Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

Entry For 01 January, 2011- Happy New Year 2011!

Happy New Year 2011!

Khi tôi gõ những dòng này, Năm mới 2011 đã qua được 1 giờ. Một cuốn lịch dày cộp lại được treo lên và ta lại có thêm 365 ngày nữa để rong ruổi cùng thế sự. Theo thông lệ hàng năm của riêng mình, tôi tự tay pha một ly rượu ngọt, lên lầu trên vào giờ khắc năm mới sắp đến, ngồi xuống bậu cửa mở ra sân thượng và nhớ về khỏang thời gian của 365 ngày năm cũ…

Khi nâng ly và nhắp ngụm rượu ngọt ( dù “đam mê” của tôi là những chén rượu cay nồng) tôi muốn nhớ về những vất vả- nếu có thể gọi đó là những vất vả- và những đắng cay- nếu tự nhận đó là những đắng cay- mà mình đã gặp phải, đã đối mặt, đã đi cùng nó trong suốt 365 ngày qua. Đi cùng và có những lúc tưởng đã phải tung hê lên hết vì mệt mỏi. Giờ nhớ lại và bật cười, vì thấy, cùng với tờ lịch cuối cùng rơi xuống, những sự việc đó, những gương mặt đó, dù có tác động đến ta thế nào, thì rồi cũng theo ngày cũ, năm cũ mà qua đi… Thấy để hiểu, con đường đời không chỉ của mình mà của mọi người là không bao giờ bằng phẳng. Do vậy, nếu chấp nhận tiếp tục đi cùng nó, thì sẽ luôn phải ở trong tư thế đương đầu. Thấy và hiểu như thế và năm nào cũng như thế, vậy mà khi gặp phải, vẫn cứ loay hoay ngỡ nhân gian chỉ có mình là khổ sở…

Khi còn ở nhà, Tý Con- Trùm sò, năm nào cũng dành ngày 31/12 xuống đưa các bạn thân đi ăn khuya. Cái lệ này đã được bàn giao lại cho Lu khi Tý đi, nhưng Lu không làm thường xuyên nổi vì có quá nhiều bạn. Năm nay Tý về, và thế là đường phố náo nhiệt hơn vì có thêm một tụ bạ ồn ào. Cái ồn ào kéo từ quán, về nhà, đẩy cả ông nội- đã lẫn- sang phòng khác để lấy chỗ hò hét bài bạc. Tham gia vào đám đông nhỏ xíu đó, tôi chợt nhận ra Ông Trời đãi mình quá hậu, rằng, tôi rồi sẽ nhận tất thảy những điều gì sau đó ông mang đến cho mà không than van nữa, có lẽ đó mới  thật công bằng…

Ngày đầu năm mới, tôi ngồi với 2 cuốn lịch. Một, là Bạn tỉ mỉ làm cho, khệ nệ mang xuống từ hôm qua. Bạn nói: Một năm mới an nhàn như con mèo ngủ trên cây đàn, dù biết tính Mập là không thể. Một là cuốn lịch để bàn thiệt xinh, Bạn cạy cục chọn và gởi về từ Barcelona, nơi có đội bóng năm nay vô địch Worldcup lần đầu tiên… tôi còn ngồi lại với cơ man nào là những tấm card mà mỗi khi rong ruổi đến đâu là Bạn lại gởi về. Ngồi lại với đĩa nhạc Piano Relax Bạn chọn cho, phòng những phút tôi có thể “phát khùng”. Ngồi lại với biết bao comment lo lắng, chân tình mà bạn bè blog để lại nơi căn nhà phẳng của mình. Ngồi lại để nhớ hôm nay 01-01-2011 là Sinh nhật của Chị Nga tôi. Người chị đảm đang và tốt bụng bậc nhất trên đời. Người chị mà các em cứ bấu víu vào hết đứa này đến đứa khác từ khi còn rất nhỏ. Người chị mà hôm nào vắng tiếng gọi: Nga ơi! Má Mi ơi! Mi ơi…trong các đòi hỏi ăn uống bất tận của lũ em và lũ cháu, thì thấy như … trống vắng nửa cuộc đời…

Tôi ngồi lại với những nhận ra và nhớ, để nhè nhẹ thả lòng theo lời bài hát: Cho dù cuộc vui đã hết, pháo hoa đã tàn, và ta chưa biết điều gì chờ đợi ngòai trời xám kia, thì cũng nên cất lời…

Happy New Year!

Thứ Hai, 27 tháng 12, 2010

Entry cho những ngày cuối năm- Sài Gòn trở Đông...

Sài gòn, lạnh…

Bằng tinh mơ xuống phố

Hàng cây co ro, người cũng co ro

Cái rét mướt chia đều đây với đó

Đông- ừ một chút Đông- để thấm thía nỗi niềm…

Sài gòn, lạnh…

Đêm về nơi quán vắng

Sóng sánh giọt cà phê, sóng sánh xum vầy

Chút rổn rảng cho vừa đây với đấy

Vui- có một chút vui - để rưng rức lúc lẻ đàn

Sài gòn, lạnh…

Nơi những tờ lịch cuối

Mỏng manh rơi, mong manh cả đợi chờ

Câu hẹn cũ, bên ni chờ bên nớ

Chiều cuối năm, ly rượu đắng, vắng người

Sài gòn, lạnh…

Năm đi, ngày tháng hết…

Ta dốc chút tình, gởi thinh lặng, niềm riêng…

Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

Entry For 20 December, 2010- Khi tôi thất vọng... và buồn...

Tôi viết bài gởi cho báo nhiều khi viết rất nhanh- khỏang 45-60 phút một bài, nếu đang nặng nề những bức xúc. Nhưng nhiều khi lại viết rất chậm, khỏang 1 tuần đến nửa tháng mà chỉ được đôi dòng. Đó cũng là lý do, vì sao 23 năm trước, không thể nhận lời làm báo vì biết cái tính “không chuyên nghiệp” của mình. Nhưng dù nhanh hay chậm, mỗi bài báo tôi viết ra- entry cũng vậy- đều là những đứa con mình nâng niu. Tuy nâng niu nhưng không bao giờ làm cho chúng “con hư tại mẹ” bằng cách “tự hào”. Tôi tôn trọng sự biên tập của tòa sọan. Nhưng, càng về sau này, một số lần, sự biên tập thiếu cẩn thận của tòa sọan làm ngừơi-viết-tôi dường như không nhận ra “dung mạo” của con mình. Tôi cũng rất tôn trọng tòa sọan ở chỗ những bài được đăng không bao giờ tôi post lại ở entry, nhưng hôm nay thì không thể. Tôi đọc bài báo sáng nay của mình, hòan tòan không hiểu mình viết gì, và làm sao lại có thể có một bài báo như thế của mình, nên đem cái bức xúc đó về đây để “đối chiếu”, tôi buồn…

( Link cần dẫn : http://tuoitre.vn/Giao-duc/416618/Nguoi-lon-co-tu-dieu-chinh.html )

Bài trên Báo sáng nay 20/12/2010:

Thứ Hai, 20/12/2010, 04:39 (GMT+7)

Người lớn có tự điều chỉnh?

TT - Từ các hiện tượng tiêu cực hiện nay trong môi trường giáo dục, nhiều người có suy nghĩ rằng hình như học sinh đến trường cũng phải “sống chung với ô nhiễm tinh thần”. Với suy nghĩ đó, nhiều diễn đàn đã mở ra để mong tìm một giải pháp.

Thế nhưng, đi đến cùng trên các diễn đàn đó vẫn là chuyện nhóm đối tượng có liên quan này (nhà trường, thầy cô) chuyền “quả bóng trách nhiệm” về cho nhóm đối tượng khác (xã hội, gia đình). Nếu không chuyền thì cũng cố gộp chung trong một cộng đồng trách nhiệm.

Nhà trường đưa ra một số thống kê để lý giải hiện tượng phụ huynh “cá biệt”. Tất cả thống kê mà nhà trường đưa ra với những minh chứng sinh động, là phụ huynh, tuy rất xấu hổ và bức xúc, chúng tôi vẫn phải thừa nhận đó là sự thật.

Trong khi đó địa vị, nhân cách của thầy cô hiện nay trong lòng phụ huynh đang ở “cung bậc” nào, chỉ có trời mới biết. Có người đổ tại xã hội một thời đưa ra quan điểm “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.

Nhiều người khác đổ tại vì miếng cơm manh áo, người thầy trong lúc bươn chải đã đánh mất phần nào sĩ diện của mình. Hoặc cũng có người cho rằng vì đồng tiền đã hiện diện như một biện pháp được “thu xếp” trở nên bình thường trong quan hệ phụ huynh - thầy - học trò. Và khi đồng tiền “có giá” thì mọi giá trị “đạo đức” khác trở nên vô giá... trị?

Đặt ra hai khía cạnh của vấn đề này không có nghĩa lại một lần nữa “cộng đồng trách nhiệm” và... coi như chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Hoặc ta lại coi việc “phụ huynh cá biệt” cũng như “thầy cô có vấn đề” chỉ là hiện tượng chứ không phải bản chất của đại đa số mà quên mất rằng trẻ con là “âm bản” của một “dương ảnh” người lớn.

Không thể có việc để các em tự chọn gương người lớn để học tập hay bắt các em phải biết phân biệt đâu là hiện tượng, đâu là bản chất như tách thóc ra khỏi gạo.

Chúng ta đã ngồi nói quá nhiều với nhau về trách nhiệm đối với giáo dục. Thế nhưng, ngay những người thường nói nhất đã có khi nào thực hiện điều chỉnh mình cho tốt hay không lại là một nhức nhối đau xót. Nếu không thực hiện việc “tự giáo dục”, ta vẫn sẽ có những vùng “không ổn định” trong học đường một cách rất nguy hiểm...

LÂM MINH TRANG

Và bài nguyên mẫu của tôi:

“PHỤ HUYNH CÁ BIỆT”- VẤN ĐỀ THẬT ĐAU XÓT , NHƯNG DO ĐÂU?

            Qua các hiện tượng tiêu cực hiện nay trong môi trường giáo dục, xã hội có suy nghĩ rằng hình như học sinh đến trường cũng phải “sống chung với ô nhiễm tinh thần”. Với suy nghĩ đó, nhiều diễn đàn đã mở ra trên một số cơ quan ngôn luận, những tờ báo có uy tín trong vấn đề giáo dục, để mong tìm ra một giải pháp khả thi, có thể giúp giải quyết vấn đề tận gốc, hầu trả lại sự bình an, trong sạch cho học đường, cho học sinh. Thế nhưng, đi đến cùng, trên các diễn đàn đó, vẫn là chuyện nhóm đối tượng có liên quan này ( nhà trường, thầy cô) chuyền “quả bóng trách nhiệm” về cho nhóm đối tượng khác ( xã hội, gia đình) và ngược lại, hoặc, nếu không chuyền thì cũng cố mà gộp chung trong một cộng đồng trách nhiệm. Gần đây nhất, là loạt bài phản ánh khá sinh động về những hiện tượng “phụ huynh cá biệt”, với những ý kiến cực đoan cho rằng đó gần như là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng “con hư, trò hỏng”.

         Nhà trường đưa ra một số thống kê “cá biệt” về phụ huynh như : bận rộn làm ăn thiếu quan tâm con cái; bản thân có vấn đề về văn hóa như ít học, là dân lao động phổ thông, trình độ hiểu biết hạn chế, có tiền án, tiền sự hoặc là người có thói quen chưa tốt về đạo đức như hay chửi thề, thiếu tôn trọng thầy cô giáo, ỷ lại vào thế thần, tiền bạc, sức mạnh cơ bắp…; cá biệt cũng có những phụ huynh nhân thân tốt, nhưng trong tận cùng suy nghĩ lại …thiếu ý thức tin tưởng và tôn trọng thầy cô dạy con mình…Tất cả những thống kê mà nhà trường đưa ra với những minh chứng sinh động, là phụ huynh, tuy rất xấu hổ và bức xúc, chúng tôi vẫn phải thừa nhận đó là sự thật. Nhưng, những minh chứng đó có phải là “tất cả sự thật, tất cả nguyên nhân” không trong việc trẻ hư hỏng thì phải bàn lại và xem lại.

             Chúng ta ngày nay khi làm phụ huynh, thường ít nhiều quên đi thuở chúng ta làm con cái. Khi trước, mỗi gia đình ở Việt Nam đều rất đông con, thời buổi chiến tranh, loạn lạc và hậu chiến còn khó khăn gấp bội, cha mẹ nào cũng phải bươn chải rất nhiều để lo lắng kinh tế cho gia đình đông người. Việc nhòm ngó, xem xét học tập của con em gần như bỏ ngỏ. Trách nhiệm đó thuộc về đứa con lớn trong gia đình. Cứ chị.hay anh học hành là phải đảm trách coi sóc việc học cho em. Có những gia đình, cha mẹ đều là dân …chợ, hàng cá hàng tôm thứ thiệt hoặc là dân nghèo thành thị, trình độ hạn chế, đạo đức cũng có vấn đề, con cái ít nhiều cũng ảnh hưởng. Nhưng, không hề có hiện tượng những hư hỏng ngoài học đường đó được phép len vào trường học. Học sinh thời đó, đánh nhau, chửi thề, yêu đương vụng trộm ở đâu không biết, trong trường là tuyệt đối không dám. Việc mời phụ huynh vào làm việc rất hãn hữu và chỉ có khi đã đến mức “không thể giáo dục” hoặc việc tổ chức các hội đồng kỷ luật cũng không…phổ biến đến độ “bình thường thôi” như bây giờ…Chúng tôi biết so sánh là bao giờ cũng khập khiễng, nhưng không thể không so sánh một chút để đặt ra vấn đề vì sao?

             Vì trước hết, người Thầy xưa kia xứng chữ “Là Thầy”. Từ ông sĩ quan cho đến bà bán cá cứ nhắc đến Thầy Cô của con em mình là vô cùng kính trọng. Còn hiện nay, địa vị, nhân cách của Thầy Cô trong lòng phụ huynh đang ở “cung bậc” nào thì chỉ có trời mới biết. Đổ tại xã hội một thời đưa ra quan điểm “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, hay đổ tại vì miếng cơm manh áo, người Thầy trong lúc bươn chải đã đánh mất đi phần nào sĩ diện của mình, hay cho rằng, vì đồng tiền đã hiện diện như một biện pháp được “thu xếp” trở nên bình thường trong quan hệ phụ huynh- Thầy cô- học trò, và khi đồng tiền “có giá” thì mọi giá trị “đạo đức” khác trở nên “vô giá...trị”? Đặt ra vấn đề “tại sao” này không có nghĩa lại một lần nữa “cộng đồng trách nhiệm” và… coi như chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Hoặc ta lại coi việc “Phụ huynh cá biệt” cũng như “Thầy cô có vấn đề” chỉ là…hiện tượng chứ không phải …bản chất của đại đa số…mà ta quên mất rằng: Trẻ con chính là “âm bản” của một “dương ảnh” người lớn. Không thể có việc để các em “tự chọn” gương người lớn để học tập hay là bắt các em phải biết phân biệt đâu là hiện tượng, đâu là bản chất như “tách thóc ra khỏi gạo”. Việc làm này là quá tầm xử lý của học sinh. Và cũng không cần thiết tất cả người lớn đều có vấn đề thì trẻ em mới nảy sinh “sự cố”, mà chỉ cần một vài “dương ảnh” không tốt, lập tức số “âm bản” được “nhân rộng” sẽ là một con số “đáng nói và biết nói”.

            Người ta vẫn nói: Có một bác sĩ tốt là cứu được một mạng người, có một ông thầy tốt sẽ được một thế hệ học sinh. Vậy chỉ cần một ông Thầy chưa tốt ( Thầy ở đây bao gồm cha mẹ- những người Thầy đầu tiên và gần gũi nhất của trẻ tới ông Thầy trên lớp và ông Thầy xã hội chưa tốt) thì hậu quả tất sẽ khó lường. Ta đã ngồi nói quá nhiều với nhau về trách nhiệm đối với giáo dục, nhưng ngay những người thường nói nhất đã có khi nào thực hiện điều chỉnh mình cho tốt hay không lại là một nhức nhối đau xót …mà nếu không thực hiện việc “tự giáo dục” thì ta vẫn sẽ có những vùng “không ổn định” trong học đường một cách rất nguy hiểm…

Lâm Minh Trang

( Gò Vấp)

Thứ Năm, 16 tháng 12, 2010

Entry For Noel 2010- Mừng xe nai về ngang ống khói cũ....

Chị Gió khuyến khích tôi làm thơ. Chị ấy bảo thơ tôi có khẩu khí của mấy ...hũ hèm... Thơ thì tôi không biết làm, nhưng hèm thì tôi biết... ai mà nhậu không quen, nhất định khó có lòng dung...Nay Giáng Sinh sắp tới, tôi làm một bài văn vần... gởi Ông già Noel như mọi năm...

Đêm vô cùng…ngày cũng vô cùng…

Con qùy lạy Chúa trên trời

Sao cho con lấy được người… yêu con…

Tôi tếu táo, đổi thay lời khấn. Thành khẩn viết thư mỗi dịp Giáng sinh về. Gởi Ông Noel với niềm tin xác tín: Phước cho ai, không thấy … mà tin…

Niềm tin bây giờ, chắc nhiều như bụi? Nên làm mắt Người mờ, không nhận rõ thư tôi. Cũng có khi, niềm tin va vào lô cốt. Những điều tôi xin chắc mẻ trán, u đầu.

Niềm tin bây giờ đôi khi là hàng mã. Đặt vào đâu là chư Thánh quay lưng. Ông Già Noel, lại là người xứ lạ. Đọc lời bông lơn, chắc Ông nghĩ tôi …khùng…

Nên có năm Ông thả nhầm qua ống khói. Một kẻ “nợ đời” đâu đã mấy mươi năm. Có năm buồn hơn, Ông reply bằng thư điện tử. Rằng kẻ yêu tôi, đã bận lắm… yêu người.

Năm nay, tôi cũng vẫn chuyên tâm cho lời khấn. Người ta khuyên tôi “nhất lý, nhì lì”. Tôi không muốn lì, nhưng vẫn tin chư Thánh. Các Ngài sẽ đem về, một “tội nghiệp” của tôi…

Để khi chuông rung mừng Đấng Chúa con giáng thế. Người bắt đầu khẩn cầu… sẽ không phải là tôi…

 

Con qùy lạy Chúa trên trời

Sao cho con bỏ được người…con nhầm… yêu...

Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2010

Entry For 12 December, 2010-Entry cho ngày gặp V....

Đâu đó …Mùa Xuân…

            Trời mỗi sáng heo heo lạnh, một thứ lạnh trái mùa khi SG bắt đầu vào mùa khô. Tôi lại rất mê không khí như thế này của thành phố, nên nhiều khi, cả vào ngày nghỉ, không có việc gì, cũng khóac áo vào và rời nhà từ rất sớm. Thành phố những lúc ấy như một đứa trẻ vừa cựa mình, trong nhịp điệu nhàn tản đó, tôi bắt gặp mình cũng chậm lại, thở sâu, không còn cái nằng nặng, bươn bả như đang trong một guồng quay tất bật. Trong những góc cạnh ấy, tôi gặp lại Bạn mình. Bạn trở về thành phố sau hơn 20 năm vội vã, bươn bả nơi xứ người. Về- khi không còn người thân nào ở đây. Về- khi thời gian xa cách quá lâu đã làm rơi vãi hết bạn bè cố cựu. Bởi thế, trong góc quán cà phê ven đường nơi tôi ghé vào nhâm nhi ly cà phê nhỏ, phải nhìn tôi lâu lắm và khi tôi mỉm cười, Bạn mới thảng thốt kêu lên: M. phải M. đó không? Sau đó là một lọat những âm thanh líu ríu, òa vỡ. Trong cái thinh lặng của quán vắng, ngòai kia đường còn tối mờ mờ và nặng sương, những câu chuyện của Bạn thật ồn ào, náo nhiệt. Bạn thăm hỏi hết những bạn bè cũ, đòi tôi phải ghi lại địa chỉ những bạn nào tôi còn giữ, bắt tôi vẽ lại đường đi đến nhà một số thầy cô năm xưa. Tôi nhẫn nại làm theo mọi yêu cầu của bạn mình, bởi nhận ra trên khuôn mặt không còn trẻ nữa của cô, những tiếc nuối không giấu diếm. Và sau đó, sau những han hỏi từ mình đã đủ đầy, Bạn im lặng rất lâu trước câu hỏi của tôi: Cuộc sống của V., ổn chứ? Bạn xòe diêm châm thuốc, nhả một làn khói đặc xanh, rồi trả lời bằng một câu hỏi ướt sũng những nỗi niềm: M. hỏi ổn không, là sao? Tôi nhún vai: Là cuộc sống, là gia đình, là những việc linh tinh mà ta có, phải có trong cuộc sống… Bạn bật cười: À, nếu vậy thì ổn…không có tiền mình, mình đâu có bỏ hết để về VN vào dịp này. Mình có gia đình, hai đứa con…có một ông chồng để chia tiền nhà, tiền ăn, tiền sinh họat… ngừng một thóang, Bạn cười cợt nói tiếp: và chia con, khi…divorced…nhưng nếu gọi tất cả những cái đó là ổn, thì hình như không ổn chút nào M. ạ! Ví dụ: Về lại đây, mình mới có những buổi sáng chậm rãi thế này. Có về VN, mình mới biết cái bệnh mình mắc phải gần đây là bệnh gì… Thấy tôi hốt hỏang, Bạn mỉm cười trấn an:  Không, không phải bệnh tật… mà dạo này mình cứ nằm mơ thấy tòan chuyện cũ, người cũ..tỉnh dậy thì lại thấy mình cũ đi giữa những người chung quanh…rồi thế là cứ ngơ ngẩn cả ngày…Nói chuyện với Mẹ mình, Mẹ bảo hay con nên về VN một chuyến, gặp cho hết những gì đã mơ, chắc sẽ hết mơ… nghe có lý quá, thế là mình…lên đường…sáng nào mình cũng chạy bộ từ chỗ ở ra đây…hy vọng trên đường chạy đó, có người nào quen nhận ra mình và gọi…cả tuần rồi, hên thật, hôm nay gặp M. ở đây… Tôi cười: Nếu V. chỉ chạy trên một con đường từ hôm về đến giờ thì sẽ khó gặp người quen nếu ngay ngày đầu không gặp…Người VN mình có thói quen đi hay về chỉ trên một lộ trình nhất định, ít thay đổi là bản chất của người mình mà… Bạn nhìn tôi rất lâu, rồi hỏi: Còn mình, M. có thấy mình thay đổi không? Có già đi nhiều không?... Tôi cười thỏai mái: Thay đổi, có, nhiều lắm… già đi, không, nhưng phong trần quá…mà ngày xưa nổi tiếng là học sinh “mẫu mực”… Bạn huơ nhẹ điếu thuốc lên: Phong trần, do cái này, phải không? Biết làm sao được, ngày mới đặt chân lên Mỹ từ trại tị nạn, mình ở chung với gia đình ông cậu. Trời lạnh như cắt da của New York mùa Đông, mình ngồi học thi ngòai phòng khách mà ổng không cho vặn heat, nói tốn điện. Mình cóng đến độ tay cầm cây viết rơi hòai mà không biết… mấy đứa bạn chỉ cách…hút thuốc chống lạnh…bà mợ bắt gặp, méc với cậu nói mình “ăn chơi trụy lạc”, thế là ổng …đuổi…tứ cố vô thân, mình lang bạt khắp các nơi…làm đủ nghề để có tiền học, tiền trọ…Lúc đó, mình không dám liên lạc với ai, nhưng lòng lúc nào cũng nhớ lời M. “nói đi, là phải biết đi đâu”. Thư về nhà cũng đâu dám kể lể gì… Rồi ra trường phải mải mốt làm để có tiền bảo lãnh cho bố mẹ và các em sang…Mình cũng chỉ mới lập gia đình mấy năm nay thôi. Chẳng qua, nếu mình không lập gia đình, thì tụi em mình không chịu học hành, làm ăn đàng hòang gì hết…Mình thay đổi chắc có lẽ là vì vậy…Ngày cưới mình, bố mẹ các em đến dự như những khách mời bình thường… hỏi M. vậy có đáng cho mình …phong trần không?

            Tôi không trả lời Bạn, vì không biết phải trả lời như thế nào. Ở VN, những trường hợp tha phương làm ăn cũng không hiếm, họ cũng bỏ quê vào SG lập nghiệp…Bạn lắc đầu: Không đâu M., họ đâu giống mình…vì họ vẫn được ở trên đất mình…ít nhất họ nói có người hiểu và họ hiểu điều người ta nói…còn mình, những ngày đầu tiên đi làm, thằng sếp người Nhật, miệng nó cười rất tươi nhưng nó nói “fuck you” mà mình không hiểu gì vẫn nhe răng cười…đến lúc hiểu được thì đâu có làm gì nó được… Bạn nói và nói, nhắc và nhắc, hình như không có chỗ dừng. Cà phê không biết đã kêu đến tua thứ mấy, thuốc lá thì cứ nối tiếp nhau mà hình như câu chuyện của Bạn không có hồi kết. Trời bên ngòai đã rạng, đến lúc thấy tôi liếc nhìn đồng hồ, Bạn ngớ ra thảng thốt: Thôi chết, M. có phải đi làm không? Nắng đã lên rất cao, nhưng nhìn gương mặt níu kéo của bạn mình, tôi tự dưng nghẹn ngào: Không, hôm nay mình nghỉ, V. cứ nói chuyện thỏai mái, đi ăn sáng nhé… Hơn hai mươi năm… những nỗi niềm tích tụ trong bạn tôi không chốn giải tỏa quả là một chuyện khó thể chịu đựng… Hơn hai mươi năm, lần lượt nhìn những người ruột thịt với mình dần dần biến thành người lạ và nhận những người lạ khác vào thành ruột thịt ở một người vốn nghiêm chỉnh, mực thước, ôn nhu, vốn giàu tình cảm gia đình và quý trọng truyền thống như bạn tôi thì quả là …Trong suốt cuộc nói chuyện với tôi, bạn thường xuyên…cười khẩy. Nụ cười mà như bạn nói,  có nằm mơ cũng không ngờ có ngày mình ..xài đến nó nhiều thế… Bạn khen rối rít cà phê, thuốc lá, khen những món tôi gọi…nhìn vẻ tíu tít của bạn mình, tôi chợt nhớ đến bữa tiệc “buffet gánh” mình được mời tuần trước. Những ông bà Việt Nam quần là áo lượt, chen chúc với những ông Tây bà Đầm xoắn xít quanh những mẹt bún, những gánh chè, gánh hàng ăn đủ lọai. Vừa ăn, vừa nhồm nhòam khen, trông vừa họat náo vừa không kém bi hài…Có lẽ, sau một thời gian chán chê mê mỏi chạy theo những là hamburger, beaf-steak, spaghetti…những con người có lúc tự cho mình “thời thượng” kia mới nhận ra không có thứ “noodle” nào hơn được bún riêu, bún ốc, bún bò…không có thứ chocolate nào bì được với chè bà ba, chè đậu ván của ta..thế là họ lại chen chúc quay về với những món ăn, những bộ trang phục mà một thời họ…ruồng rẫy…Khi tôi kể với bạn như thế, Bạn trầm xuống một khắc, rồi thở nhẹ và nói: Nhưng ít ra họ cũng biết “về”, như mình vậy…M. không nên “đánh người chạy lại” chứ… và bật cười…Tôi ngỡ ngàng trước nụ cười ròn tan của Bạn. Bởi khi cười như thế, Bạn đã trở về hình ảnh cô nhỏ bạn bè của tôi ngày xưa. Nhờ nụ cười đó, tôi nhận ra mình quá nhỏ mọn. Không thể trách móc điều gì đối với “người đi” trong thời khắc biến động, giao thời có quá nhiều nhiễu nhương đó. Bởi, cũng như hơn hai mươi năm trước tôi nói xác định chữ “đi” và sau đó là chữ “đâu” không phải là việc ai cũng làm được và làm được chưa chắc đã làm đúng. Cái chính là, sau một vòng chạy xa và dài, mọi người sẽ tự “ngộ” ra cho mình một điều gì đó. Và không ai đúng –sai trong cả những vấn đề như thế , chỉ có nhanh chậm khác nhau trong việc tìm kiếm câu trả lời cho những chọn lựa cách sống của mình thôi…

            Chúng tôi chia tay nhau khi đường phố đã vào trưa, một buổi trưa tháng 12 êm và mềm hơn mật… Bạn bước đi, đã nhẹ nhàng hơn khi bắt tôi cho địa chỉ và ghi địa chỉ của nơi Bạn trọ cẩn thận với những hẹn hò còn gặp nhau nhiều...

Bạn nói: Ta gặp nhau, may quá, còn mùa Xuân…

 

Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010

Entry For 06 December, 2010- Mừng Tý Con về nhà...

Tý Con 21 tuổi và về nhà…

          Đúng 10 ngày nữa thì Con xa nhà được 3 năm. 3 năm, mọi người chỉ còn có thể nhìn Con một tuần 2 hoặc 3 lần qua webcam, nhìn Con cười, khóc, nói và tuy nhiều cung bậc cảm xúc như thế, vẫn không bao giờ quên có một tô hay một đĩa đồ ăn bên cạnh. Khi là snack, khi là cereal, khi là cơm… nhìn cái miệng Con cong cong khi nói, khi nhai, khi bĩu môi diễn tả một điều gì đó không hài lòng, Mập chỉ ao ước có ở bên cạnh để ôm Con một cái, hôn một cái như ngày Con còn ở đây Mập vẫn hay làm… 3 năm, cả nhà sốt vó khi con bị mổ ruột thừa, ngày hôm đó, có lẽ bao nhiêu chư vị thần thánh có ở trên đời này, chắc đều được cả nhà mình gọi tên đủ hết để cầu khấn cho Con…3 năm… hơn 1000 ngày ai cũng thắc thỏm chờ lúc Con về. Bởi trong cái thắc thỏm của nỗi nhớ, còn có cái thắc thỏm của sự lo lắng. Lo là, 3 năm xa gia đình, Tý Con của chúng ta chắc sẽ thay đổi rất nhiều… những thay đổi theo một guồng quay mới, cái guồng quay mà nhà mình không ai muốn du mình vào đó, sau những kinh nghiệm của Mẹ con… Nhưng biết làm sao, mọi người đều phải trấn an lẫn nhau và tự an ủi mình: Nơi xứ lạ quê người, một mình con phải bươn chải với nhiều thử thách, nếu Con không thay đổi để thích nghi, thì có nghĩa là hướng đi đó đã thất bại…

          Và 22h30 đêm qua, một mình Con về mà nhà mình 10 người đi đón. 10 người với 20 con mắt mà Con vẫn là người nhận ra nhà mình đầu tiên từ bên trong cửa kính phòng chờ và vẫy rối rít. Con chạy ra, hai chân đã ríu lại và ôm chòang lấy Mẹ Yến đầu tiên, khóc òa… Chỉ bằng tiếng khóc đó, và cái ôm lần lượt con dành cho mọi người, Mập chắc cả nhà mình ai cũng nhẹ nhõm : Tý Con tồ tồ của nhà ta đây rồi…

          Hôm nay Con xuống ăn bữa cơm đầu tiên với nhà ngọai, Con lên lầu thắp hương bàn thờ các ông bà cụ, rồi lăn vào mọi người để cùng ăn, cùng tám, cùng…chà đạp lẫn nhau… thỉnh thỏang Con kêu lên: trời ơi! Nhà mình đây rồi… làm mọi người cười phá… Con đâu biết, trong lòng mọi người cũng có một tiếng kêu khác, thương yêu đầy tràn hơn và cố nén: Tý Con tham ăn và siêu tám của chúng ta đây rồi… Có một chút khác, Con chu đáo mang về quà cho mọi người không thiếu một ai. Những món quà, nhỏ thôi, nhưng như Con kể: Là mồ hôi, xương máu của Con và cười há há… Giọng cười Con rất nhẹ, và trong giây phút đó, Mập cũng như cả nhà đều muốn thời gian ngừng lại. Ngừng lại để khỏanh khắc 3 năm xa cách Con như biến mất. Ngừng lại, để mừng nhà mình lại có nhau đủ đầy. Ngừng lại để mừng Con biết thế nào là rửa chén, là bưng bê quét dọn, là lăn lưng làm lụng ở xứ người. Mừng vì Con đã trưởng thành và đã hiểu luôn cái giá của sự trưởng thành đó… Mừng quá và thương quá, Tý Con của chúng ta…

Mừng Tý Con 21 tuổi và về nhà…

 

Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2010

Entry For 03 December, 2010 - Năm tháng sẽ qua đi, điều gì còn để lại...

Họp xử lý kỷ luật đồng nghiệp mình…Bạn có vui không?

Chiều nay, chỉ 3 mét nữa, đầu tôi đã nằm gọn trong một chiếc xe ben. Được đỡ dậy ngồi vào vệ đường, tôi và mọi người chứng kiến không hiểu sao mình thóat chết. Có gì đâu, nếu Bạn đi ngòai đường và lơ đãng, chuyện gì cũng có thể xảy ra…

Nhưng có những chuyện, tôi cho rằng không thể để xảy ra. Khi nó được nhân danh bằng những lý do hòan cảnh, để làm cho hình ảnh người Thầy vốn đã ngày càng méo mó, lại chất thêm những đen đúa tự thân…

Có những chuyện giá mà tôi không chứng kiến, càng không muốn dự phần. Để không phải nhìn những người-thầy-đồng-nghiệp đầu cúi thấp trước lỗi lầm phạm phải. Liệu sức mạnh nào cho họ? Ngày mai dạy học sinh đứng thẳng - làm người…

Biết là con người ai cũng có phút lỡ lầm. Không phải một lần tay trót nhúng chàm là thôi hết. Song tôi vẫn muốn khẩn cầu những ai đang đứng trước tâm hồn con trẻ. Xin giữ cho đôi mắt mình mạnh mẽ, nhìn thẳng được vào các em, xứng với chữ : Thưa Thầy!

Biết là tôi vẫn chưa bao giờ và có thể sẽ không bao giờ hòan chỉnh hoặc tốt đẹp hơn ai. Nhưng vẫn xin những năm tháng còn đi cùng nghiệp dĩ, cố giữ sao viên phấn trong tay mình vẫn trắng, đường kẻ trên bảng vẫn ngay, giọng nói vẫn rõ ràng. Như chiều nay, tôi hỏi hai người đồng nghiệp- đầu cúi thấp: Các bạn có tin chúng tôi được dự phiên họp này mà vui?

Và khi họ không thể trả lời, tôi ra về lơ đãng, còn 3 mét nữa, thì…sẽ…không tôi…

 

Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2010

Entry For 28 November, 2010- Hai khía cạnh cuộc đời...

1-Khi trời đang nắng, bỗng đổ mưa...Kẻ ba lơn nói: A! được tắm mưa. Người lo toan thở dài, nghĩ: Về đường nào để đừng ngập xe đây ta?

2-Khi trời nắng gắt, kẻ ba lơn tí tởn: Phơi kiệu, phơi khô là bá cháy! Người lo toan cau mày, tính: Bao nhiêu ngày sẽ bị cúp điện vì thiếu nước đây ta?

3-Khi gặp việc không vui trong nghề, kẻ ba lơn xuê xoa: Làm theo lương tháng chớ không phải lương tâm! Người lo toan đắn đo lợi-hại: Bao nhiêu lớp trẻ lớn lên, chỉ nhìn tới, vơ tới, chớ không ngóai lui, nhìn quanh?

4-Khi chạm phải nỗi buồn, kẻ ba lơn dễ dãi: khóc xong keo này, ta ứ thèm chơi keo khác! Người lo toan nhìn nỗi buồn, và dặn: Làm gì cũng phải biết đặt chữ “nhẫn” lên đầu…

5-Khi tụ họp đông vui, kẻ ba lơn “phe phang” váng xóm. Người lo toan đắn đo, nhắc nhở: Lòng nhân gian không ai đo được bao giờ…

          Rồi một ngày, người lo toan ngã… cú ngã không nặng, nhưng nó nằm trong hết thảy những lo toan. Kẻ ba lơn tìm đến, lần đầu tiên biết im lặng, ngồi kề bên. Người lo toan an ủi: Không sao đâu, chút vận hạn cuối năm! Kẻ ba lơn, chắc cũng lần đầu tiên không ba lơn nữa, lặng lẽ ôm bạn vào lòng và nói: Không ai có thể dự đóan hết mọi tai ương, dù cẩn thận, toan tính tới đâu…Nên khi ngã, hãy an ủi mình rằng: chỉ gẫy tay, may quá còn chân…Nên khi mất mát, hãy biết tự tin: Mất tiền, may quá còn nghề…Mất người yêu, may quá còn nhiều người ta chưa kịp yêu, nên khỏi mất thêm…

          Người lo toan, lần đầu tiên, bỏ qua một bên vẻ đạo mạo, cười sặc sụa…một cách rất ba lơn…và nói : Ba lơn à, Ai lốp du!

 

Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2010

Entry For 20 November, 2010- Từ phim, từ kịch...

“Ngơ ngác” với bất tận cánh đồng, bất tận nửa đời…

Tôi vừa coi “Cánh đồng bất tận” chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư trên phim, hôm nay lại coi tiếp “Nửa đời ngơ ngác” trên kịch cũng được chuyển thể từ một tác phẩm khác của Tư- truyện “Chiều vắng” trên sân khấu Hòang Thái Thanh, có cảm giác hình như trong mình đã bão hòa “dòng văn học bi kịch từ ruộng đồng”. Mới thấy, một tác giả nổi tiếng cỡ ấy, tài văn của Chị là chuyện không bàn cãi nữa, thế nhưng khi “gặp” nhiều lần thì cũng thấy ngán. Đúng như tôi có lần nhận ra: Người đã có chút tiếng tăm trong cuộc chơi văn chương là bắt đầu sống một đời sống mệt mỏi vì cứ phải “tự rượt đuổi” chính mình. Phải làm sao cho Tư của ngày hôm nay cảm nhận cuộc sống mình đang có, cũng bờ ruộng, cũng những cảnh đời lênh đênh gạo chợ nước sông, cũng những tiếng hò khoan buồn man mác nhưng phải khác rất nhiều với Tư hôm qua. Văn học, câu chữ như có “thần” đã giúp Tư truyền tải được cái khác đó, không lập lại chính mình, nên mỗi truyện ngắn của Chị là mỗi lạ lẫm trên một cái nền chung là cuộc sống của người nông dân, tình cảm của họ và những mối dây ràng buộc chung quanh ao cá, lũy tre. Thế nhưng, khi chuyển nó sang thành thể lọai nghệ thuật  khác thì tôi e lại không thể làm chúng khác đi, không thể, nên xem phim và kịch, bỗng dưng…thấy ngán là vậy…

Xem “Cánh đồng bất tận”, rồi xem “Nửa đời ngơ ngác”  thấy hiện ra rất rõ nét bức tranh cuộc sống nông dân bây giờ sao mà buồn quá. Buồn trên chính cái đồng ruộng tưởng đâu êm ấm, thanh bình của họ. Buồn trên chính cái lòng nông dân tưởng khi đã chạm mặt cho đất, chạm lưng cho trời, sẽ mở ra cho cái gọi là “rộng rãi”, cho cái gọi là sự thương yêu, chia sẻ, gắn bó với nhau mà lặn lội qua ngày. Nhưng không, cái nghèo triền miên, những căn nhà trống huơ trống hốc, đất nện vách tranh, những cuộc đời ba chìm bảy nổi lênh đênh sông hồ, dường như làm cho họ vừa thương yêu nhau hết lòng, lại vừa cố cản, không cho phép người nông dân có thể mở mắt ra nhìn xung quanh, mà họ chỉ có thể nhìn tới nhìn lui cái khạp gạo nhà mình. Họ nhìn để thấy, nghèo là hèn, nghèo là nhục, nghèo là không thể viết hoa hai chữ “hạnh phúc”, dù nhiều khi đời vẫn dạy “có những thứ trên đời này đâu mua được bằng tiền”. Và thế là trong tận cùng cái khổ, họ trở nên ác độc một cách hồn nhiên. Người mẹ của Nương và Điền trong “Cánh đồng bất tận” ác theo kiểu “phụ bạc”. Cha của Nương và Điền thì ác theo kiểu “giận cá chém thớt”, mang mối hận lòng trút ra thành mối hận đời. Mang cái yêu-hận người đàn bà của mình trải ra thành những hành hạ đối với những người đàn bà sau đó trót va vào mình. Họ va vào anh bằng một tình yêu không thể lý giải, thứ tình yêu mà lòng thù hận không cho phép anh ta thừa nhận rằng nó có. Bởi vì, thừa nhận tình yêu, thì cũng giống như Tư Nhớ trong “nửa đời ngơ ngác” đã nói: Chấp nhận Út Lý nghĩa là tha thứ cho Bà Hai, tha thứ cho cái người đã bắt mất của anh một người vợ, làm chết của anh một đứa con sao? Mặc dù anh cũng biết, Út Lý cam nguyện đem cả đời mình ra để “thền” cho cái gia đình mà má cô đã cướp của anh. Lũ người giang hồ dày vò Sương, cưỡng hiếp Nương ác theo kiểu thảo khấu lục lâm. Bà hai- má của Lê và Lý, ác với Tư Nhớ, vì chính cái nỗi sợ nghèo đời này lắt lay sang đời khác của dân xứ mình. Bà thưa công an, tố cáo con rể hờ là chỉ mong cướp lại đứa con gái để đem nó về gả bán cho một gia đình mà bà nghĩ con bà sẽ được ăn sung, mặc sướng. Để nó không ru những lời ru buồn vì cái cảnh quanh năm nợ đậy. Để nó không phải nhìn hòai cái khạp gạo nhà mình với những tiếng thở dài… Truyện thì thắt lại lòng người đọc với cái cười ngu ngơ của những người nửa đời loay hoay, bức bối với những cái ác khi lộ, khi ẩn, mà không  hiểu mình phải thóat ra bằng cách nào. Nhưng phim và kịch, thì lại lý giải nó theo một kiểu mà tôi cho rằng rất dở: Đó là đưa sự “lạc quan cách mạng”vào để giải quyết quá chóng vánh, quá là “có hậu” những vấn đề mà cả xã hội hôm nay chưa có lời giải đáp. Đó là những vấn đề còn bỏ ngỏ, còn nhiều hệ lụy khác nữa mà ai cũng có thể dự phần. Dự phần nhưng không thể đi đến cùng, đến tận…Đó là chưa kể, mạch kịch, mạch phim lại cho những nhân vật của mình thỉnh thỏang lại có một chút hài, lấy tiếng cười khán giả mà tôi không hiểu mục đích để làm gì? Khán giả cũng cười, nhưng họ không cười theo cái cách mà nhà làm phim, nhà dựng kịch muốn. Họ cười, như một tiếng cười ngơ ngác, giữa một mạch phim, mạch kịch đang rất xúc động.

Cái kết của truyện “Cánh đồng bất tận” là sự để ngỏ của những phận người tan nát vì cái Ác lộng hành, từ cái ác của người xã hội đến cái ác tự thân. Cái kết của “Chiều vắng” đó là sự gặp lại của Út Lý, Tư Nhớ và Lê. Họ là ba con người vẫn chờ đợi nơi nhau một sự mơ hồ. Mơ hồ mà lại muốn cho rõ ràng. Tư Nhớ gặp lại người vợ cũ giờ đã là một thiếu phụ trung niên bệ vệ, Anh cười ngơ ngác nói: Đây đâu phải Lê, Lê đâu có mập dữ vậy…Nhưng trong phim “Cánh đồng bất tận” lại cho thấy một cái kết “có hậu” đến là “ngơ ngác”. Người đàn ông suốt đời hận thù, để đến nỗi làm tan nát gia đình, đẩy những đứa con mình đến cùng cực đau khổ, lại có thể, sau tai ương của con, cười nhẹ nhõm lui về làm ông lão chèo đò bình dị ngày ngày hiền hòa đưa trẻ đến trường. Còn ở “nửa đời ngơ ngác” khi Lê trở về đẹp, sang trọng, và Út Lý bắt chị mình phải đối diện với Tư Nhớ để có một lời cho rõ, thì Tư Nhớ dường như lại không còn biết gì đến người phụ nữ mà mình thương nhớ, chờ mong mấy chục năm qua. Khán giả khá là “ngơ ngác” chờ mong những lời đau xót từ ba nhân vật có chung bi kịch, thì lại “hân hoan” bước sang một sự mở ra hết sức…tích cực. Mặc dù cảnh trí này được “đạo diễn lý giải” là do Tư Nhớ “ngộ ra” anh yêu Út Lý khi thằng Lụm làm bộ báo tin cô té giếng chết…

Cả phim và kịch đều có đạo diễn, tác giả kịch bản chuyển thể và dàn diễn viên “có nghề”. Họ làm được cho khán giả “cười, khóc” theo mình… nhưng để có thể trở thành những bộ phim, những vở kịch nhân văn thực sự, tôi nghĩ, cần phải có một chút dũng cảm của người làm phim và người dựng kịch. Đó là: những bi kịch hôm nay mà họ thể hiện không phải là bi kịch của ý thức hệ, mà là những bi kịch của đời sống thường nhật của một bộ phận người trong xã hội…Việc đưa bi kịch đó phản ánh bằng nghệ thuật đã là một việc làm nhân văn. Sự nhân văn đó nằm ở khía cạnh phản ánh, chứ nó không nằm ở chỗ giải quyết thế nào. Vì vậy, khi cố “ép” nó vào những “kết cuộc tươi sáng” mà ai cũng biết là “khiên cưỡng” thì sẽ gây ra hai điều hại: một là tính nhân văn của tác phẩm mất đi. Hai là, làm cho khán giả bỗng chốc nghi ngờ cả tính phản ánh của nghệ thuật… và tôi e, lâu ngày, đó là lý do khiến họ quay lưng lại với nghệ thuật nước nhà…

Thứ Tư, 17 tháng 11, 2010

Entry For 20 November 2010, Thưa Cô, em muốn nói...

Đâu đó bên đời, em từng có Cô…

            Năm tôi học lớp 10 Trưng Vương – Sài gòn là những năm tháng đất nước khó khăn khủng khiếp. Cái khó khăn đó lan vào mọi ngóc ngách  từng gia đình và gia đình tôi cũng không thể tránh. Gạo bán theo sổ không bao giờ đủ cho 11 miệng ăn trong nhà mà bán kèm khoai sắn. Nhà lại có ông bà lớn tuổi và đau bịnh, nên bọn trẻ chúng tôi phải ăn khoai là chính còn gạo thì dành cho người ốm. Không như bây giờ, khoai bán theo sổ ngày đó chất lượng rất tệ. Khoai lang thì đa phần bị sùng, còn khoai mì thì thường đã chạy chỉ xanh. Nhưng đâu còn cách nào khác, mẹ tôi vẫn phải nghĩ ra đủ cách để chế biến số khoai đó thành thực phẩm. 5 anh chị em tôi đi học, buổi sáng “khoái ăn sang- sáng ăn khoai” là “chuyện thường ngày ở huyện” của chúng tôi. Nhưng ăn khoai lang sùng thì không sao, chứ ăn khoai mì bị chạy chỉ xanh là có chuyện.

Cô giáo dạy Sử của tôi năm ấy là một cô giáo rất đẹp, Cô tên Hà Lý Hạnh. Những giờ Sử của Cô bao giờ cả lớp cũng như hóa đá. Cô không chỉ đẹp mà còn giảng bài rất hay. Ngoài chính sử, Cô còn kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện dị sử rất thú vị. Học lịch sử thế giới khô khan, xa lạ, vậy mà qua lời giảng của Cô, nó trở nên rất gần gũi, quen thuộc. Cô được học trò rất ái mộ, tôi cũng là một “fan” trung thành của Cô, cố học thật chăm môn Sử, vốn là môn trước đây tôi cực ghét. Không hiểu duyên cớ làm sao, trong số đông học trò, Cô lại rất quan tâm và chú ý đặc biệt đến tôi. Giờ học, những khi cho lớp ghi bài, Cô thường hay xuống chỗ tôi, giở xem tập vở, hỏi han và khi quay đi bao giờ cô cũng xoa đầu tôi một cái rất nhẹ. Cô không biết, mỗi cái xoa đầu đó tôi nhận từ Cô, nó giống như “dopping” khiến tôi vui, hưng phấn và hãnh diện với các bạn trong lớp kinh khủng.

Một buổi sáng, sau khi ăn khoai mì hấp mẹ nấu, tôi đến trường và bị … say khoai. Sau khi trực xe theo phân công, bàn giao lại cho lớp chiều, tôi lơ mơ vào lớp như người say rượu. Tiết một ngày hôm đó lại là tiết Sử của Cô. Bạn tôi kể lại là tôi vào lớp vừa chào Cô, vừa cười “ngu ngơ” như đứa “mất sổ gạo”. Cô hỏi hai ba tiếng mà tôi chẳng trả lời gì, cứ thế lầm lũi về chỗ. Bạn tôi còn kể, khi biết ra tôi bị say khoai, cô quay đi mắt đỏ hoe…ra chơi hôm ấy, lớp trực căn tin cho người lên gọi tôi xuống…uống sữa đậu nành. Cô phụ trách căn tin dặn tôi từ giờ cứ đến giờ ra chơi là xuống uống sữa. Tôi ngạc nhiên, nhưng thành thật thưa là em không có tiền. Cô căn tin cười bảo có người đã đóng tiền cho tôi uống sữa hết năm rồi…Tôi hỏi nhưng chẳng ai nói cho tôi biết “ân nhân” của mình là ai…Tôi học 3 năm ở Trưng Vương, trở thành “mối quen” sữa đậu nành của căn tin và tận cho tới lúc ra Trường vẫn không biết ai là người đã đóng tiền cho mình uống sữa. Những ly sữa ngày ấy không chỉ giúp tôi vượt qua cái đói, mệt thường trực, mà còn làm cho tôi học hành chăm chỉ hơn. Chăm chỉ để được giỏi hơn, vì không muốn làm người đã thương yêu mình thất vọng dù chẳng biết họ là ai…Mãi sau này, trong một buổi họp lớp, Cô trực căn tin mới cho tôi biết đó là Cô giáo dạy Sử của tôi. Biết được điều này thì Cô đã đi định cư ở nước ngoài. Cơ hội Thầy Trò có thể gặp nhau chắc là rất khó. Và tôi cứ giữ mãi trong lòng mình một lời cảm ơn chưa nói được với Cô.

Cách đây 2 tuần, bạn tôi gởi e-mail về báo tin sẽ tổ chức họp lớp kỷ niệm 30 năm ra Trường của niên khóa Trưng Vương 74-81 chúng tôi. Buổi họp sẽ mời nhiều Thầy Cô tham dự. Và tôi thốt nhiên nhớ đến Cô ngay. Tôi biết mình không thể có điều kiện tham dự họp lớp, nhưng tôi sẽ gởi bài viết này sang cho các bạn mình. Hy vọng nếu gặp được Cô các bạn sẽ chuyển giúp. Tôi muốn thưa với Cô rằng: Tôi là một đứa bé ngày ấy chưa ngoan, giờ thành người lớn vẫn chưa thật chững chạc. Nhưng trong bất cứ việc gì tôi làm, bất cứ mọi quyết định nào của tôi khi có liên quan đến ai đó, ngoài những căn dặn của gia đình, tôi đều luôn nhớ đến Cô. Nhớ, để biết mình phải đắn đo và chừng mực trong mọi việc. Nhớ, để nếu không làm mình tốt hơn với cộng đồng, thì nhất định cũng không được xấu đi. Bởi trong huyết quản mình, ngoài dòng máu thiện lương cha mẹ cho, còn có những ly sữa ân tình của một người Thầy thầm lặng trao gởi. Cô lúc đó chắc không nghĩ sâu xa đến thế mà chỉ đơn giản muốn chăm sóc một đứa học trò lúc nó gặp khó khăn. Nhưng đứa học trò đó thì không thể để cho sự chăm sóc của Cô ngày ấy uổng phí đi. Xin cảm ơn Cô, vì Cô luôn có mặt, dẫu rất thầm lặng, đâu đó bên đời của em…và đã giữ gìn em cẩn thận! Rất cảm ơn Cô!

Lâm Minh Trang

Thứ Năm, 11 tháng 11, 2010

Entry For 12, November 2010- Tôi được Chị bổ sung "i-ốt"...

Tuổi trẻ hoang mang

Tôi vừa được tặng trọn bộ những tác phẩm đạt giải Văn Học Tuổi 20 năm 2010. Người tặng sách nhắn nhủ: Chị bận quá, chưa có giờ đọc, em ráng thu xếp đọc, rồi cho biết cảm tưởng… Tôi mỉm cười, “bận” là bệnh thời đại. Khi cần phải biện minh cho một công việc gì đó chưa kịp làm, thì ta có nó như một lý do hết sức tốt. Nhưng sách là thứ tôi mê, sau … ăn nhậu, nên tôi có hứa: Em sẽ đọc và gởi mail cho Chị sau… Khác với người ta, những lần không có khả năng mua trọn bộ sách này, phải mua lẻ rồi “thiếu trước hụt sau”, tôi bao giờ cũng ưu tiên chọn mua những cuốn …đạt giải khuyến khích trước. Bạn hay cười hỏi khi nghe tôi kể: Sao kỳ vậy? Hay “đồng bệnh tương lân”? Vì bà cũng “chuyên trị” giải ..khuyến khích hoặc là ..vòng loại…Tôi không giải thích, vì cho rằng có giải thích cũng chẳng ai đồng tình. Lý do tôi thích những tác phẩm đạt giải khuyến khích-thích mua, thích đọc- hoàn toàn không phải do tôi khác người, mà tôi luôn đánh giá cao những tác phẩm ấy. Văn chương, theo tôi, là một cuộc chơi rất mệt nhọc. Nó cuốn hút người ta hơn ma túy và nhanh chóng làm người ta “tan nát” theo một dạng nào đó, tàn nhẫn hơn. Những cây bút được công nhận thì cứ phải mải miết cày ải trên “cánh đồng tâm hồn mình” và đào xới “những vỉa quặng tâm hồn người” để giữ mãi được sự công nhận. Những cây bút chưa ai biết đến, thì bi kịch hơn, lại càng mải mốt hơn trên bước đường “văn mình” với cái suy nghĩ cũng “tan nát” không kém “tôi hay mà sao không ai hay”. Vì thế, những tác phẩm không đạt giải  cao trong các cuộc thi với tôi là những tác phẩm có thể “để đời” của những người “lao động văn chương”  vất vả nhất. Sau nó, vì mải miết muốn nhắm đến những cái đích cao hơn, họ có thể đánh mất một thứ quý giá đó là sự hồn nhiên ban đầu trong cuộc chơi chữ nghĩa. Chọn sách với tôi là như vậy.

Những giao diện ẩn của tác giả Thiên Di là cuốn sách được tôi chọn đọc đầu tiên với suy nghĩ như thế. Và khi đọc, tôi luôn cố tránh đọc phần giới thiệu về nó của Ban biên tập. Tránh, để cảm xúc với tác phẩm này phải là của mình một cách tự nhiên nhất và không có “định hướng”, không chạy theo tâm lý “số đông”. Tôi đọc còn với tư cách và tình cảm của một blogger đang ngày ngày: ăn với máy, sống với máy…Thiên Di đưa tuổi trẻ của mình vào chuyện, nhưng nó không phải là một tự sự của bản thân, mà là cách cô muốn nhìn lại cách sống của chính mình, của bạn bè thế hệ mình hôm nay trong một xã hội số hóa. Nơi đó, thay cho những giao tiếp thông thường như nói, như hét, như cười, như hờn giận, ganh ghét… là những icon bày tỏ cảm xúc qua màn hình phẳng. Con người trình bày tâm cảm, suy nghĩ của mình gián tiếp qua những giao diện, những trang mạng xã hội. Nơi đó, họ nghĩ rằng, khi cuộc đời thật buộc chặt họ như số phận và như một định mệnh không thể rũ bỏ thì đời phẳng lại cho phép họ bày biện lại, sắp đặt lại nó theo cái cách mà họ gọi là “prồ” nhất, phù hợp nhất, hay nói theo ngôn ngữ IT thì đó là một cuộc đời “tương thích” nhất. Thiên Di tự nhận “ngôi thứ nhất” về mình bằng nhân vật Bướng bỉnh ( mà thỉnh thoảng chỉ còn là Bướng) . Bướng bỉnh có những người bạn Ngổ ngáo, Cục đất, Tham Vọng, Tử tế… Xoay chung quanh cái trục bốn nhân vật chính này còn có những nhân vật  Cỏ hoang, Thiên thần kính cận, Nhóc không cười, Mặt bẹt, Chị Gái fashion…còn có những ông-bố-bà-mẹ hôm nay làm bố mẹ theo kiểu “sự nghiệp là trọng”, rằng hôn nhân và gia đình chẳng qua cũng là một phần của bản “dự án cuộc đời” và con cái là phần “phát sinh” có thể có chủ đích hoặc ngoài ý muốn của “dự án” đó. Còn có những cuộc sống lêu bêu, chìm nổi, mà cái phần căn cốt nhất của sự lêu bêu chìm nổi đó là người ta không biết mình cần phải gắn bó với cái gì, gắn bó với nơi chốn nào, gắn bó với ai. Cỏ hoang đã trả lời Ngổ ngáo - khi cô hỏi anh sao chưa lấy vợ? Rằng sao anh không giữ người con gái anh thương lại- rằng: Người ta muốn rời bỏ ngã ba sông! Người ta nói với tui người ta chán cái nhốn nháo của chợ người, chán cảnh ăn cơm bữa nay mà lo bữa mai, chán cảnh mặc vải chưa được ba con nước đã muốn bục rách, chán cảnh cổ tay trơn trụi…Người ta chán nhiều nhu thế tui làm sao mà giữ… Vậy sao anh không đưa người ta đi? Vì tui thương mấy điều người ta chán! Thương đứt ruột!Tui cũng thương cái đoạn sông đó…tía má tui nằm ngoài đó… Cỏ hoang không biết chữ, nhưng những lời anh nói – khá giản dị và hồn nhiên- lại diễn đạt một thông điệp lớn hơn :Làm người, là phải biết mình thích gì, nên ở đâu và vì sao lại như thế…Chỉ cần vài lời đơn giản đó, Bướng bỉnhNgổ ngáo –bạn cô nhận ra : “…còn ước mơ của tôi và Ngổ ngáo sao xa xôi và viển vông quá thể. Tôi và Ngổ ngáo đi tìm điều xa vôi và viển vông đó đến bao giờ đây…”. Bằng tên gọi những nhân vật chính của mình, Thiên Di đã vẽ nên những chấm phá về bức tranh tính cách của thế hệ cô hôm nay. “Đồ họa” thêm những nhân vật chung quanh, Thiên Di cho thấy thế hệ đó đang chịu tác động bởi những vấn đề gì. Cái cách cô sắp đặt nhân vật, sắp đặt mạch truyện, cho họ những mối liên hệ “ắt có và đủ”, đã tạo nên một “nét lạ” trong tác phẩm, nhưng lại là một nét lạ hơi …bộc tuệch. Bởi nó bày biện ra hết những điều mà một tác phẩm văn chương muốn gởi gắm cần phải biết giấu nó đi sau câu chữ. Giấu đi để người đọc phải tự tìm. Giấu đi để giúp người đọc phải động não “giải mã”. Cũng như cái cách Thiên Di chọn cho Bướng Bỉnh, Ngổ Ngáo và Nhóc không cười chết đi, trong khi những  Cục đất, Tham vọng, Tử tế còn lại và giải quyết những vấn đề mà thế hệ họ đặt ra cho xã hội khá đơn giản, theo tôi đó là cái “chưa tới” trong tác phẩm của Thiên Di. Có lẽ vì vậy tác phẩm này  phải ngừng lại ở giải Tư. Với tôi, sự ngừng lại này lại là một phần thưởng. Bởi, người viết văn Thiên Di cần hiểu rằng “văn học là tấm gương của cuộc sống” không có nghĩa là trong tấm gương đó, ta được quyền “bẻ tay bẻ chân” những gương mặt xã hội mà không cần đến vật thật phía bên kia…Rằng cô cần phải hiểu, những vấn đề của thế hệ cô hôm nay vẫn chưa có  và chưa thể có giải đáp. Vẫn là một “cánh đồng bất tận” những câu hỏi không có đích nhắm và không có cách trả lời nào thực sự “tương thích”…

Xã hội thực của những người trẻ, được nhìn qua một giao diện phẳng, nhưng vẫn có những góc cạnh đáng kinh ngạc: đó là tuy hoang mang về hướng đi nhưng họ lại rạch ròi trong cách đi. Họ không chấp nhận thái độ lừng khừng trước một vấn đề nào đó. Họ tôn trọng nhân cách cá nhân nhiều khi đến cực đoan mà ta hay “chụp cho nó cái mũ” là “cái Tôi quá lớn” : Nếu tao không có tư cách nói mày thì mụ kia cũng không!Nếu quan hệ giữa mày và người đó là quan hệ tiền-tiền, thì mày và họ bình đẳng…- đó là lời của Ngổ Ngáo  nói với Bướng Bỉnh  khi cô bị người bán xăng mắng vì xin thiếu lại 300 đồng lúc đổ 10 ngàn xăng… Chính những góc cạnh đó đã cho tôi một suy nghĩ nghiêm túc về “những giao diện ẩn” khi ta bày biện cuộc đời mình một cách ý thức trước màn hình phẳng. Tôi đọc Những giao diện ẩn của Thiên Ân  để hiểu về thế hệ các người trẻ hôm nay thêm một chút. Hiểu họ đang hoang mang, đang loay hoay khi con đường của những thế hệ đi qua để lại quá nhiều những vấn đề quá tầm trách nhiệm của họ. Và họ sợ rằng ngày nào đó họ cũng sẽ phải để lại cho thế hệ sau những vấn đề của mình hôm nay…Hiểu họ và tôi quay lại hiểu mình, để biết:

Năm hai mươi tuổi, những sai lầm thường được gọi là nông nổi.

Tôi tưởng tượng, năm tôi …tám mươi, chắc hẳn sai lầm của tôi sẽ rất … “thiếu i-ốt”. Lúc đó, hẳn tôi sẽ nhớ lắm những ngày hai mươi vội vã, “vừa chạy vừa buộc…dây giày”.

 Sau những bồng bột và nông nổi, tôi thường thấy tiếc, nói một cách …fastfood thì đó là “nợ”. Nợ bản thân khát vọng, nợ người thân ân tình, nợ  bạn bè thái độ…

Rồi nghĩ đến ngày không còn được trả “nợ”. Cả nghĩ về cái chết nữa chứ, không phải muốn trốn tránh hay đào thoát mà vì như Leo F. Buscaglia đã nói: “ Chết là một thách thức. Nó bảo chúng ta đừng lãng phí thời gian. Nó bảo chúng ta hãy nói thẳng với nhau là chúng ta yêu nhau”

Thì ra, không phải chỉ có người trẻ tuổi hoang mang, mà không ai trong chúng ta đi cùng kiếp nhân sinh lại không hoang mang. Ta hoang mang chính vì những “nợ nần” ta buộc phải khi đi cùng nó. Những nợ nần mà tới lúc hiểu ra ta phải trả bằng “yêu thương” thì đã muộn…Và chính bằng những dòng viết này của Thiên Di trong tác phẩm Những giao diện ẩn, tôi biết, cô còn cả một con đường sẽ rất dài nhưng đã khá quang quẻ trong “nghiệp văn” của mình…

Và tôi viết entry này như một lời cảm ơn…Cảm ơn người viết sách là một lẽ, cảm ơn cả người cho sách…như một cách giúp tôi tránh những sai lầm “thiếu i-ốt” trong đời mình…