Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

Entry For July, I'm in love with a fairytale, even though it hurts

Tin vào cổ tích…

            Bạn bè hay gọi tôi là “con nít sống lâu năm”. Lâu năm, có lẽ vì cái mái tóc sắp “nửa đời…bạc phấn” của tôi,  lâu năm, chắc còn vì cái số tuổi đã mấp mé ½ thế kỷ của tôi, lâu năm chắc còn vì nhiều thứ ở tôi đã thuộc hàng đồ rẻ tiền mau hỏng, cần thanh lý gấp. Còn gọi tôi là  con nít, chắc là căn cứ vào cái tính khí ba lơn hiếm có ở người tuổi tôi. Cái ba lơn mà trong những việc cần nghiêm túc, thì tôi lại đùa cợt, trong khi những chuyện lẽ ra chỉ chơi chơi, thì tôi lại cực kỳ nghiêm trọng. Ngòai cái ba lơn, họ còn coi tôi là con nít, chắc nhiều phần là tại vì cái nết hay… hờn giận của tôi. Hờn giận chính mình chưa đủ, tôi còn kiếm chuyện hờn giận với đời, hờn giận lây sang cả Người. Mà trong chữ Người viết hoa này, có gia đình và bè bạn của tôi lãnh đủ. Lãnh đủ ở cái chuyện bao nhiêu những dở dở, ương ương tôi gặp phải trong cuộc sống tôi đều …méc mơi với Người. Luật chơi là “cấm méc, cấm khóc”, vậy mà, tôi méc khóc nguyên con. Lâu ngày chày tháng, cái yếu tố sống lâu năm ở tôi mọi người quên mất, họ chỉ còn rặt coi tôi là một đứa con nít …đã già. Và vì coi tôi là con nít, nên mỗi khi tôi ể mình, tôi giận lẫy, tôi méc mơi… bất kể về cái gì, về ai, việc đầu tiên họ làm là…đem kẹo bánh ra dụ. Sau nữa là mang tranh ảnh ra an ủi. Hy vọng những cái hình xanh xanh, đỏ đỏ, những cái card postal về các nơi chốn tuyệt vời trên trái đất này sẽ làm tôi nguôi ngoai những cơn điên điên giống như anh chàng Don Quixote. Và cuối cùng, tuy coi tôi là đứa con nít khó “dạy bảo”, họ tin rằng, tôi vẫn còn mê …cổ tích. Họ kiên nhẫn ngồi xuống bên tôi, thủ thỉ dăm ba câu chuyện mà theo họ đó là tôi nên tin trong đời này, cuộc sống này vẫn còn có những…bà Tiên, ông Bụt. Ví dụ họ hỏi tôi khi tôi ngã, ai sẽ kéo tôi đứng dậy? À, đó là thiên thần cha mẹ, anh chị… bây giờ là…các cháu, các con. Ví dụ họ hỏi tôi khi tôi khóc, ai sẽ là người hiện ra và hỏi: Sao “bà” khóc hả Mập? À, đó là những Ông Bụt, Bà Bụt Bạn bè. Ví dụ họ hỏi tôi: Khi tôi gây hấn với đời và bị đời dí cho tóe khói, ai là người hiện ra “bảo kê”? À, đó là những thiên thần bóng tối Bạn Blogger…hehe… sau khi nhìn gương mặt bán tín, bán nghi của đứa con nít tôi, họ cười lên ba tiếng và …hô biến gởi đến tôi … một đôi giày. Không là giày gấm, không phải hài. Đơn giản đó chỉ là một đôi giày …đi mưa… nhìn rất… nhí nhảnh. Họ nhỏ nhẹ giải thích rằng: Vì họ đã nhiều lần nhìn thấy tôi …tắm mưa với đôi giày… sandal giả da rất uổng. Họ cũng nói rằng: họ đã nhìn thấy tôi cuống quýt chạy bất kể mạng khi những cơn mưa đời ào ào quất xuống, mà chạy vậy là rất dễ té. Té trong mưa khi nhà nhà đã yên ấm, sẽ không ai kịp đỡ tôi lên. Và còn lý do cuối cùng họ giải thích, kèm với một cái xoa đầu ( y như Bà Bụt- Ông Bụt hay làm trước khi hô biến)  đó là: Tôi có thể đem đôi giày này cùng với mấy đôi dép Lào mà “các trai bỏ lại” hồi trước ra cửa Chợ Đông và rao “ai mang vừa đôi giày này dư sức làm vợ” đơiiii!!!!

            Ngây ngất trước viễn cảnh được rao giày  chung với bán dép, tôi không nhớ ra là bây giờ ngồi ngay cửa chợ mà bán là… vi phạm hành chính, có thể bị xử phạt theo điều… chương… của Luật  xử phạt vi phạm hành chính… hic hic! Lúc đó thì liệu Bụt Bà Bụt Ông có …nhảy ra cứu tôi không hén?

 

            Dẫu hay bi kịch hóa mọi chuyện như thế, tôi cũng thấy mình hạnh phúc lâng lâng khi nhận đôi giày và kẹo bánh, và tranh ảnh…hạnh phúc đến nỗi, tôi nằm mơ, thấy “kẻ thù xưa” quay về và nhắn: Tui đi sửa giày xong, kiếp nạn tiếp theo sẽ là cưới Mập… nhớ mang đôi giày này và mặc soirée ngày đón Tui về nghen… hic!

            Cổ tích bao giờ cũng mở ra thật buồn và kết thúc thật vui. Cổ tích của tôi thì luôn luôn ngược lại. Vậy mà tôi vẫn tin sái cổ, con nít… ngu lâu năm mà!

  


Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

Entry for 19 July, 2012 - Tôi đi học...

Con đường cũ…

            Sáng hôm nay, Sài Gòn vàng nắng, những cơn gió Hè oi bức từ tinh mơ, trời thì cao và xanh đến váng cả mắt, “ngòai đường không có lá rụng nhiều và trên không không có những đám mây bàng bạc…” tôi vẫn nôn nao xuống phố trên một con đường mà 38 năm về trước tôi đã nôn nả đi, con đường dẫn từ nhà đến ngôi trường thơ bé của tôi, Trưng Vương…

38 năm…

            Soi mình vào tấm gương chiếu hậu của xe, tôi không thấy chút gì hình ảnh của con bé con 11 tuổi năm nào: Mái tóc râu ngô đỏ chạch bẩm sinh, cái áo dài trắng hôm thì xá xị, hôm thì tơ nội hóa  Hồng Hoa, hôm xoa Pháp… vẫn không thể giúp nó giấu đi cái nghịch ngợm “trời ban”. Có cả cái cặp da dê phần thưởng Sở Bố cho xúng xính trên tay và một gương mặt rạng rỡ những hăm hở tương lai. 38 năm sau, “tóc ngô ngày ấy, phai nhạt quá trời”, trên cái nền tóc highlight bạch kim mà phần “bạch” đã nhiều bề lấn át so với phần “kim”, tôi chỉ nhìn thấy một gương mặt đã quá … phong trần. Màu mắt đã nhạt đi, tối om bởi những bon chen trần thế. Và có cả một sự mệt mỏi tràn trề không thể giấu. 38 năm…thời gian đã gấp 3 lần cái tuổi bắt đầu non tơ ngày ấy. Đã chứng minh sức mạnh hủy họai của nó là vô địch. Đã bào mòn một non tơ thành già cỗi. Đã “đắp bồi” một mỏng manh thành bệ vệ cộng thêm những thói xấu “đời ban”. Trên cái nền đã “xấu đi một cách cơ bản” đó, chẳng hiểu sao, tôi vẫn nhìn ra một cách không chủ quan một cái rưng rưng giống hệt nhau của đứa bé 11 tuổi rạng rỡ ngày ấy với “cái đứa con nít sống lâu năm” 49 tuổi đa đoan, hung hăng hôm nay. Cái rưng rưng đứng ngòainhững quy luật thời gian tất yếu…

 

38 năm…

            Đó là cái rưng rưng hôm nay trên con đường đến trường dường như không thay đổi. Từ nhà đi ra vẫn băng qua một đọan đường Công Lý thẳng tắp. Qua những cái mốc mà đứa bé nôn nả ngày ấy đặt ra cho những guồng chân chưa bao giờ biết mỏi trên cái xe Lucia 550 nhỏ xíu. Những dấu mốc mà trải qua biết bao biến cố lịch sử có, xã hội có, lòng người có… Ơn Trời, gần như vẫn còn nguyên vẹn: Ngã tư Phú Nhuận, Chùa Vĩnh Nghiêm, dinh Ông Hương ( nay là nhà văn hóa Thiếu nhi), trường Marie Curie, sân vận động Phan Đình Phùng và cuối cùng là Dinh Độc Lập… từ đây, con đường được rẽ trái để đi vào Thống Nhất. Đi qua Hãng Esso của Bố, Hãng Shell của Bác, rồi Trường Văn Khoa, dinh Thủ Tướng… rồi Sở Thú, Nha Khảo Thí, Võ Trường Tỏan… rồi Trường tôi… 38 năm, tôi già đi về mặt sinh học và cùng với cái già đi đó, bắt đầu nuôi dưỡng trong mình những câu chuyện bắt đầu bằng hai chữ “ngày xưa…”. Chỉ có điều, hôm nay lớp học tôi rẽ vào không là “khung cửa Mùa Thu”. Tôi học ở bên này “khung cửa” ấy. Buổi trưa đứng từ lầu 4 bên này nhìn sang, cái “khung cửa” ngày xưa rầm rập bước chân nô giỡn của con bé con tôi, giờ vào Hè, vắng lặng. Vắng lặng, nhưng trong cái im ắng của không gian và của lòng mình, tôi vẫn như nghe thấy hết cái ngày xưa rầm rập dội về, ồn ào, nhộn nhạo trong lòng nhớ đến nao nao…

 

38 năm…

            Đó là cái rưng rưng, khi tôi bắt cái não giờ chật chội những chất chứa của mình lần mò mở ra những gương mặt ngày xưa. Đó là gương mặt của con đường nhộn nhịp các lọai xe vào giờ tan học: xe trường, xe thầy cô, xe học trò. Có cả xe của những “cây si Trường lạ” chen chúc. Đó còn là gương mặt mang bóng áo trắng tung tăng rợp trời “như mây xuống phố”, là tiếng guốc các lọai ròn tan, huyên náo hết dọc con đường bình thường êm ả. Là những ríu rít quanh ly chè, cốc siro đá nhận…Đó là gương mặt của những con đường rẽ ngang, rẽ dọc đâu đó của tình thân bạn bè. Đó có cả những trầm mặc tiếng dương cầm vọng sang từ nhà nguyện kín. Tiếng gầm gừ của những con mãnh thú đang “gặm một khối căm hờn trong cũi sắt”. Đó là gương mặt của biết bao đứa bạn giờ vẫn hoặc quẩn quanh đâu đó trong thành phố, hoặc đang phiêu dạt đâu đó góc biển chân trời…

38 năm…

            Tôi sẽ đi về trên còn đường cũ này 10 ngày nữa cho khóa học. Đi về bằng con người mới và những nỗi nhớ cũ. Đi về với những tất bật hôm nay với cái rưng rưng chậm chạp hôm qua. Với những đi-về như thế, tôi như là được cho một cơ hội để biết, khi “tình nguyện” làm một “ngọn đèn bật –tắt những đợi chờ”, là tôi được cho một cơ hội để giữ cho mọi con đường đâu đó trong ký ức mình không phai nhạt đi…

 


Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

Entry For 10 July, 2012 - Ta nhắc lời ngàn xưa

Chúng tôi có ý kiến

 

 

“…Phải nhớ điều đặt mồi lửa bên dưới đống củi là nguy. Lấy việc kiềng canh nóng mà thổi rau nguội làm răn…” (*)

(http://tuoitre.vn/Kinh-te/501142/Nguoi-TQ-mua-ca-tram-hecta-dat-Binh-Thuan.html)

            Chúng tôi là nhà giáo, cứ mỗi dịp Hè về là lại được Phòng giáo dục tổ chức cho tập huấn chính trị. Hè năm nay, đợt tập huấn đã thu hút sự quan tâm của chúng tôi, bởi các chuyên đề mà lớp học mang lại đều là những “chuyên đề nóng” về các vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng. Trong đó, nổi bật là chuyên đề biển đảo và an ninh quốc phòng. Đứng dạy lớp học của chúng tôi đều là những đồng chí Quận ủy viên giữ trọng trách trong vấn đề tuyên huấn, trong hội đồng chỉ đạo an ninh quốc phòng của Quận. Các đồng chí ấy truyền đạt rất tâm huyết, rất cẩn trọng, rất cụ thể về tình hình biển đảo nước ta trong giai đọan nhạy cảm và phức tạp hiện nay. Giúp cho giáo viên chúng tôi nắm rõ về tình hình thực tế và tăng cường cảnh giác trước những hiện tượng phức tạp trong xã hội, xoay quanh vấn đề Biển Đông.

            Vì lẽ đó, thật khó hiểu khi theo dõi Báo Tuổi Trẻ sáng nay trên trang kinh tế, chúng tôi đọc thấy bài Người TQ mua cả trăm hecta đất Bình Thuận  của các phóng viên Minh Luận và Tr.L.Hoa. Chỉ là người đọc, chúng tôi xin phép được bỏ qua một bên các thủ tục pháp lý rắc rối về việc đầu tư của các thành viên người Trung quốc trong vấn đề này, mà chỉ xin đặt ra một câu hỏi đối với nhà chức trách của Bình Thuận. Các đồng chí là người giữ giềng mối kỷ cương của Đảng và nhà nước ở một vùng đất “phên giậu”, vậy phải hơn ai hết, ít nhất là hơn dân thường chúng tôi, trong thời điểm phức tạp này, khoan nói đến việc “nhìn đâu cũng thấy địch”, nhưng công tác cảnh giác là không thể xem nhẹ.  Đặc biệt là các dự án có “yếu tố nước ngòai” tham gia lại càng cần phải cảnh giác cao hơn. Các đồng chí, lại là những người, phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhà nước trong việc tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân về mặt cảnh giác. Nhưng qua việc làm đầy tắc trách của nhà đương cuộc Bình Thuận mà Báo Tuổi Trẻ nêu lên, người dân chúng tôi muốn đặt một câu hỏi: Trách nhiệm công dân của các đồng chí ở đâu? Chứ chưa nói đến trách nhiệm công bộc. Muốn hỏi: Tính cảnh giác của các đồng chí ở chỗ nào, khi phát hiện ra có việc “tắt mắt” trong khâu đầu tư, mà lại là đầu tư dính dáng đến vấn đề “bán đất” lại “vui miệng” tư vấn cho đối tác nước ngòai những cách làm “hợp pháp hóa” việc “mua đất” đã rồi? Mấy trăm héc ta đất đó có nhiều không? Xin thưa, với một tỉnh lớn như Bình Thuận thì nó không nhiều. Nhưng khi ta đã cam tâm để mất miếng đất nhỏ nhất, thì khó mà nói, ta có thể làm gì để giữ các miếng đất lớn hơn.

            Đọc xong báo Tuổi Trẻ hôm nay, người làm giáo viên như chúng tôi chợt buồn mênh mang. Chúng tôi trong bài giảng lịch sử cho học sinh của mình hôm nay, khi nhắc về các chiến công hiển hách của tiền nhân, đều luôn nhắc đến Ba áng hùng văn thiên cổ đó là: Bài Thơ Thần của Lý Thường Kiệt, Hịch Tướng Sĩ của Trần Hưng Đạo và Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi.  Nhắc, không vì đó là những chiến tích oai hùng, mà còn vì trong các áng hùng văn đó, bài học cảnh giác trước họa ngọai xâm là chưa bao giờ cũ đi. Buồn chính vì lẽ trong khi chúng tôi ra sức cảnh giác học sinh của mình, thì đâu đó, vẫn có những hậu duệ của Trần Ích Tắc, của Lê Chiêu Thống nhan nhản núp dưới “chiêu bài” thế thần để “dày công hãn mã” phục vụ cho “thế lực lạ” chỉ đổi về một chuyến tham quan ( và có thể bên trong chuyến tham quan đó còn có nhiều quan…tiền để tham mà chưa lộ). Và điều này chúng tôi cho rằng nó là một trong những nguy cơ cần cảnh báo, không thể xem thường. 

            Xin mượn lại những điều mà Tiết chế Quốc công Trần Quốc Tuấn đã nhắc nhở binh tướng của mình trong Hịch Tướng Sĩ : “…Phải nhớ điều đặt mồi lửa bên dưới đống củi là nguy. Lấy việc kiềng canh nóng mà thổi rau nguội làm răn…” (*)

Lâm Minh Trang ( Gò Vấp)