Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2010

Entry For 28 November, 2010- Hai khía cạnh cuộc đời...

1-Khi trời đang nắng, bỗng đổ mưa...Kẻ ba lơn nói: A! được tắm mưa. Người lo toan thở dài, nghĩ: Về đường nào để đừng ngập xe đây ta?

2-Khi trời nắng gắt, kẻ ba lơn tí tởn: Phơi kiệu, phơi khô là bá cháy! Người lo toan cau mày, tính: Bao nhiêu ngày sẽ bị cúp điện vì thiếu nước đây ta?

3-Khi gặp việc không vui trong nghề, kẻ ba lơn xuê xoa: Làm theo lương tháng chớ không phải lương tâm! Người lo toan đắn đo lợi-hại: Bao nhiêu lớp trẻ lớn lên, chỉ nhìn tới, vơ tới, chớ không ngóai lui, nhìn quanh?

4-Khi chạm phải nỗi buồn, kẻ ba lơn dễ dãi: khóc xong keo này, ta ứ thèm chơi keo khác! Người lo toan nhìn nỗi buồn, và dặn: Làm gì cũng phải biết đặt chữ “nhẫn” lên đầu…

5-Khi tụ họp đông vui, kẻ ba lơn “phe phang” váng xóm. Người lo toan đắn đo, nhắc nhở: Lòng nhân gian không ai đo được bao giờ…

          Rồi một ngày, người lo toan ngã… cú ngã không nặng, nhưng nó nằm trong hết thảy những lo toan. Kẻ ba lơn tìm đến, lần đầu tiên biết im lặng, ngồi kề bên. Người lo toan an ủi: Không sao đâu, chút vận hạn cuối năm! Kẻ ba lơn, chắc cũng lần đầu tiên không ba lơn nữa, lặng lẽ ôm bạn vào lòng và nói: Không ai có thể dự đóan hết mọi tai ương, dù cẩn thận, toan tính tới đâu…Nên khi ngã, hãy an ủi mình rằng: chỉ gẫy tay, may quá còn chân…Nên khi mất mát, hãy biết tự tin: Mất tiền, may quá còn nghề…Mất người yêu, may quá còn nhiều người ta chưa kịp yêu, nên khỏi mất thêm…

          Người lo toan, lần đầu tiên, bỏ qua một bên vẻ đạo mạo, cười sặc sụa…một cách rất ba lơn…và nói : Ba lơn à, Ai lốp du!

 

Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2010

Entry For 20 November, 2010- Từ phim, từ kịch...

“Ngơ ngác” với bất tận cánh đồng, bất tận nửa đời…

Tôi vừa coi “Cánh đồng bất tận” chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư trên phim, hôm nay lại coi tiếp “Nửa đời ngơ ngác” trên kịch cũng được chuyển thể từ một tác phẩm khác của Tư- truyện “Chiều vắng” trên sân khấu Hòang Thái Thanh, có cảm giác hình như trong mình đã bão hòa “dòng văn học bi kịch từ ruộng đồng”. Mới thấy, một tác giả nổi tiếng cỡ ấy, tài văn của Chị là chuyện không bàn cãi nữa, thế nhưng khi “gặp” nhiều lần thì cũng thấy ngán. Đúng như tôi có lần nhận ra: Người đã có chút tiếng tăm trong cuộc chơi văn chương là bắt đầu sống một đời sống mệt mỏi vì cứ phải “tự rượt đuổi” chính mình. Phải làm sao cho Tư của ngày hôm nay cảm nhận cuộc sống mình đang có, cũng bờ ruộng, cũng những cảnh đời lênh đênh gạo chợ nước sông, cũng những tiếng hò khoan buồn man mác nhưng phải khác rất nhiều với Tư hôm qua. Văn học, câu chữ như có “thần” đã giúp Tư truyền tải được cái khác đó, không lập lại chính mình, nên mỗi truyện ngắn của Chị là mỗi lạ lẫm trên một cái nền chung là cuộc sống của người nông dân, tình cảm của họ và những mối dây ràng buộc chung quanh ao cá, lũy tre. Thế nhưng, khi chuyển nó sang thành thể lọai nghệ thuật  khác thì tôi e lại không thể làm chúng khác đi, không thể, nên xem phim và kịch, bỗng dưng…thấy ngán là vậy…

Xem “Cánh đồng bất tận”, rồi xem “Nửa đời ngơ ngác”  thấy hiện ra rất rõ nét bức tranh cuộc sống nông dân bây giờ sao mà buồn quá. Buồn trên chính cái đồng ruộng tưởng đâu êm ấm, thanh bình của họ. Buồn trên chính cái lòng nông dân tưởng khi đã chạm mặt cho đất, chạm lưng cho trời, sẽ mở ra cho cái gọi là “rộng rãi”, cho cái gọi là sự thương yêu, chia sẻ, gắn bó với nhau mà lặn lội qua ngày. Nhưng không, cái nghèo triền miên, những căn nhà trống huơ trống hốc, đất nện vách tranh, những cuộc đời ba chìm bảy nổi lênh đênh sông hồ, dường như làm cho họ vừa thương yêu nhau hết lòng, lại vừa cố cản, không cho phép người nông dân có thể mở mắt ra nhìn xung quanh, mà họ chỉ có thể nhìn tới nhìn lui cái khạp gạo nhà mình. Họ nhìn để thấy, nghèo là hèn, nghèo là nhục, nghèo là không thể viết hoa hai chữ “hạnh phúc”, dù nhiều khi đời vẫn dạy “có những thứ trên đời này đâu mua được bằng tiền”. Và thế là trong tận cùng cái khổ, họ trở nên ác độc một cách hồn nhiên. Người mẹ của Nương và Điền trong “Cánh đồng bất tận” ác theo kiểu “phụ bạc”. Cha của Nương và Điền thì ác theo kiểu “giận cá chém thớt”, mang mối hận lòng trút ra thành mối hận đời. Mang cái yêu-hận người đàn bà của mình trải ra thành những hành hạ đối với những người đàn bà sau đó trót va vào mình. Họ va vào anh bằng một tình yêu không thể lý giải, thứ tình yêu mà lòng thù hận không cho phép anh ta thừa nhận rằng nó có. Bởi vì, thừa nhận tình yêu, thì cũng giống như Tư Nhớ trong “nửa đời ngơ ngác” đã nói: Chấp nhận Út Lý nghĩa là tha thứ cho Bà Hai, tha thứ cho cái người đã bắt mất của anh một người vợ, làm chết của anh một đứa con sao? Mặc dù anh cũng biết, Út Lý cam nguyện đem cả đời mình ra để “thền” cho cái gia đình mà má cô đã cướp của anh. Lũ người giang hồ dày vò Sương, cưỡng hiếp Nương ác theo kiểu thảo khấu lục lâm. Bà hai- má của Lê và Lý, ác với Tư Nhớ, vì chính cái nỗi sợ nghèo đời này lắt lay sang đời khác của dân xứ mình. Bà thưa công an, tố cáo con rể hờ là chỉ mong cướp lại đứa con gái để đem nó về gả bán cho một gia đình mà bà nghĩ con bà sẽ được ăn sung, mặc sướng. Để nó không ru những lời ru buồn vì cái cảnh quanh năm nợ đậy. Để nó không phải nhìn hòai cái khạp gạo nhà mình với những tiếng thở dài… Truyện thì thắt lại lòng người đọc với cái cười ngu ngơ của những người nửa đời loay hoay, bức bối với những cái ác khi lộ, khi ẩn, mà không  hiểu mình phải thóat ra bằng cách nào. Nhưng phim và kịch, thì lại lý giải nó theo một kiểu mà tôi cho rằng rất dở: Đó là đưa sự “lạc quan cách mạng”vào để giải quyết quá chóng vánh, quá là “có hậu” những vấn đề mà cả xã hội hôm nay chưa có lời giải đáp. Đó là những vấn đề còn bỏ ngỏ, còn nhiều hệ lụy khác nữa mà ai cũng có thể dự phần. Dự phần nhưng không thể đi đến cùng, đến tận…Đó là chưa kể, mạch kịch, mạch phim lại cho những nhân vật của mình thỉnh thỏang lại có một chút hài, lấy tiếng cười khán giả mà tôi không hiểu mục đích để làm gì? Khán giả cũng cười, nhưng họ không cười theo cái cách mà nhà làm phim, nhà dựng kịch muốn. Họ cười, như một tiếng cười ngơ ngác, giữa một mạch phim, mạch kịch đang rất xúc động.

Cái kết của truyện “Cánh đồng bất tận” là sự để ngỏ của những phận người tan nát vì cái Ác lộng hành, từ cái ác của người xã hội đến cái ác tự thân. Cái kết của “Chiều vắng” đó là sự gặp lại của Út Lý, Tư Nhớ và Lê. Họ là ba con người vẫn chờ đợi nơi nhau một sự mơ hồ. Mơ hồ mà lại muốn cho rõ ràng. Tư Nhớ gặp lại người vợ cũ giờ đã là một thiếu phụ trung niên bệ vệ, Anh cười ngơ ngác nói: Đây đâu phải Lê, Lê đâu có mập dữ vậy…Nhưng trong phim “Cánh đồng bất tận” lại cho thấy một cái kết “có hậu” đến là “ngơ ngác”. Người đàn ông suốt đời hận thù, để đến nỗi làm tan nát gia đình, đẩy những đứa con mình đến cùng cực đau khổ, lại có thể, sau tai ương của con, cười nhẹ nhõm lui về làm ông lão chèo đò bình dị ngày ngày hiền hòa đưa trẻ đến trường. Còn ở “nửa đời ngơ ngác” khi Lê trở về đẹp, sang trọng, và Út Lý bắt chị mình phải đối diện với Tư Nhớ để có một lời cho rõ, thì Tư Nhớ dường như lại không còn biết gì đến người phụ nữ mà mình thương nhớ, chờ mong mấy chục năm qua. Khán giả khá là “ngơ ngác” chờ mong những lời đau xót từ ba nhân vật có chung bi kịch, thì lại “hân hoan” bước sang một sự mở ra hết sức…tích cực. Mặc dù cảnh trí này được “đạo diễn lý giải” là do Tư Nhớ “ngộ ra” anh yêu Út Lý khi thằng Lụm làm bộ báo tin cô té giếng chết…

Cả phim và kịch đều có đạo diễn, tác giả kịch bản chuyển thể và dàn diễn viên “có nghề”. Họ làm được cho khán giả “cười, khóc” theo mình… nhưng để có thể trở thành những bộ phim, những vở kịch nhân văn thực sự, tôi nghĩ, cần phải có một chút dũng cảm của người làm phim và người dựng kịch. Đó là: những bi kịch hôm nay mà họ thể hiện không phải là bi kịch của ý thức hệ, mà là những bi kịch của đời sống thường nhật của một bộ phận người trong xã hội…Việc đưa bi kịch đó phản ánh bằng nghệ thuật đã là một việc làm nhân văn. Sự nhân văn đó nằm ở khía cạnh phản ánh, chứ nó không nằm ở chỗ giải quyết thế nào. Vì vậy, khi cố “ép” nó vào những “kết cuộc tươi sáng” mà ai cũng biết là “khiên cưỡng” thì sẽ gây ra hai điều hại: một là tính nhân văn của tác phẩm mất đi. Hai là, làm cho khán giả bỗng chốc nghi ngờ cả tính phản ánh của nghệ thuật… và tôi e, lâu ngày, đó là lý do khiến họ quay lưng lại với nghệ thuật nước nhà…

Thứ Tư, 17 tháng 11, 2010

Entry For 20 November 2010, Thưa Cô, em muốn nói...

Đâu đó bên đời, em từng có Cô…

            Năm tôi học lớp 10 Trưng Vương – Sài gòn là những năm tháng đất nước khó khăn khủng khiếp. Cái khó khăn đó lan vào mọi ngóc ngách  từng gia đình và gia đình tôi cũng không thể tránh. Gạo bán theo sổ không bao giờ đủ cho 11 miệng ăn trong nhà mà bán kèm khoai sắn. Nhà lại có ông bà lớn tuổi và đau bịnh, nên bọn trẻ chúng tôi phải ăn khoai là chính còn gạo thì dành cho người ốm. Không như bây giờ, khoai bán theo sổ ngày đó chất lượng rất tệ. Khoai lang thì đa phần bị sùng, còn khoai mì thì thường đã chạy chỉ xanh. Nhưng đâu còn cách nào khác, mẹ tôi vẫn phải nghĩ ra đủ cách để chế biến số khoai đó thành thực phẩm. 5 anh chị em tôi đi học, buổi sáng “khoái ăn sang- sáng ăn khoai” là “chuyện thường ngày ở huyện” của chúng tôi. Nhưng ăn khoai lang sùng thì không sao, chứ ăn khoai mì bị chạy chỉ xanh là có chuyện.

Cô giáo dạy Sử của tôi năm ấy là một cô giáo rất đẹp, Cô tên Hà Lý Hạnh. Những giờ Sử của Cô bao giờ cả lớp cũng như hóa đá. Cô không chỉ đẹp mà còn giảng bài rất hay. Ngoài chính sử, Cô còn kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện dị sử rất thú vị. Học lịch sử thế giới khô khan, xa lạ, vậy mà qua lời giảng của Cô, nó trở nên rất gần gũi, quen thuộc. Cô được học trò rất ái mộ, tôi cũng là một “fan” trung thành của Cô, cố học thật chăm môn Sử, vốn là môn trước đây tôi cực ghét. Không hiểu duyên cớ làm sao, trong số đông học trò, Cô lại rất quan tâm và chú ý đặc biệt đến tôi. Giờ học, những khi cho lớp ghi bài, Cô thường hay xuống chỗ tôi, giở xem tập vở, hỏi han và khi quay đi bao giờ cô cũng xoa đầu tôi một cái rất nhẹ. Cô không biết, mỗi cái xoa đầu đó tôi nhận từ Cô, nó giống như “dopping” khiến tôi vui, hưng phấn và hãnh diện với các bạn trong lớp kinh khủng.

Một buổi sáng, sau khi ăn khoai mì hấp mẹ nấu, tôi đến trường và bị … say khoai. Sau khi trực xe theo phân công, bàn giao lại cho lớp chiều, tôi lơ mơ vào lớp như người say rượu. Tiết một ngày hôm đó lại là tiết Sử của Cô. Bạn tôi kể lại là tôi vào lớp vừa chào Cô, vừa cười “ngu ngơ” như đứa “mất sổ gạo”. Cô hỏi hai ba tiếng mà tôi chẳng trả lời gì, cứ thế lầm lũi về chỗ. Bạn tôi còn kể, khi biết ra tôi bị say khoai, cô quay đi mắt đỏ hoe…ra chơi hôm ấy, lớp trực căn tin cho người lên gọi tôi xuống…uống sữa đậu nành. Cô phụ trách căn tin dặn tôi từ giờ cứ đến giờ ra chơi là xuống uống sữa. Tôi ngạc nhiên, nhưng thành thật thưa là em không có tiền. Cô căn tin cười bảo có người đã đóng tiền cho tôi uống sữa hết năm rồi…Tôi hỏi nhưng chẳng ai nói cho tôi biết “ân nhân” của mình là ai…Tôi học 3 năm ở Trưng Vương, trở thành “mối quen” sữa đậu nành của căn tin và tận cho tới lúc ra Trường vẫn không biết ai là người đã đóng tiền cho mình uống sữa. Những ly sữa ngày ấy không chỉ giúp tôi vượt qua cái đói, mệt thường trực, mà còn làm cho tôi học hành chăm chỉ hơn. Chăm chỉ để được giỏi hơn, vì không muốn làm người đã thương yêu mình thất vọng dù chẳng biết họ là ai…Mãi sau này, trong một buổi họp lớp, Cô trực căn tin mới cho tôi biết đó là Cô giáo dạy Sử của tôi. Biết được điều này thì Cô đã đi định cư ở nước ngoài. Cơ hội Thầy Trò có thể gặp nhau chắc là rất khó. Và tôi cứ giữ mãi trong lòng mình một lời cảm ơn chưa nói được với Cô.

Cách đây 2 tuần, bạn tôi gởi e-mail về báo tin sẽ tổ chức họp lớp kỷ niệm 30 năm ra Trường của niên khóa Trưng Vương 74-81 chúng tôi. Buổi họp sẽ mời nhiều Thầy Cô tham dự. Và tôi thốt nhiên nhớ đến Cô ngay. Tôi biết mình không thể có điều kiện tham dự họp lớp, nhưng tôi sẽ gởi bài viết này sang cho các bạn mình. Hy vọng nếu gặp được Cô các bạn sẽ chuyển giúp. Tôi muốn thưa với Cô rằng: Tôi là một đứa bé ngày ấy chưa ngoan, giờ thành người lớn vẫn chưa thật chững chạc. Nhưng trong bất cứ việc gì tôi làm, bất cứ mọi quyết định nào của tôi khi có liên quan đến ai đó, ngoài những căn dặn của gia đình, tôi đều luôn nhớ đến Cô. Nhớ, để biết mình phải đắn đo và chừng mực trong mọi việc. Nhớ, để nếu không làm mình tốt hơn với cộng đồng, thì nhất định cũng không được xấu đi. Bởi trong huyết quản mình, ngoài dòng máu thiện lương cha mẹ cho, còn có những ly sữa ân tình của một người Thầy thầm lặng trao gởi. Cô lúc đó chắc không nghĩ sâu xa đến thế mà chỉ đơn giản muốn chăm sóc một đứa học trò lúc nó gặp khó khăn. Nhưng đứa học trò đó thì không thể để cho sự chăm sóc của Cô ngày ấy uổng phí đi. Xin cảm ơn Cô, vì Cô luôn có mặt, dẫu rất thầm lặng, đâu đó bên đời của em…và đã giữ gìn em cẩn thận! Rất cảm ơn Cô!

Lâm Minh Trang

Thứ Năm, 11 tháng 11, 2010

Entry For 12, November 2010- Tôi được Chị bổ sung "i-ốt"...

Tuổi trẻ hoang mang

Tôi vừa được tặng trọn bộ những tác phẩm đạt giải Văn Học Tuổi 20 năm 2010. Người tặng sách nhắn nhủ: Chị bận quá, chưa có giờ đọc, em ráng thu xếp đọc, rồi cho biết cảm tưởng… Tôi mỉm cười, “bận” là bệnh thời đại. Khi cần phải biện minh cho một công việc gì đó chưa kịp làm, thì ta có nó như một lý do hết sức tốt. Nhưng sách là thứ tôi mê, sau … ăn nhậu, nên tôi có hứa: Em sẽ đọc và gởi mail cho Chị sau… Khác với người ta, những lần không có khả năng mua trọn bộ sách này, phải mua lẻ rồi “thiếu trước hụt sau”, tôi bao giờ cũng ưu tiên chọn mua những cuốn …đạt giải khuyến khích trước. Bạn hay cười hỏi khi nghe tôi kể: Sao kỳ vậy? Hay “đồng bệnh tương lân”? Vì bà cũng “chuyên trị” giải ..khuyến khích hoặc là ..vòng loại…Tôi không giải thích, vì cho rằng có giải thích cũng chẳng ai đồng tình. Lý do tôi thích những tác phẩm đạt giải khuyến khích-thích mua, thích đọc- hoàn toàn không phải do tôi khác người, mà tôi luôn đánh giá cao những tác phẩm ấy. Văn chương, theo tôi, là một cuộc chơi rất mệt nhọc. Nó cuốn hút người ta hơn ma túy và nhanh chóng làm người ta “tan nát” theo một dạng nào đó, tàn nhẫn hơn. Những cây bút được công nhận thì cứ phải mải miết cày ải trên “cánh đồng tâm hồn mình” và đào xới “những vỉa quặng tâm hồn người” để giữ mãi được sự công nhận. Những cây bút chưa ai biết đến, thì bi kịch hơn, lại càng mải mốt hơn trên bước đường “văn mình” với cái suy nghĩ cũng “tan nát” không kém “tôi hay mà sao không ai hay”. Vì thế, những tác phẩm không đạt giải  cao trong các cuộc thi với tôi là những tác phẩm có thể “để đời” của những người “lao động văn chương”  vất vả nhất. Sau nó, vì mải miết muốn nhắm đến những cái đích cao hơn, họ có thể đánh mất một thứ quý giá đó là sự hồn nhiên ban đầu trong cuộc chơi chữ nghĩa. Chọn sách với tôi là như vậy.

Những giao diện ẩn của tác giả Thiên Di là cuốn sách được tôi chọn đọc đầu tiên với suy nghĩ như thế. Và khi đọc, tôi luôn cố tránh đọc phần giới thiệu về nó của Ban biên tập. Tránh, để cảm xúc với tác phẩm này phải là của mình một cách tự nhiên nhất và không có “định hướng”, không chạy theo tâm lý “số đông”. Tôi đọc còn với tư cách và tình cảm của một blogger đang ngày ngày: ăn với máy, sống với máy…Thiên Di đưa tuổi trẻ của mình vào chuyện, nhưng nó không phải là một tự sự của bản thân, mà là cách cô muốn nhìn lại cách sống của chính mình, của bạn bè thế hệ mình hôm nay trong một xã hội số hóa. Nơi đó, thay cho những giao tiếp thông thường như nói, như hét, như cười, như hờn giận, ganh ghét… là những icon bày tỏ cảm xúc qua màn hình phẳng. Con người trình bày tâm cảm, suy nghĩ của mình gián tiếp qua những giao diện, những trang mạng xã hội. Nơi đó, họ nghĩ rằng, khi cuộc đời thật buộc chặt họ như số phận và như một định mệnh không thể rũ bỏ thì đời phẳng lại cho phép họ bày biện lại, sắp đặt lại nó theo cái cách mà họ gọi là “prồ” nhất, phù hợp nhất, hay nói theo ngôn ngữ IT thì đó là một cuộc đời “tương thích” nhất. Thiên Di tự nhận “ngôi thứ nhất” về mình bằng nhân vật Bướng bỉnh ( mà thỉnh thoảng chỉ còn là Bướng) . Bướng bỉnh có những người bạn Ngổ ngáo, Cục đất, Tham Vọng, Tử tế… Xoay chung quanh cái trục bốn nhân vật chính này còn có những nhân vật  Cỏ hoang, Thiên thần kính cận, Nhóc không cười, Mặt bẹt, Chị Gái fashion…còn có những ông-bố-bà-mẹ hôm nay làm bố mẹ theo kiểu “sự nghiệp là trọng”, rằng hôn nhân và gia đình chẳng qua cũng là một phần của bản “dự án cuộc đời” và con cái là phần “phát sinh” có thể có chủ đích hoặc ngoài ý muốn của “dự án” đó. Còn có những cuộc sống lêu bêu, chìm nổi, mà cái phần căn cốt nhất của sự lêu bêu chìm nổi đó là người ta không biết mình cần phải gắn bó với cái gì, gắn bó với nơi chốn nào, gắn bó với ai. Cỏ hoang đã trả lời Ngổ ngáo - khi cô hỏi anh sao chưa lấy vợ? Rằng sao anh không giữ người con gái anh thương lại- rằng: Người ta muốn rời bỏ ngã ba sông! Người ta nói với tui người ta chán cái nhốn nháo của chợ người, chán cảnh ăn cơm bữa nay mà lo bữa mai, chán cảnh mặc vải chưa được ba con nước đã muốn bục rách, chán cảnh cổ tay trơn trụi…Người ta chán nhiều nhu thế tui làm sao mà giữ… Vậy sao anh không đưa người ta đi? Vì tui thương mấy điều người ta chán! Thương đứt ruột!Tui cũng thương cái đoạn sông đó…tía má tui nằm ngoài đó… Cỏ hoang không biết chữ, nhưng những lời anh nói – khá giản dị và hồn nhiên- lại diễn đạt một thông điệp lớn hơn :Làm người, là phải biết mình thích gì, nên ở đâu và vì sao lại như thế…Chỉ cần vài lời đơn giản đó, Bướng bỉnhNgổ ngáo –bạn cô nhận ra : “…còn ước mơ của tôi và Ngổ ngáo sao xa xôi và viển vông quá thể. Tôi và Ngổ ngáo đi tìm điều xa vôi và viển vông đó đến bao giờ đây…”. Bằng tên gọi những nhân vật chính của mình, Thiên Di đã vẽ nên những chấm phá về bức tranh tính cách của thế hệ cô hôm nay. “Đồ họa” thêm những nhân vật chung quanh, Thiên Di cho thấy thế hệ đó đang chịu tác động bởi những vấn đề gì. Cái cách cô sắp đặt nhân vật, sắp đặt mạch truyện, cho họ những mối liên hệ “ắt có và đủ”, đã tạo nên một “nét lạ” trong tác phẩm, nhưng lại là một nét lạ hơi …bộc tuệch. Bởi nó bày biện ra hết những điều mà một tác phẩm văn chương muốn gởi gắm cần phải biết giấu nó đi sau câu chữ. Giấu đi để người đọc phải tự tìm. Giấu đi để giúp người đọc phải động não “giải mã”. Cũng như cái cách Thiên Di chọn cho Bướng Bỉnh, Ngổ Ngáo và Nhóc không cười chết đi, trong khi những  Cục đất, Tham vọng, Tử tế còn lại và giải quyết những vấn đề mà thế hệ họ đặt ra cho xã hội khá đơn giản, theo tôi đó là cái “chưa tới” trong tác phẩm của Thiên Di. Có lẽ vì vậy tác phẩm này  phải ngừng lại ở giải Tư. Với tôi, sự ngừng lại này lại là một phần thưởng. Bởi, người viết văn Thiên Di cần hiểu rằng “văn học là tấm gương của cuộc sống” không có nghĩa là trong tấm gương đó, ta được quyền “bẻ tay bẻ chân” những gương mặt xã hội mà không cần đến vật thật phía bên kia…Rằng cô cần phải hiểu, những vấn đề của thế hệ cô hôm nay vẫn chưa có  và chưa thể có giải đáp. Vẫn là một “cánh đồng bất tận” những câu hỏi không có đích nhắm và không có cách trả lời nào thực sự “tương thích”…

Xã hội thực của những người trẻ, được nhìn qua một giao diện phẳng, nhưng vẫn có những góc cạnh đáng kinh ngạc: đó là tuy hoang mang về hướng đi nhưng họ lại rạch ròi trong cách đi. Họ không chấp nhận thái độ lừng khừng trước một vấn đề nào đó. Họ tôn trọng nhân cách cá nhân nhiều khi đến cực đoan mà ta hay “chụp cho nó cái mũ” là “cái Tôi quá lớn” : Nếu tao không có tư cách nói mày thì mụ kia cũng không!Nếu quan hệ giữa mày và người đó là quan hệ tiền-tiền, thì mày và họ bình đẳng…- đó là lời của Ngổ Ngáo  nói với Bướng Bỉnh  khi cô bị người bán xăng mắng vì xin thiếu lại 300 đồng lúc đổ 10 ngàn xăng… Chính những góc cạnh đó đã cho tôi một suy nghĩ nghiêm túc về “những giao diện ẩn” khi ta bày biện cuộc đời mình một cách ý thức trước màn hình phẳng. Tôi đọc Những giao diện ẩn của Thiên Ân  để hiểu về thế hệ các người trẻ hôm nay thêm một chút. Hiểu họ đang hoang mang, đang loay hoay khi con đường của những thế hệ đi qua để lại quá nhiều những vấn đề quá tầm trách nhiệm của họ. Và họ sợ rằng ngày nào đó họ cũng sẽ phải để lại cho thế hệ sau những vấn đề của mình hôm nay…Hiểu họ và tôi quay lại hiểu mình, để biết:

Năm hai mươi tuổi, những sai lầm thường được gọi là nông nổi.

Tôi tưởng tượng, năm tôi …tám mươi, chắc hẳn sai lầm của tôi sẽ rất … “thiếu i-ốt”. Lúc đó, hẳn tôi sẽ nhớ lắm những ngày hai mươi vội vã, “vừa chạy vừa buộc…dây giày”.

 Sau những bồng bột và nông nổi, tôi thường thấy tiếc, nói một cách …fastfood thì đó là “nợ”. Nợ bản thân khát vọng, nợ người thân ân tình, nợ  bạn bè thái độ…

Rồi nghĩ đến ngày không còn được trả “nợ”. Cả nghĩ về cái chết nữa chứ, không phải muốn trốn tránh hay đào thoát mà vì như Leo F. Buscaglia đã nói: “ Chết là một thách thức. Nó bảo chúng ta đừng lãng phí thời gian. Nó bảo chúng ta hãy nói thẳng với nhau là chúng ta yêu nhau”

Thì ra, không phải chỉ có người trẻ tuổi hoang mang, mà không ai trong chúng ta đi cùng kiếp nhân sinh lại không hoang mang. Ta hoang mang chính vì những “nợ nần” ta buộc phải khi đi cùng nó. Những nợ nần mà tới lúc hiểu ra ta phải trả bằng “yêu thương” thì đã muộn…Và chính bằng những dòng viết này của Thiên Di trong tác phẩm Những giao diện ẩn, tôi biết, cô còn cả một con đường sẽ rất dài nhưng đã khá quang quẻ trong “nghiệp văn” của mình…

Và tôi viết entry này như một lời cảm ơn…Cảm ơn người viết sách là một lẽ, cảm ơn cả người cho sách…như một cách giúp tôi tránh những sai lầm “thiếu i-ốt” trong đời mình…

 

Thứ Ba, 9 tháng 11, 2010

Entry for Autumn 2009 - Trong lúc thấy mình mệt mỏi - Mùa Thu rủ rê đi chơi ...

Đòi nợ Mùa Thu


Cơn gió lạnh áp thấp

Xua mưa về mênh mang

Trăng mùa Ngâu nhạt nhòa không đủ sáng

Nên nhịp cầu Ô thước lỡ làng …


Bao nhiêu chuyến đò sang ngang

Người không quay về nữa

Duyên có, nợ không nên một đời đành lỡ

Câu thơ chờ ai, nửa phách bên bờ …



Mùa Thu chưa về dở dang nỗi nhớ

Thương ai ôm mãi khúc đàn

Ừ, con sáo qua sông đành phận

Để chút tơ vương sắc thu vàng



Mùa Thu chưa về cho tôi lang thang

Đòi nợ mãi chút tình thơ bé…



P/s : Ảnh Mùa Thu 2009 ở Nice - TB gởi qua mail - Cảm ơn Bạn ...

Tôi không phải là người biết làm thơ, câu chữ, vần điệu, thảy rơi vào tay tôi nó cứ trơn tuồn tuột. Tôi ngưỡng mộ Chị Gió, Khánh Lam, Uyển Văn...sau này là Anh HoasiNgoDong, với cái cách mà họ bày biện cũng những câu, những chữ đó thành những bài thơ rát rạt lòng người....

Năm ngoái, 2009, khi tôi còn ở Profile. Xóm vắng ấy vào thời điểm này hắt hiu ghê lắm, TB gởi về một loạt ảnh Nice-Mùa Thu qua mail, và tôi tức cảnh sinh...vè bài trên...

Mấy hôm nay trời ui ui, trầm trầm, buồn buồn... tôi post lại nó như một lời dẫn dụ: Rằng đây là một thời tiết, một Mùa ( nói theo kiểu "nâng quan điểm") mang tội "cố ý gây ...lơ đãng", hihi!

Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2010

Entry for 07 November, 2010- Bạn đừng làm tôi sợ nữa nghen...

…Ta nợ, còn nợ bạn bè. Từng giọt cà phê đắng môi…

Hơn 6 giờ tối, Bạn gọi điện hốt hỏang: Mập ơi! Em mới bị té xe, bất tỉnh gần Lai Vung… Nghẹn mất khỏang mươi giây, là đến tôi hốt hỏang: Sao…sao rồi… bây giờ có làm sao không, để mình gọi cho Chị nghen... Dạ thôi, em gọi T.N ra rồi, em bị vướng cái gờ chân cầu nên té lăn ra, cái xe honda đè lên, em bất tỉnh luôn…mấy ông xe ôm gần đó a ra khiêng em vô quán…Nghe cái giọng dần dần tỉnh rụi của Bạn một lúc, tôi mới có thể bình tĩnh lại. Bình tĩnh mà nhận ra cái tay cầm điện thọai của mình run run… Bạn nói, không biết sao vừa tỉnh lại, em hỏang quá, gọi cho tụi nhỏ xong là nhớ liền đến Mập, nhớ hồi Mập bị xe đụng, chắc thông cảm với tình cảnh em bi giờ… giọng Bạn đã tíu tít trở lại với điệu cười há há quen thuộc… tôi cũng ráng hòa theo giọng cười đó nhưng trong lòng thấy cứ lo lo. Phải dặn đi dặn lại Bạn ngày mai cớ gì cũng phải đáo qua bệnh viện cho người ta coi sơ…

Buông máy rồi mà tôi ngồi một hồi bần thần. Bần thần khi nghĩ, từ chỗ bị đụng xe lên đến chỗ tôi là cách nhau mấy trăm cây số. Là có thể mưa tầm tã nơi tôi mà vẫn ráo khô nơi Bạn. Là còn có chung quanh đó nhiều người cho Bạn gọi về nhưng Bạn lại nhớ đến tôi. Có lẽ không chỉ nhớ vì lý do “đồng bệnh tương lân” như Bạn nói, có thể vì mệt, vì đau, Bạn nhớ đến tôi như một chỗ để dựa đỡ những …bầm dập đó. Nhớ đến mà cũng biết tôi quá xa để có thể làm gì… Tôi nghĩ như thế, để tự dưng nghẹn lại trong một khắc, nhớ về những lúc ta hờn giận nhau. Thấy sao cái có-không đó nó vô thường làm vậy. Hôm tôi bị đụng xe gần đây, thằng Bờm vừa treo note, người gọi điện thọai đầu tiên cho tôi cũng là Bạn. Rồi thay tôi, Bạn thông báo đi khắp nơi để “trấn an dư luận” và “làm cho rõ” một thông tin cần nói lại: Mập M không sao, taxi có sao tôi nhớ về hết thảy những điều này để thấy tôi vẫn nợ Bạn một lời cảm ơn và xin lỗi, Cao Nguyên… Bạn hay để ở nhà tôi những cái “còm” mà Bạn vẫn tự nhận là “trớt wớt”, Bạn cũng hay vào ra nhà tôi, nhiều khi chỉ để tôi biết Bạn có đến chơi. Còn tôi, vẫn “được khen” là người “rộng bụng”, là “hào sảng”, nhận ra từ ngày bị Bạn giận rồi sau đó giải tỏa hiểu lầm, tôi chưa bao giờ qua lại nhà Bạn. Chưa qua lại vì cứ cảm thấy trong lòng mình một "sao đó" về nhau...

Nghĩ ra được chừng này chuyện, là cũng đủ để tôi cũng bần thần, mà là  bần thần đỏ mặt. Tôi cứ nghĩ nếu hôm nay Bạn không may mắn vậy, thì có kịp cho tôi nói những lời này hay không? Không chỉ với Bạn, với những người tôi đã và đang câu mâu hờn giận, thì cuộc đời ngòai kia, phải chăng sẽ có những khỏanh khắc mà chỉ khi mất rồi ta mới ngồi lại với những “giá mà” đầy ân hận…May mà...thật may quá cho tôi...

Nên để nơi entry này cho Bạn-Cao Nguyên-một lần nữa, lời xin lỗi và cảm ơn… Nhưng vẫn nhắc Bạn, nhớ phải đi viện cho người ta xem, Bạn đừng chọc cho tôi phải mần entry …sến … chảy nước như thế này lần nữa nghen…

 

 

 

 

Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2010

Entry For 05 November, 2010 - Xin lỗi nhé, Khụt Khịt!

Tôi hay đi trêu ghẹo người khác, nói xóc óc và giỡn dai, nên thường, trong những chuyện giận hờn bao giờ cũng là người có lỗi...

Bạn thương tôi nhiều lắm, tôi biết và tri ân. Bạn lo lắng và quan tâm tôi y như mẹ à không, nhầm, xin lỗi, y như Bố tôi. Nhưng không hiểu sao, mỗi khi thấy Bạn quan tâm thì lập tức cái máu "a cờ ác" trong tôi nó lại nổi lên, lại phải ghẹo Bạn vài câu. Thế là từ chỗ đang rất dịu dàng, nhỏ nhẹ han hỏi, Bạn lập tức mặt đỏ phừng phừng và ...giận. Trăm lần như thế trong nhiều năm qua. Tôi áy náy lắm nhưng không chừa được. Cái máu cà chớn nó đậm đặc quá rồi.

Ở xa nhau lắm, Bạn hay gọi điện han hỏi, và thay cho khuôn mặt đỏ phừng giận dỗi là hai tiếng "cạch và rầm" của cái điện thọai đâu đó bị dập nửa chừng. Hic! Hai tiếng này quen đến nỗi, lần nào không nghe thấy nó là tôi "mất ngủ tới sáng", để tự hỏi mình : Hôm nay mình bị gì vậy ta? Hay nhẹ nhàng hơn lay Mẹ hỏi: Hôm nay nhà mình có cho con ăn cái gì "lạ" không? Để rồi bị mẹ mắng thêm cho một chặp cái tội nửa đêm đánh thức người già khó ngủ dậy để hỏi vớ vẩn.

Như hồi năm 2007, tôi bị xe đụng nặng, nằm một chỗ 3 tháng. Bạn linh tính sao đó, gọi điện về ngay hôm tôi bị tai nạn. Tối hôm sau nữa, mở mắt dậy tôi đã thấy Bạn đứng cạnh giường, mắt đỏ hoe và sưng ( hay tôi tưởng tượng?) khụt khịt mãi. Tôi hỏi ( chắc cũng có chút thều thào): Ông về hồi nào? Mua vé máy bay mắc lắm phải không? Bạn dịu dàng: Đắt, mà sao bà hỏi chuyện gì hông hỏi, hỏi chuyện đó? Tôi nói dịu dàng gấp đôi: Hèn chi, thấy ông khóc …to quá… Thế là cả tuần sau đó, Bạn lảng vảng tới lui, tịnh không nói một lời, cho đến hôm đi…Tôi ân hận quá, đã “thề” lần sau không ghẹo kiểu đó nữa…

Tối qua cũng vậy, Bạn đọc note ngòai mail, gọi điện về hỏi: Bao tử bà sao rồi? Tôi quên mất cái “nết” cũ và “lời thề trăm năm” nói luôn: Nó vẫn hay lắm ông ơi, ông nhớ coi trên mạng khi nào vé máy bay rẻ hẵng về nhé… tui sợ thấy “nước mắt đờn ông” lắm…

CẠCH VÀ RẦM… khỏang nửa tiếng sau, cú điện thọai thứ hai gọi về, giọng Sam cố nén cười nói: “người ta” giận quá, bỏ … tráng miệng rồi Mập ơi! Tôi hốt hỏang: Ơ, thế vẫn ăn được cơm à, tưởng ăn mất lưỡi…

CẠCH VÀ RẦM… lần này thì chắc cái điện thọai tiêu luôn…

Xin lỗi cả nhà!

Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010

Entry for 03 November, 2010- Entry cho một Nghề... tay không thuận...

Bất tận nguồn cơn…bất tận…buồn…

                   Ngày hôm qua là một ngày thời tiết rất lạ. Từ sáng cho đến trưa thì nắng chang chang . Xế trưa  một chút, trời bỗng kéo mây đen tối sầm và mưa…Vậy mà, bỏ qua một bên những mệt mỏi của ngày làm việc, lướt qua những cơn mưa tôi đi xem “Cánh đồng bất tận”. Bộ phim đang nằm trên bình luận của nhiều người. Đi xem, không phải vì cũng muốn tham gia vào cuộc “đỏ đen bình luận”, đi xem vì đơn giản đó là một bộ phim Việt Nam  chuyển thể từ một tác phẩm văn học mà tôi đã đọc, đã cảm nhận về nó ở một nỗi đau đời rất lớn. Nỗi đau về cuộc sống chất chứa hận thù khi bị phản bội, mất niềm tin; về cảnh sống bức bối nơi cuối đất cùng trời của những con người “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”…về sự hòa giải của lòng tử tế, sự lương thiện với những trần ai mang đến. Biết là với một tác phẩm như thế, sẽ khó lòng-tôi cho là vậy, có được một sự chuyển thể nào “trọn vẹn” dẫu giỏi nghề đến đâu. Bởi văn chương “nói hộ” cuộc đời, chứ ít khi nào có điều ngược lại. Xem xong phim, nghĩ và nhớ về “nguyên tác” mình đã được đọc khi nó còn đăng nhiều kỳ trên Văn Nghệ Trẻ, đối chiếu với những “trạng thái buồn” của mình trong thời gian qua mới thấy “cái buồn ơi là sầu” của mình nó thật… dở hơi…Dở hơi không phải vì nỗi buồn của mình không đáng ( đâu ai đi so sánh “dung lượng” và “giá trị” của những nỗi buồn, phải không?) . Mà vì những nỗi buồn của tôi vẫn là những nỗi buồn …còn giải quyết được. Còn những nỗi buồn mà quay chiều nào cũng thấy thăm thẳm hố sâu. Cũng thấy không còn đường chạy, thì không hiểu, khi phải đối mặt với nó, tôi sẽ làm sao?…

          Thế nên hôm nay, tôi vào trường, làm hết những công việc mà mình được giao trong chức trách bằng những bước đi rất nhẹ… kèm với entry này, tôi post một số hình về những tập san tự tay tôi đã làm cho trường của mình… Ngôi trường mà tôi muốn nếu phải rời khỏi nó một ngày kia, món quà duy nhất mà tôi muốn mang theo là những cuốn báo do chính tay mình trau chuốt. Nó có thể rất tầm thường với người khác, nhưng nó là của báu không thể đánh đổi của tôi. Đó là của báu tôi “đóng dấu” trên những năm tháng tuổi trẻ của mình…Nhưng có lẽ là không ai cho tôi điều đó… Và tôi cho rằng đây mới là nguồn cơn của mọi sự buồn, nếu có…sau này…

 

 Tập san qua các năm

Tập san Kỷ niệm 10 năm...

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trang Văn và Những dòng thơ là lời ngỏ cho mỗi thể loại...

tôi viết "mào đầu" vậy thôi, mà người ta "dập" tôi tơi tả...