Xin gởi lời đến muôn trùng…
Cho “Hòang tử bé” của Âm nhạc Việt Nam- nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 70 của Ông
Tôi không phải là một fan “trung thành” của âm nhạc Trịnh Công Sơn- trung thành theo cái nghĩa: Chỉ thích nhạc Trịnh và chỉ nhạc Trịnh là …nhất. Ngòai âm nhạc của Ông, tôi còn mê đắm dòng nhạc Văn Cao, Phạm Đình Chương, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Phạm Duy… sau này còn rất thích nhạc của Phú Quang, Ngọc Lễ và đôi bài của Quốc Bảo…Tôi cũng không phải là người có hân hạnh quen biết nhạc sỹ, tuy đã hai lần được Ông tiếp ở nhà riêng khi Tôi đến mời Ông về nói chuyện với Trường, để tự cho mình cái quyền “vơ vào” trong việc chúc mừng một ngày theo tôi là rất riêng của nhạc sỹ. Nhưng hôm qua, một đứa cháu nhỏ của tôi có chuyện buồn với bạn, nó lên nhà chơi, tâm sự và khi chờ dọn cơm, tôi nghe nó lẩm nhẩm hát: Không có em còn tôi với ai… Tôi kéo nó lại hỏi: Con biết bài con vừa hát của ai không? Dạ biết… của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn… Sao hồi đó Mập cứ nghe tụi con “chê” nhạc của Ổng là …khó hiểu… Nó cười: Con không biết nữa… nhưng hễ khi nào “ có chuyện” con lập bập mấy câu này là thấy… yên liền à Mập… Cháu tôi đã vậy, đám bạn nhậu giang hồ bến xe và xe ôm của tôi còn lạ hơn. Mỗi khi bắt đầu nhậu là tụi nó tòan hát bolero, nhưng khi đã “tới” thì chỉ có một dòng nhạc được cất lên đó là nhạc Trịnh… Cháu tôi không hiểu ca từ nhạc của Ông, đám bạn bỏ học sớm của tôi chắc càng không hiểu, mà ngay tôi, bảo rằng hãy giải thích một số ca từ nào đó trong âm nhạc của Ông, cũng sẽ chịu chết… Vậy mà… chính vì lẽ đó, nhân những “ồn ào” người ta đang “làm ầm” lên nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhạc sỹ và cũng là sinh nhật lần thứ 70 của Ông, nếu Ông còn tại thế, tôi ngồi lại với đam mê của riêng mình, để nghiệm, như một nén nhang thành tâm viếng về một hạnh ngộ đã từng…
Và tôi nghiệm ra rằng… Trịnh Công Sơn dùng âm nhạc của mình như một cách người ta viết …nhật ký vào thời kỳ của Ông, hay như ngày nay, chúng tôi viết …blog… Nhật ký âm nhạc là nơi Ông ghi lại chính cuộc đời mình khi cuộn chảy, hòa tan và bị cuộc đời lớn ngòai kia kéo đi. Một cuộc đời riêng lẻ không đơn giản trong một cuộc đời lớn có những biến động kinh người. Không chỉ cuộc đời Ông mà còn có nhiều cuộc đời bạn bè quanh mình được Ông đưa vào “nhật ký âm nhạc”.
Không chỉ ghi âm lại những âm thanh từ chính nội tâm mình, Ông đã ghi nhận lại âm thanh của cuộc sống, của xã hội, của quê hương. Người ta – vì những lý do riêng chung gì đó- chia dòng nhạc của Trịnh Công Sơn ra làm nhiều lọai nào là “ca khúc da vàng”, nào là “thân phận và quê hương”, nào là “tự tình ca”… chia ra như vậy là để tìm cách giải mã âm nhạc của Ông, giải mã theo kiểu “ép” nó đi về những suy nghĩ chủ quan của mình. Mà quên mất, nhật ký là một điều rất riêng, không thể giải thích, càng không thể mổ sẻ. Trịnh Công Sơn ký âm đời sống bằng một lọai ngôn ngữ riêng. Nó đi vào tận đáy sâu tâm cảm của Ông- nơi mà ngôn ngữ bình thường của nhân lọai bất lực- giúp Ông bình thản sống trước mọi biến động, cho Ông sự bình an sau bao biến cố và đưa Ông đến trạng thái bao dung với mọi toan tính, cơ hội của đám đông vây bọc quanh Ông. Nhạc sỹ có biết về tất cả những điều ấy hay không? Tôi cho rằng với một người minh triết như thế, không điều gì có thể “qua mắt” của Ông mà không đọng lại. Song, “Hòang tử bé” không chọn cách ngăn lại, không chọn cách phản bác, càng không chọn cách “nói lại cho rõ”… Ông tung cuốn nhật ký của mình ra đám đông và Ông chấp nhận mọi cảm nhận mà đám đông đó có. Ông chấp nhận họ chia sẻ những suy nghĩ của riêng họ đối với suy nghĩ “của riêng Ông”. Với Trịnh Công Sơn, dường như đám đông được Ông xem là một phần của cuộc đời mình, nó cũng giống như lục phủ ngũ tạng mà mình không có cách chi từ bỏ hay tách bóc khỏi con người. Ông chấp nhận sống chung với đám đông ấy, chấp nhận cách mà họ chấp nhận Ông… người ta và cả tôi nữa, gọi sự chấp nhận ấy là lòng bao dung của bậc hiền nhân…Và chính vì thế, âm nhạc của Ông- nhật ký của Ông- đã được đám đông tiếp nhận nồng nhiệt, lâu dần, dường như họ quên mất đó là nhật ký của Ông, họ xem nó như nhật ký của mình, để nâng niu, để gìn giữ và để thỉnh thỏang tìm gặp những an ủi nơi đó như chính mình tạo ra… điều này lý giải sức hút và sức sống lâu dài của âm nhạc Trịnh Công Sơn…
Nhạc sỹ đã rời xa thế giới nhộn nhịp và bất an này của chúng ta 10 năm. Trong 10 năm đó, “cuốn nhật ký âm nhạc” của Ông vẫn ở lại với cuộc đời, với công chúng yêu âm nhạc và dường như thế giới ngày càng biến động hơn thì, cuốn nhật ký đó lại càng được nhiều người tìm tới. Đám cháu nhỏ của tôi lớn lên, bên cạnh những bài hát tuổi Teen của chúng mà …tôi nuốt không trôi, chúng đã biết tìm đến với nhật ký… Âm nhạc Trịnh Công Sơn cho chúng- mà không chỉ cho riêng chúng- tôi nghĩ là cho tất cả chúng ta một cõi bình lặng đáng quý trong cuộc đời này… Bình lặng để bao dung như nụ cười hiền hòa, như cái phẩy tay thân mật mà vẫn đầy lịch sự khi tiếp những người khách-không-mời-mà-đến, như cái cách mà Ông tiễn mọi tìm đến ra cổng… mà tôi từng biết…
Vì vậy thương tiếc mừng Ông an nhiên ở cõi vô thường…cảm ơn Ông và nhật ký của Ông…