CỔ TÍCH...
Tôi sắp bắt đầu kể cho các bạn nghe một câu chuyện cổ. Tôi đã nhìn thấy nhiều bạn mỉm cười. Cười, bởi có lẽ, ai lại đi kể cổ tích vào thời đại mà mọi tiện nghi điện tử đã làm cho những điều kỳ diệu tâm linh ở trên đời này như không còn hiện hữu. Cười, bởi ai lại đi kể cổ tích cho những người hoặc giả không còn tin vào cổ tích, hoặc giả mải chạy theo những tân kỳ hiện đại đã không còn thời gian dành cho chút mơ màng nào, phải không Bạn? Nhưng, trong những điều tưởng như viển vông đó, trong không khí đã nhẹ đi vì những quệt mưa nhiệt đới tìm về, một thứ thời tiết nhẹ mênh mang như Mùa Thu, tôi vẫn muốn kể cho các bạn nghe một câu chuyện cổ, và kể với hy vọng rằng: Nếu tôi có niềm tin và thật lòng tin vào điều gì đó, tôi nhất định sẽ truyền được niềm tin đó đến cho mọi người... Các bạn thân mến, chuyện cổ nào cũng bắt đầu bằng hai chữ " Ngày xưa" ( Ngày xưa có mẹ- Thơ Thanh Nguyên)
Khi con biết đòi ăn. Mẹ là người mớm cho con từng muỗng cháo.
Khi con biết đòi ngủ bằng tiết tấu. Mẹ là người thức hát ru con.
Bầu trời trong mắt con ngày một xanh hơn. Là khi tóc Mẹ ngày một thêm sợi bạc.
Mẹ đã thành hiển nhiên như trời đất. Như cuộc đời không thể thiếu trong con.
Nếu có đi một quả đất tròn. Người mong con mỏi mòn vẫn không ai ngòai Mẹ.
Cái vòng tay mở ra từ tấm bé. Cứ rộng dài khi con trẻ lớn thêm.
Mẹ là người đã đặt cho con cái tên riêng. Trước cả khi con biết bật lên tiếng Mẹ.
Mẹ! Cái tiếng gọi mà từ khi bập bẹ
Đến lúc trưởng thành vẫn không hiểu hết chiều sâu...
Bạn bè thân mến! chúng ta đã là những người khôn lớn, trưởng thành. Mải chạy đuổi theo công việc, bạn bè, chắc Bạn cũng như tôi, chẳng có lúc nào kịp ngồi lại với chính mình trong một câu chuyện cổ. Chúng ta không nhận ra mình cũng từng có một tuổi thơ, và cũng chính chúng ta đã tự mình viết lên những dòng cổ tích: Dòng cổ tích bắt nguồn từ bầu sữa mẹ, dòng cổ tích viết từ tao nôi thưở lọt lòng. Nếu có thể, chúng ta hãy ngồi lại bên đường đang rong ruổi để soi mình một lần vào đôi mắt Mẹ, chúng ta sẽ nhận ra sông dài biển rộng là đâu? Chúng ta sẽ nhận ra ta không chỉ lớn lên cùng bát cơm Thánh Gióng, lớn lên từ nồi đất Thạch Sanh mà ta đã lớn lên từ tấm lưng còng của Mẹ, lớn lên trên mái tóc ngày mỗi bạc đi của Người. Cổ tích đi ra từ nhân gian, từ chính chúng ta, vì vậy xin đừng quên lãng nó:
Mẹ! có nghĩa là bắt đầu, cho sự sống, tình yêu, hạnh phúc.
Mẹ! có nghĩa là duy nhất. Một bầu trời, một mặt đất, một vầng trăng.
Mẹ chưa sống đủ trăm năm. Nhưng đã cho con dư dả nụ cười và tiếng hát...
Cái bóng dáng nhỏ gầy của Mẹ lặng lẽ bên ta trong suốt cuộc sống này, có lẽ là cái bóng vị tha và mênh mông nhất. Vị tha và mênh mông trước những vô tình và hờ hững của người trú ngụ. Vị tha và mênh mông đủ để dung chứa mọi vô thủy, vô chung. Và cổ tích là như vậy, là bắt đầu và có kết thúc, là hạnh ngộ và chia xa. Là những gởi gắm về nhiều thông điệp:
Chỉ có một lần Mẹ không ngăn con khóc.
Là khi Mẹ không thể nào lau nước mắt cho con.
Là khi Mẹ không còn...
Hoa hồng đỏ từ đây hóa trắng...
Chuyện cổ tích nào hình như cũng có hậu, có khép lại và có mở ra. Có những đọan buồn và có những khúc vui. Đan nhau trong cổ tích mà tôi kể cho các bạn nghe hôm nay cũng là những điều mất đi để mở ra những điều sẽ được. Tương lai của cổ tích là hy vọng và đem đến những điều hy vọng:
Rồi những đứa bé lại chào đời và lớn lên theo năm tháng.
Biết bao người được làm Mẹ trong ngày.
Tiếng trẻ thơ ngân nga gọi Mẹ trên quả đất này.
Thành thanh âm không thể nào vắng lặng...
Có thể câu chuyện cổ tích mà tôi mạn phép kể cho các bạn nghe ở đây rất không phù hợp. Song, như đã nói, vì tôi tin vào những điều nó gửi gắm, do vậy, cũng tin rằng các bạn sẽ đón nhận nó như tôi. Đón nhận để thấy luôn một điều rằng: Lưng Mẹ ta sẽ bớt còng đi, mái tóc sẽ chậm bạc hơn không phải vì chúng ta sẽ mang về cho Người tiền bạc hay danh vọng. Càng không phải do chúng ta mang đến những lời ngợi ca, những câu xưng tụng sáo rỗng, hời hợt. Mà chính là hình ảnh chúng ta đang mỗi ngày lớn lên cả về hình vóc, trí tuệ lẫn tâm hồn. Là chính chúng ta trong cách sống lương thiện, thảo ngay với mọi người chung quanh.
Vì lẽ đó, chúng ta hãy cố gắng giữ mãi trong tâm hồn mình một hình ảnh, một dáng vẻ, một biển trời về Mẹ của tất cả chúng ta. Xin hãy cùng tôi, hình dung một ngày nào đó, chẳng may hành tinh xinh đẹp này của chúng ta vắng hẳn đi không còn những tiếng gọi thân thương từ miệng của trẻ em hai tiếng Mẹ ơi!
Mẹ! có nghĩa là ánh sáng. Một ngọn đèn thắp bằng máu con tim.
Cái đốm lửa thiêng liêng. Cháy trong bão bùng, cháy trong đêm tối.
Mẹ! có nghĩa là mãi mãi. Là cho đi không đòi lại bao giờ.
Cổ tích của những ai còn mẹ là : " Ngày xưa có một cô công chúa hay một ông vua..."
Cổ tích của con là : "Ngày xưa có Mẹ!..."
Tôi cho rằng câu chuyện cổ này sẽ không bao giờ kết thúc. Bao giờ cũng là câu chuyện cổ đẹp nhất trong mọi chuyện cổ. Ở đó, nó cho tất cả chúng ta một bóng mát để quay về. Phải thế không các bạn?