Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

Entry 26 Tháng Chạp Canh Dần- Những đa đoan, bộn bề cuối năm...

Người lớn… trẻ con…

Người lớn…

          Những ngày giáp Tết, bao giờ cũng làm cho người ta hối hả hơn và dường như tất bật hơn. Những hối hả, tất bật không hiểu sao cứ dịp này là ùn ùn kéo về xếp hàng “chờ giải quyết”, nhà nào cũng vậy và ở ai cũng vậy, và từ đó cái mệt mỏi, nhiều khi cả cái ỏai cũng xuất hiện thường khi. Đến nỗi “người lớn tôi” năm nào, cứ vào những ngày này là ao ước “Bao giờ cho đến ngày xưa”…

Trẻ con…

          Đó là cái thời khắc tôi còn là một con bé con xúc xắc, vô lo và nghịch ngợm. Tết ngày đó, đồng nghĩa với được nghỉ học, bắt đầu vào chiến dịch “vê pháo” và ầm ĩ với những cái bánh chưng “muội” của trẻ con trong nhà. Tết ngày ấy là xúng xính quần áo mới, là những món ngon các bà và mẹ chuẩn bị, là những phong bao lì xì đỏ, chỉ được cầm cho sướng tay những ngày Tết. Sau Tết là “cho Mẹ vay, hàng tháng trả lãi”… Mẹ trả lãi rất sòng phẳng vào cuối tháng, nhưng cái cảm giác “giao nộp của cải” của mình là cái cảm giác rất không dễ chịu, nên khi nhìn thấy mấy anh chị lớn được giữ tiền lì xì, tôi cạn nghĩ và nông nổi đã ao ước “Sao mình không là người lớn nhỉ?”…

Người lớn…

          Khi đã thành họ, tôi mới biết mình đã ước ao nhiều điều dại dột. Như tối qua ngồi cà phê cuối năm với Chị, nhìn những chiếc tàu hối hả qua lại ngược xuôi trên sông cho những tất bật hàng hóa, nhìn những níu kéo vội vàng những đi-ở dở dang của những đôi-người-lớn ở bến tàu, nghe những chuyện đời dàn trải mà Chị và Tôi dành cho nhau, dành cho bạn bè, mới thấy hết nỗi mệt mỏi và vất vả khi làm người lớn. Ta đã già nên tự dưng thấy tâm mình cằn cỗi hơn, thấy quần áo rộng ra vì những vất vả áo cơm nhưng dường như lòng thì chật lại, thấy thỉnh thỏang trong những nói-và-nghe dành cho nhau đã có những đắng lòng vì bể dâu khó tránh, để trong những phút lặng đi mới thấy và nghĩ “Bao giờ trở lại hồn nhiên”… Ở cà phê ra đã muộn, vẫn ghé về nhà con bạn ruột rà, nó mệt mỏi lê ra và hét lên khi thấy mặt tôi, ôm chầm lấy và rủa: Đồ qủy sứ, đến bây giờ mới chịu đến chơi với tao…ngồi nghe nó kể về cuộc sống mấy mẹ con trong ngôi nhà từ-chối-đàn-ông, nghe nó bình thản kể về người-bố-của-những-đứa-con-mình bằng giọng đã vô cùng thản nhiên, và cuối cùng khi nghe nó kết: Thì mình giờ cũng sắp ông, sắp bà cả rồi, mới lại nghĩ  “Con cái lớn hết rồi, bảo sao mình không là người lớn nhỉ?”…

Trẻ con…

          Sáng nay có việc Chị sai đi chợ. Cái chợ ngày bé vẫn luồn lách như con chim chuyền mua rau, mua hành, thỉnh thỏang mua chè khi được mẹ sai đi, thuộc nó như lòng bàn tay, bỗng hôm nay, sau bao năm bận rộn cho những bon chen người lớn, tự dưng thấy nó to ra, lạ lẫm. Thằng Bờm dắt đi chợ, tôi thấy mình lúp xúp theo những bước chân trai trẻ của Bạn thân, ngơ ngáo nơi từng dãy hàng ngang dọc, đã vậy, “Thằng Bạn ruột rà” còn nắm chặt tay và dặn:“Mập đi theo con, coi chừng lạc”… mà buồn cười. Ngắm nhìn cái dáng cao lớn của Bờm từ đằng sau, thấy thời gian sao mà nhanh quá. Ngày nào dắt nó ra chợ, nó còn bé tí, mếu máo “Mập bế koong”…lia lịa, mà nay đã…

          Vậy đó, thời gian là cái không chờ đợi, không thể tái hồi, là cái đã qua đi, đã lôi theo cái gì là không bao giờ hòan trả lại. Ta đi cùng nó, an vui nhất là đi theo chiều cuốn, giữ lại cái hòai niệm về một thời con trẻ, không phải để than trách cho hiện tại và hối hả ở tương lai mà chỉ là để lòng ta trong trẻo lại. Ta đi cùng nó, biết mình đang ở thời điểm nào, để biết luôn, cái đã gieo hôm nay sẽ là cái ta gặt ngày mai, để, chừng mực hơn, đắn đo hơn… Để Mùa Xuân về rất gần, ta sẽ thấy cái ta được vui bao giờ cũng nhiều hơn cái ta mệt mỏi… nghĩ vậy để bỏ qua những tính tóan với mình, với người không nên có, không đáng có, mà vui vầy với những giờ khắc nếu qua đi là sẽ không quay lại bao giờ…

 

 

Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2011

Entry for 23 January, 2011- Tôi quờ quạng chưa nhận ra mình mất bạn...

Ta hỏi mình, một lần thôi…

Rằm cuối cùng của năm Canh Dần- Rằm Tháng chạp- từ rất xa Bạn chuyển về cho tôi một slideshow Bản Xô-nát Ánh trăng(Mondscheinesonate) của Ludwig Van Beethoven kèm với một câu chuyện nao lòng . Beethoven chào đời năm 1770, tại Bonn, Đức, và qua đời tại Viên, Áo, vào năm 1827.Cả cuộc đời ông là những chuỗi ngày đau khổ bên người cha tàn bạo say rượu và chết lây lất nơi lề đường bởi rượu , mẹ mất sớm và người anh trai duy nhất của ông chạy trốn đứa em ruột của mình vì gánh nặng áo cơm . Thiên tài âm nhạc của ông cũng ba chìm bảy nổi cộng thêm căn bệnh lãng tai mỗi lúc trầm trọng và dần đi đến chỗ điếc hẳn đã đẩy Beethoven đến suy nghĩ muốn rời bỏ hẳn cuộc sống mà ông cho rằng quá sức chịu đựng của mình . Đúng lúc đó , trong ngôi khách sạn tồi tàn mà mình đang trú ngụ Beethoven gặp một cô gái mù . Vào một đêm trăng sáng, qua lời kể của nhà sọan nhạc , cô gái ấy đã gào lên với ông rằng :“Tôi sẵn sàng hy sinh tất cả để thấy được ánh trăng.” Nghe cô nói, Beethoven xúc động đến rơi nước mắt.Dù sao, ông vẫn còn được thấy!Dù sao, ông vẫn còn có thể sáng tác nhạc và viết lên giấy! Một ý muốn được sống đã mãnh liệt trở về với Beethoven và đưa ông tới chỗ sáng tác ra một trong những bản nhạc tuyệt diệu nhất của mọi thời: “Mondscheinsonate” – “Bản Xô-nát Ánh Trăng” . Những năm sau khi đã thắng vượt nỗi sầu buồn, đau khổ và phiền muộn, xuất hiện “Bài thơ ca tụng Niềm Vui” vô song từ bản “Giao Hưởng thứ chín”, là  magnum opus (tác phẩm lớn) của Beethoven. Nhà sáng tác phi thường đã hoàn thành tác phẩm để đời của mình. Chính ông điều khiển buổi hòa tấu thứ nhất vào năm 1824, nhưng vì hoàn toàn điếc, ông không nghe được tiếng vỗ tay. Một trong những nhạc sĩ độc tấu nhẹ nhàng kéo ông quay lại, để thấy cả khán phòng là một cử tọa đang hoan hô, đang vỗ tay, và vẫy mũ như điên dại.

Nhân lọai có Beethoven và những tác phẩm bất hủ của ông chỉ nhờ vào một câu nói đúng lúc của một người con gái yếu ớt , tật nguyền và tuyệt vọng . Và ngày hôm nay,Tôi cũng đang tự hỏi liệu có một lúc nào đó mình dừng lại cho một câu hỏi , cho một yêu cầu trợ giúp, cho một khẩn thiết cảm thông ? Liệu mình có kịp để qua một bên những bực dọc , chán nản , những bức bối riêng mình để thể lòng nhìn lấy chung quanh ?liệu mình có sẵn sàng cho việc buông bỏ mọi giận hờn, mọi chấp nê bất ngộ , mọi cầu tòan sân si cho một cái nhìn thể tất ?

Nhìn để nhận lấy trong đời sống , ta chậm hay nhanh, bỏ trôi hay nắm giữ được cuộc đời hòan tòan không ở cái thể lý rất đời mà ở chính cái mong manh sâu thẳm trong lòng ta đó thôi !

 

 

 

 

Thứ Ba, 18 tháng 1, 2011

Entry For 18 January, 2011- tôi ở lại cùng nhiều Mùa Đông, nên cảm...

Tập bình thơ:

Em đi về phía mùa đông...

Thơ Ngô Đồng

Em đi về phía mùa Đông

         Nơi tím lạnh tái tê mặt hồ Hoàn Kiếm

         Sương giăng giăng buốt trắng

         Gió vô tâm ngang dọc bãi sông Hồng

 

         Em đi về phía mùa Đông

         Nơi sương muối phả vào đêm trằn trọc

         Nơi các mẹ , các chị ta trong mưa phùn gió bấc

         Cấy cho tương lai từng nhánh nhọc nhằn . . .

 

         Em đi về phía quê hương anh

         Nơi lửa đốt rạ rơm trên cánh đồng mùa Đông

                                                     thắp thơm vào ký ức

         Có miếu , tháp , đình , chùa lướt theo con đò dọc

         Sóng sánh dòng sông xanh bóng tre làng . . .

 

         Có một ngày ra trận mùa Đông

         Xanh ngăn ngắt lúa đương thì con gái

         Có những  bức thư tình viết vội

         Tiểu đội bó tròn quăng xuống đường xe. . .

 

         Em đi  về phía ấy ngày xưa

         Nơi chống chuếnh dấu chân người ở lại

         Nơi anh có một mùa Đông và người con gái ấy

         Ở  phía sau mình như một đức tin

        

         Em đi về với mùa Đông

         Tìm cái lạnh trong găng , giầy , áo ấm

         Làm dáng chụp hình trong ngày rét đậm

         Hái băng và cười trên đỉnh Mẫu Sơn . . .

 

         Ta theo em về với mùa Đông

         Thầm mang chút ấm cho người phía ấy

         Mắt em sẽ lại long lanh , má sẽ hồng trở lại

         Và ta lại đón em về từ phía mùa Đông . .

           

Trong căn nhà blog này, tôi hân hạnh được làm quen với nhiều anh chị, bạn bè làm thơ rất hay. Đó là một phía mà tôi chỉ đứng xa ngưỡng vọng và luôn luôn tồn tại trong mình một câu hỏi: cũng chỉ là câu chữ nhân gian, mình cũng được học, được đọc, được thẩm thấu, tại sao chỉ qua tay những anh chị, những bạn bè đó, câu chữ ấy mới thành thơ? Và Họa sĩ Ngô Đồng, chúng tôi vẫn thân ái gọi Anh ấy là Bạn Bắp, là một trong những người-làm-thơ mà tôi kính nể.

           

Tôi quen Bạn Bắp khá muộn màng. Là quen trong trường hợp khá buồn cười khi trước đó chưa hề biết Anh qua blog: Uyển Văn ở Trà Vinh lên, ít thời gian nên muốn gom bạn bè họp lại một lần và Bạn Bắp- như một người Anh lớn- chủ động đứng ra gọi mời. Tôi nhận được mess “kêu ăn nhậu” là bao giờ cũng tí tởn nhận lời chẳng chút phân vân người gọi mình quen hay lạ (chắc đến từng này tuổi, tôi không lừa ai thì thôi, chứ ai thèm lừa tôi, nên tôi tự tin thấy ớn!). Đến lúc gặp, mới hay, những gì mình tưởng tượng về Anh hòan tòan đổ sụp. Ở bữa nhậu ra về, tôi vội vàng chạy ùa vào nhà Anh tìm hiểu, tìm nhưng do không hiểu nổi, nên lặng lẽ quay ra, cho đến một ngày Anh Em phát hiện ra mình biết tin tức về nhau quá muộn thế là Anh accept tôi. Vào nhà Bạn Bắp, thích nhất là những câu note khi dài, khi ngắn. Lúc đơn giản, nhẩn nha, như người thợ cày  ngồi thong dong gặm bắp ngô non, lúc lại sâu sắc và chứa nhiều thông điệp làm tôi bàng hòang. Tôi biết, Bạn Bắp không thích “dạy đời” ai, dù sự từng trải nơi Anh ở cuộc đời này cho phép Anh có thể làm điều đó mà không ai dám bắt bẻ. Nhưng Anh không muốn dạy, Anh chỉ muốn chia sẻ những bài học từ những năm tháng tuổi tác đi cùng cuộc đời của mình, trong đó, có nhiều năm tháng tham gia chiến trận. Một cuộc chiến mà chắc có lẽ Anh đã nhiều lần cọ xát và đôi khi đối mặt với cái chết, từ đó Anh đã nhặt nhạnh ra những bài học để sống an vui. Người đọc Anh đôi khi trả lời tếu táo ba lơn, đôi khi “ngộ” ra rất nhiều điều để “giác”, đôi khi giật mình, song tôi tin ai cũng ghi nhận nơi Anh một sự chân thành. Và không chỉ chân thành trong note, trong các entry Anh viết cũng vậy, cũng đầy sự chân thành… nên nhà Anh lúc nào cũng rộn ràng tiếng nói cười vào ra của bạn bè tứ xứ. Nó ấm áp như tấm lòng của chủ nhà.

            Dạo gần đây Bạn Bắp hay làm thơ. Những bài thơ mà có lẽ Anh giấu chúng vào một “ngăn kéo lòng” lâu lắm rồi. Nay gió giao mùa thỏang nhẹ, không khí cuối năm, cuối tháng, cuối…mùa kéo chùng lòng nhiều người lãng đãng, cái ngăn kéo ấy nơi lòng Bạn Bắp bật tung. Anh thỏa thuê nhắc về một gương mặt con gái ( mà cũng có thể nhiều gương mặt) khi thì rõ ràng, khi thì mờ ảo, một gương mặt gắn với những miền đất Anh từng qua. Khi qua trong hòa bình, khi bắt đầu ra trận… Gương mặt “người con gái đến từ hôm qua” ấy, nhiều khi lại gắn với những ngày tháng Anh từ chiến trận trở về. Chiến tranh thì đau xót và mất mát. Gương mặt (những) người con gái trong thơ của Bạn Bắp cũng hơi thiếu vắng nụ cười. Nó bàng bạc những dự cảm bất an về những người con trai vô tư với “đường ra trận mùa này đẹp lắm”dường như không biết điều gì đang đợi mình nơi phía trước:

Có một ngày ra trận mùa Đông

Xanh ngăn ngắt lúa đương thì con gái

Có những  bức thư tình viết vội

Tiểu đội bó tròn quăng xuống đường xe. . .

            Những  người con trai trên những đòan xe hối hả lao về hướng tiền phương, thật ra, họ không vô tư như ta nghĩ, vì họ biết, phía trước đó sẽ không còn chỗ dành cho sự lơ đãng,  và những nỗi niềm riêng tư nào đó, nếu có, cũng phải đậy điệm, giấu kỹ, bởi “súng đạn không đùa với khách thơ”:

...Em đi  về phía ấy ngày xưa

Nơi chống chếnh dấu chân người ở lại

Nơi anh có một mùa Đông và người con gái ấy

Ở  phía sau mình như một đức tin...

            Tôi đã từng học, từng đọc, từng thấy nhiều người đặt niềm tin vào những điều kỳ lạ nhất khi họ phải đối mặt với thử thách, nguy nan. Niềm tin là một thứ tâm linh không lý giải. Không thể giải thích “vì sao tin?” mà chỉ là “tin thế thôi!”. Nhưng người lính Ngô Đồng không mang niềm tin của mình vào trận, Anh gởi lại nó nơi đồng chiều cuống rạ quê hương, gởi lại nơi mảnh đất mà những gương mặt phụ nữ Mẹ Anh, Chị Anh bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để Cấy cho tương lai từng nhánh nhọc nhằn . . . Và kỳ lạ nhất, anh gởi Niềm tin của mình vào dáng hình một người con gái. Tin chắc rằng cô ấy sẽ gìn giữ cho mình…

            Chiến tranh – khi nhắc đến nó- là người ta nhắc ngay đến người lính. Bởi một đằng là sự đẩy đưa, còn một bên là người tham dự. Chiến tranh chưa bao giờ là một đẩy đưa may mắn, bởi người tham dự nào cũng biết du mình vào nó là tham gia vào một canh bạc mà phần thắng bao giờ cũng ở phía Thần Chết. Người lính Ngô Đồng biết rõ, những người lính như Anh biết rõ khi viết những “bức thư tình quăng vội xuống đường xe” cũng là bởi họ không muốn nuôi hy vọng mơ hồ cho bất cứ ai, và không cho cả chính mình. Nhưng có lẽ, trong sâu thẳm lòng, họ cũng muốn, từ trong hoang tàn và đổ nát, chiến tranh sẽ trả họ về cho Mẹ, cho Chị, và cho cả Em… trả về để họ lại được tiếp tục gánh vác những gánh nặng đời thường mà từ trước đã san vai cho những người phụ nữ mỏng manh yếu ớt. Trả về để trong những góc quê hiền hòa, thanh bình, yên ấm, họ tìm lại những gương mặt con gái từng “đi về phía mùa Đông” để làm cho ngay  lửa đốt rạ rơm trên cánh đồng mùa Đông thắp thơm vào ký ức…”. Những gương mặt con gái nắm giữ Đức Tin của người ra trận vì chính sự đợi chờ của mình…

            Tôi không đủ lời và hình như cũng không có năng khiếu bình thơ. Tôi cảm nhận bài thơ rất hay, rất rưng rưng này của Bạn Bắp  từ góc khuất của một người đã từng đóng vai “chờ đợi”. Dù sự chờ đợi của tôi không sánh bằng một góc sự chờ đợi mà Bạn Bắp nhận được từ Đức tin phía sau lưng Anh. Mặc dù sự chờ đợi của tôi có đích đến và đã đến, và dù người tôi chờ đợi đang rất bình an đâu đó trong sự chờ đợi của tôi. Nhưng tôi vẫn hiểu, sự chờ đợi nào cũng là mòn mỏi, mà nó chỉ có thể tươi xanh trở lại trên cánh đồng thơ mà Bạn Bắp dày công tưới tắm cũng bằng ký ức và nỗi nhớ của mình…

            Thơ của một người chân thành là vậy. Chân thành với những gì mình có và cả những gì mình nhỡ để tuột tay. Nhỡ, vì như tôi đã nói, chiến tranh là một du đẩy rất kinh hòang…Nhỡ, vì có thể, Mùa Đông năm nào cũng đến, có nghĩa là nỗi nhớ năm nào cũng se sắt nhay lòng… nhưng người gầy dựng Đức tin cũng “nằm lòng” câu sấm:

Ta theo em về với mùa Đông

Thầm mang chút ấm cho người phía ấy

Mắt em sẽ lại long lanh , má sẽ hồng trở lại

Và ta lại đón em về từ phía mùa Đông . . .

Phải không Bạn Bắp?