Năm tôi học lớp 10 Trưng Vương – Sài gòn là những năm tháng đất nước khó khăn khủng khiếp. Cái khó khăn đó lan vào mọi ngóc ngách từng gia đình và gia đình tôi cũng không thể tránh. Gạo bán theo sổ không bao giờ đủ cho 11 miệng ăn trong nhà mà bán kèm khoai sắn. Nhà lại có ông bà lớn tuổi và đau bịnh, nên bọn trẻ chúng tôi phải ăn khoai là chính còn gạo thì dành cho người ốm. Không như bây giờ, khoai bán theo sổ ngày đó chất lượng rất tệ. Khoai lang thì đa phần bị sùng, còn khoai mì thì thường đã chạy chỉ xanh. Nhưng đâu còn cách nào khác, mẹ tôi vẫn phải nghĩ ra đủ cách để chế biến số khoai đó thành thực phẩm. 5 anh chị em tôi đi học, buổi sáng “khoái ăn sang- sáng ăn khoai” là “chuyện thường ngày ở huyện” của chúng tôi. Nhưng ăn khoai lang sùng thì không sao, chứ ăn khoai mì bị chạy chỉ xanh là có chuyện.
Cô giáo dạy Sử của tôi năm ấy là một cô giáo rất đẹp, Cô tên Hà Lý Hạnh. Những giờ Sử của Cô bao giờ cả lớp cũng như hóa đá. Cô không chỉ đẹp mà còn giảng bài rất hay. Ngoài chính sử, Cô còn kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện dị sử rất thú vị. Học lịch sử thế giới khô khan, xa lạ, vậy mà qua lời giảng của Cô, nó trở nên rất gần gũi, quen thuộc. Cô được học trò rất ái mộ, tôi cũng là một “fan” trung thành của Cô, cố học thật chăm môn Sử, vốn là môn trước đây tôi cực ghét. Không hiểu duyên cớ làm sao, trong số đông học trò, Cô lại rất quan tâm và chú ý đặc biệt đến tôi. Giờ học, những khi cho lớp ghi bài, Cô thường hay xuống chỗ tôi, giở xem tập vở, hỏi han và khi quay đi bao giờ cô cũng xoa đầu tôi một cái rất nhẹ. Cô không biết, mỗi cái xoa đầu đó tôi nhận từ Cô, nó giống như “dopping” khiến tôi vui, hưng phấn và hãnh diện với các bạn trong lớp kinh khủng.
Một buổi sáng, sau khi ăn khoai mì hấp mẹ nấu, tôi đến trường và bị … say khoai. Sau khi trực xe theo phân công, bàn giao lại cho lớp chiều, tôi lơ mơ vào lớp như người say rượu. Tiết một ngày hôm đó lại là tiết Sử của Cô. Bạn tôi kể lại là tôi vào lớp vừa chào Cô, vừa cười “ngu ngơ” như đứa “mất sổ gạo”. Cô hỏi hai ba tiếng mà tôi chẳng trả lời gì, cứ thế lầm lũi về chỗ. Bạn tôi còn kể, khi biết ra tôi bị say khoai, cô quay đi mắt đỏ hoe…ra chơi hôm ấy, lớp trực căn tin cho người lên gọi tôi xuống…uống sữa đậu nành. Cô phụ trách căn tin dặn tôi từ giờ cứ đến giờ ra chơi là xuống uống sữa. Tôi ngạc nhiên, nhưng thành thật thưa là em không có tiền. Cô căn tin cười bảo có người đã đóng tiền cho tôi uống sữa hết năm rồi…Tôi hỏi nhưng chẳng ai nói cho tôi biết “ân nhân” của mình là ai…Tôi học 3 năm ở Trưng Vương, trở thành “mối quen” sữa đậu nành của căn tin và tận cho tới lúc ra Trường vẫn không biết ai là người đã đóng tiền cho mình uống sữa. Những ly sữa ngày ấy không chỉ giúp tôi vượt qua cái đói, mệt thường trực, mà còn làm cho tôi học hành chăm chỉ hơn. Chăm chỉ để được giỏi hơn, vì không muốn làm người đã thương yêu mình thất vọng dù chẳng biết họ là ai…Mãi sau này, trong một buổi họp lớp, Cô trực căn tin mới cho tôi biết đó là Cô giáo dạy Sử của tôi. Biết được điều này thì Cô đã đi định cư ở nước ngoài. Cơ hội Thầy Trò có thể gặp nhau chắc là rất khó. Và tôi cứ giữ mãi trong lòng mình một lời cảm ơn chưa nói được với Cô.
Cách đây 2 tuần, bạn tôi gởi e-mail về báo tin sẽ tổ chức họp lớp kỷ niệm 30 năm ra Trường của niên khóa Trưng Vương 74-81 chúng tôi. Buổi họp sẽ mời nhiều Thầy Cô tham dự. Và tôi thốt nhiên nhớ đến Cô ngay. Tôi biết mình không thể có điều kiện tham dự họp lớp, nhưng tôi sẽ gởi bài viết này sang cho các bạn mình. Hy vọng nếu gặp được Cô các bạn sẽ chuyển giúp. Tôi muốn thưa với Cô rằng: Tôi là một đứa bé ngày ấy chưa ngoan, giờ thành người lớn vẫn chưa thật chững chạc. Nhưng trong bất cứ việc gì tôi làm, bất cứ mọi quyết định nào của tôi khi có liên quan đến ai đó, ngoài những căn dặn của gia đình, tôi đều luôn nhớ đến Cô. Nhớ, để biết mình phải đắn đo và chừng mực trong mọi việc. Nhớ, để nếu không làm mình tốt hơn với cộng đồng, thì nhất định cũng không được xấu đi. Bởi trong huyết quản mình, ngoài dòng máu thiện lương cha mẹ cho, còn có những ly sữa ân tình của một người Thầy thầm lặng trao gởi. Cô lúc đó chắc không nghĩ sâu xa đến thế mà chỉ đơn giản muốn chăm sóc một đứa học trò lúc nó gặp khó khăn. Nhưng đứa học trò đó thì không thể để cho sự chăm sóc của Cô ngày ấy uổng phí đi. Xin cảm ơn Cô, vì Cô luôn có mặt, dẫu rất thầm lặng, đâu đó bên đời của em…và đã giữ gìn em cẩn thận! Rất cảm ơn Cô!
Lâm Minh Trang
Không ướt đẫm ân,tình nhưng bài viết này làm em cay sống mũi!
Trả lờiXóaBằng những ly sữa ngọt ngào như tình mẹ, cô giáo đã dắt chị của em đi hơn nửa cuộc đời trên lối sáng.
20-11 gần kề, em chúc sức khỏe cô giáo và chúc chị luôn vui, một người bạn, một người đồng nghiệp! hug
Tuyệt hay là câu nhận định này. Cảm ơn Bạn, cảm ơn đồng nghiệp...
Trả lờiXóaChị cũng rưng rưng nước mắt khi đọc bài viết,
Trả lờiXóaCó một điều trùng lấp là ấn tượng thời trung học của chị cũng là một vị thầy dạy môn Sử _ Thầy Ngô Duy Chinh _ một Giáo sư dạy sử nổi tiếng của Saigon thập niên 60_70. Cho đến bây giờ chị vẫn thèm được ngồi ngây người nghe thầy giảng sử ..
Cách đây vài năm , chị gặp 1 người bạn cũ ...hai đứa nhắc thầy , hắn bảo chị ...: "D biết không , vào SP tui chọn học môn Sử vì tôi nhớ những tiết dạy của thầy ...nhưng sau 30.4 ... tui đổi sang môn Toán cũng vì tôi nhớ những tiết dạy của Thầy" bạn chỉ nói thế thôi ...rồi hai đứa đều im lặng .
Cám ơn quá cuộc đời vì ta có những người thầy không thể nào quên M nhỉ ?
Đó là những người Thầy đã dạy ta bài học "làm người đứng thẳng, biết yêu anh em, đất nước, xóm giềng..." ( Thơ ĐTQ) phải không Gió?
Trả lờiXóaPhương Nguyên có lần nói với em khi nói đến những Thầy Cô ngày xưa ở Trưng Vương của em, Gia Long của Phương Nguyên... rằng: Thầy đó có sinh trò dù nghịch ngạo tới đâu cũng không mất chất làm người...
Em luôn nằm mơ một cơn ác mộng, từ những thế hệ thầy cô là chúng em hôm nay, học trò có thể không nghịch ngạo bằng, nhưng chất làm người thì...
Ác mộng triền miên Gió à...nên em thấy Bạn của Gió nói một câu chí lý...
Chị muốn viết một cái gì đó cho tháng 11 ...nhưng sao lòng lạ quá ...trống không !
Trả lờiXóaÔ, em cũng vậy! em thảng thốt vì điều đó! sờ soạng trong lòng thấy trống không, cảm giác thật sợ!
Trả lờiXóaCó gì đâu một góc lòng thật trống
Trả lờiXóaBởi nửa đời hơn nặng đa đoan, ta cay đắng đủ đầy
Giờ buông bỏ phần gánh gồng nơi ấy
Hiểu ra, ta chống chếnh một phương mình...
Rồi năm tháng sẽ quân bình trở lại
Rồi ta sẽ lạ lùng nhìn quá khứ chảy trôi xa
Ngày tháng cũ, mái trường, nghe xa lạ
Ta là đây, mà lòng chẳng nơi này...
Vậy thôi, Đồng nghiệp! Em rồi sẽ thế, UV chuẩn bị sẽ thế, nhanh chậm khác nhau chút đó mà thôi...
À, hôm nay em gởi bài cho TT...hehe, ngày "vía" mà bức xúc quá không nhịn được, phải chửi tóang lên, chắc nó ứ đăng...em gởi mail cho Gió đọc chơi đỡ trống hén...
Trả lờiXóaBởi vậy, khi nào còn vui, buồn, giận, ghét là khi đó ta còn biết mình quý trọng điều gì và thương quý một ai...hén UV. Đó là lý do khi Mập câm bặt, cười ngu ngơ và lạnh, Bạn Mập nó lại bỗng dưng...muốn khóc là vậy...
Trả lờiXóaNgười hay nói như chúng ta, một hôm nào đó bỗng bắt mình câm nín, thì quả là đại họa giang hồ...
Em rón rén đề nghị hén Gió Chị có thể viết một cái gì đó rất hay, em tin vậy, từ cái khúc "thấy lòng trống không"...
Trả lờiXóaĐời nghe vậy là đủ để khóc thét lên rồi... kẻ khóc đầu tiên chắc là em...
Còn câu này chọc mọi người nè: Em công nhận em có nhiều bạn blog còm rất hay, nhưng em không hổ danh là "hoa hậu còm" do Phương Nguyên "phong tặng" híihí...
Trả lờiXóaCòn anh Yenson thì nói : Bạn Mập M còm lúc nào cũng sâu sắc ( xấu!) hà hà!
Chưa năm nào như thế ... UV ạ
Trả lờiXóaMới đây nảy ra một ý định sẽ viết thử ...hên xui ..nhiều khi nó ko ra bài mà ra rác ... MM cưng ơi !
Trả lờiXóaChỉ cho em chỗ lượm cái "rác" ấy nhá!
Trả lờiXóaTrong suốt cuộc đời dạy học của người thầy, nếu biết có một học sinh nhớ và quý mến mình như cô học trò Lâm Minh Trang này, thì quả là một hạnh phúc tuyệt vời.
Trả lờiXóaHì, giờ bít tại sao Mập bỏ xa em ngàn cây số về mặt "chòn chịa" ồi nghen, nhờ sữa đậu nành ân tình an2;-) he he.
Trả lờiXóaem đùa thôi, cô giáo của Mập thật là người hiếm có...Một cô giáo tuyệt vời...
Nước mắt em đang lăn dài 2 hàng khi đọc đọan này & khi đang gõ những dòng comment này cho chị ...(rất hiếm khi em đọc 1 bài viết hay cái gì của ai mà em như thế này cả) .
Trả lờiXóaEm nghẹn đến nỗi khi đọc tiếp đoạn kết mà không biết đoạn kết chị viết cái gì luôn !
Cô giáo ấy của chị , tấm lòng thầm lặng yêu trò đúng như trong câu hát ngày xưa " Cô và Mẹ là 2 cô giáo . Mẹ & Cô , ấy 2 Mẹ hiền " ...
Bà làm tui khóc ! Bắt đền bà đó bà Mập ui :(
Trả lờiXóaNgười Thầy nào, em chắc, cũng chỉ mong có từng ấy thôi hen Chị?
Trả lờiXóaVậy đó, cho nên hôm nọ tự dưng nằm mơ thấy cô khi nghe Bạn báo về việc reunion, tự dưng sợ thắt Ròm à...
Trả lờiXóaBây giờ chắc cũng còn rất nhiều cô giáo như thế... nhưng họ ít được nhắc đến hơn những cô giáo ...kỳ cục...Hic!
Trả lờiXóaThôi Lam nín đi...Ăn kẹo me nè...!CẢm ơn vì đã khóc...
Trả lờiXóaMình cũng yêu nhất là Cô dạy Sử của mình, Cô tên thật đẹp- Cô Song Thu. Định bụng sẽ viết về Cô nhưng T viết hay quá rồi nên... hihi. Nhưng mình "hên" hơn T là còn được gặp Cô mỗi năm, được ôm Cô mà thì thầm "em nhớ Cô quá Cô ơi!!!"
Trả lờiXóaEm yêu nhất cô dạy Sử, nhưng lại thành Bà Địa, thế mới là đứa học trò chưa ngoan hén Chị?
Trả lờiXóaBà Địa, ề..ề..! :P
Trả lờiXóaHihi, Uyển Văn, Bà Địa nghe vừa phù hạp dí dáng em mà vừa méc cừ mún chít hén!
Trả lờiXóaThiệt tui thấy tui làm nhà giáo kiểu gì đó, xin lỗi, không chịu nổi! hà hà!
Nhân ngày Nhà Giáo Việt nam , em chúc chị có được những phút giây hạnh phúc khi hồi tưởng lại những kỉ niệm ấm áp đã từng có trong suốt quãng đời dạy học của chị .
Trả lờiXóaLam cưng! Sáng nay Mập làm Lễ 20/11 cho học sinh của Trường. Ngày mai thì chỉ có thầy cô chơi vui với nhau. Trong bao nhiêu là hoa tặng về phòng Mập hôm nay, vẫn nhận ra, những câu comment của bạn bè nơi căn nhà này vẫn là những bông hoa thật gần gũi và ấm áp. Cảm ơn thiệt nhiều nghen Lam!
Trả lờiXóaSử với Địa cũng có họ hàng gần ơi là gần mà, yêu Cô đâu nhất thiết phải giống Cô. Chị yêu Cô Sử nhưng nếu không dở dang thì cũng là Cô Văn chứ có theo chân Cô đâu nà!!!! :)
Trả lờiXóaThực ra ghép Sử với Địa là rất khiên cưỡng Chị à! em nghĩ vậy... Vì Sử đi với Văn thì nó đúng hơn... thời đại, xã hội, con người làm nên sự kiện, thay đổi thể chế và văn học nhờ đó đi cùng... chứ Địa thì nên đi với Hóa, với Lý...bởi đều là những môn khoa học tự nhiên...
Trả lờiXóaNhưng, dù là môn gì đi với môn gì, em chắc, nếu Cô biết em theo nghề giáo của Cô là Cô sẽ...lảo đảo... hồi em "chưa có danh gì với núi sông", mỗi lần họp lớp về Trường cũ, các Thầy Cô hỏi em làm nghề gì, em thưa: Dạ con làm nghề tự do... Thầy Cô gật gù: Thế là phải...
Hihi, hồi còn đi học, em nghịch nhất khối Chị à... không Thầy Cô nào tưởng tượng "có ngày"...hihi!