Có một chiều tháng năm
Đỗ Trung Quân
“Thầy còn nhớ con không?”
Tôi giật mình nhận ra người đàn ông
áo quần nhếch nhác
Người đàn ông gầy guộc ngồi sau tủ thuốc ven đường
“Thầy còn nhớ con không…?”
Câu lập lại rụt rè rơi vào im lặng
Hoa phượng tháng 5 rơi đầy vỉa hè
Rụng xuống trên vai thầy học cũ.
“Không… xin lỗi… ông lầm
Tôi chưa từng dạy học
Xin thối lại ông tiền thuốc…
…cám ơn…”
Cuộc sống cho ta nhiều quên, nhớ, vui, buồn
Thầy học cũ 10 năm không lầm được
Thầy học cũ ngồi kia giấu mình sau tủ thuốc
Giấu mình trong hoa phượng rụng buồn tênh.
Còn biết nói gì hơn
Đứa học trò tôn sư
Người thầy cũ lại chối từ kỷ niệm
Chối từ những bài giảng dạy con người đứng thẳng
Biết yêu anh em – đất nước – xóm giềng…
Đứa học trò vào đời với trăm nghìn giông bão
Bài học xưa vẫn nhớ mãi không quên
Và chiều nay…
Bên hè phố im lìm
Vành nón sụp che mắt nhìn mỏi mệt
Câu phủ nhận phải vì manh áo rách?
Giữa phố đông người quần áo bảnh bao
Tôi ngẩn ngơ giữa phố xá ồn ào
Những đứa trẻ con tan trường đuổi nhau trên phố
Mười năm nữa đứa nào trong số đó
Sẽ gặp Thầy mình như tôi gặp hôm nay?
Thôi,
Cầu mong cho các em ngày mai
Không có kẻ nào nhận Thầy được trả lời bằng
“…ông lầm…xin lỗi…”
Mùa Thu- mùa không thể có ở thành phố của tôi vốn chỉ mưa nắng hai mùa. Cho nên, không năm nào khai giảng với tôi được hoan hỉ trong cụm từ “Mùa Thu khai giảng”. Cái nắng cuối hè gay gắt vẫn còn. Sân trường chật hẹp với mảng cây xanh hiếm hoi thường bị che đi dưới những mái lều xanh đỏ trong ngày đầu năm học mới trông chẳng ra sao. Đã vậy, những quệt mưa nhiệt đới, những vệt bão áp thấp khởi đầu liên tục đe dọa cho ngày khai giảng- Ngày mà dẫu đã 28 năm quen thuộc, thậm chí nhàm chán bởi những thủ tục “như nhau từ trên chỉ xuống”, tôi vẫn cứ dành lòng cho những bồi hồi. Và bởi cái bồi hồi đó, tôi chọn một bài thơ rất cũ của Anh Đỗ Trung Quân- bài thơ không hiểu sao cứ lởn vởn trong đầu tôi mấy hôm nay- để làm bài viết cho năm học mới trên blog của mình.
Càng ở lâu năm trong ngành giáo dục, càng tiếp xúc không chỉ với đội ngũ nhà giáo mà còn có cơ hội tiếp xúc với học sinh và phụ huynh học sinh, tôi càng nghiệm ra nhiều điều rất đáng tiếc. Đó là ngày nay, công bằng mà nói, cái đạo Thầy – Trò vẫn còn rất đẹp. Tinh thần Tôn Sư Trọng Đạo trong phụ huynh học sinh vẫn còn rất nhiều. Nhưng “đáng tiếc” ở chỗ khi thì đâu đó Thầy không trọn đạo làm Thầy. Khi thì, trò không viết nổi hai chữ Tôn sư. Đã vậy, cái mặt bằng nhiều cồn, nhiều sóng của nên giáo dục xã hội nói chung, những “khi thì” đó lại càng được “cộng thêm” nhiều nhiễu loạn. Người Thầy giáo trong bài thơ buồn của Đỗ, theo tôi, đã viết hoa trọn một chữ Thầy. Người Thầy đâu chỉ cần chỉn chu khi đứng trước bảng đen, phấn trắng, đứng trước học trò. Người Thầy còn phải chỉn chu khi bước ra ngoài cuộc sống đời thường hơn ai hết. Bởi, những điều thầy dạy cho học trò đâu chỉ gói gọn trong một giờ lên lớp. Nó đeo đuổi, tồn tại cả đời đứa học trò đó, nhưng có nhập được vào trong máu thịt của học sinh hay không, lại còn tùy thuộc vào điều mà người Thầy hành xử sau bảng đen, phấn trắng, sau những phông màn cơm áo đa đoan. Người học trò Đỗ hỏi: “…câu phủ nhận phải vì manh áo rách?” nghe như có hơi hướm của sự trách phiền. Học trò có biết đâu, chối từ một thời bảng đen phấn trắng, chối từ một nghề nghiệp mà mình mang trong lòng bằng hai từ “nghiệp dĩ”, với những người Thầy như chúng tôi là một chối từ bằng cắt máu từ chính tim mình. Bởi, chẳng thà gieo trong lòng học trò chút hoài nghi “Ông ấy có phải thầy mình không nhỉ?” nhưng nó sẽ giúp giữ mãi trong lòng đứa học trò đó một hình ảnh đẹp của Người Thầy năm xưa. Người Thầy đã dạy được cho học trò bài học “làm người đứng thẳng. Biết yêu anh em – đất nước – xóm giềng…”. Người Thầy đó từ chối nhận học trò, bởi Ông cho rằng, bộ dạng hôm nay của mình – dẫu là kiếm ăn lương thiện, dẫu là “gặp thời thế, thế thời phải thế”- thì vẫn cứ là “không nên” cho đứa học trò đang muốn Tôn Sư…
Tôi rất muốn viết một entry rộn rã cho nghiệp dĩ của mình trong ngày khai giảng. Nhưng chọn bài thơ này – dù là một bài thơ không vui- vì nhận ra trong cái không vui đó có rất nhiều an ủi. Trong xã hội hiện nay, nhiều đạo lý cang thường đã dần dần điên đảo. Việc Thầy nhận trò bị từ chối, xa lạ, ngoảnh mặt là nhiều; chứ hiếm khi có điều ngược lại. Ở bài thơ này, ta cứ “vơ vào” cho một nguyên do ít nhiều còn vui: Người Thầy khi không nhận học trò là do không nhớ hết được trò mà thôi. Nhưng từ chối nghiệp dĩ, thì theo tôi, phải là những người Thầy đã viết trọn được chữ Đạo trong suốt cuộc đời làm Thầy, đến khi nhận ra mình “không thể” nữa- không thể chứ không phải không muốn- mới phải phủ nhận nó. Tôi hay gọi những người Thầy không đi được trọn “con đường phấn trắng” là “những viên phấn gẫy”. Nhưng đó là những người chấp nhận “đốn gục” giấc mơ” của mình để gìn giữ cho trọn giấc mơ của học trò, chứ nhất định không cam tâm làm một “viên phấn ướt”- hình dạng thì nguyên vẹn nhưng “giá trị sử dụng” thì bằng không. Và tôi cho đó là điều đáng mừng, đáng mừng khi ta không phải ngân nga “ đạo học ngày nay chán lắm rồi”. Tôi chọn bài thơ này như một nhắc nhở với chính mình mà cũng là một nhắn gởi tới hết thảy những ai đang còn ngày ngày đi về trên “con đường phấn trắng”, rằng: Cơm áo gạo tiền là cái ta không thể coi nhẹ. Là cái giúp ta tồn tại để sống cho có ích. Nhưng xin đừng vì ba chữ “nợ áo cơm” mà ta có thể chấp nhận đánh đổi với bất cứ giá nào cái Đạo Người Thầy mà ta chọn để làm công việc “khai tâm” cho con trẻ…
Và mong mỏi đó là điều giúp tôi 28 năm nay, cứ mỗi khi Ngày khai giảng đến, có thể đường hoàng ngồi lại với mình cho những vui buồn nghiệp dĩ hôm qua- hôm nay và tương lai…