Thứ Năm, 24 tháng 6, 2010

Entry Cho Ngày của Cha post muộn...

Bố bị Alzheimer, bây giờ y như một đứa con nít 3 tuổi: Rất hay nghịch và phá phách đồ chơi lung tung, hễ bị mẹ mắng là chạy ra khỏi nhà. Trưa nay cũng vậy... May quá, tôi có nhà, chạy theo, thấy bố đi vào quán cà phê, cũng mừng. Kéo ghế vào ngồi cạnh, quay sang hỏi: Bố ăn kem nhé, nhìn mắt ông sáng lên mà thương...Truyện này viết dở hồi về thăm Quê Bố năm 2007, nay post lại như một nhắc nhở mình: rồi ai cũng có lúc ...mù sương ...

Trong cõi mù sương …

            Reng…reng…

          -26 Huỳnh Quang Tiên xin nghe…

          Cô nhắm mắt lại một thoáng khi nghe giọng nói trầm, hơi ngọng nghịu cất lên bên kia đầu dây. Cô đang hình dung một gương mặt xương, đôi mắt hơi lồi sau gọng kính sừng nâu bóng và mái tóc bạc trắng đang áp vào điện thoại đầy hoang mang:

          -Alô …26 Huỳnh Quang Tiên  xin nghe …

          -Alô …con đây bố …con đang đứng trước nhà mình ở Hải Phòng đây …109 phố Cát Dài …bố có nhớ không ?

          Im lặng một thoáng, cô nghe rõ tiếng chuyển người lạo xạo, tiếng hơi thở không liên tục - hậu quả của căn bịnh xuyễn mãn tính –qua đường dây. Rồi có tiếng trả lời:

          -À , vâng , căn nhà 109 Cát Dài- Hải Phòng…cảm ơn bà đến thăm …Bà …bà có thấy ông cụ tôi khoẻ không ? Cụ còn hút thuốc chứ ? Bà nói cụ đừng hút thuốc nữa dùm tôi nhá …đến mùa lạnh phổi sẽ rất mệt…Bà …bà có thấy cái thùng chăn ở cửa ra vào không ? Nó có một cái đinh bị lồi lên bên trái ....Bà nói ông cụ tôi đóng lại nhá …ai vô ý ngồi xuống đứng lên là rách quần đấy …

          Trước mặt cô một ông cụ già mặc áo xường xám với chòm râu bạc, nhìn cô bằng một ánh mắt rất quen, Cô ậm ừ trả lời:

          -Ông khoẻ , đang cởi trần ngồi ở thùng chăn nhìn ra cửa …vẫn phì phèo thuốc lá ... thấy ông buồn …có lẽ ông đợi bố về lâu quá …

          Có tiếng kêu thảng thốt  vang lên trong máy :

          -Chết thôi , sao lại cởi trần …bà nhắc ông cụ mặc áo vào…chiều bờ sông gió thốc vào dễ cảm lắm…Bà nói cụ hộ tôi …làm sao tôi về được…hai miền cách trở, chiến tranh liên miên thế này…À , bà có thấy bà cụ tôi ở nhà không ?Hôm nay rằm, chắc bà đi lễ đến tối mới về …Khổ, các bà đi hết, ông cụ tôi không biết cơm nước ra làm sao? Bà lại nhà mà không biết có ai đun nước …Bà xá lỗi nhá…nhà neo người quá…chúng tôi lại ở xa …

          Cô cố nuốt cục nghẹn đang đầy ứ lên trong cổ, mãi mới cất được lời :

          -Không… bà chuẩn bị hết rồi …cơm nước chu đáo lắm…À , ông hỏi bố lập gia đình trong ấy chưa? được mấy đứa con, đã có con trai chưa?

          Tiếng trả lời bỗng rộn rã hẳn lên :

          -Ấy đấy…tôi định nhờ bà thưa với cụ tôi …tôi lập gia đình rồi…cô này ông cụ tôi biết , con gái ông bang Kỳ ở Tuyên Quang trước…tôi được 5 cháu, 4 gái, một trai út…các cháu học hành giỏi giang hết cả…cụ yên tâm…nhà tôi ngoan mà đảm lắm...Khi nào bà cụ tôi về, nhờ bà  nhắc hộ, chiếc cầu thang gỗ lâu ngày nên trơn lắm, bà lên xuống chậm thôi và nhớ vịn tay thang nhá…cô nhắc bà mùa này hanh, chỗ củi để ở bờ hè đã khô nẻ lắm, bà đun trước, chỗ phía sân sau còn ướt, khi nào vơi ở hè thì mang lên hong…bà đi lễ chùa hạ thôi, đừng lên chùa thượng, muốn lên phải bảo đứa nào đưa lên…chùa cao, dốc lắm bà ạ…cụ tôi bị huyết áp, ngộ nhỡ …

Một bà cụ đầu quấn khăn vành, răng đen, ngồi ở mép phản mỉm cười nhìn xa xăm. Cái cười mà cô đã rất quen từ chính gương mặt bố mình :

          -Bà nói bố về đưa bà đi chùa…chú Thành , cô Lềnh , cô Khầm ham chơi không chịu theo bà lễ chùa…

          Có tiếng thở dài nặng nhọc từ đầu giây bên kia, giọng bố cô nghe đã nghẹn lại :

          -Tôi mắc tội thôi…hay nhờ bà đưa hộ cụ tôi lên chùa nhá…đây tôi chỉ đường cho …Bà  thuê hộ chiếc xích lô đưa hai bà con đến ngã tư Chợ Sắt thì rẽ trái, đi khoảng mươi  mét thì có một con ngách nhỏ ở bên tay phải có cái cổng gạch, rẽ vào đấy đi tắt cho gần, bà cụ tôi yếu chân không đi xa được …qua cái cây si già, qua một cái cổng gạch nữa là đến hậu viên chùa …

          Cô nhắm mắt thoáng lạnh người trước lời bố nói. Con đường mà bố cô vừa vẽ qua điện thoại chính là con đường mà cô từ đó đi đến đây. Chính xác đến từng cái cổng, cái ngách. Căn nhà số 109 phố Cát Dài, con đường đi qua sông Cấm đến nhà, những cái ngách, cái nắp cống có một cái sẹo hồi chống Nhật, ông bà ,các cô chú…nó hiển hiện rõ ràng trong các câu chuyện bố kể hàng mấy trăm lần. Đến nỗi, tuy đây là lần đầu tiên cô về thăm quê, nhưng lại có thể vanh vách nói đường cho tài xế xe như là đã từng ở đây. Cô tới thăm ngôi trường Bonnard ngày xưa Bố học, bây giờ là trường chuyên Ngô Quyền. Tan học chiều về là bố ra sông Cấm bơi với chúng bạn, rồi lẻn vào nhà thờ lớn trộm bàng đập lấy nhân ăn. Ông bõ già cầm gậy đuổi chạy té tát. Cây bàng trốc gốc  rồi, ông bõ mất đã lâu. Cô nhắm mắt hình dung thấy mình giống bố 70 năm trước. Đi học về, vứt cặp chạy váng nhà gọi mẹ, gọi cơm .

          -Này cháu...này cháu…

          Có tiếng lay gọi , cô mở bừng mắt . Một gương mặt già, xương, giống y như bố đang cúi xuống cô ân cần :

          -Cháu mệt phải không? Chú sắp bàn thờ xong rồi … cháu đến lễ đi …bố mày thế nào lại không về thăm quê lấy được một lần?

          Cô đón nén hương lập loà từ tay ông chú, bước đến bàn thờ khẽ vái ba vái rồi cắm vào bát hương. Từ trên cao, một cụ ông mặc áo xường xám, một bà cụ vấn tóc trần, răng đen, ba gương mặt người trẻ hơn lần lượt cúi nhìn xuống cô. Trong cõi mù sương của tuổi 80 bị bịnh Alzheirmer hành hạ , bố cô chỉ còn chút ký ức về những gương mặt người thân mà bố đã bỏ lại, chạy đi …chạy mãi không dám quay về …Và không bao giờ giải thích được tại sao?

           

           

 

24 nhận xét:

  1. Lại rưng rưng nước mắt rồi, MM ơi !!!

    Trả lờiXóa
  2. Người già vốn đã giống trẻ con, chứng bệnh quái ác này còn làm tăng thêm rất nhiều trách nhiệm cho gia đình. Em thấy bố chị thật may mắn còn có mẹ và gia đình luôn bên cạnh, một điều an ủi lớn, chị nhỉ?

    Trả lờiXóa
  3. Entry này bén hơn một vết cắt của dao lam. Nó làm em đau!

    Trả lờiXóa
  4. Buồn quá và cũng cảm động quá. Người già bị bệnh Alzheirmer mà vẫn còn một vùng ký ức rõ ràng, chi tiết về cha mẹ, về quê hương. Thương quá bạn ơi.

    Trả lờiXóa
  5. Em không cố ý, xin lỗi Chị!

    Trả lờiXóa
  6. Cảm ơn Thithao, gia đình mình may mắn có nhau Bạn à!

    Trả lờiXóa
  7. Xin lỗi UV, hôm nào gặp Mập sẽ băng bó cho nghen, cảm ơn chia sẻ!

    Trả lờiXóa
  8. Mừng vì em có những kỉ niệm rất đẹp về Cha mà không phải ai cũng có thể có.
    Mừng em, Mập cưng.
    Chị cũng muốn có một chút xíu thôi mà không được đó. Không ganh tị nhưng tủi thân lắm.

    Trả lờiXóa
  9. Ơi, Minh cưng, ôm cưng một cái thiệt chặt,chia sẻ!

    Trả lờiXóa
  10. Đây là điều mà tụi tui thường ngạc nhiên nhất về Bố tui bạn à. Sao ông nhớ đến thế về mọi ngóc ngách căn nhà cũ của mình ở Hải Phòng. Như tụi tui nà, bây giờ có nằm mơ, cũng chỉ mơ thấy mình đang sống trong ngôi ngà cũ lúc chưa sửa. Không có đứa nào mơ thấy căn nhà mới này, mà đã sửa được 12 năm rồi!

    Trả lờiXóa
  11. Đừng xin lỗi , chị ngại lắm . Cho chị chia sẻ với em những tình cảm thân thương dành cho Cha nghen

    Trả lờiXóa
  12. @ Chị Ba: bi giờ Bố em chạy đi chơi, chỉ có mình em ra gọi là về lẹ nhứt...Hehe! Y như hồi nhỏ, tìm ra em ở đâu cũng chỉ có Bố em chị Ba à!

    Trả lờiXóa
  13. Em thiệt là may mắn, cảm ơn Chị!

    Trả lờiXóa
  14. Mừng chị có nhiều kỷ niệm đẹp với bố. :)

    Trả lờiXóa
  15. đọc nghe thương lắm Mập à, nên em chỉ biết gọi chị thôi...

    Trả lờiXóa
  16. Mập hiểu cưng, cảm ơn cưng hiểu...

    Trả lờiXóa
  17. Đúng, em thiệt là may mắn và có phước, đó là được chăm chút cho ba em trong những ngày mù sương của tuổi già. Đó là một hạnh phúc rất lớn cho những người con hiếu thảo. Chị không được như vậy, nên suốt đời đau đáu với một nỗi ray rứt khôn nguôi.

    Trả lờiXóa
  18. " rồi ai cũng có lúc ...mù sương ..."-cách nói nhẹ như sương mỏng mà cũng buồn như sương bay!

    Trả lờiXóa
  19. Cũng nhiều khi ít chăm mà lại tính từng chút Chị à, chứ không hiếu đễ cả đâu...nhưng em luôn tự nhắc mình ...ngày tháng không còn dài rộng nữa...Cảm ơn Chị!

    Trả lờiXóa
  20. Bởi vì níu kéo lá vàng là chuyện không dễ mà cũng không vui Văn à!

    Trả lờiXóa
  21. Hic, cảm ơn mẹ BB! Truyện này em viết hồi năm 2007, lúc về quê Bố. Không hiểu sao không viết hết được. Hôm qua tình cờ lục máy, tìm thấy nên post lên...Alzheimer ở Bố em ngày càng nặng mẹ BB ơi! Em sợ quá...

    Trả lờiXóa