Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

Entry For 14 June, 2012 - Cho một hạnh ngộ thiệt bất ngờ...

MẸ và BẾP

Ba mẹ có việc phải xa nhà hai tuần. Con gái, sau 18 năm được song thân bảo bọc, lần đầu tiên phải tự lo cho bản thân. Sau mấy ngày một mình - hơi - căng thẳng, con viết thư cho mẹ : « Mẹ yêu, con mới vừa ăn xong, đang dọn bếp. Con vừa dọn vừa tự hỏi, làm sao mà bà ngoại, mà mẹ, có thể mỗi ngày đứng trong bếp, nấu cơm gần như cả cuộc đời ? ». Thư bốn mươi chữ của con làm mẹ hoe hoe mắt.

Thư bốn mươi chữ của con làm mẹ nhớ món canh lung tung của bà ngoại. Nói « lung tung » vì canh pha trộn rau củ không theo nguyên tắc ẩm thực nào hết, vô lối, lổn nhổn. Nhiều năm đứa con hàn vi là mẹ cứ hậm hự thắc mắc, cho tới ngày vỡ ra « công thức » của nó : Đó là những thứ rau củ mà bà ngoại phải lom khom nhặt nhạnh trong mỗi chợ chiều rơi rớt… Mẹ nhớ mình đã khóc khi biết ra điều này. Biết ra mình và các em đã được nuôi lớn bằng thứ canh (và nhiều thứ khác) mang vị mặn…

Thư bốn mươi chữ về bếp của con làm mẹ nhớ cuốn tiểu thuyết hay của nhà văn nữ Hàn Quốc. Tiểu thuyết kể chuyện người mẹ bị mất tích, và trong quá trình hốt hoảng, nôn nao tìm kiếm, những đứa con mới chợt xôn xao ký ức về mẹ. Tác giả sách - một trong những đứa con - nhớ mẹ mình suốt ngày cứ loay hoay trong bếp để lo bữa ăn cho các con. Cô tự hỏi và một lần đã hỏi mẹ cô có thích làm bếp hay không. Mẹ cô, người nông dân thất học đã ngạc nhiên, rồi thản nhiên : «  Nếu chỉ làm những việc mình thích thì ai sẽ làm những việc mình không thích ? ». Nhưng khi cô riết róng, thế thì sao, rốt cuộc mẹ có thích làm bếp không, thì mẹ cô thủ thỉ một bí mật : « Nhiều lần mẹ đập bể nắp chum ».

Là thế này, như người mẹ tâm tình : «  Mẹ không thấy điểm kết thúc. Ít nhất là với công việc đồng áng, khi gieo hạt mùa xuân thì ta được thu hoạch vào mùa thu. Ở chỗ gieo hạt rau chân vịt sẽ mọc lên cây rau chân vịt, ở chỗ tra hạt ngô sẽ mọc lên cây ngô… Còn công việc bếp núc thì không có khởi đầu, cũng không có kết thúc. Ta ăn sáng rồi ăn trưa rồi ăn tối rồi khi trời sáng lại ăn sáng… Sẽ tốt hơn nhiều nếu mẹ có thể thay đổi món ăn thường xuyên, nhưng bởi vì vẫn là những thứ rau dưa trồng ngoài đồng ruộng nên mẹ lúc nào cũng làm đi làm lại ngần ấy món. Khi cứ làm thế hết lần này tới lần khác, sẽ có những lúc ta thấy thật sự ngán ngẩm. Mỗi lúc cảm thấy gian bếp như nhà tù, mẹ lại đi ra sân sau nhặt cái nắp chum nào sứt sẹo nhất lên, rồi dùng hết sức ném bộp vào tường […]. Khi đi mua nắp mới mẹ thấy thật phí phạm và tiếc đứt ruột, nhưng mẹ chẳng thể nào ngừng lại được. Tiếng vỡ của cái nắp chum đã trở thành liều thuốc cho mẹ. Mẹ cảm thấy được tự do ».

Và người mẹ đó tiếp tục nói cho con nghe về cái bếp : «  Cho dù bận rộn tới mức không có thời gian sửa lại cái khăn đội đầu, nhưng khi nhìn cảnh các con ngồi quây quần bên bàn ăn uống say sưa, đũa bát va cả vào nhau trong khi ăn, mẹ cảm thấy không cần bất cứ thứ gì trên thế gian nữa […]. Các con đều ăn rất khỏe  nên giai đoạn các con phát triển nhiều khi mẹ thấy rất lo. Nếu luộc một nồi khoai to để các con ăn tạm sau khi tan trường thì chắc chắn lúc mẹ về đã thấy nồi hết veo. Quả thật, có những thời gian gạo trong vại hôm trước hôm sau đã vơi đi trông thấy, thậm chí còn có khi hết sạch. Khi mẹ vào kho lấy gạo để nấu cơm tối, cái ống bơ đong gạo chạm xuống tận đáy vại, trời ơi, lúc đó lòng mẹ chùng xuống, mẹ không biết phải lấy gì cho các con ăn vào sáng mai đây. Thế nên trong những ngày đó chuyện mẹ thích hay không thích làm bếp chẳng còn quan trọng nữa. Nếu được nấu một nồi cơm to và một nồi canh nhỏ thì mẹ chẳng quản mệt nhọc vì mẹ thấy vững tâm khi nghĩ đây là thức ăn nuôi lớn các con ».

Người mẹ trong sách nói thời gian đủ thực phẩm cho các con ăn là những ngày hạnh phúc nhất của bà ( dù đôi khi phải đập bể nắp chum ). Mẹ thì tin bà ngoại đã rất vui khi mót được nhiều rau củ (dù luôn luôn phải kéo nón che mặt). Mẹ đã và sẽ không bao giờ hỏi bà ngoại có thích lom khom lúc tan chợ hay không. Vì như người phụ nữ nông dân trong sách, hẳn bà ngoại sẽ ngạc nhiên, rồi thản nhiên lý luận : «  Nếu chỉ làm những việc mình thích thì ai sẽ làm những việc mình không thích ? ».

   Mẹ không định nêu tên quyển sách và tên tác giả, nhưng đến đây mẹ thấy cần phải nói. Sách tên Hãy chăm sóc mẹ, tác giả Shin Kyung Sook, người dịch Lê Hiệp Lâm, Lê Nguyễn Lê, công ty sách Nhã Nam. Mẹ muốn con (và mong muốn mọi đứa con) tìm đọc nó, để hiểu hạnh phúc (cũng như sức mạnh) của các bà mẹ nằm ở đâu…

GIA ĐÌNH KHÔNG RUỘT THỊT

1-Lâu rồi, nhưng chị cứ không quên Shara - bộ phim Nhật lọt vào vòng thi chính thức của liên hoan phim Cannes 2003, bộ phim mà sự tinh tế của nó khiến người xem sửng sốt, còn nữ đạo diễn Naomi Kawase thì được giới phê bình tiên đoán là gương mặt tương lai của điện ảnh thế giới. Và đúng vậy, chỉ bốn năm sau Shara, cũng tại Cannes, phim Khu rừng than khóc (The mouring forest) của Kawase nhận giải Grand prix.

Nhưng điều chị muốn kể ở đây là câu chuyện khác.

      Mồ côi, luôn luôn khát khao nguồn cội, ngay khi còn là sinh viên trường nghệ thuật Osaka, Naomi Kawase đã bắt đầu quay phim « tài liệu » gia đình - nơi cô sống với những người trợ dưỡng - như môt cách điều tra gốc gác. Bằng con đường nhẫn nại, loanh quanh và khôn khéo đó, Kawase rốt cuộc đã tìm ra dấu vết của cha ; nhưng điều quan trọng hơn, như cô nói, là tìm ra định nghĩa gia đình mới: Nơi con người, dù xa huyết thống nhưng gần gũi, yêu thương trong cuộc sống thường nhật ; nơi liên kết những số phận để cùng nhau băng bó nỗi đau, vượt qua nỗi sợ...

Từ chỗ hôm qua dùng điện ảnh như công cụ truy lùng gốc gác bản thân, Naomi Kawase hôm nay tiếp tục dùng điện ảnh như con thuyền đưa đón nội tâm của con người, chuyển dịch quan hệ gia đình từ bờ ruột thịt sang bến nhân văn. Với nhiều người, trong đó có chị, đây mới là khai phá lớn lao của nữ đạo diễn này.

2 –Mới đây, chị tình cờ đọc trên mạng một tâm tình tha thiết. Người đàn ông kể rằng hai mươi năm trước, trong lúc anh đang suy sụp vì mất vợ cùng đứa con  chưa kịp chào đời, thì cô gái kia tìm đến, như lời an ủi của thiên cơ. Rồi họ cưới nhau, rồi con gái nhỏ sinh ra trong hạnh phúc vô biên của gia đình. Nhưng hạnh phúc này rất nhanh rạn nứt, bởi vợ anh là mẫu phụ nữ không thích hợp thiên chức làm mẹ, ngay cả khi họ có thêm đứa con thứ hai.

Một lần, sau trận xô xát nhỏ, cô vợ trẻ bỏ đi, để lại cho chồng mảnh giấy. Mảnh giấy đó ghi rằng con gái lớn của họ không cùng máu mủ với anh, rằng anh có thể tiếp tục nuôi hoặc đưa nó vào trại trẻ mồ côi tùy thích. Thương con lớn mới bốn tuổi, con bé chỉ vừa mười ba tháng, anh cố gắng đi tìm vợ, để ê chề biết cô đã ra nước ngoài với người đàn ông khác. Ê chề hơn, xét nghiệm ADN cho biết thông tin cô để lại trên mảnh giấy cũng là sự thật. Anh viết : «  Quá uất hận và cay cú, đã hai lần tôi đưa con vào trại trẻ mồ côi, nhưng cả hai lần chỉ đưa đến cổng là tôi lại quay về… ». Chị tin người đàn ông kia nói thật : làm sao đành đoạn bỏ rơi một đứa bé mình đã chăm lo, ôm ấp nhiều năm? Làm sao đành đoạn bỏ rơi một đứa bé mà khi bị đưa vào trại trẻ mồ côi, vẫn đinh ninh được cha chở đi chơi, vẫn ôm cha, líu lo ca hát…?

Trong bài tâm sự của mình, người đàn ông luôn gọi đứa bé kia là con, mộc mạc, âu yếm : « Cách đây ba năm, khi con học xong THPT thì mẹ con quay về. Cô ấy gặp tôi và có ý đón con sang nước ngoài. Nghĩ đến quyền lợi của con tôi đồng ý, với điều kiện không được nói cho con biết tôi không phải là cha ruột. Nhưng để thuyết phục con đi theo, cô ấy đã nói cho con biết cái điều bí mật đó. Cuối cùng, con cũng không đi theo mẹ. Con nói với tôi càng biết sự thật con càng thương tôi nhiều hơn. Rằng người mẹ đó không xứng đáng, không có trong tâm trí của con, rằng trong lòng con không ai thay thế được tôi ». Anh kể hiện con anh đang học năm thứ ba đại học, cháu ngoan, học giỏi, đã rất ra dáng người phụ nữ đảm đang của gia đình, biết chăm sóc ba, chăm sóc em, kèm em học tập… Anh nói nhìn các con, anh thực sự thanh thản vì thấy quyết định của anh là đúng.

Chị tin anh thanh thản, nhưng cũng tin sự thanh thản của anh đã làm rưng rưng   biết bao người…

3-Đúng ra câu chuyện kể trên và câu chuyện xứ Nhật xa xôi không làm chị lay động tâm can đến vậy, nếu nó không liên quan tới một bí mật rất lớn mà nàng dâu được mẹ chồng yêu quý là chị, được giao phó kể lại với con trai yêu quý của bà. Trù trừ mãi, chao dao, nao núng mãi, cuối cùng nàng dâu ngoan cũng phải chọn một ngày lành.

Bằng thái độ nâng niu nhất, e dè nhất mà con người có thể, chị thỏ thẻ với anh rằng mẹ nhờ em nói lại với anh một điều quan trọng. Rằng em phải nói ra vì phải tuân lời mẹ, chứ cái điều kia hoàn toàn không ảnh hưởng quan hệ chúng ta, không gây ra bất cứ đổi thay, xáo trộn nào…  Cô dâu chị cứ thế dịu ngọt rào đưa, để cuối cùng nói ra được nội dung mẹ chồng chị muốn con trai được biết: Anh thật ra không phải là con ruột của ba anh. Anh sinh ra từ một lòng tốt vô danh, và do chính người cha vô sinh xếp đặt.

         Chị kín đáo quan sát người đàn ông trầm mặc nhưng quyết liệt của mình, nhấp nhỏm chờ đợi cái gì đó hao hao đá, hao hao lửa, hao hao giông bão… Nhưng không, không có gì xảy ra tương tự. An nhiên mà trịnh trọng, người đàn ông của chị nói anh sẽ không bao giờ cất công tìm hiểu câu chuyện này. Năm mươi măm anh có một gia đình ấm êm, năm mươi năm anh có một người cha mà mọi đứa con đều mong ước. Anh không muốn đổi thay điều đó, không có sự thật nào có thể làm thay đổi trong anh điều đó. Mãi mãi.

       Và đúng vậy, đã hơn mười năm kể từ ngày phải nói ra chuyện cần nói, chị chưa bao giờ nghe anh nhắc lại, dù chỉ một lần.

      Còn chị, bỗng thấy mình hay quấn quýt… người dưng.

                                                                                       VIỆT LINH

            Tôi – xin nói ngay – là một fan hâm mộ đạo diễn Việt Linh, và hâm mộ Chị ngay từ hồi ...chưa coi phim của Chị và cũng không nhớ lúc đó Chị có phải là đạo diễn hay chưa. Khi đó tôi còn là một con nhóc sinh họat ở NVH Thanh Niên. Một buổi chiều chủ nhật, các đội nhóm được gom lại trong phòng khách để nghe nói chuyện. Nghe nói chuyện lúc đó với một con bé hiếu động như tôi là chuyện... chán nhất trần gian, bởi tôi cứ hình dung, một chú bác nào đó, cổ cồn cravatte, trịnh trọng và giáo điều với những bài ca ngợi tập thể 1 phần và tự ca ngợi mình nhiều phần, nên đã định bỏ về. Trời mưa to, tôi quay vào phòng khách, ở đó, đang đứng trên cái bục nói là một người, không biết nên gọi là thiếu nữ hay phụ nữ, bởi gương mặt rất phong trần, mặc một cái áo sơ-mi dài sọc và cổ đeo lằng nhằng dây chuỗi. Chưa hết, Chị hút thuốc liên tục, và xin lỗi liên tục vì...hút thuốc...tôi vốn là đứa hay bị những ấn tượng như thế thu hút thế là ngồi xuống. Và Đạo diễn Việt Linh mà tôi biết sau ấn tượng ban đầu, đó là cách nói chuyện bằng thứ tiếng lơ lớ nửa nam, nửa bắc rất lạ, nhưng lại rạch ròi, ngắn, thật và ...thẳng thắn đến không ngờ. Tôi hâm mộ Chị. Không chỉ có tôi, gia đình tôi ai cũng thích Chị. Trước hết là do tôi ...tả óan về Chị. Sau này, coi phim của Chị, không phải phim nào chúng tôi cũng thích và thấy nó hay, nhưng nhiều phim thì thích. Rồi sau nữa, xem những tạp văn, những tùy bút Chị viết cho TT, SGTT lại « rủ nhau thích ». Đó là những bài viết thuần chuyên môn về phim, vậy mà, đọc xong, cứ như đang được nghe những câu chuyện đời đang xảy ra đâu đó quanh mình. Vì thế, khi Chị có sách phát hành, là chúng tôi « rủ nhau mua ». Mua để đọc, để cứ chủ nhật tụ tập ăn uống là thảo luận inh trời, cãi cọ chí chóe nhau về những vấn đề trong đó, mua còn để dành, khi có dịp là gởi cho Bạn Bè các nơi. Sách – là một món quà tặng – mà chúng tôi – những kẻ không nhiều tiền, cho đó là món quà sang trọng nhất, ý nghĩa nhất.

            Hai câu chuyện tôi trích lại trên blog này, lẽ ra còn một chuyện nữa, nhưng máy tôi không mở được file, là những câu chuyện tôi đọc trong cuốn « Chuyện và Truyện » mới phát hành của đạo diễn Việt Linh. Một câu chuyện thì có dính dáng tí ti đến chuyện « nghề » của Chị đó là giới thiệu về Naomi Kawase và những bộ phim của Cô. Một câu chuyện thì đúng là truyện thuần gia đình. Cả hai lại dính dấp với nhau trong điều mà tôi cảm được và tôi  tin là nữ đạo diễn Việt Linh muốn gởi gắm, đó là : thái độ của mỗi một con người trong việc hành xử trách nhiệm của mình trong gia đình và huyết thống nơi mỗi con người là điều quan trọng. Một câu chuyện kể về một bà nội trợ, ngày này sang tháng nọ, cúc cung phục vụ gia đình, đến nỗi, không ai nghĩ, bà cũng có những lúc không muốn cúc cung như thế. Không muốn, nhưng bằng vào niềm vui bà lấy về từ sự hài lòng của người khác - ở đây là các con mình- nó trở nên thành cái « muốn » mà bà tình nguyện mang. Một câu chuyện thì nêu lên vấn đề huyết thống. Huyết thống  là cái cho mỗi chúng ta một gốc gác để xác định sự hiện hữu của mình trong cuộc sống. Nó là điều giúp cho chúng ta cái cơ bản đó là cội nguồn để có thể tìm về khi hoang mang, chống chếnh, mất phương hướng. Khi muốn giải mã tính cách của bản thân và... tôi cho là vậy, đôi khi muốn giải mã chính những truân chuyên ta gặp từ tính cách mà ta thấy mình không giống chung quanh. Huyết thống là cái có sẵn trong máu, nó theo ta từ lúc lọt lòng và sẽ theo ta đến tận lúc xuống mồ. Thế nhưng, tuy quan trọng, nó lại không phải là điều quan trọng nhất. Bởi khi huyết thống bị tách rời khỏi ta ( hay ngược lại) vì một nguyên nhân nào đó, thì nơi dưỡng nuôi ta, người dưỡng nuôi ta, nơi giáo dục ta, người dạy bảo ta, cho ta nên người tử tế, cho ta cuộc sống ấm êm, hạnh phúc, lương thiện thì với ta sự dưỡng nuôi cả phần xác và phần hồn đó mới chính là huyết thống, là cái làm nên giá trị trong ta. Người Việt Nam rất hay, ông bà ta xưa chắc cũng đã từng có những trăn trở như thế, nên đã đúc kết trong một câu thành ngữ «  cha sanh không bằng mẹ dưỡng ». Tôi, đọc qua hai chuyện mà Chị Việt Linh viết, nhớ câu thành ngữ này để cảm ra một điều, nhỏ thôi, nhưng với tôi nó lại quan trọng, bởi tôi nhận ra cổ hay hiện đại, xưa hay nay, khi ta có một cái nhìn nhân văn về một vấn đề gì đó, nhìn nhận vấn đề đó bằng sự công tâm, khách quan và tử tế, thì mọi thời điểm nhìn nhận đều không quan trọng nữa. Nó gặp nhau ở cùng một chỗ. Gặp như một hợp lưu của nhiều dòng sông. Có dòng chảy qua đồng bằng yên ả. Có dòng phải qua nhiều thác, nhiều ghềnh, có dòng  gần như cùng túng... nhưng khi gặp nhau, nó lại mang đến một sự êm đềm, mênh mang mà đạo diễn Việt Linh diễn tả tuyệt hay bằng hai chữ « rưng rưng ».

Tôi không biết diễn tả như Chị, Chị dùng câu chữ  theo cái cách tôi gặp nơi mấy bà má miền Nam ngồi lặt rau mà tôi biết. Nhìn các bà nhẩn nha lặt,  tưởng chơi chơi mà ngọn nào ra ngọn nấy, con sâu nào là bắt sạch con sâu đó. Tôi thấy mình đọc xong hai câu chuyện này của Chị, thích quá các câu kết :

« ...Từ chỗ hôm qua dùng điện ảnh như công cụ truy lùng gốc gác bản thân, Naomi Kawase hôm nay tiếp tục dùng điện ảnh như con thuyền đưa đón nội tâm của con người, chuyển dịch quan hệ gia đình từ bờ ruột thịt sang bến nhân văn. Với nhiều người, trong đó có chị, đây mới là khai phá lớn lao của nữ đạo diễn này. »

 « ...      Còn chị, bỗng thấy mình hay quấn quýt… người dưng » .

Và bằng vào cái « thích quá »  của mình, dẫu chưa xin được phép của tác giả, tôi vẫn mạo muội đưa hai câu chuyện này lên để giới thiệu với làng mul... Tôi rất muốn ngày nào đó, được ngồi trên con thuyền « chuyển dịch » đó,  làm một « người dưng » của một người như Chị, được không Thưa Chị ?

            P/s: Nguồn ảnh Google

 

41 nhận xét:

  1. Chị chưa đọc một cuốn sách nào của đạo diễn Việt Linh ngoài những bài viết thi thoảng nào đó về nghề chị viết rải rác cho các báo , chị cũng ít đọc tác giả trong nước ngoài chị từng thích và đọc vài cuốn của Nguyễn Thị Minh Ngọc và những cuốn sách M tặng chị .

    Chị cũng thích tặng bạn sách , đang truy tìm một số sách đợi lần gặp sẽ gửi bạn ..Sách cũng là một thứ duyên hén M , nó cho ta nhiều điều hơn ta tưởng .Cứ lúc nào cần lắng lại , chậm lại chị lại tìm sách .

    Bây giờ hình như những nhà văn nữ nhiều quá...cứ như thân phận người PN lúc nào cũng chao đảo thành những thứ tích lại cho đời ...

    Trả lờiXóa
  2. Những câu nhuyện thật ấm áp và cảm động.
    Và, chị bâng khuâng tự hỏi, sau này khi mình đã đi xa rồi, có ai rưng rức nhớ khi đi ngang qua góc bếp bề bộn và ám khói của mình không nhỉ?

    Trả lờiXóa
  3. Rưng rưng với những câu chữ đầu tiên của một ngày mới... Ghét M thiệt!!!
    Bỗng nhớ thật nhiều cái góc bếp ám khói của Má, vừa chụm củi vừa ráng đọc lại lần cuối những trang sách trước khi bỏ nó vào lò..., và khóc vì tiếc...

    Trả lờiXóa
  4. Đạo diễn VL có đôi mắt ám ảnh hén M :)

    Trả lờiXóa
  5. Để em tặng Gió hai cuốn của Chị VL nếu em tìm được đủ. Cuốn "Chuyện và Truyện" thì chắc chắn đang có trong tay em, còn cuốn "chuyện mình - chuyện người" thì em không chắc tìm được.
    Gió đọc nhé, sẽ đâu đó nhìn thấy người phụ nữ Gió, trong một người phụ nữ khác... thấy thương người phụ nữ sao mà giống mình đó.
    Em không có được cái giống đó, nhưng vẫn cứ thích những cuốn sách của Chị VL, bởi nó hay một cách nhân văn Gió à...

    Trả lờiXóa
  6. Chị thì chắc sẽ có cả một đại gia đình nhớ. Như em, cả đời không biết nấu ăn, thì mới thảm nè Chị...
    Nhưng chắc người ta nhắc em theo dạng khác... một kẻ hay gây hấn với đời chẳng hạn... và không ai rưng rưng... cũng vui, hihi!

    Trả lờiXóa
  7. Nhà Mập trước đây cũng có cái bếp ám khói, cũng có lần bao nhiêu Văn nghệ tiền phong, Paris Match, Thời Nay, sách hoa tím, hoa xanh, hoa vàng... bộ sách thiếu nhi, sách vàng... chui hết vào bếp... cũng khóc...

    Trả lờiXóa
  8. Cách nói chuyện còn ám ảnh hơn... nghe một lần sẽ nhớ hòai Gió à...

    Trả lờiXóa
  9. Ừ , chị cũng để vài quyển sách chờ M :)
    Mai chị sẽ về thăm một nơi chị xa 34 năm M ạ_ Nơi lần đầu chị rời xa gia đình để đối mặt với cuộc đời nhiều sóng gió . Nơi có ngôi trường lần đầu chị làm cô giáo .
    34 năm nên hồi hộp quá ! :)

    Trả lờiXóa
  10. Gío về Gia Kiệm - Hàm Tân hả Chị, nếu em nhớ không nhầm...

    Trả lờiXóa
  11. À, nếu em không tìm được cuốn trước, thì em cho Gió mượn ( mượn chứ không tặng) cuốn của nhà em, hihi!

    Trả lờiXóa
  12. Định Quán _ chính xác là Tà Lài _ một nơi cách Saigon 125 cây số đường trường và 14 cây số đường rừng !!!
    Mai bạn chở chị đi bằng xe máy

    Trả lờiXóa
  13. Đường này đẹp, không sao... nên ghé Mekong Rostop ăn sáng, cà phê trước khi lữ hành. Chỗ này đẹp, đồ ăn ngon giá phải chăng, cà phê và phục vụ tốt...

    Trả lờiXóa
  14. Ở đây có nhiều nhà thờ đẹp lắm. Gió nhớ mang áo mưa, áo lạnh đầy đủ. Đất vùng này hơi cao, mưa xuống là lạnh liền, dễ bịnh...

    Trả lờiXóa
  15. Mới đọc qua đã thấy đẫm tình người. Lúc nào chị cũng tìm mua để xem.

    Trả lờiXóa
  16. Hihi, em tài lanh rồi, Gió là dân ở đấy... còn Em ngụ cư có mấy ngày mà đòi... dặn dò...

    Trả lờiXóa
  17. Chị xem đi Chị... không hiểu sao em đọc chuyện Mẹ và Bếp, cứ hình dung Chị với Chị Hà...

    Trả lờiXóa
  18. Đại nương hâm mộ Việt Linh còn em đây thì hâm mộ đại nương.

    :D

    Trả lờiXóa
  19. :D...
    Mập cũng hâm mộ Lão... nghen!

    Trả lờiXóa
  20. Dẫy là ta hâm mộ lẫn nhau hén đại nương?

    Hehe

    Trả lờiXóa
  21. Trính xóac là dẫy, hảo bằng hữu!

    Trả lờiXóa
  22. Chị cũng đang đọc "Chuyện và truyện", mỗi ngày nhâm nhi như một món ăn ngon được ăn dè. Vui khi đọc thêm entry này của em.

    Trả lờiXóa
  23. Em thì tham ăn, nên gặp món ngon là hối hả. Nhưng lại được cái nết, vẫn lấy ra xem đi xem lại mà không chán Chị à...

    Trả lờiXóa
  24. Hôm nọ em đọc đâu đó bài phỏng vấn Việt Linh, thấy thích cái nhìn vừa tình cảm mà vừa nhạy bén, mẫu người dám nói dám làm, em rất thích

    Trả lờiXóa
  25. Thithao có một cuốn "chuyện và truyện", gởi mail cho Mập cái địa chỉ mới để "sai" người mang đến hen! hehe!

    Trả lờiXóa
  26. Dẫy có 16 chữ vàng như mấy ông nậu VN - TQ ko hè?

    Hehe

    Trả lờiXóa
  27. Hehe, ta bất có tào lao lư nghen Lão... hihi, Ai Hết Ba Tào! ( I hate ba tào)

    Trả lờiXóa
  28. Hehe, nói vậy chớ chị em ta làm bằng hữu ngon hơn mấy ông nậu vẫn hay chém gió kia, đại nương hén.

    Trả lờiXóa
  29. Đúng, đúng. Ta là hảo bằng hữu mà ...đek cần 16 chữ vàng...hén...

    Trả lờiXóa
  30. Hehe, chỉ cần 2 chữ Bằng hữu là đủ, cần gì đến 16 chữ thổ tả kia.

    Trả lờiXóa
  31. Hôm chị tặng quyển sách em phái hung rồi mà không rảnh rang để "nhấm nháp" - Vừa rồi phải nằm dài dài nên đã đọc được ít nhiều. Cảm ơn Mập lắm lắm vì chia sẻ.... đủ kiểu

    Trả lờiXóa
  32. hic, Mập vừa chia sẻ với một ngừ bạn theo xì tai Mập M. Vậy mà Bạn í hóc wớ chừng, còn biểu Mập là hông hỉu ý Bạn í... hehe!

    Trả lờiXóa
  33. M ơi, chị cũng là fan của Việt Linh, em vào web của BS Đỗ Hồng Ngọc để xem bài viết: "Lời xin lỗi bản thân" của chị Linh để thấy chị đã phấn đấu kiên cường với bệnh tật như thế nào, hay lắm em.

    Trả lờiXóa
  34. Dạ, em đọc rồi, cảm ơn Chị... mình hình như có lỗi lớn nhứt là với bản thân mình hén Chị...

    Trả lờiXóa
  35. Em dừng chân trước entry này...bâng khuâng!

    Trả lờiXóa
  36. Ừ, ở lứa tuổi của mình hình như ai cũng trải qua tâm trạng đó... Vậy nên bây giờ có khối chuyện để kể cho con nghe :)

    Trả lờiXóa