Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Entry for 29 April, 2012- Nhắc mình là chính...

Muốn người như mình, muốn mình như người…

            Cách đây một bữa, tôi giăng một cái note để muốn cảm ơn Chị- người luôn kiên nhẫn với nhiều “thói xấu” của tôi, đặc biệt, thói hay “nói xấu” người khác bằng huyên thuyên câu chuyện “càm ràm”- nhưng Chị không vào mul được để đọc.  Tôi thiệt muốn nói nhiều hơn một cái note, để cảm ơn Chị về những lúc tôi “lên cơn” và Chị là “nạn nhân cơn cuộc”. Hic, những lúc đó, Chị nghe, kiên nhẫn gật, bình tĩnh lắc… và cuối cùng nói: Mập, em hay giận quá… chi cho khổ vậy… Chị tưởng mình khó tính vậy, thì chắc sẽ khó tha cho ai… nhưng nghe những chuyện của em, Chị mừng thấy mình thuộc diện dễ buông bỏ… mà không buông thả ( Hehe, câu này là thim vào đặng …ghẹo Bạn May)… và tôi, trong những ngày vẫn còn ho thắt họng; vẫn ngầy ngật với nhiều cơn sốt lui, tới; vẫn bừng bừng với những báo cáo mèo nhiều hơn cọp này…tự dưng muốn nhìn lại mình…

 

          Mỗi người có cái tạng riêng… tôi luôn biết như thế, vậy mà không hiểu sao, cứ luôn … phùng mang, trợn mắt lên …tranh cãi khi thấy…người ta khác mình. Nhiều khi cái khác đó của người ta không hề đụng chạm gì tới mình, tôi cũng…bực. Tôi kể Chị nghe, Chị cười mà rằng: May mà cấp chức em nhỏ híu, chớ nếu em làm to to, mà em lại hay “la làng” và bị “làng la” lại như mấy tuần nay, thì e là …nhiều tòa báo phải …dzăng hết BBT chứ không riêng… Và Chị ngừng lại…Tôi ngạc nhiên nhìn lên, Chị cười tiếp: À không, thì cũng là một phong cách “lãnh đạn” của người ta. Chị mới nói em, giờ lại “sa trúng cám dỗ”… hai Chị em cùng cười, tôi nghe trong tiếng cười của Chị có chút chi chua chát. Và nghe trong nụ cười của mình có nhiều cái …ân hận mà không biết làm sao. Sáng nay lên trường, tìm cái mẫu báo cáo định làm không thấy, gọi điện gắt ầm em văn thư. Đến lúc tìm thấy, ngồi tới hơn 10 phút lặng đi, mới nhấc nổi cái điện thọai nặng khỏang 100 gram để “có lời nói lại và xin lỗi em”. Nghe em rối rít “không có gì, không có gì” càng ngượng. Chắc buông máy rồi, trưa nay em …hông ăn cơm nổi. Vì hông hiểu Bà Mập hôm nay ăn trúng cái gì mà…biết xin lỗi… hic! Chỉ có tôi về ăn cơm trưa có đậu hũ chiên chấm mắm tôm chanh, co canh thuôn thịt bò đơn giản mà nghe ngon như…cơm vàng cơm bạc. Thì ra, biết lỗi và biết xin lỗi làm mình thanh thản dường này, sao mình không biết sớm hơn ta?

 

          Tôi đâu giống người ta, tôi luôn luôn tự nhủ mình như vậy, để tránh làm mình khổ thêm vì những câu hỏi kiểu như: Tại sao người ta thế này mà mình lại thế kia?  Hay sao người ta thế mà mình… không thế? Mà không  được. Tôi nhận thư là trả lời liền, tôi đi chơi là đến sớm nhất và về trễ nhất, tôi thích là nói thích và ghét là nói ghét…bịnh là …than liền liền, hehe! Ấy vậy, mà viết thư cho ai thấy được trả lời liền hoặc … chờ lâu không thấy trả lời, là đều….nghĩ xấu, kiểu như: Hic, chờ thư mình mới viết lại, hoặc có thư mình mà hông trả lời… đi chơi thấy ai tới sớm hơn mình, là tôi nghĩ sao người ta …rảnh vậy? Hôm nào phải bỏ cuộc chơi sớm hơn người khác là có cảm giác mình … bị tuột …đẳng cấp. Nhiều khi gặp ai đó mình không thích, thấy việc trái tai gai mắt mà nụ cười cũng cứ trơn tuột và đưa đẩy. Thấy mình bịnh hơi bị lâu, là bắt đầu …nghĩ dại, hic! Giằng buộc mình như vậy mà đòi “thân tâm an lạc” thì chẳng biết kiếp nào tôi mới “tự giáo hóa” được mình.

          Sang nhà chị TTM, được xem một pps cực hay về lẽ “buông bỏ”, về cái sự “ thiên đình không buộc, hạ giới lại giăng dây”, làm Tôi chợt nhớ đến Thầy Tĩnh Niệm, ông thầy tu – một hiền sĩ đích thực, trước là bạn mình, khi thấy tôi hừng hực “sân si” quá, đã phải ban cho một câu:

Muốn người như mình, muốn mình như người…

Là nguyên nhân của những buồn phiền bất như ý.

          Nhớ lúc mới nhận được câu này, đã cười cợt tếu táo cùng Thầy: buồn phiền nào thì cũng là chuyện chẳng đặng đừng, chớ làm sao như ý đựơc, bạch Thầy! Chẳng lẽ người ta nói hôm nay tôi buồn …đúng ý tôi quá? Nhớ lúc đó Thầy cười rất nhẹ, lại nhớ lúc đó, “tiểu nhơn đắc ý” tưởng đã “giăng dây” được bậc chân tu.

          Giờ thì chẳng biết Thầy đang phiêu du nơi am nào, cốc nọ? Cũng là một đấng tu hành khác lạ. Cứ vào chùa lớn trụ trì là bịnh lên bịnh xuống, nhưng đến am nhỏ, cốc xa, càng vắng, càng nghèo, thì đường tu lại trở nên khỏe khoắn. Mong cho hạnh duyên run rủi, gặp lại được Thầy để bạch rằng: Bẩm Thầy, giờ thì tôi đã hiểu! mọi trầm luân trên đời mà ta đắm đuối đều là tự ta mà ra, từ ta mà vào, nơi ta mà đến… rằng giá ngộ thấu nụ cười ngày ấy của Thầy sớm hơn, có đâu nay tôi hay…mếu thế này… hic!

  

Nguồn ảnh: Scon- chụp Mùa Xuân Seoul 2012

 


Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Entry for 19 April, 2012 - Chơn dung Mập M trong mắt Chuột Siêu W ậy!

Tôi kể chuyện mình đi mần hay wạu, chỉ có đi chơi là dzui dzẻ phan phái. Em Chuột Siêu Wậy bèn...

Xì trum Mập

 

 


Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

Entry chiều Tháng Tư - Mùa An bình...

 

Ai đi đâu đấy, tôi về đây…

Ừ là mỏi mệt…

          Theo đúng nghĩa đen của hai từ mỏi mệt. Người thì mỏi mệt bởi công việc như Chị Ba lầu đỏ, như May, như chị Gió, như tôi - Mập M… người thì mệt mỏi với những đa đoan tự thân như bạn Phương Nguyên, như bạn Suối của tôi. Không chỉ mỏi mệt… những cơn bệnh thời tiết góp phần tước luôn chút đề kháng còn lại… Chị Ba Lầu đỏ hét lên: Đi xả stress đơiiiii! Và một kế họach hòanh tráng ra đời nhằm kỷ niệm 1 năm Mỏm Đá Chim vui quá chừng năm ngóai…

 

Ừ là rã rời…

          Xăng xái tới cùng chỉ có Chị Ba Lầu đỏ, có Suối và … Phương Nguyên. Giờ chót, những người cùng… bận như May, như chị Gió, như …cả tôi - Mập M… nhao nhác cho cái gọi là …chức phận. Chị Ba Lầu đỏ thở dài rất sâu ( Chị thiệt tử tế quá đáng, chớ như tôi là tôi đã hét tóang lên cho công sức gầy dựng…độ của mình òi), than thở vài câu cho phải đạo…tám, rồi lên … phương án 2: thôi không đi biển theo Mẹ Âu Cơ được vào tháng 3 Giỗ Tổ, thì ta …khẩn hoang cũng là một cách…về nguồn. Tôi, trót làm bể sô một lần, lần này dù có thêm cơn bệnh quật lên quật xuống tơi tả 2 tuần, cũng ráng nín thinh mà theo kế họach. Không phải tôi nể Bạn, thương Chị Ba, một phần thôi, cái chính là ngay tôi cũng cần quá chuyến “tương phùng” này… nghe đồn, có một “cố tri” cũng  theo chưn Bạn lòng Phương Nguyên từ An Giang,  nhưng bươn từ Rạch Giá lên. “Cố tri” này gợi nhớ chuyến đi Châu Đốc- Hà Tiên vui nổ trời năm ngóai… với nhiều sự đắm đuối… ngòai dự kiến… mà tôi là người ham thích chuyện…hình sự ly kỳ, nên dẹp mọi bệnh tật để hô to: Khẩn hoang…

Ừ là bên nhau…đêm vắng…

          Bình Quới 1 chiều cuối tuần…đứng gió. Cả nhà hạ trại bên một bờ….rạch nên thơ. Hạ trại vừa xong là một màn đi ….khiêng đồ ăn khẩn hoang về liền liền trước khi … thiên hạ chật căng… Chị Ba Lầu đỏ đánh giá quá cao về khả năng ăn của hội tám, nên cho vé ăn buffet khẩn hoang. Chuyến này cả đòan lỗ nặng vì thiếu mất mấy cái máy xúc như ở MĐC năm ngóai. Và quan trọng là, đêm nhạc trữ tình bị phá sản bởi hệ thống loa “hát với nhau” inh ỏi những bài cải lương, nhưng bài tân cổ giao duyên trích đọan. Phá sản còn bởi hội tám quá vắng người. Và còn phá sản bởi người thì ngồi đây mà …điện thọai, tin nhắn thì veo véo về đâu…

 

Ừ vẫn là tình thân…

          Theo đúng nghĩa của hai từ đó. Gặp được bạn bè, nói năm đồng bảy đỗi. Lần này Bậu TW lại đựơc hoan nghênh bởi trình độ trớt wớt tăng level vùn vụt, hem ai cạnh tranh nổi. Lần này Mập M có thêm biệt danh “dây tặc” do định mần thiên hạ “lên tăng xông” khi định bắt chước chưn dài may mấy cái áo hai dây…Lần này, thi nhau nói điện thọai với May đặng chọc cho May bỏ họp đi khẩn hoang mà …lực bất tòng tâm… lần này… biết thêm một cách nhậu mới uống bia bằng…chén, và lần này…đêm nhạc trữ tình cuối cùng cũng đạt được mục đích “trữ tình không nhạc” của nó, đó là “trữ lại tình thân” chờ lần họp sau…

Hén!

 

 

 

 

 


Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Entry Cho Bạn nhỏ Tháng Tư

 

Hương Sen…

          Tôi không rõ vì sao cha mẹ lại chọn tên Hương Sen để đặt cho Em. Bởi trên thực tế, hoa sen tách khỏi đầm sen thì không có hương, mà ngay trong đầm sen, muốn thưởng thức mùi hương của nó, cũng phải đến rất gần, phải đến trong thời tiết Hạ rực rỡ nhất. Tôi – bằng suy nghĩ cạn cợt của mình- cho rằng chọn loại hoa gắn bó với miền đồng đất quê hương đặt tên cho đứa con gái “rượu” của mình và gắn với chữ Hương, chắc hẳn Cha Mẹ thật mong muốn rằng đứa con gái bé bỏng của mình khi khôn lớn, sẽ không chỉ là một đóa hoa đồng nội, quanh quẩn làng quê, mà nó phải mang đến cho đời những lan tỏa nhất định. Cha mẹ chắc cũng mong, đứa con gái ấy đằm thắm dịu dàng như Sen, kín đáo như hương của loài hoa ấy và có sức sống mãnh liệt của một loài cây vươn lên, trưởng thành từ chốn bùn lầy, ao tù nước đọng…

          Quen biết Em chưa đủ lâu, và tôi cho rằng mình cũng chưa đủ thật thân để hiểu về Em như Em vốn có, thậm chí có khi lại hiểu lầm. Nhưng tôi rất trân trọng sự hiện diện bất ngờ của Em trong cuộc đời mình,  trân quý những chia sẻ nhận về từ Em, và hài lòng nhận ra mình ở bên Em cũng không thừa. Tôi không rõ, trên con đường dài trước mặt của tất cả chúng ta, duyên may có cho ta ở thêm đến dài lâu bên nhau hay không? Và sự ở lại bên nhau đó có tốt đẹp như ban đầu hay không? ( Hihi,cũng có lần chưa đẹp hỉ?) nhưng tôi biết, mình mãi mãi trân trọng những thời khắc chúng ta có được bên nhau. Và em cũng vậy, phải không Em?

Đó là lý do viết đoạn entry ngắn này cho sự tìm tòi những bài thơ về Hoa Sen mà chưa gặp của Em…


Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Entry For April -Tôi gọi với chính mình thật khẽ: Bạn ơi...

 

Tình…

Nó chỉ tên thành nỗi nhớ, này Người. Con đường dẫn vào Trường ngày ấy, hoa sao bay như những chú chim con rợp trời, nhớ không, mà sao vẫn đơn lẻ lạ kỳ. Những đôi mắt ngây thơ bỗng ngơ ngác trước vắng tênh bạn hữu. Giờ học rời, Thầy Cô mỗi ngày điểm danh thành tên: nỗi buồn chống chếnh.  Hành lang giờ chơi, thôi không còn ran ríu tiếng chim non…

Tình…

Là những cuốn lưu bút chuyền tay nhau rất vội, rất thương, phải không Người? Trang giấy nào cũng tím ngát những dự báo chia ly. Cây điệp già góc sân trường, Bác lao công già nhẫn nại, Bà tạp vụ hiền lành… một ngày không ngờ bỗng trở thành những gợi nhắc khôn nguôi của những đứa học trò xa xứ. Những đứa học trò một sớm mai thức dậy, giữa tháng tư mà lạnh cóng mùa Đông, nhận ra xa xôi là thật. Nhận ra ngày hôm qua, Trường hôm qua, Thầy Cô và bạn bè hôm qua đã mãi mãi là ký ức. Nhận ra, con đường nhiều lá hôm nay mình đi, không có bóng bè bạn đứng chờ…

 

Tình…

Và nó là cái gọi ta trở về, Người nhỉ? Về, không phải để tìm lại hôm qua, mà là để điểm danh một lần nữa những chất chứa trong lòng ta suốt dọc đời khôn lớn. Những chất chứa giờ không là dấu hỏi, ta để nó trang trọng trong một dấu ngoặc kép giữa cuộc mưu sinh dời biến khôn lường. Những chất chứa giữ cho ta một Nẻo về có tên, có tuổi, có dáng hình, được gọi bằng Nẻo nhớ. Ta không là người lạ với chính mình hôm qua, càng biết chắc mình không là người lạ với mọi người hôm nay và ngày mai…

Tình…

“…là trang giấy trắng viết câu hò hẹn…”,  là điều ta biết chắc “…vẫn đẹp, dù không dang dở…”

 

Lời mãi xanh: Bạn về, tất bật nhiều công việc, chúng ta gặp nhau đúng hai lần. Một- hôm Bạn về. Và một- sáng hôm Bạn chuẩn bị đi. Tôi mệt lử sau 2 tuần quay với công việc, lơ mơ đưa Bạn đi ăn sáng ở quán gần nhà. Câu chuyện rời rạc, bởi, Bạn nói 10 câu mà dường như tôi chỉ nghe được 2-3. Khi Bạn chào Bố Mẹ tôi ra về, đã khóc và nói: Con thành người lạ với bạn mình mất rồi, Bác… tôi đứng ngay đó mà vẫn lơ ngơ. Đến tối, sau một ngày ngủ vùi, trong bữa cơm nghe Mẹ kể lại cho cả nhà nghe chuyện của Bạn, tôi thấy chới với và buồn muốn khóc… là tôi ư? Là tôi… nên viết entry này thay lời xin lỗi Bạn, dẫu biết, có lẽ đã quá muộn rồi…

 

 


Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Entry for 05 April, 2012 - Thay lời muốn nói... mà mắc cở! hic!

Khi tháng 4, mệt nhòai…

          Tôi biết đâu đó, cả gần và xa có Người – không chỉ một mà hai, ba, thậm chí nhiều hơn số đó – chắc lưỡi hít hà vì lo. Không chỉ lo cái mệt sẽ kéo tôi lao đao. Mà lo vì nhiều khi e tôi vin vào cớ mệt để …cáu. Họ nói: Mập đã xấu nhiều bề… đừng làm chuyện “em xấu nhiều hơn trong mắt Anh”, hehe! Và khi thấy tôi vẫn tỉnh bơ…xấu, cái lo của Họ tăng theo cấp số nhân, Họ quýnh quáng tìm cách chặn nó lại. Một cái gói gì đó hồng hồng chẳng hạn, Họ tin rằng, người mạng kim như tôi, thấy là mắt sáng lên…

 

Khi tháng 4, bực bội…

          Tôi biết đâu đó, cả gần và xa có Người – không chỉ một mà hai, ba, thậm chí nhiều hơn số đó – sẽ cau mày bực theo. Không chỉ lo cái bực sẽ kéo tôi làm bậy. Mà lo vì nhiều khi e tôi vin vào nhiều cái bậy để …bực. Họ nói: Mập đã tệ nhiều bề… đừng làm chuyện “nguyện ngã xuống để nâng người khác lên”, hehe! Khi thấy tôi vẫn tỉnh bơ…tệ, cái bực của Họ nhồi theo hình sin, và Họ tìm cách uốn ngay nó lại. Họ nghĩ kẹo bánh, hạt quả đóng gói khô và đặc biệt những thỏi chocolate Phục Sinh có lẽ sẽ làm một đứa ham ăn như tôi, tự dưng hết…bực, và thế là…

 

Khi tháng 4, từa lưa…

          Tôi biết đâu đó, cả gần và xa có Người – không chỉ một mà hai, ba, thậm chí nhiều hơn số đó – sẽ bồn chồn…theo. Không chỉ bồn chồn vì e những điều từa lưa sẽ khiến tôi húc bừa. Mà lo vì biết tôi hay lợi dụng những từa lưa đó để nhậu tè le. Họ nói: Cái bao tử của Mập 1/3 đã chuẩn bị … làm phá lấu. Chỉ còn 2/3 để “ăn cho lại với đời”, đừng tự nguyện “hiến cho thần ve chai” nữa, hehe! Khi thấy tôi vẫn tỉnh bơ…cống hiến, cái bồn chồn của Họ sôi lên như nồi phá láu được nước, và Họ tìm cách làm nguội nó lại. Họ nghĩ ở cái xứ sở nhiều sâm đó, ắt những viên thuốc “linh chi ngàn năm” có thể giúp tôi giã rượu nhanh… và bất chấp gió cuối đông vẫn…từa lưa thổi, họ chạy tìm mua thứ thuốc chữa tè le cho tôi…

          Tôi ôm về những lo, những bực, những bồn chồn của Người Thiên Hạ, nhẩm tính thấy mình “xấu nhiều tính” mà được yêu… thì hay là “nên xấu nhiều thêm” hehe!


Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

Entry for 31 March, 2012 - Bạn hỏi riết, thôi đành...

         Đời vẽ tôi tên Mục đồng…(*)

Nói hay viết về một người nổi tiếng là rất khó. Khen thêm,thì giống như mình là người “té nước theo mưa”, bằng nói những điều chưa hay về họ, hay chưa hay về những gì liên quan, thì ngay lập tức có thể sẽ bị hàng ngàn, hàng vạn đám đông ái mộ giận dữ “ném đá”. Cùng một tâm thế như vậy, viết hay nói về một “huyền thoại” lại càng khó khăn gấp ngàn lần hơn . Người đã trở thành một huyền thoại không cần được tụng ca thêm , bản thân họ đã quá dư thừa điều đó,và nhiều khi( không biết có không) họ lại rất muốn có một lúc nào đó mình thôi không  là huyền thoại nữa ,là một người bình thường ,  được thiên hạ quên lãng để có chút  bình yên …

Tôi viết những dòng này trong suy nghĩ như thế về  Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, khi hân hạnh có được tấm vé mời dự đêm nhạc tưởng niệm ngày mất lần thứ mười một của Anh tại Khu Hồ Bán Nguyệt - Phú Mỹ Hưng đêm 31/03/2012. Đã được đi dự chương trình này nhiều lần, song lần nào cũng vậy, tôi đến để thấy hình ảnh Người nhạc sỹ và âm nhạc của Anh trú ngụ nơi cõi người nhiều biển dâu này sâu sắc đến thế nào. Khi một  bài hát được ca sĩ cất lên, không chỉ một mà rất nhiều người lẩm nhẩm hát theo. Họ tìm thấy khi là chính mình, khi là cuộc đời mình, khi là tâm trạng mình trong những ca từ của Trịnh. Tìm thấy và nhận lấy những chia sẻ cho gánh nặng kiếp người mà họ trót mang. Những người đến với đêm nhạc này không để tìm kiếm sự hoành tráng , để được no mắt với những kỹ thuật minh họa tân kỳ …Người ta đến với đêm nhạc này đơn giản chỉ để nghe lại những giai điệu của một thời tuổi trẻ.Thời mà người ta cùng chịu đựng chung với nhau những vất vả , những điêu linh , những trăn trở và nhiều khi bế tắc đến tột cùng …Người ta đến khi tuổi không còn trẻ nữa để nhận nơi những nhạc phẩm của Trịnh những chia sẻ , cảm thông .Đến còn để gặp nơi những ca sĩ tham gia chương trình sự hết mình , ngẫu hứng và tràn đầy chất cống hiến thật đẹp-những biểu hiện không có bóng dáng của sự kinh doanh len lỏi vào. Người ta đến còn vì Người Nhạc Sỹ đã  ra “đi bỏ lại con đường” 10 năm qua nhưng sao bóng dáng Anh vẫn còn hiện hữu quá rõ nơi trần gian “ở trọ” này …

Khán giả thì tuyệt, nhưng chỉ tuyệt ở thái độ cảm thụ âm nhạc Trịnh Công Sơn. Bên ngòai thái độ đó, còn phải bàn nhiều lắm đến một “văn hóa đám đông”. Văn hóa đó thể hiện ở chỗ, những hàng ghế đã đựơc ban tổ chức sắp xếp, khi cần, người ta xê dịch nó, phá hàng để lấy cho mình chỗ ngồi thuận tiện nhất. Bất kể, đó là chỗ dành cho đường đi, mà khi cần, ngay chính họ cũng không thể đi ra vì vướng víu. Văn hóa đó còn ở chỗ, khi tan buổi nhạc, cả một ngọn đồi mênh mông đầy những rác là rác. Những bao giấy quảng cáo của hãng sữa, cố tình nhét thêm vào một đĩa CD chả hiểu nội dung gì được vứt lại, những chai nước suối, những cài ghế gỗ… văn hóa còn ở chỗ, một số người trẻ không có vé, lợi dụng đám đông trên cầu, chen ngang vào hàng sóat vé…và thóat. Văn hóa còn ở chỗ, nhiều bạn đã mất điện thọai, tiền, vật dụng cá nhân một cách không ngờ nhất…

Và điều cuối cùng còn đọng lại trong tôi sau đêm nhạc này đó là…sự nuối tiếc… công đi. Bởi trong 11 lần tổ chức, lần này có lẽ là lần… không được hay nhất. Những bài hát, dù dàn dựng công phu ( những phần hợp xướng, tam tứ tấu… được coi là “làm mới” nhạc của Trịnh – như trong họp báo) nhưng hình như không chuyển tải hết được cái thần của nhạc Trịnh. Âm nhạc Trịnh Công Sơn - đó là cái mộc mạc trong giai điệu nhưng sâu sắc trong ca từ, là một thứ “âm nhạc nhân dân” chói lọi nhất được nhân dân đón nhận và đi vào nhiều ngóc ngách đời sống nhân dân mà không cần “bày binh bố trận”, không cần “sơn son thếp vàng”. Mạch của những bài hát Trịnh suốt trong chương trình đêm này, không gắn kết được với nhau như một dòng chảy xuyên suốt. Đã vậy, không hiểu cố tình hay vô ý, phần kỹ thuật trình chiếu lại đưa ra quá nhiều hình ảnh của một người thân cùng với Cố Nhạc Sỹ. Nhiều đến độ, tôi thấy nó giống như một “liveshow ẩn” trong một đêm mà nhạc Trịnh – đáng lẽ là chính, hình ảnh của Anh Sơn đáng lẽ là một chủ đề xuyên suốt, thì lại hơi mờ đi, nhạt xuống để tôn lên một gương mặt khác. Đó là một màn trình chiếu mà bằng suy nghĩ riêng của mình, tôi cho rằng nó vừa thô thiển, vừa thiếu đi cái tình ruột thịt thiêng liêng Anh Em, mà nếu không muốn nói nặng, nó giống như một sự lợi dụng.

Thôi thì, để tổ chức một đêm nhạc như thế, sự dụng công và ý tốt đối với công chúng yêu âm nhạc Trịnh Công Sơn và luôn mến mộ con người Anh là điều không thể chối cãi. Lời cảm ơn chưa được thốt ra cho trọn mà đã xen nhiều trách móc, dường như có điều không phải. Song, hãy để  “Đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn” hằng năm trở thành một “di sản văn hóa” đặc thù của thành phố này. Và trở thành một địa chỉ văn hóa ngày một sang trọng hơn… Hòang Tử Bé của âm nhạc Việt Nam, xứng đáng được như thế…

 

P/s: (*) Lời nhạc Trịnh Công Sơn

Nguồn ảnh: Gioheomay.