Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2010

Entry For 20 November, 2010- Từ phim, từ kịch...

“Ngơ ngác” với bất tận cánh đồng, bất tận nửa đời…

Tôi vừa coi “Cánh đồng bất tận” chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư trên phim, hôm nay lại coi tiếp “Nửa đời ngơ ngác” trên kịch cũng được chuyển thể từ một tác phẩm khác của Tư- truyện “Chiều vắng” trên sân khấu Hòang Thái Thanh, có cảm giác hình như trong mình đã bão hòa “dòng văn học bi kịch từ ruộng đồng”. Mới thấy, một tác giả nổi tiếng cỡ ấy, tài văn của Chị là chuyện không bàn cãi nữa, thế nhưng khi “gặp” nhiều lần thì cũng thấy ngán. Đúng như tôi có lần nhận ra: Người đã có chút tiếng tăm trong cuộc chơi văn chương là bắt đầu sống một đời sống mệt mỏi vì cứ phải “tự rượt đuổi” chính mình. Phải làm sao cho Tư của ngày hôm nay cảm nhận cuộc sống mình đang có, cũng bờ ruộng, cũng những cảnh đời lênh đênh gạo chợ nước sông, cũng những tiếng hò khoan buồn man mác nhưng phải khác rất nhiều với Tư hôm qua. Văn học, câu chữ như có “thần” đã giúp Tư truyền tải được cái khác đó, không lập lại chính mình, nên mỗi truyện ngắn của Chị là mỗi lạ lẫm trên một cái nền chung là cuộc sống của người nông dân, tình cảm của họ và những mối dây ràng buộc chung quanh ao cá, lũy tre. Thế nhưng, khi chuyển nó sang thành thể lọai nghệ thuật  khác thì tôi e lại không thể làm chúng khác đi, không thể, nên xem phim và kịch, bỗng dưng…thấy ngán là vậy…

Xem “Cánh đồng bất tận”, rồi xem “Nửa đời ngơ ngác”  thấy hiện ra rất rõ nét bức tranh cuộc sống nông dân bây giờ sao mà buồn quá. Buồn trên chính cái đồng ruộng tưởng đâu êm ấm, thanh bình của họ. Buồn trên chính cái lòng nông dân tưởng khi đã chạm mặt cho đất, chạm lưng cho trời, sẽ mở ra cho cái gọi là “rộng rãi”, cho cái gọi là sự thương yêu, chia sẻ, gắn bó với nhau mà lặn lội qua ngày. Nhưng không, cái nghèo triền miên, những căn nhà trống huơ trống hốc, đất nện vách tranh, những cuộc đời ba chìm bảy nổi lênh đênh sông hồ, dường như làm cho họ vừa thương yêu nhau hết lòng, lại vừa cố cản, không cho phép người nông dân có thể mở mắt ra nhìn xung quanh, mà họ chỉ có thể nhìn tới nhìn lui cái khạp gạo nhà mình. Họ nhìn để thấy, nghèo là hèn, nghèo là nhục, nghèo là không thể viết hoa hai chữ “hạnh phúc”, dù nhiều khi đời vẫn dạy “có những thứ trên đời này đâu mua được bằng tiền”. Và thế là trong tận cùng cái khổ, họ trở nên ác độc một cách hồn nhiên. Người mẹ của Nương và Điền trong “Cánh đồng bất tận” ác theo kiểu “phụ bạc”. Cha của Nương và Điền thì ác theo kiểu “giận cá chém thớt”, mang mối hận lòng trút ra thành mối hận đời. Mang cái yêu-hận người đàn bà của mình trải ra thành những hành hạ đối với những người đàn bà sau đó trót va vào mình. Họ va vào anh bằng một tình yêu không thể lý giải, thứ tình yêu mà lòng thù hận không cho phép anh ta thừa nhận rằng nó có. Bởi vì, thừa nhận tình yêu, thì cũng giống như Tư Nhớ trong “nửa đời ngơ ngác” đã nói: Chấp nhận Út Lý nghĩa là tha thứ cho Bà Hai, tha thứ cho cái người đã bắt mất của anh một người vợ, làm chết của anh một đứa con sao? Mặc dù anh cũng biết, Út Lý cam nguyện đem cả đời mình ra để “thền” cho cái gia đình mà má cô đã cướp của anh. Lũ người giang hồ dày vò Sương, cưỡng hiếp Nương ác theo kiểu thảo khấu lục lâm. Bà hai- má của Lê và Lý, ác với Tư Nhớ, vì chính cái nỗi sợ nghèo đời này lắt lay sang đời khác của dân xứ mình. Bà thưa công an, tố cáo con rể hờ là chỉ mong cướp lại đứa con gái để đem nó về gả bán cho một gia đình mà bà nghĩ con bà sẽ được ăn sung, mặc sướng. Để nó không ru những lời ru buồn vì cái cảnh quanh năm nợ đậy. Để nó không phải nhìn hòai cái khạp gạo nhà mình với những tiếng thở dài… Truyện thì thắt lại lòng người đọc với cái cười ngu ngơ của những người nửa đời loay hoay, bức bối với những cái ác khi lộ, khi ẩn, mà không  hiểu mình phải thóat ra bằng cách nào. Nhưng phim và kịch, thì lại lý giải nó theo một kiểu mà tôi cho rằng rất dở: Đó là đưa sự “lạc quan cách mạng”vào để giải quyết quá chóng vánh, quá là “có hậu” những vấn đề mà cả xã hội hôm nay chưa có lời giải đáp. Đó là những vấn đề còn bỏ ngỏ, còn nhiều hệ lụy khác nữa mà ai cũng có thể dự phần. Dự phần nhưng không thể đi đến cùng, đến tận…Đó là chưa kể, mạch kịch, mạch phim lại cho những nhân vật của mình thỉnh thỏang lại có một chút hài, lấy tiếng cười khán giả mà tôi không hiểu mục đích để làm gì? Khán giả cũng cười, nhưng họ không cười theo cái cách mà nhà làm phim, nhà dựng kịch muốn. Họ cười, như một tiếng cười ngơ ngác, giữa một mạch phim, mạch kịch đang rất xúc động.

Cái kết của truyện “Cánh đồng bất tận” là sự để ngỏ của những phận người tan nát vì cái Ác lộng hành, từ cái ác của người xã hội đến cái ác tự thân. Cái kết của “Chiều vắng” đó là sự gặp lại của Út Lý, Tư Nhớ và Lê. Họ là ba con người vẫn chờ đợi nơi nhau một sự mơ hồ. Mơ hồ mà lại muốn cho rõ ràng. Tư Nhớ gặp lại người vợ cũ giờ đã là một thiếu phụ trung niên bệ vệ, Anh cười ngơ ngác nói: Đây đâu phải Lê, Lê đâu có mập dữ vậy…Nhưng trong phim “Cánh đồng bất tận” lại cho thấy một cái kết “có hậu” đến là “ngơ ngác”. Người đàn ông suốt đời hận thù, để đến nỗi làm tan nát gia đình, đẩy những đứa con mình đến cùng cực đau khổ, lại có thể, sau tai ương của con, cười nhẹ nhõm lui về làm ông lão chèo đò bình dị ngày ngày hiền hòa đưa trẻ đến trường. Còn ở “nửa đời ngơ ngác” khi Lê trở về đẹp, sang trọng, và Út Lý bắt chị mình phải đối diện với Tư Nhớ để có một lời cho rõ, thì Tư Nhớ dường như lại không còn biết gì đến người phụ nữ mà mình thương nhớ, chờ mong mấy chục năm qua. Khán giả khá là “ngơ ngác” chờ mong những lời đau xót từ ba nhân vật có chung bi kịch, thì lại “hân hoan” bước sang một sự mở ra hết sức…tích cực. Mặc dù cảnh trí này được “đạo diễn lý giải” là do Tư Nhớ “ngộ ra” anh yêu Út Lý khi thằng Lụm làm bộ báo tin cô té giếng chết…

Cả phim và kịch đều có đạo diễn, tác giả kịch bản chuyển thể và dàn diễn viên “có nghề”. Họ làm được cho khán giả “cười, khóc” theo mình… nhưng để có thể trở thành những bộ phim, những vở kịch nhân văn thực sự, tôi nghĩ, cần phải có một chút dũng cảm của người làm phim và người dựng kịch. Đó là: những bi kịch hôm nay mà họ thể hiện không phải là bi kịch của ý thức hệ, mà là những bi kịch của đời sống thường nhật của một bộ phận người trong xã hội…Việc đưa bi kịch đó phản ánh bằng nghệ thuật đã là một việc làm nhân văn. Sự nhân văn đó nằm ở khía cạnh phản ánh, chứ nó không nằm ở chỗ giải quyết thế nào. Vì vậy, khi cố “ép” nó vào những “kết cuộc tươi sáng” mà ai cũng biết là “khiên cưỡng” thì sẽ gây ra hai điều hại: một là tính nhân văn của tác phẩm mất đi. Hai là, làm cho khán giả bỗng chốc nghi ngờ cả tính phản ánh của nghệ thuật… và tôi e, lâu ngày, đó là lý do khiến họ quay lưng lại với nghệ thuật nước nhà…

25 nhận xét:

  1. Hehe, entry dài wớ, viết một mạch từ 12 giờ đến 1h30 sáng mới xong...các bạn đọc ngán quá phải không? Nên hông ai chịu còm...hihi!

    Trả lờiXóa
  2. Sau khi tôi coi xong film cánh đồng bất tận dù cũng khóc, cũng cảm thấy film hay nhưng tôi vẫn ray rứt vì film không nói được như truyện,rất nhiều chi tiết làm film giảm giá trị như chị nói, nhưng tôi nhớ khi nhà văn viết truyện cũng đã phải chịu rất nhiều búa rìu do các quan ta gây ra, nên tôi trộm nghĩ nếu film làm như truyện, liệu film có được duyệt, được chiếu hay không nên tôi cảm thấy thương, tội nghiệp cho các người làm nghệ thuật ở ta, thôi xin cứ theo đường hướng lạc quan cách mạng cho nó lành chị ạ. Tôi xin cám ơn các anh chị làm ra những tác phẩm đã làm "mất đi tính nhân văn của tác phẩm", mất đi "tính phản ánh của nghệ thuật" nó có thể làm cho khán giả quay lưng với nền nghệ thuật nước nhà (Nhưng thật ra nền nghệ thuật nước nhà cũng chỉ có rất ít cái đáng xem thôi) nhưng nó cũng đã kéo không ít người tìm đọc các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

    Trả lờiXóa
  3. Em bước sang lĩnh vực phê bình nghệ thuật cũng được quá ấy chứ. Viết hay lắm.

    Trả lờiXóa
  4. Văn của Nguyễn Ngọc Tư đọc thì dung dị, dễ hiểu, nhưng thật ra cái phần chìm khuất mới là dữ dội. Tôi gọi đó là cái phần "vô ngôn". Trong khi phim và kịch lại là những lọai hình "hữu thể, hữu ngôn". Đem cái "hữu hình" để mong chuyển tải cái " vô ảnh" thì là chuyện bất khả thể. Như đọc Tiếu Ngạo Giang Hồ, ngộ ra cái triết lý đao kiếm kỳ tuyệt "vô chiêu thắng hữu chiêu" mà bao nhiêu bộ phim từ tác phẩm này làm ra, dù kỹ lưỡng đến mấy cũng...không thể nuốt trôi cái thần đó. Nên, tôi đi xem phim và kịch, thực ra mừng là mình không ngồi ở cái ghế kiểm duyệt, chứ nếu mà moi ra "vấn đề" thì còn đó hàng tá Anh ạ... hihi! thế cho nên trách cây kéo kiểm duyệt thì cũng hơi oan cho nó. Nhiều khi người ta ...tự nhát mình hoặc là do sức làm chưa tới thì ...kiếm chỗ đổ tại cũng nên... tôi đọc truyện Nguyễn Ngọc Tư khá kỹ, nên coi phim và kịch là chỉ đi tìm cái người ta có thể lấy được "cười khóc" nơi tôi, chứ không mong họ làm được Nguyễn Ngọc Tư phim ảnh và kịch nghệ...

    Trả lờiXóa
  5. Hic, cảm ơn Chị...em hay bị cái tật "viết là tham" nên không viết ngắn được... thời bây giờ, xem nghệ thuật người ta cũng muốn xem ngắn, em phê bình mà phê bình dài hơn cái người ta có, thì bằng tự nói với mình: thôi, đăng trên blog thôi, ít ra, còn có...Chị Yến khen...hihi!

    Trả lờiXóa
  6. Hồi em về VN lần đầu, nhỏ bạn thân dẫn em ra nhà sách mua tặng ngay một cuốn truyện của Nguyễn Ngọc Tư. Bạn em còn nói, ngang cỡ tuổi tụi mình( bạn em hơn em một tuổi) mà Ngọc Tư viết truyện hay quá. Sau khi đọc một lèo em cũng ngẩn ngơ với những tác phẩn của chị. Nhưng kịch và phim chuyển thể thì chưa bao giờ coi.
    Ở bên này có một vài tác phẩm văn học rất tuyệt vời, em mê đắm đuối nhưng khi đi coi phim chuyển thể xong về nhà ấm ức tự hứa không coi phim chuyển thể nữa, em chưa bao giờ thấy bộ phim chuyển thể nào lột tả được như truyện cả. Nên thôi, em thích đọc sách hơn.

    Trả lờiXóa
  7. Mập đề nghị với Ròm cưng một giải pháp: Hãy đi coi phim trước, xong rồi về mới đọc truyện, thì sẽ thấy cả truyện và phim cùng hay... Đó là kinh nghiệm cùa Mập khi coi "Gone with the wind- Cuốn theo chiều gió"...Hen!

    Trả lờiXóa
  8. Em đọc truyện CĐBT lâu lắm rồi nhưng chưa coi phìm này . Đã có không biết bao nhiêu giấy mực bình luận về truyện CĐBT trong suốt thời gian dài , mà em đã đọc . Gần đây là nhiều bài bình luận trên các trang áo mạng / blogs về bộ phim cùng tên . Nhưng bài bình luận này của chị M là 1 trong vài bài bình về bộ phim này mà em thích nhất khi đọc . M. viết mạch lạc dễ hiểu & sự phân tích & cảm nhận của M rất sâu sắc & tinh tế . Có nhiều điều em không cảm được, kô hiểu được khi đọc CĐBT, nhưng qua trang viết (dài nhưng lôi cuốn) của M, em hiểu hơn & cảm nhận được tác phẩm hay hơn . Đọc 4 lần rồi đó ! M. viết bất cứ cái gì , từ ba lơn đến nghiêm túc , từ vui đến buồn, từ cười đến khóc , cũng như vừa hôn vừa nhéo vào tim ngừ ta ! thí ghétttttttttttttt.....
    ha^t' (hugs) cho ba` chit' lun ! :)

    Trả lờiXóa
  9. Lam cưng! Cảm ơn Lam đã khen entry "dài muốn trặc cổ" này... MẬp là Bắc Kỳ 54, nhưng sanh đẻ trong Nam. Xóm Mập ở 6 căn toàn Nam Bộ không, tới em dâu cũng người Nam. Nhưng không biết có phải vì thế, nên Mập thích, quý người Nam Bộ và tính cách của họ. Nên đọc các nhà văn Sơn Nam, Vương Hồng Sển, Dạ Ngân, Lý Lan trước đây đã thích, nay đọc Nguyễn Ngọc Tư thì mê lắm luôn. Cho nên, về nghệ thuật NAm Bộ Mập luôn có xúc cảm là vậy...Nguyễn Ngọc Tư còn nhiều truyện ngắn và tản văn hay lắm, Lam có thích không?

    Trả lờiXóa
  10. em chuye^n ddoc. truyện ngắn và tản văn cua? Tu* ma` ! Tu* co' nhieu` websites ca' nha^n lam' . Em mo` vao` ddoc. hoai` nhung ko^ dde^? lai. da^u' cha^n :)

    M ddoc. Le? cua? NNT ddi , hay lam' !

    uhm, chut' em goi? link (be^n blog em) cho M coi no' heng' ?

    Trả lờiXóa
  11. Hình như là Gió lẻ chứ, phải không Lam, đọc rồi...Hehe, cảm ơn cưng...
    Cà Mau chắc gần Bạc Liêu hè? hihi!

    Trả lờiXóa
  12. Em hôm nay mới đọc được entry này. Vui vui vì hôm ấy được gặp chị.
    http://nld.com.vn/20101106013356200P0C1020/yeu-thuong-va-tha-thu.htm
    Đây là bài viết của em đăng báo Người Lao Động vừa rồi. Chị xem và góp ý cho em nhé. Nó chỉ đơn thuần là một bài giới thiệu, không thẳn thắn như entry của chị. Em cũng đồng ý với chị và bắt đầu ngán...Tư.

    Trả lờiXóa
  13. sau khi đọc entry này của chị em ko biết có nên đi xem hay ko nè...hihi...
    Khi khởi chiếu phim CĐBT em đội mưa đi xem...thất vọng! giờ thì...muốn xem phim hay kịch chuyển tểh từ truyện phải...suy nghĩ lại hìhì....

    Trả lờiXóa
  14. Kim Ngọc ơi! Chị chạy sang báo Người Lao Động coi rồi. Bài viết chân phương, và chị nghĩ đội ngũ người làm kịch sẽ biết ơn những bài viết như của em, nó cho họ có thêm sức lực để đi tiếp. Chị viết blog thì thẳng thắn thế này, vì chị viết cho cảm nhận của mình. Nhưng nếu muốn đăng báo, chị chắc viết cũng phải mềm mại lại một chút. Người làm nghề bây giờ cực lắm, nói thẳng băng như chị thì họ sẽ buồn vì nghĩ đời không hiểu mình..
    Vui được gặp em, nhưng em đừng để gầy nữa, đứng cạnh em chị không tự tin, hehe!

    Trả lờiXóa
  15. Nên đi, vì ta cứ bỏ qua một bên truyện của Tư, sẽ thấy đây là một vở kịch được chăm chút từ người đạo diễn đến dàn diễn viên có nghề...

    Trả lờiXóa
  16. dạ, vậy thì em phải đi...vì em chưa đọc truyện mà :D

    Trả lờiXóa
  17. hì hì, em muốn như chị đâu được, vừa hấp dẫn vừa...ôm sướng, hi hi

    Trả lờiXóa
  18. Khà khà... bởi chị khoái blog, hông có ai chê mà được khen w ài! Cảm ơn em...hihi!

    Trả lờiXóa
  19. Khổ cái lúc em đọc "Cuốn theo chiều gió" thì làm gì có phim ( em đọc hồi học cấp hai lận) Cả mấy cuốn truyện bây giờ cũng vậy, thưòng thì truyện nổi tiếng rồi họ mới làm phim, thế mới khổ, hông lẽ treo mắt chờ họ làm phim cho mình coi xong mới dám đọc truyện hic hic...

    Trả lờiXóa
  20. Ròm cưng, đó là một "thú đau thương" đó...hì hì...còn hông thôi thì ráng đọc...entry của MẬp chớ đừng coi truyện mần chi để khi coi "phin" thì đỡ...tức...

    Trả lờiXóa
  21. Chị chưa đọc "chiều vắng" nhưng đã đọc "cánh đồng bất tân" . Và chị đã nói hơn một lần là chị vẫn yêu những tản văn của NNT hơn những cái truyện ngắn ... nhưng dù thích hay không thích vẫn cám ơn vì có NNT ..

    Điện ảnh VN thì chị lại không mặn mòi lắm . Thật ra tác phẩm càng có nhiều cái "vô ngôn" lại càng khó mà làm phim cho thành phim ...phải có một tác giả chuyển thể có tài , nắm bắt được cái vô ngôn và biến nó thành cái hữu ngôn mà không thô thiển hoặc mờ nhạt , phải có một đạo diễn biến cái hữu ngôn thành cái vô ngôn biết nói ...Chuyện đó nghệ thuật thứ bảy của ta còn phải đợi ...

    Kịch thì đúng là ta có một lớp nghệ sĩ có tài ..nhưng họ cũng không thể làm gì được khi họ có sẵn một con đường để đi tới ...Chính tính sáng tạo có giới hạn đã giết chết sáng tạo M nhỉ ? .Bao giờ ta bước vào rạp để thấy lại cuộc đời và bước ra ngoài rạp để biết để sống thế nào cho ra người thì lúc ấy nghệ thuật thành công .

    Nghệ thuật vị nhân sinh đôi khi cũng chỉ là một cách nói ...

    Trả lờiXóa
  22. Mấy hôm nay chị chạy có cờ ... Xong sáng qua mới hết thiệp do nhiều người đi vắng hoài ... Hôm nay thì ổn M ạ

    Trả lờiXóa
  23. Em chỉ ngạc nhiên một điều Gió: những gì mà truyện ngắn NNT đã dám nói, đã được in, đã nhiều người tìm đọc, kịch và phim mắc cái gì phải né thêm khúc nữa? Nhiều khi đó cũng chỉ là một cách "đổ tại" khi người ta cũng cứ muốn "lấy ngắn nuôi dài" rồi đổ "thài lài sang ...Đông" hehe!

    Trả lờiXóa
  24. Nhiều con thiên nga chết mà không kịp á ... là tại dzị đó M .

    Trả lờiXóa