Câu chữ mực đỏ - phải từ cái Tâm của người làm Thầy
(http://tuoitre.vn/Giao-duc/491996/Bai-van-diem-0-va-loi-phe-cua-giao-vien.html)
Ta vẫn nói “ văn học là nhân học”, người dạy Văn là dạy không chỉ Chữ mà còn phải dạy Nghĩa. Không chỉ riêng môn Văn mà chức năng này thuộc phần trách nhiệm của tất cả các bộ môn. Song, trong nếp suy nghĩ của xã hội ta, từ bao đời nay các bộ môn xã hội, đặc biệt là bộ môn Văn, gần như có trách nhiệm nặng nề hơn. Và Thầy Cô giáo dạy Văn, thường sử dụng các bài luận văn, nơi mà học sinh thể hiện suy nghĩ, tính cách, nhận thức của mình về các vấn đề văn học, xã hội, chính trị một cách rõ nét nhất, để qua đó tìm hiểu học sinh, rèn giũa cho các em, giúp các em điều chỉnh một cách phù hợp. Tôi còn nhớ thời đi học của mình, gần như Giáo sư dạy Văn năm nào, vào đầu năm học khi làm quen với học sinh lớp dạy mới cũng cho các em làm một bài văn ngắn trình bày về một đề tài cũng cô đọng, để qua đó, nắm học sinh của mình. Động thái tốt đẹp đó, giờ gần như biến mất với cái gọi là “phân phối chương trình”, và càng đáng tiếc hơn, khi chấm bài văn của học sinh, ngoài việc rập khuôn máy móc theo cái gọi là “đáp án” ( dù có nhiều đáp án hiện nay có cả một phần “mở” để các Thầy cô rộng tay hơn với những bài “khác thường” nơi học sinh), thì việc phê vào bài văn đó một vài nhận xét thấu đáo, lại cũng rất hiếm.
Học sinh làm luận văn có khi nào lạc đề không? Có. Học sinh làm luận văn có khi nào muốn “mượn diễn đàn” để thể hiện “cái tôi nổi loạn” không? Có. Học sinh làm luận văn có khi nào muốn dùng câu chữ để “thay lời muốn nói” về những chuyện mà các em bế tắc, muốn cầu cứu một cách kín đáo và muốn bày tỏ tình cảm của mình không chỉ với bộ môn mà với cả giáo viên không? Có. Vậy người làm Thầy, qua những bài văn “nghịch thường” này, ngoài ba từ “ý thức kém” và con điểm 0 lạnh lùng, liệu sẽ giúp cho người học sinh đang hoang mang, đang nổi loạn, đang có nguy cơ chệch hướng vì chưa đủ ý thức đó đi về đâu khi quá đơn giản phán xét mà thiếu sự đỡ nâng?
Tôi không phải là một giáo viên dạy văn. Nhưng tôi đã cố ngồi đọc bài văn đó, và tôi cho rằng nếu mình là người giáo viên của em ấy, tôi sẽ làm một số công việc:
-Gọi riêng em học sinh ấy ra sau giờ học. Nêu lại đề tài, cho em ấy tự nói lại rằng với một đề tài như thế bài làm văn cần một dàn bài thế nào?
-Từ dàn bài đó, tôi sẽ cùng em mổ xẻ từng đoạn em viết. Phân tích cho em thấy chỗ nào đúng – cho điểm ngay. Chỗ nào chưa đúng – điều chỉnh. Và chỗ nào sai, phải gạch bỏ.
-Từ điểm số cuối cùng đó, coi như xong phần lý. Mới nói cùng em cái tình của một người mẹ, người cha, lo lắng cho nhận thức của em. Vì còn quá trẻ mà đã nhìn cuộc sống này, xã hội này, vấn đề này theo kiểu ý thức như thế thì trước hết không giúp gì được cho bản thân tiến bộ, hơn người. Mà còn không giúp gì được cho gia đình, cho xã hội. Và nếu nhiều người như em, thì ta lấy gì trông chờ ở tương lai? Câu hỏi nên dừng ở đó, cho em tự suy nghĩ…
Ít nhất qua cách trao đổi thẳng thắng Một-đối-một này, em học sinh sẽ thấy mình được tôn trọng. Em được thỏa mãn việc thể hiện cái tôi và sau đó, sẽ tự nhìn nhận những gì chưa đúng. Có như vậy, em mới có thể “tự điều chỉnh”. Và cũng chính từ em, “bia miệng sống” đó sẽ góp phần giúp “giáo hóa” những “manh nha” còn lại… một cách hữu hiệu hơn so với việc các thầy cô rao giảng.
Cả một bài làm văn chỉ có một câu phê “ý thức kém” thì quả là đã quá kiệm lời.Không vô lẽ, người ta quy định điểm số chấm bài của người Thầy phải được viết bằng mực đỏ. Bởi vì theo tôi, việc đánh giá của người Thầy với các em học sinh phải trào ra từ chính máu đỏ tim mình. Nó phải là cái để truyền thụ ( hình thức khác) về nhân cách, chứ không thuần chỉ mang tính “đe nẹt”.
Có thể những ý kiến của tôi nơi này chỉ là lý thuyết nếu-thì… của một người ngoài cuộc. Vì thầy cô, đặc biệt là thầy cô giảng dạy những bộ môn thi cuối cấp, hiện nay vô cùng bận rộn. Dành thời gian cho 1 trường hợp cá biệt như thế, là không thể. Nhưng ta nghĩ sao, khi do bận rộn, ta “bỏ sót” một trường hợp không “tâm phục khẩu phục”, các em tung bài này lên mạng (như đã làm) theo cái cách để phê phán thầy cô và lôi kéo người ủng hộ những quan điểm của mình trong bài văn một cách nguy hiểm như thế, thì liệu sự bận rộn “nhào nặn” học sinh của chúng ta có còn ý nghĩa?
Lâm Minh Trang
( Gò Vấp)