Tôi tự cảnh báo…một cách…khập khiễng…
Hàng ngàn bài thi Sử vào Đại học điểm 0, người đứng đầu- phát ngôn viên chính thức của Bộ giáo dục và đào tạo- nói với báo giới ( bằng ngữ điệu như quát vào mặt phụ huynh và học sinh): Kết quả đó là …bình thường! Chỉ trên diễn đàn mạng và diễn đàn giáo dục các báo mới thấy sự lo ngại của người dạy Sử, người học Sử và dư luận là …không bình thường. Tôi là một nhà giáo chuyên môn lại không có chút liên quan nào tới Sử, nhưng cũng thật sự lo ngại, khi liên tục nhiều năm nay, không chỉ môn Sử mà các môn khoa học xã hội nói chung, khó tìm thấy kết quả học tập khả quan nơi các em học sinh. Vì sao?
Vì là nhà giáo, xin được “tiên trách kỷ”, tôi bắt đầu đi từ cái “máy cái”, tên gọi nôm na cho cái nôi “sáng tạo ra những con người sáng tạo”: Các trường đại học đào tạo người thầy môn Sử. Thử hỏi, bao nhiêu em sinh viên đi vào khoa Sử, khoa Văn, khoa Địa lý là bắt nguồn từ… yêu thích, từ say mê, từ giỏi giang? Và khi đi vào các khoa này, các em có nhận được sự ủng hộ từ gia đình? Khi tiếp nhận sinh viên mới ra trường ở các bộ môn trên về đơn vị mình, tôi đi dự giờ và thực sự bàng hòang trước – khoan nói đến chuyên môn- mà là phong cách sư phạm nơi các em. Tôi không nhìn thấy chút nào sự gắn kết trong những bước chân các em đặt trên bục giảng, sang đến chuyên môn, thì càng hỡi ơi. Các em biến giờ Sử của mình không chỉ thành giờ …nói giỡn ( khi kể những chuyện tiếu lâm về Sử mà các em nhặt ra từ… các trang mạng xã hội), hoặc thành giờ tra tấn khi liên tục gọi học sinh lên bảng trả bài theo kiểu viết-dò ( vì sắp đến thi, hoặc đến lúc BGH dự giờ), hoặc thành giờ ..xỉ vả khi học sinh nghịch ý. Người ta nói “không có bột sao gột nên hồ”, từ “chỗ bột” là thầy cô giáo các bộ môn xã hội đã “lỏng” và nhiều lúc đã “hỏng”, cơ sở nào cho ta truyền tải các dữ liệu Sử vốn khô khan, nhiều năm tháng, nhiều tồn đọng chứ chưa nói đến truyền những điều thú vị từ Sử đến các em học sinh…?
Sau là “hậu trách nhân” mà thực ra không phải là “trách”, suy cho cùng, học sinh từ chối đưa Sử vào “máu thịt” của mình, vì các em được tiêm nhiễm cái suy nghĩ rất “lạc quan” từ nhỏ rằng: Sử chỉ là môn phụ. Là môn không giúp gì được cho “đời cơm áo” sau này. Sử chỉ trở thành vấn đề với các em ở những năm nó được Bộ giáo dục chọn làm môn thi tốt nghiệp THPT. Khi “được chọn” như thế, các em sẽ có 3 tháng “trối chết” với phần Sử lớp 12: những ngày dò bài mệt mỏi, căng thẳng, kinh hòang… để “đối phó” cho thi, để lấy được tấm bằng với điểm Sử… không liệt…Sự “trối chết” này, ngay khi chấm hết dòng cuối ở bài thi, tòan bộ kiến thức “ được dò” đó sẽ “trôi theo dòng đời”…4000 năm dựng nước và giữ nước sẽ còn trong các em bằng hai từ “hãi hùng”. Chưa kể, kiến thức Sử, phương pháp học Sử, từ bé, các em đã không được thầy cô ( những người “trót” chọn “nhầm” nghề, “nhầm” ngành, “nhầm” chuyên môn) truyền thụ một cách tâm huyết, lấy cơ sở nào để nó “còn chút gì để nhớ” trong các em? “Chữ thầy trả lại cho Thầy” lẽ ra là chuyện “ắt có và đủ”, lại thành chuyện khó, bởi không thể bắt các em trả cái mà các em không nhận.
Dạy như thế, học như thế, cách môn Sử được coi là cách để “chấn chỉnh lòng yêu…Sử” khi cho nó thành môn thi, thành chuyện “đe dọa” học sinh “dân ta phải học Sử ta để…thi” như Bộ GD&ĐT tiến hành các năm qua, mà bài thi Sử của các em có kết quả cao mới là bất bình thường, còn điểm thấp, thậm chí điểm 0 đến hàng ngàn bài, thì như Bộ trưởng Luận trả lời báo giới là “bình thường”, theo tôi là một câu trả lời “đầy trách nhiệm” vì ông đã nói đúng thực trạng chất lượng dạy và học mà ngành mình đang quản lý.
Ra xã hội, thời gian gần đây, việc người dân tham gia giao thông vi phạm ( có hay không có những vi phạm này là việc không bàn đến ở bài viết này) khi được cảnh sát giao thông mời vào làm việc, đã ngang nhiên hành hung người thi hành công vụ. Hành hung đủ kiểu từ chửi mắng té tát, đến đánh và sau này là tấn công thản nhiên ( như trong một clip mới nhất vừa tung lên mạng Youtube). Nhưng là người quan sát có chút “tư cách giáo dục”, tôi nhìn sự việc này theo góc cạnh khác. Đó là, khi người bảo vệ dân đơn độc chống đỡ với những người hành hung, thái độ người chung quanh thờ ơ đứng xem ( như xem một trận ẩu đả bình thường của hai tên du côn), thờ ơ rút máy ra quay để tung lên mạng kiếm comment mới thật là đáng ngại. Tôi biết so sánh theo kiểu của mình trong bài viết này là hết sức khập khiễng, nhưng khi coi những clip “dân đánh công an” rồi “công an đánh dân” cứ nhan nhản trên mạng hiện nay, tôi chợt liên tưởng đến những sự kiện nhiễu nhương báo động về tình trạng xuống cấp trong quản lý xã hội ở các triều đại trong lịch sử nước nhà. Khi người dân hao hụt niềm tin vào chính quyền, khi họ nhìn chức sắc nhà nước đâu đâu cũng thấy tiêu cực ( ngay cả khi không hẳn như vậy), cũng thấy chỉ rặt “sự kiếm cơm” và không còn lòng tôn trọng, thì chúng ta phải xem lại thể chế của mình. Việc các em học sinh thờ ơ thậm chí xem nhẹ cái giá máu xương cha ông đổ ra để viết lên lịch sử với việc hôm nay người dân thờ ơ đứng nhìn công chức của mình bị hành hung nó dường như có một mối liên hệ nào đó, mà thú thật tôi không gọi được thành tên. Tôi lo, cái lo của người bây giờ biết mình ra đường là phải “tự xử”, là phải biết cẩn thận hơn vì không còn trông mong được bảo vệ gì, khi ngay cả người có chức trách bảo vệ, được trang bị công cụ hành sự cũng bị cái manh động tấn công mà không phương chống đỡ như thế…
Và cũng biết, không phương chống đỡ, bởi lẽ, trước đó, mười phương hành sự đã bị anh lợi dụng để “hành… tiền” mất rồi…