Chủ Nhật, 17 tháng 10, 2010

Entry for 18, Octover 2010 - Ngậm ngùi cái lưỡi không xương...

Rằng tôi: họ Đổ tên Thừa...

 

Tôi nói với Gió, một cô giáo vừa nghỉ hưu- hưu nhưng cái tâm huyết với Nghề và đau đáu với nghiệp dĩ thì vẫn còn rờ rỡ. Cái rờ rỡ nơi Chị còn hơn chán vạn thầy cô giáo trẻ mới ra trường, tâm thế còn thơm nức mùi giáo học pháp nhưng tấm lòng thì nguội lạnh và con mắt thì lúc nào cũng để "về nơi xa lắm", xem bục giảng là chốn tạm ...xả hơi, chờ sang bến khác-rằng: Làm nhà giáo bây giờ như những nghệ sỹ xiếc đu dây. Không hề có bảo hộ, càng không có bảo hiểm. Nhiều lúc, không chỉ là nghệ sỹ xiếc, các thầy cô có lúc còn giống như thợ mỏ. Cứ lầm lũi đào, khoan, bới vào vỉa kiến thức mà không biết khi nào thì chạm mạch. Càng không biết bao giờ bị …sụp lò. Họ không có chi bảo hộ, càng không có ai bảo vệ. Như tôi, làm quản lý đã 7 năm nay, tôi hiểu ra rằng, mình ngồi đây không chỉ để giữ chức trách điều hành công việc, là người giúp việc cho Anh hiệu trưởng, làm cảnh sát của học trò mà còn phải kiêm luôn vai trò bảo vệ cho các thầy cô. Có ngồi lên cái ghế quản lý, mới hiểu thầy cô giáo thực sự bơ vơ trong nghiệp dĩ. Giờ lên lớp, họ tự mình phải chèo chống với 4-5 chục con người, bé nhỏ về thể xác nhưng không hề bé nhỏ về tâm hồn và suy nghĩ. Là 4- 5 chục hoàn cảnh sống khác nhau. Là 4-5 chục cái lò lửa âm ỉ, chỉ cần “thêm chai xăng” là tự cháy rồi sau đó cháy lan/ Ngoài giờ lên lớp, họ cũng chỉ có một mình đơn độc đối diện với áo cơm, với gia đình bằng vô số những đòi hỏi, những bổn phận có tên và không tên khác. Cũng có con cái, cũng là phụ huynh của các trường con mình đang theo học. Họ cũng phải tự nhận lấy vào mình những vui, buồn,

 

bức xúc cá nhân…tôi ngồi đây, bất lực nhìn họ loi ngoi trong những ràng buộc chằng chịt ấy. Bất lực và cũng cảm thấy mình cô độc không kém họ trong khi thi hành chức trách của mình. Như một phụ huynh vào trường xin rút hồ sơ, lý do rất mơ hồ là do khối lớp 7 của trường không có bán trú. Chúng tôi đã khuyên giải hết lời, vì biết cháu nặng tình với bè bạn. Phụ huynh nhất quyết không nghe và rút. Sang trường dân lập quốc tế với hơn 20 triệu lót đường được đúng 1 tuần, vội vã quay trở về xin nhập học lại. Câu trả lời từ tôi là “không”. Thế là cả một đường dây quyền lực được huy động. Những cú điện thoại từ các anh hai, chị ba nào đó, những bức thư tay, tin nhắn từ chú tám đến cô chin…vừa năn nỉ có, vừa đe dọa có, câu trả lời từ tôi vẫn là “không”. Trường không đẩy cháu đi, đã hết lời phân tích, phụ huynh vẫn cứ nhất định. Vậy thì bây giờ hãy tự chịu trách nhiệm. Nhưng rồi, cuối cùng vẫn phải nhận cháu trở lại, không phải vì những áp lực từ “chuyên chế vô sản”, mà từ cái tình khi người mẹ, gần như đổ sụp xuống vì bị chồng bắt vào trường nhận lỗi là đã rút hồ sơ cho con mà không hỏi ý của anh.

         

Sáng hôm nay, lại có một phụ huynh khác vào xin rút hồ sơ cho con. Hỏi lý do, chị nói: cháu bây giờ rất tiêu cực, chỉ muốn nghỉ học. Nên gia đình tôi muốn xin rút hồ sơ để cho cháu sang trường…dân lập quốc tế(!). Bài học lần trước còn mới nguyên, giọng khản đặc vì cảm, tôi vẫn dành ra hơn 30 phút nói chuyện với người mẹ đó. Chị cứ nhất định một hai: Cô giáo tư vấn giúp chúng tôi, có nên rút hồ sơ cho cháu hay không? Tôi đành nói: Việc chuyển trường cho cháu nhà trường không hề gợi ý, không hề đề nghị gia đình cho cháu đi. Bây giờ tư vấn thì có hai con đường. Một là khi chúng tôi ngăn, giữ cháu lại. Sau này trong quá trình học tập, cháu xảy ra chuyện, gia đình lại quay sang trách là tại Trường giữ cháu lại. Hai là, nếu khuyến khích cháu đi, sang trường mới, cháu cũng vẫn bỏ học, thì gia đình lúc đó có thể trách là Trường “đẩy”cháu đi vội quá. Việc chăm lo sự học cho con sao cho tốt nhất phải là việc của bố mẹ. Anh chị cứ xem xét cho kỹ điều kiện nào là tốt nhất cho cháu thì chọn… 30 phút sau, chị vẫn quay lại xin rút hồ sơ. Nhìn vẻ mặt đứa con nhơn nhơn theo mẹ ra khỏi cổng trường như chim sổ lồng mà tôi buồn mênh mang trong bụng. Cảm thấy hình như, cái ám ảnh về nỗi lo bị thưa kiện bây giờ lớn hơn lương tâm chức trách của kẻ làm thầy. Nên cứ phải “nước đôi” trong những trường hợp như thế này cho …an toàn. Cảm thấy cái lưỡi không xương của mình sao mà nhiều đường đáng sợ. Anh Hiệu trưởng thấy tôi ngồi lâu với phụ huynh đã có bề sốt ruột. Chạy ngay vào hỏi khi phụ huynh về: Bà ấy nói gì vậy cô M.? Cô đừng …bày đặt tư vấn nghen, sau này họ lại đổ thừa(!)… tôi cười buồn không trả lời. Tôi biết chứ cái nỗi khổ của những người đội áo đi hầu…kiện. Vì mới ngày hôm qua đây thôi, một chị bạn hiệu trưởng nhờ tôi có cách nào giúp Trường “truy” cho ra “kẻ nào” đã tung tin cho báo về “gánh nặng sau giờ dạy” để Quận, Phường “chửi” chị quá chừng…Tôi cúp máy cái rụp không thèm trả lời, dù biết làm vậy là coi như  “hỏng mối quan hệ” cho “sau này”. Nhưng chỉ nghĩ: Là tôi, tôi sẽ xem coi bản tin đó đúng hay sai. Nếu đúng, tôi sẽ nói với “Các anh, các chú” rằng: tin không có gì sai, ai sai, phải xem lại. Nếu bản tin đó có sai, tôi sẽ đích thân gọi vào đường dây nóng của báo để yêu cầu phản hồi, đính chính…Nhưng hôm nay nghĩ lại, mình cũng có hơn gì. Mình cũng vừa đổ tội cho Cái lưỡi vô tri rằng “do nó không xương” đấy thôi!

35 nhận xét:

  1. Thực ra còn nhiều điều muốn nói nữa, nhưng entry đã quá dài Lam à! Nói nữa thì thay vì là một entry chia sẻ nó lại biến ra thành bản "tự tụng ca" mình thì ...còn gì là Mập!
    Cảm ơn Lam!

    Trả lờiXóa
  2. Trước đây anh cũng đã xài cái lưỡi không xương nhiều lần tương tự như thế . Biết sao bây giờ hở MM ? chúng ta nằm trong một cái guồng máy vĩ đại, mọi thứ đều cuốn hút chúng ta đi khg thế nào bước theo ý mình được đâu ...Anh đã nhiều lần bước sang lề trái và hình như lập tức bị trừng phạt ; cái lưỡi có xương nhiều khi suýt làm cho anh toi cả sự nghiệp ....Tóm lại cái nghề của mình , ngành của mình lúc nầy - cũng như trước đây - có quá nhiều bất cập MM ơi ! Em đau bao tử có phải vì thế chăng?

    Trả lờiXóa
  3. thì thôi cũng là "cái nghiệp"; "cái nghiệp" làm Thầy đâu dễ có được em ơi!!! Hug! :D

    Trả lờiXóa
  4. "Dư dục vô ngôn" .(Lời cái ông tử tử gì đó bên Tàu á Mập!)

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn anh Thedung chia sẻ. Em suy nghĩ về nghề, về người về mình...ít khi bị đau bao tử. Mà phải xấu hổ thú nhận với anh rằng tuần lễ ở ngoài HN em "bê tha" nhiều quá, mà toàn chơi "hàng trắng" chớ hông có "hàng vàng", lại thêm nhiều "hàng đen" nên ...gieo ly ( gụ) nào thì gặt ngay cái ...đau(bao tử) ấy, hi hi!

    Trả lờiXóa
  6. Hic, câu đồng cảm này của Chị, nghe sâu như một tiếng...thở buồn...
    Làm Thầy bây giờ ...dễ lắm Chị, nhất là loại Thầy như em...

    Trả lờiXóa
  7. Cao Nguyên thân mến, tha cho tui, câu này tuy của đồng hương Tào Lao, nhưng nói tui hiểu là tui chít liền á...

    Trả lờiXóa
  8. Nghĩa của nó là vầy phải hông : trong nhà có dư cái gì thay vì dục vô thùng rác thì dục vô cái ... lời, tức là ...kiu dê chai dô , hehe!

    Trả lờiXóa
  9. Buồn, em ạ.
    Có quá nhiều vấn đề để nói về giáo dục hiện giờ. Không bao giờ có một câu chấm hết cả.
    Cả thầy cô và học sinh, ở một mặt nào đó, đều rất đáng…thương. Ngoài áp lực dạy và học, còn vô số áp lực khác, không tên, nhưng kinh khủng hơn nhiều.

    Trả lờiXóa
  10. Em đeo mắt kính này trông hợp ấy chứ.

    Trả lờiXóa
  11. Chính xác đó chị. Nhưng em nghĩ đơn giản, cũng nhiều người tự tạo áp lực cho họ vì chính cái ghế họ ngồi ( sợ đông, sợ tây...) chứ nếu bớt ...sợ đi thì có lẽ ...giáo dục đã khá hơn một chút...

    Trả lờiXóa
  12. Đi biển nên "làm le" một cái, che đôi mắt ...gian gian... hihi!

    Trả lờiXóa
  13. Cảm ơn chị đã viết entry này để em hiểu hơn cái nghiệp làm thầy cô giáo.

    Trả lờiXóa
  14. Sao lại cảm ơn Chị hả Ngao, chị cảm ơn em đã sang nhà chia sẻ chớ!

    Trả lờiXóa
  15. Dạ em cảm ơn chị vì entry này của chị không chỉ cho em hiểu về những áp lực khắc nghiệt của nghề làm thầy, mà chị còn cho em thấy 1 góc nhìn khác về cái tâm, tính nhân văn của 1 người nhà giáo đúng nghĩa là như thế nào và không đúng nghĩa là như thế nào?

    Trả lờiXóa
  16. Ngáo, đừng lý tưởng hóa, cũng đừng tuyệt đối hóa khi phân chia nhà giáo chúng tôi hôm nay thành hai loại rạch ròi như thế. Nhà giáo đúng nghĩa, nhưng là nghĩa nào khi quy chuẩn hiện nay còn như mớ bòng bong. Mà không đúng nghĩa thì như thế nào khi hằng ngày triệu triệu phụ huynh vẫn phải gởi con đến trường. Em hãy cứ thấy như vầy đó là nhà giáo cũng là những người bình thường. Tất họ có sai, có thiếu, có khuyết. Quan trọng là cái sai, cái thiếu, cái khuyết đó phải có giới hạn. Nghĩa là họ không được làm tổn hại đến tâm hồn học sinh. Nghĩa là khi sai biết lỗi, biết răn mình. Được vậy chị nghĩ đời có thể nhờ chút đỉnh... Đòi hỏi hơn nữa thì sẽ là công việc đốt đuốc giữa ban ngày. Còn nếu chửi rủa thêm thì giống như kẻ đốt đền Erostrat nghĩ mình có thể nổi tiếng như ngôi đền nếu mình ...đốt nó, có hay đâu đã hủy hoại văn hóa và tự giết mình...Thế nhé Ngáo, cảm ơn em!

    Trả lờiXóa
  17. Nghiệp bán cháo phổi! Cho góp tiếng thở dài cái ngày Hai Mư ở VN với "kưng", được hem ngừ?

    Trả lờiXóa

  18. Ủa, ủa, hình như em lộn, cái ngày Hai Mư kia tới tháng tới mà lị. Quê độ chưa! :-)

    Trả lờiXóa
  19. Nghiệp bán cháo phổi! Cho góp tiếng thở dài với "kưng", được hem ngừ?

    Trả lờiXóa


  20. Mà noái nghe, câu chiện giáo dục VN giống chiện 1.001 đim ghia, noái wài hẻm hết. Ta nói, càng noái càng nặng lòng nghen. Chậc!

    Trả lờiXóa
  21. Lần đọc tiên đọc Mập, Zip quả thật không biết nói gì. Zip không ở trong nghề nên không thể thấm đến tận tuỷ như chính Mập thấm thía về những cay đắng của nghề giáo. Nhưng rõ là áp lực tứ phía. Lòng cứ tự hỏi mình làm vậy là đúng hay sai? Đúng hay sai, ai có đủ thầm quyền và lương tri để đánh giá cho công tâm, công bằng?

    Trả lờiXóa
  22. "Cái lưỡi không xương". Không cứ gì phải làm Người Thầy mới thấm thía. Cái lưỡi có tí xương nào thì nó sẽ bị rút ngay cái xương đó. Nhưng cái gì cũng có kẽ hở. Cái gì càng sai trái càng có nhiều kẽ hở. Nước chảy qua kẽ hở, nước chảy qua những lỗ mội, ban đầu nhỏ nhoi nhưng nó cũng có thể phá vỡ đê đấy chứ.

    Trả lờiXóa
  23. Được và rất được là đằng khác, "Kưng" à! Phải biết, mỗi khi lòng buồn bã, mỗi chia sẻ nhận được từ bè bạn là những vô chừng an ủi...
    Lòng chợt bình yên mà không buồn nữa, biết mình đâu đơn độc trên đời...
    Cảm ơn Kưng!

    Trả lờiXóa
  24. Hehe, Mập nghi đó là "chuyện trăm năm, chưa trồng người mà ...chặt khúc người" mới ...chặc chặc, hehe!

    Trả lờiXóa
  25. Dạ đúng, anh Zip. Mừng Anh sang nhà, lại ôm Anh cái ha! Cảm ơn Anh!

    Trả lờiXóa
  26. Chuyện đời , chuyện nghề ....trải qua bao dâu bể ,sao cứ qua nhà MM ,chị cứ "ngậm mà nghe..."!!! Bần thần nhớ cả những lúc phải bênh vực học trò trước những yêu sách của cha mẹ chỉ vì lợi ích của bản thân mình mà chẳng thèm quan tâm đến ...suy nghĩ chính đáng của con ....Buồn thiệt

    Trả lờiXóa
  27. Đó là chuyện thường ngày xảy ra ở ...Trường Chị à... Em chỉ buồn, cha mẹ đó thì con sau này ra sao...

    Trả lờiXóa
  28. Chị không hiểu sao giờ mới thấy được bài viết chạm chị cái rầm thế này hả M ...
    Lại những đau đáu của em va chị nữa rồi .. Khi cầm quyết định về hưu chị cho rằng "...thế là xong nhá!" giờ mới biết nghề thì xong mà nghiệp vẫn còn dài ...nên hiểu lắm nỗi lòng em . Bài viết bớt đi cái 'lưng tưng" đùa bỡn , dường như nó đằm lại , chậm hơn, buồn hơn những bài em đã viết về nghề mình trước đây..

    Thế cũng có nghĩa là em mệt mỏi ?_ có thể là chỉ đôi khi_ phải ko ?
    Chỉ một năm thôi làm ở trường tư thục có mac "quốc tế" chị hiểu nhiều hơn về cách người ta "kinh doanh chữ" khủng khiếp hơn mình nghĩ ... và những người có tiền vẫn luôn bị che mắt bởi cái mác hào nhoáng ấy ...

    Thôi thì M cứ thế , làm theo cái tâm của mình , làm theo cái mà tấm lòng em chỉ ra .. để M cứ vẫn là M . Ôm nhỏ ..

    Trả lờiXóa
  29. Em cũng không biết sao nữa. Nhà Gió, nhà các bạn có entry mới em cũng không bao giờ được báo. Nên bao giờ cũng ...chậm lụt hơn người ta...Thôi bận sau em viết entry mới sẽ báo liền với Chị ngoài guestbook...
    Mỗi khi em "nổi phong ba về nghề", không hiểu sao em lại nghĩ liền đến Gió...
    Cảm ơn Chị đồng cảm và thương em...

    Trả lờiXóa
  30. Cám ơn vì mọi lẽ ta hổng hề lạc nhau héng M

    Trả lờiXóa
  31. Không biết phải chia sẻ sao với chị, Mập à.

    Trả lờiXóa
  32. Cứ đứng đó, hiền hòa như lá
    Thỉnh thỏang ôm tôi, với một câu chào
    Tôi sẽ thấy dẫu đời nhiều bát nháo
    Vẫn còn đây, bóng mát thiệt hiền
    Cứ đứng đó, buồn vui tôi sẽ ghé
    La một câu, nhéo một cái rồi về
    Tôi sẽ thấy đời dẫu nhiều dâu bể
    Vẫn còn đây, bến đợi thiệt ...ngoan...
    Vậy ha!

    Trả lờiXóa
  33. Haiiiiiiiiiizzzzzzzzzzzzzzzz. Lại muốn nói câu trên ....."Dư dục vô ngôn"

    Trả lờiXóa