Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2010

Entry for 30 Oct, 2010- Tháng Mười sắp qua...

Hôm nay là một ngày thời tiết vô cùng đẹp. Trời mưa lất phất, lành lạnh, cái thời tiết cho chúng ta nhích lại gần nhau trong một kiếm tìm ấm áp. Vậy mà, tôi đi dự giờ một cô giáo trẻ mới về trường. Nhìn cách cô ấy tiến hành tiết dạy, nói chuyện với học trò rồi ngồi nghe đồng nghiệp góp ý với mình, tôi chợt thèm đi...nhậu...tôi nhìn tuổi trẻ của mình qua cô giáo ấy, hiểu ra, chúng tôi đã có lỗi rất nhiều đối với hôm qua, tiếp tục có lỗi trong hôm nay và chưa chắc đã sửa được lỗi ở ngày mai…

Bạo lực học đường…từ cái nhìn duy vật biện chứng…

 

Vật chất quyết định…

            Những đứa bé trong nhà trường hôm nay – tác nhân chính của tình trạng bạo lực mà dư luận lên tiếng báo động thời gian gần đây- từ đâu mà ra?Mác nói: Bản tính con người hình thành từ trong bụng mẹ. Nhận lãnh bao nhiêu chất bổ dưỡng từ mẹ để nuôi cơ thể mình, thì đứa bé hòai thai cũng nhận lãnh bấy nhiêu trạng thái vui – buồn –cáu- giãn  từ người mẹ đó. Vì thế, các nhà khoa học sinh lý người đã khuyên nên cho trẻ nghe nhạc( đặc biệt là các lọai nhạc êm nhẹ, có âm điệu du dương, từ hòa) từ khi các bé còn nằm trong bụng mẹ. Không phải vì bé đã “nghe” được theo khái niệm vật lý thông thường, mà bé “nghe” từ cái “nghe” của mẹ truyền xuống. Người mẹ nghe những lọai nhạc ấy thì tâm tịnh, khí hòa. Và cái tịnh, cái hòa này mới truyền xuống cho con của mình, và đó mới là mục đích chính cần đạt. “Nhân chi sơ, tính bổn thiện” bắt nguồn từ đây. Vậy, một người mẹ không thích nghe nhạc, hoặc chỉ nghe những lọai nhạc mà tính thẩm mỹ, từ hòa không cao, gọi nôm na là lọai nhạc “máy nước, bến xe” như trước hoặc các lọai nhạc “tin nây giờ” như hiện nay, thì tất yếu cái rậm rựt, ngu ngơ, hung hăng cũng từ đó mà theo huyết quản chảy vào máu bé. Người mẹ thậm chí không nghe nhạc, không đọc sách, nói chung không tiếp nạp những vật phẩm mà ta gọi chung là văn hóa, mà hàng ngày, hàng giờ chỉ xoen xóet mồm tám về đủ lọai thời trang hoặc nói xấu người chung quanh, hay mở miệng ra là chỉ rặt bàn những việc thuần vật chất như cơm, áo, gạo, tiền, mánh mung chụp giựt, ăn người. Trong suy nghĩ lúc nào cũng lởn vởn chuyện mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé, khôn sống mống chết…thì tất thảy những “luồng” hành động, suy nghĩ đó sẽ truyền vào đến trẻ. Không chỉ có mẹ, bởi đề cập đến mẹ đơn thuần là vô tình chỉ có biện mà thiếu chứng, người cha cũng là tác nhân quan trọng không kém trong quá trình hình thành nhân cách cho trẻ từ trong bụng mẹ. Những câu chuyện rôm rả về cách kiếm tiền, luồn lách, chạy chọt, qua mặt pháp luật như một thứ “giấy thông hành” chứng tỏ “bản lĩnh đàn ông” thời nay, những vụng trộm “chả nem” được coi như “chiến tích kiểu mới” thi nhau “nổ” đôm đốp từ khắp các góc cạnh của đời sống chung; những dằn xé, gấu ó nhau về mọi cái bất như ý giữa cha mẹ khi thất vọng về nhau, đều được trẻ tiếp thu một cách …vô điều kiện và thụ động, ghi lại hết trên vỏ não còn non nớt chưa thể “gạn đục khơi trong” của mình. Nguồn vật chất cho nhân cách trẻ bắt đầu như thế. Mác nói : Mọi sự vật, sự việc đều có tính lịch sử. Nghĩa là theo phương pháp luận biện chứng, ta có thể  lấy giai đọan hình thành nhân cách trẻ hiện nay để phân tích, sau đó được quyền khái quát hóa nó lên theo thời gian, không gian phù hợp. Kiểu như : Cha mẹ thế thì con này. Cha mẹ  vậy thì ông bà nội ngọai sẽ sao?Lớp cha mẹ hiện nay sinh ra và lớn lên trong thời đại hòa bình, bom rơi đạn nổ là không có nữa, đế quốc thực dân đã là mồ ma, chỉ còn ta với ta đối mặt. “Không ai có thể chọn cửa sinh ra” là một chân lý, nhưng, người làm cửa thì có quyền chọn làm cửa rộng, hẹp, tốt, xấu…Vì vậy, thời gian hòa bình lập lại, cũng là lúc mọi huyền ảo một thời xông lên phía trước tan đi, giai đọan anh hùng ca không còn nữa, trại lính tan hàng. Người ta trở về với đời sống bình thường, với cái đói no - ấm lạnh- đẹp xấu một thời bị đẩy lùi hết ra sau để cả nước là tiền tuyến. “Cánh cửa trở về”  đó mở ra, mà hầu như chưa ai kịp chuẩn bị chìa khóa, khoen móc, thậm chí nên “đặt cửa” ở đâu người ta cũng không biết nốt… nên cuộc đấu tranh ý thức hệ bắt đầu lộ dần ra những bất cập. Một bên là những hỏa mù ta buộc phải sử dụng thời chiến quốc giờ không hỏa không mù nữa, một bên là cái ngơ ngác của những người một thời an hưởng thanh bình, no đủ theo cái cách tự nhiên và …tử tế, lương thiện bình thường ngủ một đêm dậy, nhìn đâu, nghe đâu cũng thấy mình như người có lỗi. Có lỗi từ cuộc sống trót no đủ, có lỗi từ chuyện trót không biết không hay 20 năm qua, người khác chết thay, khổ thay cho mình. Người buộc lỗi thì lỏng chỏng buộc lỗi, kẻ có lỗi thì ngơ ngác nhận lỗi…những lằng nhằng đó, kèm theo cái đói, cái thiếu, cái đi cái ở lộn xộn xà ngầu quấn lại với nhau thành một nồi lẩu có tên là “xã hội hậu chiến”. Người nào có cái vá to thì tranh múc phần cái, người nào có cái vá nhỏ thì tranh múc phần nổi, người nào không vá không thìa thì tranh thủ cạnh ké với những cái vá to, thìa lớn…nhân cách một thời bỗng tự dưng không xuất phát từ quy chuẩn đạo đức, mà nó lại căn đi từ cái vá và những cái mà vá vớt ra được từ nồi lẩu. Thế nên, nó lộn ngược như tôm lộn đầu, thế nên nó hình thành nên một lớp trẻ ngày đó mà nay làm cha mẹ với những quy chuẩn không thể định danh, định hình. Thế nên tất yếu, tạo thành thế hệ F2 như hiện nay, cũng là một chuyện , theo biện chứng ta nói …Vật chất này, bằng vào đường máu đã quyết định thật cơ bản vào…

…Ý thức…

            Mác nói: Ý thức là thượng tầng kiến trúc, trong khi vật chất là hạ tầng cơ sở. Cái hạ tầng đã bộn bề, lộn xộn, thì không thể mong gì có một cái thượng tầng nguy nga. Từ ý thức thượng tầng đó, những rễ nhánh “ăn theo”  nào là nhân cách, là đạo đức, là văn hóa mới có thể hình thành. Thế nhưng, trong cái ước mong phần nào đó hơi chứng mà thiếu biện, ta vẫn cứ vớt vát : Dạy con từ thuở còn thơ…hoặc uốn tre là uốn từ non…ta đã bỏ qua nhiều giai đọan phát triển với những lý luận kiểu như ta phải “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” và bậy bạ hơn, sau này, có thêm lý luận “đi tắt, đón đầu” , ta trao cái nhiệm vụ “uốn” đó lại cho ngành giáo dục. Trao lại không căn cứ vào bất kỳ một luận cứ khoa học nào. Cái dòng ý thức của trẻ cuồn cuộn từ cha mẹ với 9 tháng hòai thai và sau đó 5 năm rèn giũa, một chốc được bỏ vào trong một cái máy uốn, mà cốt máy thì là chủ nghĩa, thân máy thì là đường lối, còn xăng chạy thì nay than, mai điện, mốt lại là dầu diesel. Cuộn dập thì là những lõi thép cũng vốn dĩ chắp vá, lộn xộn, cẩu thả như đã đề cập : lúc thì là lõi cấp tốc, ổn ổn chút thì lõi 1 năm, sau lại nung thêm 3 năm, rồi sau lại thấy chưa ổn nên mới có thêm quy trình bồi dưỡng thường xuyên, chuẩn hóa. Người ta quên mất rằng: ý thức là cái không thể 5 ngày 3 trận như …yêu, càng không thể bón phân tưới tắm, cày ải gieo trồng chăm chỉ mà thay vì một vụ/năm ta có thể làm thành Đông Xuân, rồi Hè Thu, rồi vụ ghép, rồi luân canh, xen canh …như nông nghiệp. Ý thức lại càng không phải cỗ máy công nghiệp, mà cứ có đủ ốc iếc, xăng xiếc thì a lê hấp ráp vào là nó chạy. Ta nhầm lẫn lung tung từ cái hạ tầng, rồi lại nhầm lẫn lung tung trong cách trộn vôi vữa xây nên thượng tầng. Đó là chưa kể, cứ từng giai đọan thì ta lại “sáng suốt chỉ ra các chiến lược, chính sách khoa học, đổi mới…” theo kiểu xi măng hôm nay là P300 ngày mai ta lộn phèo chặt bớt đi còn P30, rồi tới hồi sung sung lại đổi thành P50 …mà tới Mác có sống dậy cũng phải bái ta làm …sư ông. Cỗ máy uốn đã như vậy, những thân tre non đi qua nó, uốn ra thì được sản phẩm gì? Bầm dập là chuyện tất yếu. Chưa kể, do ý thức vốn có từ tiềm thức, khi bị nhồi dập như thế, phần vỏ che mờ bong ra, phần lõi non yểu nhưng đầy nguy cơ cảnh báo lộ rõ, để tránh bị bầm dập thêm mà vẫn loay hoay không sao bò ra khỏi cái máy khi nó chưa ngừng, các “cây tre non” trẻ em quay sang “dập lẫn nhau” như một tất yếu khách quan.

…Minh họa…tương đối…

            Hỏi các em : Sao con đánh bạn? Các em hồn nhiên như chủ nghĩa trả lời : Ngứa tiết thì đập, nguyên gì, nhân gì, biết đâu? May mà người hỏi kịp dừng, chứ hỏi tiếp: Ngứa tiết là sao? Thì câu trả lời ắt sẽ mang tính ...bi kịch thời đại rất lớn. Hình ảnh này chẳng qua là cái dương ảnh của cái âm bản người lớn nhãn tiền. Quan tòa hỏi: Sao anh tham nhũng? “Các Anh” trả lời: Biết đâu, ai đưa thì nhận,đâu biết người ta gọi đó là tham, càng không thể tin đó là có nhũng... cha anh tự nhiên chủ nghĩa nhập lộn hàng công thành hàng tư thì con cháu hồn nhiên chủ nghĩa không ưng thì phá là chuyện chỉ có một biện mà ...nhiều chứng vậy ...

            Tiểu luận này lẽ ra còn dài, nhưng đã lại đến giờ đi họp tổ dân phố để nghe phổ biến về thượng tầng khi quyển. Hẹn khi nào giác ngộ tiếp nữa, sẽ hầu...

 

P/s: Tin mới nhất- sáng nay 01/11/2010 cô giáo trẻ đó đã ...xin nghỉ không ...thử việc nữa, lý do... mẹ ốm  ở quê cần về chăm sóc... Mập đã cười...buồn  và nhận đơn!

Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2010

Entry For 24 October, 2010- Cho một tuổi sắp...cũ của Tôi !

 

Tôi 48, thời gian thôi không về ngang cửa…

          Mải mốt ba lơn tơn trong cuộc sống, tôi ít khi nhớ đến tuổi tác của mình. Thi thoảng, bắt gặp một cặp mắt nhìn hơi sững lại khi mình vừa nói, vừa đùa, vừa lăn tăn một hành vi nào đó, hoặc khi lượm được “một số tóc màu bạch kim” rơi lả tả trên vai, trên tay, trên áo…thì mới giật mình nhận ra mình đã bước sang hẳn bên kia dốc của cuộc đời. Rằng, mình cần phải đàng hoàng lại, tử tế hơn và thôi đùa bỡn. Song “cái cần” đó đôi khi lại không phải là “cái đủ” cho mình. Vả lại, tôi đã bước vào giai đoạn “giang sơn dễ đổi” và đã đến thời điểm “sống chết” còn coi là “chuyện đi về” thì làm sao có thể “cải tà quy chánh”. Cho nên, đành chấp nhận mình như vốn có: Khó đàng hoàng, không tử tế và vẫn cứ tưng tưng cợt đùa cùng thế sự. Nhưng mình chấp nhận mình là chuyện … “trong bảo ngoài nghe”, hoặc cố nữa thì gia đình mình phải chấp nhận, chứ người thiên hạ làm sao bắt họ dung được kẻ khó nhằn này. Vậy đó, mà tôi đi qua đời thực, đi vào đời phẳng, vẫn vui mừng nhận ra mình có quá chừng bạn bè mà bụng dạ còn hơn …Biển Đông ( khu vực không nằm trong vùng có “lịch sử để lại” của mấy đại ca “đại bá”, hehe!). Họ cho tôi niềm tin rằng tôi vẫn còn khả dĩ lăn tăn được vì họ vẫn còn sức chịu đựng tôi. Họ cho tôi nụ cười để tôi đủ sức …nô giỡn tiếp. Đôi khi, họ san sẻ cho tôi ít nước mắt, để tôi biết rằng: Sự đau khổ giúp tôi …trưởng thành hơn vào …tuổi xế chiều. Nhiều nhất là khi tôi mệt mỏi, bức xúc điều gì đó và hét toáng lên, họ cho tôi nhiều cái nắm tay ghìm lại, nhiều bờ vai dựa đỡ ( mặc dù biết là cho tôi dựa vô, cầm bằng họ phải về …bóp dầu, bó thuốc đến …mấy tháng). Hay nhất là khi phát hiện ra tôi không…lương thiện, họ nhắc nhở tôi y như …bố mẹ tôi vậy, để tôi biết …răn mình.

            Ngày vào tuổi, có dài lời đến đâu thì nó cũng chỉ 24 tiếng. Có muốn nói hay ho đến đâu thì cũng còn đến 364 ngày nữa để mọi người “tầm soát” tôi. Tôi ngừng ở đây nhé, Bạn Bè! Xin dành một lời cảm ơn đến các Bạn. Một lời tử tế thật hiếm thấy nơi tôi với tất cả thành tâm trong một ngày mà biển dâu không làm tôi xao động…Một ngày mà tôi luôn muốn ghi ân đến gia đình, đến các bạn xa gần đã mang tôi trong lòng không chút nhẹ nhàng…

            Cũng xin post lại một bài của ngày này năm cũ khi tôi chưa sang multi…cảm ơn các bạn đã rất chịu khó đọc và …cười, hy vọng thế… cảm ơn!


Dành một lời Yêu …

Cho gia đình …

Gia đình bao gồm bố mẹ , các anh chị , hết thảy 4 đứa con nuôi và con của tụi nó , hết thảy 4 đứa "bạn thân" . Gia đình còn bao gồm các anh chị ở Can , ở San José . Gia đình còn có Bác Bảo kịt và anh Minh chị Linh cùng các anh chị ở Hà Nội…Lời yêu này không biết sao cho đủ “độ tin cậy” từ một đứa lãng đãng và ham chơi như con , như em . 46 năm qua,không sống trong nhung lụa,nhưng thực sự cảm ơn gia đình đã cho con ,cho em một nơi chốn muốn rời đi từ mỗi sáng và nôn nả tìm về mỗi chiều.Là biết ,sau những đắng cay khi bon chen ngòai chợ đời,luôn có một cốc nước mát ngọt lành dành cho kẻ khát khao sự che chở.Là nơi chấp nhận con ,chấp nhận em với đủ mọi thói tật của nó . Cho con , cho em không chỉ có những bữa cơm ấm áp thâm tình mà còn cho cả sự dạy bảo để biết giữ nhân cách không hư đốn đi khi lăn lộn ngòai cuộc thế và có thể bị nó bào mòn …Con cất giữ gia đình vào nơi trang trọng nhất của tâm hồn mình …và nhất định , không đánh đổi cái góc đó cho bất cứ thứ phù hoa nào …

Cho bạn bè …

Thế giới chung quanh tôi rất hẹp vì tôi không phải là một người quảng giao. Bước từ cửa nhà mình ra, tôi chỉ có bạn bè . Bạn bè bao gồm một nhúm bạn A3 Trưng Vương suốt 7 năm trung học . Có Kim Thoa , có Tố Phương , có Khánh Vân , có Hòang Oanh , Kim Trang , có Vân Trang, Lộc Thọ , Bé Bự , Nguyễn Trinh , Liên Phượng và Bê Con . Có các bạn C4 quây quần 3 năm cấp 3 với Thu Vân , với Trí , với Mỹ , Lập , Hải,Vũ Vân , Kim Phượng , Tú Phương , Mỹ Ngọc … . Các bạn cho tôi một tuổi thơ nhiều tiếng cười , nhiều chia sẻ . Nếu tôi có thể chia quả tim mình ra nhiều ngăn , hẳn cái ngăn dễ thấy nhất , được mở ra đóng vào nhiều nhất là cái ngăn tôi cất giữ hình ảnh các bạn . Có bạn đã xa và đã quên . Có bạn vẫn gần nhưng không nhớ. Nhớ - quên nhiều khi chỉ là khái niệm,bởi không ai bóc tách được trái tim mình ra để cân đo …

Bạn bè còn có Hạ Quỳnh , Bạn ở bên ngòai những náo nhiệt của tôi.Khi tôi bị hắt hủi , bị giận hờn , Bạn như một bóng mát kiên nhẫn , lắng nghe mọi cười khóc và cho tôi một chỗ dựa rất êm đềm. Không chia sẻ được mọi trò nghịch ngợm của tôi , bạn vẫn “đồng lõa” bằng nụ cười nhu mì mà tôi giữ mãi trong tim mình.Ngày Bạn mất, tôi nhũn người trong một cơn say tưởng không gượng nổi.Ngày đó,lần đầu tiên,tôi hiểu ra mất một người bạn thân như Bạn là bằng như mất nửa con người …

Bạn bè còn có lũ bạn “Chục 13” nơi Trường Cao Đẳng Sư Phạm. 3 năm đó, mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Tôi hình như không học để làm Thầy mà là học để thành …ma(nhất qủy, nhì ma thứ ba là …tớ…). 3 năm đó,tôi có một nhúm bạn mà nay manh mún , tứ tán gần hết .3 năm đó , cho đến giờ gần 30 năm vẫn đè nặng tim tôi bằng những hình ảnh ký ức chóang ngợp.Tôi hút chết một lần trong ba năm đó.Tôi nhớ hòai cảnh đạp xe lóc cóc dưới mưa sau ngày lao động . Tôi nhớ Đà Lạt lần đầu mở ra cho tôi một khung cảnh mới : Mưa có rơi và nắng có phai …và tôi yêu cũng lần đầu …ở đây …

Bạn bè còn có những người chị , người anh , người bạn , người em quen biết được từ khi gia nhập “giang hồ blog”. Tôi đi lang thang trong blog khôngvì mục đích kết bạn mà là tìm thông tin. Rồi một ngày, ngơ ngác kiếm tìm tôi va phải họ, thay cho câu tha lỗi, họ tiếp nhận tôi một cách rất thân tình . Cho tôi biết,không phải cái “ảo” nào cũng phức tạp . Họ bước ra cuộc đời thật gặp tôi với một tình cảm chân chất .Tôi mừng đón họ trong cái mừng đón của một kẻ “ăn may” . Số phận cho tôi quen biết họ một cách thật kỳ lạ . Và mặc cho tôi ba lơn , phóng túng , họ vẫn dành cho tôi một chỗ ngồi hết sức rộng trong lòng bao dung của mình . Tôi hình dung đến họ mỗi ngày: khuôn mặt đĩnh đạc của chị Thủy Cúc , phúc hậu của chị Thu Nhân ,Chị BKT , chị Bông Súng , chị Thanh Ngọc , chị Cẩm Minh ; khuôn mặt cương nghị của mẹ Bầu Bí ; khuôn mặt hiền hòa , nồng ấm của chị Gió , chị Hà,chị Song Thu ; khuôn mặt nhiệt tình của chị Yến-Anh Khánh; cái cười hiền lành của anh Năm Dũng-Nguoigiaonline, sự chân tình của Anh Võ Đắc Danh – Bạn Trùm và hai con mắm đệ tử, cái xoa đầu hết sức dễ thương của Kwan; cái ngang ngạnh cực hay của chị Pinkheart , cái điềm đạm của anh Ti4mat-người chọn tôi làm người bạn ảo duy nhất của mình mà tôi lại lạc mất anh... Vòng tay thân ái của Phương  Nguyên ,khuôn mặt hồn hậu của Nhung Mc; sự thân tình của May N và Sư phụ Tetua ; tiếng gọi Mập ơi ! rất êm của Tibet , của Minh Ròm-Scon , có nụ cười nhiều lo toan gồng gánh của má con nhà heo mà tôi yêu quá cái tiếng gọi tên tôi bập bẹ của hai thằng heo , có cái lao đao của Mẹ Nấm,có cái “giống nhiều thứ” của bạn Trang Lương,có cái khép nép của Sóng Nhỏ và cái ngập ngừng của má con Beo …tiếng í ới của Uyển Văn , của Khánh Lam , của các bạn bên nhà Multi của hai thằng heo ; Có khuôn mặt khắc khổ của Khói , có cả cái giận hờn không hiểu nổi của Cao Nguyên, cái mất hút của Đặng Nghĩa…Có …nhiều lắm…mà tim tôi không mang nổi …tôi để tất cả các anh chị và các bạn vào chật chội lòng tôi …chen chúc một chút để các bạn hiểu , thiếu đi bất cứ ai trong số đó chắc sẽ làm lòng tôi trống vắng lắm

Cho người không thể yêu …

Anh , tôi biết , hôm nay gọi thế này sẽ có một người lại giận dỗi cho xem . Bởi Anh-Bạn nhiều lần đã dặn, đừng yêu tôi như yêu người khác . Tôi mãi mãi không hiểu yêu Anh-Bạn thì có khác gì yêu Bạn-Anh . Trước vẻ mặt “ngu hơi lâu” của tôi , Anh-Bạn không thèm giải thích , chỉ cau có dặn , Bà đừng “bày đặt” gọi tôi là Anh , cho dù vì bất cứ lý do gì Anh-Bạn đâu biết , khi nghe lời dặn vậy , “kẻ ngu lâu”biết luôn không được yêu Anh-Bạn như yêu người khác , cũng đồng nghĩa với chuyện tôi sẽ cứ đứng bên đường nhìn theo Anh-Bạn như nhìn một chiếc xe búyt ghé bến nhưng đã quá chật so với một người “bề bộn” như tôi . Dành lời yêu cho một người không thể yêu ở ngày vào tuổi , là để cảm ơn 25 năm quen biết của chúng ta.Cảm ơn Anh đã cố gắng chịu đựng tôi trong cái nết chịu đựng vốn kém của Anh-vì Anh biết tôi chịu đựng còn kém hơn . Lời này còn để cảm ơn Anh về câu “hạ giọng” xin cho một cái hẹn 2 năm nữa để thu xếp gọn ghẽ trái tim mình . Cái thu xếp mà tôi hiểu là không thể . Nhưng tôi vẫn cười , khi chợt ba lơn nghĩ , 2 năm nữa theo tuổi mụ là tôi 49 . 49 mà gặp 50 là coi như …trước sân chùa không có áo cưới treo , he he …Tôi cười và bắt tay Anh-Bạn thật chặt khi chưa tìm ra lời cảm ơn nào tốt hơn cho sự nhẫn nại hiền lành mà Anh dành cho tôi trong ¼ thế kỷ qua …Tôi cười và rời tay nắm đó , xin Anh cho tôi chuyển từ việc chờ xe búyt ( mà không chen lên được) để chuyển sang đi Taxi …dẫu biết với đường xá VN thế này chắc lại kẹt cứng ở đâu đó thôi …và tôi vẫn phải mở cửa xe bước xuống để đi bộ …một mình …

Dành một lời yêu …

Cho tuổi mới của chính mình như thế …cónhiều quá không nhỉ , này Người !

 

Chủ Nhật, 17 tháng 10, 2010

Entry for 18, Octover 2010 - Ngậm ngùi cái lưỡi không xương...

Rằng tôi: họ Đổ tên Thừa...

 

Tôi nói với Gió, một cô giáo vừa nghỉ hưu- hưu nhưng cái tâm huyết với Nghề và đau đáu với nghiệp dĩ thì vẫn còn rờ rỡ. Cái rờ rỡ nơi Chị còn hơn chán vạn thầy cô giáo trẻ mới ra trường, tâm thế còn thơm nức mùi giáo học pháp nhưng tấm lòng thì nguội lạnh và con mắt thì lúc nào cũng để "về nơi xa lắm", xem bục giảng là chốn tạm ...xả hơi, chờ sang bến khác-rằng: Làm nhà giáo bây giờ như những nghệ sỹ xiếc đu dây. Không hề có bảo hộ, càng không có bảo hiểm. Nhiều lúc, không chỉ là nghệ sỹ xiếc, các thầy cô có lúc còn giống như thợ mỏ. Cứ lầm lũi đào, khoan, bới vào vỉa kiến thức mà không biết khi nào thì chạm mạch. Càng không biết bao giờ bị …sụp lò. Họ không có chi bảo hộ, càng không có ai bảo vệ. Như tôi, làm quản lý đã 7 năm nay, tôi hiểu ra rằng, mình ngồi đây không chỉ để giữ chức trách điều hành công việc, là người giúp việc cho Anh hiệu trưởng, làm cảnh sát của học trò mà còn phải kiêm luôn vai trò bảo vệ cho các thầy cô. Có ngồi lên cái ghế quản lý, mới hiểu thầy cô giáo thực sự bơ vơ trong nghiệp dĩ. Giờ lên lớp, họ tự mình phải chèo chống với 4-5 chục con người, bé nhỏ về thể xác nhưng không hề bé nhỏ về tâm hồn và suy nghĩ. Là 4- 5 chục hoàn cảnh sống khác nhau. Là 4-5 chục cái lò lửa âm ỉ, chỉ cần “thêm chai xăng” là tự cháy rồi sau đó cháy lan/ Ngoài giờ lên lớp, họ cũng chỉ có một mình đơn độc đối diện với áo cơm, với gia đình bằng vô số những đòi hỏi, những bổn phận có tên và không tên khác. Cũng có con cái, cũng là phụ huynh của các trường con mình đang theo học. Họ cũng phải tự nhận lấy vào mình những vui, buồn,

 

bức xúc cá nhân…tôi ngồi đây, bất lực nhìn họ loi ngoi trong những ràng buộc chằng chịt ấy. Bất lực và cũng cảm thấy mình cô độc không kém họ trong khi thi hành chức trách của mình. Như một phụ huynh vào trường xin rút hồ sơ, lý do rất mơ hồ là do khối lớp 7 của trường không có bán trú. Chúng tôi đã khuyên giải hết lời, vì biết cháu nặng tình với bè bạn. Phụ huynh nhất quyết không nghe và rút. Sang trường dân lập quốc tế với hơn 20 triệu lót đường được đúng 1 tuần, vội vã quay trở về xin nhập học lại. Câu trả lời từ tôi là “không”. Thế là cả một đường dây quyền lực được huy động. Những cú điện thoại từ các anh hai, chị ba nào đó, những bức thư tay, tin nhắn từ chú tám đến cô chin…vừa năn nỉ có, vừa đe dọa có, câu trả lời từ tôi vẫn là “không”. Trường không đẩy cháu đi, đã hết lời phân tích, phụ huynh vẫn cứ nhất định. Vậy thì bây giờ hãy tự chịu trách nhiệm. Nhưng rồi, cuối cùng vẫn phải nhận cháu trở lại, không phải vì những áp lực từ “chuyên chế vô sản”, mà từ cái tình khi người mẹ, gần như đổ sụp xuống vì bị chồng bắt vào trường nhận lỗi là đã rút hồ sơ cho con mà không hỏi ý của anh.

         

Sáng hôm nay, lại có một phụ huynh khác vào xin rút hồ sơ cho con. Hỏi lý do, chị nói: cháu bây giờ rất tiêu cực, chỉ muốn nghỉ học. Nên gia đình tôi muốn xin rút hồ sơ để cho cháu sang trường…dân lập quốc tế(!). Bài học lần trước còn mới nguyên, giọng khản đặc vì cảm, tôi vẫn dành ra hơn 30 phút nói chuyện với người mẹ đó. Chị cứ nhất định một hai: Cô giáo tư vấn giúp chúng tôi, có nên rút hồ sơ cho cháu hay không? Tôi đành nói: Việc chuyển trường cho cháu nhà trường không hề gợi ý, không hề đề nghị gia đình cho cháu đi. Bây giờ tư vấn thì có hai con đường. Một là khi chúng tôi ngăn, giữ cháu lại. Sau này trong quá trình học tập, cháu xảy ra chuyện, gia đình lại quay sang trách là tại Trường giữ cháu lại. Hai là, nếu khuyến khích cháu đi, sang trường mới, cháu cũng vẫn bỏ học, thì gia đình lúc đó có thể trách là Trường “đẩy”cháu đi vội quá. Việc chăm lo sự học cho con sao cho tốt nhất phải là việc của bố mẹ. Anh chị cứ xem xét cho kỹ điều kiện nào là tốt nhất cho cháu thì chọn… 30 phút sau, chị vẫn quay lại xin rút hồ sơ. Nhìn vẻ mặt đứa con nhơn nhơn theo mẹ ra khỏi cổng trường như chim sổ lồng mà tôi buồn mênh mang trong bụng. Cảm thấy hình như, cái ám ảnh về nỗi lo bị thưa kiện bây giờ lớn hơn lương tâm chức trách của kẻ làm thầy. Nên cứ phải “nước đôi” trong những trường hợp như thế này cho …an toàn. Cảm thấy cái lưỡi không xương của mình sao mà nhiều đường đáng sợ. Anh Hiệu trưởng thấy tôi ngồi lâu với phụ huynh đã có bề sốt ruột. Chạy ngay vào hỏi khi phụ huynh về: Bà ấy nói gì vậy cô M.? Cô đừng …bày đặt tư vấn nghen, sau này họ lại đổ thừa(!)… tôi cười buồn không trả lời. Tôi biết chứ cái nỗi khổ của những người đội áo đi hầu…kiện. Vì mới ngày hôm qua đây thôi, một chị bạn hiệu trưởng nhờ tôi có cách nào giúp Trường “truy” cho ra “kẻ nào” đã tung tin cho báo về “gánh nặng sau giờ dạy” để Quận, Phường “chửi” chị quá chừng…Tôi cúp máy cái rụp không thèm trả lời, dù biết làm vậy là coi như  “hỏng mối quan hệ” cho “sau này”. Nhưng chỉ nghĩ: Là tôi, tôi sẽ xem coi bản tin đó đúng hay sai. Nếu đúng, tôi sẽ nói với “Các anh, các chú” rằng: tin không có gì sai, ai sai, phải xem lại. Nếu bản tin đó có sai, tôi sẽ đích thân gọi vào đường dây nóng của báo để yêu cầu phản hồi, đính chính…Nhưng hôm nay nghĩ lại, mình cũng có hơn gì. Mình cũng vừa đổ tội cho Cái lưỡi vô tri rằng “do nó không xương” đấy thôi!

Thứ Năm, 7 tháng 10, 2010

Entry dành lời cảm ơn Mùa Thu Hà Nội...

Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ...

 

Tôi lớn lên cùng hai mùa mưa - nắng Sài Gòn. Theo những bài học, bài đọc, những bài thơ và cả những bài nhạc nữa, luôn mơ màng về một Mùa Thu vàng lá đâu đó trên quê hương mà mình không biết. Mùa Thu tôi hình dung có những ngọn gió ươn ái êm mát vào mỗi sớm mai. Có những tia nắng yếu ớt và nhạt nhòa vào mỗi trưa. Có cái se se lạnh vào cuối chiều và khi đêm xuống. Mùa Thu trong hình dung của tôi còn có những cơn mưa hoa điệp đổ xuống những con đường vắng, những thảm lá vàng ngập trên những công viên... Tôi hình dung Mùa Thu như vậy, và sau này, tôi gắn những ngày Sài Gòn yếu nắng sau mưa là Mùa Thu của riêng tôi.

Năm 2005 ra Hà Nội và bắt đầu như một cái trớn, tôi ra Hà Nội nhiều lần. Nghe tả Mùa Thu Hà Nội, tôi nôn nả nhiều lần đến và cũng nhiều lần thất vọng rời Hà Nội đi mà không chạm mặt Mùa Thu. Cứ nghĩ, cái "tạng" bỗ bã như mình, chắc không có duyên chạm vào cái mùa mong manh như vậy, và âu là Ông Trời cũng khéo công bằng...

Tháng 10/2010, tôi mệt mỏi vì công việc, mệt thêm vì những chuyện giằng buộc tự thân, nên nghe lời rủ rê của Anh Chị, buông bỏ hết để chạy ra Hà Nội. Chưa chạm ngõ 5 cửa ô thì phải về Tuyên Quang thăm nơi Ông bà ngoại sinh ra mẹ,  nơi đón Bác trai về an nghỉ ngàn thu. Tuyên Quang êm đềm, hiền, chân thật, nhưng vẫn không cho tôi thấy Mùa Thu. Sau 4 ngày dạo chơi nhiều chỗ, tôi quay về Hà Nội với lời nhủ thầm- Thu này nữa, chắc em không về...

Thật không ngờ, Hà Nội cho tôi 2 ngày Thu rất mực. Buổi sáng thức sớm, từ cửa sổ phòng mình tôi đón những tia nắng vàng ngọt chếch xéo những mái tường rêu bên kia cổng Chùa Đông Tân. Đi dạo trên đường, Thu Hà Nội hào phóng tặng tôi những cơn gió nhẹ nhàng như thể tình thân. Chỉ tiếc, "nhân danh Đại Lễ", những thảm lá trên đường đã được người ta "dọn không thương tiếc", nhưng vẫn kịp làm tôi ngơ ngẩn một buổi trưa. Hà Nội nhiều cây xanh, nên Thu Hà Nội xanh hơn hình dung và tưởng tượng... tôi muốn gói hết cái màu xanh ấy để mang về Sài Gòn tặng lại bạn bè... nhưng biết là không thể...

Không ai có thể gói tiết mùa vào chiếc khăn tay... cũng như không ai có thể cất dấu những lát cắt lòng mình trong sự ... chạy trốn...

Tôi biết ra điều này thì đã muộn. Thu Hà Nội thả vào mắt tôi những sợi khói... cay nồng...   

 

P/s: Nguồn ảnh google