Đó là tình yêu
Nếu có nỗi nhớ nhung
Đó là niềm đơn độc.
Nếu có người mong gặp
Đó chính là tình yêu.
Nếu có người ta ghét
Cũng lại chính là yêu.
Nếu một khi nào đó
Ta không còn thấy nhớ
Ta chẳng còn biết mong,
Ta cũng không đơn độc
Có nghĩa là
ta không biết tình yêu.
HS, trích dịch bài “Người không biết tình yêu”
trong tập thơ “Hoàng hôn của Diaspora” của Jeon Gi Ye
Sự đơn độc là tình yêu,
Nỗi nhớ nhưng, sự ghét bỏ cũng chính là tình yêu.
Con người sinh ra trên cõi đời, mọi giây phút cho đến khi khuất bóng đều có chứa tình yêu. Ta vô tình sống mà không biết sự thật đó, cho khi trải qua hết mọi phút giây đơn điệu, mới muộn màng nhận biết tình yêu. Hôm nay, vẫn trong niềm đơn độc, vẫn trong nỗi nhớ nhung, tôi vẫn yêu người.
*******
S. em…
Mập viết comment này cho ML nơi đây không chỉ trên tư cách một người Bạn, mà còn trên tư cách của một người hiểu Tình Yêu theo cách của mình. Cách của một người bao giờ cũng “về chót” trong mọi cuộc chơi. Và cho đến bây giờ vẫn “một mình bước tới”. Nó không phải là những ý kiến kinh nghiệm như mọi lần, nó là một tự sự để nói với S. em về vấn đề Em nêu ra nơi entry này mà Mập cảm được ( tất nhiên, có thể cái cảm đó đúng cũng có thể sai, hén!), đó là: Sự ràng buộc nhau trong Tình Yêu, liệu có giữ được Tình Yêu mãi mãi?
S. em…
Trong đời mình Mập đã hai lần Yêu với tất cả tình cảm trong lòng mình. Những lúc đó, quả tình, từ chính mình mà ra Mập luôn ở trong trạng thái dồn hết tình cảm, suy nghĩ của mình cho “đối phương”. Do đó, cũng muốn “đối phương” hành động như thế với mình.
Trạng thái này ta gọi là “thói sở hữu trong Tình Yêu”.
Tính cách này ta gọi là “sự độc quyền trong Tình Cảm”.
Rồi sao?
Rồi thì sau một thời gian đắm đuối, sau những ngày tháng rất ngọt ngào, ta nhận ra một món ăn, cho dù ngon tới đâu đi nữa, thì ăn hoài cũng ngán. Ta nhận ra, tình cảm, dù vây bọc kiểu gì, cũng có lúc, nó trở thành một tấm chắn, ngăn cản ta nhìn rộng hơn, xa hơn, ra ngoài “thế giới của hai người”…
Rồi sao nữa?
Rồi là những mỏi mệt, rồi là bức bối từng chút, từng chút, lúc này, lúc khác kéo đến. Và rồi, nếu thấy không có sự cần thiết thôi thúc ở bên nhau dài hơn, lâu hơn, chưa “trói” nhau bằng việc kết hôn … thì có nghĩa là ta đã manh nha muốn “cởi trói” cho nhau. Cái “cởi trói” này nó hoàn toàn không nằm ở phạm trù “ví dầu tình bậu muốn thôi”, không ở cái phạm trù “có người thứ ba xen vào”, không ở cái phạm trù “ngó tới ngó lui thấy người mình – chỗ nào cũng…dở”…Cái “cởi trói” này hình như bắt nguồn từ một “nghĩ lại” rằng: hình như cái mà ta gọi là Tình Yêu đó, chưa đủ Lòng Yêu.
Hai lần chia tay Tình…đầu với Mập, đều có những lý do khác nhau. Song khác ở chỗ nào đi nữa, thì nó cũng giống nhau ở một chỗ đó là đều …tan vỡ. Cái tan vỡ …Tình Trường, S. em ơi, nó cũng giống như ngàn vạn những tan vỡ khác, nghĩa là nó sắc cạnh, vỡ vụn, có xây xát và tất nhiên, rướm máu. Người lạc quan thì nghĩ “may mà chưa lấy nhau, không thì chán chết!”. Người bi quan thì nghĩ “sao mình khờ quá, tốn nhiều thời gian cho việc ấy quá”. Riêng kẻ ba lơn thì sau khi “choáng váng” nhìn cái “sự vỡ” nghĩ một cách giản đơn rằng “số mình chưa …tận”. Tất nhiên, cũng chỉ nghĩ được vậy sau rất nhiều đau khổ. “Không có cái sự chia tay nào mà không gây đau khổ, kể cả sự chia tay mà người ta mong muốn”, huống chi chia tay trong Tình Yêu thì thường là một bên chưa muốn và một bên …đã muốn lắm rồi. Và cũng chỉ người trong cuộc là “nắm rõ nội tình” vì sao phải “dứt đứt đường tơ”. Người ngoài cuộc thì bênh – bỏ tùy theo “phía” mà mình quen biết. Quen với người “chưa muốn” thì lập tức trùng trùng … ném đá. Quen với người “muốn lắm rồi” thì hỉ hả… vậy là đáng. Đáng hay không đáng, đá ném trúng đích hay không trúng đích, thì cái sự đến, rồi nó cũng phải đến. Mập nhớ một lần nào đó S. em đã nói như vậy.
Dông dài một chút, “chuyện tình tự kể” một chút ở đây để nói với S. em về ML này. Mọi trạng thái tình cảm mà ta đa mang với ai đó, với điều gì đó, với nơi chốn nào đó, đều phải xuất phát từ Tình Yêu phải không S. em? Nếu đời sống muôn mặt, thì Tình Yêu cũng muôn vẻ. Và có nhiều cách Yêu khác nhau. Và cũng có nhiều loại Tình Yêu.. Vì thế, nếu S. em nhận ra trong cuộc sống, nhân gian và những nơi chốn khác trong Em chỉ là sự tiếp xúc, rằng em biết, Núi kia mới là nơi Em bình an, Và Người Núi mới là chốn Em thuộc về, thì cũng là chuyện bình thường. Nhưng khi S. em chọn cách Yêu là lùi xa một chút, là để khách quan đẩy đưa mình đi ra dài rộng, tiếp xúc với nhiều người, với nhiều sự kiện, với nhiều nơi chốn để khẳng định chắc chắn lòng mình rằng “ta chỉ”, thì hãy nhớ chưa chắc người khác có thể làm giống Em hoặc nghĩ như Em. Yêu nơi họ có thể là lòng kiên nhẫn dành cho Em tràn đầy. Nhưng trong cái tràn đầy đó, họ cũng biết luôn rằng một mình họ kiên nhẫn là chưa đủ, trong khi, đối phương, vì lý do nào đó, không cho họ thấy được sự kiên nhẫn của họ là xứng đáng. Khi suy nghĩ như thế mà không thể tỏ bày, họ chọn cách dừng lại mọi ràng buộc, để giúp cho người kia có khoảng cách để “nghĩ về”.
Có một cái lạ là khi ta hành xử, ít khi nào ta nghĩ: Vì sao ta làm vậy? Rằng ta làm vậy không sai? Hoặc ta trách sao đối phương không hiểu mình? Vậy khi người khác làm với ta điều gì đó theo cách tương tự như vậy, thì họ lại nhận về từ ta nhiều câu hỏi…
Âu cũng là chuyện thường tình… Âu cũng là một mặt phong phú của cái gọi là Cõi nhân gian rộng lớn. Âu cũng là một khía cạnh mới của Tình Yêu…
Trong khía cạnh đó, hãy luôn nhớ một câu từ Mập – kẻ đã phải ngồi nhiều lần trong ray rứt để “mài” cho mòn đi cái “sắc cạnh” của những lần “tình vỡ” – đó là: Trong Tình Yêu, ta đừng làm cho người khác điều gì mà ta không muốn người khác làm với mình…
Ngay cả khi S. em chọn đơn độc mà vẫn Yêu, thì hãy cố gắng nhớ điều Mập dặn. Bởi Tình Yêu nó không mênh mông như ta tưởng S. em à, nó có cái “lim” của nó. Bước qua “lim” ấy… ta thực sự sẽ không còn rõ tình cảm mà ta đang mang có thực sự là Tình Yêu hay không, hay chỉ là một thói quen mà ta không nỡ bỏ…
Vậy nhé…S. em… cũng chúc Em một cuối tuần an nhiên… với Núi.