Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

Entry for 27,28,29 May 2011- Cảm ơn Đời đã quá thương Tôi....

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong…

Sau thành công của chuyến đi Mỏm Đá Chim- Phan Thiết vào tháng 03/2011, sau vài chuyến đi nữa “đánh lẻ” –mà hông vui bằng, Hội đạo hữu Đạo Tám ốp-lai wuyết định tổ chức một chuyến đi về…Châu Đốc- Hà Tiên với đầy đủ thành phần…ham vui như lần đầu …biết wậy. “Lý vo” chính đáng cho chiện chơi bời này, trước hết, để Bạn Thủy Cúc hoàn thành tâm nguyện “hứa hẹn” với Thần Thánh mà nhiều năm wa sau khi đạt thành tâm nguyện Bản đã  “vờ đẹp”. Sau nữa là cho Bạn Bậu Gà Phương Nguyên thỏa nguyện vọng mang giang hồ Tám về wậy xứ Châu Phú hiền hòa của Bản. Và cuối cùng là để Chị Ba Thu Nhân hội ngộ với những ngừ “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình” mà Chỉ wen biết biết nhiêu từ hồi 360 đến nay vẫn chưa lần hội ngộ. Chuyến đi vào giờ…gần chót coi bộ ỉu xìu vì chị Gió có việc nhà phải rút. Bạn May cắp cặp “hầu tòa” để lấy kinh nghiệm cọ …xát giữa lực phốp của “Tư bổn dãy chết” với lực phốp “xuống hố cả nút” cũng hông dứt ra đi chơi được. Đám bạn nhỏ nhà Mập đứa thi, đứa về quê, đứa…ở lại lo cho mấy đứa

thi cũng hông đi nữa… Hic! Tuy ỉu xìu, nhưng số mail wa lại giữa “phần còn lại của thế giới wậy” cũng ngót nghét 450… Bậu Gà xung phong mần tour guide do nơi đến là “địa bàn” của ẻm, và từ tiếng gà mái gáy ò ó o của Bẩu, vóc dáng của một chuyến đi đã hình thành…

Cho dù là đi chơi, mới thấy, ám ảnh xã hội hiện nay đối với nhân dân ta không phải là điều “nghĩ ra mà nói”. Ngay trong chiến đi với lực lượng mỏng hơn thế lực diễn biến này mà vẫn phải có đầy đủ lãnh đạo, hành pháp, tư pháp như cái kiềng ba chân, để không cũng đổ. Và đặc biệt, lần đầu tiên kho bạc nhà nước chuyển giao thành …kho bạc nhân dzân…Rứt tội nghịp kho bạc nhân dzân Thủy Cúc, cứ sợ chánh quyền do Đảng xúi, lại phải vay vốn Ồ Đế À cho đời sau còng lưng gánh…để chơi, nên đã huy động gần như tòn bộ anh, em, con cháu của mình tham gia đi để kéo …giá thành sản phẩm là… thấp nhứt, mặc dù hông có cạnh tranh, đấu tranh với ai ráo. Chị Ba Bến Tre, giữ đúng dòng máu Đồng Khởi, nhưng thay vì “chặt đầu thù”, Chị đã ra sức chặt hầu bao của Hội Cựu Chiến Binh Nam để thửa một thùng bưởi da xanh hơn 2 chục làm “lộ phí xanh tươi” cho chiến đi thêm phần dã…man, à không, dã…chiến…Mập M được nhân dân tin dùng đứng ra nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo tòn diện. Bậu Gà được phong làm chánh quyền và Anh Bắc, chủ xe, vào giờ khởi hành, ngồi sau vô-lăng, tí nữa buông còng vì nghe nói mình được bầu làm “người cầm lái vĩ đại”. Nhân dân còn lại trên xe gồm có Anh Ba và bé An- cặp bài trùng như hình với bóng, Bạn Suối- thương binh 1/1 ( do bị đau cột sống và lưng), các Bạn Thắm-Nhẫn-Hào- đội hậu bị đại diện chân chính của cửa hàng thu gom đồ lưu niệm. Lực lượng đã đủ và Đảng phát lệnh “tổng tiến công và nổi dậy” vào lúc 5g15 ( thay vì 6 giờ như đã hẹn) làm nhân dân ngái ngủ, vừa làu bàu lên xe vừa rủa thầm, chỉ có Bạn Suối là hông rủa mà …chửi thẳng… hihi! Công  nhận thương binh bao giờ cũng có máu…công thần!

Chuyến đi, như mọi “con đường ra trận” khác cũng đầy đủ hỉ-nộ-ái-ố, cũng có khi “toàn thắng ắt về ta”, cũng có khi “ hoan hô! Địch chết ba còn ta thì chết…rụi”, cũng có thành tích thật và cả…ảo. Nhưng nói chung, con đường cách mạng nào cũng chứng minh những “luận đỉm cơ bản” sau:

1-Chánh wuyền kiểu nào cũng “trớt wớt” kể cả chánh wuyền chơi bời được bầu cử khá dân chủ. Ví dụ, “người cầm lái” tuyển mộ lực lượng ở Long An, chánh wuyền từ Châu Phú lại “tà lanh” chỉ đường, mà chỉ …tà lọt mới ghia ( đến nỗi bác tài phải nói: thôi cô cứ nghỉ ngơi cho phẻ, tui tự tìm đến lực lượng bên đường được roài!).Hoặc, đang sanh hoạt văn hóa trong “hầm chiến khu” với bài Nguyễn Thị Mộng Thường thê thiết, thì chánh wuyền tay bốc bưởi, miệng ăn bưởi da xanh lia lịa hông thèm ngó nghiêng coi phản ứng của nhân dân ra sao, tự nhiên lại buông ra một “chánh sách trời ơi” : Nhảy nghen! Làm Đảng thiếu điều “đụng nóc” như “lọt hố tử thần”, đội văn nghệ tí nữa té võng, còn người cầm lái một lần nữa thở dài và ôm đồ đi tắm cho… lành mạnh xã hội… Hay khi có kẻ thù lăm le gây hấn lúc 3-4 giờ sáng ngoài biên giới phòng trọ, chánh wuyền đã hùng dũng xông ra, cóc cần đàm phán, cảnh cáo gì hết. Ai dè, bị kẻ thù “xọt tơ ninh” lại: giờ này mà nửa đim gì nữa! Mần chánh wuyền wê khó wề, ôm tâm sự dìa buồng trăn trở cho tới ..sáng… hehe!

2-Đảng kỳ này được tiên dương khen thưởng về nhiều mặt. Nói chung, mọi ái ố và sự cố đáng tiếc xảy ra trên đường cách mạng là do chánh wuyền trớt wớt chớ hông phải do “đường lối lãnh đạn” sai. Như nhân dân nói: Lúc nào Đảng cũng tìm ra rất nhanh nơi chốn để “trút trách nhiệm” y như …trút rác hông đúng chỗ, bị nhân dân càm ràm nát mặt, hehe! Đảng còn “dựng lên” được những hình tượng anh hùng để “nhứt hô vạn ứng”. Ví dụ như  hai anh thư “Thúy Liễu và Kết Liễu”- giống in hai khía cạnh của một chai xăng, một sợi dây dù… Đảng còn góp phần làm cho Biển Tây đã lún càng thêm lún hoặc làm “nổi lửa lên em” khi kho bạc nhân dzân Thủy Cúc hội ngộ cùng Kiểm sát nhân dân và hậu phương của ẻm với một bộ cánh “có chỗ nhìn hông ra” và “nhiều chỗ” báo động “bảo vệ môi trường” hướng 11 giờ ... khà khà!

3-Lựng đỉm cúi cùng, đóa là, kết thúc một cuộc vui bao giờ cũng rất bùi ngùi. Bậu Chủ tịt, trước khi thôi giữ chức- mà không cam tâm, đã nhảy theo xe nghìn dặm quan tái tiễn chân. Có lẽ sau “ba ngày đi bụi mà hông phong trần” ( lời anh xã của ẻm nói trong cái nghiến răng trèo trẹo), Bậu sợ phải đối mặt với cái hàm răng ba ngày nhai bánh mì của anh xã nên định kéo dài giờ phải “đối mặt- wanh bai wanh one by one” với tình trường thim phút nào hay phút nấy, hoặc giả, Bậu tiếc cái bài “chỉ còn gần nhau một giây phút thôi” mà chưa kịp “nhảy nghen!”  nên đu theo xe chăng? Đảng sau khi đưa nhân dân đến bến bờ gia đình hạnh phúc- đi chơi là đủ, lúc chỉ còn lại một mình trên xe với người cầm lái thì thực sự rất tiếc nuối nhận ra rằng: hông còn nhân dân, Đảng có thí mình hay ho đến đâu cũng đâu còn ai để mà chia sẻ và gánh vác nhọc nhằn cho những đường lối …trời ơi mà Đảng “phán”. Hông còn nhân dân, Đảng rất cô độc khi nghĩ tới cảnh ngày mai phải vào trường lúc 5h15 để đối mặt với kẻ thù giai cấp thay vì ngủ một đim dậy, thấy nhân dân chờ sẵn tươi cười và hỏi: đảng ngủ ngon hông, có nằm mơ thấy “sao vàng năm cánh mộng hồn wanh” hôn? Và không bít nhân dân nghĩ gì, khi Đảng manh nha đề ra một đường lối mới mà đích đến… hehe!

Ơn nhân dân suốt đời, sáng nay Đảng hỏi: Chẳng hay nhân dân phẻ hông? Có nhớ Đảng như Đảng đang nhớ nhân dân hông? Và chánh w uyền ơi, chánh w uyền có nhớ tui hem…

Hun tất cả nhân dân với tòn vẹn tình cảm trong lòng của Đảng… TRái tim Đảng chia ba phần tươi đỏ, Đảng dành riêng chuyện ăn uống phần nhiều, phần cho nhân dân và phần để cho…nhà.. hehe! Cảm ơn một lần nữa, những Bạn “phe nào thắng thì cũng nhận phần thất bại”…thiệt lòng rứt cảm ơn… Về Biển Tây nên không thể ngắm bình minh mà chỉ có hoàng hôn, tức cảnh sinh tình mà có thơ vầy tặng nhân dân:

Đưa người- chỉ đưa wa cầu chữ S- chợ Cái Dầu- đầu Châu Phú địa bàn ngập nước- mà sao đẩy hoàng hôn (hoảng hồn) trong mắt trong… hehe!

P/s: Chú thích ảnh từ trên xuống

1-Hoàng hôn Biển

2-Cơm trưa nhà Bậu Gà

3-Chùa Phật lớn núi Sam

4-Chùa Hang

5-Ăn trưa "chiến khu" Chùa Hang

6,7,8-Mũi Nai

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

Entry For 26 May, 2011- Mừng Sinh Nhật Tý Con...

Hảo bằng hữu!

Không thể tin rằng chúng ta đã quen biết, thân thiết và yêu mến nhau 22 năm. Quãng thời gian này đủ để thử thách bất cứ tình cảm nào, phải không Bằng hữu? Tui đến giờ vẫn còn nhớ những âm thanh đầu tiên tui nghe về Bằng Hữu. Đó là một ngày, tui dự Lễ Bế giảng năm học 1989 trên Thủ Đức rồi được mời nhậu, tỉnh rượu và đạp xe về đến nhà thì đã hơn 7h30 tối. Bà ngọai của Bằng Hữu ngồi trên cái divan sát cửa sổ, đón tui bằng đôi mắt hoe đỏ và giọng nói tắt nghẹn: Chị Yến con vào bệnh viện rồi… Thế là tui quay ngoắt xe đạp chạy thẳng ra đường. May quá, vào đến nơi thì Bằng Hữu cùng Mẹ vừa mới ra khỏi phòng sanh và được đưa về phòng. Tui lúp xúp xách mấy giỏ đồ, ca cà phê sữa đá mua cho Mẹ Bằng hữu chạy sau. Tía của Bằng Hữu thì đang nâng niu cái giỏ, trong đó Bằng Hữu nằm thiệt ngoan, thiệt gọn với số cân lượng của một

con mèo: 2 kí tư giác năm mươi gờ ram.

Khi Mẹ Bằng hữu đã an ổn nằm trên giường và mút cà phê sữa đá ( bất chấp lời mắng mỏ của cô y tá) chùn chụt, thì chúng tui – tức là tui và má Nga xúm vào xem xét tổng quát Bằng Hữu. Tuy rất nhỏ con, Bằng Hữu lại không hề nhăn nheo và đặc biệt Bằng Hữu có một cặp mắt xanh lè như lai… đang lim dim vì được sờ nắn, bỗng Bằng hữu nở một nụ cười với cái môi cong vều đặc sản Trần Gia, lúc đó, tui nghe tim mình thắt lại một giây- không chỉ tui- Má Nga và tía má bằng hữu cũng nghẹn thắt… Kể từ lúc ấy, tui biết trái tim tui có thêm những dấu chưn giẫm đạp bé xíu của Bằng Hữu… Tý Bằng hữu à!

Hảo bằng hữu!

Tý bằng hữu! suốt 10 năm đầu tiên wen biết, Bằng hữu đã chứng tỏ tình bạn muốn bền chặt là phải qua thử thách. Khi chúng tui buồn ngủ muốn chết thì Bằng Hữu thức và đạp chân xuống divan thình thịch. Khi

chúng tui đói cũng …mún chít, thì Bằng Hữu lại ngậm búng cơm trong miệng hông chịu nuốt. Và tui đã phải nhảy múa theo đủ thể lọai mà những Break Dance, Bebop, Tango… thậm chí Ballet so với những điệu múa dân gian do tui dàn dựng “tự sanh tự diệt” đó đều là …đồ bỏ, để hòng làm trôi miếng cơm qua họng Bằng Hữu. Tui đến giờ cũng không nhớ ra nguyên nhân gắn việc nuốt cơm của Bằng Hữu với việc nhảy múa…của tui là từ đâu và càng hông hiểu sao cái nền nhà tui nó bền dữ dzậy với những điệu múa… khủng long đó. Từ chuyện ăn đến chuyện tắm… cái gì Bằng Hữu cũng thử thách “tình bạn vĩ đại và cảm động” mà gia đình tui dành cho Bằng Hữu. “Mỗi năm đến Hè lòng tan nát buồn”… vì cái gầm giường nhà tui sẽ là nơi tàng trữ khổ qua để tắm cho Bằng Hữu bớt rôm xảy. Trong một lần nhắm mình không vượt qua thử thách được, tui than thở với Bằng Hữu: Con phải ráng ăn cơm nhanh và đừng ốm bệnh nữa, chớ Mẹ con buồn lắm vì nuôi hòai mà con hông thấy lớn! Thì Bằng Hữu – vừa nhẩn nha vớt xác khổ qua lên nghịch- vừa trả lời : buồn làm gì kẻ trắng tay!  Làm tui tí nữa té bổ ngửa…

Hảo bằng hữu!

Vậy mà chớp mắt một cái đã 22 năm quen biết. Cũng chớp mắt một cái Bằng Hữu xa gia đình đi tầm sư học đạo nơi cái xứ xa lơ xa lắc, tiếng nói thì muốn trẹo bản họng 3 năm, và chớp mắt một cái Bằng Hữu đã quay về bên chúng tôi được 5 tháng. Bằng hữu về, các bữa cơm bình thường đã nhộn nhạo của nhà ta lại càng thêm nhộn nhịp. Bằng hữu về, lượng ngũ cốc và thực phẩm chúng tui mua hết nhanh hơn bị xáng cạp thổi. Bằng hữu về, tui lại có thêm nhiều vấn đề mà Bằng Hữu đem đến cho tui cùng giải quyết. Nhưng có một điều tui đỡ được nhiều phần, đó là, mấy cái toilet đã được Bằng Hữu áp dụng công nghệ chà rửa tiên tiến để làm cho nó sạch thay tui. Tui đội ơn Bằng Hữu. Có Bằng Hữu về, nhà mình tuy hông chú ý đến trăng thề, nhưng lại có biết bao niềm vui, biết bao chia sẻ…Bằng hữu không chỉ chia sẻ với chúng tui, Bằng Hữu còn chia sẻ và dìu dắt các tiểu Bằng hữu khác ở nhà ta… Tý Bằng hữu! Cảm ơn trời đất đã đưa Bằng Hữu đến với chúng tui. Cảm ơn Bằng hữu đã lớn nhanh mà không xa nhanh. Cảm ơn Bằng Hữu đã cắn răng với những thử thách mà cuộc đời đem đến ở nơi xa và cả nơi gần hông một lời than thở, biết chấp nhận nó như một cái giá học phí để lớn khôn. Cảm ơn Bằng Hữu đã hứa sẽ quay về giúp nước, giúp tuổi già chúng tôi được đảm bảo tốt hơn về an sinh xã hội. Cảm ơn Sinh Nhật 22 tuổi của Bằng Hữu năm nay dành cho gia đình… Tui xin hôn Bằng Hữu bằng 22 cái hôn thắm thiết nhứt với tất cả tình cảm trong lòng tui. Mong Bằng Hữu luôn có những may mắn đeo đuổi, tâm lúc nào cũng trong lành và hạnh phúc bền chặt ở mọi nơi Bằng Hữu đến.

Hảo bằng hữu!I Love You!

 

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

Entry for 22 May, 2011- Entry cho một "góc đen"...

Tôi và cà phê và…

          Tôi không phải là một kẻ “sành” cà phê. Sành theo nghĩa “chuyên gia” chỉ cần ngửi mùi hoặc nhấp một ngụm, thì có thể nói ngay đó là cà phê gì: Cà phê chồn, arabica, cà phê Trung Nguyên, cà phê Lễ Ký, cà phê Kính Tiên… mà tôi chỉ là một kẻ “sành” cà phê theo nghĩa trong một ngày làm việc phải có vài ly cà phê. “Sành” để khi bạn bè cần một quán cà phê để …ngồi một mình, ngồi nhiều mình… để tám… để xả stress, thì tôi có thể ngay lập tức đưa ra một “địa chỉ cà phê tin cậy” phù hợp với mọi yêu cầu. Nhưng, quán xá chỉ là cái vỏ ngòai, với tôi, cái thứ nước nâu sậm ( cà phê xịn) hoặc đen  đậm ( cà phê bắp rang) kia mới thực sự là điều cốt lõi. “Sành” còn ở chỗ, tôi đã rất nghiêm túc dành hẳn một entry để nói về thứ nước uống… bạn bè này.Ông bà ta có câu “mượn rượu giải sầu, sầu càng sầu”. Rượu- không thể giúp cho ta vơi bớt những buồn phiền hay những đa đoan vướng mắc quá nhiều trong đời sống-nhưng cà phê lại làm rất tốt chức năng này. Vì lẽ đó, tôi gọi cà phê là thứ nước uống Bạn Bè và nó là một người Bạn vô cùng đặc biệt.

Khi Bạn buồn hoặc khi gặp phải bế tắc trong một vấn đề gì đó mà không biết hoặc không có ai để chia sẻ, hãy tìm đến một quán cà phê. Đó là một quán cà phê không nằm trong tiêu chuẩn “thời thượng” mà là một quán ngẫu nhiên “trên đường em nhìn thấy”. Quán xá đó có thể tĩnh lặng mà ồn ào cũng được, kín đáo cũng được mà xô bồ cũng không hề gì, thậm chí là một quán cóc bên đường cũng tuyệt. Bạn hãy vào, chọn cho mình một góc khuất tầm nhìn và ngồi xuống với một ly cà phê đen nóng. Từ góc ngồi đó, khi bưng ly cà phê lên nhấp một ngụm thơm đắng, Bạn sẽ thấy ngay lập tức, không gian quanh Bạn như giãn ra và đầu óc tự dưng nhẹ đi một chút. Không chỉ vậy, cũng từ góc ngồi đơn lẻ đó, cà phê sau bước “làm nhẹ”, sẽ cho Bạn có đủ thư thái sau đó để nhìn ngắm những người chung quanh, lắng nghe những câu chuyện phong phú trong dòng chảy đời sống của họ. Bạn sẽ thấy, không chỉ mình Bạn có những muộn phiền và gặp bế tắc mà hầu như ai đi cùng đời sống cũng phải có. Chính cái “tâm lý đám đông” này cho Bạn một cảm giác “ai sao tui vậy” và lòng Bạn sẽ thấy nhẹ thêm nhiều phần. Không có cuộc nhậu nào  có thể cho Bạn cái thư thái “nhìn ngắm” này. Vào cuộc nhậu là Bạn phải “lăn xả” nếu như không muốn bị chê là “không hết mình” với anh em.Vào cuộc nhậu, Bạn phải “chiến đấu” mà tính “sống mái” trên bàn nhậu cũng không kém so với những đấu tranh mà Bạn gặp phải ngòai đời. Cà phê thì không. Bạn cà phê một mình và Bạn cũng có thể cà phê nhiều mình. Nếu cà phê một mình cho Bạn những khỏang lặng để chiêm nghiệm, thì cà phê "nhiều mình" lại cho Bạn những khỏang lặng có không gian để so sánh và soi rọi. Vào một buổi cà phê, Bạn có thể lặng lẽ, không nói cười mà chỉ tham gia bằng chính sự có mặt của mình, và mọi người tôn trọng sự lặng lẽ đó. Điều này Bạn không bao giờ được trên bàn nhậu. Ngồi với Bạn bè quanh một bàn cà phê, Bạn cũng có thể ồn ào và đưa ra những vấn đề mà Bạn đang mang nặng trong lòng để mong được giúp tìm một hướng giải quyết. Một cuộc nhậu tung trời khi tan, dư vị để lại bao giờ cũng ngầy ngật và mọi bức xúc còn y nguyên, thậm chí còn nhiều lên vì cái ngầy ngật đó. Một buổi cà phê với Bạn Bè, khi tan, dư vị để lại là cái tình “thơm đắng” dành cho nhau và mọi vấn đề có thể cũng còn y nguyên, nhưng ta lại có một cõi lòng thanh thản và một cái đầu nhẹ đi để tự mình giải quyết, tự mình bước tới…

Tôi thích đi uống cà phê, thích mời Bạn Bè uống cà phê và được Bạn bè gọi đi uống cà phê. Giữa những bộn bề công việc, những tắc trách của mình của người gây ra phiền tóai và va chạm, một cái hẹn cà phê tự dưng làm ta nhận ra điều an ủi lớn nhất, hạnh phúc lớn nhất nhiều khi chỉ từ những cái nhỏ nhất. Trong buổi trưa hè oi nồng, được có bên cạnh mình một cối cà phê đá mát lạnh, nhìn những giọt “mồ hôi đá” đọng suốt thành ly chảy xuống, khuấy nhẹ ly cà phê để nghe tiếng lanh canh vui tai của những viên đá nhỏ va chạm vào thành ly, tôi gọi những âm thanh- hình ảnh   nghe nhìn đó là một bản “sô-nát” cà phê tuyệt vời. Hoặc một tối lâm thâm mưa, Bạn ngồi bên một hoặc nhiều tri âm tri kỷ, thậm chí chỉ ngồi một mình với cốc cà phê nóng, nghe tiếng mưa tí tách, cảm nhận hương cà phê thơm nồng, Bạn sẽ như tôi, một lần nữa, trong nhiều lần đã, cảm ơn đời sống, cảm ơn sinh thành đã cho ta có và biết đời sống này, dù nó đủ vị trần ai và thử thách.

Đến với rượu không ai có thể nghiêm túc, dù là nghiêm túc bàn luận về “tác hại” của nó, mà đều phải ba lơn. Nhưng đến với cà phê, Bạn phải đến trong một trạng thái chỉn chu nhất, vì đó là cái chân thành Bạn Bè dành cho nhau. Chân thành cà phê- chân thành Ta. Và để nghiệm đủ những chân thành đó, xin Bạn- hãy như tôi- đừng bao giờ đến với cà phê qua một cái ống hút. Ống hút không phải là cây cầu nối giữa ta với Bạn Cà phê như mọi người lầm tưởng, mà nó là một đường ống nối dài ( như cái lô cốt) có khả năng giết chết sự cảm thông, giết chết cảm xúc ta có thể dành cho nhau và có thể giết luôn những tình bạn ta không thể  kiếm ra đâu nữa trong cõi đời ô trọc này.

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2011

Entry For 17 May, 2011- Luận văn về "nước mắt wê hương"

Trường THCS N. Quận G.      KIỂM TRA XẾP HẠNG “BỢM”

Lớp: ngọai trú                                MÔN : TẬP LÀM VĂN

                                                         NĂM HỌC 2010-2011

Học sinh: Lâm Thị Bợm          ( Thời gian: Khi nào tỉnh thì…nộp)

Đề tài: Bằng hiểu biết ( có thể nông cạn) và kinh nghiệm ( có thể tràn trề) Em hãy nêu những tác hại của Rượu một cách thuyết phục nhất.

Bài Làm

          Hiện nay mỗi khi nói đến thực trạng của ngành giáo dục Việt Nam, người ta hay ví nó như một con thuyền đang chao đảo. Trạng thái này thọat trông rất giống như hành vi của những anh chàng/cô nàng (hoặc cao tuổi hơn một tí là của những ông/bà) đã ngấm nhiều chút một thứ nước mà ta gọi- à không- người Nam bộ gọi là rượu, người Bắc bộ gọi là cồn, nhưng hiện nay, dân Bợm không phân biệt địa giới Nam Bắc, gọi chung nó bằng một “mỹ cụm từ” đó là “nước mắt wê hương”. Chính vì thứ nước này là nguyên nhân của mọi nguyên nhân cho cái hành vi ta gọi là “chao đảo” nguy hại đó từ con người đến cả một ngành “quốc sách”, một nghề “quốc trọng”, nên việc đi phân tách tác hại của nó chính là để giúp cho nhiều ngành, nhiều địa phương có thề mần hàng chục dự án (*) giải trừ tác hại, để phục hồi nhân phẩm ( cho cá nhân chao đảo) và phục hưng tấm gương ( cho ngành).

            Rượu, không ai biết đích xác nó ra đời từ khi nào. Chỉ biết, trong wá khứ, có một người nổi tiếng ( xin lỗi Thầy cô “dám khổ”, em trót wên tên và wên cả luôn người đó nổi tiếng vì lý do gì) đã nói: Thượng đế tạo ra trái nho, con người đã lấy nho làm rượu. Suy ra từ câu nói này, ta có thể kết luận khái quát

rằng: Từ khi lòai người thóat khỏi thời kỳ hái lượm, bắt đầu biết trồng trọt và chăn nuôi, thì lúc đó, rượu đã xuất hiện. Như vậy, theo cá nhân em: bằng vào lịch sử tiến hóa lòai người theo “học thiết” Mác xít, nếu rượu có hại, thì lẽ nào, từ rất sớm vào thời cộng sản nguyên thủy, con người đã  tự chế tạo ra thuốc độc để mà …tự đầu độc mình? Và tại sao phải đầu độc mình cho chết sớm, khi xã hội này báo trước hàng triệu triệu năm sau sẽ có một xã hội cộng sản khác rất thiên đường? Đặt ra câu hỏi phản biện này không phải để tán dương cho rượu hay để nói rằng rượu không có hại. Mà ý em muốn nói: Trên hành tinh tới ¾ là nước…muối ( có anh nào đó- cũng nổi tiếng lắm mà em cũng trót wên tên òi, đã đại ngôn nói đó là ¾ nước…mắt) của chúng ta, sự đau khổ đi cùng nhân lọai từ khi khai thiên lập địa. Và trong muôn vàn cách giải quyết những đau khổ trần ai đó, con người- đặc biệt là đàn ông- giới meo( male)- đã chọn cách giải quyết dại dột nhất ( thật đúng bản chất của họ) đó là dùng một thứ nước có khả năng làm quên đau khổ trong một thời gian ngắn và duy trì sự đau khổ đó đến muôn đời, ấy là rượu. Vì vậy tác hại đầu tiên của rượu theo em, đó là nó làm tăng le vồ ( level) của đau khổ. Do đó, thật không vô lẽ khi sau này, nhân dân Việt Nam- à không- các meo Việt Nam-đã thống nhất cao trong việc gọi rượu hoặc cồn bằng một cái tên chung đó là “nước mắt wê hương”. Nước mắt là phải buồn, khóc hòai thì sẽ mù như Lục Vân Tiên, hoặc không thì cũng quáng gà, nên thỉnh thỏang khi dùng “nước mắt wê hương” ta lại nghe các meo rống to một cách ai óan: A! đây rồi! Làm cho một số chú cẩu, sau tiếng rống đó, thốt lên nhiều tiếng “ẳng” ai óan gấp đôi và vào nồi. Thật là điên.  Vì vậy, em cho rằng tác hại thứ hai của rượu đó là làm cho một số người điên và sau đó là giống cẩu ( không phân biệt ta, tàu, béc giê hay Phú Quốc, thậm chí chi wa wa, cũng không phân biệt giới tính) bị đặt trước nguy cơ tuyệt chủng. Vì thế tác hại thứ ba của rượu là làm cho cẩu tuyệt chủng (**). Đây là những tác hại dựa trên kinh nghiệm tràn trề của một đứa có địa chỉ cư trú rất gần với khu Ông Tạ- nơi chuyên tiễn các chú cẩu lên đường… sớm hơn dự định- là em.

     

      

Về tác hại của Rượu theo những tài liệu xưa cổ nhất còn lưu giữ lại, thì ta biết, Truyền thuyết cổ còn cho rằng khi Thượng đế tạo ra Bà Ê và làm cho ông A Đam tự dưng bị mất cái xương sườn một cách đáng tiếc ( ngay từ thời đó, Bà Ê Và đã biết bảo vệ môi trường bằng hình thức “nuy” òi, thật đáng khen! Có lẽ chính vì ý thức trách nhiệm xã hội của Bà quá cao như vậy, nên đã làm cho ông A Đam buộc phải cưới gấp Bà, dù chưa muốn, chứ không, cứ để Bà đi lòng vòng bảo vệ môi trường hòai bằng hình thức đó, thì e là ông sẽ mất thêm nhiều xương sườn nữa để …cân bằng ý thức hệ). Không chỉ mất của, lần bị thương phải mổ một cách sơ khai không vô trùng đó có lẽ để lại nhiều di chứng nặng nề, nên không chỉ đi ẹo ẹo, ông còn tự dưng thèm… chua. Chính vì thế, không cần chờ Bà Ê Và xúi lần thứ hai, một ngày kia, ông đã dại dột nuốt trọng quả táo và bị mắc cổ.  Ta gọi cái cục chạy lên chạy xuống nơi cần cổ các meo ngày nay đó là ami đam ( hehe- tức là bạn của A đam). Thọat tiên, nó gây ra sự vướng víu cực kỳ khó chịu cho ông A Đam, làm ông rất wạu ( Truyền thuyết này được ghi trên lá cây táo, bằng thứ mực chế từ nọc độc của con rắn đã khè ông A Đam). Nhưng chỉ hai tuần sau, khi miếng táo mắc cổ đó lên men… thì nó lại kết hợp với nước miếng tạo ra một thứ nước khi đi qua cổ họng tạo nên vị cay cay, nồng nồng và gây nên hội chứng ảo giác hết sức dễ chịu. Dễ chịu đến mức, khi Bà Ê Và nấu cơm 7 tầng và nướng con nai ( không biết thời đó có nai đồng wê chưa?) khét lẹt, ông vẫn âu yếm nói: Hờ ni, dú à vé rì gút! Làm Bà Ê Và té bật ngửa, lăn gần vào bếp, tí nữa thì  cháy trụi mái tóc ( Có lẽ từ kinh nghiệm này, khi thấy sức nóng của lửa làm cho tóc quắn lại, nên Bà đã viết lại kinh nghiệm cũng trên lá cây, làm cơ sở pha học cho  nghề uốn tóc ngày nay chăng?). Từ đó, cứ mỗi khi Bà sắp làm hỏng đồ ăn, thì Bà lại nhét vào họng ông một  trái táo cho nó lên men. Nhưng chờ nó lên men thì lâu quá, nên Bà đã làm sẵn vài cái lu để đựng táo lên men sẵn…và thế là “đường rượu bia giờ đã thênh thang, Đam chưa xơi chưa phải là Đàm”…Rượu góp phần biến thực thành ảo, làm hư thành hay, làm xi cà we thành …trên cả tuyệt vời… tác hại lừa dối thị giác, xúc giác, vị giác và …tạo ra ảo giác đó của Rượu chính là tác hại thứ tư mà em muốn trình bày ở đây.

            Nhưng, không chỉ gây ra tác hại trên các meo, và nếu chỉ đề cập đến các meo không thì quả là em đã vướng vào tội “phân biệt giới” hiện đang là đề tài “hót” của các diễn đàn xã hội. Theo một thống kê xã hội học chưa đầy đủ, không thể biết tên tác giả, thì tỷ lệ của các meo và phi meo ( female- đờn bà) ngồi cùng trong những tiệm có “nước mắt wê hương” vào mỗi chiều hiện nay là đờ xêm ( the same) tức là 5-5. Đờn ông lấy rượu giải sầu ( càng sầu thêm) làm sai lạc các thứ giác và tạo ra nhiều hành vi dại dột, thì đờn bà cho rằng, họ cũng có cùng chung những nguyên do đó để đến với rượu, nhưng họ lại còn thêm một nỗi buồn nữa khác đờn ông, đó là các ông đâu phải chợ búa, cơm nước, dạy con học, chạy trường, điếu đóm cấp trên ông xã, cấp thầy cô của con, đờn ông đâu phải… đẻ mà còn buồn tới vậy thì đờn bà bao thầu hết thảy mấy chuyện đờn ông “đâu phải” đó còn buồn tới đâu? Rượu đã tạo ra hội chứng lây lan từ meo sang phi meo và tạo ra tánh ganh tị giữa đờn bà với đờn ông làm cho nội bộ rối rắm, gia cang náo lọan, chén đĩa kích cầu từng chục, từng chục cho những lần 5-5 hoặc những lần nổi cơn “ganh tị” đó cũng ngày càng tăng, theo bản thân em đó là tác hại vô cùng lớn của rượu. Chưa kể, khi rượu vào đờn ông có thể cho lời ra thì đờn bà cũng rứa. Bình thường, khả năng “văng lời” của đàn bà vốn ở một đẳng cấp cao hơn đờn ông, khi có thêm xúc tác của rượu, đẳng cấp này tăng vùn vụt như giá xăng, giá vàng ở ta. Đờn ông uống rượu là lái xe hông nổi, lạng quạng hay leo lề. Đàn bà uống rượu không leo lề, mà luôn chạy giữa đường, vì lúc đó : chạy vậy nó mới vững nghen tụi bay! Chạy vậy người ta kính nể, vẹt ra cho mình chạy! ( Đó là lời mà các bạn em nhắc lại lời em sau một buổi em thử độc dược gần đây nhứt, thưa thầy cô!). Và đó là một hành động ta gọi là “thay trời hành đạo…dừa”, vì có khả năng cho ta một cái đầu láng coóng và vài ba nhát khâu là trường hợp may nhứt, còn thì là “thành kính phân ưu” hết thảy.

            Túm lại, rượu không phải là một thứ nước giải khát hay giải sầu. Đó là một thứ độc dược mà ta nên tránh xa nó khi chưa tới tuổi biết buồn. Còn khi đã biết buồn rồi, thì theo tổ chức Y tế thế giới ( đúp lờ vê ếch ô) – buồn có khả năng làm giảm tuổi thọ con người- nên phải tìm cách giải sầu. Và không có cách giải sầu nào nhanh cho bằng sử dụng phương pháp “nâng lên đặt xuống”. Dù em đã trình bày ở phần mở bài rằng đó là cách giải sầu nhanh…chết nhất. Nhưng nếu sống trên đời mà buồn hòai thì chết nhanh biết đâu ..vui hơn. Và khi được lên thiên đàng, em nghe nói, trên đó có thứ rượu nho thượng hạng, có thể làm ta bách bệnh tiêu tán, vạn bệnh tiêu trừ, vạn sầu cũng bỏ ( mạng). Em hy vọng rằng bài văn này của em sẽ gióng lên hồi chuông báo động cho những ai đổ tội chao đảo của mình cho rượu. Đặc biệt, nhờ bài văn này của em, ngành giáo dục sẽ thấy hướng mở ra cho nhiều dự ớn dễ ẵm bạc hơn mấy cái dự ớn tiển sinh đại học, trung học, tiểu học và mẫu giáo học xà wần hiện nay…

            Văn bất tận ngôn, rượu bất tận từ, em xin ngừng nơi đây, kính chúc các thầy cô sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt… Vô cùng thương tiếc…./.

           

Chú thích phần *: Thưa Thầy cô, các dự án này rất vui, rất dễ …ẵm bạc… mà lại luôn luôn phải “nâng lên đặt xuống”- gọi là thử, thì mới tìm ga nguyên nhưng được.

Chú thích phần **: Xin thầy cô đừng nhầm lẫn Cẩu tuyệt chủng với anh chàng “cẩu tạp chủng” Thạch Phá Thiên trong Hiệp Khách Hành của Kim Dung tiên sanh nha.

Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2011

Entry For 14 May, 2011- Lời đầu cho Hè...

Đường xa ướt mưa…

Mưa đầu mùa… ừ, ta gọi những giọt nước đầu tiên rơi xuống để làm dịu đi cái thời tiết nóng bức gần như đã lên đến đỉnh điểm đó là Mưa đầu mùa… Tình đầu tuy xa vẫn nhớ mãi, bài học đầu tiên tuy nhỏ mà nằm lòng, người bạn đầu tiên / người yêu đầu tiên thì vĩnh viễn không quên… chỉ riêng, Mưa đầu mùa mỗi năm mỗi đến, mà lần đến nào cũng mang theo nhiều thay đổi lạ lùng…ta năm nay trong Mưa đầu mùa đã không còn là ta của năm trước…dẫu là vẫn òa vỡ một tiếng reo khi Nó về.. vẫn  những tung tẩy nhập vào Nó khi gặp lại…nhưng ta biết, khi để Nó chảy tràn trên mặt, trên tay, đón nhận một chút những ẩm ướt, một chút lạnh nhạt nhòa mà Nó  mang đến, cảm giác tuy vẫn quen, rất quen, nhưng chỉ ta biết lòng ta thì đã khác mất rồi…

Đường xa ướt mưa…

Bạn nói rằng sẽ trở về vào mùa mưa để gặp lại hết thảy những tháng năm quen thuộc …tôi chưa kịp “loan khắp tin vui đến mọi miền”, thì khi Mưa đầu mùa bắt đầu rơi xuống, đã lại nhận

được từ xa một ngập ngừng…cáo lỗi…tôi nhớ mình đã cười và an ủi: Không, khi nào thật thoải mái hãy về tìm…bởi năm tháng quen thuộc thì vẫn là quen thuộc…có khác đi đâu mà sợ… nụ cười của tôi chắc không đúng lúc ( hoặc cũng có thể không “đúng độ”), an ủi của tôi không đúng chỗ (hoặc cũng có thể không đúng “tầm”), nó tạo ra một ngập ngừng… bứt rứt hơn, Bạn nói- và tôi nghe trong câu nói, có điều gì đó gần như là tự trách chính mình : Quen thuộc là phải có giới hạn trong khoảng cách… tôi đã kéo cái khoảng cách không gian, thời gian đó quá mốc lâu rồi mà nay lại…tôi sợ “lòng người như lá cuốn”… cơn mưa nửa đêm về sáng đập vào cửa kính những tiếng rất nặng, tôi nghe Bạn nói câu được câu chăng, chơi vơi như ở một cõi nào xa lắm vọng về… cơn mưa nhắc và Bạn làm tôi nhớ đủ để cố dài dòng thêm một xa xôi: Mưa đầu mùa mỗi năm mỗi về mà tôi phát hiện ra mình lạ, Nó lạ… vậy với “cái quen thuộc” đã ở cùng bao nhiêu năm đâu có tương hội nào… thì với chúng tôi chắc nó không như “cơn mưa chiều” đâu…Bạn không “cãi” nữa..tôi nghe được tiếng thở trầm ngâm rất lâu…và trước khi cúp máy, giọng Bạn nhẹ lại những ray rứt, chỉ còn duy một nỗi ngậm ngùi : Nhớ nói dùm…tôi nhất định tìm cách…đường nào rồi cũng tới La Mã… và tôi nghe tiếng cười khẽ của Bạn- tiếng cười bao năm tôi vẫn nhớ, vì nó chưa bao giờ là một tiếng-thực-cười, khi nghe tôi nói: Đường nào rồi cũng …đúng vậy… chỉ cần đừng là đường xa ướt mưa…

 

          Bởi những ẩm ướt do mưa đem lại, nhiều khi trơn trợt đến vô tình…

P/s:Nguồn ảnh Google

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

Entry For 06 May, 2011- Dành cánh Phượng cho một người Tháng Năm...


PHƯỢNG ĐỎ ĐÃ VỀ NGANG, MÀ MÙA HÈ CỦA TÔI CHƯA VỀ…

Tôi không phải là một người thích hoa lá cỏ cây. Tự điển “mua sắm” của tôi chưa bao giờ có hai từ “mua hoa” hoặc “ mua trái cây”. Trong đời, chỉ có hai lần tôi xuống phố thật sớm, “bậm gan” mua hoa tặng, mà lúc mang chúng đi trên đường, hình như mắt chưa bao giờ dám ngó dáo dác như mọi ngày, chỉ sợ gặp những ánh nhìn “ít thương nhiều hại” người ta đặt vào cái giỏ hoa tội nghiệp trên tay mình…

          Ba năm nay khi vào blog, quen được nhiều Bạn bè… và có những người Bạn luôn hỏi với tôi về màu Phượng đỏ sân trường. Những

câu hỏi của các Bạn lôi tuột tôi trở về quá khứ. Cái quá khứ gắn chặt với tuổi thơ mùa hè khét nắng của tôi. Cái tuổi thơ mà những cánh Phượng được lũ bạn khéo tay của tôi kết thành con bướm tặng nhau, còn tôi, tôi nhổ những cái nhụy đó ra để chơi …đá phượng… Nhờ các Bạn hỏi, tôi được  nhớ… những nhắc – nhớ đó cho tôi có lại những tiếng cười trong trẻo… những tiếng cười giữa mùa Hè thành phố đang bắt đầu gay gắt nắng và mùa Hè của tôi thì vẫn còn ở rất xa …chưa về…

          Nhìn những cánh phượng thắm đỏ, tôi tự dưng nhớ về một thảm cỏ xanh với giấc ngủ êm buổi sáng tháng 3 năm nào mát lành với những

lời thì thầm gan ruột cho nhau… Tháng Năm à, năm tháng dẫu đang qua…

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

Entry For 04 May, 2011 - Tôi học đựơc nhiều điều từ sách báo và ...phim ảnh.. không phải...trong nước..

Bạn sẽ làm gì? Nếu một ngày…

          Đang là Tổng biên tập một tờ báo lớn nhất nhì cả nước, có một quyền lực vô hình trong tay, nổi tiếng, xinh đẹp, tài năng… sau một lần khám sức khỏe tổng quát theo định kỳ, Bạn nhận được thông báo rằng : Bạn bị nhiễm HIV/AIDS! Tờ báo đang nâng niu Bạn, những ông chủ đang gom lãi từ Bạn, bỗng chốc quay ngoắt 1800. Cùng với sự tiếp tay thêu dệt của một viên đồng sự bấy lâu nay vẫn cho rằng cô ta giỏi hơn Bạn, họ sa thải Bạn không chút ngại ngần…

Bạn sẽ làm gì? Nếu một ngày…

          Bạn trở về gia đình trong nỗi hỏang lọan khi biết mình mắc một căn bệnh không thuốc chữa. Nhưng quan trọng hơn, đó là căn bệnh có thể được đem đến từ một cuộc sống khá phóng túng, mà Bạn, thật đáng tiếc, lại có một cuộc sống nghiêm túc, coi trọng những giá trị gia đình, ưa thích sự ổn định. Bạn ngồi xuống cùng chồng và mong được có một cuộc nói chuyện nghiêm túc về Bạn, về cuộc hôn nhân của các bạn, về gia đình… Người chồng, một tiến sỹ tâm lý, giáo sư chính thức của một trường Đại học cũng nổi tiếng cả nước bỗng dưng trở thành người xa lạ. Khi ông ấy, sau 5 phút trầm ngâm, đã đặt lên giữa cuộc nói chuyện của hai vợ chồng một dấu chấm hết bằng hai từ lạnh lùng: Ly dị…

Nỗi đau đớn trước sự quay lưng lạnh lùng của mọi người không cho Bạn khả năng sáng suốt. Bạn mờ mịt ký vào tờ giấy ly hôn dường như đã được chuẩn bị từ lâu. Bởi nó xuất hiện quá nhanh đến không ngờ. Bạn uất ức ra khỏi nhà giữa một tối của mùa đông đang đến, lạnh lẽo, trắng tay, bơ vơ và bị dồn đuổi. Trên con đường lang thang vô định, gặp bất cứ một cặp mắt nào nhìn vào mình, Bạn cũng cho rằng người ta đang dè bỉu : Đây là con đàn bà lang chạ nhiễm HIV/AIDS… đài truyền hình địa phương đưa tin về Bạn và không ai buồn giấu giếm nguyên nhân của mọi việc xảy ra. Trong một góc quán rượu rẻ tiền tối vắng, Bạn nốc hết một chai Whisky và gào khóc cho đến lúc gục xuống…

Bạn sẽ làm gì? Nếu một ngày…

          Khi tỉnh lại, Bạn nhìn thấy một khuôn mặt lo lắng đang cúi xuống. Khuôn mặt của cô thư ký bé nhỏ, sống khá lặng lẽ trong tòa sọan báo của Bạn. Để giúp gia đình nuôi 4 đứa em ăn học, cô phải đi làm hầu rượu ban đêm.Tại quán rượu đó, khi gặp Bạn, cô đã nhanh nhẩu xin nghỉ buổi làm, đưa Bạn về nhà mình. Bạn ngồi dậy, đờ đẫn nhìn người thư ký không thân cận ấy, khóc kể… Bạn ray rứt kể cho cô bạn còn xa lạ ấy một bí mật rằng trong người mình đang mang thai đứa con thứ hai được 5 tuần. Với căn bệnh nhiễm phải, Bạn không muốn cho ra đời đứa bé ấy…Cô thư ký im lặng nhẫn nại nghe, nhẫn nại và dịu dàng đưa cho Bạn hộp khăn giấy. Chờ Bạn tạm nguôi nức nở, cô ấy nói rằng: Trước khi phá bỏ một sinh linh được tạo ra từ chính mình, phải chắc chắn rằng đó là điều duy nhất đúng. Bởi đứa bé có quyền được chào đón thế giới này, cho dù, nó không tự nguyện đến với nó. Và cô ấy nói Bạn hãy ở đây bao lâu mà Bạn chưa chán, rằng Bạn có thể coi như đây là một chỗ trọ của mình, đến và đi hòan tòan tùy thuộc nơi Bạn… Lần đầu tiên, ngòai chồng mình, Bạn cảm nhận được một sự chở che ấm áp dường ấy khi lả đi trong cái ôm nhỏ bé của người đồng sự trước đó còn rất xa lạ.

          Không thể nói hết được những vất vả của Bạn trong quãng thời gian sau đó. Bạn không muốn sống bám cô thư ký vốn đã quá nặng gánh gia đình. Bạn cũng muốn làm một điều gì đó cho cuộc sống này trong những ngày tháng còn lại của cuộc đời. Bạn lê la hết hãng sở này đến công ty nọ xin việc mà không ai nhận và cuối cùng quyết định làm cho một tổ chức y tế, nơi họ đang đấu tranh cho quyền của những người nhiễm căn bệnh thế kỷ. Tại đây, một bác sỹ cũng khuyên Bạn những điều như cô thư ký nói cho cái thai. Họ đưa Bạn đi xét nghiệm, thận trọng và bí mật. Bởi thời điểm đó, vẫn chưa ai ủng hộ cho việc đối xử bình đẳng với những người như Bạn… Xét nghiệm lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba, khi Bạn bắt đầu trở lại trạng thái hỏang lọan vì không hiểu tại sao phải xét nghiệm nhiều lân đến thế, thì người bác sỹ thông báo họ không tìm thấy virus HIV/AIDS trong Bạn. Có nghĩa là? Vâng, có nghĩa là Bà là người hòan tòan mạnh khỏe, không biết ai đã chứng nhận rằng Bà là người bị nhiễm bệnh?

          Cùng cô thư ký, Bạn đi lại từ đầu sự kiện… và một âm mưu lớn hé lộ dần đường dây của nó. Để có được vị trí của Bạn, viên đồng sự kia đã thông đồng cùng người bác sỹ nhân tình, họ đưa cho Bạn một tờ giấy chứng nhận giả…Sự thật hé lộ và một lần nữa, Bạn chứng kiến cái quay ngoắt còn nhanh hơn tốc độ gío, còn lớn hơn cái góc 1800 trước đó của mọi người. Tòa sọan Báo hân hoan đón Bạn về, họ mở tiệc chào mừng. Tại bữa tiệc, người chồng xuất hiện với bó hoa thật lãng mạn và những câu xin lỗi thật cảm động. Ai cũng nhìn thấy Bạn “có vẻ” hả hê. Và hòa vào cái hả hê của Bạn, người ta càng hả hê tung đá vào cô đồng sự độc ác giờ đóng vai ra đi của Bạn trước kia.

Bạn sẽ làm gì? Nếu một ngày…

          Có lại trong tay những cái quý giá đã từng mất đi, chắc là ai cũng sẽ ngất ngây hạnh phúc. Không, ngần ấy tháng cộng tác cùng tổ chức đấu tranh cho quyền lợi những người nhiễm HIV/AIDS giúp Bạn hiểu ra nhiều điều. Sống cùng cô thư ký tốt bụng, can đảm trong căn phòng chật chội và cùng lăn lê ra đường tìm việc, phải làm mọi thứ để có cái ăn dường như lại giúp Bạn “mở rộng” tầm mắt trước nhiều điều mà khi xưa ở trong căn hộ thênh thang đắt tiền Bạn không bao giờ hiểu được. Bạn âm thầm cùng đội ngũ luật sư lật ngược lại bài tóan ly dị của người chồng vô lương, đòi lại hết cả gia sản lẫn quyền nuôi con. Và, trong buổi phỏng vấn long trọng mà đài truyền hình cả nước dành cho Bạn nhân sự kiện lạ lùng này  trong đêm Giáng Sinh Bạn đã … vạch trần sự tàn nhẫn của những chủ nhân ông tờ báo dành cho Bạn, một tờ báo vẫn luôn khẳng định rằng mình là nơi bảo vệ lẽ phải và sự công bằng cho mọi người trong xã hội…Bạn vạch trần cả chân dung ông giáo sư tiến sỹ tâm lý – người đầu ấp tay gối- đã sẵn sàng phủi tay trước Bạn trong lúc Bạn cần được nâng đỡ nhất…

          Ánh mắt Bạn không hả hê khi nhìn lần lượt vào những gương mặt đang tái mét trước “bài luận tội công khai” mà Bạn dành cho họ: người chồng, các ông chủ lớn, những người chủ các công ty, các nhà máy nơi Bạn từng tìm đến xin việc và bị xua đuổi…mà đầy sự thương hại và khinh bỉ cho tâm hồn những người khóac cái áo đạo đức vay mượn hơi lâu rồi tưởng luôn nó là áo của mình… Bạn đứng dậy, nhẹ nhàng cầm tay người thư ký bé nhỏ giờ đã là Bạn tri kỷ đi ra… đường phố.

Đêm Giáng Sinh ở Rome lạnh buốt, nhưng tôi tin sức ấm của tình bạn mà  Bạn có, sự quả quyết từ chối trở về tòa báo cũ để vẫn tiếp tục công việc của mình nơi tổ chức y tế kia sẽ cho Bạn sức nóng đủ để làm tan chảy mọi băng giá của lòng vô tâm độc ác mà con người dành cho những người bất hạnh hơn mình…Bạn đã ngã xuống từ mọi cái mình có, khi đứng lên từ cái Không sẽ giúp Bạn can trường hơn nhưng từ tâm hơn... can trường trước số phận không chỉ của mình mà còn của người cần giúp, từ tâm hơn với mọi sai lầm và không khoan nhượng với sự độc ác, vô cảm...

Một bộ phim thật đáng coi, chỉ tiếc, về nhà lưng chừng không được biết tên phim…tên diễn viên tòan tiếng Ý nên cũng không nắm… chỉ biết nhân vật nữ chính là người đã đóng vai bà thầm phán trong phim Bạch Tuộc – Phần 3 …

         

P/s: Nguồn ảnh Google- chỉ mang tính minh họa