi tin rằng với tài năng đó, nhất là với tấm lòng đó, sự tinh tế đó, Cúc sẽ là một luật sư xuất sắc, “cứu” được nhiều người” ( Luật sư Trương Thị Hòa)

“…Trước đây tôi vẫn nói với Đông Thức (1) về những bài phóng sự của Thủy Cúc mà tôi rất thích và rất phục. Tuổi già, đọc xong một bài, thấy hay lúc đó nhưng rồi lại dễ quên, nay có cả một tập gồm những bài ký sự mình đã đọc rồi, thật không còn gì thích bằng.

Thế hệ này có nhiều cây bút trẻ rất có tài, trong ấy có Thủy Cúc, nhưng còn cách thể hiện một bài phóng sự, chuyện xét xử ở tòa án mà thu hút được độc giả không phải là chuyện dễ. Và không phải cứ có sách xuất bản, có bài trên các báo thì đương nhiên là nhà văn; tôi mến Thủy Cúc vì lý do lối viết sống động, nói rất ít mà khiến người đọc – người có tâm huyết- phải nghĩ nhiều, thật nhiều…” ( Bà Tùng Long)

Trong hai cuốn KSPĐ, tôi thích nhất bài viết Tĩnh Vật của Chị ở phần cuối cuốn 1. Trong bài viết này, tôi như nhìn thấy tòan cảnh một tòa án nào đó sau giờ làm việc. Những con người mang đến sự sống động ở nơi này không còn, chỉ còn bàn ghế, và những đồ vật vô tri khác cho hình thức một phiên tòa như cái vành móng ngựa, như cái bảng gỗ khắc tên vị trí của những thành viên tại tòa. Thế nhưng trong cái im ắng “cuối chầu” đó, tác giả như lắng lòng mình lại cho những cái án đã qua, đã được xử, cho những con người mà ít khắc trước còn bình đẳng với mình về vị trí xã hội, thì sau khi bị kêu án, họ chỉ còn lại nơi nhân thân hai tiếng lạnh lùng “bị cáo”. Chị không quên nhìn về nơi chiếc ghế cao nhất của Tòa, chiếc ghế của hội đồng xét xử. Nhìn và nghĩ, rất nhân văn : “Những chiếc ghế không làm nên được con người”. Cũng như có một điều Chị thắc mắc, mà theo tôi, ẩn chứa trong đó cũng là một “nỗi niềm”: Thanh gỗ của vành móng ngựa tại sao không là đường thẳng mà lại là một đường cong?

Tôi lạnh người – như từng nhiều lần lạnh – trước câu kết của Chị : “Trong phòng xử án còn một tĩnh vật nữa. Đó là tôi” . Câu kết như một nhắc nhở cho chính mình mà tôi nghe như một lời nhắc nhở cho nhiều người. Xin đừng vô cảm trước số phận của bất cứ con người nào…

Và với tôi, bằng câu kết đó KSPĐ trở thành một cuốn sách góp phần không nhỏ cho việc giữ gìn

Công Lý mãi xanh…

                                                                      

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

Entry nhận về từ Bạn- cho Tháng 10 của Tôi...

Bên cạnh cái ồn ào, hời hợt và ham ăn, tôi vui mừng nhận ra mình có những sát-na lắng đọng, bồi hồi với tình thương mến mà ai đó dành cho. Sáng nay vào trường, nhận được e-mail của một người em gái- cũng là một quen biết "hạnh duyên". Đọc file attachment em đính kèm, nghĩ ra mình quả là người may mắn... cảm ơn đời sống...

Thương thật thà

Nếu ai đó hỏi ta quen nhau thế nào ? Nó có khi sẽ lúng túng đi truy nguyên lại cái cội nguồn... tình hai đứa. Cái nguồn cơn xem ra cũng mập mờ như là cái nick bờ lóc mà thoáng nghe đồn nó tìm đến ghé nghỉ chân. Hồi đó cái thời mình vẫn rầm rộ với Yahoo 360độ. 

          …Mèo Minh đồn cho nó có một người tên Mập. Nó lò dò tìm, mò mẫm đọc, lùng sục kiếm và mon men lên tiếng 'kom-men'. Chẳng nhớ rõ đầu cua tai nheo quen biết thể nào. Nhưng nhớ thật kĩ những điều  Mập nói. Về những buổi chiều thu xếp sớm ở trường để về nhà tắm gội cho mẹ. Rằng mẹ nuôi con bao tháng bao ngày, lúc xưa mẹ tắm cho con thì  con với mẹ cùng cười. Mà bây giờ con tắm cho mẹ thì hai mẹ con cùng khóc. Rằng có người "đứng dậy bằng vịn một câu ca", rằng có những "hạnh duyên" xung quanh cho ta suy gẫm...Mọi thứ lẫn lộn, những dòng chữ nhảy múa nhiều màu sắc. Nó hình dung một cô nàng rất nghệ sĩ, thơ văn.

Mãi đến khi gặp Mập....

         Đó là  cái hôm ấn tượng nhất với sự kiện cùng hội ngộ. Tibet về, gia đình Mèo Oslo cũng về, có lão Hash, thế là cùng kéo ra ăn trưa trong công viên Văn Thánh. Mập tay ôm đàn, người bệ vệ, tóc đã pha sương mà cái mặt thì ôi thôi con trẻ quá, lại còn thêm đôi mắt liếng thoáng lúc tròn xoe hài hước, lúc lại tư lự xa xăm. Cái giọng nói, cái dáng cười, mọi thứ đều làm cho nó cứ ngồi ngây mà ngó. Ngày hôm đó nó không nghe được Mập đàn, ngày hôm đó nó cũng không kịp nghe Mèo hát và không nhìn Tibet nhẹ nhàng với nụ cười hơi ngẩng đầu, mở miệng và đôi mắt thật nai. Nhưng ngày hôm đó vội vàng trên chuyến bay ra Đà Nẵng, nó biết rằng đi tứ phía tứ phương, giờ nó tìm thấy một điều rất ấm.

         Nó viết cho chị lá thư đầu tiên với "kênh của con tim". và thích nhất khi hồi âm lại Mập kêu nó là "cưng" với những lời "kom-men" sâu lắng. Chuyện yêu thương...đã chính thức bắt đầu từ đó.

Rồi những lần sau, nó vội vàng gặp lại, một bữa quán chay, một bữa bánh mì, nợ cái chầu Sushi và bù lại một hôm trong Kem Bud's và một lần Ghita gỗ. Chừng ấy thôi, đã thân thiết gì chưa mà nó thao thao bất tuyệt. Từ cái cuộc tình đầu hơn 10 năm vụn vỡ, đến chuyện lớp chuyện trường, chuyện ngoài phố trong nhà. Mà lạ nhất là Mập cũng mang ra thêm bao nhiêu sắc màu cho nó cùng chiêm nghiệm. Sắc màu khi ngồi với Mập không chỉ là những màu xanh đỏ từng hiện ra bằng font chữ, mà là những suy gẫm sâu xa để từ Mập khi thì nó nghe lời an ủi, khi lại gợi mở cho nó hướng ở hướng về. Khi lại phá lên cười vì những câu chuyện tầm phào không tên không tuổi, khi lại quay mặt đi sợ mình không cầm được nỗi rưng rưng.

Sinh nhật Mập, sáng nó nhắn tin chúc.  Mập bảo "thương em thật thà". Ôi, cái kiểu nói rất là Tây, ngọt không kém cái kiểu Mập gọi nó bằng "cưng" và viết cho nó những dòng thư tay mềm mại.

Sinh nhật Mập, tối về nó ngồi nhẩm tính. Xem ra cũng ngót nghét chuyện tình với Mập được hơn 27 tháng rồi. Nó chợt muốn ôn lại một chút những gì đã trải qua với Mập, để sưởi ấm những ngày gió mùa thu, mùa của cả Mập và mùa của nó. Để nói với Mập nó hạnh phúc vì được "thương thật thà" và cũng "thật thà thương Mập"

Cầu chúc Mập luôn giữ được con tim thật ấm, nụ cười thật đầy và mỗi ngày thật khỏe. Để năm non bảy núi nó trèo, sẽ mãi mong tìm về thăm chốn có Mập thật ấm êm.

2011 Viết ngày sinh nhật 24-10, thương tặng Mập.

Scon

 

P/s: Nguồn ảnh Mập M, Scon, Tibet...


Entry về cách giữ Thương Hiệu Mập M!

 MapM11-2011

Photobucket

MapM4-2011 MaM5-2011 MapM8-2011   MapM14-2011 MapM16-2011 MapM17-2011 MapM19-2011 MapM21-2011 MapM22-2011 MapM24-2011

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Entry for Tháng Mười trong tôi...

Tháng 10 ơi!

Ta gọi Tháng Mười rất khẽ

Để gởi theo chút heo may Thu lời tạ ơn

Ơn cha mẹ cho con hình hài, tính tình và nhiều răn dạy

Ơn Anh Chị em cho tôi biết cốt nhục là hơn

Ơn những “thế hệ mai sau” gọi tôi là Bạn

Giữ cho tôi biết mình không thể đi sai.

Tháng 10 ơi!

Ta gọi Tháng Mười rất êm

Nhặt nhẹ chiếc lá Thu vàng gởi theo nỗi nhớ

Nhớ những Bạn Bè thuở tôi tóc khét, đầu trần, chân đất

Những Bạn Bè cùng tôi chia nhỏ cơn mưa, chia những hòn bi sặc sỡ

Nhớ cả những Bạn Bè cho tôi tuổi thơ mãi mãi

Cho đi mà không đòi hỏi đáp đền.

Tháng 10 ơi!

Ta gọi Tháng Mười rất hiền

Để gởi vào mù sương thành phố lúc tinh mơ chút tình cố giấu

Giấu những gương mặt không thể gần hơn

Giấu những bàn tay không thể nắm cùng

Giấu cả những nụ cười và đôi dòng lệ

Biết mình không quên, nhưng vẫn không yêu.

Tháng 10 ơi!

Ta gọi Tháng Mười rất khẽ, rất êm, rất hiền

Để tạ ơn gia đình, nhớ Bạn Bè và nhiều Ai khác

Tôi may mắn được “hạnh duyên” trên nẻo đăng trình…

 


Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Entry for 20-10-2011 Bạn à, Họ ơi!

Mập! Always Happy!

Luôn luôn hạnh phúc!

          Là một cụm từ nằm trong mơ ước, không chỉ của tôi mà là của rất nhiều người. Giấc mơ đó thường trực đến nỗi nhiều khi cứ ngỡ nó không bao giờ có. Thế nhưng, bất thình lình có ai đó hỏi tôi: Mập đang hạnh phúc không? Tôi sẽ trả lời ngay không ngần ngại: Có, tôi là người hạnh phúc!

Luôn luôn hạnh phúc!

          Làm sao tôi không hạnh phúc? Khi tôi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghiêm khắc, mà tôi thì vẫn được cho phép nuôi dưỡng cái tính ba lơn. Cái nghiêm khắc của cha mẹ, anh chị em với tôi  không phải để kiềm hãm cái tính nghịch ngợm, hay đùa giỡn của tôi, mà giống như một cái thắng trên vành xe cuộc đời. Tôi được cái thắng đó giúp dừng lại khi không đủ sức tự dừng và trước khi quá muộn của việc nói bậy, làm sai. Hoặc, dừng tôi lại để kịp quay ngược vài vòng cho những việc tôi đã trót làm quấy. Quay ngược để sửa chữa tôi, để bảo đảm tôi không thể có lần tái phạm.

          Làm sao tôi không hạnh phúc? Khi tôi có những người Bạn luôn mang tôi trong lòng Họ. Để khi hạ nắng, khi xuân xanh, khi thu vàng, khi đông biếc, cái tứ mùa đó quay vòng trong cuộc sống bận rộn của Họ, và Họ vẫn không quên san sẻ cho tôi. Chồng luận văn rất dầy, những bài giảng rất bộn bề, những chuyến đi tất bật bằng máy bay, bằng metro, bằng tàu thủy, di chuyển như con thoi giữa nhiều nơi chốn… bên cạnh niềm thương nhớ gia đình, chồng con, thương nhớ những góc ấm hạnh phúc trong lòng mình, Họ thu xếp nhét tôi vào một góc lòng, hoặc rất an nhiên hoặc nhiều khi lo lắng nhiều bề về tôi, của Họ. Họ chọn lựa từng tấm card, tỉ mẩn với chiếc lá phong vàng thu nhặt được bên đường, ép khô, rồi gởi về cho tôi. Hoặc thấy đâu đó một hình ảnh gắn với nhân dạng của tôi là Họ nhặt về… nhặt về và gởi chúng đến cho tôi… như một lời nhắn rất thầm lặng mà nặng đầy tình cảm: Mập, we miss you! Mập, always happy!  Tôi nhận, rưng rưng với chính lòng mình và không thể nói thêm gì hơn ngòai một tiếng cảm ơn khách sáo thông thường. Tiếng cảm ơn và cái rưng rưng “rất sến” của tôi được Họ yêu cầu tiếp tục nuôi dưỡng. Họ cho rằng nó là một thứ “thực phẩm” giúp tôi có được cái nhân dạng “níu”  Họ đi qua tôi mà không thể đi luôn...

Mập!Always Happy!

 

Luôn luôn hạnh phúc!

          Tôi biết mình sẽ tiếp tục sống hạnh phúc theo kiểu “Mập M”. Đó là tôi rất hay ba lơn và thỉnh thỏang biết buồn. Tôi biết mình sẽ tiếp tục sống hạnh phúc để Bạn tôi khi lang thang mọi nơi vẫn có chốn neo đậu cho những “nhặt về”. Tôi biết mình sẽ sống hạnh phúc, như hôm nay, để mãi được cổ vũ rằng : Mùa Thu thật đẹp và luôn … “sến” trong tâm hồn nhé…

          Và tôi biết mình hạnh phúc, khi biết cất lời cảm ơn lần nữa, thật êm với Họ, với Mùa Thu


Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2011

Entry for 17 October, 2011- Bản tự kiểm...

Lấy rượu tiêu sầu, sầu càng sầu…

Tôi nhiều khi thấy mình bê tha…

Trong cuộc sống thường ngày, tôi chỉ gắn bó với cà phê. Tôi không có thói quen uống rượu- mà như Bạn Bè vẫn tưởng- uống như hũ chìm. Bởi tôi biết mình là đứa ham nói. Uống rượu vào lúc “tới chỉ” là sẽ như một con câm và nhiều khi như một đứa hâm, khi cứ nhìn hết người này đến người khác và …cười. Điều này rút ra từ một kinh nghiệm đau thương từ năm nẳm, khi tôi đi đám tang Bạn mình dưới quê. Thức đêm, nên mọi người bày ra một chiếu rượu, và tôi, dĩ nhiên không thiếu mặt. Tôi buồn nên uống hoài mà hổng thấy xi-nhê, cho đến sáng hôm sau nghe Bạn quở: Thằng Ch. mất, M. vui lắm sao mà cười hoài! Dạo này tôi biết cái bao tử của mình đã chuẩn bị đi nấu phá láu, nên từ chối khá nhiều “mối rượu” quen biết xa gần. Khốn, có những mối không từ chối được và tối thứ bảy vừa rồi là một trong những “không từ chối được” đó. Tôi đi uống lúc hơn 10 giờ đêm, đến khoảng 4 giờ thì về nhà, tỉnh như sáo. Đến 9 giờ thì Tía Bờm chở đi nhà sách. Đang đứng ở quầy tính tiền, tôi nghe đau râm ran vùng thượng vị, lúc lết lên đến cái xe, thì cơn đau đã quặn từng hồi… về đến nhà là thôi không biết gì nữa cho đến xế chiều…

          Mở mắt ra tôi đã thấy cả nhà tề tựu, từ Lu Su Bờm đến Bố mẹ, tía má Su Bờm và các chị. Tôi thều thào: Con chưa chết, đừng chôn con! Hehe, Lu Su Bờm lăn lộn cười, Bố mẹ thở dài dắt nhau đi chỗ khác, Chị ấn bụng khám và phán: Nó còn giỡn được, khoan chôn nó! Tôi nằm ngán ngẩm với chén cháo nếp ( Sao cứ đau bệnh là ăn cháo nhỉ?), nhớ bữa rượu tối qua. Bạn vừa hoàn thành thủ tục ly hôn. Mếu máo nói: “nó” bỏ của chạy lấy người Mập à! Tôi nhớ mình đã ôm Bạn an ủi, kể nhiều chuyện tếu lâm, và cứ thế, cái tủ rượu toàn mấy chai nho nhỏ,  lúc đầu được đóng ra mở vào, đến lúc tôi về thì nó mở tét bét và toàn chai không. Tôi đòi thử và Bạn đã chiều… kết quả chắc giờ Bàu Đá, Hồng Đào, rượu Sim, rượu chuối hột cả Remy, Henessy và gì gì nữa đang đánh nhau trong bụng tôi… Tôi không hình dung hôm nào đó, học trò gặp tôi lè nhè, ôm đàn ngồi bệt ngoài đường với nhóm bạn xe ôm, hát ông ổng… Hic, hình ảnh đó chắc sẽ đi vào lịch sử loài “mất dạy”, và tôi đã dám mạnh miệng nói với Mẹ: Con nghỉ dạy liền! Tôi biết mình không biết thương thân, càng thấy mình hình như có điều gì đó không phải… nhưng để ngừng cái không phải đó lại, thì lại thấy mình không phải gấp đôi với Bạn mình. Tôi nhớ tôi gọi điện cho Bạn, chị người làm báo: Cô H. chưa dậy Cô Mập ơi! Hehe! Tự an ủi, “con nhỏ đó” nó bê tha hơn mình…

Nhưng đôi khi đời sầu quá…

Chắc khi tỉnh rượu, kiểm lại “kho hàng” của mình có chút hãi hùng, nên tối qua Bạn băm bổ xuống nhà tôi. Thấy nhà vắng tanh bên dưới là đoán ngay “sự chẳng lành”, nên nhoáng nhoàng chạy lên lầu. Mẹ không biết tôi đi uống ở đâu, nên càm ràm suốt với nó. Lúc chỉ còn hai đứa, nó ứa nước mắt nói: Thôi lần sau đừng “sầu chung” nữa, coi bộ bao tử Mập dạo này rệu rồi… Tôi cố cười an ủi: Chia đôi mà còn rệu như vầy, để mình bồ thì chắc “sầu riêng” sẽ thê thảm hơn… nhìn mắt Bạn sưng húp, mọng đỏ, tôi không biết an ủi sao cho phải khi không có…chất đưa cay. Chỉ biết nói với Bạn rằng: Ly dị không phải là tận thế. May không có con, chứ có một đứa nhỏ là tội lắm! sống chung làm gì mà năm ngày, ba trận với nhau thì còn chết lẹ! Nghe Bạn kể lể một hồi về “tội thêm” của “thằng nhỏ” kia mà cứ phải ráng nén cười. Lại an ủi tiếp: Ừ, “nó” tệ vậy, bỏ là đúng rồi. Coi như Bạn chơi hụi, tới lúc hốt hụi chót thì em khác nhảy ra gánh… còn muốn gì… Vừa “kể tội” ex-husband xong, nghe khuyên vậy là đã trợn trừng: Hông, mình nửa đời đóng hụi mún chết, bi giờ để con khác hưởng hụi chót hả? Hehe, đúng là đồ đàn bà… bỏ thì thương mà vương thì tội, cái lòng sở hữu quá lớn chắc là nguyên nhân của mọi bi kịch. Cho nên e là, có sắm thêm một tủ rượu nữa để “sầu chung” chắc cũng không vơi được. Nghe nói vậy, Bạn thút thít:  còn được an ủi Mập à! Cái chỗ rượu mình uống hôm qua là của “nó”, “nó”chưa kịp dọn… Cha mẹ ơi, con muốn chết luôn cho rồi, khi nó vừa mếu, vừa lôi trong giỏ ra 4 chai “nho nhỏ” biểu là cho Mập để …”thằng kia tiếc chơi”…

Đúng là … Bạn hiền mà thiệt là vợ ác…hehe!

 

P/s: Hình chỉ mang tính minh wạ! kho này giờ đã vơi đi nhiều òi!

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Entry post lại cho THáng 10 Truyền Thống Trường để minh họa cái note...

TUI MẦN BIÊN ĐẠO MÚA,MÀ HÌNH NHƯ CÓ ĐẠO CHỚ HÔNG CÓ BIÊN,LẠI CÀNG HOK MÚA!

LỜI CON TRẺ ...

TẬP 1:

Trẻ A : Hôm nay cô M...còn dạy múa cho tụi mình hok bạn?

Trẻ B : Sao hok ...cổ dạy đâu có ai dám "giựt mối", mờ bạn hỏi chi

zậy ?

Trẻ A : Má mình nói hễ cô M...còn dạy thì kiu má mình zô coi,

mình rủ thêm mấy người phụ huynh nữa zô coi , chớ má mình ở nhà

hok thể nào tưởng tượng ra , má mình nói mình xạo ...

LỜI GIA ĐÌNH ...

TẬP 2:

Em Bờm : Bà nội ơi ! bố con hỏi hôm nay mấy giờ Mập về?

Bà nội : nội hok biết nữa con, zui thì 6-7 giờ, bùn bùn thì 8-9 giờ ...

Em Bờm : Mà Mập đi đâu zậy nội ?

Bà nội : Đi tập múa cho học trò của Mập con à !

Em Bờm ( tưởng nghe lộn ) : Mập đi coi học trò múa hả nội?

Bà nội : Không con à, Mập đi dạy cho mấy chị múa!

Em Bờm : Thiệt hok nội, để con nói bố chở con lên coi!

Bà nội : í, đừng con, chỗ đó nguy hiểm lắm!

Em Bờm : sao nguy hiểm nội?

Bà nội : bị zì con ơi, nội nghi Mập dạy mấy chị múa bài “cái chết

của con khủng long”. Con mờ lên, coi chừng con bị chôn theo con

khủng long đóa đóa con à! Hic!

Không có lời bình nào... xứng đáng hơn... cần gì phải xây

văn miếu mới! nhăn răng ghi nhận vậy là đủ !

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Entry cho Trưng Vương Khung cửa Mùa Thu- Cho một hẹn gặp họp lớp ở Toronto không thành

A3- Tóc xanh ngày nọ, phai nhạt mấy mùa…(*)

Không có đứa bé nào rời khỏi ngôi trường Tiểu học nhỏ xíu, thân quen suốt năm năm để bước vào một ngôi trường Trung học xa lạ mà không bỡ ngỡ, không rụt rè, không lo sợ… Tôi và chúng ta ngày mùa Thu năm ấy đã đến với Trưng Vương bằng tâm thế đó. Những đôi mắt xa lạ nhìn nhau ngỡ ngàng, những dò hỏi làm quen ngày đầu ngượng ngập. Thoáng có đôi lần nhìn lại phía sau, thương và nhớ một khoảng trời Tiểu học còn rờ rỡ những thầy cô, bè bạn. A3 gom chúng tôi vào từ những xa lạ đó, cho chúng tôi có một cái tên chung, và từ ngày đó, con số như một định mệnh, gắn kết chúng tôi lại trong một tình thân kỳ lạ. Tình thân đó trải dài bằng bốn năm học bên nhau. Bốn năm, trong bối cảnh xã hội có nhiều biến động. Không dưng, chúng tôi trở thành lứa học sinh út ít của Trường. Lứa học sinh cuối cùng được tuyển vào của ngôi trường Nữ Trung học Trưng Vương. Tình thân đó được dưỡng nuôi và mỗi lúc một bền chặt hơn nhờ sự dìu đỡ của các Thầy Cô hướng dẫn: Cô Nguyễn Thị Ngọc Hằng – Lớp 6. Cô Lâm Thị Phúc- Lớp 7. Thầy Hồ Tấn Biên- Lớp 8 và Thầy Vũ Quyết –lớp 9. Tình thân đó còn được kết dính lại, bởi cứ mỗi năm học, lớp lại vắng dần đi vài gương mặt. Những đi-ở ngày đó sao mà xót xa làm vậy, bởi nó không hứa hẹn một lời hạnh ngộ nào dẫu chỉ là mơ. Tình thân đó còn trải dài qua những giờ học êm ái, vui tươi. Giờ Toán của các Thầy cô : Thầy Chung, Cô Loan (lớp 6), Cô Trần Thị Đào ( lớp 7), Thầy Biên ( lớp 8), Thầy Vũ Minh- Cô Túy Nga ( lớp 9). Giờ Văn của cô Ngọc Hằng, cô Cẩm Vân, Cô Vân Hà…Giờ Lý Cô Vĩnh Thanh, Cô Võ Đào, cô Đức. Giờ Hóa cô Thái. Giờ Anh Văn Cô Di, Cô Phúc, Thầy Hoàng, Thầy Quyết. Giờ Sinh Vật Cô Vân Oanh. Giờ Công Dân cô Vân Đài. Giờ Sử cô Hà Lý Hạnh, Cô Vượng, Cô Diệp. Giờ Địa cô Riệp, Cô Khánh Vân…Giờ Thể Dục Cô Bùi Thị Hường…Những giờ học mà lũ học trò nghịch ngợm cứ cấu véo nhau bên dưới, ăn vụng, chơi caro. Những giờ học có lũ học trò mò tìm trong hộc bàn những bức thư gởi chị hộc bàn buổi sáng, rồi truyền tay nhau đọc, ríu rít những tiếng cười như tiếng chim… Những giờ học nằm hoài trong “cõi nhớ”, để khi mệt mỏi hay muộn phiền trong cuộc sống, chúng tôi lục tìm về để cho mình có thêm chút sức lực mà đi tiếp con đường.

            Bốn năm, trong chúng tôi có lẽ đến giờ này khi tóc đã điểm bạc, đã có nhiều hơn đến 10 lần có lẻ con số bốn năm đó, nghĩ lại, nhớ lại mà không khỏi có chút rùng mình. Bởi lẽ, không ai có thể nghĩ rằng mình có thể đi qua ngần ấy thời gian đó với những khó khăn không quen chịu. Những ngày lao động quét lá đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Quét vừa xong thì gió nổi, hoa điệp, trái sao dầu lại lả tả rụng xuống đầy khắp mặt đường. Thầy cô hướng dẫn thì buồn nẫu, thương lũ học trò lại phải vất vả. Chỉ có lũ con nít vô tư là chẳng kể gì mệt nhọc, nhảy cẫng lên trước bức tranh mà thiên nhiên ưu ái dành riêng cho Trưng Vương. Để hiểu thêm vì sao người ta gọi ngôi trường của mình là Khung Cửa Mùa Thu. Rồi những ngày tập văn nghệ miệt mài chuẩn bị cho dịp mừng Hiến Chương Nhà giáo. A3 bao giờ cũng cho “ra lò” những tiết mục văn nghệ đặc sắc. Nào hình ảnh Hai Bà Trưng với Kim Thoa- Bùi Trinh; nào cô bé bán sữa lí lắc với Liên Phượng-Nguyễn Trinh; nào Chú bé Thành Leningrad với Nguyễn Ngọc- Hồng Oanh; Nào Chú Chim Việt Nam Hòa Bình bay lên nhẹ nhàng theo giọng ca của Trần Thanh Thủy, của Kim Thanh, Cảnh Nhung với phần bè của Kim Phượng… Những tiết mục múa hát của A3 làm cả trường lặng đi, bồi hồi. Tôi không tham gia vào đó, vì vậy có thể đứng từ hàng ghế khán giả nhìn ra để cảm nhận hết sự xuất sắc của bạn bè mình. Cảm nhận bằng sự rưng rưng về những gương mặt nhỏ bé thân quen đó. Không chỉ có những “diễn viên văn nghệ”, A3 còn có biết bao gương mặt dễ thương khác :chuyên trị bàn đầu như Kim Trang- Khánh Vân-Mộng Ngọc-Bích Liên-Quỳnh Giao-Tôn Nữ Mỹ Trang-Kiều Oanh; lóc chóc như Hoàng Oanh-Nguyễn Bích Thủy. Nghiêm trang như Nguyễn Thanh Thủy- Đoàn Thị Mỹ- Phạm Thị Mỹ- Quách Vân Trang- Tố Nga- Nguyễn Thị Phượng-Mỹ Phương-Thu Minh. Phá phách nghịch ngợm như Lộc Thọ- Trần Bích Thủy- Thảo Thư- Phương Thảo- Minh Trang. Chững chạc như Bích Hà- Thu Hằng. Có lớp Trưởng Hương Trang thông minh, năng động. Có lớp phó Phượng B tài hoa, mũm mĩm…Có Thanh Phượng hiền lành . lãng mạn. Có Bạch Nga, Bích Ngọc dễ thương, chu đáo. Có Minh Tâm, Tố Phương học giỏi, chiều bạn…Những gương mặt mà năm tháng dẫu có tàn phai nhiều thứ thì vẫn không xóa nổi trong ký ức chúng tôi biết mấy thân quen. Những thân quen, những mến thương đôi khi chen lẫn giận hờn. Những tị hiềm trẻ con ngày ấy, biết đâu, có một ngày như hôm nay, chúng tôi lại phải cậy nhờ  vào nó trong ký ức để tìm gặp lại nhau…

            Bốn năm học với A3 trôi qua nhanh đến không ngờ. Trưng Vương cho chúng tôi một buổi chiều chia tay mưa tầm tã. Trong khi các anh chị lớp lớn tản vào các phòng học. Thầy cô bận rộn họp hành, 9A3 trốn ra sau cổng trường để nhào ra nô giỡn với nhau trước  nhà nguyện dưới trời mưa như trút. Mưa nhòe nhoẹt hẳn những gương mặt bạn bè mà không nhòe đi giọng hát khàn đục của Minh Trang, rồi của Thanh Thủy trong bài Dona Dona, không nhòe đi bóng Phượng B, bóng Nguyễn Thị Ngọc, bóng Hồng Oanh nhỏ bé tung lên trong bài múa tuyệt vời theo tiếng hát. Ướt sũng và lạnh run, vậy mà chiều mưa chia tay ấy, mãi đến hơn 30 năm sau tìm lại, chúng tôi vẫn thấy nó ấm ran nơi trái tim mình…

            A3-Trưng Vương, tiếng gọi ấy không đơn giản chỉ là một gợi nhắc, nó còn là tiếng của mỗi trái tim bạn bè dành hướng về nhau.

            A3-Trưng Vương, tiếng gọi ấy không đơn giản là một con số tình cờ, nó là định mệnh. Để hôm nay, lũ chúng tôi quay về cho một hội ngộ lớn sau hơn 30 năm, khi “tóc xanh phai nhạt” mới hiểu, tiếng gọi đó là “âm vang thuở nào, bước nhỏ, chân người tìm nhau, tìm nhau…”(*)

            A3-Trưng Vương, tiếng gọi ấy cho chúng tôi một tìm gặp, gặp để hiểu mình sẽ không để lạc mất nhau một lần nữa trong đời… Dẫu biển dâu biến dời là chuyện vốn quen…

A3- ngày xưa…

(*): Lời bài hát Ngày Xưa Hoàng Thị của nhạc sỹ Phạm Duy