Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

Entry for 31 March, 2012 - Bạn hỏi riết, thôi đành...

         Đời vẽ tôi tên Mục đồng…(*)

Nói hay viết về một người nổi tiếng là rất khó. Khen thêm,thì giống như mình là người “té nước theo mưa”, bằng nói những điều chưa hay về họ, hay chưa hay về những gì liên quan, thì ngay lập tức có thể sẽ bị hàng ngàn, hàng vạn đám đông ái mộ giận dữ “ném đá”. Cùng một tâm thế như vậy, viết hay nói về một “huyền thoại” lại càng khó khăn gấp ngàn lần hơn . Người đã trở thành một huyền thoại không cần được tụng ca thêm , bản thân họ đã quá dư thừa điều đó,và nhiều khi( không biết có không) họ lại rất muốn có một lúc nào đó mình thôi không  là huyền thoại nữa ,là một người bình thường ,  được thiên hạ quên lãng để có chút  bình yên …

Tôi viết những dòng này trong suy nghĩ như thế về  Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, khi hân hạnh có được tấm vé mời dự đêm nhạc tưởng niệm ngày mất lần thứ mười một của Anh tại Khu Hồ Bán Nguyệt - Phú Mỹ Hưng đêm 31/03/2012. Đã được đi dự chương trình này nhiều lần, song lần nào cũng vậy, tôi đến để thấy hình ảnh Người nhạc sỹ và âm nhạc của Anh trú ngụ nơi cõi người nhiều biển dâu này sâu sắc đến thế nào. Khi một  bài hát được ca sĩ cất lên, không chỉ một mà rất nhiều người lẩm nhẩm hát theo. Họ tìm thấy khi là chính mình, khi là cuộc đời mình, khi là tâm trạng mình trong những ca từ của Trịnh. Tìm thấy và nhận lấy những chia sẻ cho gánh nặng kiếp người mà họ trót mang. Những người đến với đêm nhạc này không để tìm kiếm sự hoành tráng , để được no mắt với những kỹ thuật minh họa tân kỳ …Người ta đến với đêm nhạc này đơn giản chỉ để nghe lại những giai điệu của một thời tuổi trẻ.Thời mà người ta cùng chịu đựng chung với nhau những vất vả , những điêu linh , những trăn trở và nhiều khi bế tắc đến tột cùng …Người ta đến khi tuổi không còn trẻ nữa để nhận nơi những nhạc phẩm của Trịnh những chia sẻ , cảm thông .Đến còn để gặp nơi những ca sĩ tham gia chương trình sự hết mình , ngẫu hứng và tràn đầy chất cống hiến thật đẹp-những biểu hiện không có bóng dáng của sự kinh doanh len lỏi vào. Người ta đến còn vì Người Nhạc Sỹ đã  ra “đi bỏ lại con đường” 10 năm qua nhưng sao bóng dáng Anh vẫn còn hiện hữu quá rõ nơi trần gian “ở trọ” này …

Khán giả thì tuyệt, nhưng chỉ tuyệt ở thái độ cảm thụ âm nhạc Trịnh Công Sơn. Bên ngòai thái độ đó, còn phải bàn nhiều lắm đến một “văn hóa đám đông”. Văn hóa đó thể hiện ở chỗ, những hàng ghế đã đựơc ban tổ chức sắp xếp, khi cần, người ta xê dịch nó, phá hàng để lấy cho mình chỗ ngồi thuận tiện nhất. Bất kể, đó là chỗ dành cho đường đi, mà khi cần, ngay chính họ cũng không thể đi ra vì vướng víu. Văn hóa đó còn ở chỗ, khi tan buổi nhạc, cả một ngọn đồi mênh mông đầy những rác là rác. Những bao giấy quảng cáo của hãng sữa, cố tình nhét thêm vào một đĩa CD chả hiểu nội dung gì được vứt lại, những chai nước suối, những cài ghế gỗ… văn hóa còn ở chỗ, một số người trẻ không có vé, lợi dụng đám đông trên cầu, chen ngang vào hàng sóat vé…và thóat. Văn hóa còn ở chỗ, nhiều bạn đã mất điện thọai, tiền, vật dụng cá nhân một cách không ngờ nhất…

Và điều cuối cùng còn đọng lại trong tôi sau đêm nhạc này đó là…sự nuối tiếc… công đi. Bởi trong 11 lần tổ chức, lần này có lẽ là lần… không được hay nhất. Những bài hát, dù dàn dựng công phu ( những phần hợp xướng, tam tứ tấu… được coi là “làm mới” nhạc của Trịnh – như trong họp báo) nhưng hình như không chuyển tải hết được cái thần của nhạc Trịnh. Âm nhạc Trịnh Công Sơn - đó là cái mộc mạc trong giai điệu nhưng sâu sắc trong ca từ, là một thứ “âm nhạc nhân dân” chói lọi nhất được nhân dân đón nhận và đi vào nhiều ngóc ngách đời sống nhân dân mà không cần “bày binh bố trận”, không cần “sơn son thếp vàng”. Mạch của những bài hát Trịnh suốt trong chương trình đêm này, không gắn kết được với nhau như một dòng chảy xuyên suốt. Đã vậy, không hiểu cố tình hay vô ý, phần kỹ thuật trình chiếu lại đưa ra quá nhiều hình ảnh của một người thân cùng với Cố Nhạc Sỹ. Nhiều đến độ, tôi thấy nó giống như một “liveshow ẩn” trong một đêm mà nhạc Trịnh – đáng lẽ là chính, hình ảnh của Anh Sơn đáng lẽ là một chủ đề xuyên suốt, thì lại hơi mờ đi, nhạt xuống để tôn lên một gương mặt khác. Đó là một màn trình chiếu mà bằng suy nghĩ riêng của mình, tôi cho rằng nó vừa thô thiển, vừa thiếu đi cái tình ruột thịt thiêng liêng Anh Em, mà nếu không muốn nói nặng, nó giống như một sự lợi dụng.

Thôi thì, để tổ chức một đêm nhạc như thế, sự dụng công và ý tốt đối với công chúng yêu âm nhạc Trịnh Công Sơn và luôn mến mộ con người Anh là điều không thể chối cãi. Lời cảm ơn chưa được thốt ra cho trọn mà đã xen nhiều trách móc, dường như có điều không phải. Song, hãy để  “Đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn” hằng năm trở thành một “di sản văn hóa” đặc thù của thành phố này. Và trở thành một địa chỉ văn hóa ngày một sang trọng hơn… Hòang Tử Bé của âm nhạc Việt Nam, xứng đáng được như thế…

 

P/s: (*) Lời nhạc Trịnh Công Sơn

Nguồn ảnh: Gioheomay.

 

 


20 nhận xét:

  1. Có lẽ nhạc Trịnh chỉ cần tiếng đàn guitar truyền thống, một giọng hát trầm ấm mà cung bậc của Khánh Ly và những khán giả yêu triết lý âm nhạc của Trịnh là quá đủ. Hồ Bán Nguyệt hay Bình Quới đích thị là cơ hội quảng cáo tuyệt vời cho bất kỳ sản phẩm nào. Ở nhà, em vẫn có thể nghe nhạc Trịnh và tưởng nhớ đến Trịnh nhân ngày mất lần thứ 11 của Trịnh.

    Trả lờiXóa
  2. Chính xác luôn Thầy ạ... Mập cứ lẩn thẩn hỏi: Hay tại vì Mập đã là "người cổ" với "cách làm mới nhạc Trịnh"?

    Trả lờiXóa
  3. câu này nói về nhạc Trịnh hay quá, mình cũng nghĩ nhạc sĩ TCS đúng là 1 huyền thoại !

    Trả lờiXóa
  4. M phân tích kỹ, chính xác cái được mất trong đêm nhạc hôm qua ...Có lẽ bởi ta quen nghe Trịnh như đã từng . Tuy nhiên có lẽ ta cũng nên bao dung với cái mới như chính nhạc sĩ họ Trịnh cũng luôn bao dung với người hát nhạc ông...

    Đêm qua công bằng để thấy rằng cũng có những ca sĩ hát nhạc ông còn cảm xúc _ dù rất ít_ đó lại là những người không nổi tiếng.. Thôi thì ta cũng "thôi kệ..." đời vẽ nhạc Trịnh theo ý họ và ta về nghe lại nhạc Trịnh của ta ..M hén !

    Trả lờiXóa
  5. Em đang định nói thế... với Gió, hic! Chị em mình đúng là...Nhưng Gió có để ý không, những người hát Trịnh hay nhất đêm qua, thì không được giới thiệu tên. Trong khi những ông bà nổi tiếng, thì lại hoặc được giới thiệu hoặc... tự giới thiệu tên... hic!

    Trả lờiXóa
  6. Không được giới thiệu tên ...mà có người chỉ hát được 1 bài , còn người hát tệ thì những ...hai bài , sợ thế !!!

    Trả lờiXóa
  7. Hic, chính xác...quá! sợ thế!

    Trả lờiXóa
  8. Chị biết nhạc Trịnh năm học lớp 9, khi cậu em họ ôm đàn hát "Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ''...
    Biết nhạc Trịnh ngày mới yêu, có người đệm đàn cho hát những câu "... ngoài sông vắng nước dâng lên hồn muôn trùng" và rồi câu hát "cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ...." cứ theo mãi cho đến bây giờ...
    Biết nhạc Trịnh khi chiều chiều cô bạn ngồi trước thềm hát vu vơ "giờ đây ta đã có tình, có tôi trong dáng em ngồi trước sân, giờ đây ta đã có nàng, có em đi đứng lẫy lừng nói thưa..."
    Chị cũng rất nhiều khi ngẫm nghĩ về ca từ, tưởng như hiểu mà thật ra là không hiểu, nghĩ rằng không hiểu mà hình như thấm được, không thể giải thích một cách rành mạch cụ thể nhưng tin là mình ... hiểu, lạ thế!
    Lại cũng rất nhiều khi nghe người nọ người kia hát nhạc Trịnh mà ... muốn khóc. Chắc chị cũng cổ lổ sỉ khi chỉ "chấp nhận" mỗi Khánh Ly hát nhạc Trịnh!
    Và chắc là chưa có nhạc sĩ nào được nhiều lứa người nghe ngưỡng mộ một cách tự nguyện như vậy.

    Trả lờiXóa
  9. Em cũng đến với nhạc TRịnh - đến tức là biết cầm đàn và hát những bài hát của Ông cũng từ năm lớp 9 Chị Ba...
    Còn biết thì lại biết từ rất bé.... trước giải phóng, lạ ghê!

    Trả lờiXóa
  10. Ông TCS chắc cũng ko ngờ, bọn đạo tặc lại vớ bẫm khi người ta tổ chức đêm nhạc của ông.

    :)

    Trả lờiXóa
  11. Đây là comment của Chị Thủy Cúc- "đồng nạn nhơn" với Mập trong đêm Trịnh:

    ở đây chỉ có "chị Ba Lầu đỏ" là được quyền mạnh miệng nhứt để còm men bài này, bởi vì la "người trong cuộc", còn các chị em khác chịu khó thiêt thòi chút nha.


    Theo "chị Ba Lầu đỏ" , Map viết vậy là còn hiền quá, sau đêm nhạc dìa, chị cứ nghĩ mãi, thôi thế là rằng đêm -nhạc -Trịnh- Công- Sơn- dành- cho -công -chúng đã bị xâm lăng bởi sự háo danh, vị kỷ, trục lợi. Còn nói theo kiểu dự báo thì đêm nhạc với khởi đầu trong sáng, dễ thương đã bị khai tử từ đây.


    Khi nhận những phần quà như chai nước, hộp sữa, dĩa nhạc, xét về tâm lý của người xem có lẽ ai cũng khoái,( thật ra lúc đầu mình cũng tấm tắc nghĩ ồ, ban tổ chức năm nay "xịn " quá), nhưng khi tàn đêm nhạc (gần tàn, vì tụi mình chán ngán bỏ về), mới nhận ra sự xâm thực lên giá trị văn hóa tinh thần đêm nhạc.


    Chưa tới mức các banner quảng cáo sữa đậu nành, kinh doanh địa ốc nhảy xổ lên sân khấu, nằm chung hoặc chồm lên trên di ảnh Trịnh Công Sơn (chắc nay mai thôi), nhưng cũng đã có sự "tự giới thiệu" hình ảnh cá nhân tràn lan đến lố bịch, và màn tự khoe "Thể theo lời yêu cầu của đông đảo khán giả"... Những điều này xa lạ với nhạc Trịnh Công Sơn làm sao!


    Trộm nghĩ , ngày xưa, nếu anh Cao Lập, những nhạc sĩ trong nhóm những người bạn cũng hợm hỉnh đưa hình ảnh , nói những lời có cánh tự lăng xê mình và tranh thủ quảng cáo kiếm tiền, có lẽ chúng ta đã không có được 10 đêm -nhạc -Trịnh- Công- Sơn- dành- cho -công -chúng dễ thương, trong sáng, nồng nhiệt như thời gian qua.


    Thôi thì 10 năm cũng là một chặng đường đẹp và tròn. Mình đã tự nghĩ đêm nhạc lần 11 này sẽ là đêm cuối cùng mình đi xem .


    Hì hì, viết đến đây, chợt nghĩ có thể đặt tên còm men này là "Lời ai điếu cho đêm nhạc Trịnh"

    Trả lờiXóa
  12. Các Chị, các Bạn yêu qúy, rất yêu qúy của Mập!

    Hôm wa Mập dìa Vĩnh Long để dự mần tuần giáp năm cho Bà ngọai Su Bờm. Lòng ngồi trên xe mà ôm hòai cái cảm giác tiếc nuối về đêm nhạc Trịnh đã được hân hạnh đi với Chị Ba Lầu đỏ và các bạn khác ( Chị Gió đi riêng, nhưng chỉ quên cái điện thọi ở nhà nên kiếm hông ra nhau...) . Đến lúc xuống dưới quê, lần này quê có cái đờn guitar hay quá, thía là Mập rưng rưng nghe mí Anh ở dứ đó, nhừa nhựa xỉn mà hát nhạc TCS hay wớ chừng là hay, càng làm Mập nung nấu viết một entry, dù đã định buông, thôi không viết nữa...

    Mập viết một cái entry vào đêm wa khi nhậu tan nát dưới VL về, đi đường lại bị sưng tai vì Mập nhậu xỉn, ra xe trễ, về SG trễ gặp mưa quá chừng là mưa. Lúc đầu entry gay gắt lắm. Nhưng sau khi tắm gội ra, người dịu lại, Mập nghĩ: Ta đến với đêm nhạc Trịnh là do ta muốn nghe Ông, muốn gặp Ông trong một không gian khác với những phòng trà, những tụ điểm, cũng cùng dịp này, "kiếm chác" về Ông. Cho nên, ở đâu cũng là "kiếm chác" : chỗ thì kiếm lợi, chỗ thì kiếm danh và kiếm thêm một số cái khác nữa sau danh... vậy thì ta đừng trách, ngay anh em ruột thịt với nhau còn "kinh doanh" nhau cơ mà... chỉ ghi nhậnlà ghi nhận cái tình công chúng yêu âm nhạc dành cho Ông, cái tình đó không có "kinh doanh". Bằng cớ là những vật phẩm hãng sữa cố nhét vào tay công chúng, đến lúc nghe "đã tai" rồi thì tay không ra về, đúng phong cách TCS "thôi kệ"...Chỉ tiếc là rác quá nhiều...

    Cảm ơn Chị Ba Lầu Đỏ còm men quá hay. Em xin phép chép comment này về blog của em rầu...

    Em hôm nay được nghỉ bù... mà không được nghỉ cũng nghỉ, xỉn quá... hic!

    Càng nhớ đêm nhạc Trịnh 10 năm của mình ở MĐC, thiệt càng nghĩ càng cám ơn Chị Ba Lầu đỏ, năm ngóai hông có cái màn: Theo yêu cầu đông đảo của đạo hữu tám... hihi! Càng không phát logo MĐC cho tụi em đeo lúc lửa trại hát hò... yêu Chị quá Chị Ba LĐ ơi!

    Càng yêu qúy Bạn hữu đạo tám của mình... ai cũng ẳm hộ Mập trong entry này... hic! hông có ai vì iu quý Trịnh gia mà ....mắng MẬp... hihi!

    Mập

    Trả lờiXóa
  13. Với một người thông minh như Ông, Mập nghĩ chắc Ông cũng biết, nên không trăn trối để lại gia sản âm nhạc đồ sộ của mình cho bất cứ ai quản lý. Âm nhạc của Ông đúng là "sở hữu tòan dân" một cách ý nghĩa nhất, trong sáng nhất...
    Vậy mà nghe nói có dạo, "có kẻ" lăm le đòi "bản quyền". Đòi cũng được nhưng lại "nhân danh thương tiếc". Nên nghe đồn, nơi quê hương bản quán, có Ông Lão, bằng giọng phương ngữ Huế mình, kết luận ngay giữa chợ: "Đù mẹ, xạo!"
    :)))

    Trả lờiXóa
  14. Cái dzụ này chị cũng khó chịu và nói ngay đêm ngồi tại đó với đứa em nè M ... Khó chịu thiệt !

    Trả lờiXóa
  15. Nhưng mà chị nghĩ vầy ...Ta đừng bàn thêm cái mà cuộc đời này cho TCS hay cái mà người đời lấy đi của TCS nữa . Ta đến là để nghe cái TCS trao gửi ... có thể là người trao lại không đúng cách nhưng ta vẫn được cái ông cho ...

    Hôm nay chị cũng vừa đọc 1 bài viết bàn về TCS có là Cộng Sản hay không Cộng Sản ...có lời cảm thông , có lời cay nghiệt và chị bỗng thấy đúng là "có mưa quanh chỗ TCS nằm" thật ... cầu trời trong giông gió , nó gột sạch cả những thứ vướng bận mà có khi chỉ một mình ông hiểu ..
    Ta trách người đời đã mượn danh ông để đạt cái họ muốn... trong khi chị tin rằng ông sẽ chỉ : "thôi kệ ...! " M ơi

    Trả lờiXóa
  16. Chị ơi, tôi cũng biết đến nhạc Trịnh khi còn là 1 đứa trẻ, trước ngày 30/4 tôi biết ông lần đầu không phải qua những bản tình ca của ông mà qua những ca khúc da vàng "người con gái Việt Nam da vàng yêu quê hương như yêu đồng lúa chín..." hay "Đại bác đêm đêm vọng về thành phố, người phu quét đường dừng chổi lắng nghe...." nhưng tôi đã bắt đầu mê ông từ đó, lâu lâu cầm lại cây đàn cũng chi biết nghêu ngao mấy bài của ông. Tôi cũng không tới mức quá khó khăn khi chỉ cho rằng chỉ Khánh Ly hát nhạc của ông hay (dù tôi cũng rất mê Khánh Ly), tôi cho rằng nhạc của ông ai hát cũng hay nhưng với điều kiện là phải hát với một tấm lòng, tôi phản đối và căm ghét bất cứ cái gì toan tính "làm mới" nhạc Trịnh, và những toan tính "ăn theo" nhạc Trịnh, điều đó là tội ác không chỉ đối với những người yêu nhạc Trịnh mà còn là tội ác với chính nhạc Trịnh.

    Trả lờiXóa
  17. Em cũng vậy đó Gió... nhưng thật tiếc, giá Gió đi những năm trước, chương trình ở BQ, tổ chức hơi luộm thuộm vì đông quá, chật quá... nhưng hay lắm, có cái tình và ra cái "chất TRịnh Công Sơn"...
    Ta đến với âm nhạc của Hòang Tử Bé... là tự ta hén Gió... cho nên ta chỉ tính đến âm nhạc thôi, còn các thứ khác thì ...thây kệ!
    Mặc dù "thây kệ" với một đứa như em là cực khó...

    Trả lờiXóa
  18. Tôi cũng đến với âm nhạc của Trịnh Công Sơn từ rất bé Anh ạ. Từ trước 30/4, khi sinh họat Hướng Đạo, nữ đòan Mê Linh. Biết bài đầu tiên là Nối vòng tay lớn, rồi Huế - Sài Gòn - Hà Nội, sau nữa là bài Ru Con, đàn bò vào thành phố...Sau giải phóng, ngày ông nội tôi mất quàn ở Tang Nghi quán Vĩnh Nghiêm, đêm đó cúp điện, mấy anh thanh niên gần chùa kéo ra cột đèn đường đàn hát, tôi biết thêm Hạ TRắng, Mưa hồng, biết cả bài Cho một người nằm xuống... lúc này, mấy ảnh hát khẽ lắm...
    Tôi có một đám bạn xe ôm, mỗi lần nhậu tụi nó hay gọi tôi cầm đàn ra từng tưng trước nhà. Tôi cho rằng, không ai hát những bài "thân phận" của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn hay bằng tụi nó. Và tôi đồng ý với Anh, hát nhạc Trịnh Công Sơn mà hát bằng tình cảm thật, tấm lòng thật là ...tới lắm...Cho nên đêm vừa rồi ở PMH, nghe một người thân của Ông hát nhạc Ông... tôi hiểu ngay vì sao ở Huế, Ông Lão ấy chửi bậy...hic!

    Trả lờiXóa
  19. Mấy ngày trên Đà Lạt mưa cả ngày, chị ở suốt trong nhà và nghe TCS. Trời mưa mù mịt bên ngoài mà nghe Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ... trời đất ơi! May mà một lát sau nghe qua Gọi nắng... mặc dù gọi hoài nắng cũng hổng có nhưng cũng đỡ đỡ, hông thôi buồn thắt ruột á cưng.

    Trả lờiXóa
  20. Trời ơi! Đà Lạt - Mưa- Lạnh mà Chị nghe Trịnh Công Sơn thì chít òi...
    Lúc đó, phải nghe ...Rap mới sung được, chớ hông là... hic!
    Nhưng ở Đà LẠt mà nghe TCS mới thấm... hồn vía nhiều bài nhạc của Ông mang đẫm sương Đà LẠt Chị à... Cà phê Tùng bi giờ dở ẹc, nhưng lần nào ra em cũng vào đó ngồi một lúc...

    Trả lờiXóa