Thứ Năm, 28 tháng 4, 2011

Entry for 30 April, 2011 - Tháng Tư về, Bạn hỏi : Nhớ gì không?

Làm sao không nhớ…

36 năm trước, tôi còn là một con bé con vô lo, nghịch ngợm và có một gia đình đông đúc 11 người. Ngày 28/04 năm ấy, buổi chiều lên trường trong một Lễ bế giảng, có bế giảng mà không có Lễ. Tôi lặng lẽ nhận thành tích biểu của mình, lặng lẽ sang phòng giám học nhận phần thưởng cuối khóa và lặng lẽ nhìn bạn bè trong lớp chỉ còn một nửa so với đầu năm. Tôi lững thững đi bộ ra về, Phủ thủ tướng hàng rào kẽm gai dày đặc, đường Cường Để bị chốt chặn hai đầu, những người lính mặc quân phục rằn ri nhìn dữ dằn nhưng ánh mắt và cả khuôn mặt họ thì lại âu lo, nhớn nhác. Tôi đi bộ suốt dọc dài Thống Nhất để về trụ sở hãng dầu Esso nơi Bố làm việc. Bố đưa xuống canteen của Sở. Bác Mitchum tóc vàng hoe khen tôi nói tiếng Anh tốt, mua cho hai thanh caramen to đùng. Các cô, các bác đi ngang xoa đầu khen tôi học giỏi khi nhìn chồng phần thưởng trên tay. Bố đưa đi sang Givral ăn bữa kem chiều, định vào Casino Sài gòn xem phim nhưng toàn phim cũ… tôi tung tăng bát phố cùng Bố, không nhận ra hôm nay Bố không ăn kem cùng như mọi khi, không nhận ra ly cà phê của Bố còn đầy nguyên cho đến lúc về, không nhận ra Bố cũng có một đôi mắt và khuôn mặt âu lo, nhớn nhác y như những người lính kia…

36 năm trước, tôi không nhận ra mình sắp trở thành một “chứng nhân lịch sử” cho một đổi thay… không nhận ra cho đến tối đó về nhà, lần đầu tiên chạm mặt bom đạn khi những tiếng pháo đầu tiên nã vào phi trường Tân Sơn Nhất…

Làm sao không nhớ…

10 năm sau ngày tháng ấy, tôi trở thành một thanh niên 21 tuổi lửng lơ đứng trước một con đường mình không tự chọn mà đành phải chọn bởi sức người có hạn. Người thanh niên 21 tuổi ấy bàng hoàng nhận ra gia đình đông đúc của mình giờ đã không còn danh xưng ông bà nội, ông bà ngoại. Các ông bà lần lượt theo nhau về cõi trong cái khổ của bệnh tật không đủ thuốc men, trong cái rã rời không muốn làm khổ thêm con cháu.

Tôi vào đời không chút mục đích, chỉ muốn làm một công việc mà tự mình không thể xấu hơn. Không chỉ gia đình vắng dần, Bạn bè tôi lần lượt trong 10 năm, cũng vắng đi quá nhiều. Những lần họp mặt cứ nhìn cái bàn tròn rộng ra, rộng ra mãi mà thương. Thương nhất là những người ra đi, không ràng buộc bởi bất cứ hẹn hò nào, vẫn cứ, bằng tất cả tình cảm thiếu thời gắn bó, chắt chiu những khó khăn xứ người để giúp đỡ những khó khăn quê nhà. Bạn bè nuôi tôi ăn học, không thành tài nhưng ít ra thành người. Nuôi và luôn luôn nhắc: Muốn gì thì báo, đừng làm bậy nghen Mập M.

Làm sao không nhớ…

36 năm đã qua, quá khứ tưởng chừng như đã nằm ngủ yên, thật yên nơi nào đó trong góc trí nhớ vốn nhỏ nhoi và mong manh của con người. Vậy mà, đêm qua, không ngủ được vì cái họng sưng to và sốt, tôi ậm ừ nhận điện thoại của Bạn gọi về từ xa. Không chỉ 1 người gọi, mà là nhiều người. Bạn bè tôi đang làm một cuộc reunion bất ngờ nơi xa xứ. Chúng hè nhau gọi về, và những cười khóc bất ngờ qua phone nhắc gợi lại hết những hợp tan 36 năm qua tôi từng. Cuộc nói chuyện kéo dài hơn 3 tiếng, đến nỗi mẹ tôi sốt ruột quá cho cái họng của con mình đành phải nhắc. Lũ bạn ngớ ra, tranh nhau chào hỏi, rôm rả cả một góc nhà vào rạng sáng.

Bạn nhắc mùa này Trà Vinh năm ngoái và khi nghe câu chào của tôi: Mình rất nhớ mọi người thì òa khóc… tôi hình dung những khuôn mặt dãi dầu của lũ bạn nối khố của mình, nhìn lên bàn thờ nhìn ảnh ông bà, nhìn lại mình tóc cũng đã bạc nhiều đi… mới thấy cái hữu hạn đời người gói trong cái vô hạn thời gian… để, bên cạnh cái nhớ, tôi nhủ mình cần biết quên để sống cho thanh thản trước những việc không thể tái hồi…

Tôi nhớ và quên chỉ để trong mình còn đọng lại nỗi mừng: Tôi vẫn là tôi của gia đình, của bạn bè… để đã đi qua một đoạn đường dài lắm của cuộc đời với những đổi thay nhiều khi xấu hơn là tốt … và được an nhiên…

Tôi muốn ôm bạn bè mình một cái, cảm ơn bằng một dài lời cho những nhớ quên…

 

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

Entry For 25 April, 2011 - Entry cho những điều ngâm ngợi...

Nổ hơn kho đạn...

Tôi là một đứa hay đùa- nói cho văn vẻ là như thế- chớ gọi trắng ra là một đứa ba lơn chánh hiệu. Lũ bạn tôi, khi phải chịu đựng tánh khí này nhiều năm liền, lắm lúc điên lên, nhắc: Hông phải ba lơn chánh hiệu mà là ba lơn muốn chết… người ta. Cái tánh này bình thường không mưa nắng gì thì cũng không sao, đó là tôi lạc quan nghĩ thế, nhưng khi đi vào cuộc sống, đặc biệt, đi vào những vấn đề nghiêm túc, cần trang nghiêm thì quả là rất … bất lợi… ( Bất lợi là tiếng Hán Việt- dịch sang thuần Việt- thì nó là lợi không còn khả năng giữ răng!). Đó là lý do, mỗi khi tôi phải dự Lễ, nguy nhất là khi phải lên đọc diễn văn, Mẹ tôi – tuổi già sức yếu- vẫn phải bỏ ra cả đêm để nhắc nhở : Ngày mai là Lễ… hoặc, thậm nguy khi tôi phải đi viếng đám tang, Mẹ không chỉ nhắc nhở, mà còn tăng le-vồ khi chuyển tông sang “chèo”: Đám ma đó nghen, Mậậậậập ư ứ ừ ì à!

Là bởi vì 10 lần như một, tôi tới chia buồn với nhà đám không bao giờ muốn về ngay. Tôi nghĩ “nghĩa tử là nghĩa tận” nên bao giờ cũng ở lại đôi phút, an ủi, giao đãi, chia sẻ. Và lần nào cũng như lần nấy, đều xảy ra chuyện. Ví dụ: Tại đám tang mẹ đồng chí Sếp cao của ngành, tôi ngồi vơ vẩn cùng với các trường bạn chờ đến lượt vào viếng, phát hiện ra một số vòng hoa tang …gợi cười không thể nín. Bởi vì, đi  viếng đám tang mà cũng có những “bạn dân” cố trương lên học hàm học vị của mình. Nào là Thạc Sĩ Ng.T.T kính viếng… Nào là Nhà giáo ưu tú L.Đ.H thành kính phân ưu … nào là Giáo sư – Tiến sĩ N.V.N vô cùng thương tiếc…hoặc là P.V.Đ giám đốc Công Ty… thành kính phân ưu… nhưng đó là tôi đọc xuôi… trên thực tế, các vị này hình như có… hẹn nhau tại một tiệm hoa tang, nên các vòng hoa đều đảo ngược một cách rất …bất lợi thành Kính viếng/ Thạc sĩ Ng.V.AThành kính phân ưu Nhà giáo ưu tú L. Đ. H… Vô cùng thương tiếc/Giáo sư-tiến sĩ N.V.N… thành kính phân ưu//P.V.Đ giám đốc Công Ty… tôi nhận ra, rồi không nhịn được, tủm tỉm cười… mọi người xúm hỏi…và thế là cái bịnh cười nó lây lan không sao ngăn chặn… lần đó nghe lũ bạn tôi đi về cười râm ran kể lại, Mẹ giận tôi mất một tháng…

Mới hôm qua, thì Mẹ giận tôi không nói chuyện cả ngày. Lý do, tôi vô tình đọc trên một trang báo có lời cảm tạ ghi câu “ Gia đình trưởng nữ … xin chân thành cảm tạ … sau đó là một danh sách những khách … cấp cao, cấp vừa, cấp trung…”. Tôi không có can đảm đọc tiếp, nên xớn xác tưởng người mất là vị trưởng nữ kia. Mà vị trưởng nữ đó lại là con của bà bạn thân thiết với Mẹ tôi. Tôi phi vội xuống lầu báo, Mẹ tôi, tánh mau mắn không kém, hốt hỏang nhấc phone lên gọi cho Bạn và chia buồn rối rít. Mẹ tôi có tài chia phần buồn đó rất bài bản, đầu tiên là chèo : “ới! lá vàng còn ở trên cây. Lá xanh rụng xuống bẩn đầy hết sân”, kế đó là mong gia đình bình tâm lo cho cháu và cuối cùng là kết bằng một câu trách vọng cổ rất mùi : Sao không cho tôi biết … Hông biết nhà kia nói gì, mà mặt mẹ tôi chuyển màu liên tục từ đỏ sang xanh và kết thúc cùng với tiếng “cạch rầm” của chiếc điện thọai bị dập là một khuôn mặt tím tái. “Từ đó, tôi thành luôn người dưng”… mà hông hiểu lý do. Đến chiều Mẹ nguôi, tâm sự với thằng Bờm “đít lu đít khạp”, nó “tuồn thông tin nội bộ” cho tôi, mới biết, gia đình trưởng nữ … là người đứng ra cảm tạ. Chớ người chết là ông ngọai chồng của …trưởng nữ đó. Bác bạn của Mẹ trách sao tự dưng …nhà tôi xúm nhau trù ẻo con bà…tôi hốt hỏang lấy tờ báo ra đọc lại thì mới hay do cái bà trưởng nữ… đó là dân chức sắc …nên phải trương cái bảng hiệu lên…

Tối qua trong đám giỗ ông ngọai, Mẹ tôi ra nghiêm lệnh, từ giờ, bất cứ tin buồn tin vui gì trên báo, tôi không được đọc nữa mà chuyển sang cho "thế hệ …quy họach" là Thằng Bờm đọc…

Hic, ai nổ như kho đạn, làm tôi lãnh đủ, tự dưng mất chức “thông tin tuyên truyền”, thiệt là oang oang án…

 

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2011

Entry For 18 April, 2011- Xem phim đã cũ, nhận ra điều mới...

Trong hoang tàn, đổ nát, vụn bở mọi tín điều…

Để xây dựng, hãy bắt đầu từ tri thức…

          Đó là điều tôi lọc ra được từ bộ phim “The book of Eli” trên HBO chiều nay( "Quyển sách cứu thế"- tên Việt Nam), khi người ta- vì cái chân đau của tôi, thả cho về sớm. Từ đầu đến gần cuối phim, chỉ thuần một màu xám chì trên bầu trời và màu vàng xỉn của sa mạc, màu của địa ngục. Thế giới trong phim, không rõ thời gian, là thế giới của sự hoang tàn sau một cuộc chiến mà con người tàn hại nhau, tàn hại chính thế giới đó. May mắn- hoặc cũng có thể là không may mắn- trong đại họa vẫn có một nhúm người sống sót. Và từ đó, bộ phim bắt đầu bằng một thông điệp: Khi thế giới chỉ có hai người, thì không chỉ là thế giới lưỡng cực- đó còn là một thế giới đa cực, phân thân từ mỗi một bản thể người. Huống chi, đây là một nhóm người, họ phân ra hai cực. Cực thứ nhất- mà đại diện là nhân vật Carnegie ( diễn viên Gary Oldman đóng) ngoi lên như một lãnh chúa, thất học, tự mãn về sự khống chế hắn có được khi nắm giữ bí mật một nhu cầu thiết thân nhất của con người : NƯỚC! Bằng sự khống chế đó, Carnegie định tạo ra một thế giới mới, trong đó hắn được coi như đấng sáng thế đầy quyền năng. Duy có một bí mật mà chỉ người đàn bà mù ở cạnh hắn và dăm đàn em thân tín biết được: hắn thèm khát sách vở. Lũ tay chân thất học của hắn, được trả giá bằng những trò mọi rợ nhất, bản năng nhất, bằng mọi cách đã lùng kiếm về cho hắn thứ cao quý nhất- thứ mà một kẻ võ phu như hắn một đời khát thèm: Sách.

          Cực thứ hai chỉ có một nhân vật đại diện cho chính mình đó là Eli ( diễn viên Denzel Washington thủ vai). Anh hiện ra, nhếch nhác, mệt mỏi, bẩn thỉu như đống tro tàn trên các con đường, làng mạc mà Anh đi qua. Đi qua trong 30 năm từ sau cuộc hoang tàn và may mắn sống sót. Đi qua với hành trang đáng giá nhất đó là cuốn kinh thánh dày cộp, cuốn kinh thánh duy nhất còn lại của lòai người. Hành trình của Eli là một cuộc hành trình đi về phía Tây, nơi tiếng nói tâm linh trong Anh mách bảo rằng đó là nơi cuốn sách cần đến và được an tòan. Trên con đường Anh đi, hiểm họa luôn rình rập. Và Eli- bằng bản năng sinh tồn duy ngã- cho rằng- Anh sẽ đi đến nơi nếu bỏ qua mọi quan tâm. Anh bỏ qua một cô gái bị lũ tay chân Carnegie cưỡng hiếp. Anh bỏ qua nhiều đòan người bị xâu xé, bị chà đạp, cho đến khi Anh bước chân vào thị trấn của Carnegie. Sự hiện diện lạ lùng của Anh, cái nhân cách khác người của Anh không che dấu được ai. Và từ đó, Eli hiểu ra Anh bắt đầu phải đối diện với cái chính mình từ bỏ: Sự quan tâm đến chung quanh. Carnegie biết Anh có cuốn sách. Hắn đã lưu giữ Anh lại theo đúng kiểu của một tên trọc phú : Thức ăn, nước sạch và một cô gái. Solona- con gái của người đàn bà mù mà hắn ép làm vợ mình ( Diễn viên Mila Kunis). Eli không quan tâm, Anh mở cửa đuổi cô gái đi, nhưng rồi phải từ bỏ ý định khi Solona cho Anh biết: chỉ cần cô không hòan thành nhiệm vụ, Carnegie sẽ làm cho mẹ cô đau đớn tới chết. Đêm đó, Eli và cô gái trở thành bạn của nhau. Sáng hôm sau, Carnegie điên cuồng phát hiện ra Eli biến mất cùng cuốn sách. Không chỉ thế, ánh mắt, lời cầu nguyện mà Solona tiến hành trong buổi điểm tâm cho người mẹ mù đã làm Carnegie sợ điếng. Hắn sợ Eli – bằng cuốn sách của mình, sẽ thay hắn thống trị thị trấn- và hắn sẽ mất hết. Cuộc đấu tranh “ý thức hệ” bắt đầu khi một bên cho rằng cuốn sách mang đến sức mạnh tòan năng và một bên khư khư giữ nó như một tài sản sau cùng của nhân lọai hôm qua. Nhưng rồi, trong những giờ phút sinh tử nhất, Eli đã ném trả cuốn sách cho Carnegie để đổi lấy mạng sống cho Solona. Trong những phút cận kề cái chết, Anh ngộ ra một điều: suốt 30 năm đi cùng cuốn sách, điều Anh học được từ sách đó là hãy biến “những lý thuyết xám xịt” thành hành động “cây đời xanh tươi”.

Carnegie lấy được sách và hắn mang theo Solona. Trên đường đi Solona trốn thóat, cô quay lại cứu Eli và tiếp tục cùng Anh hành trình về phía Tây.

          Carnegie mang về thị trấn cuốn sách, khi mở khóa được cuốn sách, hắn ngỡ ngàng trước những trang giấy chi chít chữ Braille, thứ chữ dành cho người mù. Lúc này, tay chân thân tín mất hết, Carnegie không thể điều khiển những kẻ nổi lọan hung hãn, người đàn bà mù từ chối dịch sách cho hắn và bỏ đi… hình ảnh của một thống lãnh ngạo ngược giờ chỉ còn là một tên tàn tật, thảm hại, suy sụp trong chính ước mơ của mình. Eli cùng cô gái tìm được đến thành phố phía Tây. Ở đó, họ được chứng kiến những kho tàng sách, những vật phẩm văn hóa mà người ta còn kịp cất giữ trước khi mất. Eli huy động hết sức tàn, lực kiệt, đọc lại cho người thị trưởng của thành phố tòan bộ nội dung cuốn kinh thánh mà Anh thuộc lòng trong suốt 30 năm đọc nó hàng ngày…

          Sau khi Eli chết, Solona không ở lại thành phố - nơi mà cô biết nó sẽ cho cô một mái nhà ấm áp. Cô lên đường quay trở về phía đông- nơi mẹ cô còn đó, nơi mà bọn ác nhân đang nổi lên hòanh hành ngày càng dữ tợn. Cô đi bằng một niềm tin mà Eli truyền lại: Cô được che chở bởi chính định mệnh của mình- đó là sự khai sáng bởi niềm tin- Hãy biết quan tâm tới tri thức… chỉ có ánh sáng từ nó mới lọc được mọi ngu muội của sự dã man…

          Bộ phim đầy cảnh bạo lực, một lúc nào đó, có cảm giác như ta đang coi một phim “ kiếm hiệp Tây”. Trong đó cũng có một bí cấp võ công tuyệt thế làm giang hồ dậy sóng. Trong đó cũng có chính tà hai ngả phân biệt và tranh giành bí cấp với nhau. Trong đó cũng có những mối tình khắc cốt ghi tâm. Cũng có những phẩy tay quy ẩn và cũng có những bôn tẩu hành hiệp. Nhưng càng coi, ta càng ngộ ra nhiều điều, bộ phim không chỉ đơn thuần chém giết, ân đền óan trả, trong bộ phim đó có một điều mà Đông-Tây khá tương hợp- dù nói như Rudyard Kipling: Đông – Tây không thể bắc cầu…đó là cái làm cho con người ta chém giết nhau không chỉ là một bí cấp võ công hiển hiện hay một cuốn sách mang đến sức mạnh tòan năng. Cái tạo ra sự hủy diệt đó là khi con người cho rằng cứ có sức mạnh ( dù là sức mạnh cơ bắp hay sức mạnh trí tuệ, sức mạnh tâm linh) là đủ để thống trị. Thế giới bị đổ nát, hoang tàn, vụn bở mọi niềm tin, con người sống như những con thú biết ăn thịt đồng lọai để sinh tồn, chính là ở thời điểm mà người ta cho là mình mạnh nhất. Eli chỉ ngộ ra khi Anh sắp lìa cõi thế. Và Anh truyền cái “ngộ” đó cho người bạn gái thuần khiết Solona của mình. Solona tượng trưng cho một sức mạnh mới, sức mạnh cứu chuộc của tri thức. Và cô quay về nơi hỗn mang nhất để mang họ ra khỏi bóng tối…

          Bộ phim kết lại bằng hình ảnh cô gái nhỏ nhắn, đơn thương dưới ánh mặt trời hòang hôn đỏ rực phía Tây. Cô đi về phía ngược lại, để biết chắc, đối diện với hòang hôn sẽ là bình minh…bình minh của tri thức, và chỉ tri thức dùng để xây dựng lại hoang tàn mới là thứ tri thức thực sự của con người, chứ không phải thứ tri thức tín điều làm mê muội hoặc dùng để thống trị…Và tôi, tôi cảm ơn bộ phim về điều này…  

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2011

Entry For 14 April, 2011- Đưa Bác về trời...

Có một dòng sông đã qua đời…

          Bà ngọai SuBờm yếu mệt đã nhiều năm. Những tưởng trào năm 2007, Bà đã về với ông bà, vậy mà nào dè, Ông ngọai đang sởn sơ mạnh giỏi lại bước trước một lần. Nói theo tâm linh, Ông về trời phù hộ độ trì, Bà lại sống vui, không mạnh lắm, nhưng khỏe lại với con cháu được thêm 5 cái Tết. Cả hai tháng nay Bà trở mệt nặng, con gần chỉ có vợ chồng Út và chị Ba Cương. Mấy

chị em ở xa, công việc mù mắt, phải chia phiên về phụ chăm. Má SuBờm cứ nửa tháng một, lại tất tả chạy về Bình Minh chăm nom thay cho hai em và chị gái một công. Cứ mỗi lần nhìn má SuBờm sắm nắm đi, tự dưng lại thấm hết nỗi xót xa của một câu ca buồn đứt ruột:

Má ơi, đừng gả con xa

Chim kêu, vượn hú, biết nhà má đâu…

12h45 đêm qua thì Ngọai đã an bình rời khỏi mọi đau đớn bệnh tật, mọi núng níu ruộng vườn, mọi trông ngóng con gần con xa, để xuôi tay về đất. Ngọai từ giã cõi tạm để ra vườn cùng với Ông. Sau bao bươn chải, lao lung một đời, nay Ông Bà ngọai SuBờm đã được thanh nhàn bên nhau, nhìn về con cháu- không giàu có, sang cả nhưng biết thương yêu, chùm đúm, đùm bọc nhau- chắc mãn nguyện nhiều bề…

Ông Bà ngọai chỉ là sui gia, nhưng từ lúc tình thân đó bắt đầu, thì với gia đình tôi, hai Bác đã trở thành ruột thịt. Má SuBờm kể, nức nở qua điện thọai: Lúc tẩn Ngọai, Bác Dung nói từ giờ anh chị em mình phải nói nhau ăn ở cho tốt, chớ không lại bị người ta mắng đồ con nhà không cha không mẹ!...

Một câu dặn dò các em nghe thiệt đơn giản mà cũng thiệt sâu nặng ý nghĩa. Giờ thì các con của Ông bà ngoại ai cũng lớn, cũng có gia đình, chắc không có cảnh ăn cơm liếm lá lê la, nhưng cái chông chênh khi vắng bóng sinh thành thì nó đà lộ rõ…không biết, nơi nào đó trên trái đất này, có ai đó nghĩ ra để hối vì đã trót quên mất mình là con cái không?

Mai con sẽ xuôi đò về tiễn Bác… nhưng tự bây giờ, đã nghe nhớ quá, những ngày lăn lê về quê, có Bác cắc củm ra vào, nấu nướng, cười nói và han hỏi thân tình… Mai con về đưa Bác ra vườn, nhưng ngay tự bây giờ, đã thấy trong đôi mắt đầy nước của hai bạn thân Su Bờm cái hoang mang về một nơi chốn mà sau này có tìm về, chi có thể gọi là “nhà cậu mợ Út” chớ không còn là “nhà ngoại” nữa …Thấy thương Bạn, thương mình gì đâu…

Kính Bác nghỉ ngơi…

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

Entry For 04 April, 2011- Bạn nói và tôi trả lời...

Im lặng của đêm, tôi đã lắng nghe…

Tôi là một đứa nói nhiều, ham nói và thích nói… ngôn ngữ blog gọi đó là …môn đồ đạo Tám…Vì vậy, lần nào tàn một cuộc vui quay về, khi chỉ còn một mình hoặc khi …tám tiếp với Bạn, tôi đều đứng trước một câu hỏi rằng: Có khi nào thấy mình ồn ào quá, nói nhiều quá không? Rằng cái sự tám “non stop” của mình có làm phiền ai không? Đó là một câu hỏi không lấy gì làm lớn, nhưng quả là cho đến giờ này tôi chưa bao giờ có thể trả lời…

Không trả lời khi “tự đối diện”, vì không nghĩ ra trong mạch chuyện liên tu bất tận giữa vòng vây bạn bè, mình hay ai là người khởi xướng và mình hay ai không chịu chấm dứt ( Mà thực lòng “không nghĩ ra” cũng là cách tự biện minh thôi).

Không trả lời với Bạn, tuy nhiều khi cũng nghĩ ra, đã có lần- như tối Thứ Hai vừa rồi, trong một quán cà phê rất lặng, tôi cũng  biết im lặng cả giờ, rồi sau đó …tiếp tục im lặng nhiều giờ hơn, để lắng nghe một người con trai- thường vẫn được “vinh danh” thuộc phái “đàn ông ít nói”- tràng giang đại hải về những chuyện mà sau đó, có bổ đầu mình ra tôi vẫn không tài nào nhớ nổi đó là chuyện gì, cụ thể ra sao…

Chỉ biết em trai đó đang rất buồn, buồn nhiều chuyện. Từ chuyện “thế thái nhơn tình” đến chuyện “ người đi qua đời tôi, không nhớ gì sao người”. Và đang đau âm ỉ một nỗi đau nào đó… mang máng nhớ là đôi lần em hát khẽ ( Công bằng mà nói: Hát khá hay! Dù đang trong cơn nức nở) “Ta khổ đau một đời để chết trong tình cờ. Ta tìm nhau  một đời, để mất nhau vài giờ, bàn tay làm sao níu…

Thật may là có câu “…bàn tay làm sao níu” để kẻ nín nhịn cả đêm trong cái-âm-u-đàn-ông đó bật lên câu nói- xưa như Diễm- nhưng chắc chắn không là “Diễm cuối” càng không thể là “Diễm hờ”: Điều gì của ta, không cần cầm nắm sẽ vẫn của ta… điều gì không của ta, dù có cố níu cũng không thể níu giữ lâu…

Đêm đó, trời mưa to, tôi bỏ mất một lần “tưởng nhớ Trịnh” ở BQ, nhưng lại được nghe về những “tưởng nhớ” khác của một người con trai… Thấy mừng là mình đủ kiên nhẫn để nghe, mừng là mình đủ dũng cảm đội mưa trong cái tuổi không còn “xả láng sáng về luôn” được nữa…

Mừng hơn, là biết mình, khi cần thiết cũng sẽ im lặng được

Dù biết luôn, đôi khi sự im lặng được đó, không cho thấy ta là người biết sẻ chia mà vì ta là người giỏi chịu đựng

Với một đứa “mồm mép tép nhảy” như tôi, cái sự chịu đựng đó không thể nói đơn giản là giỏi mà còn là trên cả tuyệt vời…

Bạn nghe tôi “tự hào” xong… thở dài và nói : Cho đời chút ơn…