Tuổi trẻ hoang mang
Tôi vừa được tặng trọn bộ những tác phẩm đạt giải Văn Học Tuổi 20 năm 2010. Người tặng sách nhắn nhủ: Chị bận quá, chưa có giờ đọc, em ráng thu xếp đọc, rồi cho biết cảm tưởng… Tôi mỉm cười, “bận” là bệnh thời đại. Khi cần phải biện minh cho một công việc gì đó chưa kịp làm, thì ta có nó như một lý do hết sức tốt. Nhưng sách là thứ tôi mê, sau … ăn nhậu, nên tôi có hứa: Em sẽ đọc và gởi mail cho Chị sau… Khác với người ta, những lần không có khả năng mua trọn bộ sách này, phải mua lẻ rồi “thiếu trước hụt sau”, tôi bao giờ cũng ưu tiên chọn mua những cuốn …đạt giải khuyến khích trước. Bạn hay cười hỏi khi nghe tôi kể: Sao kỳ vậy? Hay “đồng bệnh tương lân”? Vì bà cũng “chuyên trị” giải ..khuyến khích hoặc là ..vòng loại…Tôi không giải thích, vì cho rằng có giải thích cũng chẳng ai đồng tình. Lý do tôi thích những tác phẩm đạt giải khuyến khích-thích mua, thích đọc- hoàn toàn không phải do tôi khác người, mà tôi luôn đánh giá cao những tác phẩm ấy. Văn chương, theo tôi, là một cuộc chơi rất mệt nhọc. Nó cuốn hút người ta hơn ma túy và nhanh chóng làm người ta “tan nát” theo một dạng nào đó, tàn nhẫn hơn. Những cây bút được công nhận thì cứ phải mải miết cày ải trên “cánh đồng tâm hồn mình” và đào xới “những vỉa quặng tâm hồn người” để giữ mãi được sự công nhận. Những cây bút chưa ai biết đến, thì bi kịch hơn, lại càng mải mốt hơn trên bước đường “văn mình” với cái suy nghĩ cũng “tan nát” không kém “tôi hay mà sao không ai hay”. Vì thế, những tác phẩm không đạt giải cao trong các cuộc thi với tôi là những tác phẩm có thể “để đời” của những người “lao động văn chương” vất vả nhất. Sau nó, vì mải miết muốn nhắm đến những cái đích cao hơn, họ có thể đánh mất một thứ quý giá đó là sự hồn nhiên ban đầu trong cuộc chơi chữ nghĩa. Chọn sách với tôi là như vậy.
Những giao diện ẩn của tác giả Thiên Di là cuốn sách được tôi chọn đọc đầu tiên với suy nghĩ như thế. Và khi đọc, tôi luôn cố tránh đọc phần giới thiệu về nó của Ban biên tập. Tránh, để cảm xúc với tác phẩm này phải là của mình một cách tự nhiên nhất và không có “định hướng”, không chạy theo tâm lý “số đông”. Tôi đọc còn với tư cách và tình cảm của một blogger đang ngày ngày: ăn với máy, sống với máy…Thiên Di đưa tuổi trẻ của mình vào chuyện, nhưng nó không phải là một tự sự của bản thân, mà là cách cô muốn nhìn lại cách sống của chính mình, của bạn bè thế hệ mình hôm nay trong một xã hội số hóa. Nơi đó, thay cho những giao tiếp thông thường như nói, như hét, như cười, như hờn giận, ganh ghét… là những icon bày tỏ cảm xúc qua màn hình phẳng. Con người trình bày tâm cảm, suy nghĩ của mình gián tiếp qua những giao diện, những trang mạng xã hội. Nơi đó, họ nghĩ rằng, khi cuộc đời thật buộc chặt họ như số phận và như một định mệnh không thể rũ bỏ thì đời phẳng lại cho phép họ bày biện lại, sắp đặt lại nó theo cái cách mà họ gọi là “prồ” nhất, phù hợp nhất, hay nói theo ngôn ngữ IT thì đó là một cuộc đời “tương thích” nhất. Thiên Di tự nhận “ngôi thứ nhất” về mình bằng nhân vật Bướng bỉnh ( mà thỉnh thoảng chỉ còn là Bướng) . Bướng bỉnh có những người bạn Ngổ ngáo, Cục đất, Tham Vọng, Tử tế… Xoay chung quanh cái trục bốn nhân vật chính này còn có những nhân vật Cỏ hoang, Thiên thần kính cận, Nhóc không cười, Mặt bẹt, Chị Gái fashion…còn có những ông-bố-bà-mẹ hôm nay làm bố mẹ theo kiểu “sự nghiệp là trọng”, rằng hôn nhân và gia đình chẳng qua cũng là một phần của bản “dự án cuộc đời” và con cái là phần “phát sinh” có thể có chủ đích hoặc ngoài ý muốn của “dự án” đó. Còn có những cuộc sống lêu bêu, chìm nổi, mà cái phần căn cốt nhất của sự lêu bêu chìm nổi đó là người ta không biết mình cần phải gắn bó với cái gì, gắn bó với nơi chốn nào, gắn bó với ai. Cỏ hoang đã trả lời Ngổ ngáo - khi cô hỏi anh sao chưa lấy vợ? Rằng sao anh không giữ người con gái anh thương lại- rằng: Người ta muốn rời bỏ ngã ba sông! Người ta nói với tui người ta chán cái nhốn nháo của chợ người, chán cảnh ăn cơm bữa nay mà lo bữa mai, chán cảnh mặc vải chưa được ba con nước đã muốn bục rách, chán cảnh cổ tay trơn trụi…Người ta chán nhiều nhu thế tui làm sao mà giữ… Vậy sao anh không đưa người ta đi? Vì tui thương mấy điều người ta chán! Thương đứt ruột!Tui cũng thương cái đoạn sông đó…tía má tui nằm ngoài đó… Cỏ hoang không biết chữ, nhưng những lời anh nói – khá giản dị và hồn nhiên- lại diễn đạt một thông điệp lớn hơn :Làm người, là phải biết mình thích gì, nên ở đâu và vì sao lại như thế…Chỉ cần vài lời đơn giản đó, Bướng bỉnh và Ngổ ngáo –bạn cô nhận ra : “…còn ước mơ của tôi và Ngổ ngáo sao xa xôi và viển vông quá thể. Tôi và Ngổ ngáo đi tìm điều xa vôi và viển vông đó đến bao giờ đây…”. Bằng tên gọi những nhân vật chính của mình, Thiên Di đã vẽ nên những chấm phá về bức tranh tính cách của thế hệ cô hôm nay. “Đồ họa” thêm những nhân vật chung quanh, Thiên Di cho thấy thế hệ đó đang chịu tác động bởi những vấn đề gì. Cái cách cô sắp đặt nhân vật, sắp đặt mạch truyện, cho họ những mối liên hệ “ắt có và đủ”, đã tạo nên một “nét lạ” trong tác phẩm, nhưng lại là một nét lạ hơi …bộc tuệch. Bởi nó bày biện ra hết những điều mà một tác phẩm văn chương muốn gởi gắm cần phải biết giấu nó đi sau câu chữ. Giấu đi để người đọc phải tự tìm. Giấu đi để giúp người đọc phải động não “giải mã”. Cũng như cái cách Thiên Di chọn cho Bướng Bỉnh, Ngổ Ngáo và Nhóc không cười chết đi, trong khi những Cục đất, Tham vọng, Tử tế còn lại và giải quyết những vấn đề mà thế hệ họ đặt ra cho xã hội khá đơn giản, theo tôi đó là cái “chưa tới” trong tác phẩm của Thiên Di. Có lẽ vì vậy tác phẩm này phải ngừng lại ở giải Tư. Với tôi, sự ngừng lại này lại là một phần thưởng. Bởi, người viết văn Thiên Di cần hiểu rằng “văn học là tấm gương của cuộc sống” không có nghĩa là trong tấm gương đó, ta được quyền “bẻ tay bẻ chân” những gương mặt xã hội mà không cần đến vật thật phía bên kia…Rằng cô cần phải hiểu, những vấn đề của thế hệ cô hôm nay vẫn chưa có và chưa thể có giải đáp. Vẫn là một “cánh đồng bất tận” những câu hỏi không có đích nhắm và không có cách trả lời nào thực sự “tương thích”…
Xã hội thực của những người trẻ, được nhìn qua một giao diện phẳng, nhưng vẫn có những góc cạnh đáng kinh ngạc: đó là tuy hoang mang về hướng đi nhưng họ lại rạch ròi trong cách đi. Họ không chấp nhận thái độ lừng khừng trước một vấn đề nào đó. Họ tôn trọng nhân cách cá nhân nhiều khi đến cực đoan mà ta hay “chụp cho nó cái mũ” là “cái Tôi quá lớn” : Nếu tao không có tư cách nói mày thì mụ kia cũng không!Nếu quan hệ giữa mày và người đó là quan hệ tiền-tiền, thì mày và họ bình đẳng…- đó là lời của Ngổ Ngáo nói với Bướng Bỉnh khi cô bị người bán xăng mắng vì xin thiếu lại 300 đồng lúc đổ 10 ngàn xăng… Chính những góc cạnh đó đã cho tôi một suy nghĩ nghiêm túc về “những giao diện ẩn” khi ta bày biện cuộc đời mình một cách ý thức trước màn hình phẳng. Tôi đọc Những giao diện ẩn của Thiên Ân để hiểu về thế hệ các người trẻ hôm nay thêm một chút. Hiểu họ đang hoang mang, đang loay hoay khi con đường của những thế hệ đi qua để lại quá nhiều những vấn đề quá tầm trách nhiệm của họ. Và họ sợ rằng ngày nào đó họ cũng sẽ phải để lại cho thế hệ sau những vấn đề của mình hôm nay…Hiểu họ và tôi quay lại hiểu mình, để biết:
…Năm hai mươi tuổi, những sai lầm thường được gọi là nông nổi.
Tôi tưởng tượng, năm tôi …tám mươi, chắc hẳn sai lầm của tôi sẽ rất … “thiếu i-ốt”. Lúc đó, hẳn tôi sẽ nhớ lắm những ngày hai mươi vội vã, “vừa chạy vừa buộc…dây giày”.
Sau những bồng bột và nông nổi, tôi thường thấy tiếc, nói một cách …fastfood thì đó là “nợ”. Nợ bản thân khát vọng, nợ người thân ân tình, nợ bạn bè thái độ…
Rồi nghĩ đến ngày không còn được trả “nợ”. Cả nghĩ về cái chết nữa chứ, không phải muốn trốn tránh hay đào thoát mà vì như Leo F. Buscaglia đã nói: “ Chết là một thách thức. Nó bảo chúng ta đừng lãng phí thời gian. Nó bảo chúng ta hãy nói thẳng với nhau là chúng ta yêu nhau”
Thì ra, không phải chỉ có người trẻ tuổi hoang mang, mà không ai trong chúng ta đi cùng kiếp nhân sinh lại không hoang mang. Ta hoang mang chính vì những “nợ nần” ta buộc phải khi đi cùng nó. Những nợ nần mà tới lúc hiểu ra ta phải trả bằng “yêu thương” thì đã muộn…Và chính bằng những dòng viết này của Thiên Di trong tác phẩm Những giao diện ẩn, tôi biết, cô còn cả một con đường sẽ rất dài nhưng đã khá quang quẻ trong “nghiệp văn” của mình…
Và tôi viết entry này như một lời cảm ơn…Cảm ơn người viết sách là một lẽ, cảm ơn cả người cho sách…như một cách giúp tôi tránh những sai lầm “thiếu i-ốt” trong đời mình…