Khi tháng 11 tìm về, tôi tin là các nhà giáo, không chỉ những nhà giáo còn gắn bó với bục giảng, với bảng đen, phấn trắng, mà cả những nhà giáo đã thôi không còn giảng dạy, cũng sẽ để ra những giờ khắc lắng đọng nhất trong cuộc sống nhiều lo toan của mình, để chiêm nghiệm về con đường Nghề mà mình đã hoặc đang đi cùng. Năm học này, tôi bước vào năm thứ 29 trong đời dạy học của mình với 20 năm trọn đứng lớp và 9 năm làm quản lý. Làm quản lý, nhưng chưa bao giờ tôi thấy cái hấp lực từ bục giảng giảm đi. Bố mẹ tôi vẫn luôn nói “quan nhất thời, dân vạn đại”. Tôi hiểu, khi cái “thời quan” qua đi, nếu chuyên môn tôi đã lụt, thì có nghĩa là việc “làm dân” cũng …nghìn trùng. Vì thế, trong suốt những năm làm quản lý, cứ có dịp, là tôi nôn nả lên lớp, trở về bục giảng với học trò. Năm học 2012-2013, theo quy định mới của liên ngành, nhà giáo làm quản lý, muốn được hưởng phụ cấp ưu đãi, từ phụ cấp ưu đãi mới được tính phụ cấp thâm niên, thì phải trở về …đứng lớp, nên người làm quản lý như tôi đã được “phân công chuyên môn” trở lại. Cái bục giảng bắt đầu không còn là nơi “tạm trú” mà lại bắt đầu những gắn kết “thường trú” nơi tôi. Mặc dù, việc trở lại “đứng lớp” có nguyên nhân sao mà chua xót, nó không bắt đầu từ “chức nghiệp” mà bắt đầu từ một lý do hết sức “dung tục”: vì tiền.
Nhưng bỏ qua một bên những bức xúc đời thường đó, khi trở về đứng lớp, chia sẻ cái cảm giác thực thụ của “nhà giáo trong cuộc” mà lúc làm quản lý đơn thuần, chúng tôi ít nhiều có chỗ xa lạ, tôi hiểu ra: Cái bục giảng- giờ chắc ít nơi còn giữ là bục gỗ, mà tuyền xi măng cả rồi – nhìn thì ngắn và chắc chắn như thế, nhưng quả là rất chông chênh và đi được hết “chiều dài” của nó không phải là chuyện dễ dàng. Tôi vẫn hay nói với đồng nghiệp: Không ai sanh ra đã làm ngay quản lý. Nhà quản lý giáo dục cũng là từ nhà giáo mà ra, nên chắc chắn sẽ có những cảm thông nhất định. Và bây giờ, tôi nhận ra luôn, những chia sẻ đó là hoàn toàn lý thuyết. Tôi nhận ra, từ chính công việc đứng lớp của mình, chứ không phải từ vai trò quản lý rằng đồng nghiệp của tôi, những nhà giáo, mỗi khi bước lên bục giảng hiện nay, phải đối phó với những vấn đề gì. Không chỉ đối phó, bản thân họ còn mong muốn điều gì cũng từ chính bục giảng, nơi thực tế sinh động của từng tiết học, từng bài giảng, đã giúp họ không chỉ giáo dục mà còn “tự giáo dục” chính mình.
Ai cũng nói: chức năng chính của nhà giáo là truyền thụ kiến thức. Và ai cũng biết: Bể học là mênh mông. Việc truyền thụ kiến thức của người Thầy, suy cho cùng, cũng giống như người dạy bơi. Cho nên, dù mênh mông đến nhường nào thì bể kiến thức cũng phải có bến bờ để người bơi biết đường mà cập. Bến bờ đó theo nhà giáo chúng tôi là cái chuẩn kỹ năng kiến thức quy định mà ở mỗi khối lớp, mỗi cấp lớp, người học phải đạt được. Việc đưa được kiến thức đó đến học trò, muôn đời nay, chưa bao giờ thoát ly được một công cụ chính đó là “cái miệng của người Thầy” nói nôm na, bình dân là thế. Nhắc đến “cái miệng nhà giáo” là nhắc một cách “ẩn dụ” đến “cái đầu của người Thầy”. Nhưng ta thử bình tĩnh ngồi điểm danh các chương trình thí điểm, cải cách, đổi mới giáo dục qua các lần áp dụng trong bao năm qua, sẽ nhận ra, chưa có một lần nào trong các lần “chuyển biến” đó mà đối tượng nhắm đến là Người Thầy cả. Người ta cứ loay hoay làm sao dạy cho nhanh, rồi làm sao dạy cho mới, rồi làm sao dạy cho hiện đại. Nghĩa là, chỉ nhắm đến “cách thức” chuyển tải kiến thức từ Thầy đến Trò. Còn người chịu trách nhiệm chính trong việc tạo ra “cách thức” ấy thì …không được tính đến. Hoặc nếu có tính thì lại tính theo kiểu: từ quan điểm Thầy chủ đạo- trò chủ động chuyển sang kiểu tư duy Thầy làm trung tâm hay trò làm trung tâm? Rồi sau lại nghe nói chả ai làm trung tâm chỉ còn…cái máy. Đối tượng chính trong quá trình dạy đã vậy, chương trình và sách giáo khoa thì cũng lủng củng không kém. Trên thực tế, sách giáo khoa, sách giáo viên, sách tham khảo, công nghệ trình chiếu, bản đồ tư duy… gì gi nữa, với nhà giáo đều chỉ là phương tiện hỗ trợ, làm phong phú, màu sắc thêm cái tiết dạy, tạo sự mới lạ để kích thích ham muốn học tập nơi học trò. Nhưng không hiểu sao, đây đó, vẫn cứ có những nơi, người ta căn cứ vào các hiệu ứng chớp tắt, căn cứ vào “cái sân khấu lớp học” được “tung hứng” ra sao để lấy đó mà đánh giá năng lực “Làm thầy”, chứ không đếm xỉa đến một cái chuẩn khác, đó là: Học trò học tiết đó có hiểu bài không? Có áp dụng được lý thuyết vào việc xử lý bài tập, xử lý tình huống, áp dụng vào chính đời sống của các em hay không? Và quan trọng thông qua “kênh chữ” ta đã chuyển tải gì được “kênh làm người” cho học sinh? Mỗi năm học, cứ tới cuối Hè, người Thầy hiện nay lại nhấp nhổm không biết năm nay ngành lại “đẻ” ra những “cải tiến” nào? Năm thì trình chiếu, thế là rộ lên trình trình chiếu chiếu. Năm thì bản đồ tư duy, thế là ào ạt sắm sanh chương trình phần mềm vẽ bản đồ tư duy. Mà thật ra việc tóm tắt bài học bằng sơ đồ, việc tổng hợp chương bài bằng hệ thống bảng là chuyện đã “cũ rồi, khổ lắm, ai cũng biết” với nhà giáo, nay chỉ chuyển đổi từ các sơ đồ tay sang việc vẽ chúng dưới dạng các nhánh cây bằng phần mềm máy tính, mà học trò nghịch ngợm còn gọi đùa là “những con rít”, thì có người đã “đao to búa lớn” lên thành cụm từ “bản đồ tư duy”, và trường trường lớp lớp cứ thế đổ xô thực hiện một cách hồ hởi như vừa có một “phát kiến khoa học”. Lợi cho học sinh đâu không thấy, vì nhìn cho kỹ những bản đồ tư duy vẽ bằng phần mềm này, hình thức thì không chắc đã đảm bảo thẩm mỹ, nhưng về mặt khoa học thì còn lắm điều phải tranh cãi, nhưng chắc chắn là các nhà sản xuất phần mềm đã “trúng quả”. Rồi lại đến “dự ớn” Bảng tương thích mà giá thành nó đã lên tới trăm triệu một cái. Nhưng khi được giới thiệu chào hàng, nhà giáo hỏi nhà cung ứng rằng: Lớp học dành cho loại bảng này sĩ số bao nhiêu? Và với quy cách phòng ốc hiện nay, một cái bảng phải đi kèm với bộ phụ tùng rất chiếm không gian, thì dù có muốn năng động đến đâu, học sinh lấy “chỗ đâu mà cựa”? thì nhà cung ứng… lảng.
Không chỉ ngừng lại ở hình thức “dạy bơi” có vấn đề. Đến ngay cái việc “bơi” trong bể kiến thức sao mà cũng lắm “biển dâu”. Môn học nào hình như cũng nhắm đến cái đích “đào tạo chuyên gia” nên môn nào cũng đặt ra những yêu cầu không chỉ quá tầm với của học sinh mà nhiều khi còn quá tầm với của người Thầy. Ví dụ, ở bộ môn Địa lý của chúng tôi, sau mỗi giờ dạy ở khối 6-7, giáo viên và học sinh đều có cảm tưởng mình trở thành những nhà quan trắc học, địa trắc học và những Christophe Colomb. Sang lớp 8,9 thì lại có cơ may trở thành những chuyên gia dự báo kinh tế từ những căn cứ tự nhiên- xã hội chỉ dừng ở mức…cơ bản (!). đâu chỉ một môn, mỗi học sinh phải “cõng” trên lưng mình 11 môn học. Mà môn nào cũng thế, thì cái sự “giảm tải” e là “chỉ có trong mơ”. Học lý thuyết đã vậy, hình thức kiểm tra bài của học sinh thì lại càng nhộn nhịp. Có năm thì rộ lên cách thi trắc nghiệm, cho đó là cơ sở đánh giá kiến thức học sinh một cách “toàn diện”, tránh cho các em học tủ, học vẹt, học theo đề cương. Nhưng sau đó, khi phong trào “nói không với tiêu cực thi cử” nở rộ, ta lại phát hiện ra khi cho làm bài thi dạng trắc nghiệm, học sinh với bản tính nghịch ngợm và “thông minh vốn sẵn tính trời” sẽ rất dễ “thông bài, mớm nghiệm” cho nhau, và thế là “trắc nghiệm ơi! chào mi”. Một nền học vấn chung cho toàn xã hội, mà chỉ cách nhau vài năm, quay lại, thế hệ anh, chị đi trước đã không thể kềm cặp cho em út của mình, thì nói gì đến cha mẹ. Và khi cái sự “không thể” đó tạo ra lo lắng. Tất yếu, giải quyết lo lắng đó sẽ trở về hiện trạng “trăm sự nhờ Thầy Cô”…
Cái bục giảng không chỉ gắn bó với nhà giáo đơn thuần trong công việc, trong nghề nghiệp. Nó còn là nơi bốn chữ “tôn sư trọng đạo” tốt đẹp diễn ra hằng ngày, hằng giờ qua các tiết học, các bài giảng. Bục giảng đó phải quang đãng thì hình ảnh bực Tôn Sư mới rờ rỡ và từ đó Cái đạo Thầy Trò nó mới oai nghiêm. Còn nếu ta chất lên quanh cái bục quá nhiều điều phải “nói không” thì chắc chắn “bức phướng: Tôn Sư trọng Đạo” bị che mờ và dễ hiểu là phòng học sẽ u tối thế nào. Những suy nghĩ trình bày nơi này chỉ là một chút ưu tư chắc là không mới của một nhà giáo đã chớm bước vào những năm cuối của đời Nghề, về những chênh vênh từ bục giảng. Không mới nhưng tôi vẫn hy vọng nó đủ sức kéo sự chú ý của xã hội, của ngành chức năng vào nơi mà tôi cho rằng cần phải thay đổi rốt ráo nhất cho sự nghiệp giáo dục, đó là: Nhà giáo! Cái bục giảng sẽ không thể làm nên lớp học, mà trên đó, không có những người Thầy xứng là Thầy…
Lâm Minh Trang
( Gò Vấp)
Có một nhà thơ đã viết: ...những ngày tôi đang sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả. Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn... Tôi không quan niệm đây là một câu "ca ngợi" đơn thuần, tôi nhận ra sự trân trọng nơi hai câu thơ này ở người viết đó là "sự trân trọng cái mình đang có". Tôi viết những bài cho nghiệp dĩ chính từ những trân trọng điều mình có được từ Nghề ...