Tôi viết bài gởi cho báo nhiều khi viết rất nhanh- khỏang 45-60 phút một bài, nếu đang nặng nề những bức xúc. Nhưng nhiều khi lại viết rất chậm, khỏang 1 tuần đến nửa tháng mà chỉ được đôi dòng. Đó cũng là lý do, vì sao 23 năm trước, không thể nhận lời làm báo vì biết cái tính “không chuyên nghiệp” của mình. Nhưng dù nhanh hay chậm, mỗi bài báo tôi viết ra- entry cũng vậy- đều là những đứa con mình nâng niu. Tuy nâng niu nhưng không bao giờ làm cho chúng “con hư tại mẹ” bằng cách “tự hào”. Tôi tôn trọng sự biên tập của tòa sọan. Nhưng, càng về sau này, một số lần, sự biên tập thiếu cẩn thận của tòa sọan làm ngừơi-viết-tôi dường như không nhận ra “dung mạo” của con mình. Tôi cũng rất tôn trọng tòa sọan ở chỗ những bài được đăng không bao giờ tôi post lại ở entry, nhưng hôm nay thì không thể. Tôi đọc bài báo sáng nay của mình, hòan tòan không hiểu mình viết gì, và làm sao lại có thể có một bài báo như thế của mình, nên đem cái bức xúc đó về đây để “đối chiếu”, tôi buồn…
( Link cần dẫn : http://tuoitre.vn/Giao-duc/416618/Nguoi-lon-co-tu-dieu-chinh.html )
Bài trên Báo sáng nay 20/12/2010:
Thứ Hai, 20/12/2010, 04:39 (GMT+7)
Người lớn có tự điều chỉnh?
TT - Từ các hiện tượng tiêu cực hiện nay trong môi trường giáo dục, nhiều người có suy nghĩ rằng hình như học sinh đến trường cũng phải “sống chung với ô nhiễm tinh thần”. Với suy nghĩ đó, nhiều diễn đàn đã mở ra để mong tìm một giải pháp.
Thế nhưng, đi đến cùng trên các diễn đàn đó vẫn là chuyện nhóm đối tượng có liên quan này (nhà trường, thầy cô) chuyền “quả bóng trách nhiệm” về cho nhóm đối tượng khác (xã hội, gia đình). Nếu không chuyền thì cũng cố gộp chung trong một cộng đồng trách nhiệm.
Nhà trường đưa ra một số thống kê để lý giải hiện tượng phụ huynh “cá biệt”. Tất cả thống kê mà nhà trường đưa ra với những minh chứng sinh động, là phụ huynh, tuy rất xấu hổ và bức xúc, chúng tôi vẫn phải thừa nhận đó là sự thật.
Trong khi đó địa vị, nhân cách của thầy cô hiện nay trong lòng phụ huynh đang ở “cung bậc” nào, chỉ có trời mới biết. Có người đổ tại xã hội một thời đưa ra quan điểm “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.
Nhiều người khác đổ tại vì miếng cơm manh áo, người thầy trong lúc bươn chải đã đánh mất phần nào sĩ diện của mình. Hoặc cũng có người cho rằng vì đồng tiền đã hiện diện như một biện pháp được “thu xếp” trở nên bình thường trong quan hệ phụ huynh - thầy - học trò. Và khi đồng tiền “có giá” thì mọi giá trị “đạo đức” khác trở nên vô giá... trị?
Đặt ra hai khía cạnh của vấn đề này không có nghĩa lại một lần nữa “cộng đồng trách nhiệm” và... coi như chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Hoặc ta lại coi việc “phụ huynh cá biệt” cũng như “thầy cô có vấn đề” chỉ là hiện tượng chứ không phải bản chất của đại đa số mà quên mất rằng trẻ con là “âm bản” của một “dương ảnh” người lớn.
Không thể có việc để các em tự chọn gương người lớn để học tập hay bắt các em phải biết phân biệt đâu là hiện tượng, đâu là bản chất như tách thóc ra khỏi gạo.
Chúng ta đã ngồi nói quá nhiều với nhau về trách nhiệm đối với giáo dục. Thế nhưng, ngay những người thường nói nhất đã có khi nào thực hiện điều chỉnh mình cho tốt hay không lại là một nhức nhối đau xót. Nếu không thực hiện việc “tự giáo dục”, ta vẫn sẽ có những vùng “không ổn định” trong học đường một cách rất nguy hiểm...
LÂM MINH TRANG
Và bài nguyên mẫu của tôi:
“PHỤ HUYNH CÁ BIỆT”- VẤN ĐỀ THẬT ĐAU XÓT , NHƯNG DO ĐÂU?
Qua các hiện tượng tiêu cực hiện nay trong môi trường giáo dục, xã hội có suy nghĩ rằng hình như học sinh đến trường cũng phải “sống chung với ô nhiễm tinh thần”. Với suy nghĩ đó, nhiều diễn đàn đã mở ra trên một số cơ quan ngôn luận, những tờ báo có uy tín trong vấn đề giáo dục, để mong tìm ra một giải pháp khả thi, có thể giúp giải quyết vấn đề tận gốc, hầu trả lại sự bình an, trong sạch cho học đường, cho học sinh. Thế nhưng, đi đến cùng, trên các diễn đàn đó, vẫn là chuyện nhóm đối tượng có liên quan này ( nhà trường, thầy cô) chuyền “quả bóng trách nhiệm” về cho nhóm đối tượng khác ( xã hội, gia đình) và ngược lại, hoặc, nếu không chuyền thì cũng cố mà gộp chung trong một cộng đồng trách nhiệm. Gần đây nhất, là loạt bài phản ánh khá sinh động về những hiện tượng “phụ huynh cá biệt”, với những ý kiến cực đoan cho rằng đó gần như là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng “con hư, trò hỏng”.
Nhà trường đưa ra một số thống kê “cá biệt” về phụ huynh như : bận rộn làm ăn thiếu quan tâm con cái; bản thân có vấn đề về văn hóa như ít học, là dân lao động phổ thông, trình độ hiểu biết hạn chế, có tiền án, tiền sự hoặc là người có thói quen chưa tốt về đạo đức như hay chửi thề, thiếu tôn trọng thầy cô giáo, ỷ lại vào thế thần, tiền bạc, sức mạnh cơ bắp…; cá biệt cũng có những phụ huynh nhân thân tốt, nhưng trong tận cùng suy nghĩ lại …thiếu ý thức tin tưởng và tôn trọng thầy cô dạy con mình…Tất cả những thống kê mà nhà trường đưa ra với những minh chứng sinh động, là phụ huynh, tuy rất xấu hổ và bức xúc, chúng tôi vẫn phải thừa nhận đó là sự thật. Nhưng, những minh chứng đó có phải là “tất cả sự thật, tất cả nguyên nhân” không trong việc trẻ hư hỏng thì phải bàn lại và xem lại.
Chúng ta ngày nay khi làm phụ huynh, thường ít nhiều quên đi thuở chúng ta làm con cái. Khi trước, mỗi gia đình ở Việt Nam đều rất đông con, thời buổi chiến tranh, loạn lạc và hậu chiến còn khó khăn gấp bội, cha mẹ nào cũng phải bươn chải rất nhiều để lo lắng kinh tế cho gia đình đông người. Việc nhòm ngó, xem xét học tập của con em gần như bỏ ngỏ. Trách nhiệm đó thuộc về đứa con lớn trong gia đình. Cứ chị.hay anh học hành là phải đảm trách coi sóc việc học cho em. Có những gia đình, cha mẹ đều là dân …chợ, hàng cá hàng tôm thứ thiệt hoặc là dân nghèo thành thị, trình độ hạn chế, đạo đức cũng có vấn đề, con cái ít nhiều cũng ảnh hưởng. Nhưng, không hề có hiện tượng những hư hỏng ngoài học đường đó được phép len vào trường học. Học sinh thời đó, đánh nhau, chửi thề, yêu đương vụng trộm ở đâu không biết, trong trường là tuyệt đối không dám. Việc mời phụ huynh vào làm việc rất hãn hữu và chỉ có khi đã đến mức “không thể giáo dục” hoặc việc tổ chức các hội đồng kỷ luật cũng không…phổ biến đến độ “bình thường thôi” như bây giờ…Chúng tôi biết so sánh là bao giờ cũng khập khiễng, nhưng không thể không so sánh một chút để đặt ra vấn đề vì sao?
Vì trước hết, người Thầy xưa kia xứng chữ “Là Thầy”. Từ ông sĩ quan cho đến bà bán cá cứ nhắc đến Thầy Cô của con em mình là vô cùng kính trọng. Còn hiện nay, địa vị, nhân cách của Thầy Cô trong lòng phụ huynh đang ở “cung bậc” nào thì chỉ có trời mới biết. Đổ tại xã hội một thời đưa ra quan điểm “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, hay đổ tại vì miếng cơm manh áo, người Thầy trong lúc bươn chải đã đánh mất đi phần nào sĩ diện của mình, hay cho rằng, vì đồng tiền đã hiện diện như một biện pháp được “thu xếp” trở nên bình thường trong quan hệ phụ huynh- Thầy cô- học trò, và khi đồng tiền “có giá” thì mọi giá trị “đạo đức” khác trở nên “vô giá...trị”? Đặt ra vấn đề “tại sao” này không có nghĩa lại một lần nữa “cộng đồng trách nhiệm” và… coi như chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Hoặc ta lại coi việc “Phụ huynh cá biệt” cũng như “Thầy cô có vấn đề” chỉ là…hiện tượng chứ không phải …bản chất của đại đa số…mà ta quên mất rằng: Trẻ con chính là “âm bản” của một “dương ảnh” người lớn. Không thể có việc để các em “tự chọn” gương người lớn để học tập hay là bắt các em phải biết phân biệt đâu là hiện tượng, đâu là bản chất như “tách thóc ra khỏi gạo”. Việc làm này là quá tầm xử lý của học sinh. Và cũng không cần thiết tất cả người lớn đều có vấn đề thì trẻ em mới nảy sinh “sự cố”, mà chỉ cần một vài “dương ảnh” không tốt, lập tức số “âm bản” được “nhân rộng” sẽ là một con số “đáng nói và biết nói”.
Người ta vẫn nói: Có một bác sĩ tốt là cứu được một mạng người, có một ông thầy tốt sẽ được một thế hệ học sinh. Vậy chỉ cần một ông Thầy chưa tốt ( Thầy ở đây bao gồm cha mẹ- những người Thầy đầu tiên và gần gũi nhất của trẻ tới ông Thầy trên lớp và ông Thầy xã hội chưa tốt) thì hậu quả tất sẽ khó lường. Ta đã ngồi nói quá nhiều với nhau về trách nhiệm đối với giáo dục, nhưng ngay những người thường nói nhất đã có khi nào thực hiện điều chỉnh mình cho tốt hay không lại là một nhức nhối đau xót …mà nếu không thực hiện việc “tự giáo dục” thì ta vẫn sẽ có những vùng “không ổn định” trong học đường một cách rất nguy hiểm…
Lâm Minh Trang
( Gò Vấp)