Chúc mừng Sinh Nhật Chị
Tôi “biết” Chị từ những năm rất xa, “biết” qua các bài báo có tên gọi hơi lạ trong những trang mục của tờ báo mà cả gia đình tôi gắn bó. Những bài báo có tên Ký sự tưởng chỉ toàn những việc khô khan của nơi mà người ta vẫn khuyến cáo nhau “vô phúc đáo tụng đình”, vậy mà đọc đến đâu thấy lòng chùng đi đến đó. Những câu chữ, bài nào cũng vậy, trĩu nặng những trăn trở của người cầm bút trước cái ác đang định hình dần lên trong một bộ phận con người. Những trăn trở cho cái gọi là “đốm sáng lương tâm” nơi những người mới hôm qua còn chân chất lao động, chỉ một đêm, hay qua một câu chuyện, đã gục đầu trước vành móng ngựa, trong cái tên gọi chung dành cho người chờ tuyên tội “bị can” và khi có tội sẽ thành “bị cáo”. Những trăn trở chứa đựng trong con chữ cái tâm của một con người dành cho những con người ngày hôm qua còn bình đẳng với mình trong địa vị xã hội, thì ngày hôm nay đã cách biệt hẳn nhau bởi những tội lỗi mà họ phạm phải. Những trăn trở dành cả cho ước mơ muốn hướng đến một xã hội mà trong đó người nghèo, người thấp cổ bé miệng, luôn được binh vực, được hưởng những phần phúc lợi lớn nhất, một xã hội đúng như người ta đã nhân danh “của dân, do dân, vì dân”.
Năm 1998, hai tập Ký Sự Pháp Đình tập hợp gần hết những bài viết của Chị được gia đình tôi đón nhận như nhận lại một người bạn cũ. Đọc lại, liền mạch những bài viết đó, để cảm xúc trong mình nó cũng …liền mạch theo. Không chỉ cảm xúc, chúng tôi chia sẻ cả với Chị, bằng cái nhìn “ khách quan” của người đọc, những “dự cảm” rằng, nếu Pháp Đình không là nơi thực thi công lý cao nhất, thì cuộc đời và xã hội này, sẽ vẫn còn sống mái với nhau trong một thứ luật gọi là …Luật rừng. Cái thứ luật mà ở đó, không phải anh đúng hay tôi đúng, tội hay không tội mà là Tiền đúng và kẻ mạnh luôn là người vô tội. Cảm xúc này buộc tôi ngồi vào bàn viết cho Chị một bức thư “ái mộ”, viết hơi lộn xộn và không liền mạch, viết mà không dám gởi, bởi cứ hình dung về Chị như một người rất lạnh, rất tỉnh táo, rất… công lý. Một người không có chỗ cho những “tình cảm ủy mị” kiểu này. Lá thư đó và cảm xúc đó, được gói lại, cất kỹ như cất một điều gì đó đáng quý, cho mình chút niềm tin rằng: Xã hội còn quá chừng người tâm huyết trong lành…
10 năm sau, những bể dâu từ các ung nhọt của xã hội bể ra, gây sóng gió trên bình diện rộng của xã hội, gây lan cả đến tờ báo của chúng tôi. Tôi lần mò tham gia vào “xã hội blog”, nơi mà trước đó tôi ngại ngần vì cho rằng, người ta ẩn mặt để hành xử những việc không quang minh. Lần mò vào để thấy tôi lầm. Cũng như xã hội thật, xã hội phẳng cũng có người này, người khác. Lần mò vào để vui mừng gặp lại Chị, cũng vẫn ngòi bút ấy, những câu chữ ấy, dù đang ở một dạng viết khác, mở mắt cho tôi nhiều điều. Từ ảo, ra thật, tôi hân hạnh quen Chị và xin kết nối một tình thân. Kết nối, để cho đến hôm nay, biết mình vẫn còn gắn bó, núng níu với tờ báo ấy, không phải vì nó còn gây được nơi mình sự tin tưởng như trước, mà là vì sự trân trọng dành cho Chị, dành cho niềm tin mà Chị, tuy đã lùi vào sau hậu trường, vẫn mang lại cho người đọc bằng chính những gì ngòi bút Chị đã làm từ những ngày đầu.
Tôi hay được gặp Chị, khi “trà dư tửu hậu”, khi nhìn ngắm Chị “tác nghiệp”. Lần gặp nào ra về, cũng tự hỏi mình: Một tờ báo- gần như là một xã hội thu nhỏ- mà đẩy những con người chính trực về một phía, phía còn lại là “chị bảo em vâng” thì tờ báo đó-xã hội nọ còn hòng gì…
Ngày mai là Sinh nhật Chị, tôi đã định viết, ngắn thôi, một entry “tỏ tình” gởi đến Chị, như lời cảm ơn Chị đã chịu quen biết và “chịu đựng” tôi bao năm nay từ ngày tôi “lùng sục” được Chị từ phẳng vào thật. Nhưng không hiểu sao, ngồi vào viết, câu chữ từ tôi lại nảy ra những “tự sự” mà nó không phù hợp lắm với cái gọi là Chúc Mừng Sinh Nhật thế này? Không sao, tôi biết Chị sẽ nhận, sẽ chấp nhận, sẽ đẩy nhẹ cặp kính lên trên sóng mũi, cười và nói: Cảm ơn em Mập M. Em là “cái kẻ” vậy mà, Chị biết…
Và bởi Chị đã biết nên em ráng dài lời thêm: Chúc mừng Sinh Nhật Chị- chúc sức khỏe, chúc an nhiên, chúc Chị vẫn lẩn quẩn hoài nơi ấy, cho Niềm tin của em cũng như của nhiều người còn có chỗ lui tới, nghen Chị…
P/s: Nhắc lại một bài tặng... hehe!
Mỗi chúng ta chỉ có một đôi tay...
Và nhiều khi thấy mình bất lực ...
Bất lực vì nhận ra ngay chính bản thân mình cũng có những vấn đề không thể giải quyết và đôi khi không thể mang vác mà không biết bấu víu vào đâu, chia sẻ với ai . Đó có thể là những lầm lỡ -chỉ một hoặc nhiều lần, nhưng nó hằn sâu trong tâm khảm những ray rứt tội lỗi mà ngỡ rằng sẽ mang đến tận ngày nhắm mắt với những ăn năn nặng nề . Đó có thể là những tri ân mà đời này , kiếp này không biết làm sao nói được lời cảm ơn , không biết làm sao để tìm đến đúng người, đúng nơi để tạ, bởi những lúc khốn quẫn nhất ta đã nhận được một bàn tay chìa ra đúng lúc kéo ta dậy, lôi ta đi, cho đến khi ta trụ vững lại được thì mãi mãi ân nhân vẫn là người lạ với mình. Đó còn có thể là một khắc giây nào đó trong đời ta như biến thành một người khác: tàn nhẫn, vô cảm, không còn tình thương, không còn niềm tin...và từ đó, tạo nên những bể dâu mà ta không nghĩ nó có thể di chứng nơi tâm hồn những trăn trở quá sức mang vác của mình... đó còn là những lời yêu thương chưa kịp nói, là những tình yêu ta được nhận mà hình như chưa một lần nhận ra may mắn đó của mình, để khi tất cả trôi tuột qua tay, mới thấy tiếc nuối trong lòng mang nhiều vị mặn ...
Mỗi chúng ta chỉ có một đôi tay...
Để nhiều khi thấy mình mạnh mẽ ...
Cho ta cái cảm giác là ta có thể mang vác cả nhân gian, gồng gánh và cùng san sẻ biết bao gánh nặng khác trên đời mà ta nhận ra nó trăm ngàn lần nhọc nhằn hơn gánh nặng tự thân ta đang chịu. Mạnh mẽ để thấy rằng: Khi nào nhân sinh còn tồn tại thì nơi đó chắc chắn cái ác vẫn còn, song cũng nhận ra luôn một điều rằng nếu ta biết mở mắt nhìn ra chung quanh, ta sẽ thấy lòng tốt, sự thiện lương và tử tế cũng còn nhiều lắm. Nhiều đủ để cho ta một xác tín rằng: Có thể chỉ với một đôi tay ta không có khả năng lấp đầy đau khổ, chia sớt nỗi buồn, nhưng nếu nhiều đôi tay họp lại, cùng vun xới trên tình thương mến trung thực, trên ý hướng muốn làm trong sạch cõi người, thì ta nhất định sẽ làm cho bóng tối của cái ác nhạt đi, cái tốt lành sáng rõ hơn và quan trọng nhất, ta cho nhau được một niềm tin, một nghị lực để mỗi người có thêm sức mạnh “một mình bước tới”. Lối đi nào cũng ngay dưới chân mình và trên lối đi đó, cạm bẫy có thể không bao giờ bớt đi và ta không thể nói mình lúc nào cũng đủ mạnh để vượt qua mọi cạm bẫy. Nhưng nếu ta có thêm chút sức mạnh từ cộng đồng mang lại, thì khi ta vấp ngã ta sẽ không tự tha hóa chính mình và cũng không làm tha hóa lây đến người khác... Và đời cần như thế xiết bao ...
Cho dù mỗi chúng ta chỉ có một đôi tay...
Để nhiều khi thấy mình bất lực và thỉnh thỏang mạnh mẽ…