Tôi viết bài báo này và gởi... không một dòng hồi âm...
Thời sự và suy nghĩ
LẠI BÀN VỀ CHỨC TRÁCH VÀ …NGHĨA VỤ
Phiên họp Quốc hội kỳ thứ 7 khóa XII vừa kết thúc với nhiều dự án được thông qua và không thông qua, đã tạo được một bước khởi sắc trong niềm tin của nhân dân vào những đại biểu ở cấp cao nhất của mình. Phiên họp này với phần tranh biện được trực tiếp truyền hình trên nhiều kênh lại một lần nữa cho thấy bài toán nhân sự ở cơ quan quyền lực cao nhất của quốc gia ở ta vẫn là bài toán khó và chưa có lời giải rõ ràng. Không những thế, bài toán này cũng vẫn để lại một “lộ trình đặt người vào việc” khá khó cho quốc hội khóa sau. Là một cử tri, chúng tôi theo dõi những phiên tranh biện trực tiếp nói trên trong một cảm giác khó nói nên lời. Phần mừng-nhỉnh hơn chút ít- với những đại biểu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với niềm tin của cử tri. Họ chất vấn và tranh biện để đi đến cùng những vấn đề cử tri bức xúc một cách không khoan nhượng. Họ chất vấn và đòi hỏi một sự minh bạch trong quản lý đối với tài sản, sự nghiệp của toàn xã hội chứ không riêng ở một bộ ngành, một địa phương cá biệt nào. Họ đã không chỉ nhìn thấu và yêu cầu giải quyết những vấn đề cho hôm nay mà còn giúp quốc hội nhìn ra những cảnh báo tương lai một cách hết sức trách nhiệm. Phần buồn của cử tri- vẫn là từ phía những trả lời chất vấn hoặc những đăng đàn tham gia ý kiến của một số thành viên có trách nhiệm cao trong quốc hội. Qua ý kiến diễn giải của mình, các thành viên này đã bộc lộ một cách hết sức đáng buồn những yếu kém của mình trong chính chức phận đảm nhiệm và yếu kém cả về ý thức chức trách mà mình đang đảm đương.. Ở các quốc gia khác, khi có vấn đề xảy ra trong ngành mà mình đang phụ trách và nảy sinh hậu quả, thì chí ít bao giờ cũng có một thành viên có thẩm quyền lên tiếng nhận ngay trách nhiệm. Sau đó, nếu hậu quả xảy ra là nghiêm trọng thì nó đi kèm với động thái từ chức của người phụ trách. Ở quốc hội ta, không biết có một “điều luật bất thành văn” nào mà cái “văn hóa từ chức” này xưa nay …chưa từng có. Chưa có cũng còn khả dĩ chấp nhận, đằng này, lại là thái độ né tránh trách nhiệm hoặc đổ vấy trách nhiệm cho người khác hoặc cho tập thể một cách …rất khôi hài. Tôi nhớ cách đây hơn 5 năm, cử tri cả nước-trong đó có chúng tôi, đã vui mừng phấn khởi trước sự “lên ngai” của một tân bộ trưởng vốn được tiếng là có tầm trí thức uyên bác và đạo đức. Những ngày đầu ra mắt của ông được chúng tôi đón nhận một cách hồ hởi bằng những tuyên bố khá mạnh mẽ và quả quyết, cũng như những động thái cởi mở, thẳng thắn. Tiếp đó, những cuộc vận động cải tổ rầm rộ từ bộ ngành do ông phụ trách cũng làm cho xã hội hy vọng khấp khởi cho việc đổi thay chất lượng của một ngành quốc sách. 5 năm sau, chưa hết một nhiệm kỳ quốc hội, ông “trả chức” trong sự …im lặng không chỉ của cá nhân mình mà còn có “sự im lặng đáng sợ” hơn từ phía xã hội. Cử tri im lặng trước những bày hày mà bộ ngành do ông phụ trách phô ra trước dư luận. Cử tri càng im lặng hơn khi chứng kiến những tuyên bố mang tính “đổ vấy” của ông tại diễn đàn quốc hội lần này. Và cuối cùng, họ im lặng, vì trước khi ra đi, ông cũng kịp ban hành những quyết định mà hầu như nó đi ngược lại với những lời hứa “có cánh” của chính mình về chất lượng của hàng triệu người do ngành ông quản lý. Thực ra, nếu không im lặng, cử tri có quyền “truy đuổi”, bởi với ông hiện nay, bằng chức trách cao hơn nhiệm vụ vừa trả lại, ông vẫn có thể-nếu thực muốn- chỉ đạo thực hiện tốt hơn những gì mà mình đã tuyên bố. Nhưng trước thái độ mà ông chọn lựa thể hiện vừa rồi tại quốc hội, cử tri chọn cách trả lời cao hơn: người ta giữ im lặng. Nhưng không chỉ có một ông là “đại diện” cho “trường phái” đáng buồn này. Nhiều đại biểu quốc hội khác đã cho cử tri thấy họ coi diễn đàn quốc hội như một nơi để phô diễn sự “uyên thâm” trong việc sử dụng tiếng Việt “rất giàu và đẹp” của họ. Họ ví biểu quyết của quốc hội trước nhiều quốc sách như là một cách chứng minh muối iode đã có tác dụng cao trong việc nâng “chỉ số IQ”. Có đại biểu còn ví von tính nghiêm minh của hiến pháp và pháp luật nước ta như một cái máy “chặt chém” khi than phiền : “chặt hết thì bầu làm sao kịp để có người làm”. Đã vậy, để né tránh chất vấn, nhiều chức sự quốc hội của ta còn “cao cờ” bằng cách quy những trả lời của họ vào hàng “bí mật quốc gia” không thể lộ. Khi họ cố coi đó là bí mật, thì những điều đó đã được “bật mí” oang oang trên “báo đài địch” một cách hết sức “diễn biến hòa bình”. 5 năm trước, vui mừng bao nhiêu trước nhân sự quốc hội, chúng tôi vẫn tỉnh táo “nhắc nhở” mình “chớ nên vui quá đà” khi nói : Có chức trách không phải là có một cái ghế mới để ngồi mà là ta phải hoàn thành chức trách đó với đúng nghĩa vụ được yêu cầu mà cử tri đặt vào. Nay, trước khi quốc hội khóa mới được tiến hành bầu cử, thay vì chọn cách im lặng, tôi lại lên tiếng một lần nữa về vấn đề chức trách và nghĩa vụ với những “sơ bộ tổng kết” như trên để hy vọng lá phiếu của mình sẽ “chọn được mặt gởi được vàng” và cũng để, năm năm sau không phải than thở: Ta đã trót giao trứng cho…
Lâm Minh Trang