Cô con gái ngỗ ngược-Võ Diệu Thanh
( Tập truyện ngắn đạt giải II- Văn học Tuổi 20 năm 2010)
Tôi tới giờ vẫn là “cô gái” dù đã hơi già, đã vậy, tóc lại muối tiêu mà phần muối e là đã mênh mông hơn phần tiêu. Đến nơi quán xá, nhiều em phục vụ kêu tôi bằng cô, xưng con gọn hơ. Nhưng cứ như quy luật, dù già hay trẻ, thì cứ con gái là hay buồn …vẩn vơ ( Hỏi Mẹ, Mẹ nói: Phụ nữ bận trăm công nghìn việc cho gia đình, rảnh đâu nữa mà buồn!). Tôi không rảnh, nhưng thỉnh thoảng vẫn buồn. Nên khi ba lơn, tôi hay nói với Mẹ vậy Mập là “con phụ”- nghĩa là có ½ con gái – khi buồn và ½ phụ nữ- khi bận. Tôi không rõ mấy cô con gái kia khi buồn, họ sẽ làm gì để “giải sầu”, chớ “con phụ” là tôi, mỗi khi có cơn cớ buồn là tôi lục tìm sách đọc. Chị biết tật của tôi, nên khi cơ quan có sách, Chị hay mua cho tôi cả lốc. Sách của cơ quan Chị là sách đạt giải, trong những lần “buồn trước” tôi đã đọc được hai cuốn đạt giải tư và giải ba, và giờ, khi “buồn sau” kéo đến, tôi tìm đến một cuốn giải nhì. Tôi giải sầu bằng sách, bởi vì khi đọc, tôi nhận ra đâu phải mình tôi “bị buồn”, thiên hạ buồn nhiều hơn tôi và những người viết sách thì không chỉ buồn nhiều, họ còn buồn rất khác tôi. Cái khác rõ nét nhất là qua văn chương của mình, họ thể hiện nhiều kiểu buồn. Có kiểu buồn từ họ, của họ, nhưng có những kiểu buồn là do họ “buồn dùm” nhân thế. Tôi đọc mà phục lăn, bởi ngay khi tôi viết về chính nỗi buồn của mình, tôi thấy sao nó gọn hơ, trơn bóng, không có hình dáng hay góc cạnh gì cả. Trong khi những nỗi buồn của nhà văn, họ viết sao mà “phong đa” ( phong phú đa dạng) quá. Hôm nay, tôi phải đi dự lớp tập huấn về Luật tố tụng hành chính và Luật thi hành án hình sự ( giáo dục học 2 luật này chi nhỉ- chắc là do vô giáo dục nhiều quá nên…), sợ mình ngủ gục, tôi phải mang theo một cuốn “buồn phong đa” để đọc. Đọc để mong cầu: Khi nhìn theo cái nhìn của người khác về buồn, sẽ thấy, nỗi buồn của mình là …cái đinh gì?
Tác giả Võ Diệu Thanh sinh năm 1975, kém tôi đúng một giáp, quê ở An Giang. Cô bắt đầu viết văn từ năm 18 tuổi, và hiện nay là giáo viên Mỹ thuật ở một trường Tiểu học. Tôi đồ rằng cái năng khiếu Mỹ thuật và cái năng khiếu Văn chương của Cô chắc rất nhiều lần “xung đột khu vực”. Và tập truyện ngắn Cô con gái ngỗ ngược đạt giải nhì Văn học Tuổi 20 -2010 này là kết quả của những lần xung đột đó. Đây là một tập truyện chỉ có 8 truyện ngắn thôi, nhưng đọc xong 8 truyện, tôi thấy mắt mình nổ đom đóm bởi hàng chục mảng màu sắc lục lam chàm tím, á lục lam chàm tím với nhiều sắc độ đậm, nhạt, vừa, sáng đan nhau như cái nong mốt. Trong phần giới thiệu, nhà văn Lê Văn Thảo có viết “…An Giang “vùng đất dữ”, bối cảnh truyện, sắc thái con người có nét riêng cũng “dữ” như vậy…”. Tôi hiểu chữ “dữ” Ông dùng không phải là dữ tánh, dữ tình. 8 câu chuyện chỉ quẩn quanh, hơi chật bó những người, những đời ở vùng An Giang. Đó là 8 câu chuyện mà người viết gần như chuyên chở bức tranh toàn cảnh vùng đầu nguồn sông Hậu. Con sông Hậu hiện lên qua 8 câu chuyện không cụ thể, nhưng cứ đi qua hết một chuyện, thì hoặc ta nhìn ra cái vâm váp của con sông mùa lũ, hoặc khi ta nhìn thấy tận đáy con sông Hậu vào mùa cạn. 8 câu chuyện là 8 tuyến nhân vật mang nhiều nét dữ, ví như tên say rượu giết người, ví như bà mẹ chồng cay nghiệt, lão hàng xóm dê cụ, anh tài xế ôm thù với chủ…ví như những bà vợ chửi chồng như hát hay…cái dữ của những con người ôm những mối hận lòng không sao dứt bỏ được. Nhưng dù là nhân vật “dữ” , tôi cho rằng cái dữ của họ thiên về sự “dữ dội” nhiều hơn. Cái dữ dội của những số phận người gắn kết, dính chặt với họ không sao thay đổi được. Nó dữ dội đến nỗi ngay chính họ cũng không mang vác nổi và đành tìm cách trút lên người khác. Từ những cái trút đó, những nhân vật-bắt-buộc-hiền hiện ra như một kéo theo ắt có và đủ. 8 câu chuyện không có gì giống nhau, 8 mảng miếng khác nhau, nhân vật khác nhau, thắt mở càng khác. Nhưng khi gấp cuốn sách lại, ta thấy trong mình cuộn chảy liên tục một dòng sông Hậu cuối trời
Tôi không phải là một người viết văn, cũng không dám nhận bài viết này là một bài bình tác phẩm, mà đơn giản chỉ là những suy nghĩ của một người biết đọc văn. Trong cái trân trọng dành cho tập truyện ngắn này của một cây bút nữ vùng An Giang thân thiết, tôi vẫn tiếc: Phải chi truyện ngắn “tự thú của thiên thần” được xếp ở sau cuối thì Sông Hậu trong tập truyện ngắn này trọn vẹn một dòng lưu giang. Cái tiếc nuối của tôi giống như con sông Hậu mùa lũ mang về cho dân Miền Tây nhiều sản vật, nhưng nếu không thể dọng đầy một lu mắm cá linh thì coi như mùa lũ chưa trọn vẹn. “tự thú của thiên thần” bị xếp sớm lên một nấc, giống như lu mắm chưa ngấu đã bị khui ăn… Nên tiếc, An Giang à…
“Cuộc sống này thật phi thường. Nó biến đổi không ngừng lại nóng tính như con thác lớn, hung hăng, táo tợn. Nó thích xô ngã, vùi lấp…tôi đã tốn nhiều nước mắt với nó từ thời năm tuổi cho tới khi thành người lớn. hồi mười mấy, hai mươi tôi thù nó dữ tợn. Tôi nhìn lom lom vào ruột gan nó. Đáng lẽ thấy được một góc tối om, tôi lại thấy cái bụng nó quá quảng đại. Giờ thì có bị nó xéo xắt tôi vẫn tin nó không ác ý. Niềm tin này đã giúp tôi thấy mình rộng lượng hơn cuộc sống- Võ Diệu Thanh”
Còn tôi, đọc những dòng trên để kết entry này, tôi thấy cuộc sống cho tôi có những lúc buồn là do nó quá rộng lượng với tôi…