Người Việt xấu xí… là tôi!
Chắc ngày mai tôi phải đi mua cái gương để trước bàn làm việc. Để mỗi lần sắp nổi dóa hoặc đang nổi dóa lên với ai đó, liếc nhìn một cái vào gương, thấy mình méo mó đi, xấu quá mà ngừng lại…
Nhưng chỉ sợ rằng tính thiếu kiềm chế của mình quá lớn, đến một lúc nào đó, sẽ đập bể luôn cái gương mà dóa thì vẫn nổi lên… Mà chuyện thì đâu có gì đâu ( Lời một đối tác)
Chuyện đâu có gì đâu chỉ là chuyện dạy bài học giáo dục công dân cho trẻ lớp 6 về « Quyền được nhà nước bảo hộ về tính mạng, nhân phẩm, danh dự và sức khỏe ». Suy nghĩ riêng của tôi cho rằng : học xong bài học này các em phải biết tính mạng, nhân phẩm, danh dự và sức khỏe của bản thân mỗi con người là cái quý giá nhất, cái mất đi không thể tái tạo. Ta biết tôn trọng những điều đó nơi mình, thì phải biết tôn trọng những điều đó nơi người. Ta vi phạm những điều đó với người khác, hoặc những người khác vi phạm với ta thì đều bị pháp luật xử lý. Dự xong một tiết với những trình chiếu hình ảnh, hiệu ứng đẹp mắt, múa may, tôi lùng bùng không hiểu cô giáo muốn dắt học sinh đi về đâu. Khi nhận xét, tôi cho cô « tự đánh giá », Cô nói : tiết này em lên rất ổn. Hic, nghe như thế tôi thực sự thấy mình không ổn… nhìn cái cách cô miễn cưỡng đặt bút ký vào phiếu dự giờ chỉ dừng lại ở mức Khá trong xếp loại. Tôi muốn khóc to thay học trò mình ghê. Mà tôi biết khóc như vậy là Xấu!
Chuyện đâu có gì đâu chỉ là chuyện có những người Thầy luôn miệng nói : thương học sinh như con… khi các em vi phạm, tôi chủ yếu là nhắc nhở, răn đe…chứ không tạo áp lực. Rồi sao nữa ? Tôi hỏi. Rồi quý thầy cô có thấy các em đó có tiến bộ hơn không, có chuyển biến tốt hơn không? Và như vậy phương pháp của mình có giúp gì được cho các em không ? Bằng suy nghĩ của một người « ở không » là tôi, tôi xót xa cho rằng, nếu thầy cô nghiêm khắc đủ và đúng, ắt nhà trường có thêm những học sinh biết « dọn mình ». Gia đình có thêm sự yên tâm để dành lo toan cho cơm áo gạo tiền vốn ngày càng là một mối lo lớn. Xã hội bớt đi một mối lo về tội phạm vị thành niên…Sự nghiêm khắc cần thiết không đồng nghĩa với khắc nghiệt và « ăn thua đủ ». Và tôi cảm thấy mình rất xấu, khi nghĩ rằng câu nói không tạo áp lực trong trường hợp này đồng nghĩa với việc sợ trách nhiệm và nặng hơn là việc mackeno cho « qua ngày đoạn tháng ».
Chuyện đâu có gì đâu là chuyện khi chấm bài thu hoạch của các em giáo sinh sư phạm năm cuối về trường thực tập. Thấy các em than một tuần phải soạn 2 ( hai) giáo án lên lớp ( tức là dạy 2 tiết ) mà sao oải quá… đuối quá… căng thẳng quá… tôi nghe xong thấy mình cũng oải, cũng đuối, cũng căng thẳng quá, bởi tôi thấy mình Xấu thật khi nghĩ trời ơi ! con cháu mình sẽ học toàn những thầy cô oải, đuối, căng thẳng này mà giáo dục Việt Nam vẫn lên như diều, vẫn tiếp tục « nói không », vẫn đậm đà bản sắc dân tộc…
Chuyện đâu có gì đâu là chuyện học sinh của tôi đi thi giải toán trên Internet cấp quận về mếu máo kể lể : Cô ơi ! tụi con còn đang đọc đề, Thầy cũng đang đọc đề mà có bạn ở Trường N, Trường H. đã làm xong hết rồi…sao mấy bạn đó giống…biết đề trước vậy cô ? Tôi thấy mình thiệt xấu khi trả lời học trò : Thôi, mình dở, đừng nghi ngờ cái hay của người khác mà mang tội, các con ! rồi sau đó ấm ức tìm hiểu, thì ra chuyện sử dụng IT để thâm nhập và lấy đề về giải trước, học thuộc lòng là có. Một thầy giáo trường tôi nghẹn ngào nói : cô ơi ! em biết cái trò này, nhưng em không ưng làm vậy cho học trò mình, em sợ tụi nó học hư… Tôi thấy mình xấu thiệt khi muốn ôm hôn Thầy giáo trẻ đó, thay lời cảm ơn, mà không dám…Chữ ngay còn một chút này…
Thấy mình Xấu quá, tôi cho rằng mình không nên đi làm nữa, càng không nên giữ mãi cái cương vị này để mình cứ mỗi ngày mỗi xấu đi… nhưng văn hóa từ chức ở tôi thì lại không có. Không có không phải vì nó không có, mà vì tôi không dám có. Thiệt xấu !