Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

Entry for 12 September - Trung Thu đọc thơ lục bát...

Tâm sự Nàng Thúy Vân

Trương Nam Hương

Nghĩ thương lời chị dặn dò
Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh.
Chị yêu lệ chảy đã đành
Chớ em nước mắt đâu dành chàng Kim
Ơ kìa sao chị ngồi im
Máu còn biết chảy về tim để hồng
Lấy người yêu chị làm chồng
Đời em thể thắt một vòng oan khiên.
Sụt sùi ướt cỏ Đạm Tiên
Chị thương kẻ khuất đừng quên người còn
Mấp mô số phận vuông tròn
Đất không thể nhốt linh hồn đòi yêu.
Là em nghĩ vậy thôi Kiều
Sánh sao đời chị ba chiều bão giông .
Con đò đời chị về không.
Chở theo tiếng khóc đáy sông Tiền Đường.
Chị nhiều hờn giận, yêu thương
Vầng trăng còn lấm mùi hương hẹn hò.
Em chưa được thế bao giờ.
Tiết trinh thương chị đánh lừa trái tim.
Em thành vợ của chàng Kim.
Ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao.
Dấu đầy đêm nỗi khát khao
Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu!

Trong các thể thơ tôi được học, được biết, lục bát là thể thơ tôi…ghét nhất. Đã có thời gian, tôi cho rằng thơ lục bát là…thơ “sến”. Mặc dù vậy, vẫn ghi nhận người đọc nơi tôi có chút công bằng, khi tôi thích Truyện Kiều của Nguyễn Du và thơ lục bát của Nguyễn Duy. Thầy dạy Văn cho tôi năm lớp 11, khi nghe tôi chê bai thơ lục bát, đã nhìn tôi đầy thương hại và nói: M. ơi, thơ lục bát là “đặc sản” của văn chương Việt Nam mình, là thể thơ nhất hạng…tuy coi tôi là kẻ “dở hơi” dám chê thơ lục bát, nhưng vào những giờ giảng văn về Truyện Kiều, hôm nào tôi nghỉ, bạn bè lớp tôi nói lại Thầy giảng kém hào hứng hẳn đi. Bởi tôi là đứa rất hay đứng lên vặn vẹo về Truyện Kiều. Từ những vặn vẹo đúng đắn theo bài, tôi còn có nhiều vặn vẹo theo kiểu… bất mãn:

-Thưa Thầy, sao con nghe nói nhà Kim Trọng giàu thế mà có 300 lạng bạc không cho Kiều mượn được để đến nỗi cô ấy phải bán mình?

-Thưa Thầy, cứ như lời tả thì Sở Khanh có tuồng ẻo lả như …gà mái, sao Kiều không thừa cơ …đá cho hắn một cái rồi…chạy?

-Thưa Thầy…con e là Nguyễn Du rất phân biệt giữa người ốm và người mập??? Trong khi trao cho Kiều bao nhiêu phẩm chất, bao nhiêu đọan trường, thì Ông gần như … quên hẳn Thúy Vân… có phải tại Vân khuôn trăng đầy đặn, nét ngài …nở nang nên Ông…ghét?

Đại lọai là như thế, và lần nào tôi hỏi, lớp cũng được tràng cười vỡ bụng và Thầy thì méo xệch khi thấy tôi bôi bác Truyện Kiều… Sau này lớn lên, ra đời, chạm mặt với nhiều trần ai trong cuộc sống, tôi chợt hiểu: Câu chuyện nào dù hay tới đâu thì cũng chỉ nên có 1 bi kịch. Bởi vì, nếu Nguyễn Du nhắc đến Thúy Vân, thì 15 năm Kiều chìm nổi sẽ là 15 năm bi kịch khác của Vân. Vậy thì chưa chắc 15 năm của ai mới thực sự làm nên chuyện. Đời Kiều nếu nhiều kịch tính, thì đời Vân chưa chắc đã bằng phẳng. Đến khi tôi bắt gặp bài thơ này của Trương Nam Hương – quãng năm 95-96 thì phải- tôi mừng khi thấy chẳng phải chỉ có mình mình nghĩ thế:Nghĩ thương lời chị dặn dò/ Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh. Chị yêu lệ chảy đã đành. Chớ em nước mắt đâu dành chàng Kim... những ai đã từng yêu, có một người mình yêu, thì sẽ hiểu: Yêu một người nhiềuquá, khổ một. Yêu một người mà người dó không yêu mình thì khổ hai. Nhưng yêu một người mà người đó cứ nhìn mình là nghĩ về người khác  thì gọi bằng  chết sướng hơn!  Thúy Vân trong Truyện Kiều của Nguyễn Du đã rơi vào tình thế như vậy. 15 năm sống với một ông chồng do…chị mình …để lại ( y như tục nối dây của đồng bào miền núi!). Xác thì ông ấy để bên mình, hồn vẫn đi về Vườn Thúy. Nghe đâu có tăm tích người xưa là ông ấy băm bổ đi tìm. Thì dẫu đó là chị mình, là người vì gia đình- trong đó có mình- mà hy sinh, thì trong lòng cũng khó mà chịu được. Không chịu mà vẫn phải chịu đó là tâm trạng: Chị nhiều hờn giận, yêu thương. Vầng trăng còn lấm mùi hương hẹn hò. Em chưa được thế bao giờ. Tiết trinh thương chị đánh lừa trái tim…

Đó là cảnh ngộ: Lấy người yêu chị làm chồng. Đời em thể thắt một vòng oan khiên…

Đọc những câu thơ này, cứ hình dung cảnh 15 năm, hơn bốn ngàn năm trăm đêm “đồng sàng dị mộng”, hơn bốn ngàn năm trăm đêm biết mình cũng là một vật hy sinh, phải nói, so với những đọan trường Kiều trải trong 15 năm, cái đọan trường chăn êm gối ấm của Vân cũng không kém phần bi kịch. Bởi trong 15 năm Kiều lưu lạc… ngòai Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến… tất cả những người đàn ông khác đến với Kiều đều yêu Kiều điên đảo. Mà thực ra, ngay Hồ Tôn Hiến – nếu không vì có cái ghế và bổng lộc cần giữ- thì chắc cũng đã “ đưa Kiều về dinh”… Trong cuộc đời quan trường lợm giọng của hắn, chắc chỉ có lần này “Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình”… trong khi Vân thì ngậm ngùi một lẽ  Em chưa được thế bao giờ… Vân có yêu Trọng không? Có lẽ, khi Kiều mắt còn nhòa lệ bên mộ Đạm Tiên, thì Vân đã sớm nhìn thấy Trọng từ xa. Con tim Kiều rung lên như thế nào thì con tim Vân hẳn cũng rung lên như thế…nhưng quả là, cái đẹp phải thêm chút cái liều. Vân đâu thể leo rào sang Vườn Thúy ( mà tôi có lần đã tếu táo là: Do nở nang nên không leo nổi…), Vân đâu thể thả hồn mình cho sự lãng mạn, bởi vì thiên tư của Vân khác Kiều. Cái khác đó mở ra hai bi kịch trong cùng một gia biến. Nhưng Nguyễn Du do thương hương óng ả, tiếc ngọc truốt chau- tôi nghĩ vậy- đã chọn Kiều để trang trải tình yêu trong lòng mình dành cho ai đó. Cho ai mà cuộc đời thực cũng truân chuyên không kém đời Kiều… Nguyễn Du đi sứ, ông là một người uyên bác, có lý đâu lại chọn một tác phẩm “tầm thường”- dù là của đại bang- để biên tập lại thành một tác phẩm trước tác của mình. Ông chọn Thanh tâm tài nhân truyện là bởi nhìn ra trong cuộc đời Kiều có hình ảnh cuộc đời người con gái ông yêu. Và bởi trượng phu tim chỉ một, nên trong bi kịch của nhà họ Vương, ông buộc phải tàn nhẫn đẩy Vân vào quên lãng…

          Tôi thích truyện Kiều, thích Kiều và không quên Thúy Vân….Càng không thể quên Vân khi hình dung cảnh : Em thành vợ của chàng Kim.Ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao. Dấu đầy đêm nỗi khát khao. Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu!

          Kiều là một người nhạy cảm và tinh tế, thậm chí quá nhạy cảm và quá tinh tế, nên khi gặp lạigia đình, trong bóng mát đòan viên, Kiều nhanh chóng nhận ra câu hỏi Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu!  từ đứa em gái yêu mến của mình nó tràn đầy bóng tối. Và đó có lẽ là lý do vì sao Kiều nhất định không quay về bên Trọng, nhất định biến mối tình “cầm sắt thành ra cầm kỳ”… nhất định chọn con đường giữ cho nhau những hình ảnh đẹp nhất của đêm Vườn Thúy. Nhưng không chỉ giữ những hình ảnh đẹp, người làm chị đó còn không muốn mở lại từ sự trở về của mình một đọan trường bi kịch khác cho Vân…

            Vì vậy, Truyện Kiều với tôi, là một truyện – trong truyện, bi kịch- trong bi kịch đẹp lung linh…







36 nhận xét:

  1. Chị mới đọc một nửa thôi nhưng thú vị quá , thích thú quá ..cười khoái trá quá nên ngưng đọc ...la 1 tiếng rồi đọc tiếp nghen M !!!

    Trả lờiXóa
  2. Hay quá M ơi ... Chị cũng yêu truyện Kiều từ năm lớp Đệ Tứ ...biết ngồi phân tích với bạn bè về nhân vật Kiều từ năm Đệ tam nhưng hiểu nhân vật Thúy Vân như M thì chị bái phục ...
    Bài bình của M làm bài thơ của TNH sáng ra dù bài bình khởi đi từ đấy ...!
    Cám ơn ta có truyện Kiều
    ... cám ơn bài thơ của TNH và cám ơn bài bình tài hoa của M ...

    Trả lờiXóa
  3. Hehe, Gió... năm 1995, em chọn bài thơ này và viết một bài bình để sinh họat câu lạc bộ hôm 8/3. Trời ơi, bữa đó em và Tổ Văn nổ ra một trận tranh cãi kinh người nhưng hết sức thú vị...
    Bài bình đó mất rồi, vì viết tay...
    Nên nay em viết lại ý của mình ngày đó, có mở rộng... Cảm ơn Gió...

    Trả lờiXóa
  4. Hay quá bạn ơi. Tui cũng phải nói là mê truyện Kiều, nhưng cũng chỉ hiểu và cảm trong những gì đựoc học, (hổng có sáng tạo, phải hông?).

    NHưng mà.... Thúy Vân là người vô tư, chắc gì nàng đã nghĩ ngợi đa đoan như Kiều? Mà cũng có thể Kiều hiểu em mình nên mới giao cho Vân "nối dây" như thế. Nếu, nếu, nếu...
    Phải không?

    Trả lờiXóa
  5. Mọi người có lẽ cũng như Bạn, trong khi gia biến, Kiều lo lắng thổn thức thì Vân vẫn cứ...thẳng cảng... nhưng Bạn ơi... đối phó với biến cố hẳn đâu chỉ có một cách...mất ngủ...
    Vả lại cho dù là vô tư đến đâu... Vân cũng đâu thể không hiểu sau 15 năm sống bên Kim Trọng, mình có vị trí như thế nào trong lòng người đàn ông đó...
    Kiều cũng hiểu,nên... theo tui là vậy...

    Trả lờiXóa
  6. Ồ, những suy nghĩ độc đáo của M làm chị thật bất ngờ và thú vị quá đi. Cảm ơn M nhé. Lần đầu tiên chị gặp một người, M, thương và hiểu Thúy Vân sâu sắc như vậy. Đồng ý với Gió, một bài bình thơ tài hoa.

    Trả lờiXóa
  7. Chu cha ơi! được tới hai đại tỷ Văn Khoa ban khen, sướng hơn được giải Nobel văn chương... Cảm ơn Chị, rất cảm ơn!

    Trả lờiXóa
  8. Không ngờ bạn Mập tui viết bài bình hay thế.

    Mình đọc truyện Kiều mà chẳng thích chàng Kim Trọng, chỉ thích Từ Hải thôi.Chỉ Từ Hải mới ra đấng nam nhi cao thượng.

    Mình nghĩ Thuý Vân cũng đơn giản, vô tư. Nhưng thật ra, ngoài lòng thương chị,Thuý Vân không hề đơn giản: "Em thành vợ của chàng Kim. Ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao. Dấu đầy đêm nỗi khát khao. Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu!" Đây chẳng qua là sự hi sinh thôi.

    Thuý Kiều hình như có một chút ích kỷ khi gửi gắm Kim Trọng cho Thuý Vân.

    Trả lờiXóa
  9. Hum nay Chụt được mở mang thêm về Truyện kiều áh Mập. Cho Chụt copy - post chi mí đứa bạn tụi nó đọc nha Mập. Thén- kiu M :)

    Trả lờiXóa
  10. lần đầu tiên em đọc bài thơ và 1 bài bình về Vân hay như thế này...

    Trả lờiXóa
  11. Em có đọc bài thơ loáng thoáng đâu đó mà....không ấn tượng gì vì không hiểu rõ mấy, cho đến khi đọc bài bình của chị thì mới vỡ ra nhiều điều. Cảm ơn Mập.

    Trả lờiXóa
  12. Thực ra nói một cách cho công bằng- theo Mập- thì khi yêu ai cũng ích kỷ. Trong cơn gia biến, là con gái đầu lòng phải gả bán cho người khác để cứu nhà, Kiều chỉ nghĩ đơn giản mình là người phản bội. Thôi thì "tình chị mà duyên em" cũng là "bù đắp"... nhưng cũng là bởi tình yêu thời ấy nó ...hơi ngộ. Hén!

    Trả lờiXóa
  13. Cứ thỏai mái copy đi Chụt cưng... Mập còn cảm ơn vì được PR mà hehe!

    Trả lờiXóa
  14. Là do, chắc Mập nói về một người quen mà lạ trong một chuyện vừa quen vừa lạ là Truyện Kiều...
    Cảm ơn Em...

    Trả lờiXóa
  15. Mập đọc nhanh quá, cứ ngỡ câu của M. là " đọc bài bình của Chị muốn ném vỡ vài thứ..." hehe!
    Cảm ơn Thithao...

    Trả lờiXóa
  16. Em đọc bài thơ thấy không hay, thậm chí có mấy chỗ gieo vần hơi bị lệch, nhưng bài bình của chị rất hay và cảm động! Nếu chị dạy văn chắc học trò sẽ thích lắm, nhưng bây giờ chắc GV dạy văn đâu có thời gian để phân tích nhân vật Thúy Vân phải hôn chị?

    Trả lờiXóa
  17. Từ trước, tui cứ nghĩ mình không là "đệ nhất Việt văn" thì cũng nằm trong bảng Top 10 tiếng Việt, hihihi
    Dzô trong mul này một thời gian, mới thấy mình thật là "xuống cấp đột xuất" một cách thảm hại!!! hahaha
    Mấy hôm nay đợi bài "bình" của MM để ba lơn cho vui, ai ngờ, đọc xong chợt thấy mình còn hơn Châu Du, ngộ ra rằng, mình chỉ là con ếch to tổ bố, nằm dưới đáy giếng sâu thăm thẳm!! kha khen mi MM !!
    Ngộ phải páo thù ! ngộ phải páo thù !!!

    Trả lờiXóa
  18. Hehe, Mập dạy Địa Em à... và là một bà giáo vừa già, vừa dữ lại ...vừa béo. Dạy Văn muốn cho hay phải là những người tha thướt... như Chị Gió. Tha thướt cả dáng hình và cả tâm hồn. Chớ Mập mà dạy Văn thì chỉ dạy ...Trạng Quỳnh- Tú Mỡ là hay nhất... hihi!
    Cảm ơn Em... thiệt ra Văn rất linh động, Em muốn có Thúy Vân giờ nào thì sẽ có, nếu thật muốn... còn không thì chỉ toàn Tú Bà với Mã Giám Sinh cũng hết hơi rồi Em à...

    Trả lờiXóa
  19. Hehe, câu Khá khen mi thì giống giọng điệu ... nguoigiaonline...
    Còn câu Ngộ phải páo chù! thì giống lời của Lão Gà Mên trong Xì TRum....
    Bình tĩnh đi Anh... có câu "cao nhơn tắc...tị" hehe!

    Trả lờiXóa
  20. Tui nói chuyện này cho bạn nghe nhé, tui là người mê Truyện Kiều, tui dạy thêm BTVH buổi tối vì toàn là người lớn nên đã từng ăn gian giờ giảng thơ tác giả khác để bù qua cho chuyện tui tám thêm giờ trong những đoạn Kiều mà tui thích, thí dụ như về cô Hoạn Thư, cái chuyện ghen tương kiểu Hoạn Thư hồi đó cho tui có 1 tiết làm sao tui nói cho đủ. Nên nhân vật Thúy Vân tui cũng hay ăn cắp giờ khác trong chương trình để bù vô chuyện tui tám thêm: Thúy Vân cũng đoạn trường như Thúy Kiều. "Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa"... Nhận có một lạy của bà chị, 15 năm phải lấy người yêu của chị làm chồng, không biết 15 năm đó cha Kim Trọng đối với Thúy Vân ra sao, nhưng vừa thấy Thúy Kiều trở lại, chả nói liền : "Chữ trinh kia cũng có 3, 7 đường". Trời đất ơi, sao không ai tội nghiệp cho Thúy Vân hết vậy, nói cụ Nguyễn Du bỏ quá cho, cụ lại cũng yêu Thúy Kiều hơn Thúy Vân rồi!
    Rồi cũng tại chuyện tui nói thêm về Thúy Vân, nó không có trong pháp lệnh giáo án, có một bữa cao hứng quá tui quên có quan chức ngồi dưới dự giờ, kết quả tui bị nhắc nhở về chuyện không nói thêm ngoài giáo án, may là hồi đó thiếu giáo viên, nên dạy thêm buổi tối BTVH là vì nhiệt tình thành ra tui chưa bị "mất dạy" ngay lúc đó.
    He he! Thiệt tình là tui mong hội Dã quỳ quá đi. Mà chắc chắn MM phải đi mới được, trong vài đêm trên đó có một đêm ta nói về truyện Kiều đi... cho đã thèm hén.

    Trả lờiXóa
  21. Dạ, em cũng mong, chỉ cầu trời là sẽ đi được, chớ hông là tiếc chết...
    Nhưng Chị ơi, em hông phải dân chuyên nghiệp với Truyện Kiều, hiểu biết của em sâu sắc như cơi đựng trầu á Chị... hehe!

    Trả lờiXóa
  22. Em dạy Địa vậy chớ cũng hay ăn gian giờ tám wa Văn, hihi!
    Em hỏi học trò địa lý vùng miền ảnh hưởng đến văn chương thế nào? Học trò nói tùm lum, em mới bình tĩnh giải đáp:
    -Như Nguyễn Du viết Kiều, phải cho Kiều lên bờ xuống ruộng 15 năm mới tự tử. Nguyễn Đình Chiểu viết Lục Vân Tiên, cho Kiều Nguyệt Nga ngay lần đầu tiên xuống thuyền đi cống đã nhảy ùm xuống biển tự tử mới ghê. Vì Sao?
    -Học trò cũng trả lời tùm lum, em kết lựng: Vì Kiều ở miền Bắc, dân thị thành hông biết bơi. Kiều Nguyệt NGa là con nhà đồng bằng sông Cửu Long kênh rạch chằng chịt, phải biết bơi từ trước khi biết đi. Nên Kiều nhảy sông là chắc chết, chết là hết chuyện. Còn Kiều Nguyệt Nga nhảy biển, bơi vô phẻ re...
    Tí nữa thì em lại được mời lên trển hầu trà ( mà hông có trà) òi Chị... hehe!

    Trả lờiXóa
  23. Hehe. =))
    Về Thúy Vân thì tui nghĩ vầy, Vân đơn giản, không sâu sắc, nên chắc không nghĩ ngợi gì nhiều. Nàng có chông con đề huề, có địa vị, cúa của cải. Nhiêu đó chắc cũng đủ cho người phụ nữ thời ấy rồi.
    Giả sử Vân được gả cho người khác, một cách bình thường, thì dù Vân là vợ cả, cũng không tránh khỏi cảnh tam thê tứ thiếp, là chuyện bình thường trong thời bấy giờ. ĐÀn bà thời ấy mà ghen là chồng có cớ bỏ à. Chỉ khi chồng thực sự yêu vợ, mới thủy chung như nhất, trong khi có điều kiện để đèo bòng một cách danh chính ngôn thuận.

    Đàn bà thời ấy không coi trọng tình yêu, mà coi trọng danh giá, gia đình và bổn phận tam tòng tứ đức. Ngày nay vẫn còn tàn dư của tư tưởng ấy. ĐÀn ông Việt ngày nay vẫn gia trưởng nhất hạng.

    Kiều được nhiều người yêu mê mệt thì đã sao. Đó cũng là lẽ thường tình "gái tham tài trai tham sắc". Thật khó để mà không yêu, không mê một người tài sắc vẹn toàn như KIều. Nhưng giữa bao nhiêu người mê Kiều, yêu Kiều có được mấy người hết lòng hết dạ? Có lẽ chỉ có một Từ Hải mà thôi.

    Lời đề nghị của Kim Trọng sau khi tái ngộ chưa chắc là vì tình yêu. Đó có thể là vì nghĩa, vì thương cho quãng đời lưu lạc của Kiều, giờ muốn bù đắp lại cho Kiều phần nào đó....

    Trả lờiXóa
  24. Nhiều người nói Vân đơn giản, nên dễ chấp nhận số phận. Tui thì cho rằng, người đơn giản khi nhận ra sự tổn thương sẽ tổn thương gấp đôi...
    Nói ngoài lề: Tui cũng là một người đơn giản, nên khi tui bị tổn thương điều gì, sẽ tổn thương nhiều hơn người sâu sắc. Bởi người sâu sắc làm gì cũng cân nhắc, nên còn tránh được. Người đơn giản thì hơi hồ đồ, nên khi nhận ra mình bị tổn thương thì đã quá muộn để tránh nên tổn thương nhiều hơn...

    Trả lờiXóa
  25. Này bán cái cơi đựng trầu của MM đi. GM mua ngay nhé!

    Trả lờiXóa
  26. Bạn biết không, 3 năm đầu tiên đi dạy, GM cũng nói như vậy, gia cảnh như vậy mà Thúy Vân vẫn ngủ ngon khi Thúy Kiều thao thức, thì chắc là người vô tâm. Mình cũng là người vô tâm, thất tình... mà mình còn ngủ được. Nhưng khi bị đời cho một cú đau điếng thì mình mới biết là người vô tâm cũng có lúc... nghĩ ngợi bạn ui!

    Trả lờiXóa
  27. Sao câu này nghe như phảng phất có thêm điều gì ở trong đó nữa? Có hông Cưng Ù?

    Trả lờiXóa
  28. Hôm nay đọc lại entry (chị đọc ngay sau khi M post, mà nhằm lúc cúp điện, còm trên đt thì không có dấu, ghét!) và bao nhiêu còm, thấy mình nghỉ hưu là phải rùi. Bởi vì nếu còn đi dạy, mà nếu dạy lớp 11 nữa thì không biết phải ăn cắp giờ ở chỗ nào để ngoại khóa thêm về truyện Kiều từ mấy chuyện mới tích cóp được nữa đây?
    Hồi đó, chị nói với học trò rằng chị khoái Hoạn Thư bởi vì nàng í thông minh cực kì, chuyển bại thành thắng ngon ơ, rằng cụ Nguyễn Du sao mà a cờ ác, hồi đại đoàn viên, giỏi lắm Kiều cũng mới ba mươi ngoài, còn đẹp lồ lộ, viên mãn mà phải ở chung nhà với "em rể" Kim Trọng mà mình từng thề nguyền, nay ngày ngày gặp nhau thì quả là ... chết sướng hơn!
    Còn nàng Vân thì thiệt tình chị mới đọc được bài thơ và bài bình tuyệt vời như vầy, nhớ hồi giảng về nàng ấy, chị cũng nói nàng ấy không có cái riêng của mình, cứ mờ mờ nhân ảnh mà tam tòng tứ đức một cách máy móc, cũng tội nghiệp.
    Mà cũng tức cho cụ Nguyễn Du, tài đến vậy mà sao không sáng tác được nổi mà phải đi vay mượn cốt truyện của người ta vậy! Uổng hết sức.

    Trả lờiXóa
  29. Hehe, hồi đó em cũng thấy uổng. Nhưng em lại nghĩ, hồi Nguyễn Du đi sứ, sứ nước nghèo chắc tiền bạc đâu rủng rỉnh, đâu thể đi quán giải sầu. Đã vậy, tiền đâu mà mua sách, dịch quán thì chỉ... có vậy thôi. Nguyễn vớ được Thanh tâm tài nhân...đọc và đồng cảm, vì nhân vật chính sao mà giống cuộc đời người con gái Nguyễn yêu... nên...
    Là em tưởng tượng vậy thôi... 300 năm...có chị em mình "mổ xẻ" chắc Tố Như cũng ngậm cười nơi chín suối hén Chị...

    Trả lờiXóa
  30. Em cũng khóai Họan Thư, khóai nhất câu biện minh thông minh tuyệt đỉnh: Rằng tôi chút phận đàn bà...
    Kiều là người cao đạo, không dồn đuổi ai tới đường cùng, thấy đối phương chịu lép là tha...cũng sảng phái hung Chị à...

    Trả lờiXóa
  31. Cảm ơn Chi Trúc... cuộc sống của Chị, mong sẽ nhiều thuận lợi hơn...

    Trả lờiXóa
  32. Entry này hay wớ, comments cũng thú vị nữa mà hồi đó em ở đâu sao hong còm ta :))

    Trả lờiXóa
  33. Hehe, hình như lúc đó May đi Lebanon

    Trả lờiXóa
  34. Hì chắc dẫy quá, đi Lebanon mà còn dìa đặng lành lặn nguyên con thì hem có tâm hồn để đọc Thuý Kiều, Thuý Vân là phải rồi. hihihi

    Trả lờiXóa