Từ một entry nơi nhà Chị Gió, nói về việc có những người “dũng cảm” nhận mặc các chiếc áo “quá rộng” so với size của mình. Cái size ở đây nó nằm ở chỗ kích cỡ của cái mà người ta vẫn gọi là “năng lực”- khả năng- thực lực – của mỗi người. Đọc xong thấy “rát mặt” và buồn mênh mông. Nên…
Tôi đi …casting …làm diễn viên
Tôi hồi nhỏ…khác với tôi bây giờ nhiều lắm…
Hồi nhỏ, không biết “ông ứng bà hành” mần sao mà tôi lại rất…tự tin vào… “nhan sắc” của mình. Tự tin tới nỗi, khi coi phim “thằng khờ ra tỉnh” về, ai hỏi tới ước mơ về cuộc đời sau này, tôi đều dõng dạc trả lời: Con sẽ đi mần…tài tử…xi la ma… Tự tin đến nỗi tôi bỏ qua khuôn mặt nhợt nhạt của bố mẹ, đôi mắt thất thần của ông bà và những cơn đau bụng …lăn lộn ( chúng tôi vẫn gọi là “dãy đành đạch”) của anh chị em trong nhà…
Lớn lên rồi…lượng đổi thì chất cũng… giảm…
Lớn lên một chút, ý thức rồi, tôi dần dà thông cảm sâu sắc với những trạng thái “xây xẩm” mà mình gây ra cho người thân. Nhưng hiểu là một chuyện, ước mơ vẫn không vì thế mà …tắt đèn. Song, tiến bộ hơn một chút, tôi chuyển từ mơ ước làm tài tử xi la ma sang thành…diễn viên kịch nói. Và cái gánh đầu tiên tôi nhắm tới là Đoòng kịch “Tuổi Trẻ Cười Sống”. Tôi mạnh dạn tới xin đầu quân, người ta nhìn tôi khoảng từ 5 đến 60 giây, ngồi nói chuyện khoảng từ 5 đến 60 phút, và sau đó tôi nhận được một cái Ken Sồ lét tơ ( Cancel letter) với lý do: Mong chị thông cảm, Đoòng không thể nhận chị vì lý do phải bảo đảm…sức khỏe cho cộng đồng… Buồn ghê gớm, nhưng tôi vẫn khôn nguôi niềm hy vọng với sân khấu. Tôi phát hiện ra, không mần sân khấu phông màn, thì mình có thể đi mần với …sân khấu cuộc đời. Và tôi làm một cái chiện còn gây ra trạng thái “xây xẩm tăng le vồ” cho gia đình khi trình diện cái đơn…thi vào Sư Phạm. Vậy mà đậu, vậy mà học ( 3 năm học Sư Phạm, tôi đã kịp biến cái lớp học của mình thành một nơi thí điểm những khả năng “gây sốc tai hại” của tôi- Thầy cô và bạn học, tất cả đều có lần là “nạn nhân chiến cuộc…sốc” ). Rồi tôi ra trường, đi dạy, nhận ra cái sân khấu bục dạy còn hay hơn nhiều so với cái sân khấu kịch. Mỗi tiết học với mỗi lớp học khác nhau, tôi khoác lên người mình một cái vỏ ngoài khác: Học sinh giỏi thì phải ra dáng “giáo sư”, học sinh dở mà ngoan thì phải đóng vai : Bụt đây, sao con khóc! Với học sinh dở mà quậy thì “đúng hệ” nhất: Ê, các con có nhìn thấy “hàng nóng” của cô chưa? …Cứ thế, tôi đi qua 26 năm “diễn viên” gạo cội của mình với vô số vai diễn, đa phần là diễn viên hài kịch, một ít bi kịch, ngạc nhiên là không hề có ..chính kịch, tất cả đều là kịch “nghiệp dư” mà nó níu tôi lại mới kỳ…Và tôi chưa hề mần một cái đơn nào xin phong tặng danh hiệu “nghệ sĩ nhân dân”. Với tôi, khi học trò cũ gặp lại đồng nghiệp trong trường với câu hỏi: Cô M. còn dạy trường mình không Thầy/cô? Cô M. còn…dữ không Thầy/cô? Là bằng chứng hùng hồn nhất cho việc tôi “sống mãi trong lòng nhân dân học sinh”, hehe!
Tôi già đi…nhận một vở kịch…không giống ai…
Người ta nói “nghệ sĩ” là những người ít nhiều ngu ngơ. Tôi không ngơ, nhưng ngu. Vào gần trót đời, quá tin vào một lời trong “kịch bản” : Anh tốt, vậy hãy vào một “tập đoàn tốt” để phát huy năng lực. Tôi đi casting vai diễn này, và được nhận. Từ đó, người ta giao cho tôi một số vai “có hạng”: Tôi phải rình người này, bắt người kia. Phải chỉ đạo và giám sát. Phải chứng minh với cuộc sống rằng “đời rất đẹp khi ta chưa…bẹp”. Tôi- như mọi lần diễn khác, thuộc làu kịch bản và tự diễn tập nhiều lần trước khi diễn thật. Sân khấu bục giảng- với tôi là một “thánh đường” đúng nghĩa. Tôi nghĩ ngay cả khi mình cười trên sân khấu này, thì cái cười đó cũng là “cái cười làm thế giới trong sáng” hơn…Nhưng rồi, tôi nhận ra, vở kịch mà tôi nhận là kịch trong kịch- người ta diễn đúp nhiều vai trong cùng một thời điểm, trong khi “chạy đường dây” tôi ngu ngơ “trung thành” với kịch bản được giao của mình. Tôi nhận ra, chung quanh mình, một số diễn viên coi sân khấu không phải là “thánh đường” mà là “miếng đường”. Họ- như con kiến cần mẫn, mỗi ngày đục vào miếng đường đó một ít, tha đi, và để lại nơi miếng đường những nhớt dãi rất đắng. Tôi, thỉnh thoảng say sưa “diễn”, không để ý, thế là trượt chân té ngay trên “đống thải” của đồng nghiệp mình. Té đau, song nhờ thế, khi níu phông màn lê dậy, tôi nhìn thấy nước mắt của các “khán giả bên ngoài”. Họ khóc không chỉ vì “khán” phải kịch “giả”, họ khóc còn vì dành chút nước mắt thương những vai diễn của tôi, thương những lần tôi té ngã. Có người còn định mua tặng tôi một đôi giày “có đinh”… tôi nhận ra, mình casting nhầm kịch, nhầm đoàn kịch, song khán giả mua vé thì không nhầm. Họ biết là “hàng giả”, nhưng vẫn coi, coi để thấy nó giả đến thế nào…
Giờ cho tôi nói lại ước mơ của mình, tôi vẫn sẽ nói: tôi muốn mần…diễn viên, để “cuộc đời kịch” dạy tôi cho dù là “diễn”, thì cái nơi đất “diễn” đó tôi vẫn phải có cái mà ngay khi tôi té xuống, người ta vẫn cúi đầu chào…Thưa Cô!