Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Entry for 15 August, 2011- Ngày Tôi làm bổn phận công dân

           

Hôm nay Tuổi Trẻ đăng bài dự thi “Cảm xúc Trường Sa” của tôi. Cũng như mọi lần, bài viết có những điều nhạy cảm của mình, tôi biết sẽ bị cắt gọt cho “tròn trĩnh” lại. Thật thông cảm cho người biên tập, các anh chị đều muốn đăng những bài “gai góc” để “rộng đường dư luận”, nhưng “đi” được qua cây kéo “kiểm và duyệt” thì hình như là một đoạn đường còn gai góc hơn…

Bài trên TT hôm nay 13/12/2011 : http://tuoitre.vn/Ban-doc/469092/De-gin-giu-tinh-yeu-To-quoc.html và bài “nguyên mẫu chưa tu” hehe!

 

Bài dự thi cảm xúc Trường Sa

Để gìn giữ  lương tri Tổ quốc…

            Tôi là một thanh niên thành phố, lớn lên kịp khi hòa bình đã đến. Những năm tháng chiến tranh với tôi chỉ là những gì tôi được học, được đọc, được nghe kể lại qua Thầy cô, sách báo, phim ảnh và những người lính trong họ hàng. Chỉ vậy thôi, nhưng tôi biết rõ một điều không hề « sách vở » đó là những năm tháng đó sẽ mãi mãi nằm trong ký ức và ghi nhận của cả dân tộc. Đó là sự ghi nhận về cái giá máu xương của nhân dân đã đổ ra để đổi về nền hòa bình cho dân tộc, đổi về sự thống nhất đất nước, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Sự toàn vẹn này không chỉ ở việc xóa bỏ lằn ranh vĩ tuyến 17 trên đất liền. Sự toàn vẹn lãnh thổ còn ở việc cờ Tổ quốc giương cao trên các cột mốc biên cương. Sự toàn vẹn còn phải tính đến những hòn đảo, quần đảo trên mặt Biển Đông thuộc về bản đồ nước ta đã cả ngàn năm nay. Trong đó, Hoàng Sa- Trường Sa đối với lớp thanh niên chúng tôi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ « chỉ là ký ức ».

            Thế nhưng, việc chủ quyền biển đảo của đất nước bị xâm phạm, không hiểu vì lý do gì, những thông tin về sự việc này đến với chúng tôi theo con đường chính thống rất muộn. Muộn, nhưng bằng vào sự quan tâm của mình một cách có trách nhiệm, chúng tôi buộc phải mày mò tìm hiểu và các trang mạng xã hội là nơi chúng tôi nhắm đến. Bước vào thế giới mạng, tuy nó được nhận định đa phần là ảo, nhưng thực ra, thanh niên bây giờ không chỉ có những nhóm người chỉ biết xài tiền chơi ngông, vô công rỗi nghề, thích nổi loạn, gây rối hoặc ẽo ợt như những người thuộc « thế hệ gối ôm », mà vẫn còn một bộ phận đông đảo thanh niên hướng đến Hoàng Sa- Trường Sa, những vấn đề lý tưởng tuổi trẻ bằng tất cả nhiệt tâm của mình. Nếu ta biết bỏ qua một bên những ý đồ đen tối manh nha đâu đó cho việc kích động hòng gây rối,  thì sâu xa trong những lời kêu gọi tuần hành, thực sự có những tấm lòng thanh niên hướng về Hoàng Sa- Trường Sa. Với họ, Hoàng Sa – Trường Sa là một bộ phận không thể tách rời với cơ thể đất nước. Với họ, việc để một mảnh đất Tổ quốc mất đi dù nhỏ nhất cũng là điều không thể chấp nhận. Họ, cũng như chúng tôi, tuy chỉ là những người được thừa hưởng sự hy sinh của các thế hệ đi trước,  nhưng điều đó không có nghĩa, chúng tôi cho phép mình thờ ơ với cái giá máu xương mà bao thế hệ cha ông đã phải đổ ra để giành lại Tổ quốc này. Với chúng tôi đó là cái giá của lương tri.        

Bằng suy nghĩ riêng của mình, tôi cũng hiểu vấn đề Biển đảo Biển Đông hiện nay rất phức tạp. Rằng việc chúng ta đấu tranh để đòi lại chủ quyền ở  Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa là vấn đề cần có thời gian, cần có chiến lược không đơn giản và phải bình tĩnh, sáng suốt. Thế nhưng điều đó không có nghĩa là ta phó mặc mặt trận đấu tranh cho thương lượng ngọai giao. Trong quá khứ xa xưa, nhà Lý đánh Tống, Trần Hưng Đạo ba lần chiến thắng giặc Nguyên Mông, Nguyễn Trãi và nhà Lê trong cuộc khởi binh chống quân Minh, rồi gần đây, trong  2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hoặc ở cuộc chiến biên giới phía Bắc, phía Tây Nam năm 1979 chẳng phải, chúng ta – trong thế yếu hơn nhiều lần- đã chiến đấu và chiến thắng những thế lực ngọai xâm hùng mạnh bằng nhiều mũi giáp công? Trước vấn đề tranh chấp Hòang Sa – Trường Sa trên Biển Đông, thanh niên chúng tôi cho rằng, bên cạnh việc thương lượng ngọai giao, bên cạnh việc tranh thủ  lẽ phải của luật pháp quốc tế và sự đồng tình của dư luận thế giới, chúng ta vẫn phải dựa vào chính tiếng nói đanh thép, sức mạnh của tinh thần quật cường dân tộc là chính trong việc bày tỏ thái độ trước những hành vi xâm phạm chủ quyền của đất nước mình một cách ngang ngược của một số nước láng giềng.

Ngày 15/08/2011 vừa qua, ngày tựu trường của học sinh tòan thành phố, được sự cho phép của Thầy Hiệu trưởng, tôi đã lên sinh họat với hơn 1800 học sinh của Trường trong chủ đề Biển Đảo Tổ quốc ta. Tôi nói với học sinh của mình không dài lời, chỉ gói gọn trong những ý «Biển đảo đâu phải chuyện của một nhúm người. Nó là chuyện của “trăm họ”, và chính là chuyện nếu hôm nay thế hệ các Thầy Cô chưa làm được cho sự vẹn nguyên của nó, thì trách nhiệm sẽ là của các con trong tương lai…Cho nên để làm tốt trách nhiệm này, các con phải chuẩn bị tư thế “gánh trách nhiệm” đó ngay  từ bây giờ” . Tôi kết thúc bài sinh họat chưa đến 10 phút của mình bằng bài thơ Những huyết cầu Tổ quốc của Blogger Đinh Vũ Hòang Nguyên. Trong bài thơ có nhiều từ lạ và học sinh của tôi có thể không hiểu hết, nhưng bằng vào việc các em vỗ tay rân trời và hô vang Hòang Sa – Trường Sa sau khi tôi ngừng ở cuối bài thơ, bằng vào việc sau đó chỉ trong vòng 3 ngày bằng tiền tiết kiệm ăn sáng, các em đã đóng góp cho cuộc vận động “Góp đá xây Trường Sa” của Báo Tuổi Trẻ  số tiền 11 triệu đồng, những học trò nhỏ đã gầy dựng trong tôi niềm tin rằng, Hòang Sa – Trường Sa chắc chắn sẽ trở về nguyên vẹn trong lòng Tổ quốc ta. Trở về bằng chính những việc làm nhỏ nhất, nhưng cụ thể nhất của tuổi trẻ hôm nay. Viên đá xây dựng Trường Sa hôm nay không chỉ đơn giản là gìn giữ những gì còn lại, mà nó phải được hiểu như chúng ta đang đắp lũy, xây thành cho một trận chiến “đòi đất” hứa hẹn phải lâu dài. Ngọn đèn thắp sáng trên nhà giàn DK1 không chỉ đơn giản là thắp sáng một vùng biển, mà nó còn là tín hiệu khẳng định vị thế làm chủ của ta nơi biển trời thăm thẳm kia.

Sáng 15/08/2011 hôm ấy là một buổi mai mát lạnh, trong lành sau những cơn mưa đêm trước, sau phần sinh họat của mình, tôi đã chảy nước mắt vì không khí mà học sinh mang đến trong buổi chào cờ.  Tôi chảy nước mắt trong niềm vui về những người trẻ của mình với vận nước tương lai, và tôi tin, các em sẽ lớn lên, sẽ biết gìn giữ cẩn trọng và tự hào về lương tri Tổ quốc mà ông cha để lại bằng máu xương hôm qua ...khởi đi từ những động thái ý nghĩa nhất.

Lâm Minh Trang ( Gò Vấp)

P/s: Cảm ơn blogger Đinh Vũ Hoàng Nguyên và bài thơ của Anh

Những huyết cầu Tổ Quốc


Xin lỗi con!

Khi hôm qua ôm con

Có một phút giây, ba chợt xiết con vào lòng hơi mạnh

Ba làm con đau!

Bởi hôm qua

Ba đọc câu chuyện về đồng bào mình – những huyết cầu* Tổ quốc.

Máu lại tuôn…, xô dập, mảnh ván tàu…

Con ơi

Ba sẽ kể con nghe

Câu chuyện những ngư dân

Đang hóa thân thành hồng cầu*

để Trường Sa, Hoàng Sa  

Vẫn là thịt trong huyết hình Tổ quốc.

Con phải khắc tâm

Câu chuyện những bạch cầu*:

là 58 người lính Việt Nam chết giữa Hoàng Sa.

là 64 người lính Việt Nam chết giữa Trường Sa.

Những con số sẽ không là con số

Khi ngẩng đầu: Tổ quốc 4000 năm.

Mỗi con đường – mạch máu đất nước mình

Vết thương đạn bom vừa yên trong đất

Vọng phu còn trên nét mặt mồ côi.

Nhưng những mũi tàu vẫn xẻ trùng khơi

Nơi sóng rẽ cũng là nơi máu chuyển

Và trong mỗi người Việt mình có mạch máu nối liền với biển

Mạch máu này con phải thấy bằng tim

Nếu một ngày sóng nộ, cường lên

Giữa lòng Việt bốn nghìn năm cũng dậy.

Thứ lỗi cho ba

Khi bài thơ đầu đời cho con, không thể bình yên!

Kẻ thù lăm le cướp biển nước mình

Đất nước bốn nghìn năm trên sóng

Đừng quên: sau lời thề, lông ngỗng…

Giai nhân, huyết ngọc đổ bên trời.

Một ngày

Khi con nếm trên môi,

Con sẽ thấy máu mình vị mặn.

Bởi trong máu luôn có phần nước mắt

Ta hiểu căm thù, ta biết yêu thương.

Con sinh ra rạng rỡ một huyết cầu

Của đất nước bốn nghìn năm không ngủ

Để điều này lớn lên con hiểu

Bây giờ, ba phải kể cùng con.

Đinh Vũ Hoàng Nguyên.


 

 

41 nhận xét:

  1. Cho bóc tem 1 cái roài đọc sau được hong ?

    Trả lờiXóa
  2. Bài trên blog hay hơn trên báo, vì đó là tất cả tấm lòng của M. Nhưng trên mặt báo, phải "tu" vậy cho "vừa vặn" em à. Chúc bài này được giải báo TT nhé.

    Trả lờiXóa
  3. Sáng nay chị đọc bài này trên TT và ...hổng nhận ra MM , nghĩ ngay đến chuyện bài M bị gọt như gọt củ su hào ... Bởi vậy chị ghét cái dzụ tham gia với mấy tờ báo bi giờ ghê ... Cứ như mình bị thẩm mỹ viện làm ...xấu đi vậy .
    Vầy mới là M chớ

    Trả lờiXóa
  4. 2 bài, khác nhau một trời một vực, và mất tiêu bài thơ hay thế kia của Bói, haizzzz

    Trả lờiXóa
  5. Em ạ, thông cảm cho nghề "lách" của báo chí bây giờ nhé.
    Còn được như vậy là hay lắm rồi đó.

    Trả lờiXóa
  6. Hình dung ra cảnh chị nói trước 1.800 học sinh thật hào sảng và cảm động.

    Trả lờiXóa
  7. Hihi, được chớ Bạn hiền! Vì chứng tỏ, Bạn "nhấm nháp" Mập kĩ lắm, mừng thay!

    Trả lờiXóa
  8. Đặng mình có cớ off hen Chị!

    Trả lờiXóa
  9. Em cũng biết, nhưng cứ tham gia Chị à... ít ai bây giờ còn giữ cái giọng "đao to búa lớn" như em hehe, em giống dân giang hồ w ớ!

    Trả lờiXóa
  10. Cũng còn chút ít cái thần, có điều hơi mờ hén Ka, và tiếc là mất tiu bài thơ của Bói, đúng thiệt là!

    Trả lờiXóa
  11. Mập cũng vui vì học sinh của mình sao cứ thấy Mập lên nói là tụi nó vỗ tay. Sau khi nói xong, chưa kịp "kiu gọi" thì nó vỗ tay còn ...to hơn... chắc mừng là cô Mập đã nói hết òi, hehe!

    Trả lờiXóa
  12. Bài dự thi có 1000 chữ thì bị gọt cũng đúng, có điều gọt như thế nào thôi.
    Chúc mừng đã được đăng lên báo nhé Mập ơi!

    Trả lờiXóa
  13. Đọc ở kia
    Và đọc ở đây
    Và khóc!
    Cám ơn Mập cưng.

    Trả lờiXóa
  14. Đọc bài này thích lắm... Cảm động khi hình dung MM đứng trước 1800 em học sinh chỉ với 10 phút mà đã nói lên được vấn đề lớn đến như vậy.
    Kỳ này họ gọt dũa lại cũng gọn lắm nhưng vẫn còn gai góc vẫn là những vấn đề thời sự nóng bỏng. Ôm MM một cái thật chặt.

    Trả lờiXóa
  15. Dạ, em cũng hiểu là phải gọt, nhưng gọt mấy câu "tâm tư" thì em tiếc Chị à...
    Cảm ơn Chị!

    Trả lờiXóa
  16. Em chọc cười Chị Ba nhiều hơn ghẹo khóc, nên lâu lâu phải cân bằng, kẻo trái đất nó nghiêng thim! hic!

    Trả lờiXóa
  17. hic.. chị cứ tưởng bài này là bài được đăng báo.. đọc xong bài này rồi theo link qua bên kia... đúng là họ cắt nhiều quá.. làm bài báo bị khô đi không còn cảm giác rờn rợn như đọc ở bên này.

    Trả lờiXóa
  18. Kỳ này gọt đỡ hơn mấy kỳ trước hen Chị...

    Trả lờiXóa
  19. Một bài viết có 1246 từ (Không tính bài thơ) cắt gọt lại còn 473 từ, gần 2/3 thì không được gọi là cắt gọt, mà phải gọi là chặt đầu, moi tim, chặt tay chân, của bài viết, nó làm mất đi cái tình, cái thần của bài viết. Chỉ những gì đến từ trái tim mới đến được trái tim. Sau khi đọc bài "được" gọt dũa lại tôi lại thấy căm giận cho việc cắt gọn, nó làm cho bài của chị giống như một bài quảng cáo cho một chương trình của báo tuổi trẻ, nó đã phụ lòng những người tâm huyết như chị và phụ lòng 1800 em học sinh đã đồng cảm với chị. Thất vọng quá chị ơi!

    Trả lờiXóa
  20. Làm sao được Bạn hiền... đó là cái lẽ "sống còn" của Báo sau sự kiện "mất người". Giờ thì người ta chỉ có thể giới hạn "gai góc" một thời làm nên "thương hiệu" ở chỗ cố mà đăng những bài có cái gốc tốt...Anh đọc bài của tôi rất kỹ, điều này giá trị gấp mấy lần cái người ta đăng...

    Trả lờiXóa
  21. Bạn em cũng nói đọc ở blog thấy muốn cầmsúng như "người mẹ cầm súng", em vốn có máu đùng đòang mà Chị... hehe!

    Trả lờiXóa
  22. Đọc bài trên báo của MM hồi sáng, bây giờ đọc trên blog, đúng là khác xa nhau. Nhưng mà đứng trước 1.800 học sinh thì nói chắc chắn là "hào sảng" hơn rồi, còn bài báo thì họ cắt bất kể để cho đủ cột bài đó thôi thành ra xót ruột thiệt chứ hen. Dù sao thì ít nhất MM nhà mình cũng làm vang động ở 1 cái trường và 1 cột báo với chuyện biển đảo Việt Nam đây. Bửa nào ốp ở đâu để thưởng em nghen.

    Trả lờiXóa
  23. Chị MM à, in được thế cũng là mừng rồi. Mình được dịp bày tỏ một chính kiến, một tấm lòng. Sẽ vui hơn nếu biết những người cắt bài của mình họ cũng đau!!!

    Về bài thơ thì em xác định bài thơ chỉ sống ở blog ngay từ khi viết nó rồi. Mình viết cho con, cho niềm xúc động của mình, và nếu gặp được những tấm lòng tri âm thì càng tốt. Cái đó mới là điều quan trọng mà chị!

    Bài viết này của chị làm em xúc động thêm lần nữa, dù đã nhiều lần xúc động vì tình cảm chân thành và mạnh mẽ trong chị...

    Trả lờiXóa
  24. Những entry của Lão dù ba lơn hay đau đời, luôn thấy có một tấm lòng. Câu này ở còm mà Mập quote lại đây là một minh chứng...
    Thiệt là muốn cảm ơn Lão nhiều lần///

    Trả lờiXóa
  25. Em không đọc bài trên báo tuổi trẻ (chị TC có giựn hem?) vì đọc ở đây đã thấy tấm lòng của 1 công dân, của người đi trứơc và của một người thầy dành cho thế hệ mai sau. Những gửi gắm, kỳ vọng về sự toàn vẹn lãnh thổ mong là sẽ được toại nguyện.

    Trả lờiXóa
  26. Ai cũng mong hén May? Mong là ai cũng được toại nguyện...

    Trả lờiXóa
  27. Mãi đến hôm nay, "người bận rộn" mới có thời gian vào nhà em và có những khám phá thú vị! Cám ơn em.

    Trả lờiXóa
  28. Chị xong một "công trình" rồi, em mừng Chị mới đúng, hehe!

    Trả lờiXóa
  29. Hehe, được Lão PR cho, còn gì bằng, cảm ơn nghen Lão bằng hữu!

    Trả lờiXóa
  30. Lần đầu em đọc bài này từ 1 trang điểm tin ABS (điểm bài này 2 ngày liên tiếp).

    Trả lờiXóa
  31. Cảm ơn Lão! Mình chỉ cộng tác với duy nhất TT. Tờ báo này nơi mình là sự trân trọng và tình cảm lớn lắm... điều này thì không thể thay đổi, nên mọi cắt xén bài từ BBT Tuổi Trẻ, mình tiếc nhưng không trách, vì hiểu...

    Trả lờiXóa
  32. Mình thì mong Bạn đọc từ blog này thôi...

    Trả lờiXóa
  33. Có những hành động, câu nói, dù chỉ xảy ra trong khoảnh khắc, nhưng có khả năng tạo hướng đi cho cuộc đời người khác, nhất là đối với người trẻ như những học sinh của chị. Và chắc chắn đó là hướng đi tốt, như bài viết đầy ắp tình cảm thật đẹp của chị. Hy vọng có nhiều trong số 1800 em lắng nghe chị hôm đó giữ được cảm nhận nóng bỏng hôm đó lâu dài.

    Tôi nhớ có lần nói với chị Gió Heo May rằng học sinh của chỉ là những học sinh may mắn. Câu này cũng xin nói với chị.

    Trả lờiXóa
  34. Dạo này nơi trẻ em học sinh của chúng tôi xảy ra nhiều việc không hay, tôi nghĩ, không chỉ do các em mà phần lớn là từ người lớn chúng ta Anh ạ. Và tôi nghĩ, dạy cho các em có trách nhiệm với chính bản thân cũng làcách làm cho các em có trách nhiệm với cộng đồng sau này... cộng đồng đó có ông bà, cha mẹ, anh em, có xóm giềng và rộng ra mới là xã hội. Đao to búa lớn, nhưng làmcác em vô cảm nhiều hơn, thì cũng là một thứ ...đồ tể... tôi nghĩ riêng mình như thế...
    Cảm ơn Anh...

    Trả lờiXóa